Hinh lấy làm may mắn vì mình vẫn còn tỉnh táo – ít ra là cô tự cho mình như thế - nhưng cũng đủ để khiến cô dám ngẩng đầu đối mặt với cái hoàn cảnh kỳ quái hiện tại và tương lai mờ mịt chẳng rõ sẽ đi về đâu.
Đã không thể ngủ được thì chi bằng ra ngoài kia đi dạo, để cho mình nhanh chóng tĩnh tâm trở lại.
Hinh đi thật khéo léo nhẹ nhàng, cũng có phần hồi hộp vì sợ sẽ bị các bệnh nhân và y tá trực ban trông thấy. Chỉ đi một đoạn đã đến bên giường bà San.
Bà ta đã ngủ say, đang ngáy khe khẽ. Hinh liếc thấy trên mặt cái tủ con kê bên đầu giường có vài quyển sách, cô thấy tò mò bèn bước lại nhìn dưới làn ánh sáng lờ mờ. Xếp trên cùng là cuốn “Chuyên luận về nghệ thuật sân khấu”, và các cuốn khác: “Nghệ thuật đóng phim”, “Nhập vai”, “Lý luận về biểu diễn”, “Tân Kim Lăng thập nhị hoa – nữ ngôi sao điện ảnh Trung Quốc thập kỷ 40”.
Thảo nào mà bà già này rất mê sắm vai, thậm chí bà đã “nhập vai”; từ chỗ bắt chước người khác, rốt cuộc đã mắc bệnh sắm vai thể hiện nhân cách của đủ hạng người! Hinh có phần cảm thông với bà Uông Lan San.
Phía dưới mấy quyển sách là một quyển sổ khá to, cầm lên xem, thì ra nó là một tập phác thảo ký họa. Bà San là con người thật đa tài! Hinh tò mò mở ra xem, ngay trang đầu đã khiến cô giật mình suýt đánh rơi cuốn sổ: đó là bố cục của cảnh vừa nãy bà San sắm vai – một cô gái áo trắng, tóc dài đứng bên cửa sổ, phía sau trên gáy lại là một khuôn mặt rách nát!
Hinh vội đặt ngay cuốn sổ phác thảo xuống, cứ như là đã tránh thoát được một thứ đồ xúi quẩy. Cô rời khỏi chỗ bà San, rồi đi quanh khu buồng bệnh hai vòng, cảm thấy mình đã tĩnh tâm trở lại nhưng cơn mệt mỏi lại kéo đến. Khi trở lại giường của mình, cô thấy một người đang nằm trên đó!
Hinh cố định thần nhìn quanh, xác định rằng mình không đến nhầm chỗ, rồi mới nhìn kỹ người đang nằm trên giường – lại là bà San! Hinh thầm nguyền rủa bà ta thật là “khó nhằn”, rất không biết điều. Cô ấn nút chuông xin trợ giúp.
“Cô nỡ đuổi tôi đi thật ư?”
Hinh hít thật mạnh một hơi khí lạnh, suýt nữa thì ngã, cô vội bám lấy cái ghế bên giường. Vì cô nhận ra đây là giọng nói của Thẩm Vệ Thanh!
“Bà San, bà không chịu buông tha tôi thật ư? Thực ra bà muốn gì?”
“Tôi là Thẩm Vệ Thanh, sao cô phải sợ tôi? Tôi chỉ muốn nói chuyện với cô thôi.”
“Bà không phải Vệ Thanh, bà là Uông Lan San! Bà ra khỏi giường tôi đi, nếu không sẽ gọi y tá!” Lần đầu tiên Hinh gắt gỏng với bà ta.
Bà San trở dậy ngồi thẳng đơ trên giường, nhìn chằm chằm vào Hinh, dù ánh sáng rất yếu nhưng Hinh vẫn nhận ra đôi mắt đau khổ của một cô gái trẻ đã phải nếm trải bao nỗi gian truân – chính là đôi mắt của Thẩm Vệ Thanh!
Và Hinh đã hiểu: bà San sẽ không buông tha cô, cô sẽ không thể thoát.
“Vệ Thanh đã chết, bà đâu có phải là…” Hinh không tin và cũng không muốn tin người đàn bà đang ngồi trên giường là Thẩm Vệ Thanh.
“Cô có tư cách gì mà dám nói không phải? Năm 1986 tôi vào đại học y khoa số 2 Giang Kinh, hồi đó gọi là học viện y khoa số 2 Giang Kinh. Tôi là người Nghi Hưng, Hàng Châu. Tháng 4 năm 1987 tôi vào viện này, ông Từ Hải Điền là bác sĩ điều trị, bệnh của tôi đã chuyển biến rõ rệt… Sao cô lại nói là tôi đã chết?”
