Kim Lăng Thập Tam Thoa

Chương 8:




Viên thượng sĩ tên là Lý Toàn Hữu, cậu lính trẻ con tên là Vương Phố Sinh, đó là điều mà cô Mạnh Thư Quyên của tôi và các bạn biết được ngay hôm sau. Cậu lính nhỏ mới có một tháng tuổi quân, từ ruộng khoai trước nhà đến thẳng trại quân, mặc vào người bộ quần áo lính. Hôm mặc bộ quần áo lính thì cũng được phát khẩu súng dài, một dây đạn, sau đó bị kéo ra sân phơi lúa, tập vài động tác đâm lê, vài tư thế xạ kích rồi bị lôi đến Nam Kinh. Một phát đạn cũng chưa được bắn vì chỉ huy nói đạn quý lắm, để đến lúc ra trận mới bắn. Khi đánh nhau mới nổ được mấy phát đã bị thương, khi cả một đoàn quân lớn đầu hàng thì cậu ta vẫn chưa biết rằng binh nghiệp của mình đã kết thúc rồi, cái mạng mười lăm tuổi suýt nữa cũng kết thúc luôn.
Thượng sĩ Lý Toàn Hữu chân trái bị thương rất nặng, bị bốn nhát kiếm, gân kheo đứt, do đó đây là bộ phận chết sớm nhất trên cơ thể, không còn dùng được và vướng víu cũng phải lôi theo. Hai người bị bắn bị chém thế nào rồi chạy thoát thế nào viên thiếu tá gặng hỏi mãi mới biết. Lúc đầu được hỏi, anh ta trả lời: “Nhắc lại làm đếch gì, thằng này chưa bao giờ nhục đến thế!”, hoặc: “Quên mẹ nó hết rồi!”. Mãi đến ngày thứ ba, có tí rượu vào anh ta mới kể đầu đuôi cho viên thiếu tá nghe. Rượu tất nhiên là của nổi trong nhà thờ, các ả kiếm cho mấy người lính, bởi vì khi đó lính và đàn bà đều chung hoạn nạn thành tri kỷ.
Câu chuyện được viên thiếu tá kể cho Fabbi nghe, Fabbi lại kể cho linh mục. Khi đến tai cô Thư Quyên của tôi và các bạn thì đã bị xén đầu xén đuôi. Khi lớn lên, Thư Quyên gặp lại Fabbi Atonado lại nghe ông kể lại chuyện của Lý Toàn Hữu và Vương Phố Sinh, khi đó câu chuyện dựa theo kí ức, tưởng tượng và biên tập lại của ông, câu chuyện có chỗ không liên tục, được ông bổ sung bằng những hiểu biết tổng thể về cuộc chiến tranh qua nhiều năm. Hơn nữa trước khi gặp lại Thư Quyên ông đã kể cho bao nhiêu người, câu chuyện đã được gọt giũa và logic hóa cho nên đến những năm 80 câu chuyện Thư Quyên được nghe ông già kể lại đã khá đầy đặn thậm chí có tính văn học.
Câu chuyện thế này. Đơn vị bộ đội của Lý Toàn Hữu và Vương Phố Sinh sau khi tuyên thệ: “Người còn, thành phố còn, đánh đến người cuối cùng” được hai hôm thì mất liên lạc với bộ tổng chỉ huy. Có nghĩa là, chỉ huy của họ không biết đánh đâu, đánh thế nào, cũng không làm sao biết được hướng tấn công của địch. Chỉ huy đơn vị không biết rằng họ đã bị chỉ huy cấp trên bán rẻ rồi, trang thiết bị vô tuyến điện tương đối tiên tiến tương đối hoàn thiện của mặt trận đã bị đưa lên tàu chuyển về hậu phương. Phi đội 300 chiếc máy bay của bộ đội không quân là lực lượng chiến đấu trên không duy nhất của tổng thống Tưởng Giới Thạch, nay dùng để chính phủ ông quan sát vị trí của quân địch, vì vậy pháo binh mất phương hướng. Bộ binh được điều đến từ các nơi, không còn liên lạc với nhau bằng vô tuyến điện, chẳng ai biết cần phối hợp với ai, tăng viện cho ai. Có đơn vị lẽ ra chặn được địch đánh vào thành phố nhưng thương vong quá nặng nề, đạn dược cạn kiệt mà đơn vị ngay bên cạnh không hề biết, bỏ lỡ mất cơ hội tăng viện.
Lý Toàn Hữu là thượng sĩ tiểu đội trưởng của đơn vị lẽ ra phải tăng viện cho đơn vị khác lại án binh bất động. Khi lính Nhật công phá trận địa của đơn vị bạn, tiến quân ngay bên cạnh họ để vào thành phố, họ mới biết rằng mình đã là quân cờ chết trên bàn cờ.
