Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc

Chương 103: Chiến dịch tyrol (4)




Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.519 (Đinh Dậu, 1417). Mùa xuân, tháng 3. Tyrol, thủ phủ Merano, Tyrol thành bảo.
Ngay từ sáng sớm, liên quân Thần Thánh Đế quốc – Latium – Trento đã lần lượt rời khỏi doanh trại, kéo đến tập họp phía trước Tyrol thành bảo, chuẩn bị công thành. Trên cánh đồng phía trước thành bảo, khắp nơi đều thấy toàn người là người. Quả là:
Cờ xí nghênh phong phất phới.
Tiếng reo vang dậy đất trời.
Đao kiếm tua tủa sáng ngời.
Quân uy hào hùng cường thịnh.
Là một bộ phận của đại quân, trước quân dung như thế, tất cả tướng lĩnh, binh sĩ, không kể là thuộc quân đội Thần Thánh Đế quốc, Latium hay Trento đều có tinh thần rất tốt, hăng hái chuẩn bị giết giặc lập công. Liên quân không phải là quân Ba Tư của Xerxes Đại Đế, không ai tin rằng lấy 203.000 quân tấn công hơn 2.000 quân Tyrol lại thất bại, cho dù đối phương có ở vào vị trí phòng thủ đi nữa. Không nói đến chiến lược hay chiến thuật, ngay cả ‘lấy thịt đè người’ cũng có thể thắng được. Chỉ có Xerxes Đại Đế của Ba Tư mới dùng 5 triệu người mà đánh thua hơn 1 vạn quân Hy Lạp (sử gia Hy Lạp cổ đại Herodotus ghi nhận có 5 triệu người, với một nửa là binh sĩ, một nửa là dân phu, được huy động từ 46 tiểu quốc thuộc địa; quân Ba Tư giết vua Sparta, đốt thành phố Athens, nhưng sau thua 1 trận hải chiến nên buộc phải rút quân về).
Trong khi đó, phía thủ quân trong thành bảo thì ngược lại. Sĩ binh mặt mày hoặc xanh hoặc tái, lo lắng bất an, tay cầm vũ khí nhưng sĩ khí mất hết, tín tâm không còn. Bọn họ không hề tin tưởng có thể phòng thủ được thành bảo. Nhiều người trong bọn họ đã nghe nói về tối hậu thư của đối phương đã bị Nam tước đại nhân từ chối, và chủ soái bên phía đối phương đã tuyên bố sau khi phá thành thì ‘gà chó không tha’. Do đó, bọn họ rất lo lắng cho số phận của mình. Nhiều người đã nghĩ đến chuyện bỏ trốn, nhưng dưới quyền oai của Nam tước đại nhân, và trước cảnh một số đào binh bị xử tử thị chúng, cả bọn tạm thời vẫn còn đứng trên tường thành chờ đợi đối phương đến đồ sát. Đúng thế, bọn họ chờ đợi đối phương đến đồ sát, chứ lấy 1 địch trăm, bọn họ làm sao chống nổi. Bọn họ chỉ là phổ thông sĩ binh, không phải là dũng tướng kiểu như Quan Vũ, Trương Phi hay Triệu Tử Long mà có thể lấy 1 địch trăm.
Đinh An Bình đứng trên đài chỉ huy, nhìn về hướng Tyrol thành bảo. Đài chỉ huy là một loại đài cao, dưới chân có gắn bánh xe, do ngựa kéo hoặc quân sĩ đẩy đi; tướng soái đứng trên đó có thể quan sát toàn diện chiến trường, để có thể ra mệnh lệnh phù hợp với cục diện trận chiến. Bên cạnh Đinh An Bình chỉ có các tùy tướng thuộc hạ. George I de Trento và các tướng lĩnh Latium không có ở đấy, mà đã đi chỉ huy quân đội của mình. Trận này, Đinh An Bình quyết định giao cho quân đội Latium và Trento giải quyết, vừa có tác dụng luyện quân vừa tạo cơ hội cho bọn họ giết giặc lập công. Quân đội mà chưa từng tham gia chiến đấu, chưa từng giết giặc thì chưa thể xem là quân đội chân chính. Dù sao thì lấy 23.000 quân tấn công hơn 2.000 quân, chắc cũng không có vấn đề gì. Mà lỡ như có vấn đề gì thì còn có 18 vạn quân Thần Thánh Đế quốc ở đó, không sao cả.
