Quyển II: Học Phủ Phong Vân
C 92: Bàn cờ Nam Bàn (3)
- Nhanh nào!
- Chuẩn bị!
- 1.2.3!
- Va chạm!
Những tiếng hét vang vọng trong Học Phủ như đang đánh trận tới nơi, mà tình hình thực tế cũng na ná như thế. Trong một bãi đất trống cạnh Học Phủ, một đám đông đứng xen hai đội bóng bầu dục chuẩn bị tranh tài. Đây là kiểu thi đấu bóng bầu dục biến thể, có những đặc điểm của bóng bầu dục Mỹ, nhưng cũng cải tiến phần nào để hợp thể trạng người Việt: như loại bỏ mũ sắt, áo giáp nặng và hạn chế những đòn mạnh tay, có thể dùng vài cú ngáng đường, xô đẩy lẫn nhau, và dùng những bộ quần áo độn để giảm chấn thương
Trận đấu tổ chức trên một khoảng sân dài 100m, rộng 50 m, cứ mỗi 10m lại vạch một đường vôi trắng và có các cọc tiêu làm hiệu. Cuối sân có cầu môn để ném bóng vào lấy điểm. Hai đội bóng mỗi bên sẽ có 11 người, ở đây vì tiết kiệm nên không như bóng bầu dục có đội tấn công, đội phòng thủ, họ chỉ có kiểu 3 cầu thủ dự bị như trong bóng đá thôi.
Các bên luân phiên đóng vai trò tấn công và phòng thủ. Một đội chỉ ghi điểm khi cầu thủ của đội đó đặt được quả bóng vào phía sau đường biên ngang của phần sân đối phương, hay còn gọi là đường biên ghi bàn, là được tính điểm. Cách tính điểm như sau đưa bóng vào khu vực vùng cấm địa và đặt nó vào phía sau đường ghi bàn sẽ được 6 điểm, sau đó đá vào cầu môn từ khoảng cách 3 mét sẽ được thêm 1 điểm. Cú đá phạt thành công được 3 điểm khi quả bóng chui qua hai cột đứng vào cao hơn xà ngang.cầu thủ lần lượt nắm quyền tấn công và phòng ngự. Đội tấn công được thực hiện 4 lượt xuống bóng để tiến lên khoảng cách 10 m. Nếu không ghi được điểm trong đợt tấn công đó thì đến lượt đội kia có bóng. Mỗi lần thay đổi quyền tấn công, các bên có thời gian 30 giây để xếp lại đội hình. Đội bị mất bóng sẽ thành đội hình phòng ngự, còn đội phòng ngự trước đó sẽ thay bằng đội hình tấn công.
Trong trò chơi, ngoại trừ các cầu thủ, còn có chức danh đội trưởng, đội trưởng đóng vai trò phân tích tìm chiến thuật đối thủ sắp sử dụng, chuẩn bị đội hình của mình, rồi phân công nhiệm vụ cho các đội viên. Các đội viên vừa phải tuân thủ các yêu cầu của đội trưởng, nhưng cũng có quyền chất vấn nếu cảm thấy đội trưởng làm sai, đồng thời sẽ họp nhau để thay đội trưởng nếu đội trưởng không làm được nhiệm vụ.
Vào cuộc chơi, mỗi trận bóng bầu dục chẳng khác gì một trận đánh nhỏ, hai bên cánh đấu nhau, trung lộ đối chọi, bên phòng ngự cần chống đột kích hoặc đối phương xung phá trận địa mình, còn bên tấn công tìm sơ hở phòng ngự, tấn công trực diện hoặc đột kích,.... Quá trình này, những người chơi sẽ được rèn luyện kỹ năng chiến đấu một cách bí mật: đội trưởng thì có mắt nhìn chiến thuật, còn các cầu thủ thường thì dần trở thành những người lính khi có tính kỷ luật, sự can đảm khi chống va chạm và sức khỏe tốt dần lên.
- Tốt lắm! Bây giờ cánh phải, Ri và L’Man phải tiếp tục kèm được tên khốn đội bạn, không cho bọn nó vượt qua, chỉ còn một đợt này, ta sẽ chuyển sang thế công.
- Rõ!
Trong sân, người đội trưởng là Thái Học Sinh, giờ này lại nói chuyện với học sinh người Thượng như một chiến hữu, trái lại coi đội trưởng bên kia- cũng là một Thái Học Sinh không khác kẻ thù. Đây chính là một hiệu quả mà Minh mong muốn đạt được khi tổ chức chơi bóng bầu dục. Một cuộc chơi đối kháng kiểu như bóng bầu dục, buộc những người trong đội phải thật lòng phối hợp bất kể sắc tộc.
