Kỳ Án Ánh Trăng

Chương 4: Thực và ảo




Làm đủ thứ việc ở hội sinh viên nhà trường, Diệp Hinh rất bận rộn nhưng cũng thấy rất vui. Lâu nay cô trở thành trợ thủ đắc lực của trưởng ban văn nghệ, đang chuẩn bị cho cuộc thi ca khúc do sáu trường đại học cao đẳng thuộc khu Tây Bắc thành phố cùng phối hợp tổ chức. Các vị trưởng ban văn nghệ vốn dự kiến chỉ tổ chức thi hát Karaoke, nhưng Hinh đã đề nghị nhân khi dư âm của đợt vận động sáng tác bài hát trong trường ta vẫn chưa lắng xuống, thì nên có thêm nội dung thi ca khúc tự sáng tác của các trường xen vào chương trình thi ca khúc lần này. Đề nghị này khiến các trưởng ban rất hứng thú nên tán thành ngay. Diệp Hinh trở thành nhân vật tiên phong chủ chốt.
Điều khiến cô lo nhất là sẽ không đủ số các ca sĩ hát bài hát mà mình tự sáng tác, nào ngờ khi báo tường vừa mới công bố thì cánh cửa phòng của ban văn nghệ Đại học Y suýt nữa bị xô vỡ: chỉ vài ba hôm đã có hơn chục ca sĩ của các trường cùng các ban nhạc kéo đến ghi tên đăng ký. Đêm qua xáo trộn đủ bề nên mất ngủ. Lúc này Hinh đang ngồi trong văn phòng của hội sinh viên, ánh nắng ấm buổi trưa lọt qua cửa sổ chiếu vào, Hinh ngà ngà buồn ngủ. Cô uống liền hai cốc côcacôla, mà hai bên thái dương vẫn thấy hơi căng căng.
"Xin hỏi, ghi tên thi hát ở phòng này phải không ạ?" Một giọng nam đầy sức lôi cuốn đã xua tan cơn buồn ngủ của Hinh - nhưng cô không bị thu hút bởi giọng nói hấp dẫn ấy, mà cô giật mình vì chàng sinh viên ấy đã bước vào phòng mà không gây một tiếng động. "Anh vào đây từ lúc nào?" Hinh vẫn chưa hoàn hồn.
"Chị đang ngủ gật. Nhưng không sao, xuân ngủ nhiều thu ngủ ít, lại vừa sau giữa trưa, ai không buồn ngủ thì mới là lạ!" Chàng trai tươi cười hồ hởi nhìn Hinh, đôi mắt anh ta cũng ánh lên nụ cười.
Hinh thấy anh ta đi đứng nói năng đều rất bỗ bã, Hinh nghĩ thầm anh ta cũng giống mình - chẳng qua chỉ là sinh viên năm thứ nhất, nên cô trêu luôn:
"Anh vừa nói gì? Thi hát? Hình như là danh từ mà cánh học sinh tiểu học hay nói. Ở đây đâu phải hát bình thường mà là cuộc thi ca khúc tự sáng tác, người hát phải tự soạn cả nhạc lẫn lời!
Tôi biết rồi!" Anh ta vẫn tươi cười.
Hinh lấy ra một tờ khai: "Anh cho biết họ tên, học trường nào lớp nào, và cả tên bài hát nữa. Vì đã có khá nhiều người ghi tên rồi, nên chỉ hạn chế mỗi người đăng ký dự thi hai bài. Ngày thi là 22 tháng 4, trùng vào ngày Toàn thế giới vì địa cầu. Chúng tôi mong một trong hai bài sẽ xoay quanh chủ đề này."
"Chị nói đây là một đề tập làm văn à? Vậy nên đổi tên cuộc thi ca khúc này thành cuộc thi ca khúc bát cổ thì hơn!"
Khi nói tếu, anh ta vẫn mỉm cười, và nhìn chằm chằm vào Diệp Hinh. Thực ra Hinh cũng tán thành, vì khoanh vùng chủ đề thì sẽ làm hạn chế cảm xúc sáng tác. Nhưng chủ đề này là do Ban chấp hành Đoàn trường đề ra, cô chỉ là một cán sự còm, nếu phủ quyết thì khác gì châu chấu đá xe.
