Hồ Tuyệt Mệnh

Chương 39: Thả con săn sắt




Na Lan không thể khẳng định mấy anh bạn bơi lội này có nảy sinh ý đồ hay không, nhất là khi đã biết cô đang nắm giữ bảo bối. Nhưng cô vẫn rất may mắn vì Giải Quýnh là "người lương thiện" thứ thiệt.
Na Lan, Đặng Tiêu và hai "cộng sự" của anh ngồi trong chiếc xe đỗ không xa quán ăn. Tối nay hơi đặc biệt, cô mời họ hộ giá, nếu trong và ngoài quán ăn có hiện tượng gì khác thường thì sẽ xông ra càn quét. Na Lan biết một trong số thực khách vừa nãy có một thuộc hạ của Đặng Tiêu.
"Tôi nghĩ cô bắt đầu đùa với lửa rồi!" Đặng Tiêu nói.
"Nói đúng ra là đùa với nước!"
Đặng Tiêu: "Thực ra so với cô, tôi còn muốn lập tức tìm ra hung thủ đã hại Diệc Tuệ, nhưng tôi lại không muốn mất đi người mà tôi đang quan tâm."
Na Lan cảm kích nhìn Đặng Tiêu, cô thấy ấm lòng, cô hiểu tình cảm của anh dành cho cô, cho nên cô rất kính nể việc anh giữ khoảng cách với cô. Anh không bám riết, không ép đụng chạm hôn hít, không hề nói năng chớt nhá. Dường như anh đang nỗ lực điều chỉnh lại cảm nhận ban đầu coi Na Lan là người thế chỗ cho Diệc Tuệ. Anh đối xử với cô rất tinh tế, hết lòng, mà không đòi hỏi đền đáp. Thậm chí không hề hỏi về kế hoạch hão huyền này của cô.
Cô dịu dàng nói: "Anh yên tâm, còn nhiều người khiến tôi phải nghĩ, phải lo, cho nên tôi sẽ rất thận trọng."
Đặng Tiêu mỉm cười, anh hiểu ánh mắt của cô là gì. Na Lan ngẫm nghĩ, nếu Đặng Tiêu không bị hai lần sốc bởi mất Diệc Tuệ và Diệc Tuệ mất tích, không suốt ngày ưu tư thì anh sẽ là một chàng trai ngời ngời rất có sức hút. Số phận thật trớ trêu, không buông tha ngay một con người sinh ra trong nhung lụa.
Phần lớn ven hồ Chiêu Dương nước khá nông, không thích hợp cho việc tập lăn. Gần đảo Hồ Tâm thì có vài chỗ rất tốt, nhưng Na Lan biết rằng gần đó lại là "khu vực cấm" đối với cô. Chẳng phải cô sợ ai, mà là vì cô không muốn tự chuốc lấy ngượng ngùng vô duyên. Na Lan mất hai ngày tròn để khảo sát thực địa vòng quanh hồ Chiêu Dương, cuối cùng đã tìm được chỗ thích hợp để lặn, là khu vực ngoài thị trấn Mễ Trang thuộc huyện Dương Phụ, Giang Kinh, có đường cao tốc chạy qua, nước sâu, thỉnh thoảng thấy có người ra đó tập lặn. Kế hoạch của cô là cùng nhóm Giải Quýnh tiếp tục tập lặn, nhất là nâng cao kỹ thuật cơ bản, sau đó sẽ dần chuyển dịch về phía đảo Hồ Tâm.
Tuy đã luôn dặn dò cả nhóm phải giữ mồm giữ miệng chớ hé lộ với bất cứ ai, nhưng thực ra cô lại mong tin tức bị
lan truyền.
