Đứa Con Bị Chối Bỏ

Chương 1:




Tôi là Ngọc Lệ, và cuộc đời tôi cũng toàn nước mắt giống cái tên mà mẹ đã đặt cho. Tôi có 1 chị gái song sinh, chị tên Ngọc Lan, nếu đem so sánh với những đứa trẻ cùng trang lứa thì cuộc đời của chị cũng buồn chẳng kém tôi.
Chị em tôi ra đời trong sự hắt hủi của gia đình bên nội, bố tôi nghe đâu là 1 thầy giáo dậy cấp 2 ở làng bên, sau khi ruồng bỏ mẹ con tôi ông cũng nhanh chóng cưới người khác. Trong tâm trí của một đứa nhóc khi ấy, ngoài việc đôi lần tủi thân khi thấy bạn bè được bố bế ẵm, cưng nựng ra thì tôi cũng không nghĩ nhiều về bố. Những thông tin mà tôi biết về ông là qua những lời kể vụn vặt của bà ngoại, hay một vài lần vô tình nghe thấy ông bà nói chuyện với nhau.
Sau khi sinh chị em tôi thì mẹ tôi cũng bỏ lại chúng tôi mà đi tìm cuộc sống mới. Mẹ quyết định gạt nước mắt sang bên Trung Quốc làm ăn. Ký ức của tôi về mẹ chỉ mờ nhạt như thế, dù cho lâu lâu mẹ có về thăm và mua nhiều quần áo đẹp, thì số lần chúng tôi được gặp mẹ cũng chẳng thể nào phủ kín hết 10 đầu ngón tay.
Hai chị em tôi cứ thế hồn nhiên lớn lên trong sự yêu thương đùm bọc của ông bà ngoại, Cuộc sống khi ấy tuy nghèo đói, nhưng lại chính là quãng thời gian ngắn ngủi hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi.
Khi vào vụ mùa thì chúng tôi sẽ theo ông bà ra đồng, chị em tôi ngồi trên đầu bờ tha thẩn chơi cùng nhau, phía dưới là ông bà đang mê mải làm cho kịp thời vụ.
Vụ mùa kết thúc thì ai thuê gì ông làm đấy, cốt để kiếm thêm đồng ra đồng vào lo cho chúng tôi ăn học, còn bà ở nhà trồng rau, nuôi gà và chăm cháu. Việc của chị em tôi khi ấy chỉ là ăn ngoan và lớn lên khoẻ mạnh để ông bà yên tâm.
Cho đến năm tôi lên 7 thì bà trải qua 1 cơn bạo bệnh rồi bỏ lại ông và chúng tôi mà đi. Mặc cho ông gọi tên, mặc chị em tôi gào khóc bên cạnh, bà vẫn cứ lặng lẽ mà đi. Bỏ lại ba ông cháu buồn tủi ôm nhau khóc.
Tiền của trong nhà dồn cả để chữa bênh cho bà, nên cuộc sống vốn đã khốn khó nay lại càng cơ cực. Ông cũng không còn cười như trước mà chỉ ngồi ngoài hiên nhìn ra xa xăm, ông gầy lắm, lại nhớ thương bà nên chẳng thiết tha ăn gì cả. Nhiều đêm tôi giật mình thức giấc sau cơn mộng mị, vẫn thấy ông đứng đó. Bên cạnh ban thờ của bà bà thì thầm điều gì đó, lâu lâu lại rít lên từng cơn ho mà xót xa.
Bà đi rồi, bao nhiêu tình cảm chị em tôi dồn cả cho ông, ngày nào cũng cầu mong cho ông sống mãi với chúng tôi. Biết ông buồn nên chị em tôi luôn cố gắng bày trò cho ông vui, vậy nhưng ông chỉ ôm chị em tôi vào lòng rồi xoa đầu nói:
- Ông nhớ bà tụi bay quá, ở dưới kia chả biết bà ấy thế nào rồi, ông thương cho cả tụi bay nữa, ông chỉ sợ, sợ không lo được cho tụi bay thôi. Ông mà đi thì tụi bay sống với ai, mẹ tụi bay bên kia liệu có biết mà về lo cho tụi bay không nữa?