"Anh cho rằng anh đang sống ở thời đại nào? Thi vào đại học, chẳng phải vẫn làm văn hạn chế chủ đề là gì? Chúng tôi chỉ nói là "có liên quan đến Ngày vì địa cầu", chứ không phải là đóng đinh chốt chặt, vẫn còn dư đất để tung hoành! Huống chi, Ngày vì địa cầu, chủ yếu là bảo vệ môi trường, thì không quan trọng hay sao? Đợt gió cát tháng trước, chắc anh vẫn chưa quên chứ?"
"Tôi thấy chị rất ưa dùng câu hỏi phản vấn, chứng tỏ chị có ý kiến rất độc lập, nhưng ngoại hình của chị thì khác, tạm gọi chị là ngoại nhu nội cương cũng được. Nhưng, là nữ sinh viên thì thế này vẫn còn hơn là ngoại cương nội cương". Anh ta gãi gãi lên mái tóc bù xù, thấy Hinh có vẻ bực mình, bèn vội nói: "Ta trở lại việc chính vậy: tôi là Tạ Tốn, học khoa Y học của trường ta, cùng một khoá với bạn, lớp C. Mọi ngày lên học chung giảng đường, tôi thường nhìn thấy bạn”
Thảo nào mà anh ta có cái ánh mắt nhìn chẳng khiêm tốn chút nào. Hinh thấy rất buồn cười, nhưng anh ta cũng lại nhận ra:
"Bạn cười tôi à? Có gì đáng cười nhỉ?"
"Có gì đâu! Tên bạn trùng với tên một nhân vật trong truyện võ hiệp của Kim Dung".
"Thế à?" Anh ta thoáng chút thẫn thờ.
"Kim Mao sư vương Tạ Tốn trong Ỷ thiên Đồ long ký, không nhớ ra? Hay là bạn chưa hề đọc? Thôi được, không tán gẫu nữa, bạn cho tôi biết tên bài hát. Tôi phải lên lớp bây giờ đây!"
"Chờ đợi." Anh ta bỗng trở nên nghiêm túc.
"Chờ gì nữa, tôi phải lên lớp thật mà."
"Chờ đợi. Tên bài hát là Chờ đợi, đợi chờ . Vẻ mặt Tạ Tốn hơi ngơ ngác.
Diệp Hinh "ơ" một tiếng, cô thấy thái độ của mình vừa rồi có phần bất nhã, và thầm ai oán Âu Dương Sảnh. Cô tỏ ra áy náy: "Lúc đầu tôi chưa hiểu, xin lỗi bạn nhé! Tôi đã nhớ rồi. Còn bài thứ hai thì phải có đầu đề miễn là có chút liên quan đến thiên nhiên, môi trường ... là ổn!"
"Tôi cần một cây đàn pianô." Tạ Tốn bỗng nói.
"Gì cơ?" Hinh không dám tin ở tai mình nữa.
"Tôi cần một cây đàn pianô. Chẳng lẽ ca khúc tự biên tự diễn thì không cần nhạc cụ để đệm hát à? Nhưng, đúng là đã quá lâu tôi không động đến pianô."
Diệp Hinh định hỏi: "Tại sao bạn không dùng ghi-ta hoặc đàn ooc-gan, có phải là tiện không?" nhưng cô sợ Tốn sẽ lại nói cô hỏi phản vấn , nên cô gật đầu: "Tuy hơi khó đấy, nhưng hội sinh viên sẽ gắng hết sức để bố trí."
Sau khi tan lớp, Hinh đi vội đến căn nhà nhỏ lợp tôn là phòng hoạt động của Hiệp hội nhiếp ảnh, tìm Du Thư Lượng - một anh đồng hương và là Chủ tịch Hiệp hội nhiếp ảnh của trường. Lượng mặt mũi nhỏ nhắn, đeo cặp kính gọng to tướng che gần hết cả khuôn mặt, lại vừa ở trong buồng tối bước ra, nên đôi mắt nhỏ nheo lại dường như chỉ còn là hai cái khe bé tẹo. Lúc Hinh mới xuất hiện, Lượng mở choàng mở to mắt rồi lại lim dim ngay lập tức.
