Gả Cho Nam Nhân Bệnh Lại Là Phúc Của Ta

Chương 18: Quý nhân phù trợ




Đêm khuya tịch mịch, tiếng dế kêu râm ran, mặt trăng sớm đã lên cao nhưng lại bị một tầng mây che phủ. Ánh trăng yếu ớt rọi xuống nền đất, mấy cành cây ướt sương bị những cơn gió Nam cuối cùng thổi phát ra tiếng rào rạc. Trong căn nhà của quan tri huyện Huỳnh Văn Hậu diễn ra nhiều loại cảm xúc khác nhau.
Dì Hằng nằm trên phản làm bằng gỗ sưa chắc chắn, tay bóc vỏ qua cam cho vào miệng, trên mặt còn chườm một túi nước ấm, bên dưới là hai con hầu nhỏ đang xoa bóp cho dì. Bà Phương ngồi bên ghế con, chốc chốc lại thở dài cuối cùng không nhịn được mà lên tiếng
- Dì lần này sao lại...mạnh tay thế! Quan bà vẫn còn ở đây..
Dì Hằng buông quả cam trong tay, cho nó lăn trên nền đất, bực dọc đáp lời
- Hừ! Vốn dĩ quan bà đã thuận theo ý ta, mụ ấy chính là loại mê tín, sợ thần sợ thánh, chiêu này là quá phù hợp rồi. Hơn nữa mụ đàn bà đó chỉ biết lợi lộc, công danh nào có quan tâm sống chết một con vợ lẽ. Ai dè, giữa chừng con ranh kia lại phá đám! Vốn tưởng nó hèn nhát giống như mẹ, ta có ngờ đâu “chó cùng dứt giậu”, nó lại liều mạng như thế. Chết ả đàn bà kia, ta còn lo liệu được chứ chết cả ba thì e rằng quan ông cũng không sống nổi.
Bà Phương cúi người, nhặt quả cam lăn trên đất, tính cách đứa trẻ này vẫn như lúc còn là tiểu thư, ngang ngược hống hách.
- Vậy ngày mai chúng ta làm sao đây?
Dì Hằng quắc tay, kéo bà Phương ngồi lên phản, ghé tai thì thầm chi đó. Bà Phương nghe xong, mặt thoáng vui thoáng sợ, lẳng lặn nhìn người đàn bà đang nằm bên cạnh.
- Nếu quan ông trở về tra hỏi, thì chúng ta đáp thế nào? Ngày hôm nay dù sao cũng đã kinh động bà cả..
- Ta nào có làm gì, nghe tin có yêu quái ta rơi vào hoảng sợ mới giải quyết như thế, nhỡ không hay thì do ta yếu kém, dù sao bấy lâu trước mặt ông ta cũng tròn vai một người vợ ngu ngốc. Nhưng suy cho cùng mọi quyết định đều là của quan bà còn gì? Nếu ông có giận ta, cùng lắm phạt dăm ba hôm, ta khóc một trận là được.
Sáng sớm, sư thầy mà quan bà nhờ người tìm đã đến cửa, được quan bà mời vào sảnh chính dùng trà. Phía nhà sau, đám đầy tớ mở cửa kho chỉnh trang lại cho dì Hoa gặp khách. Thay một bộ quần áo sạch sẽ, búi lại đầu tóc cho gọn gàn nhưng tay vẫn bị trói, miệng vẫn ngậm giẻ. Chúng áp giải dì lên sân như là tội phạm chờ phán quyết cuối cùng. Ta đứng bên hông nhà, nhìn thấy mẹ bị coi như tù nhân không khỏi xót xa, nước mắt không ngừng được mà tuôn đầy mặt.
Sư thầy nhanh chóng tiến ra cùng người của quan bà. Thầy khoảng chừng gần bốn mươi, da dẻ có phần đen đúa, gương mặt tròn trịa hòa nhã cùng cái đầu nhẵn bóng ra dáng sư thầy. Dì Hằng trông thấy liền vui vẻ, xém tí phát ra câu "thật giống". Vú Khoai bồng em Khải đứng một bên vội ghé tai ta thì thầm: “thầy này trông lạ lắm cô chủ ơi, trông sắc diện nhà tu nhưng dáng đi, điệu bộ thì sỗ sàng lắm”. Ta ngừng khóc, chăm chú hồi lâu liền sinh nghi ngờ. Thầy mặc bộ áo tràng có phần khá mới, miệng cười trang nhã nhưng mắt liên tục ngó nghiêng, xâu chuỗi trên tay...ấy thế mà có tới 110 hạt. Ta ghé tai chị Hồng, nói thầm
- Chị canh lúc hỗn loạn, chạy ngay đi gọi thầy lang Hải!” - con hầu Hồng gật đầu, mắt lấm lét canh thời cơ thích hợp.
