Lão Đại Là Nữ Lang

Chương 50:




Nửa đêm, người hầu Phó gia gõ cửa, tiếng chó sủa vang lên ầm ĩ, Khổng tú tài khoác áo đứng dậy, một tay cầm đèn, một tay đặt trước đèn che cho ngọn lửa leo lét khỏi phụt tắt trong gió. Ra tới nơi, hắn nhìn thấy trước cổng là một đám người đông nghịt, mười mấy tôi tớ đứng xung quanh Phó Vân Chương. Nhiều người như thế mà chỉ thắp có hai chiếc đèn lồng, từ chỗ tối vọng ra tiếng ngựa hí và tiếng bánh xe lọc cọc cán trên mặt đường gồ ghề, có thể lờ mờ trông thấy hai chiếc xe ngựa đang đứng chờ ở góc đường.
Dưới ánh đèn leo lét, khuôn mặt thanh tú đoan chính của Phó Vân Chương hiện ra, y mặc một chiếc đạo bào màu xanh ngọc, tóc quấn nho khăn, lưng đeo đai lụa, chân đi ủng đi đường cao cổ, đứng trong gió đêm. Nghe tiếng mở cửa, Phó Vân Chương ngước mắt lên nhìn hắn, gật đầu chào hỏi. Thư đồng phía sau cõng một rương sách, có vẻ là sắp lên đường.
Khổng tú tài dở khóc dở cười, khép cổ áo lại cho khỏi lạnh, run run nói: "Nghe nói đệ sẽ tham dự hội đèn lồng trung thu lần này, các tiểu nương tử xinh đẹp trong huyện đã vơ vét đủ loại đồ trang sức và vải vóc quý hiếm từ khắp các cửa hàng, thế mà đệ lại thế này, chẳng báo với ai một câu mà đã đi là thế nào?"
Phó Vân Chương mỉm cười: "Ta đi lần này, nhanh thì hai năm, chậm thì ba năm mới trở về được, chuyện trong nhà phải nhờ huynh lo lắng giúp."
Gió thu hiu hiu thổi, đây là đợt lạnh nhất từ đầu mùa thu đến giờ, Khổng tú tài vừa mới từ trong chăn chui ra, lạnh đến mức run lên cầm cập, lui ra phía sau một bước, mời Phó Vân Chương vào nhà nói chuyện, cười nói: "Cái gì mà lo lắng với chẳng không lo lắng, đệ tin ta như thế, ta vui còn chẳng hết. Chờ tới ngày đệ đỗ đạt, ta sẽ mặt dày mày dạn tới tìm đệ đòi thù lao. Đến lúc đó đệ không nói không quen biết gì ta là được, nhớ đấy!"
Phó Vân Chương xua tay, từ chối vào trong, đưa mắt nhìn hai bên, thư đồng và những tôi tớ khác khom lưng lui người ra phía sau tới tận góc đường mới dừng lại.
Y chậm rãi dặn dò: "Chuyện sổ sách ta đã giao cho người thích hợp quản lý, cửa hàng, đồng ruộng, thôn trang mỗi thứ do một người khác nhau lo liệu, ngày kia họ sẽ mang sổ sách năm nay tới gặp huynh. Họ đều là những người thật thà, chất phác, ta đi rồi, họ có thể sẽ mắc sai lầm, huynh cũng đừng trách móc nặng nề, của cải giữ được là được rồi."
Y nói câu nào, Khổng tú tài lên tiếng đồng ý câu đó.
nói xong chuyện công việc, Phó Vân Chương khẽ nói tiếp: "Mẹ và em gái ta cũng phiền huynh chăm sóc giúp. Hôm qua ta đã răn dạy Phó Dung, con bé đó chỉ biết bắt nạt người trong nhà, với tình tình của nó, trong vòng ít nhất nửa năm chắc chắn không dám gây chuyện thị phi. Nếu nó lại làm loạn, không cần khuyên nhủ gì cả, phạt cấm túc cho tới khi ta trở về. Trước khi ta trở về, dù có bất kỳ ai tới nhà cầu hôn cũng phải cố hết sức lần lữa, không có sự đồng ý của ta, Phó Dung không được phép đính hôn."
Khổng tú tài gật đầu: "Đệ yên tâm, ta hiểu."