Trận bóng lại bắt đầu, hai anh bạn dân tộc giữ đúng nhiệm vụ, chặn bắt được một cầu thủ tấn công của đối phương- một cậu dân tộc khác, trong khi các thành viên trong đội cố giữ đội hình để không cho phe tấn công có kẻ có thể lọt qua để trợ giúp kẻ cầm bóng. Hai đội ghì nhau chặt, kẻ tấn công cố tiến từng bước, bên phòng ngự giữ chặt trận địa. Thế rồi, một tiếng còi vang lên, kẻ cầm bóng đã phải chịu thua vì bị hai người phòng thủ ghì xuống sân, để bóng chạm đất trước khi tiến đủ 10 m.
- Yeah!- Đội trưởng bên phòng ngự giơ nắm tay khích lệ hai cầu thủ người dân tộc, rồi lại nhìn xem đối phương, chuẩn bị đón đánh đợt tấn công tiếp.
Nhìn cảnh tượng thi đấu sôi động như này, Minh gật gù cái đầu tỏ rõ sự hài lòng. Những trận bóng thế này đã làm những con người đầy mùi sách vở hoặc những người dân tộc chưa đủ gắn kết này thành một đội quân trong tương lai gần.
Hoàng Anh Minh tính rằng dù chuẩn bị lương thực bao lâu cũng chả thể đủ cho việc phát chẩn, cứu trợ nhân đạo. Khi lương thực không đủ, tất nhiên sẽ có giành giật, rồi có thể sẽ là cướp thẳng luôn từ tay mình, tùy theo ý của họ. Như thế rất bị động và là đặt mạng mình vào bàn tay kẻ khác. Minh nghĩ lại quá khứ, hồi làng Hồng Bàng mới gặp nạn cướp biển, không biết bao giờ cướp biển quay lại, thay vì sống trong sợ hãi, thì Kiệt đã thuyết phục dân làng tổ chức vũ trang. Minh quyết định bắt chước điều đó, với một chút cải tiến.
- Cậu thấy sao, Xủ Lu!- Minh vỗ vai cậu trai Đá Vách, chỉ vào đám người đang chơi bóng, dò hỏi. Ý tưởng của Minh, Xủ Lu đã biết.
- Không bằng một phần quân Hồng Bàng hay dân Đá Vách!- Xủ Lu phán thẳng căng
- Trên này không thể làm như làng Hồng Bàng được, không thể luyện binh trắng trợn. Cậu hãy nghĩ cách làm sao biến ra thêm mấy trò chơi đi.
- Là sao?
- Tôi muốn họ học một vài kỹ năng kiểu như lập hàng rào, đào chiến hào, dựng chông,... nhưng mà không thể làm công khai, nên muốn cùng cậu nghĩ cách làm cho nó thành một trò chơi để che mắt tất cả.
Xủ Lu nhìn Hoàng Anh Minh một hồi, rồi gật đầu quay đi tìm cách tạo ra vài trò chơi kiểu đó. Dù gì, cậu ta cũng có trách nhiệm giúp đỡ Minh hết lòng, theo lời Kiệt dặn trước khi được cử lên đây.
Chỉ mất một tuần là Xủ Lu đề ra hàng loạt trò chơi hoặc thử thách mang theo những điều mà Minh yêu cầu. Tất cả các hành vi như đào chiến hào, lắp chông chống địch,... được diễn giải thành trò đi săn, trong đó họ cố gắng lùa thỏ hoặc gà chạy vào bãi chông cắm sẵn để vui. Rồi trò đánh côn- lấy một cái cái vòng treo lên cao, sau có miếng gỗ đặt hờ, ai dùng gậy chọc trúng qua tâm vòng, đẩy tấm gỗ đổ thì được thưởng điểm, rồi còn chia ra mà chọc theo đội, đội nào chọc đồng loạt thì được thưởng...
Những trò điên khùng này nhìn chẳng giống luyện binh chút nào, nên quan binh trên Trấn Nam Bàn chẳng để ý, mà còn đám thư sinh hay là đám dân Thượng thì đâu có nắm rõ bài, cứ thế làm theo, còn cảm thấy đây là những trò giải trí sau những ngày làm việc căng thẳng và chơi nó thật nhiệt tình.
Chỉ có một người duy nhất để ý tới những hành động này- Dương Ánh Hồng. Cô ta để ý, bởi từ sau lần thất hứa với Minh, Hồng đã luôn cảm thấy áy náy, muốn tìm cách bù đắp chút nào hay chút nấy nên rất chăm quan sát, mong tìm ra lúc nào Minh cần giúp đỡ là lao vào, hỗ trợ một chút. Cứ chăm chú nhìn mãi thì cũng sẽ thấy được điều cần thấy. Hồng vừa tò mò, vừa suy tư, cô thấy việc Minh cố làm bao việc điên khùng như thế là để lập một đạo quân chứng tỏ cậu ta đang rất lo lắng, bất chấp tất cả để mà chuẩn bị năng lực tự vệ. Điều cậu ta lo lắng là gì đây, liệu nó có ảnh hưởng tới nhà mình không.
