Giang Hồ Ân Cừu Ký

Chương 5: Thư sinh mặt lầm lì




Đã đón bắt được Tử Vong thuyền rồi ...
- Mau tung lưới Thông Thiên ra đi ...
- Mau ném Lôi Hỏa đạn ...
- Bịt lấy cửa sông mặt Tây. Mau đừng cho nó chạy thoát.
Tiếng người kêu la như trên, vang cả một góc trời. Thuyền bè đi lại trên mặt sông như thoi đưa, loạn xạ vô cùng.
Phương Sách với thiếu nữ áo xanh chèo một chiếc thuyền không đi như bay tiến xuống miền hạ du. Thiếu nữ áo xanh Giang Tĩnh Thục, vẻ mặt nghi ngờ, nhìn vào đám người với thuyền đang nhôn nhao xáo trộn, với giọng thắc mắc hỏi Phương Sách rằng:
- Tại sao chúng lại chặn bắt Tử Vong thuyền, đuổi giết cha như thế ?
Nghĩ đến thân thế mình, Phương Sách mũi lòng, ứa nước mắt ra, nhưng nhất thời không biết trả lời Tĩnh Thục như thế nào cho phải ?
Tĩnh Thục thấy vẻ mặt của Phương Sách như vậy, hình như đã hiểu biết tâm sự của chàng nên nàng cũng tỏ vẻ rầu rĩ, nhưng rất tự tin, nói tiếp:
- Hừ ! Tha hồ chúng đông người và tài ba đến đâu cũng địch không nổi cha đâu !
Nghe thấy nàng nói như thế, Phương Sách có vẻ phấn chấn, vô hình chung chàng đã quan tâm đến sự an nguy của Tử Vong thuyền chủ.
Trên bể cả, chỗ cửa sông Dương Tử, sóng gió rất to một đám thuyền quây chặt lấy một hình gì bình bán nguyệt đang nổi lênh đênh trên mặt nước, lưới và xích sắt man như mạng nhện bao trùm kín vật nọ. Có lẽ Tử Vong thuyền không sao chạy thoát được nữa.
Phương Sách muốn xông vào trong đám đông, nhưng chàng lại cảm thấy xông vào như thế không tiện, nên chàng vội lái thuyền vòng ra bên ngoài.
Đột nhiên, có tiếng cười kêu như xé vải nổi lên. Tiếng ồn ào của mọi người đều im lặng ngay, hình như giữa mặt đất bỗng có một vòi nước phun lên rửa và làm trôi sạch hết những tiếng kêu của mọi người. Trong lúc tiếng kêu chưa dứt, quần hùng đang ngẩn người ra, thì trên đỉnh vật hình bán nguyệt bỗng có một bóng người vừa gầy vừa xao xuất hiện, đứng sừng sững ở trên đó, hai mắt tia ra hai luồng ánh sáng chói lọi, lưới và xích sắt bị đứt hết rồi rớt cả xuống dưới bể. Bỗng có một tiếng nói khẽ như tiếng muỗi kêu, nhưng khi lọt vào tai mọi người lại lạnh lùng và kêu như tiếng sấm động. Thì ra người ấy đã lên tiếng nói:
- Các ngươi không tự lượng sức khỏe của mình, dám chận bắt Tử Vong thuyền của ta. Nếu các ngươi còn không tránh ra, bổn thuyền chủ sẽ làm cho ba nghìn cái xác nổi lênh đênh, và sóng máu vọt cao mười trượng ở chỗ cửa bể này ngay ! Nhưng tiếc thay, các ngươi lại không đủ ba nghìn người, hà hà ...
Thấy thân hình của Tử Vong thuyền chủ thần xuất quỷ mạt như vậy, quần hùng đều kinh hoảng, mất hết vẻ kiêu ngạo, tên nào tên nấy đều đứng thừ người ra, nhưng chỉ thoáng cái thôi, chúng đã trấn tĩnh được ngay, liền quát tháo, nổi giận. Mấy chục cái bóng người nhảy lên trên cao, rồi nhằm người đứng ở trên đỉnh vật hình bán nguyệt kia đâm bổ xuống tấn công.
"Ào ào ... " một ngọn sóng nổi lên cao chọc trời, Tử Vong thuyền liền chìm xuống dưới đáy biển biến mất. Tử Vong thuyền chủ với mấy chục cái bóng người cũng bị làn sóng ấy lôi cuốn đi luôn.
