Linh Phong Địch Ảnh

Chương 1: Tần Hoài mỹ nữ




Trời đã xế chiều.
Bóng tà dương đỏ rực nhuộm vào những áng mây phản chiếu xuống dòng sông Tần Hoài, khiến cho những gợn sóng lăn tăn trên mặt sông ánh lên sắc đỏ nhức mắt.
Lúc này những chiếc thuyền hoa cập gần sát mé sông đều đã sáng rực ánh đèn, những chiếc đèn lồng lung linh ngũ sắc tụ lại bên bờ sông từ xa nhìn lại tựa như một con rồng hoa đang uốn lượn trên mặt sông.
Màn đêm dần dần phủ xuống bên bờ sông Tần Hoài càng lúc càng náo nhiệt hơn.
Có những du khách ngồi chễm chệ trên kiệu, hay ngồi đường hoàng trên xe từ phương xa đến.
Cũng có không ít những thiếu niên trẻ tuổi dạo gót nhàn du từ phía trong thành cũng lạc bước tới đây.
Bọn họ tuy đến từ nhiều hướng khác nhau, song có cùng chung một mục đích, đều đi tìm kiếm những đêm hoan lạc cho mình mà thôi. Chỉ có những tên phu xe khiêng kiệu vì công việc làm để kiếm miếng cơm sinh sống qua ngày nên sau khi đưa khách lên thuyền có kẻ vội vã quay đầu vào trong thành, còn một số dừng lại nghỉ chân trong những túp lều.
Những túp lều tranh được cất lên sơ sài, có vài tiểu điếm để khách uống rượu dùng cơm, cũng có một số để cho khách ngồi uống trà thưởng ngoạn phong cảnh bên sông, so với tửu lầu nơi Phu Tử miếu thì quả là kém xa một trời một vực.
Lúc này trong những túp lều bán cơm ở đây, thực khách đến ăn mỗi lúc một đông, tửu điếm cơ hồ như không còn chỗ chen chân, trong đám khách này đa số là bọn phu xe khiêng kiệu hạ lưu nên phía trong lều không khí cực kỳ huyên náo.
Bọn này tuy suốt đời không có khả năng đặt chân lên những chiếc thuyền hoa bên sông, nhưng mà bọn họ cứ ồn ào thao thao bất tuyệt, nói chuyện, bàn tán về các cô nương ở trên thuyền hoa.
Chỉ cần vài gã tụ tập quanh một chiếc bàn kêu hai hồ rượu là câu chuyện nổ ra như pháo liên thanh, họ chẳng hề quan tâm tới việc của mấy ông khách trên thuyền mà chỉ cãi nhau xem cô nương trên thuyền nào có công phu chiều lòng khách đệ nhất, nói ầm ĩ một hồi rồi chợt bật cười hô hố ra chiều hết sức khoái trá. Quang cảnh ồn ào huyên náo, ở bàn nào cũng giống như bàn đó, so sánh với cảnh tượng diễn ra trên các thuyền hoa bên sông quả là vô cùng khác lạ.
Đặc biệt là những con thuyền đậu ở hạ du, so với các thuyền khác chỉ nhỏ bằng một nửa mà thôi. Chẳng những bài trí cực kỳ hoa lệ, ánh đèn lung linh ngũ sắc, mà trên thuyền lúc nào cũng có ca kỹ. Tiếng vui đùa hoan lạc từ trên thuyền theo gió vọng tới, khiến cho ai nghe thấy cũng có thể tưởng tượng được cảnh tình hoan lạc đang diễn ra trên thuyền vui đến độ nào.
Nhưng mà ai cũng chỉ ước vọng mà không thể nào bước lên thuyền được. Bởi vì gần bốn mươi con thuyền trên sông Tần Hoài chỉ cần mang theo năm lượng bạc là đủ để lên thuyền tìm vui một chuyến. Còn khoảng gần mười thuyền khác thì phải có hơn hai mươi lượng bạc mới dám bước lên thuyền uống rượu, hoan lạc đến đêm khuya.
