Hồng Bàng Lập Quốc Ký Rewrite

Chương 368: Thăm dò (4)




Quyển IV: Chiêm- Giao đại chiến
C 17: Thăm dò (4)
Cuộc vui cũng tới lúc tàn, dù Kiệt có kể chuyện hay, nhưng những món ăn tuyệt hảo cậu ta làm khiến các vị khách no căng cả bụng, mà có câu, căng da bụng chùng da mắt. Kiệt thấy Lý Huệ Trân ngáp ngáp, cũng không giữ họ lại, cho người dẫn đường quay về nhà được cấp để nghỉ ngơi.
- Bọn này tự về được, không cần phải...- Lý Huệ Trân xua tay
- Không, mọi người không về được một mình. Trời đã tối, đã tới giờ cảnh giới, có người tuần tra, nếu không phải người trong làng mà tùy tiện đi lại thì sẽ không yên đâu. Mọi người thông cảm, hiện đang có tin tức cần xác minh.
- Tin gì mà lại phải cảnh giác vậy?
- Ở trấn Hoài Nhân, năm nay người ta tổ chức đi đánh cá ở biển xa dẻ thêm nguồn thực phẩm, nhưng rồi họ ra biển gặp thuyền chiến quân Chiêm đi qua nhiều lần, về sau bị tàu lạ tấn công, dù không phải tàu thuyền người Chiêm thì vẫn làm nhiều người lo sợ. Thế là khi đi đánh cá, họ kéo cả lên vùng biển trên này. Mấy hôm trước họ đưa tin về, lại thấy thuyền quân Chiêm đi ở xa xa.
- Nếu quân Chiêm tấn công, Hoài Nhân sẽ bị tấn công trước chứ?
- Làng Hồng Bàng có chút tiền của, nhỡ có kẻ nổi lòng tham đánh vào cướp bóc một phen thì sao? Nói chung không có tâm hại người nhưng phải có tâm phòng người hại mình. Làng tôi lại trải qua nạn cướp biển, cho nên chúng tôi hết sức đề phòng.
Lý Vĩnh Khuê gật gù ra vẻ đã hiểu, phần đám Đức, Đồ thì lại không có tin, từ ngày chúng tới, mấy ngày sau mới có tin tức về thuyền Chiêm tiến vào, làng Hồng Bàng đã như vậy. Song hai thằng đều biết điều ngậm mồm không nói gì cả.
Lý Vĩnh Khuê cùng cháu gái đi gần về tới nhà thì gặp đội tuần tra, con chó được dắt theo khẽ gầm gừ trong cổ họng, người kia suỵt nó một cái, rồi chào người dẫn đường cho hai chú cháu và để họ đi qua bình thường. Lý Vĩnh Khuê thì hơi cau mày ngay, vì ông ta thấy kẻ dẫn đường bên mình cầm đèn khá leo lét, vậy mà kẻ đó lại lên tiếng chào đúng tên người dẫn đường bên mình từ khoảng cách xa, chứng tỏ thị lực của hắn cực tốt.
Mang theo sự hồ nghi vào trong phòng, Lý Vĩnh Khuê lệnh cho người của mình thử quan sát xem việc canh phòng trong làng Hồng Bàng thế nào. Đám người của Lý Vĩnh Khuê liền leo lên mái nhà để quan sát. Người này đã được đặc huấn, có tài nhìn đêm và nhìn xa, y nhảy lên mái quan sát, và phát hiện trong làng Hồng Bàng có đủ các loại tuần tra, có kẻ thắp đèn, có kẻ đi không cần đèn nơi tay, song vẫn đi phăm phăm trong đên.
- Một nửa đốt đèn một nửa không, chắc là vì nghèo. Thế mà to mồm khoe giàu.
- Vớ vẩn.- Lý Vĩnh Khuê gõ đầu cháu gái- Đây là sự lợi hại của chúng. Nếu có kẻ địch đi vào làng, thấy những kẻ cầm đuốc đi tuần tra, chúng sẽ bị thu hút vào đó, trong khi những kẻ đi tuần không cần đèn đuốc gì khó bị phát hiện, kịp thời báo động.
- Oa.
- Còn cái này nữa, trời tối mà những kẻ đi tuần không đèn đuốc vẫn nhìn rất rõ. Không biết dân chúng giàu thật, ăn uống đầy đủ nên nhìn được đêm hay là tinh tuyển những kẻ có năng lực nhìn đêm làm cảnh giới.
- Nhưng dù là trường hợp nào, bọn họ cũng rất giàu có. Chú à, tướng vô tài sĩ bất lai, hay ta mượn của họ ít tiền.
