Người đến rước chúng tôi là một thanh niên, nhìn bề ngoài thì khoảng 25, 26 tuổi. Dáng người trung bình, da ngăm đen, khuôn mặt đậm vẻ chân chất thật thà. Anh ta lái một chiếc xe hơi bảy chỗ hiệu Toyota màu xám, nhìn qua cũng không còn mới nữa.
Theo như Đức Cường nói thì anh ấy tên Thức là con trai của một người cung ứng thành phẩm từ gỗ cho cha cậu. Vì tình cờ nơi chúng tôi cần tới ( Bạch Thanh Phong muốn tới) lại gần chỗ ở của gia đình anh Thức nên ba ngày này tụi tôi sẽ ở lại nhà anh ta.
" Anh Thức bao nhiêu tuổi ạ?"
Hằng Nga bất ngờ lên tiếng hỏi, người thanh niên đó cười hiền lành rồi trả lời.
" Anh 18, cũng không lớn hơn tụi em bao nhiêu đâu".
Nguyên đám cùng bất ngờ " hả?" Một tiếng, vì nhìn bề ngoài đúng là không ai nghĩ anh ta chỉ hơn tụi tôi một tuổi mà thôi. Có vẻ phản ứng của chúng tôi hơi quá nên anh ta ngại ngùng cười. Tôi vội lên tiếng.
" Con trai nên nhìn chững chạc một chút, như anh Thức vậy đó".
Hằng Nga cũng nhận thấy bản thân hơi thất thố, nó vội cười phụ họa theo lời tôi.
" Đúng rồi, đúng rồi. Nhìn rất nam tính luôn".
Mạnh Hải của vẻ không hài lòng lên tiếng.
" Nam tính hay không không phải đánh giá dựa trên bề ngoài đâu. Hơn nữa..."
" Khụ...Khụ...Khụ..."
Tôi vội ho mấy tiếng ngăn lời Mạnh Hải lại, cái thằng này đúng là không biết nhìn tình hình gì hết. Mà chắc nó ghen khi Hằng Nga khen anh Thức nên mới nhiều lời như vậy.
Có vẻ vì tôi ho lớn quá khiến Minh Đạt ngồi ghế sau lưng tôi lên tiếng.
" Không sao chứ? Ho nhiều như vậy có phải bị bệnh không?"
Tôi cạn lời luôn, sao thằng bạn của tôi lại ngây thơ như thế này chứ? Tôi cười quay xuống nói.
" Không có, chắc tại hồi nãy ăn hơi cay nên cổ họng khó chịu".
Minh Đạt vội đưa chai nước suối cho tôi nói.
" Uống đi sẽ tốt hơn đó".
Tôi nhận chai nước từ tay Minh Đạt, cười trừ rồi mở ra uống trước đôi mắt trong veo như nước của cậu ấy. Đức Cường bên cạnh Minh Đạt cố nhịn cười mà nhìn tôi.
" Vậy anh Thức đang học trường gì ạ?"
Hằng Nga lại lên tiếng hỏi. Người thanh niên đang cầm vô lăng ngại ngùng trả lời.
" Anh nghỉ học lâu rồi, hiện giờ làm tại xưởng gỗ với cha".
Nào ngờ anh ta lại mang vẻ chững chạc hơn tuổi như vậy, xem ra khác với chúng tôi anh lại phải sớm ra đời lăn lộn. Hằng Nga gượng cười, cả hai câu hỏi của nó đều có vẻ không thích hợp cho lắm. Lần nào cũng khiến bầu không khí trở nên khó xử. Thế là nó quyết định im luôn không nói thêm gì cả.
Tôi lên tiếng để phá tan bầu không khí im lặng trong xe.
" Vậy anh Thức có thể chế tác đồ gỗ đúng không?"
" Ừm. Anh có thể điêu khắc được tượng và tranh rồi. Mặc dù những sản phẩm quan trọng vẫn chưa đủ trình để tham gia".
Tôi vui vẻ đập hai tay vào nhau, ánh mắt hiện lên sự hâm mộ nói.