Khi thấy các công tác chuẩn bị đã hoàn tất, Đinh An Bình truyền lệnh:
- Khai hỏa.
Mệnh lệnh truyền xuống. Trận địa thần công đại pháo lập tức khai hỏa, oanh kích vào tường thành và các điểm cao bên trong thành bảo. Tất cả 3.600 khẩu thần công của 6 đạo quân đã được tập trung lại một chỗ, đồng loạt khai hỏa, uy lực kinh nhân. Không chỉ địch quân, ngay cả phía liên quân mỗi khi nghe thần công phát xạ cũng chấn kinh vô cùng. Mỗi loạt đạn pháo bắn ra, khói lửa nhiễm hồng cả nửa bầu trời. Sau đó thì bên trong thành bảo cũng có khói lửa bốc cao, cùng những tiếng kêu khóc vang trời dậy đất. Bị đạn pháo dội lên đầu, thủ quân trên tường thành tổn thất thảm trọng. Nhiều người không chết vì bị đạn pháo bắn trúng, mà bị gạch đá đổ xuống đè chết.
Sau ba loạt pháo kích, hơn 1 vạn phát đạn đã phá hủy hoàn toàn thành tường của Tyrol thành bảo. Các kiến trúc bên trong cũng bị phá hủy không ít. Đinh An Bình ra lệnh ngừng pháo kích, rồi truyền lệnh xung phong. Tiếng trống thúc dồn dập, tiếng tù và rúc lên vang vọng. Quân đội Latium và Trento nghe lệnh xung phong, lập tức nắm chặt đao thương tràn vào thành bảo. Hiện giờ, thành bảo không còn tường thành, không còn các tiễn tháp phòng ngự, chỉ còn lại những đống đổ nát. Không có gì uy hiếp, liên quân khí thế hừng hực ào ạt xông vào trong tìm diệt địch quân. Theo sự an bài từ trước, quân đội Latium và Trento xung phong theo từng tiểu đội, bảo đảm không có ai đi riêng lẻ để giảm thiểu thương vong vô ích.
Mệnh lệnh xung phong truyền xuống chưa được bao lâu thì đã nghe bên trong thành bảo vang lên những tiếng sát phạt chém giết vang trời. Từng đoàn từng đoàn liên quân Latium – Trento hợp nhau truy sát địch quân, có khi mấy đội vài chục người hợp nhau truy sát vài quân địch. Không sao được, số quân tấn công đông hơn đối phương gấp 10 lần, bình quân thì cũng phải 10 người đánh 1 người, ta nhiều địch ít nên đành hợp nhau chia công lao mà thôi.
Quân Tyrol đã ở vào thế kém, mà lại còn gặp phải một vấn đề chết người nữa là thiếu sự chỉ huy, chỉ có thể tự phát chiến đấu. Các tướng lĩnh, các Hiệp sĩ của Tyrol, kể cả Nam tước Andreas de La Passiria đều ở trên những tháp cao, khi bị thần công đại pháo oanh kích thì nơi đó lại là những mục tiêu lộ liễu nhất, bị oanh kích đầu tiên. Kết quả, sau khi thần công đại pháo ngừng phát hỏa thì đại bộ phận tướng lĩnh Tyrol đã vùi thân dưới các đống đổ nát.
Nam tước Andreas de La Passiria may mắn không tử nạn vì đạn pháo, được các thân binh cứu thoát khỏi đống đổ nát, nhưng tình thế cũng chẳng khả quan hơn chút nào, vì lúc này Nam tước đang bị vây chặt trong phủ đệ của mình. Xung quanh Nam tước chỉ có vài chục thân binh, trong khi đối phương đông đến hàng nghìn. Giết chết được Nam tước Andreas de La Passiria là đại công hàng đầu, nên các tướng lĩnh Latium và Trento đều dần dần tập trung về cả nơi đây. Bọn họ đều là tướng lĩnh cao cấp, giết chết phổ thông binh sĩ chẳng mang lại được bao nhiêu công lao, chỉ có trảm địch tướng thì mới có thể kể là chiến công.