"Hinh ạ, dù sao em cũng là hội viên cấp hai của Hội nhiếp ảnh, dù ảnh chụp chưa đạt trình độ chuyên nghiệp như ảnh thì cũng nên có chuẩn cơ bản chứ!" Nghe nói ngay từ lúc mới biết bò lê, Lượng đã nghịch máy ảnh rồi. Anh ta hiểu biết rất rộng rất sâu về nhiếp ảnh, vì thế mà cũng rất hay khoác lác về kỹ thuật của mình.
Hinh kinh ngạc nói: "Sao em lại không có cơ bản chứ? Anh nói là mấy tấm ảnh em chụp tối hôm qua không được rõ à?"
"Đâu chỉ là không rõ! Em hãy xem đi!" Lượng mở ngăn kéo lấy ra mấy tấm ảnh đặt xuống trước mặt Hinh. "Có năm bức chụp bằng đèn flash, đều mờ đục cả lũ, không rõ là tại ánh sáng hay là tại em đã chĩa ống kính vào một miếng vải trắng rồi bấm máy? Còn ba tấm ảnh không dùng đèn flash thì đen kịt, chẳng rõ tại em quên mở ống kính hay là ... em chĩa nó vào một tấm vải đen rồi bấm máy?" Lượng chưa kịp nghĩ ra cách ví von nào hay hơn. Hinh không dám tin vào những gì mình đang nhìn thấy, và quên cả trả đũa Lượng đã nói kháy, cô ngây nhìn mấy tấm ảnh. Sao lại có thể thế này? Nếu đưa mấy tấm ảnh trống trơn này cho Chu Mẫn xem để chứng minh là mình đúng, thì chẳng khác nào tự chuốc lấy nỗi nhục? Lượng là anh chàng "ghiền máy ảnh" thứ thiệt, anh không buồn nhìn vẻ mặt đối phương, cũng chẳng biết thương hoa tiếc ngọc gì cả, anh chỉ thấy một hội viên nhiếp ảnh như Hinh chỉ tổ làm bẽ mặt hội trưởng! Lượng cười nhạt: "Thế mà tôi lại còn cố mà in ra nữa, tôi cho rằng đây không thể gọi là ảnh gì hết, chỉ có thể coi chúng là ... những mảnh giấy ảnh đã bị chà đạp!"
"Liệu có phải anh đã sơ suất gì trong khi rửa phim không?" Hinh bắt đầu phản kích.
"Phim của em... không đúng, có lẽ nên nói là những mảnh nhựa sau khi bị giày vò đã được anh đồng thời rửa trong cùng một khay thuốc, nếu có sai sót thì các tấm phim em chụp - dù dùng đèn flash hay không - sẽ có chung kết quả là đen hoặc trắng, chứ không thể trái khoáy như thế này! Vẫn còn vài... tác phẩm của hội trưởng còm này được rửa đồng thời với phim của em, không hề có sơ sảy!
Hinh cũng biết kỹ thuật in tráng của Lượng rất siêu, mình chỉ cố cãi thêm đó thôi. Nếu tiếp tục nói với anh ta thì cũng không thể lần ra nguyên nhân tại sao, chi bằng lại đến căn phòng thực nghiệm giải phẫu để tìm hiểu cho rõ, cô bèn quay ra. Lượng gọi với theo: "Em có cần đến mấy tác phẩm này nữa không? Đem về ký túc xá mà treo, sẽ rất ấn tượng đấy! Thấy Hinh phớt lờ, Lượng đành lẩm bẩm: "Mình giữ lại cũng tốt, sẽ dùng nó làm giáo trình phản diện để huấn luyện các đệ tử mới nhập môn!"
Ban ngày ở khu nhà giải phẫu, mùi thuốc vẫn nồng nặc như cũ, nhưng không thấy nghẹn thở như sau lúc nửa đêm. Hinh tiến thẳng đến cuối hành lang. Cánh cửa căn phòng nhỏ vẫn khép hờ, cô nhẹ nhàng đẩy cửa và cô lại ngạc nhiên. Căn phòng bỏ trống, không có tủ kính nào, cũng không thấy chiếc giường sắt. Cô lờ mờ cảm thấy mình đang bị bỡn cợt, mà kẻ bỡn cợt ấy lại chính là đôi mắt của cô. Hơi có phần hậm hực, cô quay trở ra, và nghĩ rằng ông già gù kia phải là người biết rõ tất cả. Cô nhìn thấy cánh cửa gian phòng xử lý thi thể đang đóng chặt, cô gõ cửa. Bên trong hoàn toàn im ắng.
