Emily Trên Dải Cầu Vồng

Chương 20: Trong nhà cũ của John




Khi Người phụ nữ từng đét mông đức vua được chấp thuận và đăng tải trên một tạp chí New York khá danh tiếng, cả làng Hồ Blair và Shrewsbury đã xôn xao không ít, nhất là khi người ta thầm thì rỉ tai báo cho nhau tin tức khó có thể tin nổi, rằng Emily quả thực đã được trả nhuận bút bốn mươi đô la. Lần đầu tiên trong đời, họ hàng cô bắt đầu xem xét niềm say mê viết lách của cô với một thái độ khá nghiêm túc, rồi cuối cùng và mãi mãi, bà Ruth đành từ bỏ hết thảy mọi lời gièm pha về chuyện lãng phí thời gian. Tin chấp thuận này đến đúng thời điểm tâm lý phù hợp, khi lòng tin của Emily đã xuống thấp đáng kể. Suốt cả mùa thu rồi mùa đông, mọi tác phẩm của cô đều bị gửi trả lại, chỉ trừ những tác phẩm gửi cho hai tạp chí mà tòa soạn ắt hẳn cho rằng văn chương bản thân nó đã là giải thưởng và chẳng mấy liên quan đến những cân nhắc sặc mùi tiền bạc làm giảm giá trị của nó. Ban đầu, cô luôn cảm thấy khổ sở vật vã mỗi khi một bài thơ hoặc câu chuyện thấm đẫm nỗ lực của cô lại bị trả về kèm theo một mẩu giấy từ chối lạnh lùng hay một đôi lời ca ngợi nhạt nhòa - những sự từ chối “nhưng mà”, Emily gọi chúng như vậy, và căm ghét chúng hơn cả những thư từ chối được đánh máy. Nước mắt tuyệt vọng đã rơi. Nhưng một thời gian sau, cô càng lúc càng trở nên cứng cỏi, và không còn phiền muộn... quá nhiều... nữa. Cô chỉ nhìn lá thư của tòa soạn ấy bằng vẻ Murray và nói “Tôi sẽ thành công”. Và chưa một giây phút nào cô thật tâm nghi ngờ chuyện mình sẽ thành công. Trong sâu thẳm, tận đáy lòng, một cái gì đó nhắc nhủ cô rằng rồi có lúc, sẽ đến thời của cô. Vậy nên, dẫu nhất thời nao núng trước mỗi sự từ chối ấy, giống như khi chùn bước trước ngọn roi quất nhẹ, cô vẫn ngồi xuống và... viết một câu chuyện khác.
Dẫu vậy, tiếng nói nội tâm của cô càng lúc càng yếu ớt dưới tác động của bao nhiêu sự nản lòng như thế. Bằng việc Người phụ nữ từng đét mông đức vua được chấp thuận, tiếng nói ấy đột nhiên lại được nâng lên thành một bài ca tụng hân hoan mạnh mẽ. Tấm séc mang ý nghĩa lớn lao thật đấy, nhưng sức công phá của tờ tạp chí ấy còn mang ý nghĩa mãnh liệt hơn nhiều. Cô cảm thấy chắc chắn mình sẽ đạt được một chỗ đứng vững vàng. Thầy Carpenter cười khúc khích suốt khi đọc truyện và bảo cô rằng nó thực sự “xuất sắc không chê vào đâu được”.
“Phần đặc sắc nhất trong câu chuyện này là của bà McIntyre đấy ạ,” Emily rầu rĩ nói. “Con không thể gọi nó là tác phẩm của con được.”
“Bố cục là của trò; và những thêm thắt của trò hài hòa đến mức hoàn hảo với nền móng trò xây dựng. Và trò không đánh bóng thái quá câu chuyện của bà ấy; điều đó đã cho thấy tố chất của người nghệ sĩ. Trò có bị ham muốn đó cám dỗ không?”
“Có chứ ạ. Có rất nhiều chỗ con cho rằng con có thể trau chuốt lên rất nhiều.”
“Nhưng trò đã không tìm cách làm thế; chính điều đó đã khiến nó thành tác phẩm của trò,” thầy Carpenter nói, rồi để cô lại một mình giải mã ý nghĩa câu nói của ông.
