Hỏa Thần

Chương 13:




CAIRO NGÀY 31 THÁNG 3
Quý ông đến từ Munich là vị khách mà chắc hẳn toàn bộ nhân viên ở khách sạn InterContinental không thể quên được. Vốn là trưởng bộ phận tiếp tân luôn điều hành công việc một cách trôi chảy, ông Katubi đã gặp nhiều người như ông ta, loại người hay sinh sự, một người đàn ông nhỏ thó với cái đầu lắc lư như muốn rời khỏi một cặp vai rộng quá khổ. Sự thật là ông Katubi đã phát ngấy vị khách này đến nỗi ông lộ rõ thái độ cau có mỗi khi chạm mặt. Vào ngày thứ ba, ông chào vị khách đó với một nụ cười gượng gạo và hỏi. “Giờ thì chuyện gì nữa đây, thưa ông Klemp?”
Chỉ vừa đến khách sạn được vài phút, vị khách này đã bắt đầu phàn nàn. Ông Klemp đã đặt phòng không hút thuốc. Thế nhưng ông ta khiếu nại là rõ ràng có ai đó vừa hút thuốc ở đây, dù rằng ông Katubi - người luôn tự hào về khứu giác nhanh nhạy của mình, không hề phát hiện ra dù chỉ là một làn khói thuốc trong không khí. Căn phòng được đổi lại thì bị chê là quá gần hồ bơi, cái khác thì quá gần hộp đêm. Cuối cùng ông Katubi phải dành cho ông ta căn phòng trên tầng cao hơn, có ban công hướng ra sông mà không lấy thêm phụ phí nào. Lúc đó quý ngài Klemp mới cho là “tạm chấp nhận được”.
Với vị khách có tên là Klemp này, mọi thứ của khách sạn đều “có vấn đề”. Hồ bơi thì quá ấm mà phòng tắm của ông ta lại quá lạnh. Ông ta liếc nhìn bữa sáng tự phục vụ một cách khinh bỉ và thường xuyên gửi trả lại khẩu phần ăn buổi tối. Người phục vụ phòng thì làm hỏng một trong những cái ve áo vét của ông, còn việc mát-xa ở suối nước khoáng làm ông đau cổ. Ông yêu cầu nhân viên dọn phòng đến dọn dẹp vào đúng tám giờ mỗi sáng, còn ông thì lưu lại trong phòng để giám sát họ làm việc. Ông đã kể lể việc mình bị chôm tiền tại khách sạn Hilton ở Istanbul, và ông quyết sẽ không để chuyện đó xảy ra một lần nữa ở Cairo này. Ngay khi người nữ dọn phòng bước đi, ông treo ngay tấm biển XIN ĐỪNG LÀM PHIỀN trên tay khóa cửa suốt thời gian còn lại trong ngày như treo miễn chiến bài vậy. Ông Katubi ước rằng mình cũng được treo một tấm bảng tương tự thế ở ngay quầy trực của mình.
Đúng mười giờ mỗi sáng, ông Klemp rời khách sạn với tấm bản đồ và sách hướng dẫn du lịch. Các tài xế của khách sạn phải chơi trò rút thăm để xem ai là người thiếu may mắn vì phải phục vụ cho ông ta ngày hôm đó. Dường như càng về sau, các chuyến đi của ông ta càng gặp nhiều sự cố. Đến bảo tàng Hy Lạp, ông bảo rằng nơi này cần phải được dọn dẹp sạch sẽ hơn. Còn pháo đài Citadel thì bị ông chê là cũ kỹ bẩn thỉu. Lúc ở khu vực Kim Tự Tháp của thành phố Giza, ông bị một con lạc đà nghịch ngợm cắn. Khi ông ta quay về sau chuyến thăm Giáo hội Cairo, Katubi hỏi ông có thích nhà thờ thánh Barbara không. “Thú vị đó”, ông Klemp nói, “nhưng thực ra nó không đẹp bằng nhà thờ của chúng tôi ở Đức”.
