Lại nói, sau khi ăn mừng thắng lợi và phân chia chiến lợi phẩm, chúng đầu lĩnh của Đông Giang tộc lại nhóm họp để tổng kết kinh nghiệm tác chiến. Mọi người bàn tán phân phân. Trưởng lão Phạm Thế Hưng cười tít mắt, nói:
- Lần này bọn nhỏ chiến đấu rất dũng cảm. Tộc ta không thiếu dũng sĩ nha.
Phạm Thế Căng nói:
- Tứ tự chân ngôn ‘nhiễu, dụ, phục, sát’ thật là hiệu quả. Phải chi năm trước có được tứ tự chân ngôn này thì quân ta đâu có thua quân Chiêm, để đến nỗi Thăng Long bốn lần thất thủ. Hừ. Bọn thư sinh ở kinh đô thật là phường bị thịt mà.
Phạm Đống Cao nói:
- Lần này đánh giết thật đã tay. Một mình con đã giết cả trăm tên giặc đó nha.
Quảng Tế Pháp sư, trước đây là thầy pháp của tộc, giờ là cân ban của Giang Phong (lão vốn thờ phụng thần linh, nay gặp ‘thần linh’ nên đương nhiên phải theo), kiêm quản tài chính sự vụ của tộc (bởi là người giỏi tính toán nhất, gần đây lại theo học ở Giang Phong khá nhiều toán pháp, năng lực đại tăng), chợt vuốt râu nói:
- Lợi hại nhất vẫn là đám ong với độc vật nha. Nếu chúng ta gặp phải cũng không biết làm sao mà đối phó.
Trưởng lão Phạm Thế Hưng giật mình:
- Thế thì cũng không ổn nha. Lỡ như kẻ địch dùng chúng để đối phó với chúng ta thì sao. Giờ đây chúng ta đã là thế lực lớn mạnh nhất vùng Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa này. Rất nhiều kẻ địch lúc nào cũng dòm ngó chúng ta nha.
Mọi người đều hướng về Giang Phong. Suy nghĩ giây lát, Giang Phong bảo:
- Ta nghe nói nhiều người dùng hùng hoàng để đuổi rắn độc, mọi người tìm hiểu thử xem. Còn muốn đuổi ong thì chỉ còn cách luôn luôn chuẩn bị sẵn lửa khói, nhất là những loại gỗ khi đốt cho nhiều khói.
Trưởng lão Phạm Thế Hưng nhìn Phạm Thế Căng bảo:
- Mau lo việc này nha. Hãy tận dụng cả lực lượng của quan binh.
Phạm Thế Căng vâng dạ. Mọi người tổng kết chiến quả xong (thật ra là đua nhau khoe khoang chiến tích của mình), Giang Phong mới nói:
- Giờ đây, có mấy việc cần làm ngay.
Chúng nhân yên lặng lắng nghe. Giang Phong nói:
- Trước tiên, cần tuyển ra bản tộc đệ nhất dũng sĩ, là người giết giặc nhiều nhất, cho nhiều ưu đãi, tưởng thưởng.
Quảng Tế Pháp sư gật gù nói:
- Có như vậy, sau này khi có chiến đấu mọi người sẽ càng hăng hái hơn.
Giang Phong nói:
- Việc này Thế Hưng phụ trách.
Giang Phong là ‘thần linh’, chỉ có mọi người tôn kính Giang Phong chứ Giang Phong không cần tôn kính ai cả, do đó đối với ai cũng đều gọi thẳng tên cả. Hơn nữa, nếu Giang Phong không làm thế, chúng nhân còn có những lo nghĩ không đâu, cho rằng ‘đại nhân phân biệt đối xử’. Trưởng lão Phạm Thế Hưng cung kính vâng dạ. Giang Phong lại nói:
- Tiếp đó, cần gửi công văn về triều đình báo cáo sự tình, báo rằng có hơn vạn quân Chiêm tiến công Nghệ An, trong vùng có nhiều hào tộc theo giặc. Tuy rằng chúng ta đã liên hợp các tộc đánh bại quân giặc, tiêu diệt hơn 5 nghìn, bắt sống hơn nghìn, nhưng nghe nói đó chỉ là đội tiên phong của quân Chiêm. Tình thế rất nguy ngập, mong triều đình tìm cách ứng phó. Đồng thời gửi thủ cấp Chiêm tướng về triều thỉnh công.
