Hỏa Thần

Chương 22:




MARTIGUES, PHÁP
Ngôi nhà nằm trong một khu phố của người Arập thuộc tầng lớp lao động, trên rìa phía nam của thành phố. Nó có mái ngói đỏ, một lớp vữa đã bong tróc trát bên ngoài, và một khoảnh sân hoang tàn với những món đồ chơi đã hỏng làm bằng nhựa dẻo màu sắc sặc sỡ vương vãi khắp nơi. Gabriel, khi bị đẩy qua cửa trước, đã chờ đợi sẽ thấy những dấu hiệu của một gia đình. Thay vào đó, anh chỉ thấy một căn hộ bỏ hoang với các phòng đều trống rỗng và các bức tường đã tróc hết vôi vữa. Hai gã đàn ông đang đợi, cả hai đều là người Arập, và đều được nuôi dưỡng rất tốt. Một gã cầm một chiếc túi nhựa có in tên một khu mua sắm giảm giá tại địa phương, rất nổi tiếng đối với những người Pháp nghèo. Gã còn lại đang vung vẩy một chiếc gậy đánh golf rỉ sét bằng một tay, như một chiếc dùi cui.
“Cởi quần áo ra”.
Người phụ nữ anh đi theo ra lệnh bằng tiếng Arập. Gabriel vẫn đứng sững bất động với hai bàn tay khép sát vào các đường may trên chiếc quần tây, như một người lính đang đứng nghiêm. Ả lặp lại mệnh lệnh, lần này với vẻ gay gắt hơn. Khi Gabriel vẫn không nhúc nhích, tên lái chiếc Mercedes tát anh thật mạnh vào một bên má.
Anh cởi áo khoác và áo gi-lê màu đen. Máy phát tín hiệu và hai khẩu súng đều đã không còn - ả phụ nữ đã tịch thu chúng từ khi họ còn ở Mác-xây. Ả xem xét những vết sẹo trên ngực và lưng anh, rồi ra lệnh cho anh cởi nốt° những y phục còn lại.
“Thế còn những kiêng kỵ của Hồi giáo thì sao?”
Vì câu châm chọc này, anh nhận thêm một bạt tai nữa vào mặt, lần này bằng lưng bàn tay. Gabriel, đầu choáng váng, bước ra khỏi đôi giày và cởi vớ. Rồi anh cởi nút quần jeans và tuốt nó ra khỏi đôi chân trần. Giây lát sau anh đã đứng trước bốn tên khủng bố trong chiếc quần lót. Đứa con gái thò tay kéo và bật giây thun quần của anh. “Cả cái này nữa”, ả nói. “Cởi nó ra”.
Chúng tỏ ra hào hứng khi ngắm nhìn anh trần truồng như nhộng. Bọn đàn ông bình phẩm về “của quý” của anh trong khi đứa con gái chầm chậm đi vòng quanh và khen ngợi cơ thể anh như thể một bức tượng được triển lãm. Anh nhận thấy, đối với chúng, anh là một huyền thoại, một con quái thú thường tìm đến vào lúc nửa đêm và giết hại những chiến binh trẻ. Nhìn hắn mà xem, ánh mắt chúng dường như muốn nói. Hắn quá nhỏ bé, quá bình thường. Sao hắn có thể giết quá nhiều người anh em của chúng ta?