Nhị Lão đồng thanh quát bảo:
- Các đội thuyền mau tản mác ra và đuổi theo truy kích !
Những chiếc thuyền đang quây quần được lệnh đều tản mác ra tứ phía. Quần hùng chăm chú nhìn xuống dưới nước, sông vẫn cuồn cuộn, trên mặt bể, ngoài sóng và nước ra, người ta không còn trông thấy tung tích của Tử Vong thuyền đâu nữa. Một lát sau, có mấy chục cái bóng người ở dưới nước nhô lên, thưa với Nhị Lão rằng:
- Tử Vong thuyền đã lặn xuống dưới đáy bể rồi !
Nhị Lão liền hỏi:
- Sao các ngươi không tiếp tục theo dõi ?
- Tử Vong thuyền lặn nhanh lắm, và xung quanh chiếc thuyền có những xoáy nước rất mạnh, không sao lại gần được.
- Có trông thấy rõ hình dáng của nó không ?
- Không trông thấy rõ, chỉ hơi trông thấy cái bóng của nó thôi !
- Giống hình cái gì ?
- Một cái bóng đen lù lù, to lắm ... có thế thôi.
- Tại sao không dùng Lôi Hỏa đạn để đối phó ?
- Xoáy nước cứ đẩy mạnh về phía chúng tôi, chỉ sợ dùng Hỏa Lôi đạn đã không phá vỡ nó, trái lại người mình lại bị thương trước ...
Nhị Lão nghe nói liền cúi đầu suy nghĩ.
Nửa tiếng đồng hồ đã qua ... một tiếng đồng hồ cũng đã qua ... trên mặt bể vẫn yên lặng như tờ. Có lẽ Tử Vong thuyền đã chạy mất dạng thật rồi. Quần hùng nản chí vô cùng, đều quay thuyền trở lại, trở về mạn ngược.
Nhị Lão thấy thế đau lòng vô cùng, vì điểm lại số người và thuyền thì hình như chỉ còn có một phần ba thôi. Xác người và xác thuyền nổi lềnh bềnh trên mặt nước, đâu đâu cũng có. Những người và thuyền còn lại đó đều là đệ tử của Tam Lão, còn các để tử của những môn phái khác thì không thấy một người nào, có lẽ trong lúc truy kích, giữa đường họ đã quay trở lại rồi.
Phương Sách từ từ chèo thuyền theo sau, không dám tới gần quần hùng. Tĩnh Thục hớn hở nói:
- Đại ca, tài ba của cha lợi hại thật, đã đánh bại bọn chúng rồi.
Bỗng nghĩ tới một việc, Phương Sách vội hỏi:
- Hiền muội có biết cha đi đâu không ?
Tĩnh Thục đáp:
- Tiểu muội không biết. À ... có một lần cha có nói cho tiểu muội hay, hình như cha đi đến một hòn đảo ở một nơi rất xa.
- Đảo ấy ở đâu ?
- Ở một nơi xa lắm !
- Cha có thường đến thăm hiền muội không ?
- Cứ nửa tháng cha đến thăm tiểu muội một lần, mỗi lần tới htế nào cũng đem đến cho tiểu muội rất nhiều vỏ trai vỏ hến đẹp lắm. Những vỏ trai vỏ hến ấy hiện đang ở trong hang động. Lát nữa đại ca tới đó, tiểu muội sẽ lấy ra cho đại ca xem ... Cha đã nói, chờ tiểu muội lớn. Ừ ... lớn như đại ca vậy, sẽ dắt tiểu muội đi tới cái đảo ấy. Chắc cái đảo ấy có nhiều trò chơi lắm, phải không đại ca ?
Nàng càng nói càng có vẻ thích thú, Phương Sách đang suy nghĩ về câu nói đầu tiên của nàng, nên chàng hỏi tiếp:
- Mỗi lần cha đến thăm hiền muội ở lại bao lâu ?
- Ở lại ba ngày, ngày nào cũng dạy cho tiểu muội võ công.
