Không Đoán Được

Chương 35: Ngày nghỉ




Giữa cánh đồng hoa bạt ngàn, khu trang viên giống như một chốn dừng chân đầy thơ mộng, nuôi dưỡng những tâm hồn từ ngây thơ đến già cỗi.
Sau khi tỉnh giấc, Lam Thư Dung đã vội chạy đến chỗ Phạm Thanh Khê giúp cô kiểm tra thương tích. Vốn dĩ ngày hôm qua sau khi ăn cơm xong nàng đã nằng nặc đòi Phạm Thanh Khê cho nhìn qua một chút nhưng rốt cuộc bị cô từ chối, thế nên nàng đã dặn lòng hôm nay nhất định không được bỏ lỡ.
Về phần Phạm Thanh Khê, sở dĩ không cho Lam Thư Dung xem một phần vì không có gì đáng xem, phần còn lại chính là ngại cùng nàng tiếp xúc da thịt. Cô sợ nếu như bị nàng vô tình chạm vào chỗ nào đó, cơ thể sẽ lại sinh ra những phản ứng không nên có.
Lo lắng của Phạm Thanh Khê cũng không phải là không có căn cứ, bởi vì ngay lúc này đây nó đã được chứng thực. Lam Thư Dung mượn danh nghĩa giúp cô bôi thuốc, thay băng rồi cố tình kéo dài thời gian, bàn tay không nghe lời bắt đầu chạy loạn xạ. Xong xuôi hết thảy còn đè Phạm Thanh Khê ra đòi phần thưởng.
Đối với yêu cầu này, Phạm Thanh Khê quả quyết từ chối: "Lam tiểu thư, người chịu thiệt hình như không phải cô?"
Lam Thư Dung vờ vô tội: "Vậy sao? Hình như là như vậy thật."
Sau đó lại kéo tay cô: "Đi, chúng ta ra ngoài đi dạo một chút, dù sao hôm nay cũng không cần làm gì."
...
5 phút sau đã thấy hai người một trước một sau đi dọc trên con đường mòn ngăn cách giữa những ruộng hoa. Lam Thư Dung bất chấp hình tượng, vừa đi vừa nhảy chân sáo, trông bộ dáng vô cùng tùy ý.
Phạm Thanh Khê thấy nàng như vậy không khỏi lên tiếng nhắc nhở: "Cẩn thận một chút, chỗ này rất dễ ngã."
Nàng gật đầu hai cái, sau đó lại không nghe lời mà tiếp tục chạy nhảy, đi được một đoạn lại vẫy vẫy tay chào các bác nông dân đang thu hoạch hoa ở đằng xa.
Bọn họ cũng nhận ra nàng, lớn tiếng nói vọng: "Chào buổi sáng tiểu tiên nữ, có muốn sang đây thu hoạch hoa cùng chúng ta không?"
"Dạ được, con đến ngay."
Trong lúc Phạm Thanh Khê còn đứng ngây ra đó tiêu hóa ba chữ "tiểu tiên nữ", Lam Thư Dung đã hào hứng chạy đi, nhìn dáng vẻ của nàng không khác nào một chú chim non vừa thoát khỏi vòng tay chim mẹ.
Nơi này trồng rất nhiều hoa nhưng chiếm đại đa số chính là hoa Tulip, một loại hoa rất nổi tiếng của Hà Lan.
Thông thường mùa hoa Tulip sẽ rơi vào khoảng tháng 3 đến tháng 5, nở rộ nhất là vào tháng 4. Qua nhiều năm phát triển, các giống hoa Tulip lại càng thêm phong phú và có rất nhiều màu sắc khác nhau.
Muốn giữ hoa Tulip tươi lâu cần phải thu hoạch và bảo quản đúng cách, ngoài ra còn phải cẩn thận nâng niu trong từng động tác.
Nàng theo hướng dẫn của các cô chú ở đây, cuối cùng cũng cắt được mấy bông hoa ra hình ra dáng. Vừa lúc này liền nghĩ đến Phạm Thanh Khê, nàng lại muốn tìm kiếm bóng hình cô để khoe thành quả.