Duy chỉ có ba chiếc thuyền hoa dừng bên Văn Đức Kiều nếu chẳng phải là bậc đại quan, nhã sĩ, phú gia vọng tộc thì chẳng được đặt chân đến. Là vì chỉ qua một đêm lạc thú mà phải phí hơn ngàn lạng bạc cũng chưa gọi là nhiều.
Độc nhất là chiếc thuyền hoa màu xanh biếc, nằm chính giữa hai chiếc thuyền hồng, phía ngoài có tấm biển đề ba chữ “Kỷ La Xuân” do Bạch Lãnh Thu cô nương sở hữu.
Bạch Lãnh Thu có thể nói là đệ nhất hoa vương, chẳng những nhan sắc diễm lệ tuyệt trần mà còn tinh thông cầm, kỳ, thư, họa thơ phú ca vũ. Cho đến những kẻ thường hay lui tới đều là những cao nhân nhã sĩ trong thành Kim Lăng.
Người nào cũng biết ba chữ đại tự Kỷ La Xuân ở bên ngoài thuyền đều do hai cha con Trạng Nguyên đương kim đại học sĩ Thành Mặc Lâm, Tri phủ Thành Duy Hàn đại nhân viết nên.
Vô luận là kẻ có mang bao nhiêu bạc vàng, nếu như không biết văn chương thì tuyệt đối không cách chi mà bước lên trên hoa thuyền Kỷ La Xuân. Hơn nữa, cho dù kẻ đó có uyên bác tới đâu chăng nữa nếu như không lọt vào mắt của Bạch Lãnh Thu thì cũng không được phép đến gần thuyền.
Song có điều kỳ dị là cho dù thân phận nàng cao quý như vậy, nhưng những kẻ thường hay lai vãng đến đây lại thường là những anh cùng nho nghèo hèn trong người không có một đồng tiền, bọn họ lên thuyền ngâm thơ, ca hát uống rượu mà không hề tốn một đồng bạc.
Nàng làm như vậy càng tăng thêm vẻ thân mật, mọi người không ai tưởng nổi nàng thông minh, xinh đẹp như vậy, chẳng trọng tiền tài lại không bán thân. Tại sao lại phải ở bên sông Tần Hoài kiếm kế sinh nhai.
Dung mạo và sở học của nàng như thế, chỉ cần nàng chịu gật đầu sẽ có không ít phú gia đem vàng mang ngọc hân hoan đón nàng về nhà. Nhưng nàng chưa hề nghĩ tới chuyện này bao giờ.
Thậm chí thiên hạ còn đồn rằng ngay cả Thành Duy Hàn tri phủ cũng muốn lấy nàng về làm thiếp, song nàng nhất mực cự tuyệt.
Thân thế nàng không ai biết rõ, lại thêm hành động bí hiểm như vậy khiến cho danh tiếng nàng càng lúc càng lan ra cho nên có quá nhiều người chỉ mong được thấy mặt nàng một lần. Thậm chí có những bậc vương tôn công tử từ thành Bắc Kinh xa xôi tìm đến, mang theo mấy vạn lượng vàng đợi ở Kim Lăng suốt mấy tháng trời vẫn không được thấy mặt nàng.
Lời đồn đại tán tụng nàng càng nhiều, việc kinh doanh trên sông Tần Hoài càng phát đạt. Có vô số người vì không gặp mặt tuyệt sắc giai nhân nên đành phải qua thuyền khác vui vầy hoan lạc với các kỹ nữ ở gần đó.
Một hôm từ một trà thất trong lều tranh bỗng truyền đi tin đồn nói rằng, ngày hôm qua lệnh đường của Thành Tri phủ mừng thọ lục tuần. Bạch Lãnh cô nương đến chúc thọ được Thành lão phu nhân nhận làm nghĩa nữ.
Thế là tin này được truyền bá đi khắp các lều tranh cơ hồ như ai cũng hiểu rằng Bạch Lãnh Thu cô nương đã liệt vào hàng quý phái.