Phương Sách nghe tới đó liền nghĩ bụng:
"Nửa tháng mới khứ hồi được, và còn ở lại nơi đây ba ngày. Như vậy hòn đảo mà Tử Vong thuyền đi đó chắc cũng không xa đâu, nhưng cũng không gần lắm." Chàng lại đoán chắc vô số thanh niên nam nữ bị bắt còn đều bị giam giữ ở trên đảo. Nghĩ đến lời nói của sư phụ, chàng lại đoán Tử Vong thuyền chủ bắt cóc những thanh niên ấy đi tới đó là có một âm mưu lớn để gây tai kiếp cho võ lâm ... Vì những vấn đề trên, chàng bỗng quyết định thể nào cũng đi dò thám hòn đảo thần bí ấy một phen.
Tĩnh Thục bỗng chỉ tay về phía trước la lên:
- Đại ca mau xem, họ đã lên chỗ hồi nãy đánh nhau với cha đấy.
Phương Sách ngửng đầu lên nhìn, mới hay đã tới Sùng Minh đảo rồi. Nhị Lão đang dẫn các môn hạ đệ tử lên bờ, và kiểm soát những xác nằm ngổn ngang ở trên đó, hình như muốn tìm kiếm cái gì thì phải.
Tĩnh Thục nói tiếp:
- À, em biết rồi chúng đang xem xét ám khí của cha xử dụng đấy. Ám khí ấy thích thú lắm, cha đã dạy em xử dụng rồi. Và còn cho em mấy mũi để phòng thân đấy.
Đây đại ca xem.
Nàng vừa nói vừa móc túi lấy một vật gì như sao bạc ra ném cho Phương Sách.
Bắt lấy vật ấy, Phương Sách nhìn kỹ mới hay đó là một miếng gang nho nhỏ, dài chừng ba tấc, hai đầu bén nhọn và có rất nhiều móc nhỏ trông như một chiếc thuyền nhỏ vậy.
Đáy thuyền cũng bén nhọn như một lưỡi dao, ở giữa có một cái cột buồm bằng đồng vàng, cao chừng ba tấc, tren cột có buộc lá cờ bằng lĩnh trắng dài chừng một tấc.
Trên lá cờ có thêu một sợi xích sỏ vào một cái sọ trông như trò chơi trẻ con vậy.
Dưới mắt của người nhà nghề, khí giới quái dị này của Tử Vong thuyền chủ oai lực rất phi thường. Chiếc thuyền bằng gang dài ba tất này xung quanh mép thuyền đều là lưỡi dao, mũi thuyền là móc, cột buồm là kim, bốn mặt đều có lưỡi dao sắc bén như vậy, hình như nó còn biết lượn vòng ở trên không, như vậy thì địch thủ khó mà biết cách chống đỡ.
Tĩnh Thục đưa ba chiếc phi tiêu hình thuyền cho Phương Sách và nói tiếp:
- Đại ca cũng nên đem theo mấy cái để phòng thân.
Phương Sách liền bỏ vào túi, rồi hỏi tiếp:
- Cha có dạy cho hiền muội sử dụng qua môn phi tiêu này không ?
- Có. Đây, để tiểu muội sử dụng cho đại ca xem nhé.
Tĩnh Thục vừa nói vừa lấy một mũi phi tiêu hình thuyền ném ngay lên không. Chỉ thấy một điểm sao bạc bay lượn lên trên không kêu đến "veo" một tiếng, trong bóng tối có ánh sáng bạc thấp thoáng, và lượn một vòng, mũi phi tiêu ấy lại quay ngay trở về tay của nàng liền.
Nàng vừa ném thử mũi phi tiêu ấy, trên bãi cát đã có người thất thanh la lớn:
- Tử Vong thuyền chủ đã tới !
Phương Sách đưa mắt nhìn xung quanh không thấy một bóng người nào hết. Trái lại, chàng chỉ thấy quần hào cùng trố mắt lên nhìn về phía mình, mặt lộ vẻ hoảng sợ.
Lại có người la tiếp:
- Không phải là Tử Vong thuyền chủ, mà là con của y đấy.
Phương Sách như bị mũi kim bén nhọn châm vào trái tim vậy. Vừa rồi Tĩnh Thục thử ám khí khiến bọn họ chú ý đến mình. Chàng cũng không biết cái danh từ "con của Tử Vong thuyền chủ" như vậy là vinh hay là nhục ?
Tâm Tâm đại sư bỗng nghĩ ra một kế, khẽ quát bảo bọn đệ tử rằng:
- Mau bắt lấy chúng !
