Hai Tờ Di Chúc

Chương 17:




- Ái Lan cho xe chạy thật chậm nghe! Con đường này cứ bị một trận mưa lớn, là nguy hiểm lắm đó...! À, này, chị hỏi thật, em có việc gì gấp, cần phải về lắm không? Nếu không, thì ngủ lại, sáng mai về sớm cho chắc ăn!
- Ối, không được đâu chị Ngọc ơi! Thế nào em cũng phải về tới nhà trước ba em. Chị đừng lo, không sao đâu! Em chỉ thắc mắc là đã làm phiền hai chị quá, nên em...
Mỹ Ngọc cắt ngang ngay:
- Đừng nói như vậy, Ái Lan! - Sắc mặt cô gái nghiêm hẳn lại - Chị giận em lắm đó!
Mỹ Liên phụ họa:
- Tụi này được tiếp đón Ái Lan là vui mừng hết lớn rồi đó nghe.
Ái Lan tươi cười cám ơn Ngọc, Liên rồi quay ra đi tới vựa rơm lấy xe.
Em vừa đạp áy nổ, thì Mỹ Liên đã theo ra kêu lên:
- Thôi đừng đi vội, Ái Lan! Coi bộ đường sá nguy hiểm quá hà!
Mỹ Ngọc đứng ở hàng ba, nói với ra:
- Nếu có gì rắc rối thì quay lại ngay, nghe Ái Lan!
Mỹ Liên lo lắng hiện lên nét mặt:
- Cẩn thận chạy chầm chậm thôi nhé! Nếu không, đâm vào cây thì nguy đó!
Ái Lan bật cười khanh khách:
- Lăn xuống sông mới nguy hơn chứ, đâm vào cây, đã ăn thua gì! - Em cố nín cười, phụng phịu đôi má lúm đồng tiền, chẩu đôi môi vờ làm mặt giận - Hai chị nói làm em run rồi đó nghe, không dám mó vào tay lái nữa! Chắc các chị cũng chỉ mong có thế, để em phải ở lại chớ gì?
Mỹ Ngọc đã đứng sau lưng em từ bao giờ:
- Không có đâu! Ái Lan! Các chị chỉ mong em về tới Đà Lạt bình yên, mạnh giỏi thôi!
Ái Lan giơ tay, miệng nhoẻn nụ cười tươi, quay cần vào số 1. Chiếc Vespa xinh xinh bóng loáng lăn bánh chầm chậm trên quãng đường hẹp lát đá tảng, nối liền với đường cái. Mấy phút sau, đụn khói phía sau cũng theo xe và người biến mất hút sau rặng cây xanh mọc dài theo hai bên lề con đường trải đá.
Đường đi không ngờ lại chẳng có gì đáng gọi là nguy hiểm như ba cô gái đã lo sợ. Tuy đôi khi bánh xe lăn trúng đám bùn trơn trượt, nhờ Ái Lan luôn luôn chăm chú nhìn đường, hãm bớt tốc lực kịp thời, nên không xảy ra sự gì đáng tiếc.
Nửa giờ sau, em đã tới quốc lộ Sài Gòn - Đà Lạt. Khi chiếc xe, máy nổ êm êm, lên tới quá nửa đèo Prenn, Ái Lan vụt quyết định:
"Trước khi về nhà, mình phải ghé vào văn phòng của ba mới được!"
Những nóc nhà đầu tiên của Đà Lạt đã hiện ra, và năm phút sau, Ái Lan đã dựng xe trước cửa văn phòng luật sư Minh. Liếc mắt nhìn nhanh: "Con ngựa sắt" của em bùn dính tèm lem, mặt kính nhựa cản gió dính đầy lá cây, cọng cỏ. Ái Lan vỗ vỗ vào chiếc yên da êm ái:
- Yên trí đi mày, "thần mã"! Rồi về nhà tao sẽ tắm rửa ày thật sạch sẽ, nghe!
Đặt chân thong thả bước vào nơi cha làm việc, em không ngớt lẩm bẩm: "Kể thì khá mệt, nhưng cũng bõ công! Nếu không có trận bão nguy hiểm trên bờ sông La Ngà, thì làm sao mình lại được biết hai chị em Mỹ Ngọc, Mỹ Liên".
Luật sư Minh sáng rỡ hẳn nét mặt khi chợt thấy Ái Lan bước vào. Ông thở ra một hơi dài nhẹ nhõm:
- Trời! Bây giờ ba mới yên tâm! Thiệt ba đã lo quá đi khi nghĩ đến con gặp mưa bão giữa đường. Ba đã gọi điện thoại về nhà. Chị Năm nói con chưa về, ba lo quá, đã tưởng con bị rắc rối gì rồi!
Ái Lan làm vẻ mặt quan trọng:
- Rắc rối thì không có gì rắc rối đâu, ba! Nhưng con vừa mới trải qua một cuộc mạo hiểm!
Và em kể lại rành mạch cuộc gặp gỡ hai chị em Ngọc - Liên, và một số tin tức liên hệ đến tờ di chúc của cụ Doanh.
- Mỹ Ngọc, Mỹ Liên sống trong cảnh nghèo, nhưng tính tình cao quý lắm ba à!
Ái Lan kết thúc câu chuyện mạo hiểm bằng lời nói trên.
- … Và con muốn ba con mình giúp hai chị ấy một cái gì nghe ba! Con thấy rõ là các chị Mỹ Ngọc, Mỹ Liên thật xứng đáng hưởng một phần gia tài của cụ Phạm Tú Doanh, nhưng sẽ không hy vọng gì nếu không có người giúp đỡ!
Ông Minh, ánh mắt xa xôi, trầm ngâm suy nghĩ:
- Theo như lời con vừa nói thì chắc chắn là cụ Doanh có để lại cho hai chị em côi cút ấy một cái gì rồi đó. Và riêng phần ba, ba cũng chẳng ưa gì gia đình Phạm Văn Phàm, cho nên, nếu họ bị mất quyền hưởng cái gia tài mồ hôi nước mắt của cụ Doanh thì..., không phải là ba có ác ý, cũng là hợp lý, hợp tình. Khó chịu nhất là cái thái độ nghênh ngang của họ: chưa chi đã hí hởn làm bộ làm tịch coi như đã là của mình hết cả rồi đó. À, này con! Ba muốn gặp hai chị em Ngọc - Liên, để chỉ dẫn cách thức cho họ, liệu có được không? Nếu được, thì xem hôm nào tiện, con viết thơ mời hai chị em cô ấy lên chơi nhà mình, gặp ba, con nghĩ sao?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.