Đang khi mọi người đàm luận huyên náo ồn ào trong lều tranh, đột nhiên một thiếu niên trẻ tuổi chân mang giày vải đen, mình vận y phục xanh đi vào trong tiểu phạn điếm Vạn gia hương.
Thiếu niên bước vào lều, chàng đi xuyên qua hai dãy ghế dài có những khách nhân đang ngồi nói chuyện ầm ĩ, chọn một chỗ ngồi trong góc lều rồi từ từ ngồi xuống.
Lúc này trong tiểu phạn điếm toàn là những tên vô danh tiểu tốt, y phục bẩn thỉu, tướng mạo thô lỗ cộc cằn, vừa thấy thiếu niên áo xanh bước vào lập tức khiến cho câu chuyện của mọi người đang xôn xao bàn luận bên chum rượu chợt ngừng lại. Ai nấy đều ngước lên nhìn thiếu niên mới tới.
Nhưng mọi người vừa ngước mắt ngó lên đã vội vã cúi đầu xuống, không dám nhìn lâu, thậm chí ngay cả thanh âm phát ra khi nói chuyện cũng dần dần nhỏ lại.
Người áo xanh này có đôi mày kiếm sắc bén, hai mắt sáng quắc, tuấn dật siêu phàm, khiến cho ai ngó lâu một chút cũng thừa nhận đây là một mỹ nam tử hiếm có trên thế gian. Đáng lý ra người ta phải chú mục ngó lâu mới đúng.
Nhưng mà khóe môi y mím chặt, sắc mặt nghiêm nghị, ánh mắt sáng quắc, lạnh lùng làm người ta chợt thấy cũng không dám ngó lâu.
Sau khi ngồi yên chỗ nơi góc tường, y vẫn không gọi hầu bàn, tia nhìn lạnh lùng dán chặt vào ống đũa để sẵn trên bàn, tựa như đang tham thiền nhập định.
Lão mập vừa là chưởng quỹ, vừa là đầu bếp của tiểu phạn điếm đang đứng cạnh quầy dùng đũa lật qua lật lại chảo thức ăn đang nấu. Đột ngột phát hiện tiếng nói cười trong phạn điếm bỗng nhỏ dần, bất giác quay đầu ngó ra bên ngoài.
Lão chợt nhìn thấy người áo xanh ngồi trong góc tường, bèn cau mày miệng không ngớt lẩm bẩm một mình :
- Thì ra cái gã quái nhân này lại đến đây rồi.
Lúc này gã hầu bàn trong phạn điếm chạy lại nói :
- Ông chủ, cái tên quái nhân đó lại tới nữa rồi.
Chưởng quỹ liền đáp :
- Đến thì đã sao? Ngươi mau chạy lại chào hỏi hắn ta một câu đi chớ.
Gã hầu bàn thấp bé nhăn mặt kêu khổ :
- Tôi... tôi không dám.
- Sợ cái gì? Chắc hắn ăn thịt người được hả?
Chưởng quỹ lại nói tiếp :
- Ngươi đến chào hỏi hắn lẹ đi, để hắn ăn cơm xong là đi ngay, nếu không hắn làm cho khách nhân hoảng sợ mà đi hết đó.
Lão nói xong, thấy gã hầu bàn vẫn đứng đó không chịu đi liền, trợn mắt quát mắng :
- Ngươi còn không chịu bước hả?
Gã hầu bàn sợ hãi co rúm người nặng nề bước tới chiếc bàn nơi góc tường, mặt gã gượng điểm nụ cười hỏi :
- Khách quan, người cần dùng chi ạ?
Người thiếu niên áo xanh lạnh lùng ngước nhìn hắn, đoạn đáp :
- Một dĩa rau, nửa con cá, một bát nước sốt.
Gã hầu bàn lắp bắp hỏi :
- Khách quan dùng cơm hay uống rượu?
Người áo xanh dường như không muốn nói nhiều, chỉ thốt ra hai tiếng gọn lỏn :
- Ăn cơm.