Những người đứng ở bãi cát liền xôn xao ngay. Phương Sách không tránh né gì hết, từ từ cho thuyền vào bờ, tay dắt Tĩnh Thục ung dung đi lên bãi cát, xuyên qua đám người đang hoảng sợ nghi ngờ.
Thấy thái độ của chàng ung dung và nghiêm nghị như vậy, nhị lão đều ngẩn người ra, không biết nên xử trí như thế nào cho phải ?
Tâm Tâm đại sư giơ một chưởng lên trước ngực, chào hỏi:
- A di đà Phật ! Tiểu thí chủ công lực phi phàm, có lẽ đã học được hết chân truyền của Huyền Cốc Dị Tú rồi cũng nên.
Phương Sách cũng chắp tay đáp lễ và trả lời:
- Đại sư cứ quá khen đấy thôi. Đệ tử ngu muội, không sao tiếp thụ được hết sự huyền ảo của ân sư.
Nhị lão ngấm ngầm suy tính, nhận thấy chàng quả thật là đệ tử của Vũ nội đệ nhất kỳ, nên cả hai đều e dè không dám ra lệnh bắt chàng nữa.
La Liên A Tôn lớn tiếng hỏi:
- Tử Vong thuyền chủ là người thế nào của tiểu thí chủ ?
Phương Sách nghiêm nghị đáp:
- Đệ tử không biết.
Nhị lão ngạc nhiên, rồi lại hỏi tiếp:
- Y là cha của tiểu thí chủ, sao thí chủ lại không biết ?
- Quả thật là đệ tử không biết một tí gì.
Tâm Tâm đại sư cau mày lại, trầm ngâm hỏi tiếp:
- Chả lẽ tiểu thí chủ có ẩn bí gì không muốn nói ra phải không ?
Bỗng trong rừng có một điểm sao bạc bay ra kêu đến "veo" một tiếng và rớt xuống trước mặt nhị lão. La Liên A Tôn vội dùng Cách Không chưởng lực chộp lấy điểm sao bạc ấy lên xem, mặt liền biến sắc ngay.
Tâm Tâm đại sư đỡ lấy vật đó xem, mới hay chính là ám khí quái dị của Tử Vong thuyền chủ, nhưng trên cột buồm có cài một tờ giấy nhỏ, chữ viết trên giấy nói rằng:
"Máu rửa Côn Luân, hỏa táng Thiếu Lâm, dẫm nát Võ Đang đúng giỡ Mão, Tử Vong thuyền lại ở phía đảo Sùng Minh tái nhập sông Dương Tử" Lúc ấy trời đã tang tảng sáng, chính đầu giờ Mão, La Liên A Tôn buồn bực dùng giọng mũi kêu "hừ", đưa mắt nhìn các đệ tử một lượt, thấy tổng số không đầy năm mươi, thuyền chỉ còn lại mấy chiếc, nên ông ta lắc đầu thầm thở dài.
Tử Vong thuyền mới đi không lâu lại quay trở lại, giả Tử Vong thuyền ra ngoài bề có mục đích gì thì trên mặt bể thể nào chả có thuyền bè tiếp ứng ? Nói như thế nghĩa là những thanh niên nam nữ bị y bắt cóc chắc thể nào cũng có một chiếc thuyền khác chuyên chở bọn người bị bắt cóc ấy đi rồi.
Chừa biết chừng trên đảo Sùng Minh này còn có tay chân của Tử Vong thuyền chủ mai phục, hay chính Tử Vong thuyền chủ, con người thần bí quỷ dị tàn nhẫn ấy đang ở trong rừng kia cũng nên ?
Môn hạ đệ tử của nhị lão đã có mấy người chạy vào trong rừng tìm kiếm khám xét, nhưng không thấy một bóng người nào cả.
Tâm Tâm đại sư liền lớn tiếng quát bảo môn hạ đệ tử rằng:
- Đến giờ Mão, Tử Vong thuyền sẽ tái nhập giang hồ ...
Mọi người nghe nói mặt đều biến sắc, ai nấy đều nghi hoặc và kinh hoảng cực độ, thấy Tử Vong thuyền quay trở lại nhanh như vậy chắc thể nào cũng có đại sự gì chứ không sai ?
