Quyển IV: Chiêm- Giao đại chiến
C 68: Nguy thành (9)
Trước khi Lý Vĩnh Khuê cho người báo tin, thậm chí trước khi trận thủy chiến bắt đầu, thành Đại Định đã được gia cố cẩn thận. Lý Vĩnh Khuê muốn quân Chiêm vây thành Đại Định. Nếu đối phương vây thành, thậm chí công thành thì càng hay, vì chúng sẽ phân tán quân lực, chia mỏng ra, cho phép quân cứu viện quay về đánh tan từng bộ phận. Nếu đã lấy thành Đại Định làm mồi, vậy thành không thể bị phá trong thời gian ngắn, việc thủ thành được chuẩn bị chu đáo. Trước tiên là quân thủ thành được báo trước việc có thể bị vây để chuẩn bị tinh thần. Thứ nữa là cổng thành được gia cố, các loại đá tảng, tên, dầu đốt đều chuẩn bị kỹ càng...
Vì đã có chuẩn bị, khi Lý Vĩnh Khuê cho người về báo quân địch tổng lực tấn công cảng, chuẩn bị đổ bộ quân lên bờ, quân trong thành có phần thờ ơ, tính ra từ cảng vào tới thành còn xa, nên họ cũng không quá sốt sắng. Cũng may, cũng không ai dám chậm trễ, thành ra khi quân Ebisu trên bờ vỡ trận, thì công tác phòng thủ cũng đã xong: cửa cổng đóng chặt, quân đội được điều động lên thành, toàn thành giới nghiêm,...
- Tình hình có vẻ không đúng!- Lữ Liêm lầm bẩm khi biết kẻ địch giờ nãy đã đổ bộ lên được cảng, lại đang kéo quân về thành. Theo tính toán, ít nhất cũng phải sáng mai chứ.
- Đại nhân, mặc kệ thế nào, thành Đại Định tường cao hào sâu, dù thủ hai ba ngày cũng không vấn đề!- Trương Văn So an ủi. Lữ Liêm ngẫm thấy cũng đúng, đi ra khích lệ tướng sĩ giữ thành vài lời, thậm chí còn cho người bắc ghế ra để ngồi ngoài đây chỉ đạo công tác chuẩn bị đón đánh. Thực chất việc chuẩn bị đã xong gần hết rồi, Lữ Liêm lên chỉ để làm màu cộng thêm trấn an nhân tâm mà thôi.
Ở trên bến cảng, các thuyền Chiêm Thành đã cập cảng, không chỉ có binh lính bước xuống, mà còn rất nhiều thứ được vận chuyển ra. Chúng cho người mang vác, kéo tới tận sát thành Đại Định. Thấy địch bắt đầu áp sát, quân lính trong thành có chút khẩn trương, Lữ Liêm cũng thế, nhưng y coi như có tố chất, ra lệnh chuẩn bị cẩn thận, nhưng không tùy tiện công kích.
Trời tối, không phải thời cơ thuận lợi để công thành. Người xưa ăn uống không đầy đủ, vitamin A ít, nên mắt kém, hay có bệnh quáng gà. Công thành đòi hỏi phải có sự phối hợp: khi có nơi nào thích hợp để bắc thang lên, người ta phải đánh nhử ở vài địa điểm gần gần đó, các cung thủ phải tiến hành áp chế địch, gây đủ thương vong cho chúng, và khi thấy địch bị hổng thì phải lập tức để lính ào lên điểm đó ngay. Trong đêm tối, tầm nhìn hạn chế, khó mà phát hiện được những điều này, xạ thủ khó lòng tác chiến, thì thương vong của tráng sĩ công thành càng thêm trầm trọng.
Được Lữ Liêm trấn an, binh sĩ canh giữ thành Đại Định trấn định chờ đợi, phòng bị địch lén trèo vào. Nhưng quân Chiêm không làm việc đó, họ đang ở dưới kia lắp lắp đóng đóng thứ gì đó, khí thể rung trời. Đến khi trời chuẩn bị sáng, mọi thứ mới tạm ngừng lại. Lữ Liêm hỏi một người chỉ huy xem có thể cho quân ra thám thính, nhưng tay chỉ huy lắc đầu, sợ rằng có trá. Dù sao họ đã được quán triệt là tử thủ đợi viện, không ai muốn chết vô ích. Lữ Liêm cũng không có ý dùng tiền mua mạng, thành ra càng ít người hào hứng đi liều mạng.
