Không Ô Nhiễm, Không Gây Hại

Chương 15:




Vì con trai tạm thời phải vào ICU nên bà cụ Tiền mới có thời gian ra khỏi bệnh viện nhưng phải tranh thủ về, tình hình bệnh nhân không ổn định, buổi tối chưa biết sẽ phát sinh chuyện gì.
Tuổi bà quá lớn, không có sức đâu vừa chăm sóc bệnh nhân sắp chết vừa nghĩ cách nghe ngóng tình hình ba đồ đệ, nên đành chỉ lo cho một bên.
Cửa ICU giống như trạm xe lửa xuân vận thời trước (1), rất nhiều người nằm dưới đất, trong góc chỗ có cái chăn nhỏ trải lót là chỗ của bà cụ Tiền, cái chăn đỏ hồng đan xen, là do tự tay bà may năm kết hôn.
(1) Xuân vận: hành trình về quê ăn Tết.
Mấy người nhà bệnh nhân ở bên cạnh nhỏ giọng nói chuyện, có lẽ đang bàn chuyện viện phí, nói đến nửa chừng thì hơi tức quá, bị y tá đi ngang nhắc nhở, bèn mạnh ai nấy tản ra tự buồn bực, phân thành mấy nhóm rõ ràng, chạy ra ngoài hút thuốc.
Còn có người gọi điện thoại, ngồi dưới đất, dựa lưng vào tường, nói chuyện như không ra hơi, nghe giống kẻ bệnh tật sắp chết.
Nhiều người định qua đêm ở đây đều đã nằm xuống___chỉ nằm thôi, trừ kẻ lang thang, còn thì không mấy ai có thể ngủ ở nơi thế này, người lăn qua lăn lại, người quay mặt vào tường không nhúc nhích, người co mình trong áo khoác bấm điện thoại, nằm mệt thì ngồi dậy một lát.
Nơi đây không có ai khóc lóc sướt mướt, cũng không có suy nghĩ gì về sinh mạng thiêng liêng.
Mọi người đều trông rất mệt.
Lúc nằm xuống, bà cụ Tiền nghĩ: “Lại có cấp cứu tới.”
Chính bà nghe, cảm thấy âm thanh này không phải vui mừng, không phải cảm kích, không dám nghĩ nhiều, bèn trở mình, quấn chặt túi vải tùy thân vào lòng, bên trong có hai vạn tiền mặt do Dương bang chủ vừa cho bà.
Dương bang chủ tiễn bà cụ Tiền đi rồi, cầm cây gậy xanh của ông, từ chỗ máy ATM tự động chỗ giao lộ từ từ đi về. Dụ Lan Xuyên đi bên cạnh cùng ông, cụp mắt, bình bình lên tiếng:
- Ông ơi, ngày mai con phải đi làm, con đưa ông về nhà rồi con đi nhé.
Ông Dương nhìn anh.
Khuôn mặt nghiêng tuấn tú của Dụ Lan Xuyên như được làm từ dây chuyền sản xuất, vẻ mặt cộp dấu dân văn phòng cao cấp___nửa mặt trái là “không có thời gian”, nửa mặt phải là “không có hứng thú”, trên trán là “ờm”.
Dụ Lan Xuyên nói:
- Cần đơn bỏ qua của người bị hại thì con có thể cho, không thành vấn đề. Cần con giúp thì con có thể cho vài cách liên lạc của bạn bè, đều làm việc trong mảng quyên góp từ thiện online, có thể giúp tạo một mục quyên góp từ thiện. Mục đó tạo xong, con có thể share giúp, chứng thực tính chân thật của khoản quyên góp này.
Ông Dương chưa từng nghe nói chuyện mới mẻ này, Tết năm nay ông mới học gửi và nhận bao lì xì online, người nhà dạy ba lần thì ông quên hết bốn lần, suýt ép cháu gái thắt cổ, thế là ông vội hỏi:
- Có thể làm vậy à? Quyên được tiền không?
Dụ Lan Xuyên tránh nặng tìm nhẹ đáp:
- Có người quyên thì có.
Còn về có ai quyên hay không, Dụ Lan Xuyên không quá lạc quan, mọi người đều là “thân kinh bách gạt”, bây giờ lên mạng tìm tên tổ chức công ích, trong số các câu hỏi phía dưới luôn có mấy câu như “XX có đáng tin không? Có phải lừa đảo không?” vân vân.
- Đừng có mơ, chắc chắn không ai quyên.