Dương Ánh Hồng tính tới tính lui, liền tới tìm gặp cô bạn Vi Thúy Liên rồi nhờ cô đánh tiếng để Minh tới gặp bàn chuyện. Đang bận rộn với việc luyện quân, Minh định không đi, nhưng Vi Thúy Liên bảo rằng Hồng nói gì đó tới việc luyện binh, Minh biết cần phải gặp mặt.
- Cậu đang định lập một đạo quân ư!
- Đúng!- Minh thẳng thắn thừa nhận điều này khi Hồng tới tìm. Lúc này, họ ngồi nói chuyện ở khu nhà của Vi Công Tín, không có người lai vãng, lời Minh nói ra trời biết đất biết, Minh và Hồng cũng biết, và không ai nói ra cả.
- Tại sao?
- Vì nạn đói mà các người đang chuẩn bị gây ra ở trên đây! Không có một đạo quân bảo vệ, thì chúng tôi sẽ chết sạch!- Minh nhìn thẳng vào Hồng, gằn giọng. Minh tưởng mình có thể thản nhiên nói chuyện, nhưng cậu đã nhầm lẫn, sự phản bội của cô ta đã, đang và sẽ biến kế hoạch giúp đỡ mọi người của cậu thành một đại họa.
Điều này không khác gì một thầy thuốc khám cho người bệnh, thấy họ bị bệnh nặng quá lâu, dùng một liều thuốc mạnh- tức là dùng đúng liều thì bài thuốc đáng lẽ sẽ cứu người, nhưng người bán thuốc lại lấy nhầm liều, thành ra người bệnh bị hại chết. Thế là người thầy thuốc tất nhiên phải căm thằng cung cấp thuốc.
- Anh có thể gọi quân canh phòng tới để bảo vệ Học Phủ mà.
- Tôi chỉ muốn cẩn thận chút, biết đâu quân canh phòng cũng không thể tới kịp!- Minh chỉ tay ra mấy vùng xung quanh- So với quân canh phòng, dân Thượng bao quanh đây, ở gần chúng tôi hơn, số lượng cũng đông đảo. Tôi nghĩ mình nên có chút chuẩn bị.
- Tôi có thể giúp điều gì đây!- Dương Ánh Hồng cắn môi.
Khi cô ta làm trái kế hoạch Minh đề ra, cổ vũ công thương, sản lượng lúa gạo làm ra giảm xuống. Rồi chồng cô còn mua được gạo giá rẻ đem lên bán, càng làm dân Nam Bàn không quan tâm việc trồng lúa. Nạn đói sẽ xảy ra, khi người ta đói, họ sẽ không còn chút lí trí nào. Học Phủ, Vi Công Tín, Vi Thúy Liên và Minh đều sẽ gặp nguy hiểm. Họ là những người thân, bạn bè và cả là người đồng nghiệp sát cánh bên cô, rồi lại vì cô mà gặp nguy hiểm
- Đây chỉ là chuẩn bị vì lo xa, có khi lương thực đem ra phân phát rồi sẽ khiến mọi người cảm thấy có thể tha cho bọn tôi!- Minh đáp lại, giọng mỉa mai.
- Tôi có thể đặt mua một ít vũ khí từ chỗ cha mình, với lý do cần trang bị cho hộ vệ khi đi lại làm ăn xa một tí, cha tôi sẽ không từ chối. Tôi muốn gửi tạm nó ở Học Phủ, có được không.- Hồng suy nghĩ một hồi, thấy rằng cô có thể giúp họ một ít đồ để tự vệ, dù ít vẫn hơn không.
- Tôi chỉ có thể nói rất cảm ơn!- Minh mặt vẫn không nở nụ cười, đây chỉ là một sự bù đắp thiệt hại mà thôi. Và so với thiệt hại thì sự bù đắp này vĩnh viễn không đủ.
Dương Ánh Hồng còn muốn nói gì thêm nữa, nhưng bên ngoài có tiếng người gọi tên Minh. Là Xủ Lu, Minh nhân cớ đó rời đi.
- Cám ơn!- Minh vỗ vai Xủ Lu, không ngờ ông bạn người dân tộc này lại biết giúp cậu thoát cuộc gặp mặt đầy khó khăn này
- Vì điều gì?- Xủ Lu ngơ ngác
- Thế cậu tìm tôi làm gì?
- Em trai ngài, cậu Hoàng Anh Kiệt viết thư lên đây, bảo rằng sắp tới sẽ lên đây một chuyến để thăm cậu.
- Vậy sao!- Minh không giấu nổi niềm vui. Kiệt là trùm sò những trò kinh tế hay quân sự này, có nó giúp đỡ, Minh nhất định thành công hơn nữa.- Bao giờ nó lên đây vậy.
- Dạ, chắc vài ngày nữa thôi!- Xủ Lu đưa bức thư ra cho Minh xem. Quả là chữ của Kiệt. Vài lời thăm hỏi qua qua và báo thời gian lên thăm, hết. Minh hiểu, là có việc cần bàn riêng đây.