Trưởng lão Phạm Thế Hưng thắc mắc:
- Đại nhân. Báo cáo có hơn vạn quân Chiêm thì dễ hiểu rồi, nhưng mắc gì mà chúng ta lại phải nói là ‘liên hợp các tộc đánh bại quân giặc’ chứ?
Phạm Đống Cao cũng nói:
- Phải đó. Thật sự chỉ có một mình tộc chúng ta đánh giặc thôi mà. Mắc gì phải chia bớt công lao cho các tộc khác.
Giang Phong mỉm cười hỏi:
- Theo mọi người, với công lao như thế, triều đình sẽ tưởng thưởng thế nào?
Cả bọn ngẩn người nhìn nhau. Phạm Thế Căng chép miệng nói:
- Bất quá tưởng thưởng ít vàng bạc châu báu mà thôi. Người Mường chúng ta dù có lập đại công cũng không thể nào làm quan lớn được. Cứ xem khi đánh nhau với quân Chiêm lúc trước thì biết. Phan Mãnh thì được về triều làm tướng quân, còn tiểu tướng thì … ngoài ít vàng bạc ra thì có được tưởng thưởng gì đáng kể đâu. Cái chức Thiêm phán nghe thấy oai, thật ra cũng là công việc của chúng ta trước giờ.
Chúng nhân gật đầu đồng cảm, không còn hưng phấn như trước nữa. Giang Phong lại nói:
- Hơn nữa, báo là có hơn vạn quân Chiêm, nếu chỉ báo một mình Đông Giang tộc ứng chiến mà chiến thắng, triều đình có tin không? Bọn họ cũng biết bản tộc đại khái có bao nhiêu người mà.
Quảng Tế Pháp sư gật gù nói:
- Phải đó. Bản tộc chỉ có chưa đến bốn nghìn người, đánh bại hơn vạn quân Chiêm thì khó tin quá.
Phạm Thế Căng lại thắc mắc:
- Triều đình chắc chắn sẽ chẳng ban thưởng gì đáng kể, chúng ta còn phải bày ra chuyện phiền phức như thế mà chi?
Giang Phong mỉm cười hỏi:
- Theo ngươi, khi chúng ta gửi thủ cấp của Chiêm tướng và báo cáo tình hình như thế, triều đình sẽ ứng phó thế nào?
Phạm Thế Căng ngẫm nghĩ một lúc, rồi nói:
- Các quan trong triều hiện tại đều đang lo tranh quyền đoạt lợi. Nghe nói Lê Quý Ly (Hồ Quý Ly trước khi xưng đế có họ Lê) làm phụ chính, có ý đồ thoán đoạt ngôi báu. Tình hình khẩn trương như thế, bọn họ còn tâm trí đâu mà lo việc ngoài biên ải.
Giang Phong nói:
- Khi đó, triều đình không lo thì người sẽ làm gì?
Phạm Thế Căng ngơ ngác:
- Làm gì ư? Thì trước giờ làm gì sẽ tiếp tục làm thế. Tiểu tướng nghĩ quân Chiêm khó mà kéo đại đội nhân mã sang lần nữa. Còn nếu chỉ là tiểu đội thì không sợ.
Giang Phong nói:
- Không nên như thế. Trong báo cáo gửi về triều, hãy vô hạn phóng đại mưu đồ của quân Chiêm, bảo rằng bọn chúng muốn sang đánh để trả thù lần thất bại trước. Nhưng chú ý là chỉ nên báo rằng bọn chúng chỉ định quấy nhiễu cướp phá vùng Thuận Hóa, Tân Bình, Nghệ An mà thôi, không những không có ý định sang cướp phá kinh đô, mà còn cướp phá xong thì rút ngay về nước. Dù sao thì thực lực của chúng cũng không còn mạnh như trước nữa.
Tân Bình, Thuận Hóa chính là khu vực Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế ngày nay. Còn Nghệ An xưa thì bao gồm cả Nghệ An và Hà Tĩnh (Hồ Quý Ly mới đổi thành Lâm An Trấn, nhưng quân dân vẫn quen gọi là Nghệ An). Phạm Thế Căng lắc đầu nói:
- Nếu báo cáo như thế, triều đình càng có lý do để bỏ mặc.