Nói xong liền vội vàng ngậm miệng lại không thốt ra thêm một tiếng nào nữa.
Gã hầu bàn thấy bộ dạng của người áo xanh như vậy cũng không dám lôi thôi thêm, vội gật đầu chạy lẹ như bị ma đuổi vào trong gian bếp.
Lão đầu bếp mập mạp nghe xong tên các món ăn do gã hầu bàn nói, liền trề môi thốt lên :
- Lai lịch của y không phải tầm thường, nhưng mà hầu bao quá cạn, ngươi còn không lẹ lẹ mang thức ăn cho y để y ăn xong cho nhanh rồi lên đường đi cho lẹ.
Gã hầu bàn vâng vâng dạ dạ, kiếm một cái mâm để ba dĩa thức ăn lên đó cùng với một tô cơm bưng đến chỗ người áo xanh đang ngồi.
Lúc gã đi đến chỗ người áo xanh ngồi, trong lòng có vẻ thấp thỏm, lo lắng không yên, đến lúc tới sát bên khách nhân áo xanh, gã mới đột nhiên phát hiện khách nhân bí hiểm có vẻ lạnh lùng đang cầm một đôi đũa đùa nghịch, trên bàn có mấy cặp ruồi đang nằm bất động.
Gã giật mình kinh ngạc còn chưa hiểu việc gì đã xảy ra, thì đã thấy đôi đũa nhẹ nhàng lướt ngang kẹp lấy con ruồi đang bay trước mặt rồi bỏ nó xuống mặt bàn.
Gã hầu bàn trố mắt kinh hãi rồi bỗng cảm thấy thú vị liền đứng ngây người nhìn trò đùa của khách nhân.
Khách nhân áo xanh nọ cơ hồ phát hiện có ai đang đứng sau lưng chăm chú nhìn mình, bất ngờ quay đầu lại, ánh mắt lạnh lùng ngó thẳng vào mặt gã hầu bàn.
Gã này a lên một tiếng, cảm thấy tia nhìn của vị khách trẻ tuổi như hai lưỡi dao sắc chọc thẳng vào mắt mình, bất giác gã rùng mình cúi đầu xuống không dám ngó thẳng vào khách nhân. Lặng lẽ bưng mâm thức ăn đi tới trước mặt người khách đoạn thưa :
- Khách quan, cơm và thức ăn đã có đây ạ.
Người áo xanh tiếp lấy mâm cơm trên tay y rồi bảo :
- Ngươi phủi sạch bàn đi.
Gã hầu bàn ứng tiếng vội lấy cái khăn vải trên vai mình phủi sạch mặt bàn, đoạn thu đôi đũa mà người áo xanh dùng để kẹp ruồi lúc nãy, gã không nén nổi tính hiếu kỳ xoay chiếc đũa trong tay. Y không ngờ đôi đũa cực kỳ tầm thường nằm ở trong tay người áo xanh này lại trở nên thần kỳ ảo diệu có thể gắp trúng những con ruồi đang bay lơ lửng trên không trung.
Người khách áo xanh thấy y cứ đứng ngơ ngẩn tại đó, bèn khẽ điểm nụ cười bảo :
- Cái tiểu phạn điếm của các ngươi dơ thật, chỗ nào cũng thấy ruồi nhặng, song thức ăn thì quả là tuyệt.
Gã hầu bàn thấy người áo xanh khẽ điểm nụ cười, trên khóe môi chợt hiện ra hai lúm đồng tiền, nét mặt lạnh lùng lúc đầu đã hoàn toàn biến đổi. Khuôn mặt lúc này đã trở nên vui vẻ gần gũi khiến cho lòng người dường như cảm thấy ấm áp lại.
Gã không ngờ rằng nét mặt của một người lại có thể thay đổi lớn lao như vậy.
Hơn nữa, cái vẻ uy nghiêm lạnh lùng tựa như làn sương lạnh phủ trên mặt nam nhân trẻ tuổi lại có hai lúm đồng tiền hiếm có làm cho gã vừa thấy đã phải ngẩn người kinh ngạc.