Phó Dung là em gái của Phó Vân Chương, nếu có người thừa dịp Phó Vân Chương không ở nhà mà lừa Trần lão thái thái đồng ý chuyện hôn nhân của Phó Dung, làm cho Phó Vân Chương tự dưng dính phải một nhà thông gia không ra gì thì dù Phó Vân Chương có đỗ Trạng nguyên đi chăng nữa, tới khi về cũng chỉ có thể chấp nhận gã em rể này. Cách tốt nhất là đợi Phó Vân Chương trở về mới chọn rể cho Phó Dung.
"Về phần mẹ ta..." Phó Vân Chương chần chừ một chút rồi mới nói, "Mấy năm gần đây cảm xúc của mẹ ta không ổn định, lúc mừng lúc giận, không còn giữ được bình tĩnh như xưa..."
Tình cảm mẹ con giữa Trần lão thái thái và Phó Vân Chương lúc tốt lúc xấu, lúc gần lúc xa luôn là lo lắng lớn nhất của Phó Vân Chương, Khổng tú tài quen biết y đã nhiều năm, đương nhiên cũng biết chuyện này, hơn nữa lại là chuyện khó nói, thầm thở dài trong lòng.
hắn còn nhớ ngày bọn họ còn nhỏ, hằng ngày đi học đường đọc sách với nhau. Phó Vân Chương ở xa trường, hôm nào cũng phải lên thuyền đi đi về về, mỗi lần qua sông là một văn tiền, ngày nào cũng thế nên khoản tiền phải bỏ ra cũng không phải là nhỏ. Để chu cấp cho Phó Vân Chương đi học, Trần lão thái thái ngày ngày dậy sớm dệt vải, dệt tới tận nửa đêm mới được nghỉ ngơi. Khi đó Phó Vân Chương từng nói, chờ y thi đỗ nhất định sẽ chăm sóc mẹ y thật tốt, để mẹ y có thể sống những tháng ngày giàu sang phú quý, có cơm bưng nước rót, có nha hoàn nô bộc hầu hạ.
Năm tháng qua đi, Phó Vân Chương cuối cùng cũng thực hiện được lời thề nhưng Trần lão thái thái lại bỗng nhiên trở nên xa cách với y, nhiều khi hai mẹ con ngồi đối diện nhau trên một bàn ăn mà không nói không rằng, mỗi lần nói chuyện là y rằng lại cãi cọ.
Phó Vân Chương cho rằng mẹ y trách cứ chuyện y đỗ cử nhân xong lại tập trung vào việc vực lại gia nghiệp tổ tiên mà bỏ bê học hành nên mới tức giận như thế. Nhưng là người ngoài, Khổng tú tài biết lý do không phải nằm ở đó.
Trần lão thái thái vất vả nửa đời người bỗng nhiên một ngày lại được nở mày nở mặt, không chỉ có cuộc sống hoàn toàn thay đổi, đến tính tình cũng đổi khác. Tuy Phó Vân Chương luôn lãnh đạm với mọi người nhưng thực ra y lại là người trời sinh ôn hòa, lương thiện, tính cách này hoàn toàn đối lập với sự nóng nảy, cay nghiệt gần đây của mẹ y. sự khác biệt càng lúc càng lớn, hai mẹ con lại không còn phải sống nương tựa lẫn nhau như những ngày tháng gian khổ trước đây nên càng lúc càng thiếu đi sự đồng cảm.
Trước đây, Trần lão thái thái cũng từng là một người phụ nữ dịu dàng, hiền hòa. Ngày còn ít tuổi, Khổng tú tài từng ngủ lại ở Phó gia nhiều lần. Khi ấy những bữa ăn cũng chỉ là cơm canh đạm bạc nhưng Trần lão thái thái đối xử với hắn rất thân thiện. Giờ Trần lão thái thái lúc nào cũng lạnh lùng, không cần phải quát mắng gì, khuôn mặt đầy nếp nhăn của bà đã thể hiện sự độc đoán, khắc nghiệt.
"Ta quen biết đệ nhiều năm như vậy, lão thái thái cũng biết ta từ nhỏ đến lớn, chắc sẽ không làm khó ta, đệ cứ yên tâm đi." Khổng tú tài ngắt lời Phó Vân Chương, khẽ nói, "Ta học hành không bằng đệ, nhưng dỗ dành, nịnh bợ cho người lớn vui lòng thì giỏi hơn đệ nhiều, chỉ sợ tới ngày đệ trở về, lão thái thái đã coi ta như con ruột, đến lúc đó đệ không được ghen tỵ đâu đấy."