Đêm đến, Hinh lại vào khu nhà giải phẫu rồi đẩy cánh cửa khép hờ của căn phòng nhỏ. Hình như bộ tiêu bản cơ thể cực kỳ tinh xảo ấy đang chờ cô đến. Ánh huỳnh quang của toàn thân nó chiếu sáng đôi mắt Hinh. Có lẽ ban ngày họ mang nó đi làm công cụ giảng dạy, đến tối lại đưa về. Dù sao, lại có thể tranh thủ học hỏi thêm một chút cũng tốt, tuần sau mình lại phải thi giữa học kỳ rồi. Chẳng rõ đã quan sát học hỏi bao lâu, lúc này Hinh thấy hơi mệt. Cô thấy tiếc vì không mang theo máy cát-sét mini để nghe nhạc cho nhẹ nhõm một chút. Cô vừa nghĩ vậy thì bỗng nghe thấy một điệu nhạc êm dịu vẳng đến bên tai. Hình như là tiếng khèn, nhưng lại có vẻ như tiếng phong cầm. Nó như dòng nước khoáng chảy vào cổ họng đang khát cháy, lan toả khắp cơ thể. Hinh từ từ nhắm mắt, thả hồn trong tiếng nhạc.
Bỗng một làn ánh sáng trắng rất mạnh chiếu rọi khiến Hinh vội nhắm mắt lại. Rồi liều mở to mắt, cô thót tim: các bộ phận của tiêu bản cơ thể bắt đầu tập hợp vào vị trí, trong chớp mắt đã biến thành thi thể cô gái mặc áo trắng.
Hinh có phần tuyệt vọng, nghẹn giọng nói: "Tại sao ngươi không chịu buông tha ta?"
Cô dường như nghe thấy một tiếng cười nhạt, sau đó là tiếng thở dài. Hinh phát hoảng, quay người đi ra khỏi căn phòng, nhưng hình như tiếng cười nhạt và tiếng thở dài ấy vẫn bám theo cô. Cô chạy nhanh, toát mồ hôi, lớn tiếng kêu cứu. Cô chợt tỉnh cơn mê.
Lại là một đêm ngủ chập chờn. Hinh dậy muộn, chẳng thiết ăn sáng, và suýt nữa thì đến muộn giờ học môn sinh hóa vào lúc 8 giờ. May mà Tần Lôi Lôi đã mang hộ Hinh giáo trình, đặt lên ghế để giữ chỗ hộ, Hinh mới được ngồi hàng ghế đầu.
Môn sinh hóa, bốn lớp học chung giảng đường rộng nhất trường với những hàng ghế “bậc thang”. Nếu không nhanh chân đến sớm để ngồi bàn đầu thì rất khó nhìn rõ chữ thầy giáo viết trên bảng, cho nên các sinh viên – nhất là các nữ sinh coi trọng thành tích học tập – thường đến sớm để chiếm chỗ phía trên. Hinh đến chậm nhưng lại được ngồi chỗ tốt ở bàn đầu, nên một bạn nữ ngồi bên cạnh Hinh thoáng tỏ ý không bằng lòng. Hinh nhận ra điều ấy, cô bèn lấy trong túi ra một chiếc máy ghi âm kiểu “phóng viên” và nói: “Xin lỗi, vì mình phải ghi âm hộ một bạn nghỉ ốm, nên phải ngồi bàn đầu thì mới ghi được. Đúng là hôm nay mình cũng có hơi lười một chút ...”
Bạn nữ này tuy không học cùng lớp với Hinh, nhưng cũng có biết Hinh và Sảnh luôn gắn với nhau như hình với bóng, nên cũng cười vui vẻ, không nói gì nữa.
Hinh nhớ ra hình như bạn này học lớp C, bèn khẽ hỏi: “Có phải lớp bạn có một bạn nam tên là Tạ Tốn không?”