Bên cạnh chợt có người xen mồm, hai người vừa ngẩng đầu thì thấy Dương Dật Phàm leo ra khỏi xe, vẫy tay với tài xế thuê, nhìn là biết cô vừa ra ngoài uống rượu xã giao. Cô lảo đảo bước tới, giơ cánh tay rất không phép tắc vắt lên vai ông Dương:
- Câu chuyện này muốn nhạt bao nhiêu thì nhạt bấy nhiêu: đàn ông trung niên, bệnh nặng không tiền, sinh mệnh nguy cấp___điểm cao trào ở đâu? Đàn ông trung niên lão niên sinh mệnh nguy cấp khắp thế giới đầy ra đó, ông nội à! Anh ta có chỗ nào có thể thu hút người xem chứ?
Ông Dương bị mùi nước hoa của cô hun làm hắt xì, hơi thẳng vai lên, phủi cô xuống:
- Cháu đứng đàng hoàng lại cho ông, cứ như mấy tên lêu lổng, chẳng ra thể thống gì cả!
- Ông nội à, bây giờ khác trước kia lắm.
Dương Dật Phàm không thèm nghe ông, ngậm điếu thuốc ngay trước mặt ông:
- Ông chưa từng nghe câu đó sao? “Nghèo thì chỉ quản tấm thân, Giàu thì mua túi xong mua đồng hồ”, chuyện của người khác hãy để tổ chức phục vụ công ích xã hội lo, cháu đã đóng thuế là đã làm hết nghĩa vụ với xã hội, tương đương với việc đã gián tiếp giúp đỡ họ! Nếu họ vẫn khó khăn thì đành chịu thôi, chỉ có thể nói phúc lợi công cộng không đủ chia, có người cần giúp đỡ hơn họ xếp trước kìa, ông nói xem, có phải đạo lý này không?
Ông Dương:
- Cút cút cút... Cút! Không thèm lo mà còn nói bóng nói gió, cút về tự tỉnh rượu đi!
Dương Dật Phàm cười một tiếng, đút tay vào túi, phả ra làn khói rồi rời đi.
Dụ Lan Xuyên___vì không thân với ông Dương như vậy nên không tiện không ý tứ mồm miệng như cháu gái ruột ông, đành dùng biểu cảm khuôn mặt và ngôn ngữ tay chân để thể hiện sự tán đồng với cô Dương, lễ phép tạm biệt ông:
- Vậy con lên lầu 10 xem có cần lo tiền điện nước hay không, con đi trước ạ.
Với thanh niên thời nay, “lo tốt chuyện của mình, đừng gây phiền người khác” chính là thước đo đạo đức và tự kiềm chế cao nhất, so ra thì, quan niệm xã giao của thế hệ trước “đạo nghĩa làm đầu, không phân biệt nhau” thực chính là tác hại còn sót lại của chế độ phong kiến.
Ông Dương chống gậy đứng trong sân, ngẩng đầu nhìn vầng trăng sắp tròn, biết sắp tới rằm, rằm tháng này là tết Trung Nguyên, tổ dân phố nửa tháng trước đã treo pa-nô nhắc nhở mọi người “cúng kiếng văn minh, cấm đốt tiền giấy”, ngay cả người chết cũng phải “văn minh”!
Ông cảm thấy mình già rồi, giang hồ cũng gần đất xa trời, khí phách sắp cạn.
Dụ Lan Xuyên kiểm tra nhà ông cả một lượt__lần trước lúc đi anh quên đóng cửa sổ, trong phòng đóng một lớp bụi, anh định đợi chủ nhật sẽ gọi một người dọn vệ sinh theo giờ đến, sau này mỗi tháng sẽ quét dọn một lần. Anh lơ đãng tắt đèn khóa cửa, vẫn chưa nghĩ ra nên xử lý căn nhà này thế nào.
Khi đi ngang qua nhà bên cạnh, bước chân anh khựng lại, nhớ tới cô gái Cam Khanh đầy bí ẩn kia.
Vẻ mặt anh hơi phức tạp nhìn chằm chằm biển số nhà 1003, thầm nghĩ: cô ấy rốt cuộc có phải người kia không?
Đột nhiên, cửa nhà 1003 mở ra từ bên trong, Dụ Lan Xuyên còn chưa phản ứng lại, Cam Khanh liền ló đầu ra:
- Chuyện gì?
Mắt Dụ Lan Xuyên chớp chớp:
-...Đi ngang qua.
Nói xong, anh nhấc chân rời đi, Cam Khanh chợt gọi anh lại:
- Nè, đợi đã.