Vào ngày thứ tư, ông Katubi đang đứng ở lối ra vào khách sạn thì ông Klemp lao ra từ cửa xoay như một cơn gió sa mạc đầy bụi.
“Chào buổi sáng, ngài Klemp”.
“Giờ chưa phải là buổi sáng mà ông Katubi”.
“Ngài có yêu cầu xe sáng nay không?”
“Không cần”.
Vừa dứt câu trả lời, ông ta bắt đầu đi dọc theo con đường ven biển. Phần đuôi của bộ cánh mà ông ta cho là “bị làm hỏng” bay phần phật trong gió như cái chắn bùn của xe tải. Ông Katubi nghĩ cho dù Cairo là một thành phố rất dễ thích nghi, nhưng dẫu vậy nơi này vẫn chẳng thích hợp với một người như ông Klemp chút nào.
Gabriel nhận thấy phảng phất nét đặc trưng của châu Âu lưu lại trên những tòa nhà rêu phong điêu tàn dọc đường Talaat Harb. Rồi anh chợt nhớ lại những gì đã đọc được trong những cuốn sách hướng dẫn của ông Klemp. Vào thế kỷ XIX, người cai trị Hy Lạp - Khedive Ismail - đã thai nghén ý tưởng biến Cairo thành “Paris của sông Nile”. Ông đã thuê những kiến trúc sư tài hoa nhất ở châu Âu để thực hiện ước mơ của mình. Công trình tạo tác này đến nay vẫn còn sót lại ở mặt ngoài theo lối kiến trúc tân Gô-tích, với rào chắn bằng sắt rèn, cửa sổ cửa chớp hình chữ nhật cao. Nhưng công trình đó đã trở thành phế tích, bởi sự ô nhiễm, sự tàn phá của thời tiết, và sự lãng quên của con người trong gần suốt một thế kỷ.
Anh tiến đến một vòng xoay nhộn nhịp. Một cậu bé đi giày xanh đen giật giật ống tay áo, mời anh ghé cửa hàng dầu thơm của gia đình nó. “Không, không”, Gabriel nói bằng tiếng Đức theo kiểu của ông Klemp, nhưng anh lại đẩy lùi đứa trẻ và lách đi theo đúng kiểu người Israel khi né những người bán hàng rong trên các phố hẻm ở Phố Cổ.
Anh men theo vòng xoay, đi ngược chiều kim đồng hồ và rẽ vào đường Qasr e-Nil, một bản sao của cung điện Élysées ở Cairo. Anh tiếp tục rảo bộ, dừng lại và một lần nữa nhìn chằm chằm vào các cửa sổ của gian hàng trang trí lòe loẹt để xem có ai theo dõi mình không. Anh rời đường Qasr el-Nil và vào một con đường hẹp bên cạnh. Vì không thể đi trên lề đường chật cứng những chiếc xe hơi đậu ngổn ngang, anh đi dưới lòng đường như người dân Cairo.
Anh tìm đến địa chỉ ghi trên tấm danh thiếp mà Shamron đã đưa vào đêm trước khi lên đường. Đó là một tòa nhà kiến trúc Ý với mặt tiền nhuốm màu bùn đặc trưng vùng sông Nile. Tầng ba của tòa nhà này là nơi mà hàng loạt những dòng tin tức cập nhật hàng giờ của đài BBC ra lò. Cách lối đi vài mét, một người bán dạo trên chiếc xe chở thùng nhôm đang đi giao món mì spaghetti vùng Bologna đựng trong đĩa giấy. Cạnh người bán dạo là một phụ nữ, mặt che mạng, bán chanh và bánh mì lát. Phía bên kia con đường náo nhiệt có một ki-ốt. Đứng trong bóng tối của mái vòm nhỏ, đeo kính râm và mặc chiếc áo gió hiệu Members Only là một giám sát viên của tình báo Mubarat đang cố gắng ẩn mình để quan sát Gabriel khi anh bước vào trong.