“Chị đã nghe nói đến “ánh trăng” bao giờ chưa?” Hinh không trả lời, cô hỏi lại đối phương.
Bà San bắt đầu thở gấp, rất giống phản ứng của Vệ Thanh hồi nọ: “Đương nhiên là có nghe nói, nhưng cô đừng hỏi làm gì, tôi sẽ không nói đâu!”
“Với tôi, điều này đã chẳng còn là bí mật nữa, chị quên rồi à: chính chị nói với tôi rằng “ánh trăng” tức là nói về “Nguyệt Quang xã”. Tôi không hiểu tại sao lúc đầu chị không muốn nói, nhưng cuối cùng chị vẫn nói với tôi.”
“Nói, thì sợ cô sẽ đi đến cái chết; không nói, thì sợ rằng cô chết sẽ không thể nhắm mắt được.” Vệ Thanh lạnh lùng nói.
Đây là Uông Lan San hay là Thẩm Vệ Thanh? Cảm giác của Hinh lúc này dường như không có ranh giới rõ ràng.
“Biết về ‘Nguyệt Quang xã’, chẳng phải là sẽ càng tiến gần đến sự thật hay sao?”
“Chưa chắc là sẽ tiến gần đến sự thật, nhưng có thể khẳng định rằng sẽ tiến rất gần đến sự đau khổ vô bờ bến! ‘Nguyệt Quang xã’ và ‘vụ án mưu sát 405’ có mối liên hệ gì, ai có thể nói cho rõ được đây?”
“Tại sao chị lại biết về ‘Nguyệt Quang xã’?”
“Chỉ là ngẫu nhiên thôi. Hồi đó tôi là một cô gái rất yêu đời, tôi và mấy người bạn có chung sở thích đã tổ chức ra một hội nhiếp ảnh. Nhà trường rất ủng hộ việc này nhưng lại không có điều kiện bố trí cho chúng tôi buồng tối. Chúng tôi đành mượn một tầng hầm dưới sàn nhà khu hành chính cũ để làm buồng tối, nơi đó đang là phòng hồ sơ. Hồi đó tôi cũng bị ‘ánh trăng’ ám ảnh, cố đi tìm lời giải đáp, thế rồi phát hiện ra hồ sơ về ‘Nguyệt Quang xã’ – nói về một tổ chức đặc vụ hoạt động trước và sau cách mạng văn hóa. Đọc nó, tôi thấy hầu như rất nhiều thành viên của nó đều nhảy lầu tự tử, nên đoán rằng chưa biết chừng ‘Nguyệt Quang xã’ có liên quan đến "vụ án mưu sát 405’ cũng nên.”
“Chị có nhìn thấy một cuốn nhật ký không?”
“Có thấy nó nằm trong hồ sơ năm 1967, tôi đoán rằng cuốn nhật ký chẳng thể đưa ra một kết luận gì nên không mấy quan tâm. Tôi chỉ đọc một số tài liệu trong tập hồ sơ, rồi bị đưa vào đây… Vậy là cô cũng đọc nó?”
Hinh gật đầu, hỏi: “Tại sao chị nói là đọc các hồ sơ ấy thì sẽ càng tiến gần đến cái chết?”
Vệ Thanh hơi run run: “Đó là cảm giác của tôi. Từ sau khi đọc hồ sơ ấy hình như tôi đã bước vào một đầm lầy và ngày càng lún sâu hơn. Lúc nào cũng có một nỗi sợ hãi rất khó hiểu và hết sức dữ dội bủa vây tôi, dẫn tôi đến bên vực thẳm. Nghe nói vậy có vẻ rất hão huyền phải không? Tất cả đều là cảm giác, mọi tư duy và hành động của tôi đều bị nỗi sợ hãi ấy khống chế ở khắp mọi nơi.”
Lúc này lại đến lượt Hinh run rẩy. Cô nhớ đến các sự việc xảy ra trong trạm phát thanh, và những hiện tượng sau đó khi vào nhà giải phẫu – chẳng phải là nỗi sợ hãi rất khó hiểu và hết sức dữ dội hay sao? Phải chăng mình đã đi vào con đường cũ của Thẩm Vệ Thanh?
“Nhưng, trong số các nữ sinh phòng 405 nhảy lầu, chị là người duy nhất may mắn sống sót. Chị có còn nhớ đã xảy ra chuyện gì, cái gì đã thôi thúc chị nhảy lầu, và chị đã được cứu sống như thế nào không?”