Những tia nắng buổi sáng luôn mang theo hơi thở dịu dàng, khi chiếu lên gương mặt của nàng lại giống như một nét chấm phá cho bức tranh thêm hoàn mỹ.
Phạm Thanh Khê từ nãy đến giờ vẫn luôn dõi theo nàng, cho nên khi nàng vừa quay đầu liền có thể nhìn thấy thân ảnh của cô mà cô thì cũng vừa lúc bắt trọn nụ cười rạng rỡ của nàng. Ngay tại khoảnh khắc ấy, trái tim băng giá của cô lại lần nữa tan chảy, hóa thành dòng thủy lưu ấm áp.
"Thanh Khê đến đây, cùng tôi cắt hoa."
Phạm Thanh Khê nghe lời ngoan ngoãn đi đến, đến nơi thì được nàng giao cho trọng trách cầm giỏ hoa: "Chúng ta mỗi người một tay, chân cô bị thương, chỉ cần xách giỏ là được."
Phạm Thanh Khê định phản bác nhưng cuối cùng vẫn ngoan ngoãn ngậm miệng, cùng nàng phối hợp ăn ý.
Tâm trạng của Lam Thư Dung bởi vì sự có mặt của Phạm Thanh Khê lại càng thêm tốt, vì thế cho nên miệng cứ nói không ngừng: "Loài hoa này đối với chúng ta vẫn còn mới mẻ nhưng thực chất nó đã xuất hiện từ 3000 năm trước. Cô có biết nơi đầu tiên phát hiện là ở chỗ nào không?"
Câu hỏi này vốn vượt ngoài tầm hiểu biết của Phạm Thanh Khê, những kiến thức này nếu như không dụng tâm tìm hiểu thì không thể nào biết được. Vì thế cô lại đóng vai một người học trò, kính cẩn nghiêng mình nghe cô giáo dạy bảo.
"Tôi nghĩ tôi sắp sửa biết rồi."
Lam Thư Dung mỉm cười, vừa đặt cành hoa vào giỏ vừa nói: "Là ở khu vực Trung Đông, cụ thể là dãy núi Pamir, nằm giữa ba nước Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Afghanistan. Mặc dù hiện nay Hà Lan được mệnh danh là xứ sở hoa Tulip nhưng không ai biết rằng quê hương của loài hoa này lại cách Hà Lan đến mấy giờ bay."
Phạm Thanh Khê gật đầu: "Tôi từng đến Hà Lan, ở đó người ta thường thu hoạch hoa Tulip bằng máy."
Lam Thư Dung tiếp lời: "Đúng vậy, ở những nước tiên tiến thì việc áp dụng công nghệ vào sản xuất đã không còn quá xa lạ. Nhưng mà cô không biết đâu, những người ở đây lại yêu thích việc thu hoạch thủ công. Cô có biết vì sao không?"
Phạm Thanh Khê nghiêng đầu: "Vì sao?"
Nàng nhướng mày đắc ý, sau đó tiến sát lại gần cô: "Tự tay vun trồng, tự tay chạm vào, tự tay thu hoạch, như vậy cảm giác thành tựu sẽ càng mạnh mẽ."
Ngoài mặt thì vẫn bình thường nhưng lời nói của nàng lại đầy tính ám chỉ, nó giống như kẹo mạch nha, vừa ngọt, vừa dính. Phạm Thanh Khê bị mấy lời này làm cho cứng nhắc, cô không tự chủ dời mắt đi chỗ khác, lồng ngực cũng bắt đầu dồn dập không yên.
Cảm thấy trêu chọc đủ rồi, Lam Thư Dung lại phủi phủi tay: "Chúng ta sang bên kia nộp thành quả đi."
Nàng nói xong thì dẫn đầu đi trước, tâm trạng lại càng thêm phấn khởi.
...
Buổi sáng trôi qua rất êm đềm, sau khi dùng cơm và nghỉ trưa, đến giữa chiều Lam Thư Dung lại muốn đến chỗ làng gốm Phù Điêu nhận lại tác phẩm hôm qua, tất nhiên Phạm Thanh Khê cũng bị kéo theo.