Để cho tin tức về nhóm "Thả con săn sắt" bay đi như có cánh, là tâm điểm kế hoạch của Na Lan. Ba nạn nhân trong "vụ án năm xác chết", thêm người thứ tư bị hại là Phùng Triết, đều đã từng tham gia một nhóm thám hiểm kho báu cách đây ba năm. Nếu vụ án năm xác chết có liên quan đến kẻ giấu mặt tổ chức ra nhóm thám hiểm ấy, và, nếu hắn là người bản địa Giang Kinh – kẻ mà băng ghi âm của Phùng Triết để lại đã nhắc đến, thì một khi tin đồn về nhóm săn kho báu truyền đến tai hắn, nhất định hắn không thể ngồi yên.
Hắn sẽ trở thành vị khách không mời mà đến, hắn sẽ theo dõi sát sao nhóm "Thả con săn sắt" rất không chuyên nghiệp này.
Sau đó sẽ dụ rắn ra khỏi hang.
Na Lan vẫn đang cân nhắc, tính toán tỉ mỉ các thao tác cụ thể của kế hoạch.
Cô gửi Email thông báo địa điểm "hạ thủy" ở Mễ Trang cho từng thành viên, và hẹn họ tập trung huấn luyện vào tối thứ Sáu. Tầm nhìn dưới nước vào ban ngày hay ban đêm đều khác nhau, nhưng khi lặn sâu xuống thì tầm nhìn chẳng khác nhau là mấy, vẫn phải dùng đèn rọi. Na Lan đã rất có kinh nghiệm về dùng đèn rọi, nhóm Giải Quýnh thì hiếm khi lặn vào ban đêm và cũng hiếm khi lặn sâu gần hai chục mét. Nhất là vì đáy sông Thanh An đôi khi có dòng chảy ngầm rất xiết, sông không phải nơi lý tưởng để lặn.
Họ đã tập vài đợ, bắp chân đã mỏi nhừ, bèn lên bờ ngồi uống bia nhắm với thịt muối, vịt quay, chân giò, thịt bò khô, khá thịnh soạn.
Mọi người rôm rả trò chuyện. Na Lan nói: "Các bạn có nhiều kinh nghiệm về lặn hơn tôi, nhưng nếu chúng ta có một huấn luyện viên chỉ bảo cho thì sẽ hay hơn."
Bế Tiểu Châu chỉ về phía đảo Hồ Tâm xa xa, nói: "Bên đó có một sư phụ!".
Na Lan biết là ai. Ôi, anh ta đánh trúng điểm yếu của mình. Cô đành hờ hững hỏi: "Là ai?".
"Tay nhà văn tên Tần Hoài, rất nổi tiếng. Tôi cũng nghe nói – giống như bạn nói hôm nọ - dân quanh hồ và dân ngoài sông là hai thế giới khác nhau, ai biết phận người nấy. Tần Hoài chưa bao giờ sang sông bơi lặn cả. Tôi cũng nghe người bạn kể rằng Tần Hoài từng làm nhân viên cứu hộ, làm nghề trục vớt cho bên công an. Nghe nói anh ta từng cứu sống con gái ông Tư Không Trúc."
Na Lan chỉ muốn lặn ngay xuống nước, càng sâu càng tốt. Gã Giải Quýnh đâu có hiểu cho, còn nói: "Hôm nọ tôi nhìn thấy ở đâu đó có một tờ thiếp, hai người sắp cưới đến nơi."
Bế Tiểu Châu: "Sớm muộn gì họ cũng lấy nhau. Nghe nói cô con gái ông Tư Không Trúc sau lần được Tần Hoài cứu sống thì tuyên bố rằng sẽ chỉ lấy Tần Hoài chứ không lấy ai khác."
Giải Quýnh: "Số tôi đen thật, nếu tôi thấy cô ta ngã xuống nước, tôi thừa sức đưa cô ta lên bờ an toàn."
Một anh khác nói: "Nhưng cậu nên ra hồ soi mình trước đã, cậu có đẹp trai bằng Tần Hoài không? Dù không có cô con gái ông Tư Không Trúc thì anh ta vẫn có hàng trăm "fan" sẵn sàng lăn vào!".
