Đây là việc rất tốt nhưng điều khiến Tống Dương nghi ngờ là: hắn không làm rõ được vì sao bản thân lại có tiến bộ… nếu không phải đêm đó giết đến máu thịt bay tứ tung, hắn còn không biết mình đã tiến bộ.
Điều này đúng là có chút không thể tưởng tượng được, võ sĩ giỏi có thể mượn việc vận chuyển nội kình để tìm hiểu tình trạng của bản thân, đó cũng là cái được gọi là "nội thị", bản thân tu vi như thế nào, có thể sử dụng sức mạnh lớn thế nào, khi đấu có thể phát huy đến mức độ nào, những việc này đối với người luyện võ có cấp bậc như Tống Dương mà nói thì giống như người bình thường biết mình có mấy đầu ngón tay, là việc rõ ràng đến mức không thể rõ ràng hơn.
Tống Dương trong lúc đánh nhau phát hiện chiến lực của bản thân tăng thêm mà không hề có lý do, trong lòng có chút ngạc nhiên, cũng giống như Búp bê sứ chơi oẳn tù tì với người khác, giơ tay ra đột nhiên phát hiện bản thân có đến sáu ngón tay…
Phải biết rằng lần trước võ công của Tống Dương tiến bộ là lần ở trạm dịch Thanh Dương bị Trần Phản phá "tam quan", sau đó Trần Phản cũng từng nói qua, thành tựu võ học của Tống Dương sẽ dừng lại ở đó, gần như không còn khả năng tiến bộ nữa.
Sự thật quả đúng như thế, trong mấy năm này Tống Dương bận chỗ này chỗ kia nhưng tu luyện đối với võ công chưa từng thả lỏng, tuy nhiên dù chăm chỉ thế nào cũng chỉ có thể đảm bảo bản thân không bị lùi lại, trước sau không hề tiến lên… cho đến lúc giết Man nhân vào mấy ngày trước.
Tiến bộ lần này không quá khoa trương, tay không mà nói vẫn chưa thể đột phá giới hạn của tông sư, nhưng rõ ràng là có tiến bộ, Tống Dương nghĩ không thông việc này nên đến thỉnh giáo La Quan.
Nâng cao tu vi là việc tốt, Tống Dương đương nhiên vui mừng nhưng thân là đại phu giỏi hàng đầu thiên hạ, mất đi cảm giác nắm rõ cơ thể bản thân thật không ổn, trước là máu mũi chảy ròng không rõ nguyên nhân, sau lại đến chiến lực nâng cao không thể lý giải. Cũng không biết hai việc này có liên hệ gì không, nếu Tống Dương hoàn toàn không lo lắng thì hắn thật quá vô tư rồi.
Đối với vấn đề của Tống Dương, La Quan làm ra vẻ dường như không mấy để tâm, lắc đầu nói:
- Ta có thể nhìn ra tu vi của ngài tiến bộ. Nhưng ngài nói mình không cố tình khổ luyện, tiến bộ kì lạ… việc mà bản thân ngài cũng không rõ thì làm sao ta hiểu được.
Tống Dương không cam lòng:
- Hay là, ngài giúp ta nghĩ xem. Có thể là nguyên nhân gì? Bạn đang xem tại TruyệnFULL.vn - www.TruyệnFULL.vn
Lần này La Quan trầm tư một lúc, không trực tiếp nói nguyên nhân mà lại nói sang đề tài khác:
- Long tước sát pháp mà Vưu Ly truyền cho ngài khá đặc thù, toàn bộ tu luyện của ngài đều vì đao nên có đao trong tay có thể khiến thực lực của ngài tăng mạnh. Tuy nhiên nếu thật sự tính toán, tu vi của ngài chắc hẳn lấy luyện vẽ làm bậc thượng phẩm mà thành, cho dù ngài có long tước trong tay có thể dễ dàng đánh bại người vừa lên ất tự nhưng về nền tảng mà nói, ngài vẫn là thượng phẩm.
Tống Dương gật đầu, đây là đạo lý đã được hiểu từ trước, ngoài công phu giết địch trên chiến trường của binh gia và công bắt trộm của quan sai, võ học trung thổ cho dù là môn tông, tổng cương của toàn bộ nội kình công pháp đều không phải để đánh nhau đả thương người, là vì phương pháp bình thường một chút thì để tu luyện thân thể tráng kiện, phương pháp cao thâm hơn thì để tu dưỡng tâm tính, có thể nói, ý nghĩa vốn có của võ là một loại tu luyện bản thân của mỗi người, về bản chất không khác biệt so với khổ hành tăng, khâu ni, đánh nhau chỉ có thể xem là "tác dụng phụ".