Tâm Tâm đại sư cầm tờ giấy nhỏ kia đọc cho các đệ tử nghe. Các đệ tử giận dữ đến hai mắt nổ lửa, mặt đều lộ vẻ kinh hoảng và hãi sợ.
Nhị lão đứng thừ người ra đó lẩm bẩm nói:
- Dù xương thịt của chúng ta có bị tan ra tro, chúng ta cũng phải gánh vác tai kiếp võ lâm này ! Tử Vong thuyền tái nhập giang hồ, chúng sinh phải nguy nan !
Nhị lão chưa nói dứt, thì giữa lòng sông đã có một ngọn sóng nổi lên, một cái bóng đen cưỡi trên ngọn sóng đi như bay tiến lên miền ngược.
- Tử Vong thuyền chủ đã vào trong sông rồi ...
La Liên A Tôn với giọng run run nói như thế và tiếp:
- Võ lâm an nguy và bổn phái vinh nhục đều trông mong ở chúng ta. Đuổi !
Thế rồi nhị lão dẫn ngót năm mươi đệ tử xuống thuyền đuổi theo ngay.
Thấy đệ tử của phái Võ Đang đi rồi, các đệ tử của Thiếu Lâm đều nhìn Tâm Tâm đại sư để chờ lệnh. Tâm Tâm đại sư giơ tay lên ra hiệu và nói:
- Mau theo người của phái Võ Đang đuổi bắt Tử Vong thuyền ngay.
Các đệ tử Thiếu Lâm vội vàng xuống thuyền luôn, Tâm Tâm đại sư quay đầu lại hỏi Phương Sách:
- Tiểu thí chủ có xuống thuyền đi cùng với bần tăng không ?
Phương Sách gật đầu dắt Tĩnh Thục đi theo đại sư xuống thuyền. Bốn tên đệ tử cầm mái chèo lên định bơi, Tâm Tâm đại sư liền bảo chúng lui sang thuyền khác, trên thuyền chỉ còn có ba người thôi, Phương Sách cầm cây sào điểm vào mặt đất một cái, chiếc thuyền đã rời khỏi bờ tức thì.
Đột nhiên trong rừng có một bóng người áo trắng đuổi theo ra và vội bảo Phương Sách rằng:
- Chú em làm ơn cho mỗ quá giang một quãng.
Không đợi chờ Phương Sách trả lời, người đà tung mình nhảy lên lướt qua mặt nước cách xa chừng năm trượng, tà áo bay phấp phới nhẹ nhàng hạ chân xuống mũi thuyền ngay.
Tâm Tâm đại sư thấy thế hơi cau mày lại, vì ông ta thấy người đó mặt trắng như vôi và lỳ lỳ như mặt của các xác chết, nhưng hai mắt lại sáng rất sáng không khác gì như hai ngọn đèn lò, mình mặc áo bào trắng trông rất tao nhã giống hệt một thư sinh vậy.
Tâm Tâm đại sư giả bộ không hay, chắp tay vái chào và hỏi:
- Có phải thí chủ cũng định đuổi theo Tử Vong thuyền chủ đấy không ?
Thư Sinh mặt lầm lỳ đáp:
- Đại sư đoán đúng đấy !
- Xin thí chủ cho biết quý tinh danh là chi ?
- Tại hạ mới lọt lòng mẹ đã có bộ mặt lỳ lỳ như xác chết, nên mới được thiên hạ ban cho cái biệt hiẹu là Thư Sinh mặt lỳ.
Tâm Tâm đại sư ngạc nhiên vô cùng và nghĩ bụng:
"Ta chưa thấy người trên giang hồ nói tới cái tên này bao giờ cả, nhưng trông thân pháp vừa rồi và trông hình dáng của y thì cũng đã biết y không phải là một tay tầm thường." Lạ lùng thực, Thư sinh mặt lỳ hình như là người thuyền chài thì phải, y cầm chèo lên bơi một cái, thuyền đã nhanh như một mũi tên ngay.
Lúc ấy sương mù lại nổi lên, ngoài ba trượng đã không trông thấy bóng người, vì vậy không sao trông thấy được tình hình ở phía trước ra sao và cũng không nghe thấy tiếng người ồn ào nữa.