May mà trời đã tối, họ và quân Nhật không thấy nhau. Đêm đến họ bị chỉ huy trưởng phản bội. Các sĩ quan từ cấp úy trở lên chạy sạch cả. Sáng sớm, một chiếc máy bay lên thẳng của Nhật bay đến, có tiếng loa của một tên Hán gian: “Các binh sĩ Trung Quốc, quân đội hoàng gia Đại Nhật Bản ưu đãi tù binh! Chỉ cần các bạn hạ vũ khí, đợi các bạn là cơm nóng, trà ngon, cá hộp của quân đội Nhật Hoàng!…” Lính Trung Quốc đã ba bốn bữa không biết đến mùi cơm. Máy bay lượn vòng quanh núi, lính Trung Quốc đứng trên sườn núi, dưới những cây bách ngửa cổ nhìn lên. Lát sau máy bay vòng lại, tiếng loa Hán gian biến thành giọng của một mụ đàn bà Nhật Bản, hát bài hát Trung Quốc, lát sau nữa, máy bay thả bạt ngàn giấy trắng, giấy vàng, giấy hồng. Người biết chữ đọc rồi bảo: “Người Nhật thả truyền đơn, yêu cầu ta đầu hàng!” Người biết nhiều hơn thì bảo: “Ghi rõ đây, đảm bảo không đánh không giết, có cơm ăn có chỗ ở, còn nói chống cự sẽ giết sạch. Tất cả quân đội Trung Quốc ở Nam Kinh đã đầu hàng cả rồi, đều đang được ưu đãi đây này!” Lại có tờ truyền đơn không lịch sự như vậy, nói sự chờ đợi của quân đội Nhật Hoàng không phải là vô hạn, đến 5 giờ sáng mai không đầu hàng thì muộn rồi.”
Đêm đến lính Trung Quốc bàn tán về mọi khả năng. Lý Toàn Hữu là tiểu đội trưởng của liên đội, đề nghị với trung đội trưởng, tranh thủ đêm tối trốn đi, có trốn thoát hay không thì đành trông vào may rủi. Trung đội trưởng nói: “Điều anh nghĩ e rằng người Nhật đã nghĩ đến rồi.” Một thượng sĩ tiểu đội trưởng khác nói: “Ta cầm những tờ truyền đơn này, nếu người Nhật không giữ lời, ta sẽ đấu lý với họ, bằng chứng giấy trắng mực đen đây! Lại in cả tên sĩ quan tư lệnh của họ, chây ỳ sao được?!”
Có tờ ghi rõ thể lệ đầu hàng: Một, xếp vũ khí thành đống. Hai, binh lính xếp hàng theo tiểu đội, trung đội, đại đội, người đi đầu cầm cờ trắng – vải trải giường trắng, áo sơ mi trắng đều được. Ba, binh lính và sĩ quan giơ hai tay cao quá đầu, đi ra từ chỗ ẩn nấp, quân đội Nhật Bản ưa trật tự, kẻ phá rối bị nghiêm trị.
Lý Toàn Hữu chẳng còn một mẩu lương khô nhưng thuốc hút còn nửa túi. Anh nhồi tẩu hút hết điếu này đến điếu khác, nghĩ ngợi, nên cùng bộ đội đầu hàng hay trốn ở lại, hoặc nhân lúc trời tối lẻn đi. Nếu còn miếng ăn, anh ta sẽ không đầu hàng. Mọi người ai cũng móc thuốc ra hút, hơi thuốc rót vào máu thịt của mấy ngàn con người đói khát, chỉ còn thuốc là khiến người ta dễ chịu một chút.
Họ không biết rằng, lúc đó một tốp lính Nhật bằng một phần mười số quân của họ đang ở trên triền núi nhìn bạt ngàn những đốm lửa thuốc lá mà cảm thấy e ngại: Đây là một đơn vị quân đội đông đảo, chẳng may vụ gọi hàng lừa đảo bằng truyền đơn thất bại thì rất khó đối phó.
Cuối cùng Lý Toàn Hữu bỏ ý định lẻn đi và ý định trốn ở lại. Kết quả đầu hàng thế nào thì đã rõ rồi, ít nhất truyền đơn của người Nhật cho họ thấy lờ mờ bước sau, còn lẻn đi hoặc trốn ở lại thì không biết sẽ ra sao. Ngoài ra, Lý Toàn Hữu cũng như các chiến hữu, khi chưa biết may rủi thế nào thì dễ ngả theo quyết định tập thể, sự can đảm là của mấy ngàn người cộng lại, nguy cơ bị hủy diệt mấy mà ngàn người cùng gánh thì cũng dễ chịu hơn.
5 giờ sáng, lá cờ trắng đầu tiên hiện ra. Đó là tấm trải giường một lính kèn giơ lên. Tấm vải của một trung đoàn trưởng chạy trốn bỏ lại. Tấm vải được xé làm bốn, chia cho bốn trung đoàn. Sương mù dâng lên, khi đến trước mặt binh lính Nhật, các tù binh Trung Quốc mới phát hiện thấy địch ít ta đông, chênh lệch nhiều đến thế. Nếu đêm qua họ phá vây thì phá được, nhưng họ không có máy vô tuyến điện, không biết được tình hình của quân đội Trung Quốc trên toàn mặt trận ra sao. Tình trạng đó đã bị quân Nhật lợi dụng.
Trong đơn vị này có một người cao số nhất, sống đến những năm 1990, thọ hơn 80 tuổi.
Người lính già này qua tư liệu lịch sử biết rằng, khi tiến đánh Nam Kinh quân đội Nhật thật vô sỉ và dối trá, họ đã vạch sẵn âm mưu từ rất sớm, chia rẽ quân đội Trung Quốc, đồng thời gọi hàng theo cách lừa đảo từng đơn vị một. Ngay từ đầu họ đã không tuân thủ qui ước Geneve về tù binh. Người lính già 80 tuổi nhìn các đoàn du khách Nhật đội mũ lưỡi trai che nắng mà đau thắt ruột.
Đó là chuyện sau này. Hãy quay lại câu chuyện của Lý Toàn Hữu.