Tiền sảnh vừa tối vừa lạnh lẽo. Một con mèo giống Hy Lạp gầy guộc với hõm mắt sâu và đôi tai lớn gầm gừ nhìn anh trong bóng tối, rồi lại biến mất sau một cái lỗ nhỏ trên tường. Người giữ cửa xuất thân từ vùng sa mạc Nubian trong trang phục áo choàng dài màu chanh và khăn trùm đầu trắng ngồi bất động trên một chiếc ghế gỗ. Anh ta chìa bàn tay thô ráp nhận tấm danh thiếp của người đàn ông mà Gabriel muốn gặp.
“Tầng ba”. Anh ta nói bằng tiếng Anh.
Đến đầu cầu thang, Gabriel phải đi qua hai lớp cửa. Cạnh cửa, bên tay phải là tấm biển bằng đồng thau in chữ: DAVID QUINNELL - BÁO CHÍ QUỐC TẾ. Gabriel nhấn chuông và ngay lập tức được một cậu bé phụ việc văn phòng người Xu-đăng đưa vào một phòng chờ nhỏ, người mà Gabriel dùng giọng Đức chuẩn để nói chuyện bằng tiếng Anh.
“Cho hỏi tôi đang nói chuyện với ai được không ạ?”, cậu bé Xu-đăng đó hỏi.
“Tôi tên là Johannes Klemp”.
“Ông Quinnell có hẹn trước với ông không?”
“Tôi là bạn của Rudolf Heller. Ông ấy biết mà”.
“Xin ông chờ một phút. Tôi sẽ gặp ông Quinnell xem ông ấy có gặp ông bây giờ được không”.
Cậu bé Xu-đăng biến mất sau một cánh cửa đôi cao. Thời gian cứ thế trôi đi, một phút, hai rồi ba phút. Gabriel tiến đến cửa sổ và nhìn xuống đường. Người phục vụ quán cà phê ở góc đường mang cho người đàn ông của cơ quan tình báo Mubarat một tách trà trên một chiếc khay bạc nhỏ. Gabriel nghe thấy tiếng cậu bé Xu-đăng phía sau và ông quay lại. “Ông Quinnell sẽ gặp ông ngay”.
Căn phòng mà Gabriel được dẫn vào là một phòng khách theo lối kiến trúc thời La Mã cổ. Sàn nhà bằng gỗ nhám đến nỗi không thể làm bóng lại được; những họa tiết trên đường chỉ tường như chẳng còn gì dưới lớp cát dày. Hai trong bốn bức tường là những kệ sách lấp đầy bởi những tác phẩm lịch sử Trung Đông và đạo Hồi. Một chiếc bàn rộng bày la liệt giấy báo và thư từ chưa bóc ngả vàng ố.
Căn phòng chìm trong bóng tối, trừ một khoảng không hình thang được ánh mặt trời chói chang chiếu xuyên qua cánh cửa kiểu Pháp khép hờ, lan đến tận mũi chiếc giày da lộn đã sờn của David Quinnell. Ông ta kéo tờ điểm tin sáng Al-Ahram xuống - một tờ nhật báo chính phủ của Hy Lạp, và buồn bã nhìn chăm chăm vào Gabriel. Ông ta mặc chiếc áo sơ mi nhăn nhúm rộng quá khổ và một chiếc áo vét nâu vàng có cầu vai. Vài sợi tóc bạch kim phơ phất trước trán, ẩn phía sau là đôi mắt tròn đỏ ngầu. Ông gãi gãi cái cằm cạo râu không kỹ và vặn nút âm lượng chiếc đài phát thanh cho nó nhỏ xuống. Gabriel dù đứng xa vài bước vẫn có thể ngửi thấy mùi rượu whisky đêm qua từ hơi thở của ông ta.