Đến lúc hắn định thần trở lại thì đã thấy nét mặt của khách nhân áo xanh trở nên nghiêm lạnh như lúc đầu.
Gã gắng nở nụ cười đáp :
- Đại sư phụ nấu bếp của chúng tôi đây xào món ăn là ngon tuyệt, khắp vùng phụ cận nơi này ai cũng đều biết tiếng.
Người khách áo xanh lạnh lùng lên tiếng cắt ngang lời y :
- Ngươi rảnh lắm hả? Để ta còn phải ăn cơm nữa chứ?
Gã hầu bàn mỉm cười lúng túng thu dọn mâm khăn rồi quay mình rời khỏi chỗ của người khách áo xanh ba chân bốn cẳng lủi nhanh vào trong nhà bếp.
Vào tới nhà bếp mới cảm thấy yên tâm trở lại, y thở phào nhẹ nhõm.
Lão đầu bếp mập đã quay vào trong bếp nói với gã :
- Nhị Trụ Tử hôm nay ngươi lớn gan thật, ta thấy ngươi còn dám nói chuyện với cái gã quái nhân đó nữa? Nè, ngươi nói gì với gã đó?
Nhị Trụ Tử lắc đầu đáp :
- Đâu có gì? Y chỉ khen món ăn của lão nấu ngon...
- Y nói vậy hả?
Chưởng quỹ bụng phệ nấu bếp bỗng đưa mắt kín đáo liếc nhìn khách nhân áo xanh rồi nói :
- Kỳ thực y còn chưa ăn thức ăn do chính ta xào nấu mà, như cá hấp chua ngọt, tôm xào đậu, vi cá hầm... Gã chưa đụng đũa mà đã khen ngon là thế nào?
Nhị Trụ Tử tiếp lời :
- Không những thế, gã còn có màn dùng cặp đũa kẹp mấy con ruồi đang bay qua lại trước mặt. Hắn đợi lúc con ruồi bay ngang qua trước mặt mớì ra tay thật chớp nhoáng, kẹp đũa lại như vầy...
Chưởng quỹ giật nảy người ngạc nhiên cực độ :
- Nhị trụ tử... Ngươi... Ngươi có hoa mắt không vậy? Làm sao lại có thể gắp ruồi sống đang bay lẹ như thế hả?
Nhị Trụ Tử cả quyết đáp :
- Thật mà, tôi thấy hai chiếc đũa trong tay y di động nhanh không tưởng nổi.
- Đừng hồ đồ nói nhảm nữa, mau đi làm việc của ngươi đi.
Chưởng quỹ nói xong lại đi vào trong bếp.
Nhị Trụ Tử nhìn theo cái thân hình mập ú của lão đoạn gã ngẩn người một hồi.
Bỗng cầm lấy đôi đũa bắt chước người áo xanh kẹp vào hư không hai cái rồi lắc đầu đi mời chào vị khách nhân khác.
Khách nhân áo xanh ăn cực kỳ lẹ làng, chỉ trong một thoáng tô cơm đã sạch trơn, ngay cả dĩa thức ăn cũng hết sạch, chỉ còn trơ lại một ít xương cá mà thôi.
Y chậm chạp đứng dậy lấy từ trong người ra mấy đồng tiền, đặt lên bàn rồi lẳng lặng bước ra khỏi lều đi về phía bờ sông.
Nhị Trụ Tử thu tiền dọn bàn xong liền đi ra ngoài cửa lều đưa mắt nhìn theo. Chỉ thấy người áo xanh giống hệt hai ngày trước đi về phía bờ sông, hướng ánh mắt ngó về phía con thuyền Kỷ La Xuân đang đậu trên thượng du, không hề quay đầu trở lại.
Gã đứng bên ngoài lều ngó một lát miệng lẩm bẩm :
- Cái người này thiệt kỳ quái, cứ đứng suốt mấy ngày ngó như vậy xem ra có ngó suốt đời e rằng cũng không thấy mặt Bạch cô nương được một lần đâu.