Tới khi trời sáng rõ, tất cả mới biết thứ đêm qua quân địch lắp ráp là gì. Đó là những máy bắn đá loại nhỏ, cộng thêm tháp công thành. Tuy tháp công thành khá đơn sơ, nhưng cũng đủ để tạo thế leo lên.
- Khốn kiếp, làm sao chúng có thể tạo được thứ này chứ?- Nhìn tháp công thành, cả người Lữ Liêm nổi hết da gà, lông tóc dựng ngược. Tháp công thành, máy bắn đã không phải Lữ Liêm không biết, nhưng những thứ này hầu như phải tốn thời gian chế tạo, Lữ Liêm không nghĩ tới địch có thể làm được tới, vì chỉ cần thủ tầm 3 ngày là viện binh sẽ về. Còn những thứ như này, muốn làm cũng phải nửa tháng. Giờ các đại sát khí này xuất trận, làm sao y không hoảng.
Lữ Liêm cuống cuồng ra lệnh toàn quân chuẩnb ị phòng ngự, điều hết toàn bộ lực lượng lên thành sẵn sàng nghênh chiến tới cùng. Quân Chiêm lúc này đang ở bến cang, tuy không trực tiếp nhìn vào được thành Đại Định, nhưng nghe tiếng trống dồn dập, cờ hiệu vẫy liên tục, chúng cũng đoán ra trong đó đang loạn.
- Đúng là nhờ đại tướng quân Phaman sáng suốt mà ta có được thành quả này!- Viên tướng Mahana Slabia của vương triều Vitajiri lập tức khen vuốt đuôi tổng chỉ huy lực lượng đổ bộ.
- Cũng không phải công một mình ta!- Phaman Lamba, tổng chỉ huy lực lượng đổ bộ của các tiểu quốc Chiêm Thành, tướng quân của Kathura lên tiếng khiêm tốn. - Cái này công đầu là phải kể tới đám cướp biển mũi lõ. Chúng có cách làm thật tiện lợi.
Những tên cướp biển đến từ phương Tây mà bọn La Khang, La Bảo từng chạm mặt, trong hội có những nhà kỹ thuật thượng hạng, đã nghĩ ra phương án chế tạo và lắp ghép thật nhanh các bộ phận của máy bắn đá và tháp công thành. Theo cách này, tuy những thứ vũ khí này có chút suy yếu: như tháp công thành thiếu khả năng chống tên, hoặc máy bắn đá bắn đạn gần hơn, lực yếu hơn,... song tốc độ lắp ráp nhanh, cho phép tạo bất ngờ.
- Đại nhân chớ có quá tự hạ thấp, việc đám người mũi lõ đó làm được việc thì ai cũng biết, nhưng ai mà nghĩ tới dùng chúng như tướng quân.
- Việc khen ngợi gì đó ta nên để sau đi, trước tiên phải đánh hạ thành địch đã. Các vị chớ quên tin tình báo đó.- Một viên tướng trung niên thấy chuyện bắt đầu dài dòng vội đề nghị phải chú tâm việc chính là hạ thành. Đó là Lakarat Kamu của Avajajay.
Đại quân Chiêm bắt đầu việc tấn công. Trước tiên, chúng dỡ nhà của người dân để lấy đất, đá, ngói, gạch làm đạn để bắn. Những loạt đạn bắn liên tục nhắm vào những điểm thích hợp để bố trí xạ thủ. Máy bắn đá khá thiếu chính xác, nhưng do là loại nhẹ, họ di động nó, bắn, một lần không chuẩn thì điều chỉnh rồi bắn lại tới lúc được thì thôi, có gì phải sợ.
Bắn từ sáng tới trưa, cũng bắn được 37 loạt đạn, 10 chiếc máy bắn đá bắn liên tục, tính ra được 370 phát đạn. Trên tường thành Định Định, gạch, đá, ngói, đất,... ngổn ngang. Không chỉ có các viên đạn, còn có cả người ở trên. Xác người hoặc người bị thương nằm ra không ai chú ý thu dọn, nhiệm vụ của họ là phải gia cố lại các điểm bị phá, để cung thủ có thể nấp sau đó mà tác chiến. Những người đang khuân đồ lên gia cố, chủ yếu là người dân trong thành, bị trưng dụng khẩn cấp. Binh sĩ cần dồn sức cho chiến đấu, không thể tùy tiện hi sinh. Sở dĩ phải gia cố liên tục, là vì nếu mất các điểm bắn thuận lợi, cung thủ không thể bắn hạ kẻ địch, giảm bớt những tên dũng sĩ leo thang vào. Còn nếu cố thò mặt ra bắn tên khi các điểm bị phá, thì là phơi mình trước tên của địch, thương vong sẽ quá lớn. Mà thiếu cung thủ, địch tấn công nữa là có thể mất thành.