“Đã là bạn của Rudolf Heller thì chắc chắn cũng là bạn của tôi”. Vẻ ngoài ủ dột của Quinnell không ăn nhập gì với giọng nói nồng nhiệt của ông ta. Gabriel cảm giác như ông ta đang nói cho một đám khán giả của Cục tình báo Mubarat nghe vậy. “Ông Heller có nói với tôi rằng có thể anh sẽ gọi. Tôi giúp được gì cho anh đây?”
Gabriel đặt một tấm hình trên chiếc bàn bề bộn - tấm ảnh mà Mahmoud Arwish đưa cho anh lúc ở Hadera.
“Tôi đang đi nghỉ”, Gabriel nói. “Ông Heller đề nghị tôi nên đến gặp ông. Ông ấy nói ông có thể giới thiệu cho tôi những nét đặc sắc của vùng đất Cairo này. Ông ấy nói ông hiểu rõ Hy Lạp hơn bất cứ ai”.
“Ông Heller nói tốt về tôi quá đấy! Dạo này ông ta khỏe chứ?”
“Vẫn thế ạ”, Gabriel đáp.
Quinnell không cử động người mà chỉ cúi xuống tấm ảnh.
“Bây giờ tôi hơi bận, nhưng tôi nghĩ tôi vẫn có thể giúp cậu”. Ông ta cầm tấm ảnh lên và gấp lại cùng tờ báo đang đọc dở. “Cậu muốn đi dạo chứ? Tốt nhất chúng ta nên ra ngoài trước khi trời trở nên oi bức”.
“Văn phòng của ông đang bị theo dõi”.
Họ bước dọc theo một con đường nhỏ đầy bóng râm, hai bên là những quầy hàng và những người bán rong. Quinnell dừng lại nhìn ngắm một khúc vải cotton Hy Lạp màu huyết dụ.
“Thỉnh thoảng”, ông ta hờ hững đáp, “tất cả tay viết báo đều bị theo dõi. Đặc biệt đối với một đất nước có bộ máy an ninh cồng kềnh như Hy Lạp, họ chỉ vẽ việc để làm”.
“Có thể đúng. Nhưng ông không phải là một phóng viên bình thường”.
“Đúng vậy, nhưng họ không biết chuyện đó. Đối với họ, tôi chỉ là một lão già người Anh thừa thãi, sống qua ngày bằng thù lao từ những bài báo được đăng. Chúng tôi phải xoay xở lắm mới tìm được một chỗ tá túc. Tôi đã yêu cầu họ phải dọn dẹp lại sau khi lục lọi xong căn phòng, và thật sự thì họ đã làm khá tốt công việc đó”.
Quinnell nới lỏng nút áo và băng rất nhanh ngang qua một ngõ hẹp. Gabriel đã thoáng thấy qua vai ông ta một người mặc áo Members Only bơ phờ đang nhấm nháp một tách cà phê. Không kịp quan sát kỹ gã đó, Gabriel vội đuổi theo Quinnell.