Tâm Tâm đại sư kinh ngạc vô cùng nghĩ tiếp:
"Sao lại không nghe thấy tiếng kêu la hò hét của các đệ tử như thế ?" Lão hòa thượng mời Phương Sách xuống thuyền mà không cho đệ tử đi theo là có ý muốn thương lượng với chàng ta, nhưng bây giờ bỗng có Thư Sinh mặt lỳ, một người có thân phận rất kỳ lạ đi chung thuyền, như vậy ông ta mở mồm sao liệu ?
Ông ta đang suy tính Phương Sách là đệ tử đích truyền của Vũ Nội đệ nhất kỳ, mà lại là con của Tử Vong thuyền chủ, kẻ thù chung của bảy đại môn phái.
Lão hòa thượng muốn dò xét thử lại lịch của Thư Sinh mặt lỳ nên liền hỏi:
- Thí chủ với Tử Vong thuyền chủ có thù hằn gì với nhau như thế ?
Thư Sinh mặt lỳ cười nhạt một tiếng đáp:
- Tại hạ đã nguyện cùng tồn vong với Tử Vong thuyền chủ.
Mạt liền biến sắc, Tâm Tâm đại sư quát hỏi tiếp:
- Thí chủ nói như thế là có ý nghĩa gì ?
Thư Sinh mặt lỳ cười đáp:
- Tại hạ với Tử Vong thuyền chủ có thù bất cộng đái thiên với nhau !
Tâm Tâm đại sư mới thở hắt ra, rồi quay lại nhìn Phương Sách và hỏi tiếp:
- Tiểu thí chủ có biết Tử Vong thuyền chủ đã gây nên rất nhiều tội lỗi tày trời không ?
Phương Sách khẽ gật đầu đáp:
- Đệ tử có hay biết !
- Có thực Tử Vong thuyền chủ là cha ruột của tiểu thí chủ không ?
Phương Sách chưa kịp trả lời, thì Thư Sinh mặt lỳ đã xen lời nói trước:
- Tình cốt nhục thiên luân, sao lại nói đùa được.
Tâm Tâm đại sư có vẻ hoài nghi liếc nhìn y một cái, Phương Sách thành thực đáp:
- Ba tiếng đồng hồ trước đây đệ tử biết rõ chuyện này !
- Thí chủ xa cách cha mẹ hồi còn nhỏ ư ?
Phương Sách đau lòng vô cùng, ứa nước mắt ra rầu rỉ đáp:
- Chưa đầy tháng.. Thư Sinh mặt lỳ lại xen lời nói:
- Tội nghiệp thật ! ...
Tâm Tâm đại sư lại đưa mắt lườm y. Phương Sách không sao nhịn được liền ứa nước mắt ra và ngửng mặt lên nhìn trời. Tâm Tâm đại sư lại nói tiếp:
- Tiểu thí chủ Linh Đài trong sạch, Thiên Đình đầy đặn, địa cát vuông tròn, mày thanh mặt tú, chính khí lẫm lẫm và cũng là người rất trọng tình phú nghĩa ...
Thư Sinh mặt lỳ lại xen lời:
- Phải ! Y là người tâm địa quang minh, chứ không như những kẻ tiểu nhân chỉ hay dụng mưu kế ...
Biết thư sinh nói cạnh mình, nhưng Tâm Tâm đại sư giả bộ không nghe thấy gì cả.
Định lên tiếng nói tiếp, Tâm Tâm đại sư bỗng thấy phía đằng trước có một chiếc thuyền rẽ sương mù đi nhanh như bay tới. Người trên thuyền liền thưa rằng:
- Thưa bẩm chưởng môn, La Liên A Tôn đã bị Tử Vong thuyền giữ ở trên miền thượng du, xin chưởng môn đi cứu viện ngay.
Tâm Tâm đại sư nghe nói cả kinh, nhưng vẫn đứng ở đó đợi chờ Phương Sách trả lời, vì câu trả lời của Phương Sách lúc này quan trọng vô cùng nên ông ta lại hỏi Phương Sách tiếp:
- Tiểu thí chủ có muốn gánh vác sự an nguy của võ lâm hay không ?
Phương Sách bỗng quay đầu lại hỏi:
- Đại sư nói như thế có ý nghĩa gì ?
Tâm Tâm đại sư chưa kịp nói, thì chiếc thuyền trên thượng du đã trôi nhanh xuống. Hai đệ tử của Thiếu Lâm đứng ở đầu mũi thuyền, vẻ mặt rầu rĩ nói:
- Khẩn cấp ! Xin chưởng môn mau mau đi cứu viện !