Emily tiêu ba mươi lăm đô la trong số tiền nhận được một cách hợp lý đến nỗi ngay cả bà Ruth cũng không thể tìm ra sai lầm nào ở tiền quỹ của cô. Nhưng với năm đô la còn lại, cô đã dùng để mua một bộ Parkman. Bộ này còn hay hơn nhiều so với bộ được đưa ra làm giải thưởng - thực ra là bộ được nhà tài trợ chọn lọc từ một danh sách đặt hàng qua bưu điện; và Emily cảm thấy tự hào hơn nhiều so với việc giành được nó nhờ chiến thắng trong một cuộc thi tài. Xét cho cùng, tự mình mua được đồ cho mình thì bao giờ mà chẳng hay hơn. Emily vẫn còn giữ những tập Parkman ấy; bây giờ đã có phần cũ sờn và chữ in không còn sắc nét nữa, nhưng lại thân thương với cô hơn tất cả những tác phẩm khác trong thư viện của cô. Suốt mấy tuần liền, cô chìm trong cảm giác hạnh phúc và hưng phấn. Người nhà Murray tự hào về cô. Hiệu trưởng Hardy khen ngợi cô, một nhà diễn thuyết địa phương khá tiếng tăm đã đọc truyện của cô tại một buổi hòa nhạc ở Charlottetown. Và, tuyệt vời hơn hết thảy, một độc giả từ Mexico xa xăm đã viết thư cho cô, bày tỏ niềm vui thích mà Người phụ nữ từng đét mông đức vua mang lại cho ông ta. Emily đọc đi đọc lại bức thư cho tới khi thuộc nằm lòng nội dung, và nhét nó xuống dưới gối mỗi khi đi ngủ. Chưa từng có một bức thư tình nào được đối xử bằng thái độ âu yếm hơn mức đó.
Rồi vụ căn nhà cũ của ông John xảy đến như một đám mây dông, làm tối sầm toàn bộ bầu trời xanh ngắt của cô.
Một tối thứ Sáu, một buổi hòa nhạc và “giao lưu” đã được tổ chức ở Ao Thành Kiến và Ilse được mời lên đọc thơ. Bác sĩ Burnley chở Ilse, Emily, Perry và Teddy trên chiếc xe trượt rộng rãi của ông, và họ đã đánh xe suốt tám dặm đường băng qua màn tuyết nhẹ vừa bắt đầu giăng trong bầu không khí vui vẻ rộn ràng. Nửa chừng buổi hòa nhạc, bác sĩ Burnley bị gọi ra ngoài. Trong một gia đình ở Ao Thành Kiến, có một người đột nhiên lâm bệnh nặng. Bác sĩ rời đi, dặn Teddy phải đánh xe đưa cả nhóm về nhà. Bác sĩ Burnley không hể nghi ngại khi đưa ra quyết định này. Ở Shrewsbury và Charlottetown, người ta có không ít quy định ngu ngốc về chuyện hộ tống các thiếu nữ, nhưng ở Hồ Blair và Ao Thành Kiến thì không. Teddy và Perry là những chàng trai tử tể; Emily là một người mang dòng máu Murray; Ilse không phải kẻ ngốc. Ngài bác sĩ hẳn sẽ đúc rút một cách ngắn gọn về họ như thế nếu ông suy nghĩ về vấn đề này.
Kết thúc buổi hòa nhạc, họ lên đường về nhà. Lúc này tuyết đang rơi dày và gió cuồn cuộn thổi, nhưng ba dặm đường đầu tiên, nhóm bạn đi dưới sự che chở của rừng cây và cũng không thiếu phần thú vị. Một vẻ đẹp hoang dã bí hiểm trùm khắp những hàng cây khoác áo choàng tuyết đang đứng dưới ánh sáng bằng bạc của vầng trăng nấp sau những đám mây dông. Chiếc chuông đeo trên cổ con ngựa kéo xe trượt tuyết rung lên ngạo nghễ trước tiếng gió rít gào xa tít trên không trung. Teddy dễ dàng điều khiển cỗ xe ngựa của ngài bác sĩ. Có những lúc, Emily đồ rằng cậu chỉ đánh xe bằng một tay. Cô băn khoăn mãi không biết liệu cậu có để ý thấy tối hôm đó cô đã lần đầu tiên bới tóc thật “cao”, thành một búi tóc đen như gỗ mun bên dưới chiếc mũ đỏ thẫm. Một lần nữa, Emily lại thấy chuyện gió bão cũng có gì đó khá thú vị.