Đứa con gái lầm bầm điều gì đó bằng tiếng Arập mà Gabriel không nghe rõ. Ba tên đàn ông bắt đầu cắt vụn quần áo của anh bằng kéo và dao xếp. Không một đường may, một đường viền, một cổ áo nào được chúng bỏ qua. Chỉ có Chúa - hoặc đức Allah - mới biết chúng đang tìm cái gì. Một máy phát tín hiệu thứ hai? Một máy điện đàm được giấu kín? Hay một thiết bị “quỷ quái” nào đó của người Do Thái sẽ làm tất cả bọn chúng tê liệt và giúp anh thoát thân tại một thời điểm và địa điểm bất kỳ mà anh chọn? Đứa con gái theo dõi hành động ngu xuẩn của đồng bọn một lúc, với vẻ mặt cực kỳ nghiêm trọng, rồi ả lại ngoái nhìn Gabriel. Ả đi vòng quanh cơ thể trần truồng của anh thêm hai vòng nữa, với một ngón tay cố tình ấn vào môi. Mỗi lần ả đi qua trước mặt, Gabriel đều nhìn thẳng vào mắt ả. Có một vẻ gì đó lạnh nhạt trong ánh mắt của ả; một ánh mắt mang tính chất chuyên nghiệp và phân tích. Phần nào đó trong anh chờ đợi ả rút ra một chiếc máy ghi âm mi-ni vào bất kỳ lúc nào và bắt đầu ghi lại những nhận xét về kết quả phân tích. Một vết sẹo nhăn nheo trên phần tư ngực trên bên trái, kết quả của một viên đạn do Tariq al-Hourani bắn - Allah vinh danh anh. Một vết sẹo có hình thù như một tờ giấy nhám băng ngang gần hết lưng. Không biết nguồn gốc.
Cuộc tìm kiếm bên trong đống trang phục không tìm ra bất cứ thứ gì ngoài một đống vụn và sợi vải to tướng. Một tên Arập gom tất cả những mảnh vụn và nhét vào lò sưởi, rồi tưới dầu hỏa lên và châm lửa. Trong khi quần áo của Gabriel biến thành tro, bọn chúng, ba trai một gái, đứng thành một đội hình vòng quanh. Đứa con gái đứng trước mặt anh, hai tên khác to con hai bên, và tên đóng vai tài xế ở phía sau lưng. Một tên khác bên tay phải vẫn vung vẩy cây gậy chơi golf một cách lười biếng.
Bọn khủng bố luôn có một nghi thức cho những dịp như thế này. Trận đòn là một phần không thể thiếu của nghi thức đó. Đứa con gái phát tín hiệu bắt đầu với một cái tát mang tính tượng trưng vào mặt anh. Rồi ả bước ra ngoài để bọn đàn ông làm công việc nặng nhọc hơn. Một cú quất gậy chơi golf được nhắm rất kỹ khiến đầu gối Gabriel quỵ xuống và làm anh ngã lăn ra đất. Bây giờ thì cơn mưa đấm đá mới thực sự bắt đầu. Những cú đấm đá dường như không bỏ qua một góc nhỏ nào trên cơ thể anh. Anh quyết định không kêu la. Anh không muốn cho chúng sự thỏa mãn, đồng thời không muốn làm kế hoạch của chúng đi chệch hướng bằng việc đánh động những người sống xung quanh - mặc dù ở khu vực này của thành phố khó có thể tìm ra ai quan tâm nhiều đến việc ba gã đàn ông đánh nhừ tử một người Do Thái. Trận đòn kết thúc cũng đột ngột như nó khởi đầu. So sánh với quá khứ, nó không đến nỗi quá tệ - thực tế là anh đã phải chịu đựng đau đớn hơn nhiều dưới tay Shamron và các “huấn luyện viên” ưa đấm đá của ông ở Học Viện. Bọn chúng chỉ nương tay với khuôn mặt, và điều đó cho biết rằng chúng còn cần phải nhận diện anh.
Anh nằm nghỉ trong tư thế nghiêng về bên phải, với hai bàn tay bảo vệ bộ phận sinh dục và hai đầu gối co lên ngực. Anh có thể nếm được vị tanh của máu trên môi, và vai trái của anh dường như hoàn toàn tê liệt kết quả của nhiều cú đạp liên tiếp của tên to con nhất. Đứa con gái quẳng cái túi nhựa và ra lệnh cho anh mặc quần áo vào. Anh cố gắng di chuyển, nhưng dường như không thể lăn qua hoặc ngồi dậy hoặc nâng bàn tay lên. Cuối cùng, một tên nắm lấy cánh tay trái và kéo anh ngồi dậy. Cái vai bị thương của anh nổi loạn, và lần đầu tiên một tiếng rên đau đớn phát ra. Tiếng rên này, cũng giống như hình ảnh khỏa thân của anh ban nãy, là dịp để bọn khủng bố cười cợt.