Bá tước Enguerrand de Monstrelet, quý tộc – tư sản, một Hiệu úy của quân đội Latium (thống lĩnh 1 sư, 1 vạn quân), nhìn những tướng lĩnh khác, nói:
- Chúng ta bao nhiêu người đây, mà Andreas de La Passiria chỉ có một, xử lý thế nào?
Tử tước Bernardo Madruzzo de Garda, cũng là quý tộc – tư sản, tướng lĩnh quân đội Trento, nói:
- Ai có mặt thì có phần!
Thấy đối phương giành nhau công lao, không xem mình ra gì, Nam tước Andreas de La Passiria nổi xung quát lớn:
- Các ngươi có ai dám cùng ta quyết một trận tử chiến?
Bá tước Jean de Vte, một Hiệu úy khác của quân đội Latium, bắt chước thần thái của chủ soái, nhìn mọi người hỏi:
- Gã ta đang muốn chết phải không? Hay là còn có âm mưu quỷ kế gì khác?
Bá tước Enguerrand de Monstrelet cười ha hả nói:
- Mặc kệ có âm mưu quỷ kế hay không! Giải quyết sớm cho xong, kẻo đêm dài lắm mộng. Cung thủ đâu?
Lập tức, mấy chục đội cung thủ tiến ra, giương cung lắp tên nhắm vào Nam tước Andreas de La Passiria và chúng thân binh. Bá tước Enguerrand de Monstrelet vung tay nói:
- Bắn.
Thế là tên bắn như mưa, kết liễu cả bọn Nam tước Andreas de La Passiria. Tiếp đó, cả bọn lại phân tán ra chỉ huy truy sát tàn binh Tyrol. Sau mấy giờ chiến đấu, thật ra không thể gọi là chiến đầu mà phải gọi là đan phương diện đồ sát, cuối cùng liên quân Latium – Trento cũng giải quyết được toàn bộ tàn quân trong thành. Tiếp đó là công tác thu nhặt chiến lợi phẩm. Đinh An Bình trị quân rất nghiêm, nghiêm cấm tất cả sĩ binh thu nhặt chiến lợi phẩm trong lúc đang chiến đấu, ai vi phạm lập tức trảm thủ. Do vậy mà khi chiến đấu kết thúc, công tác thu nhặt chiến lợi phẩm mới bắt đầu. Sĩ binh sẽ được phân chia chiến lợi phẩm tùy vào công lao.
Đến tận chiều tối, công tác thu nhặt chiến lợi phẩm và kiểm kê các kho tàng của Tyrol thành bảo mới cơ bản hoàn thành. Không hổ là cứ điểm chuẩn bị cho cuộc xâm chiếm Trento của Công tước Áo, trong các kho tàng của thành bảo có rất nhiều quân lương vật tư. Đinh An Bình thu lấy 1 phần 3, còn lại để cho quân đội Latium và Trento chia nhau.
Sau khi tiêu diệt được Tyrol thành bảo, Đinh An Bình cắt ra 10 vạn quân, phối hợp cùng quân đội Latium và Trento chia thành 10 đạo, đi tấn công các lĩnh địa quanh đó, để hoàn toàn kiểm soát Tyrol trước khi tiếp tục đông chinh. Mỗi đạo quân gồm 1 vạn quân Thần Thánh Đế quốc, 1.000 quân Latium và 300 quân Trento (làm hướng đạo).
Cuối tháng 3, toàn bộ lĩnh thổ Tyrol đã được bình định, toàn bộ quý tộc – địa chủ hay những quý tộc có tư binh đều đã bị đánh dẹp. Chỉ có một số ít nhanh chân chạy sang công quốc Bavaria ở phía bắc hay cộng hòa Venice ở phía nam lánh nạn. Ngoài ra, rất nhiều tiểu quý tộc không thân không thế đã được Đinh An Bình triệu kiến, xem xét lưu dụng. Dù sao thì những vùng đất mới chiếm lĩnh cũng cần có người cai trị.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.