" Woa... vậy phải gọi anh là nghệ nhân mới đúng. Anh giỏi thật đó!"
Hằng Nga vội gật đầu rồi lặp lại câu " Anh giỏi thật đó!", anh Thức cũng vui vẻ cười rồi nói.
" Anh còn chưa đủ trình để gọi là nghệ nhân đâu, nhưng đúng là có tạo ra vài tác phẩm. Các em có muốn xem thử không?"
" Dạ! Tụi em rất muốn xem ạ!"
Vì thường ngày phải đối phó với tên chủ nhân nắng mưa thất thường của mình nên sinh ra tôi có chút thảo mai. Lại còn dễ dàng làm ra bộ dạng hâm mộ, tôn kính nữa chứ bởi vậy rất nhanh khiến cho người thanh niên mang dáng vẻ ngại ngùng đó trở nên cởi mở hơn. Thậm chí vừa cười vừa nói không ngừng về tác phẩm của mình. Bầu không khí trong xe dần trở nên vui vẻ thân thiết hơn rất nhiều.
Chúng tôi tới trước một căn nhà vườn, anh Thức chạy xe vào cái cổng bằng gỗ. Trước nhà có khoảng đất rộng, trồng vài cây hoa sứ và một một cái ao sen nhỏ. Căn nhà năm gian bằng gỗ với mái ngói màu nâu gạch nhìn qua rất rộng rãi.
Chúng tôi vừa bước xuống xe thì một người phụ nữa tầm 40 tuổi kéo theo một cô gái tầm tuổi chúng tôi tới gần. Có vẻ đó là mẹ và em gái của anh Thức. Khác với con trai mình người mẹ lại có làn da trắng, vóc dáng cao gầy, bề ngoài không hẳn là xinh đẹp lắm nhưng có thể nói là dễ nhìn hơn nữa còn toát ra vài phần khí chất của người có tiền. Cô con gái bên cạnh bà nhìn lại có chút đáng yêu, di truyền làn da trắng của mẹ mình nhưng chiều cao trung bình giống anh Thức.
Người phụ nữ vừa phụ đỡ vali xuống vừa đon đả nói với chúng tôi.
" Cứ để đó, để đó bác với anh làm cho. Các cháu đi đường chắc mệt lắm. Ngọc Lan dẫn anh chị vào nhà rửa mặt nghỉ ngơi trước đi".
Cô bé tên Ngọc Lan bên cạnh " Dạ!" một tiếng rồi kéo chúng tôi vào trong nhà. Chắc do tôi nhạy cảm thôi nhưng cứ thấy người phụ nữ này tỏ ra nhiệt tình hơi quá.
" Nhà em có năm gian ( Ngọc Lan vừa đi vừa giới thiệu với chúng tôi) đây là gian nhà khách. Hai gian kế bên là phòng ở, mỗi gian có ba phòng. Gian bên trái gồm phòng của cha mẹ, anh hai và em còn gian này là phòng của mấy anh chị".
Ngọc Lan đẩy cửa phòng, đồ đạc trong phòng khá đơn giản nhưng được dọn dẹp rất sạch sẽ. Gồm một chiếc giường bằng gỗ, một bộ bàn trà và tủ quần áo cũng bằng gỗ. Ngoài ra trong phòng còn đặt một chậu cây. Trên tường treo bức phù điêu bằng gỗ khắc hình hai con cò nghịch nước dưới ao sen.
Chúng tôi đi qua hai căn phòng còn lại, xem ra cách bài trí đều giống hệt nhau chỉ có bức phù điêu trên tường là khác thôi. Phòng thứ hai khắc một con cá bơi trong ao sen, bên trên còn có mặt trăng tròn, theo tôi nhớ bức này tên là "lý ngư vọng nguyệt", phòng còn lại thì là một đàn hạc bốn con bên ao sen. Điểm chung là đều có ao sen chỉ có con vật là khác thôi không biết chủ nhân nơi này có tình cảm đặc biệt nào với sen không nữa.
