Hai Số Phận

Chương 28:




Công ty Nam tước kiếm được rất nhiều lợi nhuận trong tình hình kinh tế bùng nổ sau chiến tranh ở Mỹ. Từ những năm hai mươi đến giờ, chưa có khi nào kiếm tiền được nhanh chóng và dễ dàng như vậy. Vào những năm đầu của thập kỷ năm mươi, người ta bắt đầu tin rằng lần này thì sẽ bền lâu hơn. Nhưng Abel không bằng lòng với những thành công của mình chỉ về mặt tài chính mà thôi. Bây giờ nhiều tuổi hơn, anh bắt đầu lo nghĩ đến số phận của Ba Lan trong thế giới sau chiến tranh.
Anh cảm thấy thành công nói trên không cho phép mình là kẻ đứng ngoài cách xa những bốn ngàn dặm như vậy được. Anh còn nhớ Pawel Zajeski, ông lãnh sự Ba Lan ở Thổ Nhĩ Kỳ, đã nói với anh rằng có lẽ đến đời anh thì nước Ba Lan sẽ lại đứng lên được.
Abel làm bất cứ gì để có thể tác động và thuyết phục Quốc hội Mỹ có thái độ cứng rắn hơn trước việc người Nga kiểm soát những vệ tinh Đông Âu của họ.
Cứ thấy mỗi chính phủ cộng sản liên tiếp ra đời ở đây, Abel lại cho rằng mình hy sinh vô ích. Anh bắt đầu vận động các chính khách ở Washington, nói với các nhà báo và tổ chức tiệc tùng cho những người Mỹ gốc Ba Lan, cho đến khi bản thân sự nghiệp của Ba Lan cùng đồng nghĩa với "Nam tước Chicago"
Tiến sĩ Teodor Szymanowski, trước kia là giáo sư ở trường đại học Cracow, viết một bài xã luận trên báo Tự do về cuộc đấu tranh của Abel để được thừa nhận, Abel lập tức tìm đến ông ta ngay. Giáo sư bây giờ đã già lắm rồi. Anh không ngờ ông gầy gò ốm yếu đến như vậy, chỉ có ý kiến của ông là rất mạnh mẽ. Ông nhiệt tình đón tiếp Abel, rót rượu vodka Danzig mời anh uống, mà không cần hỏi anh có thích hay không.
- Nam tước Rosnovski này, - ông nói và đưa cốc rượu cho anh. - Từ lâu tôi đã khâm phục anh và cái cách anh đang làm cho sự nghiệp của chúng ta. Mặc dầu chưa có kết quả gì lắm, nhưng xem ra tình hình thì hình như anh không mất lòng tin bao giờ.
- Tôi mất sao được? Xưa nay tôi vẫn tin là bất cứ gì cũng có thể có được ở Mỹ.
- Nhưng Nam tước này, tôi e rằng những người hiện nay anh đang tìm cách tác động lại cũng chính là những người đã để cho xảy ra chuyện đó. Họ sẽ chẳng bao giờ làm gì tích cực cho nhân dân ta được tự do đâu.
- Tôi không hiểu ý giáo sư muốn nói gì. Tại sao họ lại không giúp đỡ chúng ta - Abel hỏi.
Giáo sư ngả người ra ghế.
- Nam tước, chắc anh biết rằng các quân đoàn Mỹ đã được lệnh đặc biệt là tiến chậm thôi để cho người Nga có thì giờ chiếm được vùng Trung Âu càng nhiều càng tốt. Lẽ ra tướng Patton đã đến Berlin trước quân Nga từ lâu kia, nhưng Eisenhower bảo ông ta hãy từ từ Chính là những người lãnh đạo của chúng ta ở Washington, những người mà anh định thuyết phục họ đem quân linh súng ống của Mỹ trở lại Châu Âu ấy đã ra lệnh cho Eisenhower như thế đấy.
- Nhưng lúc đó họ chưa thể biết được Liên Xô sẽ thành ra thế nào. Người Nga cũng là đồng minh của chúng ta. Tôi thừa nhận là năm 1945 chúng ta quá yếu và quá thiện chí với họ, nhưng dù sao thì cũng không phải là người Mỹ đã phản bội nhân dân Ba Lan.
Szymanovski chưa nói tiếp. ông ngả thêm ra sau ghế và lim dim con mắt.
- Nam tước Rosnovski, tôi ước gì anh được biết đến ông em của tôi. Mãi đến tuần trước tôi mới được tin là nó đã chết cách đây sáu tháng trong một trại giam Xô Viết có lẽ không khác gì lắm với cái trại anh đã trốn ra được.