Phó Vân Chương cười, trầm mặc trong giây lát, những chuyện khác đều đã dặn dò từ trước, Khổng tú tài và y quen biết nhiều năm, không cần nhắc lại nữa.
"Còn anh tỷ nhi." Y nhắc đến chuyện sau cùng. "Con bé từ nhỏ đã mất cha, tính tình trầm lặng khép kín, không hòa đồng, thực sự khiến ta lo lắng, ta đã bảo con bé nếu có gì khó khăn thì tới tìm huynh..."
nói tới đây, y day day ấn đường, cười lắc đầu, "Kể cả khi con bé thật sự gặp rắc rối thì gần như chắc chắn cũng không tới nhờ huynh giúp đỡ."
Khổng tú tài vỗ tay bật cười, suýt nữa làm đổ đèn dầu, "anh tỷ nhi không tới, ta sẽ chủ động qua nhà xin anh tỷ nhi hãy để ta giúp đỡ, thế đã được chưa? Ta mặt dày mày dạn, anh tỷ nhi có đuổi ta cũng không đi."
Phó Vân Chương nhẹ nhàng ừ một tiếng.
Họ còn nói thêm mấy chuyện vụn vặt khác, đêm dần bớt lạnh, phía chân trời, một vầng sáng dần ửng lên.
Hai người nhìn nhau mỉm cười, chắp tay bái biệt.
Khổng tú tài đứng khoanh tay nhìn theo đoàn người đưa Phó Vân Chương đi càng lúc càng xa.
Tiếng xe ngựa lại làm chó nhà nào đó giật mình, tiếng chó sủa vang lên từng tràng, càng sủa càng to, gà vịt ngan ngỗng trong ngõ nhỏ đều bị đánh thức, gà trống gáy o o, vịt kêu quang quác, ngỗng kêu cạc cạc, những người đàn bà dậy sớm đứng trong viện quát mắng chồng con, trẻ con gào khóc nỉ non, đủ loại âm thanh hòa vào nhau, thúc dục mặt trời ló rạng.
Bình minh lên, những vầng mây lộng lẫy tản ra, ánh nắng lấp ánh dần dần xuất hiện chiếu sáng khắp không gian. Thành nhỏ ngủ say suốt một đêm giờ tắm trong ánh mặt trời sáng sớm lấp ló đằng sau mái hiên.
Khổng tú tài đứng ngẩn ra hồi lâu, lẩm bẩm: không tệ, là điềm tốt.
oOo​
Tới khi người Phó gia biết nhị thiếu gia Phó Vân Chương đã lặng lẽ rời huyện Hoàng Châu từ khi trời còn chưa sáng thì đã là giữa trưa.
Phó Vân anh có thể đoán được phản ứng của những người khác trong huyện, đơn giản là ngạc nhiên và thất vọng, trong đó những người bị tổn thương nhất chính là những tiểu nương tử đã may áo, đánh trang sức mới, trang điểm thật lộng lẫy để chờ gặp được y đêm hội đèn lồng.
"Trần tỷ tỷ khóc lên khóc xuống."
Ăn trưa xong, Phó Quế nắm một vốc hạt dưa sang Đan Ánh Sơn Quán tán chuyện với Phó Vân anh, vừa cắn hạt dưa vừa kể chuyện.