Cô ta trêu luôn: “Đúng! Một anh chàng ngồ ngộ. Sao thế? Cậu có cảm tình với anh ta à? Tôi sẽ nhắn tin hộ cho ...”
Hinh vội nói: “Cậu nói gì lạ thế? Anh ta đến Hội sinh viên ghi tên dự thi hát bài tự biên tự diễn, và nói là cần chiếc đàn pi-a-nô để đệm nhạc.”
“Cậu không nhận ra là nói khoác à? Anh ta rất hay khoác lác, bọn tớ thường gọi anh ta là Kim Mao Sư Vương!”
Hinh hơi bực mình: “Thì ra anh ta biết Tạ Tốn là một nhân vật trong tiểu thuyết Kim Dung, hôm đó mình đã nói thế nhưng anh ta cứ giả vờ ngớ ra!”
Cô bạn cười: “Đừng tức làm gì! Điều đó chứng tỏ anh ta có cảm tình với cậu. Khi nam giới cứ giả vờ với nữ giới, thì chắc chắn là như vậy! Để sau khi tan học mình sẽ nói hộ cậu, bảo anh ta mời cậu đi khiêu vũ vào ngày nghỉ cuối tuần.”
Nói rồi cô ta ngoảnh đầu lại, chắc là ngoái nhìn Tạ Tốn.
“Đừng làm thế!” Hinh cũng ngoảnh đầu, nhìn thấy Tạ Tốn đang “khuỳnh khuỳnh” ngồi hàng cuối cùng, đang cười nói với một bạn nam ngồi cạnh. Người ấy mày đen mắt sáng, nhưng da mặt hơi nhợt nhạt, hai quầng mắt khá to. Có lẽ cũng như Hinh, đêm qua thiếu ngủ. Khi nhận ra Hinh và bạn nữ này đang ngoái lại nhìn Tạ Tốn, anh ta lạnh lùng nhìn lại hai cô. Hinh còn định dò hỏi thêm về anh chàng lạnh lùng ấy thì thầy giáo đã bắt đầu giảng bài. Hinh cũng ngại nếu tiếp tục hỏi nữa, thì chưa biết cô bạn này có thể sẽ dựng nên những chuyện gì, sẽ liên tưởng đến những gì gì nữa, nên Hinh bèn thôi.
Môn giải phẫu học năm nay do giáo sư Dương Đỉnh Minh và một giảng viên trẻ thay nhau lên lớp. Sau khi kết thúc kỳ thi giữa học kỳ, và sau khi vị giảng viên trẻ kia nghỉ công tác để đi làm luận văn tiến sĩ tại một trung tâm y học của Mỹ, thì phần công tác giảng dạy của ông được chuyển giao cho một giảng viên đang học nghiên cứu sinh. Xem chừng vị giảng này cũng chỉ mới tốt nghiệp đại học ít lâu, dáng người dong dỏng, có khuôn mặt gầy gầy mang cặp kính cận nặng, mái tóc đen nhánh luôn bóng mượt rẽ đường ngôi thẳng tắp, chân đi giày đen bóng lộn. Anh tự giới thiệu tên là Chương Vân Côn, rồi nói: “Đã có điểm thi giữa học kỳ, các bạn sinh viên có thể đến văn phòng mà xem. Đương nhiên tôi có thể công bố kết quả thi của một bạn, chắc bạn ấy sẽ không phật ý...”
Anh bỗng nhìn khắp cả lớp một lượt, rồi chậm rãi nói: “Bạn nào là Diệp Hinh?”
Hinh giơ tay, cô thấy mình hồi hộp thấp thỏm, vì từ sau khi lại tiếp tục bắt đầu một đợt những cơn ác mộng, cô luôn mất ngủ, đầu óc luôn ong ong nặng nề. Hay là khi làm bài thì mình đã đãng trí rồi làm sai một cách hết sức ngớ ngẩn? Thầy giáo Côn nói gọn lỏn: “Bạn Hinh được điểm tối đa.”
Tất cả đều nhìn Hinh, trầm trồ tấm tắc và khao khát được như cô.