Ngọc Lan lại dẫn chúng tôi ra ngoài chỉ vào gian nhà phía sau.
" Đó là gian phòng thờ, ngoài ra còn có một phòng làm việc của cha ở đó, còn gian nhà nhỏ bên kia là gian bếp. Nhà em còn có hai người làm nữa, bình thường họ ngủ ở gian bếp".
Tôi cười cười nói.
" Nhà em cứ như nhà của ông chủ hội đồng trong phim mà chị coi vậy đó".
Ngọc Lan mỉm cười nói.
" Hồi xưa ông em là ông hội đồng đó, hơn nữa cũng rất giàu có. Căn nhà cũng là được xây từ thời đó rồi. Sau này cha em thừa kế lại, tuy là..."
Nói tới đó khuôn mặt Ngọc Lan hơi trầm xuống nhưng rất nhanh liền mỉm cười nói tiếp.
" Anh chị có muốn xuống đằng sau xem không? Cha với anh hai có đặt mấy bức tượng gỗ ở đó đó".
Chúng tôi gật đầu bước xuống sân sau cùng Ngọc Lan, đúng là ở đó đặt tầm 7, 8 bức tượng bằng gỗ. Tôi bước lại gần tượng di lạc cao cỡ người mình, khắc tay rất tỉ mỉ đúng là do nghệ nhân cao tay làm ra. Kế bên là bức Lạt Ma, bên kia nữa là Phật Bà.
" Woa! đẹp quá! Cha với anh hai em làm đó hả?"
Hằng Nga đứng trước tượng gỗ hình con ngựa lớn vui vẻ nói. Ngọc Lan bước tới bên cạnh Hằng Nga nhìn vào con ngựa gỗ rồi nói.
" Tất cả tượng ở đây đều do cha và anh em làm. Con ngựa này là anh hai em làm đó. Còn mấy bức tượng phật thì của cha em".
Tôi chỉ vào bức tượng phía bên kia rồi nói.
" Tượng bồ tát nhỏ này là của anh hai em đúng không?"
Ngọc Lan gật đầu với tôi, khuôn mặt kinh ngạc hỏi.
" Sao chị biết?"
Nhìn qua là biết mà, nét khắc vô cùng sống động nhưng so với cha mình anh Thức đúng là chưa khắc ra được cái " thần" của tượng gỗ.
" Bức tượng này nhìn ngầu ghê!"
Mạnh Hải vừa sờ bức tượng quan công vừa nói. Đúng là bức tượng trông rất khí thế, quan công đạp trên thân con rồng tay cầm loan đao.
Minh Đạt bên kia đang ngắm một cặp hươu gỗ, một con nằm một con đứng hai cặp sừng hướng vào nhau. Phải nói nhìn Minh Đạt lúc này dễ khiến người khác nảy sinh tà tâm lắm luôn, bình thường khuôn mặt đã mang chút nét trẻ con rồi. Bây giờ vì vẫn chưa hồi phục hẳn mà đôi mắt còn ánh lên vẻ ngây thơ trong sáng nữa. Tôi bất giác tiến lại gần muốn ghẹo chọc cậu ấy một chút,
" Thích hả?"
Tôi bất ngờ lên tiếng, Minh Đạt giật mình quay lại nhìn tôi rồi nhẹ gật đầu. Tôi cười sờ vào chiếc sừng đồ sộ của con hươu.
" Vậy cậu biết con nào là đực con nào là cái không?"
Minh Đạt nhìn cặp hươu một lúc rồi lắc đầu.
" Không biết!"
" Vậy kêu một tiếng "chị" đi, chị Mặc Linh chỉ cho".
_____*____*____
Viết tới chương này mình nhận ra một vấn đề rất quan trọng. Ở miền trung không biết có ông chủ hội đồng không nữa. Hình như mình viết sai rồi thì phải, nhưng mà mình lại không biết sửa từ đâu cả. ( khóc) thôi thì các bạn đọc cứ bỏ qua cho mình nha. Cứ xem như là ở miền trung có hội đồng đi. T-T.