Khi Gabriel bắt kịp, khuôn mặt của Quinnell đỏ bừng dưới cái nóng của buổi sáng muộn. Ông ta từng nổi danh là tay phóng viên lưu động cho một tờ nhật báo lớn ở Luân Đôn. Ông ta là dạng phóng viên chuyên săn những tin tức nóng bỏng của thế giới và chỉ dừng bút trước khi câu chuyện trở nên tẻ nhạt và công chúng bắt đầu thấy mất hứng. Nhưng sự nghiệp của ông bị hủy hoại bởi rượu chè và đàn bà. Rồi ông đến Israel trong một chuyến công tác suốt thời kỳ đầu của phong trào nổi dậy chống sự chiếm đóng của người Do Thái để tắm nắng trên hòn đảo của Shamron. Qua một buổi ăn tối riêng tư ở Tiberias, Shamron đã thăm dò và tìm ra điểm yếu của ông - một món nợ khổng lồ, một quá khứ Do Thái bí mật đằng sau vẻ bề ngoài người Anh đầy giễu cợt và nghiện rượu của Quinnell. Đến khi dùng cà phê thì cũng là Shamron bắt đầu vai diễn của mình. Shamron hứa hẹn đây là sẽ mối quan hệ hợp tác hai bên cùng có lợi. Theo định nghĩa của Shamron, “đối tác” có nghĩa là người mà ông có thể thuyết phục hoặc hăm dọa tống tiền để tuân theo mệnh lệnh của mình. Quinnell sẽ cung cấp cho Shamron những thông tin đáng giá trong nguồn dữ liệu Arập của mình. Thỉnh thoảng ông ta cũng có thể lấy được vài mẩu tuyên truyền phản động của Shamron. Đổi lại, món nợ khổng lồ của Quinnell cũng sẽ được thanh lý một cách êm thấm. Ông ta cũng sẽ được độc chiếm một số mẩu tin để đánh bóng lại tên tuổi đã mờ nhạt của mình. Sẽ có nhà xuất bản cho phát hành cuốn sách mà ông đã ấp ủ trong suốt thời gian qua. Nhưng Shamron chẳng bao giờ hé lộ là làm thế nào ông biết được Quinnell có một cuốn bản thảo luôn cất kỹ trong ngăn kéo. Cuộc đổi chác được thực hiện, và Quinnell cũng như Mahmoud Arwish đã chọn con đường phản bội dù biết rằng hình phạt cho hành động này sẽ là một cái chết vô cùng đau đớn. Khi công chúng đòi hỏi Quinnell phải sám hối về những tội lỗi của mình, ông đã quay lưng và đứng về phe Arập. Trên kênh báo chí Fleet, ông ta được xem như một phát ngôn viên của Palestine - xin lỗi về các vụ đánh bom tự sát và các hành động phát xít. Quinnell thường huênh hoang.Những kẻ theo chủ nghĩa đế quốc, theo Tây và những đứa con hoang Israel của chúng đang phải gánh chịu những gì chúng đã gieo rắc. Sẽ không thể có sự an toàn trên đường phố chừng nào mà công lý chưa được thực hiện ở Palestine. Ông ta là nhà bình luận phương Tây ưa thích của tờ Al-Jazeera và trở nên đắt hàng hơn trong các cuộc chạy đua đảng phái ở Cairo. A’one từng gọi ông là “một nhà báo dũng cảm dám viết lên sự thật, một cây bút phương Tây duy nhất thấu hiểu từng ngõ ngách những gì đang diễn ra tại Arập”.
“Có một chỗ ở Zamalek cậu nên đến. Quán Mimi. Thức ăn ngon, nhạc hay”. Quinnell dừng lại và thêm vào một cách khiêu khích: “Đó là một đám đông thú vị”.
“Ai là Mimi?”
“Mimi Ferrere. Cô ta dường như đã gắn chặt với cuộc sống ở Zamalek này. Cô ta đến đây hai mươi năm trước và sẽ không bao giờ rời khỏi nơi đây nữa. Mọi người đều biết Mimi, và cô ta cũng biết mọi người”.
“Cái gì đã đem cô ta đến Cairo?”
“Sự cộng hưởng năng lượng sống”.
Quinnell bắt gặp ánh mắt trống rỗng của Gabriel nên giải thích.
“Một thuyền trưởng tên là Jose Arguelles đã viết một quyển sách cách đây nhiều năm tựa là Những yếu tố Maya. Ông ta khẳng định đã tìm ra chứng cứ trong Kinh Thánh và lịch của người Aztec và Mayan rằng tháng 8 năm 1987 là thời điểm hội tụ quan trọng trong lịch sử nhân loại. Thế giới sẽ có thể theo một trong hai con đường, một là bước sang một thời đại mới, hai là bị diệt vong. Để tránh bị hủy diệt, 144.000 người phải tập trung tại nơi gọi là trung tâm quyền lực quanh trái đất và cộng hưởng năng lượng sống. Mimi đến các Kim Tự Tháp cùng với hàng ngàn kẻ cuồng tín khác. Lúc đó, cô nàng thật quyến rũ. Và nếu cậu hỏi tôi bây giờ cô ta thế nào, tôi sẽ nói rằng cô ta vẫn quyến rũ như thế. Cô ta đã cưới một người Hy Lạp giàu có và sống tại Zamalek. Cuộc hôn nhân đó kéo dài một tuần rưỡi. Sau khi cuộc hôn nhân đổ vỡ, Mimi cần tiền nên đã mở quán cà phê”.