“Tôi không nhớ, cũng không muốn biết về những điều này. Tôi bằng lòng với điều cô nói lúc nãy: thực ra, tôi đã chết rồi mà!”
Hinh lập tức nhớ lại hình ảnh Vệ Thanh đang nhảy lầu rơi xuống, xót xa nghẹn ngào, cô trào nước mắt. Không thể ngồi thêm nữa, Hinh đứng lên: “Chị… hãy nghĩ vậy, tôi phải ra ngoài kia…”
“Cô đừng đi. Hãy nói xem tại sao cô biết tôi đã chết rồi? Lúc đó cô có mặt à?” Vệ Thanh xuống giường, bước đến gần Hinh.
“Tôi không biết nữa…” Hinh cố nén khóc, cô lùi lại.
“Hình như nước mắt của cô pha lẫn sự cắn rứt, chuyện là thế nào vậy? Tôi đã chết ra sao?” Giọng Vệ Thanh dần gay gắt hơn, ánh mắt sắc như dao đâm vào trái tim Diệp Hinh đau nhói.
“Chị đừng dồn ép tôi…” Hinh thấy sự yếu mềm của lòng cô đã bị nhìn thấu, cô biết lòng cô chôn sâu một nỗi cắn rứt – nếu không có chuyến đến thăm của cô thì Vệ Thanh sẽ không phải chết. Ý nghĩ này vẫn cắn rứt Hinh nay bị phơi ra thật lạnh lùng, đẩy Hinh đến chỗ nát tan một cách tuyệt vọng.
“Có phải là tại cô, có phải tại cô đã…” Vệ Thanh nghẹn giọng, truy hỏi bằng được, cô giơ hai tay, vừa như cầu khẩn, vừa như tỏ ý quyết không cho Hinh đang bước lùi lại có cơ hội được lẩn tránh.
Cuối cùng, Hinh nức nở òa khóc thảm thiết.
Ánh đèn mờ nhạt ở phòng y tá trực ban bỗng sáng lên.
Đã đến giờ giao ban khám phòng. Ông Đằng Lương Tuấn nghe bác sĩ nội trú trực đêm qua báo cáo: nữ bệnh nhân mới vào – cô sinh viên Diệp Hinh – đêm qua lại không ngủ ngon, ông Tuấn cau mày. Hỏi nguyên nhân, thì ra lại là bệnh nhân cũ Uông Lan San lên cơn, sắm ba vai bệnh nhân ngày trước để quấy rối Diệp Hinh.
Uông Lan San!
Ông Tuấn chỉ còn biết lắc đầu. Trong chuyên môn, ông vốn không bao giờ chịu lùi bước, nhưng đối với bệnh nhân San thì ông có cảm giác phải bó tay. Người này mắc chứng nhân cách phân liệt hiếm thấy. Thông thường là, bệnh nhân mang đặc trưng nhân cách của mình và có thêm một đặc trưng nhân cách của một người khác mà đương sự tưởng tượng ra. Hiện tượng “phân thân” thành ba loại nhân cách trở lên là cực kỳ hiếm thấy, mặc dù từng có thông tin nói về các trường hợp phân liệt thành hơn mười loại nhân cách, nhưng phần nhiều lại là chẩn đoán sai, chủ yếu là ở khâu phân tích của chuyên gia thần kinh. Nhưng bệnh nhân San đã trải qua nhiều lần chẩn đoán xác đáng, rằng bà ta có thể “sắm vai” 68 loại nhân cách khác nhau, con số này mỗi năm vẫn đang tăng lên. Vì thế bà ta trở thành bệnh nhân nổi tiếng kỳ lạ của giới y học, các chuyên gia bệnh học thần kinh khắp nơi đã đến nghiên cứu và điều trị - thậm chí các chuyên gia hàng đầu từ Âu – Mỹ đã lặn lội sang đây nghiên cứu tỉ mỉ nhưng vẫn không sao nắm bắt được thực chất. Điều lạ lùng là, ngoài vai nhân cách của mình, thì các vai nhân cách kia không hề là do tưởng tượng ra, mà đều là của những người mà đương sự đã từng tiếp xúc. Đương nhiên, phần lớn cuộc đời bà ta sống trong bệnh viện tâm thần, cho nên, xét về hiện tượng thì thấy rằng các vai nhân cách mà bà ta thể hiện đều là mô phỏng các bệnh nhân tâm thần đã từng nằm ở viện này.
