Độc Thủ Phật Tâm

Chương 85: Hồi 85




Từ Văn chăm chú nhìn Tưởng Úy Dân hỏi :
- Thế thúc! Theo ý thế thúc thì nên làm thế nào?
Lúc này Tưởng Úy Dân đã bình tĩnh lại đôi chút, lão thủng thẳng đáp :
- Trước hết ta hãy làm một việc lớn khác đi đã.
Từ Văn hỏi :
- Việc lớn ư?
Tưởng Úy Dân gật đầu, Từ Văn nói :
- Thế cũng được.
Tưởng Úy Dân trầm giọng nhìn lão tăng mày trắng nói :
- Thiền sư là bậc cao tăng đắc đạo đã mở cửa quan lộ mặt ra ngoài, bọn vãn bối phải hiểu đường tiến thoái đâu dám phản lại ý nghĩa võ lâm không hiểu tôn ty là gì. Bọn hậu bối chỉ xin trong vòng năm ngày được quý tự phúc đáp rõ ràng cho. Bây giờ bọn hậu bối tạm thời xin cáo thoái.
Lão nói xong chắp tay thi lễ rồi dắt Từ Văn trở gót đi ra cổng chùa.
Sau lưng còn tiếng niệm Phật vang lên không ngớt.
Ra khỏi cửa sơn môn Từ Văn không nhịn được lại hỏi :
- Thế thúc! Vị lão tăng mày trắng đó là ai?
Tưởng Úy Dân đáp :
- Lão là đại sư huynh của Chưởng môn phái Thiếu Lâm đời trước. Năm nay lão đã ngoài trăm tuổi pháp hiệu lão là Vô Tướng, sáu chục năm trước lão là tay cao thủ bậc nhất phái Thiếu Lâm. Tính lão rất cổ quái, lão ghét tà ác như cừu địch, người trong võ lâm không ai mà không kính phục, thường truyền tụng lão là thánh tăng.
- Còn việc này nên thế nào?
- Chờ năm ngày sau rồi sẽ tính.
Từ Văn lại hỏi :
- Vừa rồi thế thúc nói có việc lớn phải làm...
Tưởng Úy Dân ngắt lời :
- Phải rồi! Ta cũng vì việc đó mà tới đây, thế muội ngươi cũng tới đó..
Từ Văn sửng sốt :
- Ủa! Hiện giờ thế muội...
- Y chờ ở dưới chân núi vì theo qui củ của Thiếu Lâm đàn bà con gái không được vào chùa.
Từ Văn vẫn chưa hiểu liền hỏi lại :
- Nhưng thế thúc bảo là việc lớn kia mà?
- Hội Vệ Đạo dốc toàn lực tấn công vào Ngũ Phương giáo..
Từ Văn chấn động tâm thần liền hỏi ngay :
- Vào chỗ nào?
- Vì ta đi vô tình gặp được Độc kinh đi quanh đường chạy đến đây, ta chắc rằng Độc kinh có liên quan đến phụ thân ngươi mà còn có mối liên quan đến Ngũ Phương giáo. Mà hội Vệ Đạo sáng sớm hôm nay đã tiến đến sau núi.
Từ Văn hỏi :
- Như vậy hai bên đã tiếp xúc nhau chưa?
- Có thể! Vụ này có quan hệ đến vận kiếp của võ lâm ta cũng là một trong những người bị hại vì thế mà ta muốn đem hết sức mình để giúp vào công cuộc đó. Chẳng ngờ! Hỡi ơi! Hoàng Minh lại gặp chuyện bất trắc.
Lão nói tới đây cặp mắt long lanh ngấn lệ muốn bật lên tiếng khóc, đủ tỏ tình thày trò của lão rất thắm thiết.