“Cô ta từ đâu đến?”
Quinnell nhún vai. “Mimi đến từ bất kỳ đâu. Cô ta là một cư dân của trái đất”.
“Còn khách khứa của cô ta thuộc thành phần nào?”
“Chủ yếu là người nước ngoài. Một số ít là khách du lịch ham vui. Có cả những người Arập có tiền thích phong cách phương Tây. Ở đó có một gã mà tôi gặp nhiều lần. Tên gã là Tony”.
“Tony sao? Ông chắc không?”
“Đó là tên anh ta tự xưng. Cực kỳ đẹp trai”.
Quinnell đưa cho Gabriel tờ báo. “Đừng đến quá sớm. Quán đó chẳng mở trước nửa đêm đâu. Và hãy cẩn thận với Mimi. Cô ta có thể ngọt ngào như bánh làm từ hoa quả, nhưng cô ta cũng không bỏ qua bất kỳ trò gian trá nào đâu”.
Katubi đặt bàn cho ông Johannes Klemp tại quán bar nhạc Jazz và cả rượu lúc mười giờ tối đó. Chín giờ, Gabriel ra khỏi phòng, đón tắc xi và bắt đầu qua cầu Tahrir đến đảo Gezira. Khi đến nơi, anh rẽ phải về phía Bắc men theo con đường bên dòng sông, rồi lại dọc theo một câu lạc bộ thể thao cũ nơi mà thực dân Anh chơi bài crikê và uống rượu gin trước khi đế chế sụp đổ.
Một chuỗi những tòa nhà chung cư cao tầng đắt tiền hiện ra bên tay trái anh, đó là dấu hiệu đầu tiên cho thấy anh đã đến địa chỉ được nhiều người săn lùng nhất ở Cairo. Dân ngoại quốc, những đại gia Hy Lạp - những người không sống theo kiểu đạo Hồi mà mang hơi hướng Âu Mỹ. Khu Zamalek tương đối sạch sẽ, và những tiếng ồn không ngớt ở Cairo là những tiếng lao xao vọng lại từ phía bờ kia sông. Người ta có thể nhấm nháp một ly cappuccino trong quán cà phê và nói tiếng Pháp trong những cửa hàng sang trọng. Đó là một ốc đảo, nơi mà những người giàu giả vờ như họ không biết đến hoàn cảnh nghèo khổ xung quanh.
Quán Mimi nằm ở tầng trệt của một ngôi nhà cũ vừa ra khỏi đường 26 tháng 7. Tấm biển hiệu đèn
nê-ông trang trí nghệ thuật và toàn bộ thực đơn chay đặt dưới lớp kính trong cái khung gỗ sơn tay đều được viết bằng tiếng Anh. Cạnh thực đơn, một tấm áp phích lớn giới thiệu một màn giải trí đặc sắc buổi tối, năm người đàn ông trẻ với khăn choàng tơ tằm lấp lánh trang sức. Đó là chỗ mà chỉ khi nào bị chĩa súng thì Gabriel mới phải vào. Tuy nhiên, trong lúc này, khi tên của anh không phải là Gabriel mà là quý ngài Klemp, anh vẫn phải bước vào cái nới đáng nguyền rủa này.