Hinh thầm bực mình, cô nghĩ mình đã qua cái tuổi hám giành được điểm cao, mà các sinh viên nữ thì đang có tiếng là ngấm ngầm cạnh tranh điểm số - điều này Hinh đã thấy rõ trong học kỳ một – tình thế này rõ ràng giống như cơn ác mộng, vì mình đâu muốn trở thành tiêu điểm để mọi người chỉ trích? Đúng là thầy giáo trẻ này chưa có kinh nghiệm, dù muốn tuyên dương sinh viên, thì cũng chẳng cần phải làm trịnh trọng đến như thế! Hinh chỉ còn cách ngồi ngay ngắn, đôi mắt nhìn thẳng.
Nào ngờ giảng viên Côn lại cười nhạt: “Về một ý nghĩa nào đó thì, được điểm tối đa là một kết quả học tập vừa đáng vui lại vừa đáng buồn.”
Câu này nói ra khiến mọi người đều kinh ngạc, cả hội trường rì rầm bàn tán.
Hinh vẫn ngồi bất động, nhưng cô ngẩng đầu lên. Vẻ mặt không có biểu hiện gì rõ rệt nhưng ánh mắt cô đầy vẻ bất mãn và hoài nghi.
“Học y học, ví dụ cụ thể như học môn giải phẫu này chẳng hạn, đào sâu tỉ mỉ đúng là một đức tính tốt đẹp. Có điều, nhìn vào cái điểm tối đa này tôi nhận ra tinh thần học tập cần cù không biết mệt mỏi, nhưng tôi cũng phát hiện thấy cái lối học vẹt rất máy móc – là một điều tối kỵ. Môn giải phẫu có lắm nội dung chi tiết là thế, liệu có thể chỉ trong hai tháng mà nhớ hết không sai một ly không? Không thể! Sở dĩ được điểm tối đa, thì đó là vì đã rất cố gắng để học thuộc lòng một cách cứng nhắc. Liệu sau nửa năm nữa có còn nhớ được gì nữa không? Không thể! Thế thì phải chăng việc học vẹt lúc này chỉ là nhằm giành được điểm cao? Tôi e đúng là như vậy! Cho nên, nếu tiêu tốn nhiều thì giờ để học vẹt, thì chi bằng hãy chịu khó quan sát các tiêu bản, mở rộng tầm hiểu biết, xây dựng nền móng vững chắc để sau này có thể thích ứng với nền y học luôn phát triển từng ngày từng giờ. Tôi xin hỏi, có bạn nào đã đến thư viện đọc cuốn Tạp chí giải phẫu học viết bằng tiếng Anh số ra gần đây chưa?”
Tất cả đều im lặng.
Dường như Diệp Hinh đã hơi hiểu ra. Cô nhớ rằng đúng là mình đã dùng nhiều thời gian tự học để học thuộc lòng các danh từ giải phẫu học, chứ không bỏ công sức quan sát nhiều tiêu bản. Nỗi bực tức lúc nãy đã tiêu tan đi nhiều, nhưng cô vẫn cảm thấy mình bị xúc phạm. Có lẽ thầy giáo Côn thấy đoạn thuyết giảng của mình đã có sức tác động, nên anh đi vào vấn đề chính: “Chúng ta vào bài học!” Anh mở giáo trình, nhưng bỗng dừng lại – hình như có một nội dung nào đó của giáo trình đã khiến anh chú ý. Anh chăm chú nhìn kỹ, rồi gấp nó lại, lắc lắc đầu: “Học xong cuốn sách này, dù các bạn có được điểm tối đa thì sau kỳ nghỉ hè sẽ lại quên đến 80%. Các sơ đồ minh họa với những đường nét trắng đen này, càng nhìn sẽ càng rối mắt, các bạn đã mua bộ sơ đồ in màu chưa?”
Một nam sinh viên cười đáp: “Chắc thầy mới ở nước ngoài về phải không ạ? Sơ đồ in màu giá rất đắt, trường cũng không quy định sinh viên bắt buộc phải có. Em được “thừa kế” của cha em, nhưng cũng chỉ là bản dịch lại của Mỹ thôi ạ!”
Thầy Côn đành gượng cười: “Thôi được! Vậy thì chúng ta bắt đầu từ chỗ nào nhỉ?”