"Thật chẳng đâu vào đâu, sao lại nhắc đến anh ta? Tôi không muốn gã nhà văn ấy dính vào chuyện này đâu." Na Lan nhìn đồng hồ trên di động, nói: "Các sư huynh ơi, muộn rồi." Cô đứng lên.
Không hiểu sao cô cứ cảm thấy có một đôi mắt đang chăm chú nhìn lại.
Không có chuyện đó! Đây là lần đầu "dăn bên sông" sang hồ "đi tiền trạm" kia mà?
Có thể là tin đồn luôn nhanh hơn cô tưởng tượng. Nói cho cùng, khoảng cách giữa bên sông và bên hồ, trên mạng "chat" và giữa các máy di động với nhau không thể gọi là quá xa.
Khi cô ngoảnh lại thì hình như người ấy tưởng đôi mắt của mình đã bị cô phát hiện ra.
Đương nhiên không thể.
Người ấy tin rằng mình đã ẩn nấp an toàn, nhất là khi có bóng tối che chở thì bất kỳ tội ác nào cũng được bọc kín.
Quan sát Na Lan càng lâu thì người ấy càng ngạc nhiên. Con bé đang chơi cái trò gì vậy?
Nhưng điều này thì có thể khẳng định: trò chơi sẽ càng ngày càng nguy hiểm và cũng ngày càng kích thích.
Người ấy cũng biết, chính vì trò chơi này mà Na Lan suýt chạm trán thần chết, nhưng đó chỉ là tạm thời. Khi trò chơi "over" thì sẽ là lúc cô ta kết thúc thật sự.
Có điều, đây mới chỉ là giả thiết, giả thiết rằng tất cả sẽ diễn biến theo hướng đã định. Vì trên đời này có quá nhiều kẻ điên rồ, có quá nhiều kẻ không kiểm soát nổi bản thân.
Nhóm "Thả con săn sắt" tăng số buổi luyện tập, họ cách nhật lại tập trung một lần, và dần dần thử lặn thật sâu xuống hồ Chiêu Dương. Được Giải Quýnh và Bế Tiểu Châu chỉ bảo, kỹ thuật lặn của Na Lan nâng cao rõ rệt và vững vàng.
Đương nhiên cô cũng biết không phải Bế Tiểu Châu quá khiêm tốn, mà sự thật là các chàng trai này còn thua xa Tần Hoài về kinh nghiệm bơi lặn. Tần Hoài, cái tên thật đáng ghét, anh ta lại là thầy vỡ lòng cho cô về môn lặn.
Có lẽ vì mỗi lần lặn xuống, cái bóng của Tần Hoài đều dập dờn chơi vơi áp lại gần cô, có lẽ vì suốt một tuần ban ngày cô "cải trang" rồi đến trường học bù bài vở, cái đầu bị nhồi
căng như muốn nổ tung, nên Na Lan bị ma xui quỷ khiến thì phải, buổi tối cô lò dò đến bãi để xe ở khu vực Lục Ô Thế Gia.
Liệu có phải chiếc xe Odysseia vẫn đang ở xưởng sửa chữa không, nhưng ít ra cô không trông thấy nó. Không thấy xe, lòng cô cũng trống trải bâng khuâng.
Tại sao mình lại đến đây? Cô chỉ muốn về thăm lại chốn xưa, chỉ muốn lại đi bơi. Dù tập lặn suốt, ngâm mình trong nước lâu như thế, nhưng vẫn không thể thay thế cho đi bơi.
Trong tiểu khu nơi ở của Đặng Tiêu cũng có bể bơi nhưng Na Lan chưa từng bước xuống. Cô sống ở đó sướng như công chúa, nhưng nơi ấy không thuộc về cô.
Ban ngày, trong ngôi nhà sang trọng, dù tĩnh mịch đến mấy, Na Lan vẫn không thể tĩnh tâm để gỡ bao mối suy tư đang chồng chéo. Cũng là vì cô không thuộc về nơi này. Cô cảm thấy phải ngâm mình trong nước hồ thì mới thanh lọc được cõi lòng, tự mình đàm phán với mình để hóa giải từng mối ân oán.
