Lá Bài Thứ XII

Chương 14:




Đứng ở góc giữa phố Canal và phố 6, cách nơi ẩn náu cả chục dãy nhà, Thompson Boyd đang chờ đèn xanh. Hắn lấy lại hơi và lau khuôn mặt ướt mồ hôi.
Hắn không run, không hề sợ hãi - hắn thở hổn hển và toát mồ hôi là vì những bước chạy tới nơi an toàn - nhưng hắn tò mò rằng làm thế nào mà họ tìm ra mình. Hắn đã luôn luôn cẩn thận với các mối liên lạc và điện thoại sử dụng, luôn luôn kiểm tra xem mình có đang bị theo dõi hay không và hắn đoán rằng đó phải là nhờ các dấu vết từ những vật mà hắn để lại. Điều đó nghe hợp lý - bởi hắn khá chắc chắn rằng người phụ nữ trong bộ đồ màu trắng, đi đi lại lại trong hiện trường thư viện của bảo tàng như
một con rắn đuôi chuông, đã xuất hiện ở hành lang căn hộ của hắn trên phố Elizabeth. Hắn đã để lại gì ở bảo tàng? Thứ gì đó trong cái túi đồ hiếp dâm chăng? Hay là một í dấu vết từ đôi giày hoặc quần áo?
Họ là những nhà điều tra giỏi nhất mà hắn từng đối mặt. Hắn cần phải ghi nhớ điều này thật kỹ.
Nhìn chằm chằm vào dòng xe cộ, hắn suy tư về cuộc trốn chạy. Khi thấy cảnh sát bước lên cầu thang, hắn đã nhanh chóng đặt quyển sách và những thứ mua được từ cửa hàng đồ gia dụng vào trong túi, chộp lấy bao và súng, rồi bật công tắc dẫn điện tới chiếc núm cửa. Hắn đã đạp xuyên qua bức tường và tháo chạy vào cái nhà kho bên cạnh, trèo lên trên mái và hướng về phía nam tới góc cuối cùng của dãy nhà. Trèo xuống cầu thang thoát hiểm, chuyển sang hướng tây và bắt đầu chạy, theo hành trình mà hắn đã vạch ra và tập đi tập lại hàng chục lần.
Giờ, ở phố Canal và phố 6, hắn đã biến mất vào dòng người đứng chờ đèn xanh, nghe tiếng còi xe cảnh sát hú vang nhập vào cuộc truy lùng hắn. Khuôn mặt chẳng biểu lộ chút cảm xúc nào, tay cũng không hề run, không lo lắng, không sợ hãi. Đó là cách hắn phải như vậy. Hắn đã nhìn thấy rất nhiều lần điều này - hàng tá kẻ giết người chuyên nghiệp hắn từng biết đã bị bắt vì họ sợ hãi, để mất sự lạnh lùng trước cảnh sát và sụp đổ trước những cuộc thẩm vấn. Họ đã quá luống cuống khi thực hiện công việc, bỏ lại dấu vết hoặc những nhân chứng sống. Cảm xúc - yêu, giận dữ, sợ hãi - khiến ta trở nên thật ùy mị và yếu đuối. Ta cần phải bình tĩnh và lạnh lùng.
Vô cảm...
Thompson nắm chặt khẩu súng, giấu nó trong túi chiếc áo mưa, khi hắn nhìn thấy một vài chiếc xe cảnh sát đang tăng tốc về phía Đại lộ 6. Những chiếc xe phanh và cua gấp ở góc phố rồi chuyển sang hướng đông ở phố Canal. Họ đang làm tất cả những gì có thể để truy tìm hắn. Không hề ngạc nhiên, Thompson biết thế. Cảnh sát New York sẽ cau mày với một nghi phạm đã giật điện một người trong số họ (dù trong quan điểm của Thompson, đó là sai lầm của người cảnh sát ấy vì anh ta đã không cẩn thận).
Rồi một âm thanh lờ mờ báo hiệu mối lo ngại hiện ra trong đầu khi hắn nhìn theo một chiếc xe cảnh sát khác cua gấp vào một điểm dừng nằm cách ba dãy nhà.