Tâm Tâm đại sư gượng trấn tĩnh, không thèm nhìn hai đệ tử kia, hai mắt nhìn thẳng vào mặt Phương Sách mà trả lời câu hỏi của chàng vừa rồi:
- Lão tăng muốn nhờ tiểu thí chủ ra tay phá Tử Vong thuyền ...
Thư sinh mặt lầm lì bỗng chắp tay lên trước ngực, cũng bắt chước giọng nói của Tâm Tâm đại sư mà xen lời nói:
- A di đà Phật ! Tội chết ! Tội chết !
Tâm Tâm đại sư thấy thư sinh nói như vậy, thắc mắc vô cùng, vội quay đầu, vội quay đầu lại nhìn thẳng vào mặt thư sinh và hỏi:
- Thí chủ nói như thế có ý nghĩa gì ?
Thư sinh nọ khẳng khái đáp:
- Trợ giúp đại sư một tay !
Hai đệ tử của Thiếu Lâm quay mũi thuyền, phải vòng nửa cái vòng lớn mới quay lại được, rồi đuổi theo thuyền của Tâm Tâm đại sư, hoảng hốt nói:
- Xin chưởng môn mau tiến lên cứu viện. Bằng không sẽ không kịp đâu.
Trong lòng rất gây cấn và lo âu, nhưng Tâm Tâm đại sư vẫn gượng làm ra vẻ trấn tĩnh, liếc nhìn miền thượng du một cái.
Lúc ấy sương mù đã bị ánh nắng làm cho tan dần. Thuyền của đại ca vừa đến chỗ eo sông, nên nước ở đây chảy mạnh lắm. Vì vậy tốc độ của thuyền phải chậm hẳn.
Mọi người đã trông thấy một khoản núi đứng sừng sững ở giữa lòng sông. Tâm Tâm đại sư mới biết đã đi tới Giang Âm bán đảo rồi.
Hai tên đệ tử bỗng thất kinh la lớn:
- Họ đi đâu cả rồi ?
Tâm Tâm đại sư kinh ngạc hỏi:
- Các người gặp Tử Vong thuyền ở nơi đây hay sao ?
- Vâng, vừa rồi gặp nhau ở nơi đây. Trên thuyền Tử Vong có năm người xuất hiện ?
- Năm người ư ? Thế mấy chục đệ tử và La Liên A Tôn đều ngộ nạn hết hay sao ?
- Thân pháp của bọn giặc quái dị ...
Tâm Tâm đại sư nghe nói mặt liền biến sắc và hỏi tiếp:
- Ngoài Tử Vong thuyền ra, mấy tên kia võ nghệ cũng cao cường nốt hay sao ?
- Thưa bẩm chưởng môn, trong năm người đó không có mặt Tử Vong thuyền chủ.
Tâm Tâm đại sư càng kinh hãi thêm, và trong lòng nghi ngờ khôn tả.
Thiếu nữ áo xanh đứng ngẩn người ở cạnh đó, từ nãy đến giờ không thấy nàng nói nửa lời, bây giờ nàng bỗng kéo vạt áo của Phương Sách và khẽ hỏi:
- Đại ca, cha không có ở trên thuyền, thế cha đi đâu ?
Phương Sách vừa rối trí, vừa nghi ngờ, hai mắt cứ nhìn thẳng vào giữa lòng sông suy nghĩ chứ không trả lời.
Tâm Tâm đại sư cau mày lại, rầu rĩ hết sức. Ông ta lại đưa mắt nhìn xung quanh, thấy không có xác thuyền bị phá vỡ, và cũng không có xác người nổi trên mặt nước, liền bảo hai tên đệ tử kia rằng:
- Chúng ta cứ đi thẳng lên phía thượng du.