Trước khi ra khỏi nhà cô đã mặc sẵn áo bơi. Cô mở ba-lô lấy ra bộ áo lặn mà Tần Hoài cho cô, mặc vào. Cô không hiểu sao mắt mình lại ươn ướt. Mau xuống nước thôi, nước mắt và nỗi nhớ sẽ hòa tan trong đó. Cô giận mình đã lớ ngớ rồi lún sâu thế này. Nhưng cô vẫn không dừng lại, cô nhào xuống nước.
Ánh trăng sáng trong trải trên mặt hồ, giữa những vảy bạc mờ mờ lấp lánh có cánh tay dài đang vẽ nên những đường cung tuyệt đẹp, đường cung có phần bất lực và không biết điểm dừng là đâu, bắn lên những giọt nước không cao, không dữ dội đầy vẻ bi thương mà giống như sự trầm lắng vui thì ít buồn thì nhiều.
Tại sao, tại sao anh ấy lại làm thế này?
Bao ngày qua Na Lan vẫn không hiểu tại sao Tần Hoài lại bất ngờ đổi thay như vậy. Cô cũng không hiểu tại sao mình vẫn khắc khoải nhớ nhung. Có phải, trước buổi tối hôm ấy đã là người yêu, người này yêu người kia? Họ phải giữ một lời thề gì đó?
Cô vẫn bơi theo hướng cũ, mục tiêu vẫn là hòn đảo vô tình ấy, nhưng chỉ có mình cô đơn độc lặp lại tuyến đường này.
Mặt nước im ắng, bọt nước bắn tung, ca-lo tiêu hao rất lớn. Đây không phải nơi tốn nhất để suy nghĩ cho chín chắn hoặc phó mặc cho tình cảm rối bời, nhưng tâm trí cô vẫn vững vàng. Chỉ vào lúc này đầu óc cô mới thật sự tỉnh táo. Cô đang suy nghĩ mà hình như không phải thế, cô đang dần quên đi nhưng lại không sao quên nổi. Một trạng thái hoàn mỹ giữa muốn quên đi mà lại rất khó quên. Không rõ từ lúc nào cô bỗng không quạt nước nữa, mặc cho cơ thể thoải mái thả lỏng, lười nhác nằm trên mặt nước ngắm trời sao thưa thớt. Thích ca mẫu ni đang ngồi bên gốc cây bồ đề, cô đang dưới nước, cùng nghĩ về rất nhiều thứ mà lại như chẳng nghĩ gì cả.
Chỉ
khác ở chỗ, chắc chắn đôi mắt Thích ca không trào lệ.
Tại sao tiếng đập nước bỗng mạnh lên? Lẽ nào tại mình khóc, cơ thể làm rung cả mặt nước?
Một đám mây bỗng che khuất phần lớn mặt trăng. Khi Na Lan nhận ra dưới nước có người thì đã muộn.
"Na Lan? Đúng là cô à?"
Ai thế? Chẳng lẽ đúng là anh ấy? Thì ra khoảng cách giữa mơ và thực cũng gần.
Dù ánh trăng đang rất mờ, cô cũng nhìn rõ đôi mắt quen thuộc và đầy quan tâm. Tần Hoài.
Cảm ơn trời đất, may quá, khi bốn mắt giao nhau, cô không rơi lệ nữa. Cô ngoảnh đầu đi, hít thở điều hòa, xua đuổi tâm trọng đang xốn xang bất định.
Tôi có lòng tự trọng của tôi.
Tần Hoài lại hỏi "Khuya thế này sao lại một mình ra đây bơi?".
Thừa hiểu rôi nhưng vẫn hỏi, có phải cánh đàn ông đều thế khong? Na Lan không tin là thế. Tần Hoài nhẹ vỗ vào vai Na Lan, cô như rùng mình, quẫy mạnh thoát ra.
Tôi phải có tự trọng.
"Tôi phải xa cô vì không muốn cô bị tổn thương." Tần Hoài nói.