Rồi một chiếc xe khác lăn bánh tới một điểm dừng chỉ cách chỗ hắn đứng gần sáu mươi mét. Và họ đang đi về phía này. Xe của hắn đỗ gần Hudson, cách đây khoảng năm phút. Hắn phải đi tới đó ngay. Nhưng ánh đèn vẫn đỏ.
Tiếng còi xe cảnh sát hú nhiều hơn.
Điều này đang trở thành một vấn đề.
Thompson nhìn vào đám đông xung quanh mình, hầu hết bọn họ đều đang hướng về phía đông, chăm chú nhìn những chiếc xe cảnh sát và các sĩ quan. Hắn cần một sự gây mất tập trung, một cái vỏ bọc nào đó để qua đường. Chỉ cần một cái gì đó... không cần phải quá ầm ĩ, phô trương. Chỉ cần đủ để đánh lạc hướng sự chú ý của mọi người một lúc. Một ngọn lửa trong thùng rác, một tiếng báo động của ô tô, tiếng một cái cốc vỡ...
Còn ý tưởng nào khác nữa không nhỉ? Nhìn sang phía nam, ở bên trái hắn, Thompson nhận ra một chiếc xe buýt lớn đang tiến về Đại lộ 6. Nó đang lại gần ngã tư nơi đám đông người đi bộ đang đứng. Đánh lửa ở thùng rác, hay cái này? Thompson Boyd quyết định. Hắn len thật khẽ tới sát lề đường, phía sau một cô gái châu Á, nhỏ nhắn, khoảng hai mươi tuổi. Tất cả những gì hắn cần làm là một cú đẩy nhẹ vào lưng dưới cô gái để cô ngã vào đường đi của chiếc xe buýt. Xoay mình trong kinh hoàng, thở hổn hển, cô trượt chân khỏi lề đường.
“Cô ấy bị ngã!”, Thompson hét lên, giọng gấp gáp. “Kéo cô ấy lại.”
Tiếng kêu của cô gái bị cắt ngang khi chiếc gương chiếu hậu bên phải của chiếc xe đập mạnh vào vai và đầu, quăng thân thể cô ngã nhào, nằm dọc vỉa hè. Máu bắn vung vãi cửa sổ và những người đứng gần. Tiếng phanh rít lên. Vài người phụ nữ trong đám đông cũng hét lên kinh hoàng.
Chiếc xe buýt phanh gấp ở điểm dừng nằm giữa đường Canal, ngăn cản giao thông, nơi mà nó phải giữ nguyên vị trí cho tới cuộc điều tra tai nạn. Một ngọn lửa trong thùng rác, một cái chai vỡ, một tiếng báo động của ô tô - chúng có thể có hiệu quả. Nhưng hắn đã quyết định rằng giết cô gái sẽ hiệu quả hơn nhiều.
Dòng xe cộ ngay lập tức bị đông cứng, bao gồm cả hai chiếc xe cảnh sát đang đến gần ở phố 6.
Hắn bước qua đường một cách chậm rãi, bỏ lại đám đông túm tụm những người qua đường đang kinh hãi, đang khóc, la hét, hoặc chỉ nhìn chằm chằm trong ánh mắt kinh ngạc trước thân thể mềm nhũn, đầy máu, ngã gục trên cái hàng rào sắt. Đôi mắt mở to trống rỗng vô hồn nhìn chằm chằm lên trời. Rõ ràng không một ai nghĩ rằng bi kịch này là một cái gì đó ngoài một tai nạn khủng khiếp.
Mọi người chạy về phía cô gái, gọi 911... khung cảnh hỗn loạn. Thompson bình thản bước qua đường, len qua dòng xe cộ đang dừng lại. Hắn đã quên mất cô gái châu Á và đang bận tâm tới những vấn đề quan trọng hơn: Hắn đã mất một nơi ẩn náu. Nhưng ít nhất hắn đã trốn thoát với khẩu súng, những thứ mua từ cửa hàng đồ gia dụng và quyển sách hướng dẫn. Không có bằng chứng nào ở căn hộ để lùng ra hắn hoặc người đàn ông đã thuê hắn; thậm chí ngay cả người phụ nữ trong bộ đồ màu trắng cũng không thể tìm ra bất kỳ liên quan nào. Không, đây không phải là một vấn đề nghiêm trọng.