Con gái Trần tri huyện ái mộ Phó Vân Chương đã lâu nhưng hoa rơi hữu ý, nước chảy vô tình. Trần tiểu thư cũng không có ý định nài ép gì, nhưng phải cái Phó Vân Chương lại mãi không đính hôn nên vô tình tiếp cho nàng thêm chút hy vọng, ngóng trông có một ngày Phó Vân Chương thay đổi suy nghĩ của mình. Phó Vân Chương thường xuyên tới phủ Võ Xương tham gia các loại hội thơ hội văn, cũng không hay ở nhà. Mấy năm gần đây, hội đèn lồng trung thu năm nào y cũng ở phủ Võ Xương. Riêng năm nay, thời gian y ở huyện Hoàng Châu lâu hơn hẳn mọi năm, hội đèn lồng lại sắp đến, Trần tiểu thư và các tiểu thư khác trong huyện chắc mẩm năm nay y sẽ ở nhà ăn tết Trung thu nên vui mừng khôn xiết. Các tiểu thư âm thầm thi đua cao thấp với nhau, ai cũng muốn mình sẽ nổi bật trước mặt Phó Vân Chương, nếu nổi bật đến độ vừa gặp đã thương thì càng tốt. Đúng ngày trung thu, các tiểu thư dậy thật sớm, xông hương, thoa son, thoa phấn, trang điểm lộng lẫy xong xuôi, còn chưa tới lúc ganh đua cao thấp với người khác thì đã nghe người nhà hoặc nha hoàn báo tin Phó Vân Chương đã đi rồi!
Trần tiểu thư ngay lập tức khóc nức nở, gương mặt trang điểm mất hơn một canh giờ cũng nhòe nhoẹt theo dòng nước mắt.
Những chuyện này là do người tới chải đầu kể cho Lư thị, người này không những tạo được những kiểu tóc độc đáo phức tạp mà còn biết trang điểm, thường ra vào nội viện mấy nhà giàu có nên cũng biết các bà các cô nơi này thích nhất là mấy tin đồn như thế.
Phó Vân anh đứng bên bàn vẽ xong một bản phác thảo sơ lược, mỉm cười không nói.
Triệu sư gia đúng là cứ như trẻ con, dù Phó tứ lão gia chuẩn bị nhiều lễ vật như thế cho ông ta mang về, ông ta vẫn nhất định đòi quà bái sư từ nàng. Nàng suy nghĩ, thấy không nên lãng phí thời gian rào trước đón sau với Triệu sư gia nên hỏi thẳng ông ta thích cái gì. Triệu sư gia tươi cười, nói ông ta thích bức tranh "Trăng sáng đêm Trung thu" của Triệu Thiện, nhưng lại ngại xin Triệu Thiện, muốn nàng vẽ lại một bức tặng cho ông ta.
Phó Vân anh thần kinh ngạc, không có bản gốc, nàng vẽ lại thế nào được?
Cũng may Triệu sư gia lần này tớ đây với mục đích nhận học trò nên đã chuẩn bị sẵn, lấy bản gốc thật sự ra. Hóa ra bức tranh"Trăng sáng đêm Trung thu" của Triệu Thiện cũng là tranh vẽ lại nhưng Triệu sư gia lại thích bức tranh của Triệu thị hơn bản gốc.
"Bà ấy tăng kích thước lá sen lên, phiến lá rất lớn, nhưng vẫn uyển chuyển nhẹ nhàng." Triệu sư gia nhắc đi nhắc lại rằng điểm mình thích ở bức tranh của Triệu Thiện là hình ảnh lá sen phủ kín nửa hồ, nhấn mạnh cái hồ sen đó đẹp hơn trong bản gốc nhiều, "Ngươi cứ vẽ theo bức họa này, riêng lá sen thì vẽ to hơn là được."
nói một cách đơn giản, ông ta tự nhiên lôi ra một bức họa bắt nàng vẽ lại, lại còn yêu cầu nàng vừa vẽ lại vừa tưởng tượng ra bức tranh nàng chưa bao giờ nhìn thấy của Triệu Thiện để thay đổi vài chi tiếp, thực ra cũng không quá khó nhưng ý tưởng này thật kì quái.
Ban đầu, Phó Vân anh vốn định bảo Triệu sư gia đổi yêu cầu khác nhưng suy nghĩ một hồi lại đổi ý, gạt bức họa gốc kia sang một bên, chỉ vẽ mình lá sen.
Triệu sư gia thích lá sen dưới ngòi bút của Triệu Thiện, vậy thì nàng sẽ dựa theo sở thích của ông ta, vẽ lá sen cho đẹp đã, tới khi nào Triệu sư gia hài lòng với lá sen của nàng, nàng sẽ vẽ lại toàn bộ bức "Trăng sáng đêm Trung thu" kia sau.