Tôi biết, bao năm qua chị em tôi vẫn luôn là nỗi lo canh cánh trong lòng ông, chúng tôi thì còn nhỏ, ông lại đã già. Thời gian và tuổi già tàn nhẫn lắm, nó đâu có chừa một ai. Lúc trước còn có bà cạnh bên cùng ông cố gắng, bây giờ chỉ có mình ông chèo chống nuôi chúng tôi, làm sao mà ông không chênh vênh cho được.
Thế rồi vì những lo lắng cho hai đứa cháu nhỏ, cộng với nỗi nhớ thương người vợ đã khuất, chỉ vài tháng sau đó ông cũng đi theo bà, bỏ lại chị em tôi bơ vơ trên cuộc đời.
Cuối cùng thì hai người mà tôi mang ơn nhất đời cũng đã đi xa, chị em tôi còn chưa báo đáp được công ơn của ông bà, mà ông bà đã đi xa, xa mãi, xa tới mức không còn nhìn thấy nữa. Năm ấy chị em tôi còn đang học dang dở lớp 1.
Đêm ấy nằm cuộn tròn trong lòng chị tôi lại mơ thấy ngày ông bà vẫn bên tôi. Chị đang chăm chú xem ông đan rổ còn tôi thì nằm gối đầu lên đùi bà, được bà quạt mát. Tôi ngửa mặt hỏi bà:
- Bà, trên đời này bà thích nhất điều gì?
Bà nhổ toẹt bã trầu xuống sân lau miệng rồi trả lời:
- Thích gì á, bà chỉ thích nhìn hai chị em bay khoẻ mạnh mà lớn lên, mong cho ông trời thương cho ông bà già cái sức khoẻ để còn lo cho tụi bay khôn lớn. Tụi bay thiệt thòi quá rồi.
- Bà con chả thấy thiệt thòi gì cả, tụi bạn con, thằng Lâm á, nó còn không có ngoại, ngoại nó mất từ hồi nó bé xíu à. Chị em con có ông thương, bà quý thì có gì mà thiệt thòi.
Chị Lan nhanh nhảu đáp lại, chị vẫn vậy rất khéo nói và nhanh nhẹn chứ chẳng cục mịch như tôi. Ông nghe cô cháu gái cưng nói thì cũng ngẩng đầu lên bảo:
- Cha bố tụi bây, ăn gì mà khéo nịnh dữ.
- Ông tụi con nói thật mà ông, con thương ông lớn từng này này.
Chị vừa nói vừa dang rộng cánh tay hết sức để cho ông thấy tình thương của mình, tôi phá lên cười mà trêu chị:
- Chị Lan không nghe cái cô phát thanh viên trên đài nói à, tình yêu thì làm sao mà đong đếm được bà nhỉ?
- Phải rồi, con Lệ nói đúng, vậy nên bà chỉ lo không sống mãi với chị em bay được thôi.
- Cái bà này chỉ độc nói gở mồm, cháu nó còn bé mà cứ nói chuyện không đâu cho nó buồn.
Tôi cũng ngồi dậy kéo tay bà nhõng nhẹo nói:
- Bà, bà hứa đi, bà phải luôn bên cạnh con, không được bỏ đi đâu đâu nhé. Sau này con lớn, con sẽ đi làm, kiếm thật nhiều tiền để về chăm lo cho ông bà. Sẽ xây 1 cái nhà thiệt lớn, lớn hơn cả nhà ông Lý ở đầu làng để 4 người nhà mình cùng sống. Rồi mua tặng cho bà 1 chiếc đài như của bà Thơm này, cho ông bộ quần áo lụa thật oách. Nên ông bà đừng lo gì cả nhé.