Từ Văn nóng nảy vô cùng, bầu nhiệt huyết nổi lên sùng sục. Ngũ Phương giáo chủ là tên nghịch đồ của bản môn quyết chẳng để cho hội Vệ Đạo nhanh chân tới trước. Tuy hai bên chưa dự đoán được cuộc thắng bại song phụ thân và mẫu thân chàng còn ở trong tay bọn Ngũ Phương giáo mà giữa Thượng Quan Hoành với phụ thân chàng cũng có mối tử thù, nếu hội Vệ Đạo mà thắng thì hậu quả khó có thể mà lường được. Chàng thấy rằng bây giờ mới ra đi e rằng chậm mất rồi..
Trong lòng nghĩ vậy hận mình chẳng thể chắp cánh bay tới nơi ngay.
Tưởng Úy Dân đột nhiên dừng bước nói :
- Hiền điệt! Có khi chúng ta đều lầm hết.
Từ Văn ngơ ngác hỏi :
- Lầm ư? Làm sao mà lầm?
Tưởng Úy Dân hỏi lại :
- Có phải ngươi đã nói Hoàng Minh lúc hấp hối có nói mấy câu “Lệnh đường... Độc kinh.. Thiếu Lâm tăng..” không?
- Đúng thế!
- Lúc ta cho Hoàng Minh tìm cách trà trộn vào Ngũ Phương giáo là vì ba mục đích..
Từ Văn hỏi :
- Ba mục đích đó là gì?
- Thứ nhất: tra rõ lai lịch của Ngũ Phương giáo chủ cho biết vì lẽ gì hắn phá hủy tòa viện của ta ở Khai Phong và việc hắn có ý truy sát cha con ta? Thứ hai là khám phá vụ hắn lấy cắp Phật Tâm. Thứ ba là đóng góp vào công việc võ lâm một phần nhỏ mọn.
Từ Văn la lên một tiếng :
- Ủa!
Tưởng Úy Dân nói tiếp :
- Có lẽ Hoàng Minh đánh cắp Phật Tâm nhưng không xong mà lại lấy được Độc kinh đem đi. Cón bốn tên sứ giả kia cùng phe với gã hay biết chuyện đó nên rượt theo, có thể gã sơ hở để Độc kinh lộ ra rồi xảy cuộc tranh cướp nhau. Sau bốn gã kia bị chết vì sờ vào Độc kinh có chất độc, kế đó có đệ tử chùa Thiếu lâm chợt tới rồi thừa cơ cướp lấy...
- Còn cái chết của Hoàng Minh thì sao?
- Bây giờ ta nghĩ ra rồi Hoàng Minh chết về tay bốn tên sứ giả vì bọn chúng đều dùng kiếm. Còn tăng nhân chùa Thiếu Lâm chẳng bao giờ giắt kiếm trong khi qua lại giang hồ. Kiếm thuật cũng không phải là môn sở trường của phái này, lúc nhà sư phái Thiếu Lâm cướp Độc kinh thì Hoàng Minh đã bị kiếm thương rồi mà chưa tắt thở.
Từ Văn gật đầu nói :
- Thế thúc phỏng đoán rất hợp tình hợp lý.
Tưởng Úy Dân ngắt lời :
- Có thể còn một trường hợp nữa.
- Trường hợp nào?
- Hoàng Minh biết mình khó lòng thoát chết liền trao Độc kinh cho nhà sư chùa Thiếu Lâm, đáng tiếc là nhà sư đó đã chết rồi.
- Như vậy cũng rất có lý, nhưng vụ Hoàng Minh lúc hấp hối có đề cập đến gia mẫu thì sao?
Tưởng Úy Dân đáp :
- Có thể gã đã gặp lệnh đường, gã muốn nói những tin tức liên quan đến lệnh đường nhưng gã đã bị kiệt lực không thể nói được nữa. Còn việc Độc kinh cần hơn gã cố thốt được ba tiếng là có ý cho hiền điệt hay nó đã ở trong tay một nhà sư Thiếu Lâm.
Từ Văn ngẫm nghĩ rồi nói :
- Nếu tiểu điệt gặp được gia mẫu thì vụ bí mật này mới khám phá ra được.