Giang Phong mỉm cười:
- Nếu trong triều không có ai chịu đứng ra ứng phó với quân Chiêm, ngươi hãy xin nhận quản lĩnh quân dân vùng Tân Bình, Thuận Hóa để chống giặc. Xứ đó xa xôi hẻo lánh, đất rộng người thưa, lại là đất Chiêm trước kia, trong mắt triều đình chẳng quan trọng gì mấy. Ngươi xin nhận thì triều đình sẽ đồng ý thôi. Còn chức Thiêm phán Kiềm Châu hãy giao lại cho Đống Cao.
Phạm Thế Căng nói:
- Nhận chức đó chỉ rước khổ về mình, có tiếng mà không có miếng. Vì thế mà trước giờ có ai chịu nhận đâu, toàn do quan lại Nghệ An kiêm quản. Mà quan lại Nghệ An cũng chẳng mấy khi ngó ngàng tới xứ đó.
Giang Phong nói:
- Thì cũng chính vì thế mà ngươi mới có cơ hội nhận được. Dù sao thì cũng là biên cương trọng thần nha. Hơn nữa, Kiềm Châu cũng chẳng khá hơn gì xứ đó. Quản một mình Kiềm Châu sao bằng quản cả Tân Bình, Thuận Hóa. Ngươi cứ nhận đi, rồi ta sẽ có an bài.
Quảng Tế Pháp sư nói:
- Đại nhân. Nghe nói Đại tri châu Hóa Châu là Đặng Tất rất được Lê Quý Ly tin dùng. Mấy năm trước vì tố cáo Phan Mãnh bất mãn Lê Quý Lý chuyên quyền mà được trọng dụng.
Nghe nhắc đến Đặng Tất, Giang Phong giật mình. Đặng Tất là cha của Đặng Dung đây mà. Về cuộc đời và sự nghiệp của Đặng Tất, có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng theo Giang Phong thì Đặng Tất là một người cơ hội và giỏi luồn lách. Nhà Trần còn thì theo nhà Trần, nhà Hồ lên thì theo nhà Hồ, nhà Minh sang thì theo nhà Minh, nhà Hậu Trần nổi lên thì lại theo nhà Hậu Trần, sau bị Giản Định Đế nhà Hậu Trần giết chết. Người xưa nói: Tôi trung không thờ hai chúa. Đặng Tất lại thờ đến bốn chúa, mà thờ chúa nào cũng đều được trọng dụng cả, không phải là người cơ hội và giỏi luồn lách thì là gì. Nếu không nhờ có Đặng Dung làm bài thơ Thuật Hoài, e rằng nhiều người còn chẳng biết đến Đặng Tất. Có một người như thế tồn tại ở xứ này, đối đại nghiệp của Giang Phong thật không có lợi. Sử dụng người như thế, Giang Phong cũng không yên tâm chút nào.
Ngẫm nghĩ giây lát, Giang Phong nói:
- Trước hết, hãy đại tứ tuyên dương Đặng Tất cầm quân bất lực, trấn giữ Hóa Châu mà để cho quân Chiêm đánh tới tận Nghệ An. Sau đó, cử người mật ước với Lê Quý Ly, bảo rằng chúng ta ủng hộ y, với điều kiện y phải ủng hộ chúng ta chống Chiêm Thành. Cứ nói rằng chúng ta có thù với Chiêm Thành, và bất mãn với bất kỳ kẻ nào phản đối chúng ta chống Chiêm Thành. Sau đó bảo Lê Quý Ly rằng Đặng Tất giỏi trị quân nhưng không giỏi cầm quân, làm tướng ở kinh thành thích hợp hơn trấn giữ biên cương. Tóm lại, vô hạn khoa trương rằng Đặng Tất không có khả năng ứng phó với quân Chiêm.
Quảng Tế Pháp sư hỏi:
- Sao chúng ta không vu cho Đặng Tất cấu kết với quân Chiêm, mưu đồ tạo phản?
Giang Phong lắc đầu nói:
- Sự việc lần này tối đa có thể vu cho Đặng Tất thất chức mà thôi. Hơn nữa, gã ta rất được Lê Quý Ly tin dùng. Vu hãm gã, đối với chúng ta không hề có lợi.
Sự việc đã được quyết định, và chúng nhân phân nhau hành động. Riêng Giang Phong chỉ định quyết sách, không cần làm gì cả, chỉ ngồi yên chờ đợi kết quả.