Biên bản của trực ban cho thấy: đêm qua bệnh nhân San lên cơn, lần lượt sắm vai Trang Ái Vân, Tưởng Dục Hồng, Thẩm Vệ Thanh. Dục Hồng và Vệ Thanh đều là sinh viên đại học y Giang Kinh từng nằm viện này. Còn Trang Ái Vân là ai?
Mùa xuân là thời kỳ dễ mắc bệnh thần kinh, các yếu tố kích thích đặc thù nào đó sẽ làm bệnh nặng hơn và tăng số lần lên cơn. Ông Tuấn gần như có thể khẳng định rằng việc Diệp Hinh nhập viện đã khiến bà San trở nên bất an.
Ông Tuấn ghi y lệnh vào bệnh án của Uông Lan San, và nhấn mạnh với y tá: “Các vị đừng quên gọi điện đến phòng làm việc của tôi, nắm vững chương trình tôi bố trí, rồi sắp đặt điều trị theo hướng phân tích tinh thần cho bệnh nhân San, cần phải làm khẩn trương!”
Nhìn qua cửa kính của phòng y tá, ông Tuấn nhìn thấy bà San với cái lưng còng đang dờ dệt bước đi. Ông không sao hiểu nổi: “Bà ta cứ bám riết lấy Diệp Hinh để làm gì nhỉ?”
“Tại sao đêm qua bà San cứ theo dõi mình mãi?”
Hinh vừa tỉnh dậy đã nghĩ ngay đến câu hỏi này.
Hinh bị quấy nhiễu đến khuya, các y tá phải cho uống thuốc an thần, rồi cô mới ngủ được. Bây giờ tỉnh dậy thì trời đã sáng từ bao giờ, các bác sĩ khám phòng theo thông lệ cũng đã kết thúc.
Hinh thấy cô độc chỉ muốn òa khóc.
Mới hôm qua cô còn cho rằng mình cứng cỏi và có bộ não tỉnh táo, có thể thích nghi với môi trường để ráng chịu cho qua giai đoạn này, cô nên nghe lời các bác sĩ để tranh thủ sớm ra khỏi đây. Nhưng sau hai đêm liền phải sợ hãi như thế, cô không biết mình có thể chịu đựng được bao lâu?
Đáng sợ nhất là cảm giác cô độc.
Đã thấy rõ hậu quả của việc “giao lưu” với bà San và chị sẹo mặt là gì rồi. Hinh sẽ không tiếp xúc với bệnh nhân nào khác nữa, điều này trái với bản tính của cô nhưng cô không còn sự lựa chọn nào khác. Tại sao bọn họ lại làm thế? Khiến cho mình như kẻ bị bắt mất hồn vía, lại không cho mình được ngủ yên – rõ ràng là chẳng tử tế gì. Phải chăng – như “Thẩm Vệ Thanh” nói đêm qua – đây là một “đầm lầy” mỗi lúc một lún sâu? Nhưng dù sao họ cũng đã có “gặt hái”, mình đã thật sự cô độc mất rồi.
Hinh ra khỏi giường, thấy bác sĩ Tuấn đang ngồi ở phòng y tá ghi biên bản khám phòng. Cô rảo bước đi đến đứng bên ngoài cửa hỏi: “Cháu muốn làm phiền bác sĩ Tuấn một chút!”
Ông Tuấn quay ra nhìn, thấy Diệp Hinh, ông vội đứng lên hỏi thăm: “Đêm qua cô Hinh nghỉ ngơi có tốt không?”
“Cháu muốn hỏi bác sĩ, liệu cháu còn phải ở đây bao lâu nữa?”
Nhìn đôi mắt buồn rười rượi của Hinh, ông Tuấn thấy ái ngại, nhưng ông biết, với vai trò một bác sĩ thần kinh thì cần phải hiểu rằng lý trí phải đứng trên sự thông cảm, ông ôn tồn trả lời: “Kể cũng khó nói rõ, cũng có thể là một hai tháng chẳng hạn, còn tùy thuộc tình hình bình phục của cô.”
“Nhưng… bọn họ sẽ không chịu buông tha cháu.”
Ông Tuấn ngớ ra, nhưng chợt nhớ đến các sự việc xảy ra hai ngày qua đối với Hinh, ông nói: “Đừng lo, chúng tôi sẽ chuyển bệnh nhân đã xử tệ với cô sang buồng khác, bà San chưa có hành vi bạo lực đối với cô, thì tôi sẽ có cách, sẽ điều chỉnh thuốc và điều trị phân tích thần kinh, nhất định sẽ khống chế được bệnh tình của người này…”
“Nhưng cháu vẫn sợ, cháu cảm thấy họ có mục đích gì đó.”