Hắn dừng lại ở một bốt điện thoại công cộng, gọi vào hộp thư thoại và nhận được vài tin tốt. Hắn đã biết rằng, Geneva Settle đang ở trường trung học Langston Hughes tại Harlem. Hắn tìm ra rằng, cô bé cũng được bảo vệ bởi cảnh sát, tất nhiên điều này không có gì ngạc nhiên cả. Thompson có thể sớm tìm ra nhiều thông tin - có thể đoán chừng nơi cô bé sống hay thậm chí, với một chút may mắn, sự thật là một cơ hội từng xuất hiện, và cô bé đáng lẽ đã bị bắn chết, nhiệm vụ hoàn thành.
Thompson Boyd tiếp tục bước về phía chiếc xe của mình - một chiếc Buick ba năm tuổi, với màu xanh da trời nhàm chán, một chiếc xe vừa vừa, một chiếc xe trung bình, cho Joe Trung bình. Hắn hòa vào dòng xe cộ và lái xa chỗ ùn tắc do vụ tai nạn, hướng về phía cầu trên phố 59, trong đầu bây giờ là hình ảnh những gì học được trong quyển sách một giờ trước, quyên sách dán đầy những tờ ghi chú, và nghĩ xem cần sử dụng kỹ năng mới như thế nào.
“Tôi không... Tôi không biết phải nói gì cả.”
Một cách khổ sở, Lon Sellito nhìn lên người chỉ huy đến trực tiếp từ Sở chỉ huy cảnh sát New York ngay sau khi ông ta biểt về vụ nổ súng. Sellito ngồi trên vỉa hè, mái tóc nghiêng sang một bên xõa xượi, bụng vượt qua thắt lưng, tàng thịt béo hồng hiện ra giữa những nút áo. Đôi giày mòn hướng ra ngoài. Lúc này, trông anh ta hoàn toàn luộm thuộm.
“Chuyện gì đã xảy ra?” Viên chỉ huy to lớn, hói đầu người Mỹ - Phi lấy khẩu súng khỏi Sellito và giữ nó bên cạnh, không có đạn, ổ đạn mở ra, theo đúng các nguyên tắc sau khi một sĩ quan cảnh sát nổ súng.
Sellito nhìn vào đôi mắt của người đàn ông cao lớn và nói: “Tôi đã luống cuống với khẩu súng của mình”.
Viên chỉ huy gật đầu chậm rãi và quay sang Amelia Sachs. “Cô ổn chứ?”
Cô nhún vai. “Không có gì cả. Viên đạn bắn vào đâu đó không gần chỗ tôi.”
Sellito có thể thấy viên chỉ huy biết rằng cô ấy không quan tâm tới sự việc, làm ra vẻ như nó không quan trọng lắm. Việc cô bảo vệ anh viên cảnh sát to béo thậm chí càng cảm thấy khổ sở hơn.
“Dù sao thì cô cũng gặp nguy hiểm”, viên chỉ huy nói.
“Nó không hề...”
“Cô có thấy nguy hiểm không?”
“Vâng, thưa ngài.” Sachs nói.
Viên đạn 38 ly đã bay cách cô chỉ gần một mét. Sellito biết điều đó. Cô biết điều đó.
Không gần chỗ tôi...
Viên chỉ huy xem xét căn nhà kho. “Điều này không xảy ra, hung thủ vẫn trốn thoát?”
“Vâng”, Bo Haumann nói.
“Anh có chắc là nó không liên quan tới việc hung thủ trốn thoát chứ? Sẽ có người điều tra về vấn đề này.”
Người chỉ huy đội ESU gật đầu. “Có vẻ như hung thù đã trèo lên mái nhà kho và chạy theo hướng bắc hoặc nam - nhiều khả năng là nam. Phát đạn” - anh hất đầu về phía khẩu súng của Sellito, - “xảy ra ngay sau khi chúng tôi đã bảo đảm các tòa nhà kế cận an toàn.”
Sellito nghĩ một lần nữa, Chuyện gì đang xảy ra với mình vậy?
Phụp, phụp, phụp...
Viên chỉ huy hỏi: “Tại sao cậu lại rút súng ra?”.
“Tôi không nghĩ rằng sẽ có người đi lên qua cửa tầng hầm.”
“Cậu không nghe thấy tin truyền qua điện đàm về việc tòa nhà đã được kiểm tra kỹ à?”