Chúng giúp anh mặc quần áo. Rõ ràng là chúng mong đợi một người to con hơn. Chiếc áo thun màu vàng nhạt với chữ MÁC-XÂY! to tướng trên ngực lớn hơn cỡ áo của anh nhiều số. Cái quần chinos có lưng quá rộng và ống quá dài. Đôi dép da rẻ tiền thì cứ chực tuột ra khỏi bàn chân.
“Đứng lên được chứ?”, đứa con gái hỏi.
“Không”.
“Nếu không đi ngay, mày sẽ trễ hẹn ở điểm dừng kế tiếp. Và nếu mày trễ hẹn, mày biết điều gì sẽ xảy ra cho vợ mày rồi đấy”.
Gabriel tự lật mình sang tư thế trụ bằng hai đầu gối và hai bàn tay và, sau hai nỗ lực thất bại, cuối cùng cũng đứng lên được. Đứa con gái đẩy vào giữa hai xương bả vai anh khiến anh chới với bước về phía cửa. Anh nghĩ đến Leah và tự hỏi lúc này cô đang ở đâu. Nằm trong một cái túi đựng xác? Bị nhốt trong một cốp xe? Hay bị giam trong một thùng gỗ đóng kín? Cô có biết điều gì đang xảy ra cho mình, hoặc, nếu may mắn hơn, cô có tin rằng đây chỉ là một đoạn khác trong cơn ác mộng không bao giờ kết thúc? Vì Leah, anh đã có thể đứng thẳng người và vì Leah, anh liên tục đặt bàn chân nọ ra trước bàn chân kia để tiến về phía trước.
Ba gã đàn ông ở lại trong nhà. Đứa con gái theo sau anh chỉ cách nửa bước chân, với một cái xắc tay bằng da đeo trên vai. Ả đẩy anh một cái nữa, lần này về phía chiếc Mercedes. Anh lại loạng choạng bước tới, băng qua khoảnh sân vương vãi những mảnh đồ chơi. Những chiếc xe hơi hiệu Matchbox bị lật úp, chiếc xe cứu hỏa rỉ xét, con búp bê cụt tay và chú lính chì cụt đầu - đối với Gabriel, chúng giống như kết quả của một vụ thảm sát bằng những quả bom được thiết kế một cách tài tình của Khaled. Theo bản năng, anh bước về bên ghế hành khách của chiếc xe.
“Không”, đứa con gái nói. “Mày sẽ lái xe”.
“Tôi không lái được”.
“Nhưng mày phải lái”, ả nói. “Nếu không sẽ trễ hẹn, và vợ mày sẽ chết”.
Gabriel miễn cưỡng trèo lên phía sau vô-lăng. Đứa con gái ngồi bên cạnh. Sau khi đóng cửa xe, ả thò tay vào giỏ xách và lấy ra một khẩu súng ngắn, một khẩu Tanfolgio TA-90, và chĩa nòng súng vào bụng anh.
“Tao biết mày có thể tước cái này của tao bất cứ lúc nào mày muốn”, ả thừa nhận. “Nhưng nếu mày chọn cách hành động như vậy thì cũng chẳng ích lợi gì. Tao đảm bảo với mày rằng tao không biết vị trí của vợ mày, cũng không biết đích đến cuối cùng của mày là ở đâu. Chúng ta sẽ cùng nhau thực hiện chuyến đi này, mày và tao. Chúng ta là cộng sự của nhau trong chuyến phiêu lưu này”.
“Thật vinh hạnh cho cô”.
Ả dùng khẩu súng đánh vào má anh.
“Cẩn thận đấy”, anh nói, “nó có thể cướp cò bất cứ lúc nào”.
“Mày biết rất rõ về nước Pháp, đúng không? Mày đã từng làm việc ở đây. Mày đã giết hại nhiều người Palestine ở đây”.
Thấy Gabriel chỉ im lặng, ả lại giơ súng đánh anh một cái nữa. “Trả lời tao đi! Mày đã từng làm việc ở đây, có đúng không?”
“Đúng”.
“Mày đã giết hại người Palestine ở đây, đúng không?”
Gabriel gật đầu.
“Mày xấu hổ à? Nói to lên xem nào”.