Nghe thật hay ho, hãy để dành mà đưa vào tiểu thuyết ly kỳ rớm tình ái thật của anh! Na Lan bắt đầu đạp nước, rồi từ từ bơi tách xa Tần Hoài.
"Sao cô chẳng nói gì cả?" Tần Hoài đã nhận ra Na Lan chỉ một mực im lặng.
Cô biết, nếu mình lại bắt chuyện với anh ta thì sẽ là hai lần liền vấp phải một hòn đá. Cũng như mọi cô gái thông minh khác, cô rất nhạy cảm.
Tiếng quạt nước xa dần, Tần Hoài máy môi định hỏi tiếp thì lại có tiếng người bơi đến gần, một thân hình cao to, anh ta đã dừng lại rồi kinh ngạc kêu lên: "Na Lan. Đúng là Na Lan!".
Phương Văn Đông.
Na Lan giơ tay vẫy Phương Văn Đông, có nét thân thiết.
Phương Văn Đông không đần, anh nhận ra tình thế lúng túng giữa Tần Hoài và Na Lan, anh cười nói: "Ngẫu nhiên thật thú vị, chúng ta đều ra đây bơi!".
Từ phía không xa lắm có tiếng động cơ vọng đến. Dưới ánh trăng, một chiếc ca-nô màu trắng đang từ phía đảo Hồ Tâm phóng lại. Hình như nó biết rõ họ đang ở vị trí nào, nó chạy thẳng tắp, mũi ca-nô gắn ngọn đèn pha sáng chói/.
Na Lan biết người trên đó là ai, cô tăng tốc bơi trở về, cố tránh xa tuyến đi của ca-nô. Lúc này cô càng mong có thể ẩn vào trong vùng tối mà đèn pha không rọi tới để tiếp tục giữ im lặng.
Đúng thế, chiếc ca-nô dừng bên cạnh Tần Hoài, đứng trước mũi ca-nô là Tư Không Tình thướt tha duyên dáng. Tần Hoài và Phương Văn Đông lên ca-nô. Tư Không Tình hôn vào trán Tần Hoài, anh hôn lại.
Na Lan khóc thầm.
Ca-nô chạy đi rồi, cô nhìn qua làn nước mắt thấy Tần Hoài ngoảnh lại nhìn
về phía cô đã mất hút. Nhưng cũng có thể cô đã nhìn nhầm. Chỉ là đơn phương, nhất là cô lại nhìn qua màn nước dày thế kia. Cô cảm nhận sâu sắc mình đang lặp lại số phận đáng buồn của nàng tiên cá bé bỏng trong truyện cổ tích Andersen.
Cuối hè đầu thu, hơi nóng và hơi lạnh xung đột, hôm nay nắng mai lại mưa. Nhưng dự báo thời tiết cho biết tuần tới có thể mưa liên tục.
Mây dày và nặng, nhưng lúc này không những không mưa mà trăng còn sáng khác thường.
Một con thuyền nhỏ lướt ngang bên hồ.
Na Lan cùng Giải Quýnh và Bế Tiểu Châu đang chuẩn bị lần cuối cùng trước khi chính thức lặn xuống tìm kho báu ấn định vào tối mai. Tiểu Châu thuê của bạn con thuyền nhỏ, rồi dùng ô-tô chở đến. Trước khi xuất phát họ tạm để nó bên bờ hồ, vì thế Na Lan hơi ngạc nhiên khi trông thấy con thuyền vừa nãy.
"Hai anh có nhìn thấy con thuyền không?" Cô hỏi.
"Thì có gì là lạ? Mọi ngày đâu phải không bao giờ có thuyền chạy vào buổi tối?" Giải Quýnh vác một bao nilon to tướng đưa xuống thuyền, trong đó có đủ thứ: nhiệt kế, đồng hồ đo độ sâu, đồng hồ đo nồng độ acia-base, thừng nilon và các dụng cụ khác liên quan đến chuyến lặn sâu tối mai. Có đủ thứ, thừa còn hơn thiếu.