Chuông báo tan lớp vang lên, Hinh tắt máy ghi âm. Cô ngồi nguyên tại chỗ thêm một lát, hình như vẫn đang nghĩ ngợi lan man chưa dứt. Chương Vân Côn tuy hay thích phát ngôn lạ lùng kỳ cục nhưng anh đúng là con người rất tài ba. Giải phẫu học có lẽ là môn học rất khô khan, nhưng anh đã lên lớp hết sức sinh động. Anh thường viện dẫn các cứ liệu kinh điển, lồng các câu chuyện đông tây kim cổ vào bài giảng về các cơ quan của cơ thể hết sức thú vị. Mình nhất định phải cho Âu Dương Sảnh nghe bài giảng của ông thầy này mới được, chắc cậu ấy sẽ rất mê cho mà xem.
Vân Côn lau sạch bảng đen, anh quay người lại thấy Hinh đang cúi đầu đi ra khỏi giảng đường, bèn nói to: “Tôi rất khâm phục bạn Diệp Hinh có tài xử thế, tôi biết mình đã nói rất khó chịu mà bạn vẫn không nổi nóng.”
Hinh định không nói gì nhưng rồi cô vẫn không nén được: “Có lẽ bạn nam kia đã nói đúng: thầy cứ như mới từ Mỹ trở về. Ở trường ta làm gì có chuyện sinh viên dám nổi nóng với giáo viên trước đám đông!”
Vân Côn cười: “Lúc này không còn đám đông nữa, bạn có gì bực bội thì cứ thể hiện ra đi!”
Hinh hơi phấn chấn, cũng cười: “Thực ra thầy Côn phê bình không phải không có lý: đúng là em đã học vẹt, và cũng mong được điểm cao. Em không ai oán gì cả. Nhưng nên nói là sở dĩ em được điểm cao là vì em đã phát hiện ra một điều bí ẩn. Có điều, nó lại rất vu vơ hão huyền, đến giờ em vẫn chưa thể tin là nó có thật hay không. Em mong thầy sẽ chỉ bảo cho ...”
“Không dám!”
Hinh kể lại việc mình nhìn thấy tiêu bản cơ thể trong mấy ngày qua, thầy Côn càng nghe càng thấy kinh ngạc, một mực lắc đầu, suýt rơi cả cặp kính xuống đất! Nhất là khi nghe chuyện các bộ phận của tiêu bản tập hợp lại biến thành thi thể một cô gái áo trắng, anh ngắt lời: “Bạn càng kể càng lan man, rõ ràng đây chỉ là một cơn mê mà thôi. Tôi đã làm việc ở phòng giải phẫu hai năm qua, chưa từng nghe nói về báu vật này!”
“Nhưng cái tiêu bản ấy rõ ràng đến như vậy, và, nên giải thích ra sao về việc em đã thực sự nâng cao hiệu quả học tập môn giải phẫu học ạ?”
“Liệu có phải vì bạn quá say mê học môn giải phẫu, đã nghiên cứu rất kỹ rất sâu giáo trình và các tiêu bản, cho nên trong óc bạn đã hình thành một tiêu bản hoàn hảo? Nói cách khác tức là chính kiến thức của bạn đã tạo ra cái tiêu bản ấy trong ý thức của mình.”
Hinh một mực lắc đầu: “Không ạ! Chúng em mới chỉ học đến một nửa giáo trình giải phẫu, thì trong đầu sao có thể hình thành tiêu bản hoàn hảo được ạ?”
Thầy Côn gấp tài liệu và giáo trình lại: “Trăm nghe không bằng một thấy. Chúng ta sẽ đi xem xem sao.”
Hai người bước vào căn phòng nhỏ ấy, hoàn toàn trống không. Hinh nói: “Đã mấy hôm nay em không nhìn thấy nó. Hình như nó đã biến mất tăm.” Cô đứng ngây người, cố nhớ lại tất cả những cảnh mình đã nhìn thấy. Càng nghĩ càng thấy không sao hiểu nổi, càng nghĩ càng thấy đầu đau như muốn nổ tung. Có lẽ vì đứng quá lâu, nghĩ ngợi quá căng, Hinh lảo đảo như muốn ngã...