“Phải”, anh nói, “tôi đã giết nhiều tên Palestine ở đây. Tôi đã giết Sabri ở đây”.
“Vậy thì hẳn là mày biết rõ đường xá của nước Pháp. Mày sẽ không mất thời gian xem bản đồ. Điều đó tốt đấy, vì chúng ta không có nhiều thời gian đâu”.
Ả đưa chìa khóa xe cho anh. “Đến Nýmes. Mày có một giờ đồng hồ”.
“Nơi đó cách đây ít nhất là một trăm cây số”.
“Vậy thì tao đề nghị mày ngậm miệng lại và bắt đầu lái xe đi”.
Gabriel đi tắt qua cầu Arles. Dòng sông Rhône màu xanh bạc với vô số xoáy nước trải dài như một tấm thảm kỳ ảo phía dưới họ. Sang đến bờ sông bên kia, Gabriel nhấn mạnh chân ga xuống sát sàn xe và bắt đầu chặng đua nước rút tới Nýmes. Thời tiết hôm nay đẹp một cách trớ trêu: bầu trời trong xanh không một gợn mây, những cánh đồng bừng sáng rực rỡ với bạt ngàn cây oải hương và hoa hướng dương, những ngọn đồi phơi mình dưới ánh nắng chan hòa. Phong cảnh hiện lên trước mắt rõ ràng đến mức Gabriel có thể phân biệt từng đường nét, từng vết nứt của những vỉa đá cách đó đến hai mươi dặm.
Ả phụ nữ ngồi điềm tĩnh trong tư thế hai cổ chân bắt chéo qua nhau, và khẩu súng đặt trong lòng. Gabriel tự hỏi tại sao Khaled lại chọn ả để hộ tống mày đến với cái chết. Bởi sự trẻ trung và xinh đẹp của ả tương phản mạnh mẽ với sự tàn tật của Leah? Hay đây là một cách nhục mạ của người Arập? Có phải hắn muốn lăng nhục Gabriel hơn nữa bằng cách bắt mày nghe theo lệnh của một đứa con gái trẻ đẹp? Cho dù động cơ của Khaled là gì thì ả đàn bà này cũng đã được huấn luyện kỹ lưỡng. Gabriel đã cảm nhận được điều này ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên của họ ở Mác-xây, và một lần nữa trong ngôi nhà ở Martigues - giờ đây mày lại nhận ra điều đó qua đôi cánh tay và đôi vai cơ bắp, cũng như qua cách cầm súng của ả. Nhưng chính đôi bàn tay của ả khiến mày chú ý nhất. Ả có những móng tay cắt ngắn nhưng bẩn thỉu của một người thợ gốm hoặc một người làm việc ở những nơi nhiều đất cát.
Ả lại đánh anh mà không cảnh báo trước. Chiếc xe bị lạng đi, và Gabriel phải khá vất vả mới kìm được nó.
“Tại sao cô làm thế?”
“Mày nhìn khẩu súng của tao”.
“Làm gì có chuyện đó”.
“Mày đang nghĩ đến việc đoạt nó từ tay tao”.
“Không có”.
“Nói dối! Đồ Do Thái dối trá!”
Ả lại giơ súng lên định đánh anh lần nữa, nhưng lần này Gabriel đã giơ một bàn tay lên để tự vệ và đỡ được cú đánh.
“Tốt hơn mày nên chạy nhanh lên”, ả nói, “nếu không chúng ta sẽ không đến Nýmes đúng giờ đâu”.
“Tôi đang chạy gần 200 km/h rồi. Tôi không thể chạy nhanh hơn mà không làm chết cả hai. Lần sau Khaled gọi lại, bảo với hắn là hắn phải nới thời hạn ra một chút mới được”.
“Ai?”
“Khaled”, Gabriel nói. “Gã đàn ông mà cô đang cúc cung phục vụ. Kẻ điều khiển chiến dịch này”.
“Tao chưa bao giờ nghe nhắc đến ai tên là Khaled”.
“Vậy chắc tôi nhầm”.