- Con nhỏ này, không học hỏi cái gì hay ho cả, chưa gì đã đi đòi tiền người ta.
Lý Vĩnh Khuê không cho người đi lung tung, tránh làm ảnh hưởng quan hệ hai bên. Tới khi trời sáng, giới nghiêm chấm dứt, Lý Vĩnh Khuê mới đi khỏi phòng, cùng thăm thú làng Hồng Bàng. Không ai cản trở lão, cũng như họ không cản trở Đức, Đồ, khu vực tối quan trọng nằm sâu trong mấy ngọn núi, nếu đối phương cố tình đi vào mới phải ngăn cản, còn trong làng không làm gì phi pháp mà phải ngăn cản hết. Còn phần vũ khí, có các kho vũ khí trong làng, nhưng được khóa kỹ, khi có lệnh mới mở khóa hoặc đập khóa mà vào, khách cũng không tự tiện vào những nơi như thế, không lo.
- Xem ra ta cũng quá cả nghĩ rồi!- Lý Vĩnh Khuê đi nhìn qua địa thế trong làng, quyết định nghỉ ngơi trong nay mai, ngày kia khởi hành về phía Hoài Nhân. Sở dĩ ông ta tới làng Hồng Bàng vì nghe về sự giàu có của nó, một ngôi làng ven biển mà giàu có thì ông ta đoán nó có thể là buôn lậu, như vậy có cảng thích hợp để đóng thủy quân, dùng làm bến bãi. Lý Vĩnh Khuê đi khảo sát, cũng là tìm nơi thích hợp để tạo những khu để thủy quân tập kết, nghỉ ngơi, sửa chữa tàu thuyền. Nhưng sự thực là nơi này giàu vì lý do khác, Khuê đành chấp nhận bản thân mắc lỗi một phen. Lý Tuấn có nói qua vụ này, nhưng Khuê kiên trì tới vì lo bị đám người này bưng bít.
Cảm thấy không còn gì để xem xét, Lý Vĩnh Khuê đành tới tìm người. Kiệt và Minh đều từng ra trận, tuy chưa tham gia thủy chiến, nhưng nghe qua những trận chiến, dân Hồng Bàng có kinh nghiệm trận mạc, mà là dân sống ở gần biển, có thể thành thủy quân cũng nhanh. Hai anh em Kiệt và Minh cũng có thể lung lạc, đào tạo để về sau cùng phối hợp. Dù sao chiến tranh với Chiêm Thành cũng rất lớn.
Hai chú cháu qua nhà Kiệt khá dễ dàng vì thân phân cao cấp, vừa qua, họ được Nhung báo cho biết Kiệt hôm nay đi tập trận giả, vì thế họ phải đợi ngày mai thôi. Lý Vĩnh Khuê cảm thấy tò mò, muốn xem tập trận giả, Nhung bảo sẽ cho người dẫn đường. Lý Huệ Trân cũng muốn đi, nhưng Lý VĨnh Khuê bảo cháu gái ở lại, thử làm thân với hai người vợ của Kiệt xem sao.
Rất không muốn, nhưng Lý Huệ Trân phải đồng ý. Nhìn chú rời đi, Lý Huệ Trân cùng phiên dịch quay qua chỗ của Nhung để hỏi xem cô đang định làm gì.
- Dạ, nếu cô Trân tò mò thì đi cùng, nhưng nói thật là nó nhàm chán lắm.
Nhung không nói ngoa, công việc cô phải làm chính là kiểm tra đối chiếu các sổ sách các nơi chuyển về. Lý Huệ Trân vẫn nài nỉ đi theo xem cho biết. Nhung chẳng cản, đọc những số liệu này mà không phải người trong làng thì chịu chết.
- Ê, số này là số gì vậy?
- Đó là những con số Thiên Trúc truyền sang, chồng tôi dùng nó!- Nhung giải thích ưu điểm của số Thiên Trúc ( Số Ấn Độ- Số Ả Rập: 0, 1, 2, 3...) trong việc tính toán, và làng Hồng Bàng dùng nó cho nhanh gọn.
Làm thử các phép toán bằng số Thiên Trúc, theo hướng dẫn của Nhung, Lý Huệ Trân thực sự kinh ngạc. Cô ta vốn chẳng giỏi toán, vậy mà nhanh chóng làm được những phép tính toán phức tạp.
- Như vậy là không bao giờ có chuyện sai sổ sách nữa, phải không?
- Vâng!