Ông Tuấn quan sát kỹ Diệp Hinh, thấy cô đầu tóc rối tinh, sắc mặt nhợt nhạt. Một cô gái đang mơn mớn sắc xuân mà lại quên chải tóc soi gương, thì đúng là đã từ lâu bị ám ảnh bởi ý nghĩ vu vơ “mình là người bị hại” – khi ở trường, cô ta lo mình sẽ trở thành nạn nhân của “vụ án mưu sát 405”, nay lại cảm thấy có bệnh nhân chưa từng quen biết lăm le hãm hại mình! Cái cảm giác “bị bức hại” là một trong những đặc trưng điển hình của bệnh tâm thần phân liệt.
Việc điều trị cho cô gái này vẫn còn một chặng đường khá dài.
“Cô cứ yên tâm nghỉ ngơi. Giờ hoạt động tự do, hãy chịu khó đi bách bộ, tập thể dục, và gắng đừng nghĩ đến chuyện này. Tôi sẽ nhanh chóng thu xếp để nói chuyện với cô, xem xem nên giúp đỡ cô thế nào là tốt nhất.”
“Cháu mong bác sĩ sẽ cho cháu được sớm ra viện.” Đôi mắt Hinh đầy vẻ cầu xin, nhưng giọng cô rất kiên quyết.
“Sẽ cố gắng sớm nhất, nhưng tôi vẫn phải có trách nhiệm với cô.”
“Nếu có trách nhiệm với cháu thì hãy để cháu rời khỏi đây!” Hinh có phần không kiềm chế được, nói xong, cô có phần hơi hối hận.
“Rời khỏi đây, cô thấy sẽ an toàn hơn hay sao?” Ông Tuấn càng thêm tin chắc Hinh cần phải nằm viện lâu dài, nói câu này, ông cũng cảm thấy mình hơi thiếu kiềm chế.
Hinh đã bị câu này tác động: đúng thế, ở đâu có thể khiến mình cảm thấy an toàn đây?
“Cùng là phải lo lắng sợ hãi, cháu thà sống ở thế giới bên ngoài còn hơn!” Hinh biết khó có thể lay chuyển được sự sắp đặt của ông Tuấn, cô lạnh lùng buông một câu rồi quay ra.
Ngoài kia là ánh mặt trời tươi sáng.
Có lẽ ánh nắng có thể soi sáng lòng ta.
Hinh bước vào ánh nắng mặt trời.
Mấy ngày qua mưa nắng bất thường, lúc này mặt trời lên cao rực rỡ, không khí tươi mát mà mượt mà. Bước vào vườn hoa, Hinh có cảm giác được thư thái hơn. Nhưng từng tốp bệnh nhân đi ngang qua khiến cô lại thấy mình như một đóa hoa rừng cô độc lạc lõng. Lúc này cô dám đánh đổi tất cả để có được một người bạn tri âm mà trò chuyện. Cô thậm chí thấy bức xúc muốn được hét vang trời: hỡi những người mà tôi yêu, hỡi những người mến yêu tôi, mọi người đang ở đâu? Nhưng mẹ cô đã mải miết đi rồi (Hinh có phần ai oán – sự nghiệp, có thật là quan trọng đến thế không?), Âu Dương Sảnh thì nghỉ ở nhà, nhưng Tạ Tốn thì sao?
Anh chàng Tạ Tốn từng nói là yêu mình đâu rồi?
Có lẽ anh ta nghe nói mình phải nằm viện tâm thần, nên nhân đà này đã bỏ rơi mình luôn!
Ý nghĩ này chợt đến, khiến Hinh thấy sống mũi mình cay cay.
Diệp Hinh, thì ra nhà ngươi thật quá ư yếu mềm!
Hinh dường như chẳng còn can đảm để đi tiếp nữa, cô dừng chân bên một gốc cây du to, nhắm mắt lại để ngăn dòng nước mắt đang định trào ra. Hay là mình đã có bệnh thật? Lòng cô nặng trĩu: lúc này chính cô cũng không nhận ra mình nữa, sự nhạy cảm, nỗi đa nghi này nọ còn dành để cho bao chuyện vặt vãnh bủa vây đè nén trong lòng nữa là, nói gì đến nhớ nhung một anh chàng gần như đã lặn biệt tăm!
Đúng! Đã đến lúc mình nên thật sự lãng quên anh ta!
Trừ phi anh ta bỗng dưng xuất hiện như có phép lạ, đem đến cho mình ánh dương tràn trề đầy ắp!