Tưởng Úy Dân gật đầu. Từ Văn đưa mắt nhìn ra phía núi xa xa hỏi :
- Thế Thúc! Có đường tắt nào qua sau núi cho lẹ được không?
Tưởng Úy Dân hỏi lại :
- Để làm gì?
- Tiểu điệt muốn đi trước một bước.
- Ngươi không muốn đi cùng với thế muội chăng?
- Tiểu điệt lòng nóng như lửa chỉ sợ gia phụ cùng gia mẫu đã bị hại trong hỏa ngục của Ngũ Phương giáo rồi. Vì thế...
Tưởng Úy Dân ngắt lời :
- Hay hơn hết là vòng quanh xuống chân núi mà đi. Phía trước cũng như phía sau núi đều hiểm trở vô cùng đi lối tắt gần mà hóa xa.
- Nếu vậy tiểu điệt xin đi trước.
- Được rồi, ngươi đi trước đi. À này! Hãy khoan...
Từ Văn hỏi ngay :
- Thế thúc còn điều chi chỉ bảo thêm?
- Cuốn Độc kinh đó trước kia ngươi đã thấy qua chưa?
- Tiểu điệt chưa từng thấy qua. Nhưng thuở nhỏ luyện độc công bao nhiêu khẩu quyết hoàn toàn giống sách này, lúc nãy ở trong chùa tiểu điệt đã coi qua rồi.
- Ta còn hoài nghi một điều?
- Điều gì?
- Ngũ Phương giáo chủ và lệnh tôn dường như hãy còn có mối liên quan với nhau.
- Tiểu điệt cũng nghĩ thế nhưng cái đó chẳng bao lâu nữa sẽ tìm ra sự thực.
- Được rồi! Ngươi đi đi, ta cùng Minh Châu sẽ đi sau.
- Tiểu điệt xin thất lễ.
Chàng chưa dứt lời đã băng mình xuống núi.
Dọc đường chàng thi triển khinh công đến tột độ chạy như bay, hiện giờ mất một giây một khắc đối với chàng cũng tưởng như mất hàng ngày hàng tháng. Nhưng vô luận thế nào thì sức người cũng chỉ có hạn mà thôi, đoạn đường này ít ra cũng phải bảy tám chục dặm dù có nhanh lắm thì cũng phải mất hai giờ mới tới nơi được.
Từ Văn vẫn lo ngại xảy ra chuyện ở dọc đường nên lòng chàng nóng như lửa đốt. Từ Văn đang chạy bon bon bỗng thấy một bóng người lật đật chạy tới bất giác dừng bước lại nhìn xem ai thì là một nhà sư hành cước coi vẻ rất hốt hoảng. Chàng nổi tính hiếu kỳ buột miệng quát :
- Đứng lại!
Người kia dừng bước ngó Từ Văn rồi đột nhiên ngã huỵch xuống đất. Miệng sùi bọt rãi thở hồng hộc như trâu, Từ Văn đoán chừng nhà sư này chạy mệt quá. Tưởng thế rồi chàng không có thì giờ can thiệp chuyện vu vơ liền băng mình toan đi..
Bất thình lình bốn bóng người đang chạy nhanh tới, nhà sư chùa Thiếu Lâm kia gắng gượng đứng lên quay lại ngó một cái rồi cắm đầu cắm cổ mà chạy nhưng mới đi được mấy bước đột nhiên ngã lăn ra.
Từ Văn đột nhiên dừng lại...
Bốn người chạy như bay tới nơi là bốn hán tử áo đen nai nịt gọn àng, chúng vừa rượt theo nhà sư vừa la :
- Lão trọc kia! Chạy đi đâu!
Từ Văn lạng người ra chặn lại cất giọng lạnh như băng nói :
- Đứng lại đã!
Bốn tên áo đen đồng thời dừng bước, một tên ra chiều hung dữ trợn mắt lên nhìn Từ Văn hỏi :
- Thằng nhãi này! Ngươi muốn chết chăng?