Một tốp lính bị thương nhẹ từ một con đường nhỏ khác đi đến, trong đó có một thiếu niên. Liên đội của Lý Toàn Hữu được lệnh dừng lại ở ngã ba để cho tốp lính bị thương đi trước, có vẻ như đơn vị quân đội Nhật tiếp nhận đầu hàng nghĩ thật chu đáo, để cho những người bị thương đến nơi an toàn “có cơm ăn có chỗ ở” trước. Lúc đó Lý Toàn Hữu và chú lính nhỏ Vương Phố Sinh còn chưa biết nhau.
Dưới sự dẫn đường của bốn lá cờ trắng, đoàn tù binh Trung Quốc lặng lẽ đi trên đường cái. Cứ mười mét lại có một người lính Nhật cầm súng áp giải, có lúc thò ra một viên thông ngôn Trung Quốc, nói với tù binh: “Đi sát vào! Đi nhanh lên!” Mỗi lần gặp Hán gian, sẽ lại có một vài người tù binh hỏi: “Người Nhật định đưa chúng tôi đi đâu?”
“Không biết.” Hán gian sẽ trả lời như vậy, bộ mặt vô hồn y như những người lính áp giải.
“Phía trước có cơm ăn nước uống không?” Một tù binh nào đó sẽ hỏi.
“Sao lại không?” Hán gian nói.
“Người Nhật không đánh không giết chứ?”
“Không giết! Đi nhanh lên!”
Đúng là có một số tù binh đã chui đầu vào ngõ cụt mà còn giữ mấy tờ truyền đơn, thấy Hán gian lại móc ra cho chúng xem, niềm hy vọng của họ có căn cứ hẳn hoi, không phải viển vông, phải yêu cầu người Nhật thực hiện lời đã nói.
Những tù binh đã nói chuyện với Hán gian mau chóng trở thành trạm chuyển tiếp: “Không giết chứ?”; “Họ nói không giết…”; “Có cơm ăn chứ?”; “Họ nói sẽ có.”
Truyền mãi truyền mãi, lời nói cứ đi theo ý nguyện: “Sắp có cơm ăn rồi! Đi một quãng là đến! Người Nhật không bao giờ sát hại tù binh!…”
Lại đi tiếp một thôi, chuyện ăn chuyện ở vẫn mù mịt, mấy phút trước đám tù binh có vẻ tin lắm bây giờ lại thấy chơi vơi thế nào. Họ quay sang thăm dò: “Vừa rồi cậu nghe ai nói có cơm ăn?” “Cậu nói chứ ai!”; “Tôi nói à? Tôi bảo chắc là sắp chia cơm…”, “Thử tìm thông ngôn hỏi lại xem!”.
Đến hơn 11 giờ trưa, sương mù tan, họ đến một khu xưởng bị phá hủy. Viên sĩ quan Nhật và viên thông ngôn trao đổi mấy câu. Viên thông ngôn cầm cái loa sắt tây nói to với đám tù binh: “Sĩ quan và binh lính, xin tất cả tạm nghỉ chân để chờ lệnh cấp trên.”
Một người lính Trung Quốc đánh bạo hỏi to: “Ăn cơm ở đây à?”
Viên sĩ quan Nhật ánh mắt như thép lạnh rọi thẳng vào mặt người vừa nói. Tất cả tù binh Trung Quốc thấy tim mình lạnh ngắt, chẳng có vẻ gì là có cơm ăn có chỗ ở cả.
Họ thấy thành phố họ đi qua trước đây hai ngày bây giờ vắng lặng trống rỗng đến rợn người.
Viên thông ngôn lãnh ý sĩ quan Nhật, lại nói với các tù binh Trung Quốc: “Sẽ ăn cơm tại bờ sông, sau đó có thuyền đưa các vị sang đảo để khai hoang trồng trọt. Từ nay lương thực của quân đội Nhật sẽ do các vị cung cấp…”
Tất cả đều yên tâm trước thông báo đó. Dù sao đó là những điều tin được, ít nhất cũng biết được bước sau của mình, cho dù đói đến mức không đứng vững nữa nhưng tinh thần cũng khá hơn. Viên thông ngôn lại nói: “Trong khi ở đây chấn chỉnh hàng ngũ, tất cả nên chịu đựng một chút, phối hợp với sĩ quan và binh lính quân đội Nhật, để cho họ trói tay lại…”
Tiếng loa vẫn oang oang, binh lính Trung Quốc đã bắt đầu nghi hoặc: “Đang yên đang lành, trói ta lại để làm gì?!”
“Họ có súng, ta tay không, sao lại phải trói?!”
“Không chịu!”
Tiếng ồn ào nổi lên.
Một viên sĩ quan Nhật hét lên một tiếng, tất cả lưỡi lê tuốt trần trong tư thế sẵn sàng đâm giết.
Binh lính Trung Quốc yên lặng, đội hình co lại một chút.
Cái loa sắt lại truyền đạt ý của viên sĩ quan: “Trói lại vì sợ mọi người không tôn trọng kỷ luật, mất kiểm soát, thuyền đang đi trên sông, lộn xộn là rất nguy hiểm, quân đội Nhật hoàng phải đảm bảo cho sự an toàn của các vị.”
Giọng tên Hán gian đã khản đặc lại nhưng vẫn chưa xua tan được mối nghi hoặc trong đám tù binh Trung Quốc.
Một tù binh hét lên: “Trói lại thì đến bờ sông ăn uống thế nào?”
Viên thông ngôn không trả lời được. Tất cả đều bị câu hỏi đó làm thức tỉnh, đúng đấy, người Nhật nói đến đó sẽ ăn cơm kia mà? Tại sao lại trói để lên thuyền có trật tự? Trói tay thì cầm bát thế nào, một dúm lính Nhật thế kia, đủ người để bón cơm cho ta à? Cứ cho là tin họ thì tin câu nói nào của họ?