Một chút lưỡng lự. “Tôi không nghe thấy.” Lần gần nhất mà Lon Sellito nói dối một chỉ huy là để bảo vệ một tay lính mới đã không làm theo những bước như quy định khi anh ta cố cứu một nạn nhân bị bắt cóc, và anh đã chủ ý làm như vậy. Đó là một lời nói dối vô hại. Còn đây là lời nói dối để bao biện cho mình và khi thốt ra điều đó, anh đau đớn như bị gãy một chiếc xương.
Viên chỉ huy nhìn quanh hiện trường. Một vài sĩ quan ESU đi loanh quanh. Không ai nhìn Sellito. Họ có vẻ cảm thấy xấu hổ thay cho anh. Viên chỉ huy cuối cùng nói: “Không có thương tích, không có thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Tôi sẽ làm một bản báo cáo, nhưng có thể sẽ có hoặc không có một ban thẩm tra về vụ nổ súng. Tôi sẽ không đề cập đến nó.”
Sellito thở phào như vừa nhấc được hòn đá ra khỏi ngực mình. Một ban thẩm tra về vụ nổ súng chỉ cách một bước ngắn tới cuộc điều tra của bộ Nội vụ và điều đó sẽ ảnh hưởng tới thanh danh sau này. Ngay cả khi bạn trong sạch, những vết nhọ lưu lại trong hồ sơ một thời gian dài, rất dài. Đôi khi là mãi mãi.
“Anh muốn có chút thời gian để nghỉ ngơi chứ?”, viên chỉ huy hỏi.
“Không, thưa ngài.” Sellitto trả lời một cách quả quyết.
Điều tồi tệ nhất trong thế giới của anh - hay bất cứ một cảnh sát nào - là phải nghỉ việc một thời gian sau sự vụ như thế này. Anh sẽ suy nghĩ một thời gian dài, sẽ nhồi nhét mình ngập trong đống đồ ăn vặt, sẽ rơi vào tâm trạng cáu kỉnh đáng ghét với bất cứ ai xung quanh. Và anh thậm chí còn hoảng sợ hơn cả lúc này. (Anh vẫn còn nhớ sự xấu hổ khi nhảy như một cô bé học sinh vì tiếng nổ máy của xe tải lúc trước đó.)
“Tôi không biết.” Viên chỉ huy có quyền đưa ra yêu cầu tạm nghỉ việc bắt buộc, ông muốn hỏi ý kiến của Sachs nhưng điều đó có lẽ là không đúng. Cô ấy là một thanh tra trẻ, cấp thấp. Sự do dự của viên chỉ huy trong việc đưa ra quyết định vẫn là nhằm tạo cơ hội cho Sachs xen vào. Để nói, có thể là, Này, Lon, đẩy là một ý tốt đấy. Hoặc: Được rồi. Chúng tôi sẽ giải quyết công việc mà không cần cậu.
Thay vào đó, cô chẳng nói gì hết. Mà họ đều ngầm hiểu rằng đó là một phiếu ủng hộ cho sự giúp đỡ của ông. Viên chỉ huy hỏi: “Tôi hiểu một vài nhân chứng bị giết ngay trước mặt cậu ngày hôm nay, đúng không? Điều đó chắc có ảnh hưởng tới cậu chứ?”.
Có, không...
“Thật khó để nói được.”
Lại là một cuộc tranh cãi dài khác. Nhưng dù nói bất cứ điều gì về một vị lãnh đạo, phải nhớ rằng họ không phải được thăng cấp trong Sở cảnh sát New York mà không hề biết chút gì về cuộc sống trên đường phố và ảnh hưởng của nó tới một cảnh sát. “Được rồi, tôi sẽ vẫn cho cậu tiếp tục làm việc. Nhưng cậu nên đến gặp một chuyên gia tâm lý.”
Mặt anh nóng ran. Rùng mình. Nhưng anh nói: “Chắc chắn rồi. Tôi sẽ lên lịch hẹn ng, thưa ngài”.
“Tốt lắm. Và hãy thường xuyên báo cáo tình hình cho tôi.”
“Vâng, thưa ngài.”
Viên chỉ huy trả lại khẩu súng cho Sellito và đi bộ về Sở chỉ huy cùng với Bo Haumann. Sellito và Sachs đi về phía xe phản ứng nhanh của đơn vị Khám nghiệm hiện trường vừa mới đến.