Na Lan nói: "Có thuyền bơi là bình thường, nhưng kỳ lạ ở chỗ nó tròng trành đung đưa, hình như không người cầm lái mà là nó phó mặc sóng nước đưa đến đâu thì đưa."
Giải Quýnh nói: "Bạn không biết à: có một số người lại thích thả lỏng cho thoải mái, không chèo thuyền cũng không nổ máy, họ đang nằm ngắm trăng, đếm sao trời cũng nên, thật là lãng mạn!" Anh ta lấy ra chiếc ống nhòm rồi đưa cho Na Lan. "Cô em thích tò mò thì nhìn đi! Ống nhòm quân dụng, hệ số phóng đại cực lớn miễn chê. Không phải ống nhòm nhìn đêm nhưng lúc này đang sáng trăng thì vẫn nhìn tạm được. Nhưng nếu nhìn thấy một đôi nam nữ thì cô em nên nhắm mắt lại!".
Na Lan cười, cầm lấy ống nhòm.
Cô xoay xoay điều chỉnh tiêu cự, rồi chĩa vào con thuyền nhỏ ấy.
Cô bỗng thót tim.
Có một người đang ngồi trên thuyền, người mặc áo tơi!
"Sao thế?" Cả Giải Quýnh lẫn Tiểu Châu đều cảm thấy Na Lan bỗng thở gấp, tay cầm ống nhòm run bắn, họ đồng thanh hỏi:
"Lời nguyền áo tơi trong mưa gió!"
"Gì cơ?"
Na Lan đưa ống nhòm cho Giải Quýnh, nói: "Nhìn đi, người ấy mặc áo mưa... Tiểu Châu cho thuyền chạy đến bên con thuyền ấy, tôi muốn nhìn xem ai ngồi trên đó."
Giải Quýnh nhìn một lát rồi nói: "Đúng là hơi kỳ lạ, đang đẹp trời sao phải mặc áo mưa? Nhưng cũng có gì là ghê gớm, ở Giang Kinh
này chẳng thiếu kẻ lập dị... Nhìn biết ngay hắn ta là đồ tâm thần, ngồi đó bất động có vẻ như đang câu cá."
Câu cá, hay là câu tính mạng?
Na Lan lớn tiếng: "Đừng dài dòng nữa, lên thuyền rồi lại nhòm tiếp. Cứ lề mề có lẽ nó chạy mất!".
"Thuyền ấy phạm pháp hay sao mà phải chạy?" Giải Quýnh thấy khó hiểu. Anh lên thuyền. Tiểu Châu nổ máy, phóng thẳng về phía con thuyền có người mặc áo tơi.
Na Lan nhắc lại một lượt câu chuyện mê tín "Lời nguyền áo tơi trong mưa gió". Giải Quýnh nói: "Anh cũng nghe nói rồi. Em là người rất lý trí, chắc không thể tin chuyện đó?".
"Đương nhiên không tin, nhưng tôi vẫn muốn đến tận nơi xem xem ai đang bày trò quái dị ấy."
Tiểu Châu nói: "Ít ra cũng chưa thấy dấu hiệu đó là tên tội phạm bỏ trốn."
Giải Quýnh tiếp tục quan sát bằng ống nhòm, nói: "Không những không có dấu hiệu tội phạm bỏ trốn, mà gã này còn giả vờ không nghe thấy chúng ta đang nhiệt tình phóng đến. Hắn vẫn ngồi vững như Thái sơn."
Na Lan cau mày: "Hắn đang câu cá thật à?".
Giải Quýnh nói: "Chúng ta phải đên gần hơn nữa mới biết được. Hình nhưu có chiếc cần câu chênh chếch, nhưng không rõ lắm." Một lát sau anh ta nói tiếp: "À, nhìn rõ rồi. Đúng là cần câu, không thể nhầm được."
"Có thấy dây câu không?"
"Mắt tôi chưa tính đến trình độ ấy. Bạn thử lên đây nhìn xem sao."