Viên sĩ quan Nhật đến bên viên thông ngôn hỏi tù binh Trung Quốc lộn xộn cái gì? Viên thông ngôn mỉm cười nói lại cái kế hoạch trước sau mâu thuẫn của hắn.
Viên sĩ quan suy nghĩ giây lát, thì thầm gì đó với viên thông ngôn. Tiếng loa lại vang lên: “Các binh lính Trung Quốc, trung tá thấy các vị nói có lý, ông ấy nghĩ chưa hết. Bây giờ thế này, mọi người hạ trại ở đây, chờ liên hệ được với bộ phận cung cấp thực phẩm sẽ thông báo tiếp để mọi người biết.”
Lý Toàn Hữu và các chiến hữu bị áp giải đến một bãi trống của một nhà máy, năm ngàn người nhét chật cứng trong ngoài nhà máy, có muốn vươn vai, ngủ gục chút xíu cũng không được. Mệt và đói quá mức khiến họ ngồi mà ngủ thiếp đi. Khi trời tối, họ lục tục tỉnh giấc, chẳng một ai còn sức đứng dậy nữa.
Lý Toàn Hữu có vị trí sát tường, cách anh ta không xa là một chiếc lưỡi lê dài, đưa mắt dần lên phía trên nhìn, đó là một bộ mặt trống rỗng vô hồn. Người lính Nhật mười tám, mười chín tuổi. Lý Toàn Hữu hỏi: “Nước, có nước không?”
Người lính Nhật nhìn anh ta như nhìn con lừa hay một đồ vật gì đó.
Lý Toàn Hữu làm động tác uống nước, trong bụng nghĩ, đến cái ghế gỗ cũng không khô cứng như người lính này.
“Uống nước!…” Một tù binh khác cũng có nhu cầu như Lý Toàn Hữu, vừa ra hiệu vừa nói thật chậm hai tiếng Trung Quốc, cứ làm như chữ Trung Quốc đọc thật chậm thì ra chữ Nhật vậy.
Người lính Nhật vẫn câm lặng, đứng im.
Mấy người tù binh cùng nói: “Nước! Nước! Nước…”
Lý Toàn Hữu nói: “Vờ vịt làm gì, thằng khốn kiếp? Nó hiểu đấy! Cơm không cho, nước cũng không được một hớp!”
“Nước! Nước!…”
Thêm nhiều người kêu.
Viên sĩ quan gầm lên một tiếng, súng lên đạn rào rào.
Tù binh Trung Quốc nói khẽ với nhau: “Lẽ ra không nên chui vào cái nhà máy này, có chơi nhau với chúng một phen cũng khó!”
“Liều thì nên liều từ sáng rồi, khi đó bụng chưa rỗng như bây giờ!”
“Biết thế liều từ tối hôm qua, ta bao nhiêu là người, bao nhiêu là súng!”
“Nên biết rằng người Nhật có một dúm này thôi. Mặc kệ truyền đơn! Không liều là không xong!”
“Thôi đi, lúc đó không liều, bây giờ ân hận làm đếch gì!” Lý Toàn Hữu kết luận.
Viên thông ngôn lại xuất hiện: “Các binh sĩ Trung Quốc, vì khâu cung cấp hậu cần gặp trắc trở, đành phải chịu đựng chút nữa, qua sông lên đảo sẽ ăn cơm.”
“Chắc có cơm không?”
“Ngài trung tá bảo đảm với các vị! Đã thỏa thuận với bộ phận hậu cần trên đảo, chuẩn bị bánh bao cho năm ngàn người ăn!”
“Bánh bao cho năm ngàn người ăn!” Các tù binh Trung Quốc bàn tán xôn xao. Lúc này một con số cụ thể bất kỳ đều tăng thêm độ tin cậy của thông tin.
“Không biết mỗi người được mấy cái?”
“Có đủ no không?”
“Thuyền đi bao lâu mới đến đảo?”
Viên thông ngôn nói: “Cho nên tàu thuyền đã chờ ở bến rồi, bây giờ xin các vị phối hợp, xếp hàng ngay ngắn đi ra …”
Binh lính Trung Quốc hầu như dốc chút sức còn lại để đứng lên, ai cũng phải mất đến ba bốn giây quay qua quay lại mới đứng vững được, ai cũng đầm đìa mồ hôi trên mặt trên lưng. Khi họ ra khỏi khu nhà máy đổ nát, viên thông ngôn nói với vẻ nhẹ nhõm: “Xin mọi người phối hợp, đưa hai tay cho quân Nhật trói, để đảm bảo lên thuyền trật tự, chỉ xin mọi người nhẫn nhục một chút!….”
Trong ánh hoàng hôn nhìn hàng lưỡi lê có vẻ như dày đặc hơn. Mấy chục chiếc đèn pin rọi loang loáng vào mặt tù binh Trung Quốc. Hán gian vẫn tiếp tục nói: “Chỉ là phòng xa thôi, có bất trắc xảy ra không bị rối loạn, xin mọi người chớ nên hiểu lầm!”
Lý Toàn Hữu có cảm giác sự thâm nghiêm của người Nhật và sự thân thiện của viên thông ngôn có gì đó không tương xứng. Anh ta không còn đủ sức để suy xét nữa. Cả một ngày đói khát, sợ hãi, lo lắng đã biến anh ta thành một cái ghế gỗ biết đi.