Tuy nhiên, đến khi họ ra khỏi rừng thì rắc rối bắt đầu. Cơn bão ào ạt xô về phía họ trọn vẹn cơn cuồng nộ của nó. Con đường mùa đông cắt ngang các cánh đồng, uốn lượn quanh co khúc khuỷu với những khúc cua tay áo vào vào ra ra rồi lượn quanh các ngóc ngách, các khoảnh vân sam - một con đường hẳn sẽ “làm gãy lưng rắn”, như cách nói của Perry. Con đường gần như đã bị tuyết bịt kín và đàn ngựa bị lún xuống tới tận đầu gối. Còn chưa đi được một dặm thì Perry đã mất hết nhuệ khí mà rít lên.
“Chúng ta không thể nào về đến Hồ Blair trong tối nay được đâu, Ted.”
“Chúng ta phải kiếm chỗ nào đó thôi,” Ted hét to. “Chúng ta không thể hạ trại ở đây được. Mà chẳng có ngôi nhà nào đâu, trừ phi chúng ta quay về được con đường mùa hè ở phía bên kia đồi Shaw. Rúc sâu vào trong áo choàng đi nhé, các cô gái. Cậu vào trong với Ilse đi thì hơn, Emily ạ, còn Perry sẽ ra đây ngồi với tớ.”
Sự chuyển giao này đã phát huy tác dụng, Emily không còn cảm thấy cơn bão thú vị như trước nữa. Cả Perry lẫn Teddy đều vô cùng lo ngại. Họ biết rõ lũ ngựa sẽ không thể tiến xa quá khi tuyết dày đặc thế này; con đường mùa hè phía bên kia đồi Shaw sẽ bị tuyết bịt kín, và trên những ngọn đồi cao trống trải nằm giữa các thung lũng của Ao Thành Kiến và Hồ Blair, không khí lạnh căm căm.
“Chỉ cần đến được chỗ Malcolm Shaw là chúng ta sẽ ổn cả thôi,” Perry lầm bầm.”
“Chúng ta chẳng thể nào đi xa đến thế được đâu. Đến giờ thì quả đồi nhà Shaw đã ngập đến tận đỉnh hàng rào rồi ấy chứ,” Teddy nói. “Ngôi nhà cũ của ông John ở ngay đây này. Cậu thấy chúng ta có ở lại đây được không?”
“Lạnh như cái chuồng ngựa ấy,” Perry nói. “Hai cô gái sẽ đóng băng mất thôi. Chúng ta phải cố gắng đến cho được chỗ ông Malcolm.”
Khi lũ ngựa lặn lội được đến chỗ con đường mùa hè, hai cậu bé chỉ cần liếc mắt đã nhận ra ngay quả đồi nhà ông Shaw là một phương án vô vọng. Mọi dấu vết của con đường đã bị lớp tuyết đang trùm lên cả đỉnh hàng rào xóa sạch. Các cột điện thoại bị gió quật đổ lạc sang tận phía bên kia đường, và một cây to đổ xuống chắn ngang lỗ hổng thông từ con đường đồng ra đường cái.
“Chẳng thể làm được gì ngoài cách quay lại ngôi nhà cũ của ông John,” Perry nói. “Chúng ta không thể lang thang trên đồng ngược chiều cơn bão này để tìm đường băng tới chỗ đồi nhà Malcolm được. Thể nào chúng ta cũng mắc kẹt và chết cóng mất.”
Teddy đánh ngựa vòng lại. Tuyết rơi dày đặc hơn bao giờ hết. Mỗi phút trôi qua, lớp tuyết đóng trên mặt đất lại càng dày hơn. Dấu vết con đường đã hoàn toàn biến mất, và nếu ngôi nhà cũ của ông John ở cách đó quá xa thì ắt hẳn nhóm bạn sẽ chẳng bao giờ tìm thấy nó. May mắn thay, ngôi nhà lại ở ngay gần đó, và sau chặng đường cuối cùng loạng choạng băng qua lớp tuyết rắn chắc, có lúc khiến hai cậu con trai phải rời khỏi xe dò dẫm đi bộ, nhóm bạn đã tiến được đến khoảng đất trống nhỏ tương đối yên bình giữa rừng vân sam non, nơi tọa lạc ngôi nhà của ông John.