Một phụ nữ da ngăm mặc một bộ đồ sa-tanh màu cam và một chiếc khăn quấn đầu cùng tông đon đả tiếp đón anh. Cô ta chào bằng tiếng Anh và ông Klemp đáp lại một cách lịch sự. Khi nghe tên “Johannes Klemp”, cô nàng mỉm cười đề phòng như thể đã được ông Katubi cảnh báo trước là sẽ có những điều khó chịu. Cô ta dẫn anh vào chiếc bàn cạnh bục ban nhạc. Chiếc bàn thấp với kiểu trang trí đường lượn cùng những chiếc ghế dài sặc sỡ màu sắc bao quanh. Gabriel cảm giác đêm nay anh sẽ không ngồi đây một mình. Chỉ sau hai mươi phút, những lo ngại của anh biến thành hiện thực: ba người Arập nữa tiến lại ngồi cùng anh. Họ gọi thêm rượu sâm-banh và coi như không nhìn thấy một quý ông người Đức mặt mày rầu rĩ đang ngồi cùng.
Đó là một căn phòng khá thoải mái, dài hình ô van, quét sơn trắng với những dải lụa treo trên trần cao. Căn phòng kiểu Tây Âu thoảng mùi gỗ đàn hương và mùi thuốc hasit ngai ngái. Dọc theo mép phòng, dưới những hốc hình vòm tù mù trong ánh đèn yếu ớt là nơi riêng tư mà khách ruột của quán có thể ăn uống. Gabriel rà quanh dàn thực khách Arập và tìm kiếm trong vô vọng người đàn ông trong ảnh.
Đúng như lời của Quinnell, ở đây không chơi nhạc trước mười một giờ. Màn trình diễn đầu tiên là điệu nhạc của người Incas mang âm hưởng hiện đại do một người Peru mặc xà-rông với đàn ghi-ta trình diễn. Xen vào giữa các bài hát là những câu chuyện truyền thuyết về vùng cao Andes, chúng được kể bằng thứ tiếng Anh lơ lớ nghe không lọt tai. Đến giữa đêm là màn biểu diễn đặc sắc của buổi tối do một nhóm nhạc Ma-rốc chơi ngẫu hứng loại jazz Arập theo các nốt và nhịp mà những người Âu khó có thể hiểu được. Ba người đàn ông Arập không hề chú tâm đến âm nhạc mà chỉ lè nhè bên° những ly rượu. Ông Klemp mỉm cười và vỗ tay tán thưởng các bản độc tấu tuyệt diệu ấy, nhưng con người thật của ông Klemp là Gabriel thì lại bỏ ngoài tai vì mải tập trung chú ý đến người phụ nữ đứng cuối quầy bar. Đó là Mini.
Lúc còn trẻ cô ta thật quyết rũ. Và nếu cậu hỏi tôi bây giờ cô ta thế nào, tôi sẽ nói rằng cô ta vẫn quyến rũ như thế. Gabriel nhớ lại lời nói của Quinnel.
Cô ta mặc chiếc quần Capri trắng và chiếc áo cánh sa-tanh màu xanh nhạt thắt lại ở phần eo thon. Nhìn từ đằng sau, có thể nhầm tưởng cô ta chỉ đang ở độ tuổi đôi mươi. Chỉ khi cô ta quay lại để lộ những nếp nhăn quanh mắt và một mảng bạc trên tóc thì người ta mới nhận ra đó là một phụ nữ trung niên. Cô ta đeo vòng quanh eo và sợi dây chuyền bạc quanh chiếc cổ cao. Nước da ngăm ngăm màu ô liu với đôi mắt đen láy. Cô ta chào đón tất cả mọi người bằng một nụ hôn trên má và giọng nói thì thầm ngọt ngào như rót vào tai. Gabriel từng gặp nhiều kiểu phụ nữ sống trác táng giống cô ta - những người luôn sống ở hết biệt thự này đến biệt thự khác, tiệc tùng liên miên. Hầu hết họ cũng có dáng người mảnh khảnh với làn da rám nắng và chẳng khi nào màng tới chuyện chồng con. Gabriel thắc mắc không hiểu cô ta đang làm cái quái gì ở Cairo này.