Lại hành quân thêm một giờ nữa, khi nghe thấy tiếng sóng thì trăng cũng mọc lên, đội ngũ hàng hai biến thành hàng một, dần dần tiến đến bờ sông. Khi những người tù binh cuối cùng đến bờ sông thì trăng đã lơ lửng trên cao, tỏa sáng vằng vặc.
Các tù binh Trung Quốc bị trói giật cánh khuỷu, đứng ở men sông, có người hỏi: “Tàu đâu? Tại sao chẳng có chiếc tàu nào thế này?”
Viên thông ngôn không biết biến đi đâu, mọi người đành hỏi nhau: Chắc là lát nữa đến, đây không phải là bến tàu, không cập bờ được, có thể tàu đỗ ở bến bên cạnh.
Gió sông cuốn theo những hạt nước li ti quật tơi tả vào năm ngàn tù binh Trung Quốc.
“Thế thì ta ở đây làm gì?”
“Đợi thuyền à?”
“Sao bảo thuyền đợi ta kia mà?”
“Ai bảo thế?”
“Cái tay Hán gian thông ngôn đó.”
“Nó nói như cứt! Ở đây không có bến, tàu đỗ làm sao? Tất nhiên phải đỗ ở bến bên cạnh, chờ ta sẵn sàng lên mới chạy đến đây.”
“Thế thì tại sao không để ta lên tàu ở bến?”
Câu nói đó làm câm tịt mọi điều tranh luận. Người hỏi câu đó là Lý Toàn Hữu, tiểu đội trưởng, 21 tuổi, biết chút chữ nghĩa và có đầu óc. Thấy nỗi hoảng sợ hiện lên trong mắt trung đội trưởng, vừa đặt chân đến bờ sông tiểu đội trưởng Lý Toàn Hữu đã quan sát địa hình, đây là bãi sông hình chữ U, chỗ lõm hướng ra mép sông, ba phía có địa thế đất cao bao bọc, con đường từ chỗ đất cao xuống bãi sông rất dốc, lại hẹp, đó là lý do tại sao lính Nhật bắt tù binh Trung Quốc từ hàng hai chuyển sang hàng một. Tàu chở đầy người ai lại đỗ ở đây. Không có chuyện đó được. Tiểu đội trưởng Lý Toàn Hữu nhìn lên ba cao điểm, trên đó đứng đầy lính Nhật, ánh trăng chiếu rõ vũ khí của của họ, cách một quãng lại có một khẩu súng máy hạng nặng. “Thế này là thế nào? Còn đợi gì nữa?”
Chẳng có ai trả lời, có những người không đứng nổi nữa, ngồi bệt xuống, đói khát đã khiến họ quy phục, phó thác tất cả cho ông trời.
Cứ thế chờ, mặt trăng lơ lửng đã đi dần sang phía bên kia vòm trời, vẫn chờ, tàu vẫn không thấy đâu. Đôi chân vốn lạnh cóng, tê dại bây giờ như không tồn tại nữa.
“Mẹ nó chứ, biết thế này thì lẽ ra không cho chúng trói!”
“Đúng thế, nếu tay chưa bị trói, có thể liều một phen!”
“Trên truyền đơn có cả tên sĩ quan tư lệnh của họ kia mà!”
“Đợi đến bao giờ nữa đây? Không chết rét thì cũng chết đói!”
Lý Toàn Hữu nhìn lính Nhật trên ba cao điểm, có vẻ chúng nó cũng đang chờ, khẩu đại liên cũng đang chờ. Nhìn trăng sao đoán bây giờ khoảng canh ba.
Đến canh tư, trong đám tù binh Trung Quốc có người hóa điên. Thương binh dựa vào nhau mà nằm, có chỗ mấy người đắp chung cái áo cái chăn, nghêu ngao: “Cái rét canh ba cắn thịt cắn da đau nhức nhối, cái rét xé rách thịt rách da. Chỉ có cậu lính trẻ con là ngủ say như chết, đó là Vương Phố Sinh”.
Vương Phố Sinh nằm cách Lý Toàn Hữu bảy tám người. Thương binh được chút ưu đãi: không bị trói.
Lý Toàn Hữu lại nhìn lên, nền trời sáng hơn một chút, chiếu vào bạt ngàn những chiếc mũ sắt sáng xanh. Lý Toàn Hữu vừa quay lại thì nghe một tiếng động rất nhẹ, nhẹ đến nỗi anh ta không hiểu có phải ảo giác hay không. Âm thanh đó là cái vung tay mạnh của viên sĩ quan cầm kiếm – tiếng lưỡi kiếm cắt đôi luồng gió. Lý Toàn Hữu là một người lính khôn ngoan và láu cá, biết đánh đấm và cũng biết lẩn tránh khiến anh ta đánh nhau đến ba mươi tuổi vẫn còn nguyên râu nguyên tóc.
Đúng lúc nghe thấy tiếng động nhẹ, một ý nghĩ lóe lên, anh ta nằm rạp ngay xuống trước tiên. Vậy là anh ta không dựa dẫm ai cả, nhất là không trông cậy vào lòng dạ đen tối của địch, anh ta đã lờ mờ nhận ra mình cùng năm ngàn anh em đang đi vào cái thòng lọng của người Nhật. Cái thòng lọng chăng ra có mục đích gì thì anh ta đoán mãi không ra, nhưng anh ta biết rõ nó đã thắt lại. Kẻ chăng thòng lọng tất nhiên không thể có ý định tốt lành, vì thế khi nghe tiếng động nhẹ, anh ta lập tức nhìn quanh. Lý Toàn Hữu đứng cách mép nước ba bốn chục thước(11), không hy vọng thoát theo hướng đó, anh ta để ý một chỗ đất trũng ngay sát bên chân.