Nàng mượn chiếc xe đạp của chủ nhà, xung phong làm người lái xe chở Phạm Thanh Khê vượt gần mười cây số. Đối với lời đề nghị này, Phạm Thanh Khê đương nhiên không đồng ý, bởi vì xét về ngoại hình cô so với nàng vẫn nhỉnh hơn, muốn chở cũng nên là cô chở. Hai người giằng co một lát cuối cùng quyết định lúc đi Lam Thư Dung sẽ chở, còn lúc về sẽ là Phạm Thanh Khê.
Bên ngoài nắng vẫn chưa tắt hẳn nhưng nàng vẫn không tỏ ra mệt mỏi. Trong suốt chặng đường đi, Lam Thư Dung liên tục nhắc nhở Phạm Thanh Khê ôm chặt eo mình, nàng lấy lý do địa hình gồ ghề, nếu không ôm sẽ rất dễ té ngã. Nhưng mà Phạm Thanh Khê cũng không phải ngu ngốc, cô thừa biết nàng cố ý, chỉ là cô đang dần dung túng nàng, chiều theo ý nàng, hưởng thụ những ngày tháng cùng nàng chung đụng.
Lần này trở lại không có máy quay cũng không có những ánh mắt tò mò mà thay vào đó là lời chào mừng thật tâm xuất phát từ sự yêu thích khó mà che giấu. Ông lão hồ hởi vẫy vẫy tay, cất giọng chào đón từ xa.
"Ông còn tưởng hai đứa rất lâu mới quay trở lại."
Lam Thư Dung chạy lên phía trước: "Hôm nay không ghi hình nên tranh thủ ghé qua ạ."
Ông ngoắc ngoắc tay: "Lại đây, cái bình và cái chén đều đã nung xong, cháu xem có muốn vẽ thêm thứ gì đó không."
Lam Thư Dung và Phạm Thanh Khê cùng nhau nhận lấy tác phẩm của mình, so với hơn qua nó đã cứng cáp hơn, còn có thể trực tiếp sử dụng. Nhưng mà nếu chỉ như vậy thì quả thực quá đơn điệu, cho nên nàng lại xin ông lão thêm một ít đồ nghề để bắt đầu trổ tài vẽ gốm.
Làng gốm Phù Điêu vốn nổi tiếng với nghệ thuật chạm nổi cho nên rất hiếm khi dùng phương pháp vẽ màu, nhưng mà dụng cụ thì không thiếu.
Sau khi được hướng dẫn sơ qua, cả hai lại quay về dáng vẻ nghiêm túc, tự mình chìm vào thế giới riêng.
Qua một hồi lâu, tác phẩm của hai người cũng dần được thành hình. Phạm Thanh Khê vẽ xong trước, là một bông hoa hồng đỏ rực. Trong lúc rảnh rỗi, cô không nhịn được nhìn về phía nàng, nhưng mà nàng lại tỏ ra thần bí, thấy thế Phạm Thanh Khê cũng không tò mò nữa, đi sang một bên tìm ông lão nói chuyện.
"Con nghe nói chỉ riêng về vẽ màu đã có rất nhiều kỹ thuật khác nhau, có phải các nghệ nhân đều cần am hiểu hết không ạ?"
Ông lão cười cười, sau đó vuốt chòm râu: "Mỗi người sẽ có một quan niệm khác nhau nhưng với ông thì thà giỏi một cái còn hơn cái gì cũng biết. Giống như ở chỗ chúng ta, đời đời trung thành với kỹ thuật chạm nổi, đó là nguyên nhân sâu xa khiến người ta nhớ đến và nhắc đến."
Dừng một lát ông lại nói: "Hai đứa vẽ rất đẹp, ban đầu ông còn nghĩ cả hai đều là họa sĩ."
Phạm Thanh Khê đáp lời: "Em ấy là sinh viên Mỹ thuật, còn con thì... có thể xem là có một chút liên hệ."
Lam Thư Dung cuối cùng cũng đã vẽ xong, nàng hào hứng chạy đến trước mặt Phạm Thanh Khê và ông lão: "Phạm Thanh Khê, tặng cho cô."