- Chúng đã liên tục gia cố các cứ điểm đó, nếu còn bắn phá nữa thì chắc cũng phải hết ngày cũng chưa xong mất.
- Không cần chờ hết ngày, đại quân đã nghỉ ngơi kỹ rồi chứ.
- Đã nghỉ ngơi kỹ.
- Vậy thì lập tức công thành.
- Cái gì? Tướng quân, hiện tại địch đã kịp thời gia cố công sự, e rằng.
- Chúng tuy gia cố, nhưng công sự đó chỉ e cũng không tốt như ban đầu. Thứ nữa, tuy quân địch sáng giờ chỉ tập trung gia cố, nhưng nhất định lòng bồn chồn lo sợ bị ta tấn công, người nhất định mệt mỏi vô cùng, ngược lại quân ta cả sáng nghỉ ngơi, đã khỏe khoắn. Lấy khỏe mà đánh mệt, còn gì bằng. Thứ ba, quân ta bắn đá nãy giờ, không đánh, địch sẽ mất cảnh giác, giờ đánh là hợp nhất. Lệnh cho các tướng sĩ xung trận leo thành sẵn sàng, cơ hội chỉ có một. Với cả không được náo động, kèn trống để địch nghi hoặc. Ta đợi bắn xong loạt đạn đá, thổi một hồi tù và làm dấu hiệu tấn công.
- Rõ!
Quân Chiêm cẩn thận ra lệnh, không dùng tiếng trống hay vẫy cờ, chỉ để các tướng lĩnh đi tập hợp quân đội. Sau một lượt bắn của máy bắn đá nữa, nhân lúc kẻ địch né tránh thì đưa quân tiếp cận, khi vừa bắn xong, địch còn mải gia cố công sự thì thổi tù và xung trận. Nghe tiếng tù và, quân Hoài Nhân biết là địch tấn công. Thế là vội kéo lên để ứng chiến. Nhưng ở bên trên đó còn đầy dân phu gia cố công sự, nhất thời hỗn loạn, binh lính không kịp vào vị trí thuận lợi.
Đợi khi binh sĩ vào các điểm phòng ngự, quân Chiêm áp sát lắm rồi, các tháp công thành bắt đầu lao vào, đập vào tường thành. Dũng sĩ công thành của quân Chiêm mặc giáp da, đao ngắn ngậm ở miệng, đao lớn dắt ngang hông, leo thoăn thoắt lên tháp công thành, chuẩn bị lao vào trong thành Đại Định. Quân cung thủ Hoài Nhân lập tức bắn tên. Tên bay vèo vèo, bắn tới tấp vào binh sĩ Chiêm, nhiều người trúng tên chết tại chỗ, có kẻ bị thương đau quá phải buông tay ra, ngã xuống đất, có khi còn kéo theo người khác...
Quân Chiêm cũng bắn tên lại. Nơi để cung thủ Hoài Nhân đứng vốn dĩ bị phá hủy nhiều, có gia cố cũng không bằng trước đây làm cẩn thận. Chưa kể do cả sáng cứ phải đi gia cố, dân phu cũng mệt, làm lười nên không có chất lượng tốt, tên của quân Chiêm giã xuống, quân Hoài Nhân cũng bị tổn thất nặng. Thấy cung tên địch giảm cường độ, quân Chiêm hét lớn khích lệ nhau tiến lên, quân Hoài Nhân vội lấy gạch đá, gỗ củi ra ném xuống, đẩy thang để ngăn chặn. Có điều, những hành động này cũng nhất thời không cản được thế giặc. Như viên tướng Chiêm nhận định, tuy cả sáng không giao tranh, quân Hoài Nhân luôn căng thẳng chờ đợi, qua buổi trưa thì đã mệt nhọc, ngược lại quân Chiêm chủ động lúc đánh, nghỉ ngơi, nên có cái thế nhất cổ tác khí, một hơi xông lên công phá thành giặc.
5 tiểu quốc Chiêm Thành: Vitariji, Kathura, Avajajay, Papurati, Jamarari