Khi con người ta cõi lòng gần như nguội lạnh, sắp phải đầu hàng nỗi tuyệt vọng thì mới hay ước mong phép lạ sẽ đến với ta.
Hinh biết mình thật đáng thương, nhưng cô bất lực, ngay nước mắt trào ra cô cũng không ngăn nổi.
Chính lúc hai hàng lệ thấm ướt mi, thì có một bàn tay đưa ra lau nước mắt cho Hinh.
Hệt như Tạ Tốn ngày nào.
Đúng là Tạ Tốn.
Ý nghĩ đầu tiên của Hinh là đi gặp bác sĩ Tuấn, ông ta nói không sai: mình bị ảo giác quá mạnh, cần được điều trị thần kinh một cách có bài bản. Nhưng Hinh nhìn kỹ, và đụng tay vào nữa, cô có được một kết luận “hão huyền”: đúng là phép lạ đã xuất hiện!
Hinh thấy hơi hoang mang không biết nên đón nhận vô số cảm giác bất ngờ này như thế nào. Cô không nói được một lời, đột ngột đứng dậy bước đi như một con nai vàng bất chợt bị giật mình. Có lẽ vì cảnh trùng phùng này đã được “tập dượt” trong đầu cô quá nhiều lần, đến khi lên sàn diễn thật thì lại “bị khê” vì hồi hộp trước khán giả đông đúc!
Với anh, vẻ mặt mình nên lạnh lùng? Hay là nên khóc than trách móc? Hay là hãy mặc anh ấy ôm choàng, mình sẽ kể với anh bao nỗi nhớ nhung?
Có lẽ mình chỉ nên hỏi một câu: tại sao anh không để cho em quên hẳn anh đi?
“Hinh em, anh đã đến với em rồi mà!”
“Em dường như cũng mong anh đến...” Hinh định nói thế, nhưng cô lại thôi.
“Mấy hôm nay anh không sao tìm được cơ hội để thoát thân, tìm em cũng rất khó, anh vẫn từng giây từng phút nhớ đến em, có lúc nghĩ mãi, nghĩ đến buốt cả óc!”
Đúng thế: nhà trường rất nghi hoặc về các hành động của mình – nhất là về chuyến đi Nghi Hưng – thì tất nhiên sẽ không buông tha anh. Anh biết không, lúc nhớ anh, em cũng nhớ đến buốt cả óc!
“Bây giờ thì anh đã được tự do. Anh đã nghĩ rồi, em coi anh là người thế nào thì tùy, nhưng anh sẽ ngày ngày vào thăm em, cùng ngồi với em ở vườn hoa này… Anh muốn được mãi mãi ở bên em!” Hinh biết khi Tốn nói những câu này không hề e ngại bộc lộ những cảm nghĩ xuất phát tự đáy lòng.
Cuối cùng Hinh cũng dừng những bước chân vội vã, quay trở lại ngắm Tạ Tốn từ đầu đến chân. Tốn mặc chiếc áo choàng dài trắng dài rộng, rõ ràng là anh đã “trà trộn” để vào đây với danh nghĩa một bác sĩ. Ánh mắt anh vẫn kiên định và trong sáng như xưa. Hinh thấy mình không còn ước mong gì khác nữa.
Nhưng nước mắt “đáng ghét” lại trào ra, Hinh thầm hạ quyết tâm: mình khóc lần này là lần cuối cùng. Thế này cũng hay, mình lại được người mình yêu lau nước mắt cho!
Tốn ủ hai bàn tay lên đôi má Hinh: “Em đã gầy đi!”
Liệu có giống hệt như mình đã “tập dượt” không? Quyết tâm của Hinh vừa đưa ra cách đây vài giây đồng hồ, giờ đã tan biến!
Hinh cầm tay Tốn áp lên môi như định hôn, nhưng Hinh lại khẽ cắn một cái vào tay anh.
Tốn vờ kêu tướng lên, nhìn vết răng hằn nhẹ trên tay, rồi lại nhìn Hinh: “Em không mở miệng thì thôi, hễ mở miệng là cắn người ta luôn!”
Rồi cũng đến lúc Hinh nói: “Em là một con bé điên, anh nên tránh xa một chút thì hơn!”
Tốn ôm choàng lấy Hinh: “Đừng nói vớ vẩn, em tỉnh táo hơn bất cứ ai! Và đáng nói hơn cả là mạnh mẽ hơn bất cứ ai, anh xấu hổ vì mình còn thua xa, vì thế anh càng nể trọng và mến yêu em!”