Tối hôm qua, đầu tiên nàng phác họa hình dạng cơ bản của lá sen, để mực khô một nửa mới vẽ thêm gân lá, đỉnh lá. Tới hôm nay, đợi cho mực khô hoàn toàn mới dùng màu hoa thanh tô màu cho lá. Sau đó, nàng lại vẽ một bức khác, để tiết kiệm công sức, mỗi lần nàng chỉ vẽ một phiến lá.
Triệu sư gia là người hấp tấp, lúc nói chuyện lại tiếp tục ám chỉ chuyện muốn đưa nàng đi phủ Võ Xương bái kiến Triệu Thiện, "Cầm kỳ thư họa, ngươi chọn một cái đi, học hành cũng không thể đọc sách thôi là được, có nhiều loại kiến thức thanh cao văn nhã mà trong sách cũng không có mà học."
Phó Vân anh hỏi ý Phó tứ lão gia về chuyện này.
Phó tứ lão gia vừa mừng vừa sợ, đồng ý ngay. Ông còn nói ông sẽ đích thân đưa nàng tới phủ Võ Xương, nếu được thì ở lại đó cũng không sao, ông sẽ cử mấy người hầu trung hậu, thật thà tới phủ Võ Xương chăm sóc cho nàng, hoặc là Hàn thị chuyển qua đó luôn cũng được, "Con không cần lo lắng về bà nội con, chuyện này tứ thúc quyết là được."
Thôi được, Triệu sư gia mới nói bóng nói gió mà Phó tứ lão gia đã làm triệt để như thế, một người thổi tới một đám mây đen, người kia đã cho mưa xuống xối xả không kiêng dè gì.
Trước đây, Phó Vân anh từng nghe nói những bậc thầy danh tiếng như Triệu Thiện nhận học trò cũng không giống bình thường, quan hệ thầy trò trong giới hội họa hơi có cảm giác "giang hồ".
trên văn đàn có các trường phái khác nhau, trong giới hội họa cũng có, giới hội họa đương thời chủ yếu thiên về trường phái vẽ tranh của văn nhân. Muốn trở thành danh họa, đầu tiên là phải đọc mòn kinh thư sách vở, nếu không thì dù có vẽ đẹp đến đâu cũng không được người đời đánh giá cao.
nói một cách đơn giản, người đời cho rằng chỉ có những bức họa dưới ngòi bút của những người có học vấn cao mới có phong cách, có linh hồn, có tình cảm, có thần có cốt, có ý nghĩa sâu xa; còn những họa sĩ chỉ lấy việc vẽ tranh làm công cụ kiếm tiền thì tranh vẽ của họ cũng chỉ được coi là đồ trang trí trong nhà, tựa như thứ đồ chơi không mấy giá trị mà thôi.
Đến những người chuyên vẽ tranh cho hoàng tộc như họa sư cung đình ở kinh sư, tài giỏi thì tài giỏi thật nhưng luôn luôn vị các văn nhân bài xích, chính bản thân bọn họ cũng tự ti, không dám ngẩng cao đầu.
Triệu Thiện là đích nữ của Triệu gia, tuy rằng về sau gia tộc xuống dốc nhưng vẫn là dòng dõi thư hương, thuộc về trường phái vẽ tranh của văn nhân. Nếu như Phó Vân anh bái bà làm thầy, tất sẽ phải gia nhập trường phái này.
Phó Vân anh hiện giờ vẫn chưa muốn đi phủ Võ Xương.
Phó Quế thấy nàng bận rộn như thế mà vẫn phải nghe mình kể chuyện dong dài cũng hơi xấu hổ. Ăn nhiều hạt dưa tới mức khát khô cả cổ, Phó Quế đứng dậy, rót hai ly trà rồi bưng khay trà tới bên cửa sổ, đặt một ly lên bàn cho Phó Vân anh, "anh tỷ nhi, uống trà đi này."
Phó Vân anh ừm một tiếng nhưng cũng chưa động vào.
Tới khi nước trà nguội lạnh, Phó Vân anh còn chưa uống được ngụm nào, Lư thị đã sai nha hoàn sang đây mời hai cháu gái đi chính viện, người lớn trong nhà đều đã chải đầu xong, giờ tới lượt ba chị em họ sang bên đó để người ta bới tóc cho.
Lời tác giả:
Phần về các trường phái hội họa do tác giả tự viết. Trong lịch sử, mỗi triều đại lại có những trường phái khác nhau, phức tạp hơn trong truyện rất nhiều.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.