Nhóm năm người Ma-rốc dừng nhạc và báo trước sẽ quay lại trong vòng mười phút. Ánh sáng trong quán mạnh dần lên và âm lượng những cuộc trò chuyện cũng sôi nổi hơn. Người phụ nữ tách mình khỏi quầy bar và dạo quanh phòng, cô ta nhẹ nhàng lướt từ bàn này sang bàn khác, từ hốc vòm này sang hốc vòm khác như một con bướm rập rờn từ bông hoa này đến bông hoa kia. Cô chào đón những vị khách ruột của quán bằng những nụ hôn và những lời thì thầm. Những người mới thì lại được đón đãi bằng cái bắt tay. Cô nói với họ bằng tiếng Arập, Anh, Ý, Pháp, Tây Ba Nha và cả vốn tiếng Đức kha khá của mình. Cô nhận những lời khen một cách bình thản như đã quá quen thuộc và chúng chẳng còn khiến cô phải rung động nữa. Cô là đối tượng mà đàn ông thì thèm muốn nhưng buộc phải dè chừng, còn phụ nữ thì luôn trầm trồ ngưỡng mộ một cách ganh tỵ.
Cô nàng tiến đến bàn ông Klemp khi ban nhạc quay lại sân khấu cho màn biểu diễn thứ hai. Ông Klemp đứng dậy, hơi cúi thấp người và đón lấy bàn tay chìa ra của cô ta. Cô siết chặt, da tay cô lạnh và hơi khô. Buông tay ông Klemp ra, cô hất những lọn tóc lơ thơ ra khỏi mặt và quan sát ông ta với cặp mắt nâu bông đùa. Nếu không thấy cô ta cũng đưa mắt kiểu đó với những người đàn ông khác trong phòng, có lẽ ông đã nhầm tưởng rằng cô ả đang tán tỉnh mình.
“Tôi rất vui vì ông đã đến đây với chúng tôi tối nay”. Cô nói với ông bằng tiếng Anh với giọng điệu hơi lên mặt của một vị chủ quán. “Hy vọng ông thích những bản nhạc tối nay. Chẳng phải chúng tuyệt lắm sao? Xin tự giới thiệu, tên tôi là Mimi”.
Và rồi cô bước đi. Gabriel quay mắt chằm chằm nhìn lên bục diễn, nhưng tâm trí anh thì quay lại trạm ngầm của Natan Hofi và nhớ lại đoạn ghi âm của người phụ nữ bí hiểm với một người tên là Tony.
Xin tự giới thiệu, tên tôi là Mimi.
Không, cô không phải là Mimi, Gabriel nghĩ. Cô là Madeleine, là Alexandra, và là Lunetta. Cô là mặt trăng bé nhỏ.
Sáng hôm sau, khi ông Katubi đang đứng trong quầy ở sảnh thì điện thoại reo. Ông nhìn xem phòng nào gọi đến rồi thở dài nặng nề. Ông nhấc máy thận trọng như một người lính công binh đang gỡ bom, ông đặt ống nghe lên tai.
“Chào buổi sáng ông Klemp”.
“Đương nhiên rồi, ông Katubi”.
“Ông có cần tôi mang hành lý giúp ông không?”
“Không cần sự giúp đỡ nào cả ông Katubi ạ. Có một sự thay đổi nhỏ trong kế hoạch. Tôi đã quyết định ở lại lâu hơn. Tôi đã bị nơi này bỏ bùa rồi”.
“Thật quý hóa cho chúng tôi”, ông Katubi nói một cách lạnh nhạt. “Thế ông định thuê phòng thêm bao nhiêu đêm nữa ạ?”
“Sẽ quyết định sau, ông Katubi. Cứ bình tĩnh, tôi sẽ báo lại cho ông”.
“Vâng, tôi sẽ chờ ông, ông Klemp”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.