Vị sư pháp danh là Định Tâm kia đi một vòng quanh dì Hoa, tiếp đến là cúi người soi xét, sau cùng đứng lên lắc đầu, nói một câu “a di đà phật” điển hình
- Thưa bà, nữ thí chủ đây quả thực là bị hồ ly tinh nhập vào!
So với thầy pháp múa lưỡi kiếm cơm, sư thầy ở chùa đáng tin gấp bội. Bởi lẽ để làm sư, họ phải thề trước đức phật rằng sẽ không phạm phải tội dối trá. Lời sư thầy nói ra làm tất cả mọi người hoảng sợ, ai nấy vô thức lùi bước, tránh càng xa dì Hoa càng tốt. Mẹ ta ngước mặt nhìn sư thầy, ánh mắt kiên định không lay chuyển, làn da đỏ rực lên vì ngứa và vì máu. Bà cả nhanh chóng bước lên, chắp tay thưa
- Mô phật, thầy có biết cách chi giúp em ba giải trừ không ạ?
- Cách thì có, không cần tổn hại thân thể, chỉ cần bà đây chịu đưa người lên chùa. Dưới chân đức phật không có ma quỷ nào dám làm càn.
- Vậy thì tốt quá, bạch thầy, phải đi bao lâu ạ.
- Mười năm! Sau mười năm nghiệp quả tiêu trừ, thí chủ đây liền có thể trở về an hưởng hạnh phúc.
Hay thật, quả là hay, thế mà lại là liên hoàn kể. E rằng dù có gọi mười kẻ đến đây, thì mười kẻ ấy đều sẽ nói mẹ ta là yêu ma quỷ quái. Không giết được thì hủy hoại, không hủy hoại được thì tìm cách đưa đi. Mấy người đàn bà giành giật một đấng ông chồng lại có thể làm tới mức này sao? Không, họ không phải là giành giật đàn ông, cái họ giành giật là vinh hoa phú quý, là tiền muông bạc vạn. Người mẹ đáng thương này của ta chỉ muốn cùng tri âm sống qua ngày, chưa từng tơ tưởng đến vàng bạc châu báu, vậy mà chúng rắp tâm hại bà. Để đề phòng việc như hôm qua sảy đến, bà cả đã cho người đứng quan sát ta, bây giờ ngay cả liều chết kéo dài thời gian cũng không thể. Phải làm sao đây? Phải làm sao? Giương mắt đứng nhìn đám hầu già kia lôi mẹ ta đi hay sao? Mười năm dài đằng đẳng, đợi mẹ ta rời khỏi chùa, ta cũng đã lấy chồng sinh con. Bà cũng đã hoa héo nhụy tàn.
Trái lại với sự âu lo của Khánh Mai, dì Hằng liên tục niệm “a di đà phật”, chắp tay khấn nguyện, hết lời khen ngợi công đức của thầy, của chùa. Dì ta còn tỏ ra vui sướng thay cho dì Hoa vì không phải rạch mặt, cũng không phải thiêu sống. Bà cả nghe thấy điều này cũng gật đầu đồng ý. Không bắt dì ta chịu thiệt thòi, chỉ là lên chùa ăn chay niệm phật, coi như tích đức cho con cái, điều này có chi khó khăn.
- Thưa thầy, cho tôi hỏi, thầy đây là sư chùa nào? - Một giọng nói khá trầm vang lên, dập tắt đi tiếng xì xào bàn tán lúc bấy giờ.
Một người phụ nữ tầm hai mươi lăm tuổi bước vào sân lớn. Trên người là một thân áo nâu trầm, cổ đeo chuỗi hạt bồ đề, tóc vấn cao chít khăn đen, không hề có chút vòng vàng trang sức, cả người thoát ra khí chất trầm ổn. Đây là vợ hai nhà quan tri phủ Sa Lệnh, bà Phạm Vân Nga. Người đàn bà mà cả năm ta chỉ thấy được đôi lần. Trước giờ dì ta hầu như không thích ra ngoài, không thích giao lưu trò chuyện, chưa từng thỉnh an bà lớn. Rối loạn mấy ngày hôm nay, chắc đã khiến dì ta phiền lòng.
- Thưa bà, tôi là sư chùa Cam Lộ.
- Thật trùng hợp thay, tôi đây sớm đã là phật tử tại gia, chính là được sư trụ trì Cam Lộ làm lễ quy y tam bảo cho. Thời gian đến chùa còn nhiều hơn về nhà mẹ đẻ, sao tôi chưa từng thấy thầy?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.