Ả quan sát anh một lúc. “Mày nói tiếng Arập rất giỏi. Mày sinh trưởng ở Thung lũng Jezreel phải không? Nơi đó cách Afula không xa. Tao nghe nói có nhiều người Arập sống ở đó. Đó là những người từ chối ra đi hoặc bị đưa tới đó”.
Gabriel quyết định chờ cho cá cắn mồi thật sâu rồi mới giật cần câu. “Cô chưa bao giờ nhìn thấy nó sao?”
“Palestine ấy hả?” Một nụ cười thoáng hiện lên. “Tao thấy nó từ xa”, ả nói.
Libăng, Gabriel nghĩ. Ả thấy nó từ Libăng.
“Nếu chúng ta sẽ cùng nhau trải qua một chuyến đi dài, tôi phải có một cái tên gì đó để gọi cô”.
“Tao không có tên. Tao chỉ là một người Palestine. Không có tên, không có gương mặt, không đất đai, không nhà cửa. Cái vali của tao chính là tổ quốc”.
“Tốt”, anh nói. “Vậy tôi sẽ gọi cô là Palestine”.
“Đó không phải là cái tên thích hợp dành cho phụ nữ”.
“Thôi được, thì tôi gọi cô là Palestina vậy”.
Ả nhìn ra đường và gật đầu. “Mày có thể gọi tao là Palestina”.
Còn một dặm nữa là đến Nýmes, ả bảo anh rẽ vào khu đậu xe trải sỏi của một cửa hàng bên đường chuyên bán chậu hoa và dụng cụ làm vườn phương Đông. Trong năm phút dài và căng thẳng đến vô cùng, họ im lặng chờ đợi chiếc điện thoại vệ tinh của ả đổ chuông. Khi tiếng chuông bất thình lình vang lên, Gabriel giật mình như thể anh vừa nghe tiếng còi cứu hỏa. Ả đàn bà lắng nghe mà không nói gì. Căn cứ vào nét mặt vô cảm của ả, Gabriel không thể đoán chắc rằng ả vừa nhận lệnh đi tiếp hay giết anh ngay tại đây. Ả tắt máy và hất hàm về phía con đường.
“Ra làn đường dành cho xe hơi đi”.
“Hướng nào?”
“Bắc”.
“Chúng ta đi đâu?”
Một thoáng lưỡng lự. “Lyon”.
Gabriel làm theo mệnh lệnh của ả. Khi họ tiến gần đến trạm thu phí giao thông, ả giấu khẩu Tanfolgio vào túi xách, rồi đưa cho anh một tờ giấy bạc để nộp phí. Trạm thu phí vừa qua, khẩu súng lại xuất hiện. Ả đặt nó trên đùi. Ngón tay trỏ của ả, với cái móng tay được cắt ngắn bẩn thỉu, đặt hờ hững trên cò súng.
“Hắn trông thế nào?”
“Ai cơ?”
“Khaled”, Gabriel nói.
“Như tao đã nói với mày, tao không biết ai tên là Khaled cả”.
“Cô đã ngủ với hắn ở Mác-xây”.
“Thực ra, tao đã ngủ với một người tên là Véran. Lái nhanh lên”.
“Hắn sẽ giết chúng ta, cô biết không? Hắn sẽ giết cả hai chúng ta”.
Ả không nói gì.
“Hắn có nói với cô đây là một sứ mệnh tự sát không? Cô đã chuẩn bị để chết chưa? Cô đã cầu nguyện và thu băng video từ biệt gia đình chưa?”
“Hãy lái xe đi, và đừng nói nữa”.
“Chúng ta là các shaheed, cô và tôi. Chúng ta sẽ chết cùng nhau - vì những lý do khác nhau, tôi xin phép nhắc cô, nhưng sẽ chết cùng nhau”.
“Mày im đi”.
Nó đây rồi, anh thầm nghĩ. Vết nứt trên vách tường lô-cốt. Khaled đã nói dối ả.
“Chúng ta sẽ chết trong buổi tối nay”, anh nói. “Đúng bảy giờ. Hắn không cho cô biết điều đó à?”
Một lần nữa ả lại im lặng. Ngón tay ả đang rờ rẫm cò súng.