Lòng Dụ Lan Xuyên bỗng dưng hỗn loạn, anh quay đầu, thấy Cam Khanh sờ trong túi quần hồi lâu, lấy ra một mớ tiền lẻ nhăn nhúm, chọn mấy tờ trên 20 tệ xếp thành một xấp, đưa anh:
- Phiền giúp tôi đưa cho mấy người kia, tôi không tiện lộ mặt, cũng không có mấy đồng, cho bà cụ mua bữa cơm.
Dụ Lan Xuyên nhướng mày.
- Hôm đó nếu không phải tôi vì muốn tiết kiệm mấy đồng mà nhất quyết đi xe buýt bình thường thì nói không chừng có thể đến sớm, sớm 5 phút thì chuyện chưa chắc đã có kết quả này.
Cam Khanh với vẻ nghèo túng thản nhiên, bóp bóp mấy xu còn thừa:
- Chủ yếu là... tôi thấy xe có chữ “đặc” (2) liền không nhấc chân nổi, phản xạ có điều kiện thôi, không phải cố ý.
(2) Xe có chữ “đặc”: xe buýt hai tầng ở Trung Quốc, giá vé cao hơn loại xe buýt thông thường.

Dụ Lan Xuyên nhận lấy xấp tiền lẻ kia:
- Không phải cô nói tính mạng cô còn có 3 tệ sao?
- Phải.
Cam Khanh đường hoàng nói:
- Nhưng không phải anh cũng biết tôi gạt anh sao?
Sao ngây thơ vậy, còn tin?
Dụ Lan Xuyên:
-...
Chắc chắn không phải cô!
Sau khi về, Dụ Lan Xuyên nói được làm được, trước tiên trò chuyện với Lưu Trọng Tề, viết một lá đơn bỏ qua, sau đó tìm người quen đăng lên mạng một mục “quyên góp bệnh nặng” cho bà cụ Tiền, rồi gác lại chuyện này.
Có trải nghiệm đáng sợ như vậy, em trai chúa phiền phức cuối cùng đàng hoàng lại, nhà trường vừa khai giảng, cậu như bị buộc, ngày nào Dụ Lan Xuyên tăng ca xong, cậu cũng chưa làm xong bài tập, không có thời gian gây rắc rối. Trong công việc, mấy chuyện chưa giải quyết trước đó đều có đầu mối, áp lực giảm bớt ngắn ngủi khiến anh thở phào nhẹ nhõm, thứ sáu trước khi tan làm, anh tuyên bố với mọi người trong bộ phận “chủ nhật không có chuyện gì, không cần tới công ty”, cả văn phòng vui như đón Tết.
Mà hạng mục quyên góp cho bà cụ Tiền cũng đúng như dự đoán, không người quan tâm.
Cháu gái giàu có chỉ biết “mua đồng hồ mua túi xách”, vắt cổ chày ra nước, ông Dương đành tìm vài người bạn già, mọi người tích góp chút lương hưu được mười mấy vạn. Điều khiến người ta khá bất ngờ là, Lưu Trọng Tề lấy tiền tiêu vặt của mình và tiền thưởng thường ngày từ ông anh máy phát lì xì được hơn hai ngàn tệ, muốn quyên cho bà cụ Tiền. Dụ Lan Xuyên vừa lãnh tiền thưởng quý, có tiền mua mắt kính, bèn thêm cho em trai ít tiền để chẵn một vạn gửi đi, xem như có lòng.
Ngoài ra còn có xấp tiền lẻ Cam Khanh đưa và mấy cấp dưới trong tổ của anh share link giúp trong chế độ bạn bè, mỗi người quyên 300-500, xem như nịnh bợ cấp trên.
Sau đó không còn ai quan tâm nữa.
Số tiền này nghe thì không ít nhưng đều như muối bỏ biển, chưa tính tới phí điều trị và phí phẫu thuật, chỉ phí nằm viện ICU thôi đã không đủ rồi.
Nhưng mọi người thật sự đã tận tình tận nghĩa.
Chủ nhật, Dụ Lan Xuyên hẹn một nhân viên làm theo giờ đến nhà ông cả quét dọn, nhân viên đó làm việc, anh bắc ghế ra ngoài cửa ngồi hóng gió, nhìn lướt qua đống tư liệu hạng mục đầu tư, hiệu suất không cao, ánh mắt luôn liếc qua bên sát vách. Cửa sát vách vang lên, Dụ Lan Xuyên vô thức ngồi thẳng dậy, nghiêm khuôn mặt cao quý lạnh lùng, không ngẩng đầu, dán mắt vào màn hình máy tính.