Chỉ lát sau con thuyền của ba người đã đến gần con thuyền nhỏ kia, và cũng nhìn thấy toàn cảnh. Không đáng gọi là thuyền, nên gọi nó là mấy mảnh gỗ mục mới đúng. Một con thuyền nhỏ rất xập xệ, giống như những con thuyền cũ nát bị vứt bỏ trên bão sông, tuyệt đối không đủ sức để xuống nữa. Gã kia đang ngồi quay lưng lại về phía ba người, chiếc áo mưa đang mặc rách bươm, chiếc mũ cói trên đầu cũng thế. Hình như từ những năm Gia Tính triều Minh đến giờ gã vẫn giữ cái tư thế bất động này. Lúc này Giải Quýnh không nhìn nhầm: có một chiếc cần câu buông chếch xuống mặt nước. Na Lan hầy như tin chắc cần câu không có dây cô.
Giải Quýnh gọi to: "Này, người anh em, họ Khương à? Là hậu duệ của Khương Thái Công (1) phải không?".
Bế Tiểu Châu bật cười: "Thôi nào DadaShasha, cậu đừng giở ngón ba que ra đây!".
Người mặc áo mưa vẫn quay lưng như trước, như thể không nghe thấy gì và không hề nhúc nhích.
Ba thanh niên đưa mắt nhìn nhau. Tiểu Châu hiểu ý, anh cho thuyền chạy vòng vòng sang phía trước mặt ông ta. Hai thuyền giáp nhau, Giải Quýnh và Na Lan dướn người nhìn sang. Cái mũ cói sụp xuống che kín đầu và mặt ông
ta. Thấy người lạ đang nhìn san mình, ông ta vẫn không động đậy. Tay ông ta thu vào trong áo mưa, chiếc cần câu chĩa ra ngoài, và đúng là không hề mắc dây câu!
Na Lan đưa tay ra nắm lấy cần câu kéo về phía mình, và lấy được chiếc cần câu. Đó là chiếc cần câu bằng nhựa cứng, rất thông dụng, có thể co vào duỗi ra, trông khá cũ vì đã trải bao gió sương. Cô ấn hai đoạn phía đầu nhỏ thu ngắn lại, rồi giơ cần câu chọc vào rìa cái mũi cói của ông ta, khều lên.
Cái mũ bị lật nghiêng lộ ra khuôn mặt. Khuôn mặt tết bằng cỏ khô! Buồn cười nhất là nó còn được đeo một cặp kính râm nữa!
Thì ra diễn viên chính của "áo tơi trong mưa gió" là một bù nhìn người cỏ, là đạo cụ của Gia Cát Lượng "xin tên" thời xưa (2) nhưng quên chưa vứt đi.
Ai bày ra cái trò này nhỉ?
Giải Quýnh cười ha hả: "Tối nay tôi sẽ lên diễn đàn công bố rằng Jinyiwei Na Lan bị một người cỏ dọa sợ run bần bật!".
Na Lan thì không cười, cô tiếp tục cầm cần câu chọc ngoáy gã người cỏ.
Áo tơi rớt xuống, kính râm cũng bị gỡ ra, mặt mũi và toàn thân gã lở lói tả tơi.
Giải Quýnh thấy Na Lan thật kỳ cục, bèn trêu cô: "Em ơi sai rồi, em không nên bắt nạt một kẻ thất thế..."
Nhưng giọng anh ta chợt ngắc lại, đôi mắt mở to.
Từng búi cỏ tiếp tục lở lói rớt xuống... cuối cùng, bên trong là một khối trắng xám.
Đó là làn da, làn da của người chết! Vùng mắt trắng đục kia... chỉ còn la hai cái hốc mờ mờ.
Một thây ma đang ngồi xổm trước mặt ba người!
Nhóm tìm kho báu cùng ngồi ăn bữa trưa ở nhà hàng MacDonald. Hầu hết thời gian họ cố giữ im lặng, ngay anh chàng Giải Quýnh lắm mồm nhất cũng không nói một câu, thân hình to đùng ngồi trên cái ghế bé tẹo không bớt động đậy.