Gã nghĩ tới việc mình đã ở đây hơn một năm trời ngoài mấy lần thấy người ta khiêng kiệu đến đón Bạch Lãnh Thu vào thành, còn hầu như không thấy nàng lộ diện, mà chỉ nghe người ta đồn rằng Bạch cô nương đẹp như tiên nữ giáng trần, nhưng gã cũng chưa bao giờ có cơ hội thấy được nhan sắc diễm lệ kia.
Nghĩ tới đây, gã muốn chạy lại nói với người áo xanh là đừng nên đứng đợi phí công vô ích.
Nhìn cái bóng dáng cao cao của người áo xanh. Nhị Trụ Tử đột nhiên cũng cảm thấy thương hại cho mình, ngày ngày cứ ước vọng gặp mặt Bạch Lãnh Thu mà vẫn không sao được như ước nguyện.
Gã thở dài một tiếng đang định quay người trở vào trong lều chợt thấy năm đại hán đang cười nói oang oang đi qua trước cửa lều.
Năm đại hán này đầu đội mão tráng sĩ, chân mang giày, mình mặc kình trang màu tía. Bên ngoài khoác chiếc cẩm bào màu tía có thêu hình con sư tử vàng trước ngực.
Trên mình mỗi người đều mang đao kiếm, cán đao chuôi kiếm lộ ra ngoài áo bào, ngửa mặt nghênh ngang bước về phía Văn Đức Kiều.
Nhị Trụ Tử nghe mấy gã đại hán nói chuyện, trong lòng cực kỳ thích thú, bất giác hai chân tự nhiên bước theo sau bọn họ trong lòng hắn vô cùng hâm mộ các vị tiêu khách rày đây mai đó. Hắn hận mình không thể cùng đi với mấy vị tiêu khách oai dũng này.
Hắn vừa bước được mấy bước, trong lòng cũng chưa biết mình làm như vậy để làm gì, thì đột nhiên năm gã đại hán đã dừng lại xoay người nhìn về phía hắn.
Một đại hán trong bọn có hàm râu quai nón phủ gần kín mặt, trầm giọng nạt nộ :
- Ê, tiểu quỷ, ngươi đi theo sau đại gia làm gì hả?
Nhị Trụ Tử thấy bọn họ quay lại đã có ý muốn chạy. Lại thấy đại hán có râu quai nón trợn mắt ngó mình vội vàng co giò chạy trốn.
Hắn vừa chạy được hai bước thì phía sau gáy đã có một bàn tay chộp tới, hắn khiếp sợ la lên một tiếng kinh hãi.
lên đối mặt với gã, đoạn quát hỏi :
- Tiểu tử, ngươi đi theo sau đuôi đại gia làm chi, nói mau?
Nhị Trụ Tử bị nhấc bổng lên không, kinh sợ hồn phi phách tán, lắp bắp đáp :
- Đại gia, tiểu tử là tên hầu bàn trong tiểu phạn điếm không có làm gì.
Gã đại hán râu ria xồm xoàm khẽ nhếch mép cười bảo :
- Con bà ngươi, còn định nói láo nữa sao?
Nhị Trụ Tử thấy đại hán vung quyền ra dứ trước mặt, hắn sợ điếng người, hoảng hốt đáp :
- Tiểu tử không dám nói láo, tiểu... tiểu tử thấy... thấy đại gia nói chuyện vui quá nên mới...
Gã đại hán râu ria xồm xoàm bật cười ha hả, bỏ Nhị Trụ Tử xuống rồi lớn tiếng mắng :
- Cái con bà ngươi chỉ khoái vui hả? Để bữa nào ta đưa lưỡi đao nhuộm máu cho ngươi xem, chỉ sợ ngươi sợ vỡ mật ra mà thôi.
Nhị Trụ Tử nghe vậy sợ toát mồ hôi lạnh, hai chân tự nhiên mềm nhũn cơ hồ đứng không vững, đưa mắt nhìn hán tử cao lớn đang đứng trước mặt mà không dám bước đi.