Lúc này thì ai cũng nghe thấy tiếng cọ xát của sắt thép. Có người hỏi: “Chúng nó làm gì?”
Trả lời anh ta là mười mấy khẩu súng đại liên đồng loạt nhả đạn. Còn Lý Toàn Hữu đã lao mình vào chỗ đất trũng.
Thân hình một chiến hữu đổ xuống đè lên, người giật giật, lập tức lưng Lý Toàn Hữu nhầy nhụa máu và óc. Một thân người nữa đổ vật xuống, theo mặt dốc lăn về đất trũng, cuối cùng Lý Toàn Hữu cảm thấy bụng dưới mình bị đè quá nặng. Con người sắp chết có sức mạnh kinh khủng, thân người đè lên anh ta liên tục cong mình lên và lặp đi lặp lại nhưng thấp dần rồi nằm yên. Lý Toàn Hữu mới hiểu, thì ra nội tạng con người cũng biết kêu gào, thân người cong rướn lên thì từ trong nơi sâu thẳm phát ra những âm thanh thê thảm ghê rợn đến cùng cực.
Tiếng súng kéo dài rất lâu, những xác người trên thân Lý Toàn Hữu vẫn liên tiếp bị giết đi giết lại một cách không cần thiết. Mỗi khi trúng đạn, cái xác đang lạnh dần như sống lại, cựa nhẹ một cái, sự rung động truyền thẳng đến thân thể Lý Toàn Hữu, lan tỏa ra tri giác và hồn phách khiến anh ta cảm thấy mỗi lần rung nhẹ là một lần mình dính đạn.
Bốn bề yên ắng trở lại, máu chiến hữu trên người Lý Toàn Hữu và trên những xác chết đã đông cứng lại, lính Nhật từ cao điểm đi xuống. Họ muốn mở một lối đi giữa một bãi đầy xác người nhưng rất khó khăn, có những đôi bốt giẫm thẳng lên xác người. Họ càu nhàu chuyện gì đó, có thể vì máu và bùn đất làm hỏng đôi giày. Họ vừa đi vừa dùng lưỡi lê, mũi giày hất xác binh lính Trung Quốc, những người hôm qua còn tin rằng sắp được ăn bánh bao và cá hộp! Những con em nhà nông Trung Quốc tốt bụng và cả tin đã bị nhử vào bẫy như thế đó. Những người lính Nhật tán gẫu và ngáp, nhân thể tìm những cái xác còn chút sức sống để xỉa vài nhát. Lý Toàn Hữu nghe thấy chúng vừa nói chuyện vừa đi đến.
Lý Toàn Hữu cảm thấy một bên chân lạnh vì gió từ phía sông thổi vào, vậy là nó bị hở ra, mong sao lính Nhật tưởng là chân của một cái xác và bỏ qua. Mấy phút sau, một người lính Nhật nhìn đúng cái chân lộ thiên đó, “bụp” một cái, mũi lê xuyên ngập vào lớp thịt dầy, cơ bắp co giật theo bản năng khiến chiếc lê hơi khó rút ra. Lý Toàn Hữu cắn chặt hàm răng thép làm như cái chân hoàn toàn mất tri giác đó là của một xác chết, cựa quậy một chút là ăn đạn ngay. Nhát đâm thứ hai ngay sát nhát trước, mũi lê xuyên qua thịt vào đến lớp xương tạo nên một âm thanh chính Lý Toàn Hữu nghe thấy. Toàn thân Lý Toàn Hữu là cái thùng loa, âm thanh đó vang lên to gấp mấy lần rồi truyền lên não. Tiếng ma sát giữa sắt thép và thể xác con người gây một tiếng nổ trong đầu, toàn bộ tri giác, ký ức, tư duy bị xóa sạch chỉ trong khoảnh khắc. Sự đứt đoạn đó khiến một vùng sáng trắng trong đầu óc Lý Toàn Hữu xuất hiện và lan dần ra, lan đến toàn thân…
Sự yên tĩnh tuyệt đối khiến Lý Toàn Hữu tỉnh lại, anh ta không biết mình đã ngất đi bao lâu nhưng biết mình còn sống, cơn đói khát đã qua đi, sức lực toàn thân được hồi sinh.
Anh ta chờ cơ hội, chờ cho trời lại tối mới chậm chạp cựa mình. Bình thường thì không thể nào làm được, một người lính trên bãi huấn luyện độ khó cao cũng không thể thực hiện được, hai tay bị trói, một chân tê liệt, mọi động tác lật mình đều trông cậy vào một bên chân.
Mất khoảng một giờ đồng hồ mới có thể từ nằm sấp chuyển thành nằm nghiêng, tư thế này tiện hơn, có thể dùng một bên vai một bên chân để bò, Lý Toàn Hữu cẩn thận dịch chuyển, cố gắng thật nhẹ từng li một, vì không chắc lính Nhật đã rời khỏi đây hay chưa. Trời lúc một tối đen, dịch chuyển càng chậm vết thương càng đau, Lý Toàn Hữu luôn luôn phải dừng lại lau mồ hôi chảy vào mắt, từ chập tối đến giờ mới bò được năm sáu mét, anh ta mò ra bờ sông, muốn gì thì muốn cũng phải uống đầy một bụng nước rồi mới tính tiếp.