Abel dướn người tới như muốn chia buồn nhưng Szymanovski giơ tay ngăn lại
- Không, anh đừng nói gì hết! Tự anh đã biết những trại giam đó rồi. Anh phải là người đầu tiên hiểu ra rằng tình cảm bây giờ không còn quan trọng nữa. Chúng ta phải thay đổi thế giới trong khi những người khác còn đang ngủ - Szymanovski ngừng lại - Thằng em tôi chính là đã bị người Mỹ giao cho người Nga.
Abel ngạc nhiên nhìn ông.
- Người Mỹ ư? Sao có thể thế được? Nếu như em của ông bị quân Nga bắt ở Ba Lan thì...
- Em tôi không bị bắt ở Ba Lan bao giờ. Nó được thoát ra khỏi trại giam của Đức gần Frankfurt. Người Mỹ giữ nó lại một tháng trong một. trại giam của những người không có nhà cửa, rồi sau đó giao nó lại cho người Nga.
- Không thể thế được. Có lý gì họ lại làm thế?
- Người Nga muốn rằng tất cả những ai là dân Xlavơ được trả về quê quán. Trả về quê quán để họ có thể thủ tiêu hoặc bắt làm khổ sai. Cái gì Đức không làm được thì Nga làm. Tôi có thể chứng minh rằng em tôi đã sống trong khu vực Mỹ chiếm đóng hơn một tháng.
- Nhưng, - Abel nói, - đó là trường hợp cá biệt hay có nhiều người khác cũng như vậy?
- Ồ, có chứ, nhiều người khác nữa chứ, - Szymanovski thản nhiên nói- hàng trăm ngàn người ấy chứ. Có lẽ đến một triệu. Có lẽ chả bao giờ chúng ta có được con số chính xác. Rất có thể là giới cầm quyền Mỹ giữ kín về chiến dịch Kee Chanl.
- Chiến dịch Kee Chanl là cái gì, sao tôi không nghe thấy ai nói bao giờ? Chắc chắn là nếu mọi người biết rằng những người Mỹ chúng ta thả những tù nhân đã được giải phóng cho họ chết ở Nga, thì họ sẽ phải khủng khiếp lắm chứ?
- Chẳng có tài liệu chứng cớ gì về Chiến dịch đó cả. Mark Clark, Chúa phù hộ cho ông ta, đã không tuân lệnh ấy và đã báo trước cho một số tù nhân biết, rồi lính Mỹ giúp cho họ trốn được trước khi đưa vào trại bên kia. Nhưng những người này vẫn còn đang lẩn lút và chả bao giờ dám công nhận chuyện đó. Một trong những người bất hạnh ấy là thằng em tôi. - Giáo sư dừng lại một chút - Dù sao bây giờ cũng đã quá muộn rồi.
- Nhưng phải nói cho dân Mỹ biết chứ. Tôi sẽ thành lập một ủy ban, đi nói chuyện. Chắc chắn là Quốc hội sẽ nghe nếu chúng ta nói lên sự thật.
- Nam tước Rosnovski, tôi nghĩ điều này quá lớn đối với anh.
Abel đứng vụt dậy.
- Không, không, tôi không bao giờ đánh giá anh quá thấp đâu, - giáo sư nói. - Nhưng anh còn chưa hiểu được cái tâm địa của những nhà lãnh tụ thế giới. Nước Mỹ bằng lòng giao lại nhưng người tội nghiệp ấy cho Nga chỉ vì yêu cầu thế thôi. Tôi chắc họ không bao giờ nghĩ rằng sẽ có những chuyện đem ra xử hoặc tống giam. Nhưng cho đến bây giờ, sắp bước sang thập kỷ 50 rồi, vẫn chưa có ai thừa nhận rằng mình gián tiếp chịu trách nhiệm về chuyện đó. Không, họ sẽ chẳng bao giờ thừa nhận đâu. Đến một trăm năm nữa cũng chẳng có ai thừa nhận. Rồi đến lúc đó, sẽ chẳng có ai khác ngoài các nhà sử học sẽ quên mất rằng Ba Lan mất nhiều sinh mạng trong chiến tranh hơn bất cứ quốc gia nào khác trên trái đất này, kể cả nước Đức. Tôi đã tưởng kết luận duy nhất anh có được ở đây là anh phải đóng một vai trò trực tiếp hơn trong chính trị kia chứ.
- Tôi đã có suy nghĩ về điều đó nhưng chưa thể quyết định được là làm như thế nào, bằng cách nào.
