Hồng Bàng Lập Quốc Ký Rewrite

Chương 87: Thái học sinh




Quyển I: Nó là Hoàng Anh Kiệt
Chương 87: Thái học sinh
- Ê Minh, mẹ cậu tới thăm kìa!- Một cậu bạn học báo cho Hoàng Anh Minh vì người nhà không được tự tiện ra vào học viện ở cấp Châu.
Minh nhíu mày, rồi quay đi nhìn quanh một hồi, không thấy người mình cần tìm, thì càng nhíu mày nhiều hơn. Nhưng rồi cậu ta cũng quyết định đi ra ngoài gặp mẹ.
- Mẹ! Mẹ sao lại lên đây thế, có việc cứ gửi thư gọi con về là được rồi, lên đây làm gì cho vất vả?
- Cái thằng nhóc này, mẹ lên thăm con chứ làm gì! Đi, lâu rồi mẹ chưa gặp con, phải để mẹ nhìn đứa con này thật kỹ nào?
- Dạ dạ. Mẹ cứ ngắm kỹ đi, con lên đây ăn uống đầy đủ, học hành chăm chỉ, tinh thần mạnh mẽ, thân thể không thiếu đi tí thịt nào đâu.- Minh cười đùa vui vẻ.
Hai mẹ con nói chuyện một hồi thì Minh mời mẹ đi vào một quán ăn nhỏ, vì phòng trọ của Minh cũng ở trong học viện luôn, mẹ cậu không thể vào. Học viện ở đây làm thế là để đốc thúc học sinh, tránh việc trai gái hay đàn đúm rượu chè của họ. Tất nhiên, nếu muốn, không phải không có cách, có thể xin thuê phòng ở ngoài, nhưng vẫn phải đóng tiền phòng, thậm chí đóng gấp đôi người khác. Vì thế, không có tiền không làm thế được.
Ngồi ở trong quán cơm rồi, nói chuyện một hồi, Văn Nguyệt Nga nói tới vụ Hoàng Văn Định có bà vợ bé, Kiệt tuy có cảnh cáo qua, nhưng Hoàng Văn Định ở tít tận huyện thị, Kiệt bận việc ở làng, muốn quản cũng không được. Còn bà thì khó nói, vì ngày xưa chính bà cũng từng làm vợ bé, sau suýt bị chính thất hãm hại, nên khó mà nói được người ta. Với cả mạng hai mẹ con là do Hoàng Văn Định cứu, ông không ngại điều tiếng mà cưu mang, nuôi nấng họ, giờ bà muốn làm căng cũng khó.
Mà đã thế, thằng nhóc Hoàng Anh Tài giờ cũng đã được 8 tuổi, nó đang đi học chữ với ông già Nguyễn Minh Ký, thời gian ở với bà ngày một ít. Vốn là người phụ nữ có phần truyền thống, dù hiện tại có nhiều việc cần lo thì việc nhà với họ mới là mối quan tâm chính. Hiện tại, không còn ai gần gũi, Văn Nguyệt Nga thực sự khá buồn. Nên bà nghĩ tới việc Minh có thể về lấy vợ, sinh con, để bà sớm bế cháu. Minh đã 18 tuổi, học hành đàng hoàng, nhà họ Hoàng và làng Hồng Bàng là chiêu bài tốt, lấy một người con gái tử tế thật sự không khó. Việc học hành, lùi lại một chút cũng được mà. Tuy câu chuyện nghe rất mùi mẫn, nhưng màn kể khổ này của mẹ không làm Minh suy nghĩ quá lâu gì, cậu nói thẳng luôn:
- Con biết mẹ muốn dùng cảnh khổ để ép con không thể đi xa, nhưng chuyện này là chuyện con đã nghĩ kỹ rồi. Con muốn đi làm Thái học sinh.
Để hiểu tại sao Minh và mẹ cậu ta lại mâu thuẫn về quyết định làm Thái học sinh của Minh thì cần nhìn lại vấn đề lịch sử một chút. Sau khi chiếm lĩnh đất Bách Việt, thành lập Nam Giao Đô Ty, Đại Hoa dùng nhiều biện pháp để làm suy yếu khả năng đấu tranh của người Bách Việt hai biện pháp chính được dùng là cho đỗ Thái học sinh rồi cho đi học ở Đại Hoa và phong tước tại đất Bách Việt. Việc đỗ Thái học sinh rồi đưa tới Đại Hoa để học lễ nghi thực ra là một hình thức bắt giữ nhân tài Bách Việt, những người bị ép đi này hoặc là người có tài có đức, hoặc khó bị mua chuộc, hoặc đơn giản là không may mắn. Trái lại, những kẻ được phong quan tước ở đất Bách Việt thì phải là những tên tay sai trong tương lai. Bọn chúng đa phần là những gia đình có thế lực, tiền bạc, lại nghe lời, quyền lực của chúng gắn với quyền lực quân Đại Hoa.