Lý Toàn Hữu dừng lại vì nghe thấy một tiếng người, toàn thân anh ta lạnh toát, lẽ nào lính Nhật còn để người lại trông xác? Lý Toàn Hữu không dám thở mạnh, lắng nghe, thì ra tiếng Trung Quốc: “Tôi… là… thương binh Vương Phố Sinh…”
Lý Toàn Hữu tìm, bốn bề chẳng còn ai sống sót, tiếng nói lại cất lên nho nhỏ: “Cứu… tôi…”
Anh ta nghe ra tiếng trẻ con, hiện nay bắt trẻ con đi lính rất nhiều. Đứa bé trai tiếng kêu lên như tiếng dế và nghĩ rằng xa mấy dặm cũng nghe thấy.
Lý Toàn Hữu tìm thấy Vương Phố Sinh, người cũng bị các xác chết đè lên, cậu ta bị một nhát đâm vào bụng nếu không có cái đùi một xác chết gác lên thì cái bụng vỡ toang rồi. Nhìn đôi môi cậu ta mấp máy sau lớp băng quấn, Lý Toàn Hữu biết rằng cậu ta đau lắm, khóc không ra nước mắt bèn nói: “Không được khóc! Khóc thì tao không đưa mày đi! Mày phải biết chúng ta cao số lắm, trời thương lắm mới còn sống sót!”
Cậu lính nhỏ im tiếng. Lý Toàn Hữu bảo cậu tìm cách cởi trói cho mình. Vất vả đến hơn một tiếng đồng hồ, nhiều lần định bỏ cuộc, cuối cùng cũng cởi ra được. Bây giờ có một chân hai tay, dễ dàng hơn nhiều. Lý Toàn Hữu bò ra mép sông, xác người tạo thành cái kè chắn, anh ta phải đẩy xuống nước rồi uống đầy một bụng nước sông tanh đến xóc óc, sau đó nhúng đẫm một chiếc mũ bông, bò về. Anh ta vắt nước vào miệng Vương Phố Sinh. Như đứa trẻ khát sữa, cậu bé hai tay chộp lấy cái mũ mút lấy mút để.
Hai người nằm sát vai nhau, mỗi người một tẩu thuốc bên mép. Tẩu thì lúc nào Lý Toàn Hữu cũng có trong người, anh ta mò trên xác chết kiếm cho Vương Phố Sinh một cái.(12)
Mười lăm tuổi đời, lần đầu tiên Vương Phố Sinh hút thuốc lấy từ túi thuốc của một xác chết. Điều này cậu ta chẳng thể nào tiên liệu được. Muốn được như Lý Toàn Hữu nói, hút thuốc vào sẽ tỉnh táo hơn, cậu ta bắt chước Lý Toàn Hữu hút nhưng vừa hút vừa nhổ.
Lý Toàn Hữu nói: “Người ta không uống nước ba ngày thì chết, có đủ nước thì sống khỏe.”
Thời gian hút một túi thuốc trên bãi xác người bằng một nửa đời người, hút hết túi thuốc Lý Toàn Hữu cảm thấy Vương Phố Sinh là một gánh nặng và anh ta không thể bỏ lại, nhưng đem theo một người đã lòi ruột để thoát thân mà bản thân mình cũng không lành lặn, điều đó hầu như không thể được. Trong khi hút thuốc, Lý Toàn Hữu đã vẽ ra con đường đi, bãi sông ba phía đất cao, chỉ có một phía có thể bò lên được. Người Nhật chọn nơi này là có tính toán, ở đây dễ xử lý xác chết, đẩy hết xuống sông là xong.
Lý Toàn Hữu mò được trong túi một đại đội trưởng một gói thuốc cấp cứu, lôi ra bông băng, một ống thuốc kem, đoán là thuốc sát trùng chống viêm, anh ta bôi thuốc lên bông rồi đắp vào vết thương của Vương Phố Sinh. Cậu bé kêu ối một tiếng.
Lý Toàn Hữu nói “Nhìn lên trời kìa, máy bay đến!”
Nước mắt giàn giụa, Vương Phố Sinh nhìn lên trời, đoạn ruột lòi ra của Vương Phố Sinh được Lý Toàn Hữu ấn nhanh vào trong bụng.
Lần này Vương Phố Sinh không kịp kêu đã ngất lịm đi.
Lý Toàn Hữu nghĩ, may mà đói đã hai ba ngày ruột sạch nhẵn khả năng nhiễm trùng cũng ít hơn. Lý Toàn Hữu ngồi bên cạnh chờ cho Vương Phố Sinh tỉnh dậy sẽ dẫn cậu ta đi. Nếu Vương Phố Sinh không tỉnh lại anh ta sẽ đi một mình.
Hơi thở của Vương Phố Sinh rất yếu, thoi thóp như muốn tắt. Đã mấy lần lấy ngón tay đặt lên miệng cậu ta không còn cảm thấy hơi nóng ở phả ra nhưng sờ ngực thì thấy tim vẫn đập nhè nhẹ.
Lý Toàn Hữu biết rằng càng chờ thì khả năng trốn thoát càng ít, bọn địch sẽ đến xử lý mấy ngàn xác chết này, có thể sớm mai chúng sẽ đến. Vậy mà cậu lính trẻ này vẫn không tỉnh dậy. Lý Toàn Hữu phát hiện đôi tay mình nắm chặt, không phải vì đau đớn mà vì sốt ruột.
Có thể Lý Toàn Hữu đã dao động, muốn bỏ cậu bé Vương Phố Sinh để đào thoát một mình, nhưng khi kể lại cho Đới Đào nghe, anh ta không thừa nhận, anh ta bảo quyết không thể thất đức như vậy được, Vương Phố Sinh đã giúp cởi trói cho mình, sao có thể bỏ cậu ta lại đó không biết sống chết thế nào. Anh ta coi giữ Vương Phố Sinh đến tận lúc trời tờ mờ sáng.