“Tôi đoán là hắn đã quên nói với cô”, Gabriel tiếp tục. “Nhưng đó luôn luôn là cách mà các vụ tấn công tự sát diễn ra. Những kẻ tội nghiệp là những kẻ chết vì Palestine, những kẻ đến từ các trại tị nạn và các khu nhà ổ chuột. Những tên trùm khủng bố thì chỉ ra lệnh từ các biệt thự sang trọng của chúng ở Beirut, Tunis, và Ramallah”.
Một lần nữa ả lại vung khẩu súng về phía mặt anh. Lần này Gabriel bắt lấy nó và giằng nó ra khỏi tay ả.
“Khi cô đánh tôi bằng cái này, nó thật sự gây khó khăn cho việc lái xe”.
Anh chìa khẩu súng ra trả lại cho ả. Ả cầm lấy và đặt nó trở lại vào lòng.
“Chúng ta là những shaheed, Palestina. Chúng ta đang đi đến nơi hủy diệt bản thân mình, và Khaled đang chỉ đường cho chúng ta. Bảy giờ tối nay, Palestina. Bảy giờ tối nay”.
Trên đường đi từ Valence đến Lyon, anh cố gạt Leah ra khỏi đầu và chỉ suy nghĩ về tình huống hiện tại. Theo bản năng, anh tiếp cận nó như một bức tranh cần phục chế. Đầu tiên anh loại bỏ lớp sơn dầu phủ bên ngoài và phân rã bức tranh, cho đến khi chẳng còn lại gì ngoài những nét bút chì phác họa; rồi anh bắt đầu xây dựng lại tất cả, từng lớp một. Lúc này anh vẫn chưa thể bổ sung một sự xác minh đáng tin cậy. Khaled là người họa sĩ, hay Khaled chỉ là một anh thợ học việc trong xưởng vẽ của A’one? A’one đã ra lệnh thực hiện âm mưu này để trả thù cho sự sụp đổ quyền lực và địa vị của ông ta, hay Khaled đã tự ý tiến hành để trả thù cho cái chết của cha và ông nội hắn? Đây là một trận chiến nữa trong cuộc chiến giữa hai dân tộc hay chỉ là một cuộc thanh toán ân oán giữa hai gia đình có quá nhiều duyên nợ với nhau, gia đình al-Khalifa và gia đình Shamron-Allon? Anh ngờ rằng nó là một sự kết hợp của cả hai, một giao điểm giữa nhu cầu và cứu cánh. Hai họa sĩ vĩ đại cùng hợp tác thực hiện một tác phẩm - như Titian và Bellini, anh nghĩ. The Feast of the Gods - Bữa tiệc của các tông đồ.
Ngày bức tranh bắt đầu được thực hiện là một bí ẩn khác đối với anh. Nhưng có một điều anh biết chắc: công việc đã được tiến hành trong nhiều năm và bằng rất nhiều máu. Anh đã vào tròng một cách ngoạn mục và khéo léo. Tất cả bọn họ đều đã vào tròng. Hồ sơ phát hiện ở Milan đã được sắp xếp để dụ Gabriel bắt đầu bước vào cuộc điều tra. Khaled đã để lại một loạt dấu vết và giới hạn số vòng quay của đồng hồ, khiến Gabriel không còn lựa chọn nào khác ngoài việc lao theo chúng hết tốc lực. Mahmoud Arwish, David Quinnell, Mimi Ferrere - tất cả họ đều là một phần trong âm mưu này. Giờ đây Gabriel đã nhìn thấy họ, lặng im và bất động, như những hình vẽ nhỏ ngoài rìa bức tranh của Bellini, có tính biểu tượng nhưng chỉ đóng vai trò hỗ trợ cho điểm trung tâm của bức tranh. Nhưng điểm trung tâm đó là điểm nào? Gabriel biết bức tranh vẫn chưa được hoàn tất. Khaled vẫn còn giữ lại một đòn chí mạng cuối cùng, một tuyệt tác nữa của máu và lửa. Bằng cách nào đó Gabriel phải sống sót qua được nó. Anh tin chắc đầu mối sinh tồn của anh nằm ở đâu đó trên con đường mà anh đã đi qua. Và vì vậy, trên suốt chặng đường hướng về phía bắc đến Lyon, anh không nhìn thấy xa lộ mà chỉ thấy tình huống hiện tại - từng phút giây, mọi sự chuẩn bị, mọi cuộc chạm trán, lớp sơn dầu trên bức tranh. Mình sẽ sống sót qua âm mưu này, anh nghĩ, và một ngày nào đó anh sẽ trở lại tìm Khaled với những luật chơi của chính hắn. Và ả phụ nữ đang ngồi cạnh anh, Palestina, sẽ là cánh cửa thoát hiểm của anh.