Bằng hai hình thức thế này, chúng liên tục gây sói mòn nhân tài của Bách Việt, từ đó khiến họ không thể có năng lực phản kháng. Mặt khác, với những ai có tài mà không muốn phải làm một trong hai việc: bị bắt hoặc làm tay sai, thì người ấy phải mai danh ẩn tích, sống ở những nơi hoang vu, hoặc đi tu ở chùa chiền, trên núi... không có cơ hội ra giúp đời, phò tá minh chúa, dạy dỗ hiền tài.
Điều này mãi tới khi Hoàng Anh Minh lên học ở trường cấp châu mới nghe ngóng được, mà cũng phải rất may mắn mới biết được. Ấy là nhờ Trần Cường ( đây là người ngày trước Anh Minh làm thư đồng để được vào học ở trường huyện Sơn Hải, sau này do Minh đắc tội với Huyện lệnh, vì bố của Cường là quan cấp thấp nên họ không thể làm gì khác ngoài việc yêu cầu Minh phải chuyển đi. Dẫu vậy Cường cũng giúp đỡ tiền bạc để Minh kiếm được nơi ở. Về sau khi làng Hồng Bàng trở nên mạnh hơn, Huyện lệnh không còn dám áp chế Minh nữa, hai người dễ dàng làm bạn hơn). Do là con quan lại cấp thấp, Trần Cường rất biết điều, hay đi làm chân điếu đóm cho các nhân vật có gia thế khủng, nhờ thế nghe lỏm được mấy chuyện như thế này.
Theo Cường tìm hiểu, những người có học lực mà không có thế lực như Minh, khả năng cao sẽ đi làm Thái học sinh. Khi học tập ở các trường ở cấp Châu, những người như Minh sẽ được đánh dấu rồi gửi danh sách đi. Sau đó, tới khi họ trải qua một kỳ thi ở học viện cấp Châu, nếu đủ tài thì được chọn, được cấp bằng Thái học sinh. Sau đó, những Thái học sinh này sẽ được tập trung tại các trường học tại cấp Phủ, tại đó họ được học tập và tiếp xúc với nhiều kiến thức hơn. Sau khoảng 3 năm học tại các Phủ, các Thái học sinh trải qua một kỳ thi cuối, ai đỗ thấp thì được đưa thẳng sang Đại Hoa để đi làm Thái học sinh cấp thấp, nghiên cứu học thuật ở Đại Hoa, ai đỗ cao thì đi lên trên học thêm 3 năm tại trường học ở thành Đông Quan, Phủ Hồng Giang. Đây là nơi đặt bộ máy cai trị của Đại Hoa ở Nam Giao Đô Ty. Và những Thái học sinh học ở thành Đông Quan cũng sẽ sang Đại Hoa, nhưng được có tiện nghi nhiều hơn các Thái học sinh ở cấp Phủ thường. Sang Đại Hoa, họ sẽ được bổ nhiệm công tác nghiên cứu kinh sử với các bậc đại Nho để rồi sẵn sàng cho việc được bổ nhiệm đi những khu vực man di để giáo hóa dân nơi ấy về với văn hóa Đại Hoa.
Khi đã biết chuyện, Trần Cường vốn thân với Minh, đã bàn với cậu nên nghĩ kỹ vì như thế là khác gì đi đày. Nhưng Minh không nghe, mà càng thêm chăm học. Lo cho bạn, Cường viết thư về để báo tin, vì thế, mẹ Minh mới lên đây gặp con.
- Tại sao con nghĩ dại vậy, đi như vậy là coi như không thể về được nữa đâu. Tài học con thế nào, mẹ biết rõ. Con nhất định sẽ là trường hợp sau cùng.
- Mẹ ơi, trên đời này có việc gì mà không cần đánh đổi. Kiến thức con học được ở trường học Châu đã quá nhàm chán, con muốn học cao lên, chỉ có lên trường Phủ, thậm chí ở thành Đông Quan. Có vậy, con mới tiếp xúc được với những kinh sách tốt.
- Con trai à, mẹ thấy con muốn có sách hay cần gì phải đi xa, em trai con là một pho sách sống mà. Kiến thức nó có thực ra…
- Kiến thức mà Kiệt nói ra, quả thực là không phải không hữu ích. Tuy nhiên, con không muốn một đời phải thua em nó.
- Nhóc Minh, con nói thế là sao? Hai đứa đều là con của mẹ, sao lại….