Sát vách nói:
- Ơ, khách hiếm, Tiểu Xuyên tới rồi à?
Dụ Lan Xuyên:
-...Dạ chào bà Trương.
Lãng phí tình cảm.
Ngay khi anh tẻ nhạt nhàm chán thu ánh mắt thì thang máy vang lên một tiếng “ting”, có người lên.
Đó là một người đàn ông trung niên phong trần mệt mỏi, đeo một cái túi da rắn to tổ bố, mờ mịt nhìn hành lang hẹp dài, thấy Dụ Lan Xuyên thì dùng giọng đậm khẩu âm vùng khác hỏi:
- Cho tôi hỏi thăm, Dụ minh chủ sống ở tầng này sao?
Dụ Lan Xuyên đứng dậy:
- Ông tôi đã qua đời.
- À, tôi biết, tôi ở quê còn thắp nén nhang cho Dụ minh chủ nữa kìa, vậy cậu chính là Tiểu Dụ gia nhỉ? Tôi tới là muốn tìm cậu!
Ông vừa nói vừa hùng hổ chạy tới, lấy túi da rắn trên vai xuống nhét vào tay Dụ Lan Xuyên, nó nặng cả trăm ký, Dụ Lan Xuyên ù ù cạc cạc nhận lấy, cổ tay nặng trĩu xuống, vội vàng dùng sức nhấc lên, suýt thì đập vào chân.
Ông lau mồ hôi:
- Tôi đi tàu hỏa hết hai ngày, ôi, xa quá mà!
Dụ Lan Xuyên lúc này mới phản ứng lại việc 1004 là “văn phòng”:
- A, mời chú vào ngồi...
- Không ngồi không ngồi đâu.
Ông khoát tay:
- Tôi phải đi xe buổi chiều về, cả ngày chỉ có chuyến tàu hỏa này thôi. Tiểu Dụ gia, tôi không quen sống ở Yên Ninh, cậu là hậu nhân của Dụ lão minh chủ, đồ giao cho cậu, tôi yên tâm rồi!
Dụ Lan Xuyên:
- C...
Ông căn bản không cho anh cơ hội nói chuyện, lùi về sau nửa bước, quỳ phịch xuống, dập đầu hai cái với anh, dập đến mức sàn nhà vang lên hai tiếng “coong coong”.
Dụ Lan Xuyên:
-...
Làm gì thế? Tôi muốn báo cảnh sát!
Ông nói:
- Hơn 30 năm trước, mẹ tôi mang thai tôi đi tàu hỏa về nhà mẹ đẻ, dọc đường muốn ói nên mở cửa sổ, gặp phải bọn cướp cửa sổ, từ bên ngoài thò tay vào, túm lấy hành lý của mẹ định chạy. Mẹ tôi trẻ tuổi nóng tính, lại ỷ mình biết chút võ vẽ, không muốn mất tiền nên ra tay giật lại, ép chúng xài tới hung khí, nếu không nhờ nhóm Tiền đại gia đúng lúc mai phục ở đó thì trên đời đã không còn mẹ tôi, không còn tôi nữa rồi! Mấy năm nay chúng tôi không biết Tiền đại gia đã qua đời, Tiền lão phu nhân sống thành như vậy, chúng tôi có lỗi với ân nhân, không còn mặt mũi gặp bà, dập đầu hai cái, phiền Tiểu Dụ gia chuyển dùm.
Dụ Lan Xuyên bái phục:
- Không phải, tôi chuyển thế nào? Đợi đã, đừng chạy! Chú còn chưa nói chú là ai mà!
Ông không đáp, nhảy dựng lên, chắp tay với anh, sau đó vắt giò lên cổ chạy như chó rượt.
Túi da rắn bền chắc không chịu nổi gánh nặng, “rẹt” rách ra, đồ rơi đầy đất.
Bên trong có đặc sản khô, chăn đệm, bánh tự làm, hơn 20 quả táo to và một bình dưa chua tự chế.
Dụ Lan Xuyên:
-...
Dưới đống lắt nhắt linh tinh khó tưởng tượng ấy là vài xấp nhân dân tệ chỉnh tề, dùng trang giấy nhỏ quấn lại, trên giấy viết: “Kết cỏ ngậm vành, không cần báo đáp.”
Gần 40 năm, hạt giống năm xưa vô ý gieo nay đã có quả.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.