Một tên khác đã nhảy xổ về phía nhà sư mệt nhoài. Từ Văn không quay người lại chàng chỉ lạng người đi một cái rồi trở về chỗ cũ dường như chàng chưa chuyển động. Một trong bốn tên áo đen đang rượt nhà sư rú lên một tiếng ngã lăn ra chết liền, thủ thế này khiến cho ba tên chẳng còn hồn vía nào nữa. Từ Văn quát hỏi :
- Lai lịch của các ngươi thế nào? Nói mau!
Một gã áo đen run lẩy bẫy đáp :
- Tại hạ là đệ tử tuần sơn của Ngũ Phương giáo..
Gã chưa dứt lời Từ Văn vung tay lên một cái cử chỉ của chàng coi nhẹ nhàng thưa thớt mà cả ba tên áo đen đều rú lên rồi ngã lăn ra chết liền.
Từ Văn quay lại ngó nhà sư sợ quá sắc mặt tái mét liền hỏi :
- Hòa thượng có phải là đệ tử chùa Thiếu Lâm không?
Nhà sư đáp :
- Phải rồi!
- Hòa thượng đi đi!
Nhà sư ngập ngừng hỏi :
- Này thí chủ... Thí chủ có phải là Địa Ngục thư sinh không?
Từ Văn sửng sốt hỏi lại :
- Phải rồi! Hòa thượng muốn hỏi điều chi?
Nhà sư gắng gượng đứng lên xúc động nói :
- A Di Đà Phật! Đức Phật linh thiêng, bần tăng đang đi tìm thí chủ đây.
Từ Văn chấn động tâm thần hỏi :
- Sao? Hòa thượng muốn kiếm tại hạ?
- Phải rồi! Tiểu tăng pháp hiệu là Liễu Nhâm được gặp thí chủ đây may biết chừng nào.
- Hòa thượng muốn kiếm tại hạ có điều chi?
- Mấy bữa trước đây tiểu tăng đi trên đường Toại Bình vô tình gặp được trường thảm sát.
Từ Văn chấn động tâm thần hỏi :
- Rồi sao nữa?
- Năm tay cao thủ của Ngũ Phương giáo bị giết.
Từ Văn động tâm hỏi :
- Ủa! Rồi sao nữa?
- Trong năm tên này thì người trúng kiếm chưa chết gã thấy tiểu tăng liền gởi một vật trao cho thí chủ...
Từ Văn sắc mặt biến đổi run lên hỏi :
- Rồi sao nữa?
Liễu Nhâm sắc mặt kinh hãi nhìn Từ Văn rồi nói tiếp :
- Tiểu tăng nhân có việc khác phải đi ngay liền giao cho sư đệ là Liễu Không hãy mang vật đó về chùa Thiếu Lâm đã.
Từ Văn la lên một tiếng :
- Úi chà!
Rồi chàng lùi lại ba bước sắc mặt biến đổi rất khó coi khiến cho Liễu Nhâm hòa thượng kinh hãi không dám nói nữa.
Đây thật là một việc hiểu lầm rất đáng sợ. Trong lòng Từ Văn hối hận vô cùng chàng tự nhủ :
- Nếu không có Vô Tướng thiền sư xuất hiện thì trong chùa Thiếu Lâm tất không tránh được cuộc đổ máu. Kết quả đúng như lời Tưởng thế thúc đã phỏng đoán, đây chỉ là một sự hiểu lầm và cũng là cái may lớn trong những điều không may.
Chàng rất khích động hỏi :
- Người bị kiếm thương trao cho hòa thượng cái đó có nói gì nữa không?
- Không! Gã chỉ nói bất luận thế nào cũng tìm cách trao vật này cho Địa Ngục thư sinh dùm. Đồng thời gã còn dặn không nên đụng vào bên trong vì nó có chất kịch độc.
Từ Văn ngắt lời :
- Tại sao hòa thượng lại biết tại hạ là Địa Ngục thư sinh?