“Amelia...”
“Quên nó đi, Lon. Sự việc đã xảy ra và cũng kết thúc rồi. Những phát đạn từ đồng đội là điều có thể xảy ra thường xuyên.” Theo thống kê, các cảnh sát có nhiều nguy cơ bị bắn bởi chính những viên đạn của đồng đội hơn là bởi tội phạm.
Viên cảnh sát to lớn nặng nề lắc đầu. “Tôi chỉ…” Sellito không biết phải nói gì nữa.
Một khoảng im lặng kéo dài khi họ đi về phía chiếc xe buýt. Cuối cùng Sachs nói: “Một điều, Lon. Thế giới quay vòng quanh. Anh biết nó như thế nào. Nhưng không một ai ở ngoài biết về câu chuyện này. Và nếu có thì không phải từ tôi”. Không giữ điện đàm - một dạng mạng lưới truyền tin đồn của cảnh sát - Lincoln Rhyme chỉ biết về sự việc từ một trong những cảnh sát.
“Tôi không thắc mắc về điều đó.”
“Tôi biết”, cô nói. “Chỉ nói với anh rằng tôi sẽ xử lý sự việc như thế nào.” Cô bắt đầu tháo dỡ trang thiết bị nghiên cứu hiện trường.
“Cảm ơn”, anh nói với một giọng trầm đặc. Và nhận ra những ngón tay trên bàn tay trái của mình lại thò lên vị trí của vết máu vô hình trên má.
Phụp, phụp, phụp...
“Không có nhiều thông tin lắm, Rhyme.”
“Cứ nói đi”, anh nói qua tai nghe.
Trong bộ quần áo Tyvek màu trắng, cô đang khám nghiệm hiện trường theo phương pháp kẻ ô vuông tại căn hộ nhỏ - hay nói đúng hơn là nơi ẩn náu tạm thời của nghi phạm, họ biết điều đó bởi sự sơ sài của nó.
Hầu hết những tên giết người chuyên nghiệp đều có một nơi như vậy. Chúng cất giấu vũ khí và các nhu yếu phẩm ở đó, tận dụng nó như là một trạm nghỉ, một chỗ trú để tránh những ộc tấn công đồng thời là một chỗ ẩn mình nếu như công việc có chuyển biến xấu.
“Có những gì bên trong?”, anh hỏi.
“Một chiếc giường nhỏ, một cái bàn và một cái ghế. Đèn bàn. Một chiếc ti vi nối với camera an ninh treo ở hành lang bên ngoài. Đó là một hệ thống Kỹ thuật thu phát nhưng hắn đã xóa miếng dán ghi số seri nên chúng ta không thể biết nó được mua từ khi nào và ở đâu. Em tìm thấy những sợi dây điện và các đầu chuyển cho nguồn điện hắn gắn vào cánh cửa. Những bức ảnh tĩnh điện cho thấy dấu giày khớp với dấu giày Bass chúng ta đã có. Em đã quét sạch mọi ngóc ngách và không tìm thấy một dấu tay nào. Đeo găng tay chính ngay trong chỗ ẩn náu - hắn đang làm cái gì nhỉ?”
Rhyme suy đoán: “Ngoài sự thật là hắn quá thông minh? Nhiều khả năng hắn không bảo vệ căn hộ thực sự cẩn thận và biết trước rằng nó sẽ bị phát hiện một lúc nào đó. Anh chi cần một dấu tay mà thôi. Chắc chắn hắn nằm trong danh sách đen ở đâu đó rồi. Có thể là rất nhiều nơi”.
“Em tìm thấy phần còn lại của bộ bài tarot, nhưng không có nhãn cửa hàng. Và lá bài thiếu duy nhất là lá bài số mười hai, lá bài hắn để lại hiện trường. Được rồi, em sẽ tìm kiếm tiếp.”
Cô tiếp tục khám xét bằng cách đi ô vuông một cách cần thận - dù cho căn hộ nhỏ và ta có thể quan sát hầu hết căn phòng chỉ đơn giản bằng cách đứng ở giữa và xoay ba trăm sáu mươi độ. Sachs tìm thấy một phần bằng chứng được cất giấu: Khi đi qua chiếc giường, cô phát hiện một mẩu nhỏ thò ra bên dưới chiếc gối và rút nó ra, mở miếng giấy gấp một cách cẩn thận.