“Ngôi nhà cũ của ông John” vốn đã cũ kỹ từ bốn mươi năm trước, hồi John Shaw chuyển đến cùng cô dâu trẻ tuổi của mình. Kể từ hồi đó, ngôi nhà đã trở thành một chốn hiu quạnh, cách xa đường cái, và gần như mất hút dưới sự bao bọc của rừng vân sam. Ông John Shaw từng sống ở nơi này năm năm; sau đó vợ ông qua đời; ông bèn bán trang trại cho người em Malcolm và chuyển tới miền Tây. Ông Malcolm trồng trọt trên khu đất và tu sửa kha khá kho thóc nhỏ, nhưng riêng ngôi nhà thì từ thời đó đến giờ vẫn chưa từng có ai đến ở, chỉ trừ vài tuần mùa đông, mấy người con trai của ông Malcolm đến nghỉ tạm trong thời gian họ “ra ngoài kiếm củi”. Ngôi nhà thậm chí còn chẳng bị khóa. Ở Ao Thành Kiến, người ta chẳng tìm đâu ra kẻ trộm cắp và người lang thang. Nhóm người lỡ độ đường của chúng ta dễ dàng tìm thấy đường vào qua cánh cửa của mái hiên xập xệ, và ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm nhận ra mình đã thoát khỏi cơn gió đang rít gào và trận bão tuyết đang quay cuồng.
“Dù sao đi nữa chúng ta cũng không chết cóng được,” Perry nói. “Ted và tớ sẽ tìm cách cho lũ ngựa vào trong kho thóc rồi sau đó sẽ quay lại xem liệu chúng ta có thu xếp thoải mái cho mình được không. Tớ có diêm đây rồi mà tớ thì trước nay chưa từng lâm vào thế bí bao giờ.”
Perry chẳng gặp mấy khó khăn trong việc chứng minh lời khoe khoang của mình. Que diêm được cậu thắp sáng chiếu tỏ hai cây nến cháy dở cắm trong giá nến thấp bằng thiếc, một cái lò sưởi Waterloo cổ lỗ dù rạn nứt và han gỉ nhưng vẫn tương đối sử dụng được, cộng thêm ba cái ghế tựa, một cái ghế dài, một cái sofa và một cái bàn.
“Chuyện này thì có gì không ổn đâu nhỉ?” Perry cật vấn.
“Mọi người ở nhà sẽ lo lắng cho chúng ta lắm lắm, có vậy thôi,” Emily vừa nói vừa rũ cho tuyết rơi khỏi quần áo khoác.”
“Họ chẳng chết vì lo lắng sau một tối được đâu,” Perry nói. “Dù sao thì mai chúng ta cũng về được nhà rồi.”
“Còn từ giờ đến lúc đó thì đây quả là một chuyến phiêu lưu,” Emily bật cười. “Hãy cố hết sức tận hưởng vui thú từ nó đi nào.”
Ilse không nói gì; mà với Ilse thì như thế quả tình rất kỳ quặc. Nhìn sang, Emily nhận thấy cô bạn đang xanh như tàu lá, và cô chợt nhớ ra từ lúc họ rời khỏi hội trường buổi hòa nhạc, Ilse đã yên lặng đến là bất thường.
“Cậu không sao đấy chứ, Ilse?” cô lo lắng hỏi.
“Tớ không ổn chút nào cả,” Ilse nói, kèm theo nụ cười nhợt nhạt. “Tớ... tớ mệt mỏi và buồn nôn,” cô bổ sung bằng giọng mãnh liệt chứ không hề tao nhã.
“Ôi, Ilse...”
“Đừng có bốc hỏa lên,” Ilse mất kiên nhẫn nói. “Tớ không nhiễm bệnh viêm phổi hay viêm ruột thừa đâu. Tớ chỉ buồn nôn thôi. Có lẽ tại cái bánh tớ ăn ở buổi hòa nhạc ấy ngậy quá. Nó làm cái dạ dày bé nhỏ của tớ lộn tùng phèo cả lên rồi. Ọe.... e...e.”
“Cậu nằm xuống sofa đi,” Emily hối thúc. “Có lẽ cậu sẽ thấy khá hơn đấy.”