Hình ảnh cái xác xám xỉn của Phàn Uyên vẫn lướt qua trước mắt Na Lan.
Cuối cùng vẫn là cô lên tiếng: "Nếu muốn rút lui, anh cứ nói, đừng ngại, hoặc có thể ở trên bờ làm các việc hậu cần. Nếu gặp vận may, chúng tôi tìm ra thứ gì đó, thì các anh vẫn có phần."
Một anh nói: "Chị coi bọn tôi là người rơm chắc? Tôi được biết "Lời nguyền áo tơi trong mưa gió" chỉ là chuyện đồn đại mê tín vớ vẩn. Và, có lẽ ông già bỏ mạng ấy chẳng liên quan gì đến chúng ta cả..." Anh ta hơn Na Lan ít nhất là ba tuổi nhưng giao lưu trên mạng cứ thích gọi cô là chị. Bình thường thì không sao nhưng lúc này thì nghe có vẻ không ổn. Na Lan nói: "Đừng gọi chị chị gì nữa. Sau đây sẽ còn có nhiều chuyện mà chúng ta chưa biết, có những chuyện tôi đã biết nhưng chưa tiện nói ra. Vừa rồi tôi hỏi thế không phải là khích các anh, tôi thực lòng mong các anh cứ nghĩ cho kỹ. Tối nay lặn sẽ có nguy hiểm rình rập, hoặc nên hiểu rằng. nếu tham gia, dù không phải tối nay thì vẫn sẽ có một ngày nào đó gặp nguy hiểm."
Bế Tiểu Châu lạnh lùng hỏi: "Có lẽ ngay từ đầu bạn đã biết kế hoạch này rất nguy hiểm phải không?".
Giải Quýnh nói: "Ngay hôm đầu bạn ấy đã cảnh cáo rồi, cậu quên à?".
Bế Tiểu Châu: "Đương nhiên không quên. Chúng ta đều tự nguyện cả, bây giờ tất nhiên sẽ không bàn lùi/"
Na Lan cảm kích nhìn mọi người, rồi mở ví lấy ra một tờ giấy đặt xuống bàn, nói: "Đây là tất cả hy vọng của chúng ta."
Mọi người xúm lại. Đó là một tờ giấy bình thường photo một tấm bản đồ, vẫn thấy rõ các đường viền nham nhở của tấm bản đồ gốc. Thoạt nhìn, đúng là bản đồ một cái hồ, giữa hồ là hòn đảo, hình dáng hòn đảo rất giống với đảo Hồ Tâm trong hồ Chiêu Dương. Điều lạ lùng là trên bản đồ không hề có một chữ Hán nào.
Bế Tiểu Châu lẩm bẩm: "Kho báu của Bá Nhan?" rồi anh ta ngẩng lên hỏi Na Lan: "Chữ Mông Cổ à?".
Na Lan gật đầu, nói: "Đúng, chữ Mông Cổ. Các bạn xem đây nữa." Cô lật mặt sau. Trang sau là bản đồ đảo Hồ Tâm được phóng to ra, bên cạnh đảo có nhiều ký hiệu chi chít. "Đây là chỗ ven đảo bắt đầu xuống nước, ta có thể buộc thuyền vào hòn đá nào, dưới nước có dấu hiệu gì để nhận ra đường, đều ghi chú rất cụ thể."
Chú thích:
(1): Nhân vật lịch sử huyền thoại Khương Tử Nha (Khương thái công, Lã Vọng) thời cổ đại Trung Quốc nổi tiếng với hình ảnh "ngồi bên bờ sông Vị buông cần câu cá, nhưng không mắc dây câu", ngụ ý "chờ thời thế".
(2): Tình tiết trong "Tam quốc diễn nghĩa" quân Thục dùng bù nhìn cỏ, lừa đối phương bắn tên vào, tên mắc lại vô số, đem tên về dùng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.