Liễu Nhâm đáp :
- Độc thủ của thí chủ thì trên chốn giang hồ còn ai là không biết.
Từ Văn hối hận vô cùng liền lễ phép nói :
- Xin đại sư phụ về phúc trình với Chưởng môn nhân là tại hạ hối hận vô cùng! Điều ước năm ngày xin thủ tiêu, sau này tại hạ có thời cơ sẽ đến thỉnh tội.
Liễu Nhâm hòa thượng nghi ngờ hỏi :
- Tiểu tăng không hiểu thí chủ nói vậy là nghĩa làm sao?
Từ Văn không rỗi để giải thích mà chàng cũng không muốn giải thích liền hàm hồ đáp :
- Đại sư phụ cứ về chùa sẽ rõ tình hình, xin tha thứ cho tại hạ không thể chờ lâu được. Vậy xin cáo biệt.
Chàng nói xong chắp hai tay thi lễ rồi băng mình đi ngay.
Sự thật đã chứng minh Liễu Không hòa thượng đệ tử chùa Thiếu Lâm chịu lời ủy thác của Liễu Nhâm đem Độc kinh về chùa Thiếu Lâm rồi dọc đường nhà sư động tính hiếu kỳ quên mất lời cáo giới của đồng môn cứ mở Độc kinh ra coi để đến nỗi trúng độc mà chết. Tấn kịch này Tưởng Úy Dân đã ngó thấy rồi đem cả người chết lẫn kinh về chùa Thiếu Lâm.
Cái chết của Hoàng Minh là do lưỡi kiếm của đồng bạn gã bọn Ngũ Phương sứ giả gây ra không còn nghi ngờ gì nữa.
Nguyên nhân vụ này đã hiển nhiên, Từ Văn tuy có lòng hối hận về cuộc đại náo chùa Thiếu Lâm nhưng lòng chàng cũng nhẹ nhõm đi nhiều.
Sau chừng nửa giờ Từ Văn đã đến phía sau núi Tung Sơn chàng chiếu theo những chỉ thị của Hoàng Minh bữa trước chạy thẳng đến Tổng đàn Ngũ Phương giáo ở trong bí cốc.
Dọc đường chàng phát hiện ra khá nhiều tử thi tình trạng này cho chàng hay là hội Vệ Đạo đã phát động cuộc tấn công. Lòng chàng đang bồn chồn bây giờ lại nóng nảy hơn.
Khi gần đến bí cốc tử thi lại càng nhiều, cứ theo cách ăn mặc mà phán đoán thì kẻ bị chết phần nhiều là giáo đồ của Ngũ Phương giáo. Từ Văn vượt hết hang núi đi tới trước đường thông đạo vào lòng núi bỗng có mấy bóng người xuất hiện ra cản đường. Đi đầu là một hán tử trung niên mình mặc áo lam, hiển nhiên hắn là Tổng quản Cổ Kim Nhân trong hội Vệ Đạo.
Cổ Kim Nhân đã dẫn người đến canh gác đủ tỏ ra hội Vệ Đạo đã làm chủ tình thế.
Từ Văn dừng bước lạnh lùng nói :
- Cổ tổng quản! May lại gặp đây.
Cổ Kim Nhân chắp tay cười ha hả nói :
- Thiếu hiệp đến vừa hay! Xin mời thiếu hiệp vào.
Hắn nói xong liền né mình nhường lối.
Từ Văn đối với hội Vệ Đạo ở vào tình trạng không phải là kẻ thù mà cũng không phải là bạn hữu. Chàng đến để làm việc riêng của mình chàng ngần ngừ một chút rồi chắp tay hỏi :
- Qúy hội chuyến này dường như gặp bước thuận lợi phải không?
Cổ Kim Nhân đáp :
- Lúc ban đầu gặp khá nhiều thuận lợi nhưng rồi gặp phải sức chống cự rất nặng.
- Tình trạng hiện giờ ra sao?