- Tôi có quan điểm riêng của mình về vấn đề này, Nam tước, vậy anh cứ liên lạc với tôi nhé. - ông già từ từ đứng dậy và ôm lấy Abel. - Trong khi chờ đợi, anh làm gì được cho sự nghiệp của chúng ta thì cứ làm, nhưng anh đừng có ngạc nhiên mỗi khi người ta không chịu đến với anh nhé.
Về đến khách sạn Nam tước là Abel gọi ngay điện thoại và bảo tổng đài cho anh nói chuyện với văn phòng thượng nghị sĩ Paul Douglas. Paul Douglas là thượng nghị sĩ phái tư do của đảng Dân chủ ở Illinois, được bầu lên do bộ máy của Chicago giúp đỡ, ông ta thường sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu của Abel vì biết rằng cử tri của ông gồm số người đông nhất trong cộng đồng Ba Lan. Người trợ lý của ông là Adam
Tomaszewiczl, chuyên giao dịch với cử tri Ba Lan.
- Chào ông, Adam, Abel Rosnovski đây. Tôi có điều này hơi rắc rối muốn bàn với ngài Thượng nghị sĩ. ông có thể thu xếp cho tôi gặp sớm được không?
- Hôm nay ông ấy lại đi vắng, thưa ông Rosnovski. Tôi biết là ông ấy sẽ vui lòng nói chuyện với ông và thứ năm này ông ấy mới về. Tôi sẽ yêu cầu ông ấy gọi trực tiếp cho ông. Tôi có thể nói lại với ông ấy là về chuyện gì được không?
- Được chứ. Là người Ba Lan, chắc ông cũng quan tâm chuyện này. Tôi nghe từ những nguồn tin đáng tin cậy là các nhà đương cục Mỹ ở Đức có giúp vào việc đưa những người công dân Ba Lan lưu vong trở về vùng đất do Liên Xô chiếm đóng và rất nhiều những công dân Ba Lan ấy bị đưa vào các trại lao tù của người Nga, và rồi từ đó đến nay không có tin tức gì của họ nữa.
Đầu dây đằng kia im lặng một lát.
- Ông thượng nghị sĩ về tôi sẽ nói ngay, thưa ông Rosnovski. Xin cảm ơn ông đã gọi đến.
Ngày thứ năm, ông thượng nghị sĩ không liên lạc với Abel. Ngày thứ sáu và cuối tuần cũng không thấy gì Sáng thứ hai, Abel lại gọi đến lần nữa. Lần này, vẫn là Dam Tomaszewicz trả lời điện thoại.
- A thưa vâng, ông Rosnovski, - Abel tưởng như có thể nghe thấy ông ta ngượng ngập. - Ngài thượng nghị sĩ có dặn lại để nói với ông. Lúc này, ngài đang rất bận, chắc ông cũng biết là có rất nhiều dự án phải thông qua trước khi Quốc hội nghỉ. Nghị sĩ có dặn tôi nói lại với ông là khi nào rỗi được là sẽ gọi đến cho ông ngay.
- Ông có nói với nghị sĩ những gì tôi đã nói không?
- Có chứ ạ. Nghị sĩ bảo tôi nói lại để ông yên tâm vì những điều đó chỉ là một thứ tuyên truyền chống Mỹ thôi. Nghị sĩ có cho ông biết đã nghe chính một người trong Bộ tham mưu liên quân nói quân đội Mỹ được lệnh không đưa đi bất cứ người nào lưu vong đang ở trong vùng Mỹ kiểm soát.
Tomaszewicz nói như kiểu ông ta đọc một bản tuyên bố đã chuẩn bị sẵn, và Abel cảm thấy như mình bị bưng bít và đây là lần đầu. Trước đây, Thượng nghị sĩ Douglas chưa bao giờ né tránh như vậy.
Abel bỏ máy xuống và bảo cô thư ký liên lạc với một thượng nghị sĩ khác, mà ông này thì đang nổi tiếng và không sợ có ý kiến về bất cứ ai.
- Văn phòng thượng nghỉ sĩ Mccarthy hỏi ai gọi đến.
- Tôi sẽ cố tìm ngài thương nghị sĩ, - một giọng nói trẻ đáp.
Mccarthy đang là một nhân vật rất có quyền thế và Abel biết là may mắn lắm mới gọi nói chuyện được với ông ta một lúc.
- Ông Rosenevski, - Mccarthy nói.
Abel tự hỏi không biết ông ta cố tình đọc sai tên mình đi hay đó là do liên lạc tồi.
- Vấn đề cấp bách ông muốn bàn với tôi là gì thế- thượng nghị sĩ hỏi. Abel ngập ngừng. Anh hơi chột dạ vì biết là mình đang nói chuyện thẳng với ông ta.