Thuyền đi được nửa dặm đường rồi mà vẫn không thấy động tĩnh gì hết. Lúc ấy mặt trời đã lên cao, sương mù đã tan hết, cảnh sắc ở hai bên bờ đều trông thấy rõ, gió sông lại mát dịu, mọi người nhìn thẳng về phía xa, chỉ thấy mấy chiếc thuyền đánh cá giương buồm lênh đênh trên mặt nước thôi, chứ không thấy tung tích của Tử Vong thuyền đâu cả. Tâm Tâm đại sư tuy đã tu hành mấy chục năm, thấy vậy cũng không khỏi lo âu và nghĩ bụng:
"Chả lẽ La Liên A Tôn với mấy chục môn hạ của phái Võ Đang đều bị chết trong tay bọn ma đầu chăng ?" Thư Sinh mặt lì vẫn lầm lì, không thấy y cười, và cũng không thấy y lo âu gì hết.
Dưới ánh sáng mặt trời, sắc mặt của y lại càng nhợt nhạt khó coi hơn trước. Y bỗng lên tiếng nói:
- Hợp hết lực lượng của võ lâm bảy đại môn phái mà địch không nổi Tử Vong thuyền chủ. Hà hà ...
Tâm Tâm đại sư thấy thư sinh ấy nói như vậy, ngạc nhiên vô cùng, vội trố mắt lên nhìn. Thư sinh mặt lì vẫn cười như điên như cuồng và nói tiếp:
- Võ lâm tam lão, một chết, một bị bắt, một thúc thủ, không có cách gì đối phó.
Tử Vong thuyền tài ba thật. Hà hà ...
Tâm Tâm đại sư bỗng biến sắc mặt, thư sinh lại nói tiếp:
- Từ nay trở đi, tha hồ Tử Vong thuyền tung hoành giang hồ, và nắm quyền sinh sát của thiên hạ võ lâm tùy theo ý muốn ...
Tâm Tâm đại sư nghe tới đây, hai mắt trợn tròn xoe, hai tay run lẩy bẩy. Thư Sinh vẫn nói tiếp:
- Huyết tẩy Côn Luân, hỏa táng Thiếu Lâm, dẫm nát Võ Đang, coi võ lâm tam lão như ba đứa trẻ con ... Hà hà ...
Y như điên như cuồng, rất hiên ngang nói từng câu từng chữ một. Nói tới câu sau cùng, y lại ngửng mặt lên trời, lớn tiếng cười tiếp. Nhưng tiếng cười của y lúc này như vượn hú cú kêu, khiến ai nghe thấy cũng phải rầu rĩ khôn tả. Mặt y lì lì không sao phân biệt được y đang cười hay là đang khóc.
Tâm Tâm đại sư giận dữ phất tay áo một cái. Phương Sách cũng kinh hoảng ngẩn người ra nhìn. Nhưng thư sinh hình như không coi sự giận dữ của Tâm Tâm đại sư vào đâu cả, vẫn ngửng mặt lên trời cất tiếng cười như người ta đang gào khóc và nói tiếp:
- Nợ máu dùng máu trả, nợ lệ dùng lệ trả ! Hè hè ...
Tâm Tâm đại sư bỗng lui về phía sau một bước, vận công lực vào hai tay, giơ song chưởng lên chuẩn bị tấn công, còn Phương Sách nghe tới đây trống ngực đập càng mạnh, máu nóng trong người sôi sùng sục. Lời nói của thư sinh gợi chàng nhớ tới cuộc đời bi đát của mình. Thư sinh lại nói tiếp:
- Giết vợ, cướp con, hỏa táng, đá chôn, thù của Tử Vong thuyền chủ như sông Hà, hận như hồ bể, hè hè ...
Y nói tới đây người run run, giọng nói càng bi đát thêm, và hai mắt lại nhỏ lệ. Lúc ấy Tâm Tâm đại sư đã vận hết công lực lên, chiếc áo bào của ông ta cũng phồng lên và cứng như sắt vậy.
Phương Sách giật mình đến thót một cái, nhiệt huyết trong người càng sôi sùng sục như là đang khua động đầy bầu huyết hải thâm cừu vậy. Thư sinh bỗng trầm giọng nói tiếp:
- Sông hồ thênh thang, tha hồ ta ngao du, những kẻ trong võ lâm sống chết tùy theo ý muốn của ta. Thử hỏi có ai dám sánh vai với ta không ?
Tâm Tâm đại sư không sao nhịn được, liền quát hỏi:
- Người là ai ?
Thư sinh nín cười, lầm lì đáp:
- Ta ư ? ... Là Tử Vong thuyền chủ, người nổi tiếng thần bí, quỷ trá và tàn nhẫn đây ...

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.