Hinh thấy một vài bệnh nhân xung quanh đang tò mò nhìn cô và Tốn, nhưng thôi, kệ họ! Hinh ngả đầu vào vai anh khẽ nói: “Đừng cho em đi tàu bay giấy nữa! Em đang định nói với anh – nghe rồi, thì đừng có mà tự kiêu: vào lúc như thế này anh vẫn không bỏ rơi em, thì sẽ làm cho em càng thêm mạnh mẽ!”
“Mạnh mẽ, thể hiện bằng cách cắn người ta à? Anh thấy em chỉ “mạnh răng” thì có!”
“Anh hãy nghiêm chỉnh một chút đi! Em có rất nhiều điều muốn nói với anh.” Nhưng rốt cuộc Hinh không muốn giữa thanh thiên bạch nhật “bất nhã” với mọi người xung quanh lâu hơn nữa, Hinh vuốt lại mái tóc cho gọn, cùng Tốn lững thững bước trong vườn hoa.
“Có phải những ngày vừa qua nhà trường không ngớt căn vặn anh không?” Nói chuyện với Tốn, bao giờ Hinh cũng thấy rất nhẹ nhõm dễ chịu.
“Chứ còn gì nữa! Các bố ấy cứ hỏi anh đi với em khi nào?”
Cũng như Hinh, Tốn thích vận dụng lời bài hát “Không còn gì nữa” của Thôi Kiện. “Và, đi đến nơi nào, nhìn thấy những gì, vân vân! Anh nói thật nhé: ít hôm nay Diệp Hinh – Tạ Tốn trở thành “sao” của toàn trường, có thể gọi là “một cặp tình nhân hạng sao”, khiến vô số người vẩn vơ mơ tưởng!”
“Thế mà anh vẫn dám vào đây?”
“Vì anh muốn gặp em!”
“Có một chuyện rất lạ em vẫn muốn hỏi anh: hôm nhà trường muốn “tóm” em đi viện, em đã chạy trốn theo lối vườn ươm cây mà em và anh đi hồi nọ. Khi ra cổng, thì gặp ngay một chiếc tắc-xi đang đợi, lái xe nói là xe để chở em. Có phải là anh đã bố trí không?”
“Không! Vì lúc đó anh không hề biết tình hình em ra sao, thì bố trí gì được?”
“Thế thì lạ thật! Nhưng ngay nhân viên điều độ cũng nói là có một phụ nữ đã gọi xe, thì người ấy có thể là ai?”
“Những chuyện quái lạ đã xảy ra với em đâu phải là ít? Anh cho rằng chỉ là thêm một chuyện nữa mà thôi!” Tốn nhún vai.
“Nhưng chính anh cũng đã khích lệ em tìm hiểu cho rõ ngọn ngành kia ma, sao bây giờ lại tỏ ra khôn ngoan để cầu an à?”
“Nhưng phải tùy lúc! Hiện giờ em đang phờ phạc thế này, không phải lúc cần đau đầu suy nghĩ để làm Sê-lốc Hôm, mà cần phải nghỉ ngơi cho khỏe đã!”
“Nhưng ngày 16 tháng 6 sắp đến rồi còn gì!”
“Có lúc anh đã nghĩ rằng, đến hôm đó nếu em vẫn ở trong bệnh viện được canh gác nghiêm ngặt này, thì sẽ tránh được tai họa cũng nên!”
Thoạt đầu Hinh thấy Tốn nói thật có lý, nhưng ngẫm nghĩ một lát, Hinh lắc đầu: “Dù em tránh thoát, thì tai họa sẽ lại giáng xuống đầu người khác! Năm xưa, ngày 16 tháng 6 Tưởng Dục Hồng đang nằm viện, đúng là được an toàn. Nhưng bạn cùng phòng là Du Tĩnh phải chết. Và, năm sau chính Tưởng Dục Hồng cũng vẫn lại nhảy lầu. Mấy hôm nay em suy nghĩ rất nhiều, cảm thấy rằng mỗi năm lại có một người được ‘lựa chọn’, bị hành hạ đủ kiểu, cuối cùng vẫn cứ là chết! Hình như người được lựa chọn năm nay là em…”
Tốn bỗng dừng bước, nắm chặt hai vai Hinh, lớn tiếng: “Em đừng nói vớ vẩn! Em nghe đâu cái lập luận vô lý này thế? Em đang đặt bẫy cho chính mình, em có biết không? Em đang giả tưởng rằng mình là người bị hại, sau đó đi sắm vai nạn nhân, điều này còn đáng sợ hơn cả việc em bị hiểu lầm!”