Giữa lúc ấy một tên hán tử áo đen chạy ra, Cổ Kim Nhân hỏi ngay :
- Tình trạng trong ấy hiện giờ ra sao?
Hán tử áo đen mồ hôi nhễ nhãi thở hồng hộc đáp :
- Số tử thương cả hai bên tương đối ngang nhau, tình trạng cuộc chiến cực kỳ thảm khốc.
Từ Văn trong lòng đã bớt phần xao xuyến.
Hán tử áo đen lại nói tiếp :
- Đối phương có một số cao thủ rất mạnh xem chừng bên ta đi vào chỗ kém thế.
- Được rồi! Ngươi hãy tạm nghỉ một chút!
Rồi hắn quay lại nói với Từ Văn :
- Tệ Hội chủ có nhắc đến các hạ và hy vọng rằng các hạ hãy tạm gác những mối ân oán..
Từ Văn giơ tay ngắt lời :
- Hành động của tại hạ do tại hạ chủ trương, tại hạ xin cáo lỗi.
Từ Văn băng mình vào đường hầm chạy đi.
Dọc đường những xác chết từng đống mùi máu tanh hôi xông vào mũi sặc sụa, xem chừng hội Vệ Đạo phải trả một giá khá đắt để khám phá ra đường hầm này. Từ Văn xuyên qua đường hầm tối đen khá dài, mắt chàng bỗng sáng lòa chàng đã vào tới hang trong và đã nghe tiếng sát phạt ghê gớm. Từ Văn đưa mắt nhìn ra thì hang này là một nơi kỳ địa thiên nhiên, bốn mặt đều là núi non vây bọc coi chẳng khác một cái giếng khổng lồ, một mặt phòng xá đầy như bát úp..
Bóng người thấp thoáng ở phía xa xa chàng nhìn thấy cả đao quang kiếm ảnh. Tiếng kêu la, tiếnh quát tháo, tiếng sát phạt hợp lại thành một khúc nhạc điên cuồng khủng khiếp.
Từ Văn đảo mục quang nhìn khắp chung quanh một lượt rồi băng mình chạy về phía đấu trường. Nào máu đỏ lênh láng, nào thi thể tan nát, nào đao gãy kiếm cụt hợp lại thành một bức họa thương tâm thảm mục khiến người ta không nỡ nhìn vào.
Cuộc chiến đấu đang đi đến chỗ một mất một còn nên chẳng ai chú ý tới một vị sát tinh đang đi tới nơi. Từ Văn đi thẳng vào đấu trường thì thấy vợ chồng Thượng Quan Hoành đang giáp công Ngũ Phương giáo chủ trong chiến trường thì đôi này khốc liệt nhất. Ngoài ra còn Đỗ Như Lan, Táng Thiên Ông, Thống Thiền hòa thượng, Thôi Vô Độc là những tay cao thủ hội Vệ Đạo. Có chỗ một chọi một, có chỗ một chọi ba đang giao chiến với bọn người mặc áo cẩm bào.
Ngoài ra còn bọn đệ tử thuộc hạng nhì, hạng ba thì bày thành cuộc hỗn chiến. Người nào người nấy hai mắt đỏ ngầu toàn thân đầy vết máu.
Từ Văn đặc biệt chú ý tới đại mẫu là Không Cốc Lan Tô Viên và Hoành Thiên Nhất Kiếm Ngụy Hán Văn đôi này giao chiến với một tên Ngũ Phương sứ giả.
Thế kiếm của Hoành Thiên Nhất kiếm vọt ra như cầu vồng bức bách đối thủ lâm vào thế nguy. Không Cốc Lan Tô Viên lại bị đối phương đánh cho chân tay luống cuống mụ ra chiêu thức chẳng ra lề lối nào nữa.
Từ Văn xoay chuyển ý nghĩ chàng cho là hội Vệ Đạo lâm vào tình thế hạ phong, nhưng trong một thời gian ngắn cục diện chưa có gì biến đổi ngay. Việc khẩn cấp của chàng là đi cứu song thân.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.