Khổ sở nhún vai, Ilse nằm xuống. “Đau bụng” không phải một vụ ốm đau vớ vẩn viển vông mà cũng chẳng phải trận ốm nặng đe dọa đến tính mạng, nhưng chắc chắn trong thời gian nhiễm bệnh, bệnh nhân sẽ bị nó hút cạn mọi nhiệt tình hứng khởi.
Cánh con trai tìm thấy một thùng củi đầy phía sau lò sưởi, bèn nhanh chóng đốt được một đống lửa bập bùng. Perry cầm lấy một cây nến và đi thám hiểm ngôi nhà nhỏ. Trong một căn phòng nhỏ thông từ bếp ra, có một cái giường khung gỗ theo kiểu cổ phủ tấm đệm bện bằng dây thừng. Căn phòng khác - thời xưa từng là phòng khách của Almira Shaw - ngập lưng lửng rơm yến mạch. Trên gác chẳng có gì ngoài sự trống trải và bụi bặm. Nhưng Perry đã khám phá ra vài thứ trong cái chạn nhỏ.
“Ở đây có một hộp thịt lợn và đậu,” cậu thông báo, “và nửa hộp bánh quy nữa. Tớ đã tìm thấy bữa sáng cho chúng ta rồi. Hẳn là mấy người con trai nhà Shaw đã bỏ chúng lại đây. Gì nữa này?”
Perry mang ra một cái chai nhỏ, mở nút và ngửi khịt khịt vẻ nghiêm trọng.
“Whisky, chắc như bắp. Không nhiều, nhưng cũng đủ đấy. Thuốc của cậu đây rồi này, Ilse. Pha vào một ít nước nóng, rồi nhoắng cái là nó sẽ làm bụng cậu êm như ru luôn.”
“Tớ ghét vị whisky,” Ilse rên rỉ. “Cha tớ chẳng bao giờ uống thứ đó... cha không thích whisky.”
“Bác Tom thì có đấy,” Perry nói, như thể nói thế là xong chuyện vậy. “Nó là phương thuốc đảm bảo đấy. Cứ thử mà xem.”
“Nhưng làm gì có nước chứ,” Ilse nói.
“Vậy thì cậu cứ thế mà uống thôi. Trong chai này chỉ còn khoảng hai thìa con thôi. Cứ thử xem. Nếu không chữa khỏi thì nó cũng chẳng giết chết cậu đâu mà lo.”
Ilse tội nghiệp đang đau đớn khổ sở quá mức, đâm ra cô sẵn sàng dùng bất cứ thứ gì, trừ thuốc độc, chỉ cần cô cho rằng nó có khả năng giúp cô khá hơn. Cô bò ra khỏi sofa, ngồi xuống một cái ghế trước lò sưởi và uống liều thuốc này. Đây là loại whisky vừa mạnh vừa ngon, Malcolm Shaw có thể nói cho bạn biết thế. Và theo ý tôi thực ra trong chai không chỉ còn có hai thìa con, mặc dù Perry luôn nhất mực quả quyết rằng không thể nhiều hơn được. Ilse cuộn người ngồi trên ghế thêm mấy phút nữa, sau đó đứng dậy, ngập ngừng đặt tay lên vai Emily.
“Cậu có thấy không ổn chỗ nào không?” Emily lo lắng hỏi.
“Tớ... tớ say rồi,” Ilse nói. “Giúp tớ quay lại sofa đi. Tớ sắp ngã khuỵu xuống rồi. Gã Scotland ở Malvern nào từng nói rằng gã chẳng bao giờ say rượu nhưng whisky lúc nào cũng chôn trong đầu gối gã ấy nhỉ? Nhưng whisky của tớ thì còn ở cả trong đầu tớ nữa. Nó đang quay mòng mòng đây này.”
Cả Perry lẫn Teddy đều vọt tới giúp cô, và dưới sự kèm cặp của hai người, cô Ilse đang chân nam đá chân chiêu đã trở về tư thế an toàn trên sofa.
“Chúng tớ có làm gì được không?” Emily khẩn nài.
“Đã làm nhiều lắm rồi còn gì,” Ilse nói với vẻ phi thường trang nghiêm. Cô nhắm mắt lại và dẫu ai khẩn khoản đến thế nào cô cũng chẳng hề đáp lời. Cuối cùng, đành phải thấy rằng tốt hơn hết là cứ để mặc cô đấy.