Bà không đáp lại mà cứ ngồi lắc đầu, bỗng nhiên bóng bà nhoè dần, nhoè dần đi. Tôi sợ hãi nhìn sang bên cạnh cũng chẳng thấy ông đâu. Cuống quýt chạy đi tìm thì bị vấp vào góc sân mà ngã nhào. Đau đớn, sợ hãi cứ thế tôi khóc nấc lên, bên cạnh hình như chị Lan đang lay gọi:
- Lệ, Lệ, dậy đi em, mơ cái gì mà sao khóc to thế?
Nặng nề mở đôi mắt đang nhoè nhoẹt nước ra nhìn chị, hoá ra ban nãy là mơ, mơ nhưng sao lòng bàn tay tôi vẫn cảm nhận rõ hơi ấm từ cái nắm tay của bà. Mơ thôi mà sao tôi buồn đến thế, tôi nhớ ngày hôm ấy bà đã hứa sẽ sống mãi với chị em tôi cơ mà. Bà là người lớn, cớ sao lại nuốt lời?
Chị em tôi cứ thế ôm nhau mà khóc nức nở, bởi chỉ lát nữa thôi, khi trời sáng rõ rồi chị em tôi sẽ phải xa nhau.
Dân gian vẫn có câu: “Xảy cha còn chú, xảy mẹ bú dì”, chị em tôi còn cha, còn mẹ nhưng lại phải mỗi đứa 1 nơi.
Sau cuộc họp gia đình thì tôi được đẩy đến nhà cậu mợ ở đầu làng sống, còn chị Lan được bác Hà (chị gái mẹ tôi) cưu mang, nên phải chuyển xuống tận cuối làng ở.
Tôi nhớ rõ khi ấy, là đầu những năm 2000 cuộc sống ở vùng quê nghèo vô cùng khó khăn, gia đình cậu mợ cũng có 2 người con, các em còn nhỏ nên mợ không thể đi làm. Kinh tế trong nhà dồn cả lên đôi vai của cậu, hàng ngày cậu đi từ sáng sớm đến tối mịt với về, nên chẳng biết tôi ở nhà bị chửi bới, hắt hủi thế nào.
Về nhà cùng cậu mợ chưa đầy 1 tháng mà số lần tôi bị đòn roi còn nhiều hơn số lần tôi được gặp mẹ suốt 7 năm qua cộng lại. Chị Lan thì ở tuốt dưới cuối làng, hàng ngày còn phải lo cơm nước và chăm đàn lợn, đàn gà nên cũng chẳng có thời gian mà tới thăm tôi.
Bữa cơm đầu tiên ở nhà cậu mợ, tôi vẫn theo thói quen ngày còn sống với ông bà nên ăn 2 bát cơm. Kết quả sáng hôm sau khi cậu vừa đi khỏi tôi bị mợ lôi ra đay nghiến:
- Mày ăn rồi chơi không thì ăn làm gì cho lắm để mà mập thây, cơm gạo tao còn để nuôi con tao chứ không phải thừa thãi đâu mà mày ăn cho cố.
Ngước ánh mắt khó hiểu lên nhìn mợ, trước đây tôi mà chưa ăn đủ 2 bát nhất định ông sẽ ép tôi ăn cho đủ, ông bảo phải ăn nhiều mới lớn, mới có sức mà đi học. Còn ở đây, đến thở tôi cũng không dám thở mạnh, làm gì cũng phải nhìn sắc mặt của mợ mà làm. Ăn chẳng dám ăn no, quần áo thì độc mấy bộ cũ mang từ nhà ông bà tới, mùa đông thì đang tới gần, mấy chiếc áo bông được ông mua cho từ năm kia đã cộc cả.
- Còn đứng đó mà nhìn à, cút ra ngoài kia trông em để tao còn nấu bột, chả được cái tích sự gì cả.