Cuối cùng Vương Phố Sinh tỉnh lại, đôi mắt đen láy mở ra trên bộ mặt trắng bệnh như của một xác chết. Cậu ta nhìn Lý Toàn Hữu nằm bên cạnh, hai người đắp chung một cái áo bông cứng ngắc vì máu đông. Lý Toàn Hữu nói: “Cậu bé, ta phải đi thôi.”
Cậu bé thều thào câu gì, Lý Toàn Hữu nghe không rõ.
“Gì cơ?”
Vương Phố Sinh lặp lại. Lý Toàn Hữu hiểu rồi, cậu ta bảo thà nằm chết ở đây chứ không muốn đau đớn một lần nữa.
“Cậu bắt tôi chờ không một đêm à?”
Vương Phố Sinh nài Lý Toàn Hữu chờ lát nữa, khi nào bụng đỡ đau thì nhất định sẽ đi.
Nhìn trời mỗi lúc một trắng dần, Lý Toàn Hữu khoác cánh tay Vương Phố Sinh lên vai mình, anh ta được rèn luyện đến nơi đến chốn, có thể bò một chân, trên lưng còn cõng một người. Cậu này nặng chưa đến gánh thóc, cũng dễ dàng hơn.
Sương mù bốc lên từ mặt sông, tựa như đạn khói, lại càng tốt, quá tốt.
Bò được khoảng tám thước nghe thấy tiếng bước chân. Lý Toàn Hữu nhờ màn sương che khuất vội chen vào giữa hai cái xác, tim vọt lên cổ, tưởng như há miệng nó sẽ nhảy ra ngoài.
Tiếng chân vang lên trong vùng đất trũng ba bên là gò cao. Không phải tiếng giày lính, lại có tiếng nói: “…phải đến mấy ngàn người…”
Tiếng Trung Quốc!
“Vẫn chưa nhìn rõ, sương mù dày quá, Bọn chó Nhật bắn nhiều lính Trung Quốc đến thế!”
“Bọn chó Nhật ma quỷ hiện hình!”
Qua giọng nói biết rằng đây là mấy người đàn ông địa phương Nam Kinh, tuổi chừng bốn, năm mươi.
“Ta có mấy người thế này thì làm bao nhiêu ngày cho xong?”
“Bọn Nhật chó má!..”
Than vãn, chửi bới… mấy người từ trên cao đi xuống.
“Quẳng hết xuống sông hay lấp đất lên?”
“Nhanh tay lên, không khéo bọn Nhật đến bây giờ!”
Mấy người cặm cụi làm như kiến gặm xương. Lý Toàn Hữu nghĩ, để lộ mình ra ngay bây giờ thì tốt hơn, vì bọn Nhật có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào, khi đó có mặt bọn Nhật họ có muốn giúp cũng không giúp được.
Thế là anh ta kêu lên: “Mấy ông ơi, cứu tôi với!”
Tiếng nói im bặt, nghe rõ cả tiếng sóng đập vào những xác người.
“Cứu tôi với!…”
Một người đi đến, thận trọng đặt chân vào những khoảng trống nhỏ giữa những xác người chồng chất.
“Ở đây!” Lý Toàn Hữu chỉ dẫn trong lớp sương dày đặc.
Có người dẫn đầu, những người còn lại bạo dạn hơn, giữa một biển xác người, họ đi dần đến chỗ hai người. Hầu như họ đồng thời cúi xuống khiêng Lý Toàn Hữu và Vương Phố Sinh lên chỗ đất cao.
Người khiêng Lý Toàn Hữu nói “Yên lặng, không nói gì cả! Trước hết phải tìm chỗ giấu các anh đi đã rồi tính sau.”
Tới đỉnh dốc Lý Toàn Hữu mới nhìn ra, những người mặc đồng loạt quần áo xanh gi-lê đen này là lao công, lính Nhật trưng dụng để xử lý xác chết tù binh Trung Quốc bị giết hại một cách bí mật.
Sau khi làm xong công việc nhọc này, quá nửa số họ cũng bị giết chết, nhưng sáng sớm ngày 15 tháng 12 năm 1937 những đội viên đội chôn xác vẫn chưa biết rằng chờ đợi họ là một cái chết thảm thương. Có những người không bị giết, vì theo Nhật làm Hán gian loại mạt hạng, hoặc hoàn toàn do may mắn, một số khác khôn ngoan hơn, đang làm với đồng lương khá cao, cảm thấy cái việc này chẳng hay ho gì và đột nhiên biến mất. Tóm lại, cá biệt mấy người trong đội chôn xác còn sống sót đã kể lại mọi chuyện cho những người như cô tôi – những người không mệt mỏi, quyết truy cứu đến cùng sự kiện lính Nhật tàn sát dân thành Nam Kinh từ tháng 12 năm 1937 đến mùa xuân năm 1938.
Một ngày sau khi mấy người lính xâm nhập nhà thờ, A Cố biến mất.
Chú thích:
(11) Tức khoảng hơn mười mét, thước Trung Quốc bằng 0,33 mét – ND.
(12) Tẩu thuốc của người bình dân Trung Quốc là một khúc tre nhỏ dài độ hai gang tay, đầu tẩu nhỉnh hơn thân một chút, khi hút túi thuốc con con vẫn treo lủng lẳng ở thân tẩu, khi nhổi thuốc, người ta cắm đầu tẩu vào túi thuốc và nhồi thuốc trong túi – ND.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.