Thầy Côn vội đỡ Hinh, và khẽ gọi: “Bạn Hinh! Bạn không sao chứ?”
Lúc này Hinh thấy mình đang đứng giữa đám sóng nước bạc đầu, gió mạnh đang rít lên bên tai. Cô như con thuyền nhỏ bị sóng xô chấp chới. Sóng gió bỗng ngừng hẳn, bốn bề lặng ngắt như tờ, vô số những âm thanh lao xao rì rầm như phát ra từ mặt đất cùng những tiếng vọng âm âm, như kim châm vào màng nhĩ, và châm vào từng mảnh da thớ thịt cô. Trong cơn mơ màng, cô lại nghe thấy cái âm thanh kỳ quái: “Ánh trăng ...”. Cô muốn hỏi lại: “Ánh trăng là gì?” nhưng cảnh trước mắt dần dần mờ xám, Hinh dường như đã mất hết sức sống, người mềm nhũn và gục xuống.
“Diệp Hinh, bạn vẫn ổn chứ?”
Hinh mở to mắt, bắt gặp ánh mắt quan tâm thân thiết của Chương Vân Côn. Cô tỉnh táo trở lại: “Đây là đâu?”
“Bạn bỗng dưng ngất xỉu ở phòng giải phẫu, đây là ở phòng y tế, họ đã truyền dung dịch muối cho bạn. Bạn đã khá lên nhiều rồi, họ nói bạn bị hạ đường huyết, chắc là vì mấy ngày qua bạn kém ăn hoặc kém ngủ. Nhưng không vấn đề gì lớn, nghỉ ngơi vài hôm sẽ khỏe ngay thôi.”
Hinh khẽ thở dài: “Chắc là tại em ngủ không ngon giấc.”
Cô cảm ơn thầy Côn, rồi ra khỏi phòng y tế, cô thấy đôi chân nhẹ nhõm, hầu như đã trở lại bình thường.
“Mình thấy sắc mặt cậu không ổn lắm.” Gặp Hinh, Sảnh vừa mừng lại vừa thương.
“Đừng nói nữa, gần đây mình ngủ không ngon giấc. Giấc mơ kỳ quái ấy lại ập đến.” Ở bên Sảnh, Hinh mới có cảm giác nhẹ nhõm và yên ổn, tuy Sảnh chỉ nằm ở nhà dưỡng bệnh, chẳng giúp được gì cho cô.”
Nghe Hinh kể hết toàn bộ câu chuyện ly kỳ gần đây cô gặp phải, Sảnh chỉ tiếc mình không thể vùng dậy đi ngay đến khu nhà giải phẫu để tìm hiểu xem sao, đành ngồi nhìn vẻ mặt thiểu não của Hinh và chưa biết nên làm gì để san sẻ nỗi lo cho bạn.
“Hay là cậu thử dùng thuốc an thần vậy, tuy chẳng hay ho gì nhưng còn hơn là cứ mất ngủ cả đêm!” Sảnh nhớ đến lọ thuốc của mẹ cô để trong tủ phấn.
“Cũng chưa phải là chuyện gì chết người, cậu đừng nghĩ ngợi nhiều. Mình cũng có tin vui báo cho cậu biết: vị giảng viên hồi nọ dạy môn giải phẫu đã đi nước ngoài, người vừa nãy đưa mình đến phòng y tế là một giảng viên trẻ - khá ngông nghênh tự đắc – nhưng giảng bài rất hay. Mình đã ghi âm lại, cậu có thể tha hồ mà thưởng thức.”
Sảnh thấy khi đang nói ánh mắt Hinh đầy vẻ hứng khởi bèn bám riết luôn: “Tớ hiểu ra rồi: tình yêu thầy trò vừa chớm nở! Hai người vừa mới biết nhau có một hôm! Vậy là chỉ ít hôm tớ không quản lý cậu, cậu đã tự buông thả mình để bước vào vận đào hoa!”
Hinh vội liến thoắng mắng Sảnh vô duyên: “Tuy nhiên nếu nói về nam giới thì tớ lại phát hiện một anh chàng. Cậu đã nghe nói về Tạ Tốn chưa?”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.