Lụt cụt đi ra phía ngoài ngồi nhìn hai em đang cười đùa mà tôi lén lau đi dòng nước mắt tủi hờn. Sao đứa trẻ nào cũng có mẹ, có cha bên cạnh mà chị em tôi lại không? Ngày tháng ấy tôi sống gần như 1 chiếc bóng vô hình tuyệt vọng.
Những lúc buồn tủi tôi chỉ biết trốn nơi góc bếp mà khóc một mình, tôi luôn ước mình sẽ giống như cô bé lọ lem trong truyện cố tích bà hay kể. Sẽ được 1 chàng hoàng tử tốt bụng tới đón đi, giúp tôi thoát khỏi nơi đây.
Nhưng Hoàng tử nào có thật, chỉ có bác cả Nam (anh trai lớn nhất của mẹ tôi) đón tôi về nuôi dưỡng, sau khi mợ Liên nhất định không chịu nuôi tôi nữa. Nhác bác thì có tới 4 anh chị em, cuộc sống có phần còn khó khăn hơn cậu mợ, nhưng vì thương tôi nên bác vẫn cố gắng gồng gánh để lo cho tôi ăn học đầy đủ như các anh, các chị.
Nhà bác ở giữa làng, cách nhà bác Hà độ dăm chục nhà, nhưng chị em tôi cũng chẳng có nhiều thời gian mà gặp nhau.
Ở đây tôi được ăn no hơn, mặc ấm hơn lại còn được đi học trở lại. Chị út Liên nhà bác cũng lớn hơn tôi 2 tuổi, còn anh Hoàng, anh lớn nhất thì hơn tôi 6 tuổi lận. nên anh chững chạc mà thương tôi lắm. Chỉ có điều bác gái hình như không ưa tôi, cũng phải thôi, con mình ăn còn chẳng đu no, tự dưng lại phải lo thêm cho 1 đứa con người, làm sao bác không khó chịu cho được.
Tôi biết hết, cảm nhận được hết nhưng ngoài khóc ra thì cũng chẳng biết phải làm gì khác. Dẫu sao thì tôi cũng chỉ là 1 đứa bị cha mẹ bỏ rơi, sống nương nhờ ở nhà bác. Bác cho ăn, cho học là hạnh phúc lắm rồi, làm sao mà dám đòi hỏi thêm.
Chỉ buồn một nỗi chị em tôi ngoài mỗi buổi sáng gặp nhau ở lớp học thì hiếm khi nào được gặp nhau. Vì buổi chiều chị còn phải đi chăn trâu cắt cỏ, rồi về cho lợn ăn, gà và lo cơm nước, làm gì còn thời gian mà dành cho tôi nữa.
Tôi sống tại nhà bác cả thì thoái mái hơn chị, do nhỏ nhất nhà nên công việc của tôi chỉ có trông nhà và nấu cơm. Thương chị lắm nhưng bản thân tôi còn quá nhỏ, còn gia đình bác cả còn đang phải chạy bữa ăn từng ngày, làm sao mà lo thêm cho chị được nữa. Chị đen lại gầy hơn tôi rất nhiều, nhìn chị ôm cái cặp to tướng mà dáng người cứ liêu siêu như sắp đổ.
Có mấy lần tôi trốn sang thăm chị, theo chị ra đồng chăn trâu, bác gái về không thấy, nghỡ tôi trốn đi chơi với lũ trẻ trong xóm. Kết quả tối đó ăn nguyên 1 trận đòn quắn mông từ bác trai. Từ sau lần ấy tôi sợ lắm, chắng dám bén bảng đi đâu, thành ra ở chung 1 làng nhưng chẳng mấy khi chị em tôi được trò chuyện với nhau.
Những tháng ngày thơ ấu cũng dần dần trôi qua, chị em tôi cũng lớn dần, tuy nước da chị bị rám nắng vì công việc, nhưng bù lại, chị lại xinh hơn tôi. Ngày hai chị em bước chân vào cổng trường cấp 3 chị đã da dáng 1 thiếu nữ lắm rồi, chị xinh mà mang 1 nét duyên ngầm. Chị lại đảm đang nên có nhiều mối để mắt tới lắm, nhưng chị vẫn luôn bảo với tôi:
- Lệ này, em phải cố gắng mà học thật giỏi, chỉ có con đường học mới giúp cho chị em mình thoát khỏi nơi đây mà tìm một cuộc sống mới được.