Lý Huệ Trân lúc này gãi đầu gãi tai, bảo rằng muốn học thật tốt để về truyền dạy. Sinh ra trong nhà có truyền thống quân sự Lý Huệ Trân hiểu rằng cần phải thường xuyên tính toán tỉ mỉ vật tư chiến tranh, tránh thất thoát lãng phí, tới khi khẩn cấp cần dùng không có. Chữ số Đại Hoa dùng để tính toán rất gian nan, ngồi gảy bàn tính cũng mệt, nhưng với số Thiên Trúc, con số trúc trắc thế nào cũng chẳng làm khó nổi. Lý Huệ Trân hi vọng có thể học hỏi thứ này để về giúp người nhà, và chứng tỏ bản thân một phen.
- Cái này cũng không khó gì đâu, để tôi chỉ một chút là hiểu mà. Nhưng mà cái này dân kinh doanh nhỏ lẻ như chúng tôi dùng hàng ngày chứ cô Trân dùng làm gì chứ?
Nhung không từ chối, vừa dạy học, lại vừa dùng những ví dụ để gợi mở câu chuyện. Rất nhanh, Lý Huệ Trân vậy mà khai tuốt luốt về gia cảnh nhà mình trong vô thức, thậm chí người phiên dịch cũng không cảm thấy có gì sai sai mà cản, vì cuộc nói chuyện quá mức tự nhiên. Nhung, với thân phận đứa con ngoài giá thú, từ nhỏ đã học cách nắm bắt tâm lý người khác để được yêu thương, về sau gặp Kiệt được học kỹ về việc giao tiếp, càng thêm lợi hại trong việc giao thiệp với mọi người.
Cùng lúc Lý Huệ Trân học toán, Lý Vĩnh Khuê đang được nhìn cảnh tập trận của làng Hồng Bàng. Trong đầu chữ của Lý Vĩnh Khuê lúc đó chỉ kịp nghĩ tới 3 chữ: Ngụy Võ Tốt.
Chế độ Vũ tốt của nước Ngụy được sáng lập bởi Lý Khôi (Lý Khắc), xong tới tay Ngô Khởi thì thực sự thành danh, thậm chí có thể nói là bất khả chiến bại. Bởi quan điểm của Ngô Khởi là "Binh" không cần nhiều, mà cần tinh. Khi giữ chức Quận thú ở Hà Tây, Ngô Khởi bắt đầu xây dựng lực lượng Vũ tốt tinh nhuệ. Vũ tốt tinh nhuệ được tuyển chọn thông qua những tiêu chuẩn vô cùng tàn khốc. Theo Tuân Tử ghi lại, một Vũ tốt tinh nhuệ của Ngô Khởi phải mặc trọn vẹn một bộ giáp gồm mũ giáp (bằng sắt), ba lớp giáp gồm Thượng thân giáp (giáp ngực?), cổ giáp, tỉnh giáp, lưng đeo nỏ nặng 12 thạch (tương đương với 300 cân ngày nay), cõng 50 mũi tên, đồng thời phải sử dụng cả vũ khí dài là qua cũng vũ khí ngắn là kiếm, mang theo đồ ăn trong 3 ngày, một ngày hành quân 200 dặm. Tiêu chuẩn này cơ bản là bộ đội đặc chủng.
Quân Hồng Bàng khi luyện tập đánh trận giả đều luyện ở mức độ khó cao, đó là những trận công kiên giáp chiến quy mô lớn, mệt mỏi và đẫm máu. Trong khi đánh trận giả, không thể dùng hỏa khí, cũng hạn chế thương vong, nên, chỉ dùng gậy gỗ mô phỏng các loại vũ khí lạnh như kiếm, giáo, lao và dùng khiên, giáp chế từ tre gỗ, nặng nề, khó di động. Sau khi đeo các thứ đồ lên người, hai cánh quân, một do Kiệt, một do Minh chỉ huy đi hành quân qua 3 ngọn núi rồi quay về lao vào chiến đấu, một cuộc hành xác thực thụ. Và việc bọn họ còn đánh được hăng như vậy cho thấy một nền tảng thể lực khủng khiếp.
Lý Vĩnh Khuê không phải chưa từng thấy một đội quân khỏe như thế, nhưng một đội quân như vậy cần tài lực khủng khiếp nuôi dưỡng, chỉ có các đại quan mới có, đây là một ngôi làng chỉ hơi giàu, sao mà người dân có thể chịu được như vậy. Chỉ không biết cái phong cách chiến đấu của bọn họ chỉ có lao vào chém giết thẳng mặt hay là còn giữ bí mật không để ông ta nhìn. Lý Vĩnh Khuê hỏi bâng quơ về việc ăn uống sinh hoạt, và được biết mức ăn một ngày 3 bữa, đầy đủ cá thịt từ miệng Kiệt thì không hỏi thêm, thế là quá khỏe rồi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.