“Có một vật gì đó ở đây, Rhyme. Tấm bản đồ con phố có bảo tàng Mỹ - Phi. Có rất nhiều chi tiết ghi chép về các hành lang, con hẻm và lối vào, lối thoát của tất cả các tòa nhà xung quanh, nhà kho, bãi đậu xe, đường dẫn nước, lỗ cống, bốt điện thoại trà trước. Hắn là một người theo chủ nghĩa hoàn hảo.”
Không có nhiều sát thủ dính vào quá nhiều rắc rối thế này với một công việc được thuê. “Có vài vết gì đó trên nó nữa. Và một vài mẩu vụn. Màu nâu.” Sachs hít thử. “Tỏi. Mẩu vụn như kiểu thức ăn.” Cô thả tấm bản đồ vào trong một chiếc phong bì nhựa và tiếp tục tìm kiếm.
“Em có thêm ít sợi vải nữa, giống với những thứ trước - sợi thừng cotton, em đoán vậy. Một ít bụi bẩn. Vậy đấy.”
“Ước gì anh có thể thấy hiện trường.” Giọng của Lincoln dần dần chuyển sang im lặng.
“Rhyme?”
“Anh đang tưởng tượng trong đầu”, anh thì thầm. Im lặng một chút nữa. Rồi tiếp: “Có gì trên mặt bàn không?”.
“Không có gì cả. Em đã nói...”
“Anh không ám chỉ cái gì trên mặt bàn. Ý anh là, nó có vết gì không? Mực? Hình vẽ? Vết dao? Hay là vết đáy cốc cà phê?” Anh nói tiếp bằng một giọng gay gắt: “Khi một hung thủ bất lịch sự đến mức không để lại hóa đơn tiền điện nằm đâu đó, ta phải lấy những gì ta có thể”.
À, vậy là cái tâm trạng tốt lành đã chính thức tan biến.
Cô kiểm tra kỹ cái mặt bàn bằng gỗ. “Nó có vệt, đúng vậy. Vết xước và vết hằn.”
“Bằng gỗ à?”
“Đúng.”
“Lấy một ít mẫu về đây. Dùng một con dao và cạo bề mặt.”
Sachs tìm thấy một con dao mổ trong túi đựng dụng cụ khám nghiệm. Giống với những con dao được dùng trong phòng phẫu thuật, nó được tiệt trùng và đóng gói trong tờ giấy và túi nhựa. Cô cạo cẩn thận một ít gỗ ở bề mặt và đặt chúng vào những chiếc túi nhựa nhỏ.
Khi cúi xuống, cô phát hiện ra một tia sáng lóe ra từ mép bàn. Sachs nhìn kỹ hơn.
“Rhyme, tìm thấy một vài giọt chất lỏng. Nó trong suốt.”
“Trước khi em lấy một ít mẫu về, thử cho vào một giọt với một ít Mirage xem. Đi cùng với Exspray số Hai. Gã này rất thích kiểu đồ chơi chết người.”
Công nghệ Mirage tạo ra một hệ thống phát hiện chất gây nổ một cách nhanh chóng và hiệu quả. Expray số Hai có thể phát hiện những chất nổ nhóm B, gồm có những chất nitroglycerin trong suốt và tính không ổn định cao, chỉ cần một giọt cũng có thể thổi bay bàn tay.
Sachs kiểm tra một giọt. Nếu như đó là chất nổ, thì nó sẽ chuyển sang màu hồng. Không có gì thay đổi. Cô tiếp tục thử cũng giọt đó bằng Spray số Ba, chỉ để bảo đảm rằng - nó sẽ chỉ ra sự có mặt của bất cứ nitrat nào, nhân tố chủ chốt trong hầu hết các chất nổ, không chỉ nitroglycerin.
“m tính, Rhyme.” Cô lấy giọt thứ hai của chất lỏng ấy và đưa vào một ống thủy tinh, đậy kín nó lại.
“Thế là xong rồi, Rhyme.”
“Mang tất cả về đây, Sachs. Chúng ta cần nhanh chân hơn gã này. Nếu hắn có thể trốn thoát đội ESU dễ dàng như vậy, điều đó có nghĩa là hắn cũng có thể tiếp cận Geneva nhanh tương tự.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.