“Hãy dừng xe bên vệ đường”.
Gabriel làm theo mệnh lệnh. Họ đang ở cách trung tâm thành phố Lyon vài dặm. Lần này, chỉ hai phút trôi qua trước khi chuông điện thoại reo.
“Trở ra đường”, ả nói. “Chúng ta sẽ đi Chalon. Nó là một…”
“Tôi biết Chalon nằm ở đâu. Nó ở phía nam Dijon”.
Anh chờ đường trống và trở ra làn xe dành riêng
cho ôtô.
“Tao không thể biết được mày là một người can đảm hay một tên ngốc”, ả nói. “Mày đã có thể bỏ đi ở Mác-xây. Mày đã có thể tự cứu lấy tính mạng mình”.
“Cô ấy là vợ tôi”, anh nói. “Và sẽ luôn luôn là vợ tôi”.
“Và mày sẵn sàng chết vì cô ấy?”
“Cả cô cũng sẽ chết vì cô ấy”.
“Vào lúc bảy giờ?”
“Đúng”.
“Tại sao mày biết thời điểm đó? Tại sao là bảy giờ?”
“Cô chẳng biết tí gì về kẻ mà cô đang cúc cung tận tụy làm việc cho hắn, phải không? Tôi cảm thấy tiếc cho cô đấy, Palestina. Cô là một đứa con gái cực kỳ ngốc nghếch. Thủ lĩnh của cô đã phản bội cô, và cô sẽ là người phải trả giá thay cho hắn”.
Ả lại giơ khẩu súng lên toan đánh anh, nhưng rồi suy nghĩ lại và đặt nó trở xuống. Gabriel vẫn không rời mắt khỏi con đường. Cánh cửa đã hé mở.
Họ dừng lại để đổ xăng ở phía nam Chalon. Gabriel đổ đầy bình xăng và trả tiền bằng những tờ giấy bạc mà ả phụ nữ đưa cho. Khi anh trở lại vị trí ngồi sau vô-lăng, ả ra lệnh cho anh đậu xe bên cạnh dãy nhà vệ sinh.
“Tôi sẽ trở lại ngay”.
“Tôi sẽ đợi”.
Ả vào nhà vệ sinh chỉ trong giây lát. Gabriel đã cài số cho xe lùi ra đường, nhưng đứa con gái đã lấy chiếc điện thoại vệ tinh từ trong túi xách ra, và bảo anh đợi. Lúc này là hai giờ năm mươi lăm phút chiều.
“Chúng ta sẽ đi Paris”, anh nói.
“Ồ, vậy ư?”
“Hắn có hai con đường để sai chúng ta đến đó. Đường xa lộ sẽ tách làm đôi ở Beaune. Nếu đi theo đường tắt, chúng ta có thể chạy thẳng vào các khu ngoại ô phía nam. Hoặc chúng ta có thể tiếp tục đi theo hướng đông - từ Dijon đến Troyes, từ Troyes đến Reims - và tiến vào thủ đô từ hướng đông bắc”.
“Có vẻ như mày biết mọi chuyện. Vậy hãy thử nói tao nghe anh ta sẽ chọn cho chúng ta con đường nào?”
Gabriel giả vờ xem đồng hồ đeo tay.
“Hắn muốn chúng ta tiếp tục chạy rông ngoài đường, chứ không muốn chúng ta đến đích quá sớm. Tôi đặt cược vào con đường hướng đông. Tôi đoán hắn sẽ bảo chúng ta đến Troyes và chờ lệnh tiếp theo ở đó. Hắn còn có những lựa chọn khác nếu sai chúng ta đến Troyes”.