“Cậu ấy ngủ một giấc là xong ấy mà, và đằng nào đi nữa, tớ đoán là nó sẽ giúp bụng dạ cậu ấy ổn định lại thôi,” Perry nói.
Emily chẳng tài nào nhìn nhận sự việc bằng thái độ bình thản thế được. Mãi nửa tiếng sau, khi tiếng thở êm ái của Ilse chứng tỏ cô quả thực đã ngủ say, Emily mới bắt đầu nhấm nháp mùi vị chuyến “phiêu lưu”. Gió quần quật quanh ngôi nhà cũ, lắc cửa sổ rung lên cành cạch như thể đang điên cuồng phẫn nộ vì các bạn trẻ đã thoát khỏi móng vuốt của nó. Thật dễ chịu xiết bao khi được ngồi trước lò sưởi, lắng nghe giai điệu hoang dã của cơn bão bại trận; thật dễ chịu xiết bao khi nghĩ về quãng đời đã qua của ngôi nhà cũ đã chết này, trong những tháng năm nó vẫn còn ngập tràn tình yêu và tiếng cười; thật dễ chịu xiết bao khi chuyện trò cùng Perry và Teddy về đủ mọi thứ trên đời, dưới ánh nến chập chờn; thật dễ chịu xiết bao khi thỉnh thoảng lại được ngồi lặng im, chăm chăm nhìn ánh lửa đang nhấp nháy đầy mê hoặc đang chiếu trên vầng trán trắng như sữa cùng đôi mắt mơ màng ám ảnh của Emily. Bất chợt nhìn lên, một lần nữa Emily phát hiện ra Teddy đang nhìn cô bằng ánh mắt lạ kỳ. Trong một thoáng, ánh mắt hai người giao nhau và dẫu hai ánh mắt chỉ giam cầm nhau trong thoáng chốc, nhưng vẫn đủ khiến Emily mãi mãi không bao giờ trở về con người cũ được nữa. Cô sửng sốt không hiểu đã có chuyện gì. Từ nơi nào mà tuôn trào ngọn sóng ngọt ngào khôn tả dường như đã nuốt trọn cả tâm hồn lẫn thể xác cô đây? Cô run rẩy... cô sợ hãi. Dường như nó đã mở bung những tiềm năng thay đổi đủ khiến người ta choáng váng. Suy nghĩ mạch lạc duy nhất hiện lên từ tâm trí hỗn loạn của cô là cô muốn được cùng Teddy ngồi trước ánh lửa như thế này mỗi tối cho đến tận cuối đời; và mặc xác bão với bùng! Cô không dám nhìn Teddy lần nữa, nhưng cô run lên bởi cảm giác ngọt ngào về sự gần gũi của cậu; cô ý thức một cách sâu sắc về dáng người cao ráo thẳng tắp trẻ trung của cậu, về mái tóc đen bóng mượt, đôi mắt xanh sẫm long lanh của cậu. Từ trước tới giờ, cô vẫn luôn biết rõ mình yêu quý Teddy hơn bất kỳ sinh vật giống đực nào lọt vào tầm mắt; nhưng đây là một cảm xúc khác hẳn so với yêu quý thông thường; cảm giác thân thuộc với cậu như máu thịt này đã nảy sinh cùng sự trao đổi ánh mắt đầy ý nghĩa ấy. Đột nhiên, cô dường như hiểu rõ lý do tại sao cô luôn lạnh nhạt với bất kỳ cậu trai nào ở trường trung học mong muốn được thành bồ của cô. Sự hân hoan của câu thần chú vừa đột ngột hạ trên người cô quá choáng ngợp đến độ cô không thể không phá vỡ nó. Cô vụt đứng dậy bước đến bên cửa sổ. Tiếng tuyết thì thầm huýt khẽ bên những giọt băng trắng xanh đậu trên bệ cửa dường như đang nhẹ nhàng tỏ ý khinh thị trước nỗi hoang mang của cô. Ba đụn cỏ khô to lợp tuyết hiện lên lờ mờ nơi góc kho, dường như đang cười rung bần bật trước tình thế khó xử của cô. Lửa trong lò phản chiếu ra bên ngoài khoảng đất trống có phần giống như đống lửa mừng của loài yêu tinh đang cười cợt dưới gốc linh sam. Đằng sau nó, phía bên kia khu rừng, là những khoảng trống khôn dò thấu của cơn bão trắng xóa. Trong một thoáng, Emily thầm ước sao cô được ở ngoài trời giữa vòng vây của chúng; ở ngoài đó, để được giải thoát khỏi sự giam cầm của niềm hân hoan đáng sợ đã bất ngờ vô duyên vô cớ biến cô thành tù nhân - cô, con người vốn căm ghét mọi ràng buộc.