- Ngộ nhỡ cuộc sống mới mà chị nhắc tới lại vất vả hơn ở đây thì sao hả chị?
- Không đâu, em học giỏi rồi sẽ dễ dàng kiếm được 1 công việc tốt, có lương cao. Chỉ cần có tiền, có tiền thôi thì nhất định chị em mình sẽ hạnh phúc mà sống bên nhau em nhớ chưa?
Tôi nghiêng nghiêng cái đầu mà hỏi lại:
- Vậy còn mẹ thì sao hả chị?
Chị nhìn tôi, buồn bã đáp:
- Mẹ có cuộc sống riêng của mẹ rồi, chúng ta phải tự lo cho bản thân mình em ạ.
Chị nói đúng, mẹ tôi bên ấy đã có gia đình mới, còn sinh thêm 2 em một gái, một trai nữa, làm sao mà trở về lo cho chúng tôi được. Mà hình như lâu lắm rồi chị em tôi cũng chẳng gặp mẹ, lần gần đây nhất là năm chị em tôi bắt đầu vào cấp hai. Khi chúng tôi cùng đạt học sinh xuất sắc, và được tuyển thẳng vào lớp chọn mà không phải thi như các bạn.
Hôm ấy mẹ về có mua cho chúng tôi mỗi đứa 1 chiêc cặp mới cùng 1 ít sách vở để chuẩn bị cho năm học mới. Tôi thích lắm cười mãi, còn chị Lan cứ nhìn mẹ chằm chằm rồi hỏi:
- Lần này mẹ có ở lại với chúng con không?
Mẹ sừng sờ nhìn chị không đáp, Sáng hôm sau mẹ lại vội vã dời đi, chẳng thể đợi để cùng dự khai giảng với chị em tôi.
Không sao, chị em tôi vỗn đã quen với cuộc sống thiếu vắng mẹ cha từ nhỏ. Có hay không mẹ bên cạnh thì chúng tôi cũng phải tự đi trên đôi chân của chính mình.
Hình như có ai đó đã hỏi tôi rằng:
- Mẹ mày bỏ lại chúng mày để đi tìm hạnh phúc riêng như vậy thì mày có ghét mẹ mày không?
Ghét mẹ, giận mẹ ư, để làm gì, tôi chưa từng nghĩ tới, dẫu sao thì mẹ cũng vất vả mang nặng đẻ đau chị em tôi chín tháng mười ngày, chứ không ruồng rẫy như người cha bội bạc kia. Mẹ cũng là người, cũng có mưu cầu hạnh phúc, nếu bắt mẹ hi sinh cả đời để lo cho chị em tôi thì bất công với mẹ quá.
Người mà cuộc đời này tôi hận nhất chính là người đã cùng mẹ tạo ra chị em tôi, rồi lại vội vàng chối bỏ. Ngày ngày ông ta vẫn nhìn thấy chúng tôi, thậm chí còn dạy chúng tôi ở trường, nhưng tuyệt nhiên chưa 1 lần ông ấy hỏi thăm chị em tôi.
Nếu ngày ấy ông ta không ích kỉ bỏ rơi mẹ, thì chắc chắn mẹ đã có 1 bờ vai để nương tựa, có một người chồng bên cạnh lúc vượt cạn khó khăn. Mẹ cũng sẽ không vì sinh chúng tôi mà bị người đời đàm tếu rằng không chồng mà chửa. Không bị bất kì ai chỉ trỏ khi ra đường. Và càng không bế tắc đến mức bỏ lại chị em tôi mà ra đi.
Cả đời này nhất định tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho ông ta, người cha bội bạc.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.