Trên chiếc bình là chân dung một cô gái đang đứng giữa núi tuyết, những bông hoa tuyết được điểm xuyết vô cùng tinh tế, làm cho mọi thứ càng trở nên chân thực.
Chỉ là Phạm Thanh Khê còn chưa kịp phản ứng đã nghe ông lão nói: "Còn chưa được đâu, sau khi vẽ còn phải nung thêm lần nữa để màu được cố định, lúc đó mới được xem là thành phẩm."
Lam Thư Dung lên một tiếng: "Vậy phải mất bao lâu ah?"
Ông lão cười cười: "Xem chừng hôm nay vẫn chưa thể mang về."
Gương mặt Lam Thư Dung lộ rõ thất vọng, nàng quay sang nhìn Phạm Thanh Khê bằng ánh mắt vô cùng đáng thương.
Phạm Thanh Khê thấy vậy cũng không còn cách nào khác đành lên tiếng an ủi nàng: "Không phải nói những thứ giá trị cần phải trải qua sự trui rèn của năm tháng sao? Chúng ta cũng chỉ đợi thêm có mấy ngày."
"Nhưng mà tôi thấy ở những chỗ khác vẽ xong là có thể dùng nha."
Ông lão nghe xong thì giải thích: "Những kỹ thuật vẽ khác nhau sẽ đòi hỏi những công đoạn khác nhau, mỗi cái đều sẽ có ưu nhược điểm riêng. Nung cố định màu sẽ đảm bảo bảo quản dài lâu, không bị bay màu."
Nàng nghe ông lão nói xong cũng không xoắn xuýt nữa: "Ông ơi, vậy làm phiền ông rồi."
Ông lão cười to: "Được được, lần sau quay lại nhất định có cái mang về."
Hai người ở lại nói thêm vài ba câu nữa thì ra về. Lúc này trời cũng đã tắt nắng, so với lúc đi thì lại thêm mấy phần thơ mộng.
Chiếc xe đạp cứ đều đặn lăn bánh, hai bên đường là hoa dại đủ màu, phía sau lưng là hoàng hôn đỏ rực cùng những ngọn đồi giống như ẩn hiện. Lam Thư Dung rất tự nhiên vòng hai tay ôm lấy eo Phạm Thanh Khê, má cũng áp vào tấm lưng thẳng tắp, vừa ngắm cảnh vừa ríu rít.
"Lúc nhỏ tôi thấy người ta đạp xe đạp thì liền muốn học, về nhà nói với ba mẹ thì họ lại cho rằng không cần thiết, bởi vì nhà chúng tôi có tiền, sau này chắc chắn chỉ đi xe hơi. Mãi cho đến sau này lớn lên không biết vì sao tự dưng học được. À, có thể là do tôi lớn rồi, cũng không sợ ngã nữa."
Mấy lời này của nàng vô tình khơi gợi lại những ký ức xa xăm, Phạm Thanh Khê trầm ngâm một chút rồi nhỏ giọng: "Bà ngoại thường nói mọi việc trên đời đều có cái giá của nó, hiểu được sẽ thong dong, không hiểu thì sẽ mãi luẩn quẩn trong chính guồng quay của mình."
"Tôi có thể cảm nhận được, cô là đang nói chính mình."
Phạm Thanh Khê im lặng không phản bác, giống như ngầm thừa nhận. Sau đó cô lại nhìn thẳng về phía trước, đem xe đạp uốn lượn trên những con dốc ngoằn ngoèo.
Lam Thư Dung cũng biết điều không hỏi tiếp mà chủ động nói lảng sang chuyện khác. Bầu không khí cũng dần yên tĩnh, cho đến khi nghe thấy tiếng hú hét vui thích của hai người.
So với lúc đi phải lên dốc nhiều thì lúc về lại có nhiều đoạn thả dốc. Lam Thư Dung mượn làn gió mát dang rộng hai tay, ngửa mặt cười thật tươi.
Phạm Thanh Khê ở phía trước cũng không nhịn được mỉm cười, sau đó học nàng ngửa mặt hít thở bầu không khí không khói bụi.
Một ngày cứ thế trôi qua, giữa hai người lại có thêm một bước tiến nhỏ khó có thể nhận ra.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.