- Ông có điều gì bí mật cũng không ngại - anh nghe thượng nghị sĩ nói thế, có lẽ vì ông ta cảm thấy anh ngập ngừng.
- Vâng, tất nhiên, - Abel nói rồi lại ngừng để suy nghĩ. - Ngài thượng nghị sĩ đúng là một người nói lên nguyện vọng của chúng tôi muốn được thấy Đông âu giải phóng khỏi ách đô hộ...
- Phải, phải. Tôi cũng mừng thấy ông hoan nghênh điều đó ông Rosenevski.
Lần này thì Abel yên trí là ông ta đã đọc sai tên mình rồi, nhưng anh không nhắc đến chuyện đó làm gì.
- Còn về Đông âu, - nghị sĩ nói tiếp, - Chắc ông biết là chỉ khi nào bọn phản bội bị đẩy ra khỏi chính phủ chúng ta thì lúc đó mới có hành động thực sự để giải phóng đất nước đang bị giam hãm của ông được.
- Vâng, chính đó là điều tôi muốn nói với ngài Thượng nghị sĩ. Ngài đã rất thành công trong việc tố cáo sự lừa dối trong chính phủ chúng ta. Nhưng cho đến nay, một trong những tội lớn của họ vẫn chưa bị tố giác.
- Ông nói đến tội lớn nào thế, ông Rosenevski? Từ khi đến Washington tôi đã thấy được rất nhiều rồi.
- Tôi muốn nói đến. . . - Abel ngồi thẳng lại trên ghế,-... việc các nhà cầm quyền Mỹ buộc hàng ngàn công dân Ba Lan phải hồi cư sau khi chiến tranh kết thúc. Họ vô tội nhưng bị trả về Ba Lan rồi đưa sang Liên Xô để làm khổ sai, và đôi khi còn bị giết nữa.
Abel chờ trả lời, nhưng anh không thấy nói gì. Anh nghe thấy cạch một tiếng, không biết có ai nghe câu chuyện này không.
- Làm sao ông có thể ngu ngốc đến như vậy được, ông Rosenevski? - thượng nghị sĩ nói, hoàn toàn với một giọng khác trước.
- Ông dám gọi điện thoại cho tôi để nói rằng những người Mỹ, những nhân vật rất trung thành của Mỹ, đã đưa hàng ngàn người Ba Lan về Nga rồi không ai được biết tin tức gì về họ nữa? Ông muốn tôi tin được điều đó sao? Ngay đến một người nông dân Ba Lan cũng không thể ngu ngốc như thế được. KKhông hiểu tại sao có hạng người có thể chấp nhận được điều đó mà không có chứng cớ gì? Vậy ông cũng muốn tôi tin rằng những người lính Mỹ đó là không trung thành hay sao? Có phải ông muốn thế không ông Rosenevski, ông cho tôi biết tại sao ông lại nghĩ như vậy? Chẳng lẽ ông ngốc đến mức tin ở tuyên truyền của địch như vậy sao? Tại sao ông làm mất thì giờ của một thượng nghị sĩ Mỹ đang bận bao nhiêu thứ việc chỉ vì một lời bịa đặt của người ta cố tình gây hoang mang trong cộng đồng những người nhập cư ở Mỹ thế?
Abel ngồi im không động đậy, sững người về chuyện ông thượng nghị sĩ mắng mỏ. Trước khi ông ta chấm dứt một loạt những lời lẽ như vậy, Abel đã biết là có cãi lại cũng vô ích. Anh lấy làm mừng là vì nói điện thoại nên vị thượng nghị sĩ không trông thấy vẻ mặt ngạc nhiên quái lạ của anh.
- Thượng nghị sĩ, tôi chắc ngài nói đúng và tôi xin lỗi đã làm mất thì giờ của ngài, - Abel bình tĩnh đáp lại - Tôi không nghĩ được như vậy.
- Phải, cũng để cho ông thấy rằng bọn khốn kiếp chúng lừa dối người ta ghê lắm, - Mccarthy nói, giọng đã mềm hơn, - Ông phải luôn luôn đề phòng bọn chúng. Dù sao, tôi cũng hy vọng từ nay trở đi ông thấy rõ hơn mối nguy mà nhân dân Mỹ luôn luôn gặp phải.
- Vâng, tôi thấy rõ, Thượng nghị sĩ. Một lần nữa cảm ơn ngài đã bỏ thì giờ nói chuyện riêng với tôi. Xin chào ngài Thượng nghị sĩ.
- Chào ông Rosenevski.
Abel nghe tiếng điện thoại cạch một cái. Anh biết rằng tiếng cạch ấy chẳng khác gì đóng cửa.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.