Gabriel nói vừa dứt lời thì chuông điện thoại reo. Đứa con gái im lặng lắng nghe rồi tắt máy.
“Trở lại xa lộ”, ả nói.
“Chúng ta đi đâu?”
“Cứ chạy đi”, ả đáp.
Anh xin phép bật radio.
“Cứ tự nhiên”, ả trả lời bằng giọng ân cần.
Anh bấm công tắc điện, nhưng không có chuyện gì xảy ra. Một nụ cười nhẹ xuất hiện trên môi của ả.
“Chơi hay lắm”, Gabriel nói.
“Cám ơn”.
“Tại sao cô làm việc này?”
“Hẳn là mày đang đùa?”
“Tôi hoàn toàn nghiêm túc đấy”.
“Tao là Palestina”, ả đáp. “Tao không có sự lựa chọn”.
“Cô sai rồi. Cô có sự lựa chọn”.
“Tao biết mày đang làm gì”, ả nói. “Mày đang cố lung lạc tao với câu chuyện về cái chết và tự sát. Mày nghĩ mày có thể làm thay đổi lý tưởng của tao, làm tao nhụt chí”.
“Thành thật mà nói, tôi chưa bao giờ mơ tới điều đó. Chúng ta đã đi cùng với nhau trong một thời gian khá dài. Tôi biết cô rất can đảm và hiếm khi nhụt chí. Tôi chỉ muốn biết lý do: Tại sao cô ở đây? Tại sao cô không lấy chồng, sinh con, và chăm sóc gia đình như mọi người phụ nữ khác? Tại sao cô không sống cuộc đời của mình?”
Một nụ cười nữa xuất hiện, lần này mang vẻ chế nhạo. “Đúng là người Do Thái”, ả nói. “Các người nghĩ rằng các người độc chiếm sự đau khổ. Các người nghĩ các người là trung tâm hứng chịu mọi nỗi đau của nhân loại. Cuộc Holocaust - tai ách diệt chủng - của dân tộc tao cũng thật như của các người, nhưng các người khăng khăng phủ nhận nỗi đau khổ của dân tộc tao nhằm che đậy tội lỗi của các người. Các người nói rằng những thương tích của dân tộc tao là do chúng tao tự gây ra”.
“Vậy hãy kể tôi nghe câu chuyện của cô”.
“Câu chuyện của tao là câu chuyện về một Thiên Đường đã mất. Đó là câu chuyện về một dân tộc lương thiện bị thế giới tự nhận là 'văn minh' ép buộc giao nộp đất đai của mình để những người Thiên Chúa giáo đỡ bị mặc cảm tội lỗi về tội ác diệt chủng mà họ đã gây ra”.
“Không, không”, Gabriel ngắt lời. “Tôi không muốn một bài tuyên truyền. Tôi muốn nghe câu chuyện của cô. Cô từ đâu đến?”
“Một trại tị nạn”, ả đáp, rồi thêm vào: “Một trại tị nạn ở Libăng”.
Gabriel lắc đầu. “Tôi không hỏi cô được sinh ra ở đâu, hay cô lớn lên ở đâu. Tôi hỏi quê quán của cô ở đâu”.
“Quê hương tao là Palestine”.
“Dĩ nhiên rồi. Nhưng vùng nào?”
“Miền Bắc”.
“Điều đó giải thích việc tị nạn ở Libăng. Vùng nào của miền bắc?”
“Vùng Galilee”.
“Tây hay Thượng?”
“Tây Galilee”.
“Làng nào?”
“Ngày nay nó không còn nữa”.
“Tên nó là gì?”
“Tao không được phép…”
“Nó có tên chứ?”
“Dĩ nhiên là nó có tên”.
“Phải Bassa không?”
“Không”.
“Phải Zib không?”
“Không”.
“Vậy chắc là Sumayriyya?”
Ả không trả lời.
“Đúng là Sumayriyya rồi”.
“Phải”, ả đáp. “Gia đình tao đến từ làng Sumayriyya”.
“Đường đến Paris vẫn còn xa lắm, Palestina. Hãy kể tôi nghe câu chuyện của cô”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.