Lời của Tốn như một trận mưa mát lạnh đã thức tỉnh Hinh: đúng, hồi nọ Du Thư Lượng cũng nói như thế. Rành rành là mình đang sắm vai nạn nhân. Và, người hiện đang hối thúc mình nhanh chóng nhập vai, là bà Uông Lan San. Bà ta đang tiếp cận mình bằng đặc trưng nhân cách của Dục Hồng và Vệ Thanh, chính là ngầm bảo mình rằng không thể chống lại số phận!
Lúc này Hinh càng thêm biết ơn Tạ Tốn.
Người ta thường bảo “phúc bất trùng lai” nhưng hôm nay Diệp Hinh không chỉ rạng rỡ sắc xuân vì Tạ Tốn vào thăm. Sau lúc Tạ Tốn ra về không lâu, thì Du Thư Lượng cũng vào, thấy Hinh tuy sắc mặt hơi nhợt nhạt nhưng ánh mắt lại rất vui, Lượng thầm băn khoăn, anh hỏi: “Hinh… có thích nghi được không?”
“Thế mà cũng phải hỏi? Anh cứ thử vào đây ở khắc biết!”
Lúc này Hinh mới cảm nhận được rằng có rất nhiều người đang quan tâm đến cô, cảm giác cô độc lúc trước rất không nên có!
“Hinh thật là cứng cỏi, tôi đã lo lắng vô ích rồi.”
“Cảm ơn anh đã báo cho em biết tin sẽ bị nằm viện, tiếc rằng em đã không trốn thoát. Nhất là hôm nay anh lại vào thăm em nữa! Em nảy ra một ý này: trở về, anh có thể nói để trạm phát thanh phỏng vấn anh. Anh cứ nói là anh có tư liệu giá trị về Diệp Hinh, cô ta đang vui vẻ nằm viện tâm thần, và nhớ khen em cứng cỏi kiên cường!”
Cô bé này còn vui vẻ nói đùa được, hay thật! Lượng không thể không khâm phục cô sinh viên đàn em này: “Chắc Hinh cũng đã nghe biết những tin đồn này nọ, em đừng bận tâm làm gì!”
“Nhưng em cũng thích nghe những tin đồn như kiểu… ‘một cặp tình nhân hạng sao’.”
Lượng đang đoán rằng Hinh sẽ nói kiểu “hỏi ngược”, anh cười ngượng nghịu: “Em thính tai thật đấy! Anh thì anh không tin những lời đồn đại ấy! Em và Tạ Tốn không hề có chuyện gì hết!”
“Có thì đã sao ạ? Anh ấy vừa mới vào thăm em! Hinh cười rất trong sáng và hồn nhiên, cô đang đắm mình trong men say nồng nàn – Tốn vừa ra về chưa đến nửa giờ Hinh đã lại thấy nhớ rồi!
“Gì cơ? Anh ấy vừa mới vào thăm em à?” Lượng rất ngạc nhiên, miệng anh đang định nói gì đó, nhưng anh ngừng lại…
Hinh thấy Lượng có vẻ khác lạ: “Sao ạ? Tai sao anh ấy lại không thể vào thăm em chứ?”
“Đương nhiên là có thể. Vậy tức là… đúng là hai người đã…”
“Rất kỳ lạ hay sao ạ? Nếu không phải thế thì họ đồn đại gì được? Anh ấy và em cùng đi Nghi Hưng, anh ấy vừa nói rằng nhà trường đã biết từ lâu rồi, công an Nghi Hưng cũng đã đến hỏi anh ấy.”
“Đúng. Em nói đúng. Chỉ tại… tại anh không ngờ mà thôi. Bây giờ anh phải đi, lần sau anh lại vào, em có cần anh mang cho thứ gì không? Ví dụ, các món ăn em thích…”
“Chắc em đoán không sai tý nào: anh đã mê một chị nào đó, cho nên anh đã trở nên rất chu đáo. Em cảm ơn anh, không cần đâu! Mẹ em mới đi có vài hôm, đã chuẩn bị cho em các thứ, dùng đến mấy năm cũng không hết!”
Lượng bỗng nghệt ra, nụ cười “bốn mùa thường trực” của anh bỗng chững lại, mắt anh chăm chú nhìn ra xa phía sau lưng Hinh.
Hinh quay lại nhìn, cũng thấy kinh ngạc, thấy bên ngoài ô kính cửa sổ phòng tiếp khách, có một người đang đứng nhìn họ không chớp mắt. Chính là bà Uông Lan San.