Nếu đã có đề mục "tu luyện" thì sự phân chia phẩm cấp của võ học cao thâm sẽ không đơn thuần chỉ dựa vào chiến lực mà nói nữa, cho nên mới có tình hình Tống Dương bây giờ "đánh thắng được ất sơ, nhưng vẫn không được xem là tông sư".
- Từ thượng phẩm đến tông sư, thế chú trọng quy về ý.
La Quan tiếp tục giảng giải:
- Tu luyện đến bước này, đã có thể xem là tâm tính công phu rồi, phải dựa vào chữ "ngộ".
Thượng phẩm đến ất tự là "thế quy vu ý", từ ất tự lên giáp đính cần "ý hợp vu hư", ở Phượng Hoàng thành, lúc Trần Phản bệnh mất trí nhớ phát tác tưởng nhầm Tống Dương là "tiểu La Quan" cũng đã từng giảng đạo lý này với hắn, tiếc là đạo lý hư vô mờ mịt, đặc biệt là đối với "người hiện đại" như Tống Dương mà nói, không phải là điều có thể dễ dàng hiểu được.
Rốt cuộc cái gì là "thế quy vu ý", Tống Dương trước sau vẫn nghĩ không thông. Trước hết, đừng nói "quy" như thế nào, "quy" đến đâu, mà đến từ "ý" kia chỉ cái gì, hắn cũng không hiểu.
- Chính bởi vì không hiểu nên muốn "ngộ" chữ "ý" này, còn có từ "hư" sau từ "ý", đều là thứ chỉ có thể ý để lĩnh hội, không thể giảng rõ ràng được. Huống chi, con đường ngộ đạo của mỗi người, cho dù có thể nói rõ ràng cũng vô dụng.
La Quan có thể nhìn thấy được cái mơ hồ của hắn cũng có thể xem là đã giải thích cho hắn một câu rồi, sau đó lại nói:
- Ngài và sư phụ từng sống chung một thời gian, hẳn là phải hiểu, nhất tông của chúng tôi là cầu chân ý từ trong việc vẽ… vẽ mặt trời chẳng qua là một loại phương pháp dùng để cầu lĩnh ngộ.
Tống Dương cười khổ:
Ý của ngài, không phải là bảo ta học vẽ chứ?
Cung chứa lực dương hỏa, tên mang uy liệt của mặt trời, cho nên Trần Phản chỉ vẽ mặt trời để cầu ngộ được bản chất; Tống Dương đang băn khoăn về long tước sát pháp của bản thân, nếu thật sự phải vẽ thì nên vẽ gì? Vẽ người chết à?
La Quan ho một tiếng, cười nói:
- Đầu óc cứng nhắc thế này, thật không phải người có tư chất học võ, có thể có thành tựu như bây giờ đã có thể xem như ông trời mở mắt rồi. Vẽ mặt trời chỉ có ích với nhất tông chúng tôi, ngài có vẽ cũng như không. Công pháp khác nhau, tâm pháp khác biệt, phương pháp ngộ đạo cũng không thể giống nhau. Về phần đạo long tước của ngài nên lĩnh ngộ như thế nào, tôi không dám nói đến, chỉ có điều…
Nói đến đây, đại tông sư lại thay đổi cách nói:
- Ta từng thấy ngài giết người.
Tống Dương sửng sốt:
- Ý gì vậy?
La Quan tăng thêm ngữ khí, nhắc lại lần nữa:
- Ta từng thấy ngài giết người!
Hai lần câu trả lời hoàn toàn giống nhau, Tống Dương có chút mơ hồ, cân nhắc nếu bản thân lại tiếp tục hỏi đại tông sư rốt cuộc là có ý gì, có khi nào La Quan lại lặp lại câu "tôi từng thấy ngài giết người" không? Cũng từ việc này mà Tống Dương lại nhớ đến một vật có ở kiếp trước: máy tua lại.
Còn may là La Quan không tiếp tục làm ra vẻ, nhưng cũng không trực tiếp nói ra căn nguyên, mà lại tạm chuyển hướng đề tài:
- Ngài tất nhiên hiểu, trong đạo võ công, giới hạn của môn tông thâm nghiêm, không chỉ học trộm bị nghiêm trị mà dạy trộm cũng không được. Việc có liên quan đến võ công, ta sẽ không chủ động chỉ dẫn cho ngài.