“Liệu có phải mình yêu Teddy rồi hay không?” cô nghĩ. “Không phải đâu... không phải thế đâu.”
Perry, không hề ý thức được hết thảy vấn đề chớp nhoáng đã xảy ra giữa Teddy và Emily, ngáp dài và vươn người.
“Có lẽ tốt hơn hết chúng ta nên kiếm cỏ khô đi thôi; nến sắp cháy hết rồi. Tớ cho là chúng ta có thể lấy rơm làm một cái giường ngon lành thực sự đấy, Ted ạ. Mang đủ ra ngoài kia rồi chất lên khung giường để làm cho các cô gái một chỗ ngủ dễ chịu thôi. Phủ lên trên bằng một trong những tấm thảm lông kia nữa là sẽ không đến nỗi quá tệ đâu. Tôi nay chúng ta thể nào cũng có những giấc mơ đẹp cho xem, đặc biệt là Ilse. Không biết cậu ấy đã tỉnh rượu chưa?”
“Tớ đã có cả rổ giấc mơ để đem bán đây rồi,” Teddy nói, có chút khác lạ, trong giọng nói và thái độ toát lên một niềm hân hoan mới mẻ không tài nào cân đong đo đếm được. “Cậu thiếu gì nào? Cậu thiếu gì đây? Một giấc mơ về thành công; giấc mơ phiêu lưu; giấc mơ về biển cả; giấc mơ về miền rừng; bất kỳ giấc mơ nào cậu muốn với cái giá hợp lý, kể cả một vài cơn ác mộng vặt vãnh độc nhất vô nhị. Cậu sẽ lấy gì để đổi lấy một giấc mơ đây?”
Emily quay lại; nhìn cậu không chớp mắt một hồi; và rồi quên hết thảy mọi nỗi xúc động và bất an để chìm trong nỗi khát khao cuồng nhiệt có một cuốn sổ Jimmy. Như thể câu hỏi của cậu, “Cậu sẽ lấy gì để đổi lấy một giấc mơ đây?” là một phương thức nhiệm mầu mở tung căn phòng nào đó vốn bị niêm phong trong trí óc cô, để cô nhìn thấy hiển hiện ngay trước mắt ý tưởng sáng chói cho một câu chuyện trọn vẹn, thậm chí đến cả cái tên cũng có - Người bán giấc mơ. Kể từ lúc đó cho tới hết buổi tối, Emily chẳng nghĩ về bất kỳ điều gì khác.
Hai chàng trai đã bỏ ra chỗ cái trường kỷ lót rơm, còn Emily, sau khi quyết định để mặc Ilse - có vẻ chừng nào còn ngủ thì chừng đó vẫn được thoải mái trên chiếc sofa - bèn nằm xuống cái giường trong căn phòng nhỏ. Nhưng không phải để ngủ. Cô chưa bao giờ cảm thấy tỉnh táo không chút buồn ngủ hơn lúc này. Cô không muốn ngủ. Cô đã quên béng mất chuyện mình yêu Teddy; cô quên hết thảy mọi thứ, chỉ giữ lại cái ý tưởng tuyệt với; chương nối tiếp chương; trang kéo theo trang, nó cứ thế trải mình ra trước mắt cô trong bóng tối. Các nhân vật của cô sống, cười đùa, trò chuyện, sinh hoạt, vui sướng và đau khổ; cô nhìn thấy họ trên cái phông nền cơn bão ấy. Hai gò má cô bừng cháy, trái tim đập thình thịch, toàn thân râm ran bởi cảm hứng sáng tạo ngây ngất, một niềm hân hoan tuôn trào như thác lũ, như thể từ trong sâu thẳm tâm hồn, dường như tách biệt hoàn toàn với hết thảy mọi sự vật sự việc nơi trần thế. Ilse đã say vì món whisky Scotland bị bỏ quên của Malcolm Shaw, còn Emily bị say ngất ngây vì thứ rượu bất tử.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.