- Hơn thua không phải bất hòa, hơn thua là nhìn nhau để cùng tiến bộ. Con lấy sự phát triển của em là thước đo để tiến lên, không tụt hậu. Em nó cũng nhìn con tiến bộ mà để không thụt lùi. Chúng con đã biết cái chí của nhau, nên nó không ngăn con, chứ mẹ nghĩ tại sao chỉ mình mẹ tới đây vậy. Thằng Cường nó lo cho con, nó sẽ không chỉ viết thư gửi cho mẹ đâu.
- Hai đứa các con thật sự, thật sự quá là giỏi rồi. Mẹ thấy hối hận khi sinh ra hai thằng con quá giỏi giang rồi đó.
- Mẹ ơi, không phải hai không thôi đâu, có Kiệt chỉ dẫn, thằng Tài nhất định cũng tài năng như bọn con đấy.
- Không được, chuyện này mẹ phải về hỏi thằng em con, xem tại sao nó không ngăn con đi làm mấy việc này.
Văn Nguyệt Nga cho dù có tài giỏi, có học đủ thi thư, vẫn là một người mẹ. Đi từ Nam Giao sang Đại Hoa, xa xôi ngàn trùng, khí hậu khác biệt, đã vậy nếu như Minh bị phái đi những chốn xa xôi như: Hồi Bộ, Tây Tạng, Miêu Cương,… làm việc giáo hóa, thì bà không tưởng tượng nổi nữa.
- Mẹ à, mẹ!- Minh thấy mẹ cố chấp muốn ngăn cản mình, tuy có ý khuyên nhưng không được, đành gửi hi vọng ở chỗ Kiệt rằng cậu em có thể thuyết phục mẹ mình. Nãy giờ nói cứng, nhưng nếu mẹ thực sự không cho đi, Minh cũng không muốn để bà đau khổ, có lẽ, cậu sẽ phải thỏa hiệp.
…………..
Thấy mẹ về gặp mình, Kiệt không phải nghĩ cũng biết là về việc của Minh. Khi biết về việc Minh định làm, ban đầu Kiệt không đồng ý lắm. Thời nào cũng thế, xuất ngoại đi xa quả là vô cùng nguy hiểm. Thời này giao thông không thông thuận, đi sang Đại Hoa có lẽ sẽ là bặt vô âm tín, hai bên cả đời khó mà gặp lại. Nhưng Kiệt biết, anh trai mình rất ham học hỏi, kiến thức ở cấp này không đủ thỏa mãn anh ấy, và dựa theo chế độ Đại Hoa áp dụng,chỉ có đúng con đường làm Thái học sinh mà thôi.
- Mẹ à, con biết mẹ lo cho anh ấy, nhưng mẹ cũng nên tôn trọng ý kiến của anh, mơ ước của anh.
- Nhưng con biết kết cục của một Thái học sinh chứ? Nếu không biết thì thôi, biết rồi mà còn…
- Chính vì thế, nên con mới đang làm cho làng Hồng Bàng thành một thế lực đủ mạnh đó. Chỉ có thế, mới chuộc được anh ấy ra.
- Chuộc anh trai con.
- Đến đĩ còn có thể chuộc thân mà mẹ. Chỉ cần có một số tiền đủ lớn, con tin mình sẽ có thể khiến anh ấy không phải đi sang Đại Hoa.
- Kiệt, nói năng cho cẩn thận. So sánh gì mà khập khiễng vậy chứ.- Văn Nguyệt Nga nói vậy, nhưng giọng điệu đã nhẹ nhàng đi rất nhiều. Quả thực đúng như Kiệt nói, tiền chỉ cần tiêu đúng chỗ là giải quyết được mọi vấn đề. Mà qua bao nhiêu chuyện vừa qua, khả năng kiếm tiền và tiêu đúng chỗ của thằng con này là không phải bàn.
- Ngoài ra, mẹ không thấy cho anh làm Thái học sinh có lợi ư.
- Lợi ích gì chứ!
- Nhân mạch và quan hệ. Anh Minh có đi học như thế mới tiếp xúc được với nhiều người, tầm mắt và phạm vi cũng đủ để kiếm một cô vợ tốt. Mẹ nghĩ thử xem, ở những nơi đó, kiếm một người vợ có kiến thức và tài năng cũng dễ hơn chứ.
- Nhưng anh con là Thái học sinh, ai dám lấy chứ.
- Khó có người thích lấy, nhưng cũng ai dám cản chứ. Đó là một trong số ít quyền lợi của một Thái học sinh. Thôi mà mẹ, chuyện gì cũng có lợi và hại. Ta cứ cố gắng hết phần mình đi thôi.
Được Kiệt khuyên bảo nhẹ nhàng, Văn Nguyệt Nga cũng xuôi, Minh trên kia cũng thoải mái hơn mà học tập toàn tâm toàn ý làm một Thái học sinh.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.