Vừa nói, ngữ khí của La Quan lại biến đổi:
- Hiểu chứ? Ta sẽ không chủ động nói gì với ngài nhưng nếu ngài nhất định muốn hỏi ta thì không phải là lỗi của ta nữa, nói với ngài một chút cũng không sao.
Tống Dương nghe vậy có chút mất kiên nhẫn, biết cái gì cũng không chịu nói, phải đợi người khác tới hỏi mới nói? Hắn thật không hiểu nổi cách lý giải này nhưng hắn chỉ có thể phụ họa theo:
- Là ta van xin nài nỉ mà hỏi lão, lão nói đi.
La Quan cười, gật đầu:
Như vậy thì được, ta nói… nhưng trước khi ta nói, ngài phải chủ động nói với ta việc tu luyện long tước của ngài, tổng cương đại khái là như thế nào.
Nói xong, lão lại tăng thêm ngữ khí:
- Vẫn là câu đó, ngài nhất định phải rõ, là tự ngài muốn nói cho ta nghe!
Đây mới là chỗ mấu chốt, bằng kiến thức của La Quan, muốn chỉ điểm vài câu không khó, nhưng nếu không biết rõ về "long tước" thì làm sao dám tùy tiện mở miệng, lỡ chẳng may nói sai, không những không giúp được người mà ngược lại còn hại chết Tống Dương.
Khác môn tông như cách biệt cả ngọn núi, La Quan là đại tông sư, lão tự trọng cao, không chịu chủ động thăm dò tổng cương công pháp của nhà khác nên lúc này mới phải dài dòng cả nửa ngày trời, nhất định bắt Tống Dương phải chủ động nói, còn lão "bị động" nghe.
Tống Dương vừa bực mình lại vừa buồn cười, lắc đầu cười nói:
- Chỗ này không có ai khác, ngài cứ nói thẳng, đâu cần uyển chuyển thế này.
La Quan một mực:
- Không có người khác thì ta không phải là La Quan sao?
Sau đó lại vung tay:
- Đừng nói lời vô ích nữa, nói vào chuyện chính đi.
Tống Dương gật đầu, nhưng đến lúc mở miệng mới nhớ ra… tổng cương là thứ gì? Vưu thái y có thể là một đại phu giỏi, một độc thủ hàng đầu nhưng tuyệt đối không phải là một thầy giáo hợp tư cách, lúc truyền thụ võ công hoàn toàn một tay lo liệu, trong quá trình đó chẳng hề giảng giải cũng không có dẫn dắt, ông nói thế nào thì Tống Dương luyện thế ấy, đến công pháp khẩu quyết cũng chưa từng nghe ông nhắc đến chứ đừng nói đến tổng cương.
Mở miệng ra nghĩ mất nửa ngày, cuối cùng Tống Dương chỉ nói ra được ba chữ:
- Vô tổng cương.
La Quan bị hắn làm cho bật cười:
- Ngài từng thấy cây đại thụ không có rễ chưa? Vô tổng cương? Không thể nào, sư phụ có thế nào cũng không che giấu việc này, Vưu thái y nếu đã truyền cho ngài võ nghệ thì nhất định đã từng nói đạo lý căn cơ… có thể ông không nhắc đến hai chữ "tổng cương" thôi, ngài suy nghĩ kĩ lại xem.
Nói xong, thấy bộ dạng nhíu mày suy tư khổ sở của Tống Dương, La Quan lại thử nhắc nhở:
Tổng cương nhất định là nằm trong những lời dạy đầu tiên, trước đây, khi ngài mới tập võ, Vưu thái y đã nói gì với ngài?
Suy nghĩ kĩ càng trong khoảng thời gian từ sau khi Vưu thái y quyết định truyền thụ võ công đến trước lúc Tống Dương thật sự bắt đầu tu luyện, những gì Vưu thái ý từng nói quả thật không ít, có liên quan đến sự phân chia võ sĩ thiên can thập phẩm, có liên quan đến việc Tống Dương được "cậu" dùng thuật luyện huyết thần kì, toàn thân chứa bảo huyết có thể rất nhanh tu thành thượng hắc võ công, có liên quan đến khác biệt giữa đao và kiếm, long tước và cam lâm, cảnh giới mà mỗi loại này tự đại biểu… Tống Dương không sợ phiền toái, đem tất cả những việc này nói hết ra để La Quan suy nghĩ giùm hắn.