Đại hán có hàm râu quai nón xồm xoàm hơi trề môi cất tiếng hỏi :
- Tiểu tử ngươi là hầu bàn ở đấy chắc phải biết rõ trên sông Tần Hoài này có vị cô nương đẹp nhất chứ?
Nhị Trụ Tử vội đáp :
- Đương nhiên là biết, trong vòng trăm dặm quanh đây, ai cũng biết các cô nương trên sông Tần Hoài này đẹp tuyệt trần, trong đó có Bạch cô nương Bạch Lãnh Thu là mỹ lệ tuyệt trần tựa như thiên tiên vậy.
Đại hán râu quai nón lộ vẻ kinh ngạc :
- Bạch Lãnh Thu? Có phải chính là vị cô nương trên thuyền hoa Kỷ La Xuân chăng?
Thấy Nhị Trụ Tử gật đầu, gã liền cười rồi chửi :
- Con bà nó, cái cô nương này danh khí thiệt lớn, chúng ta ở Bắc Kinh xa xôi cũng nghe tiếng, để ta xem thử cô nương đó mỹ lệ thế nào? Chuyến hạ du này làm sao bỏ qua cơ hội tốt được. Hắc hắc, tiểu quỷ, thuyền hoa Kỷ La Xuân dừng lại ở đâu?
Nhị Trụ Tử đáp :
- Đại gia à, Bạch cô nương không tiếp khách tùy tiện đâu, nàng...
Đại hán rậm râu tức giận mắng chửi :
- Tổ bà nó, lão đại gia đến đây mà không chịu tiếp ta sao? Tiểu quỷ nói mau, ở đâu?
Nhị Trụ Tử run cầm cập chỉ vào con thuyền lớn ở phía thượng du :
- Cái thuyền màu xanh đó chính là Kỷ La Xuân.
Đại hán râu rậm nhìn về phía thượng, đoạn cười nói với đồng bọn :
- Hôm nay chúng ta đến đây kiếm được cô nương đó, chúng ta hãy vui chơi với ả một đêm rồi ngày mai lại đến thành Hàng Châu chơi một chuyến thỏa thích.
Mấy đại hán không làm khó Nhị Trụ Tử nữa, vội sải bước cười nói đi về phía thuyền Kỷ La Xuân.
Sở dĩ đoạn sông này có tên Tần Hoài vì ngày trước Tần Thủy Hoàng đục xuyên sông đạo, dẫn nước vào thành sông, nên gọi là sông Tần Hoài.
Đến đời sau, sông Tần Hoài chảy dài ra vùng Tái ngoại cho nên người ta chỉ lấy một đoạn sông chảy vào trong thành gọi đó là sông Tần Hoài.
Trên khúc sông này có tất cả bốn cây cầu là Trường Xuân Kiều, Phục Thành Kiều, Văn Đức Kiều và Hồng Kiều, bình thường đa số các hoa thuyền dừng ở khoảng sông giữa Văn Đức Kiều và Hồng Kiều, có cái dừng bên bến sông có cái đậu dọc theo bên bờ.
Hoa thuyền Kỷ La Xuân đậu ở phía trên Văn Đức Kiều ngang hàng với hai chiếc hoa thuyền màu hồng.
Năm đại hán đi được chừng mấy trượng, chưa đến Văn Đức Kiều đã thấy ba chiếc thuyền lớn đậu ngang hàng trên sông.
Những chiếc hoa thuyền ở phía hạ du thì thấy đã bắc những miếng ván nối thuyền vào bờ. Khách nhân lên xuống lũ lượt, việc làm ăn của các kỹ nữ thập phần phát đạt. Còn ba con thuyền ở phía trên thượng du hoàn toàn khác biệt với những chiếc ở hạ du kia, bởi vì ba con thuyền này cách xa bờ sông mà cũng không hề có ván để cho khách lên thuyền.
Gã đại hán có râu quai nón dường như là thủ lĩnh của cả bọn, y đưa mắt ngó lên thuyền Kỷ La Xuân đoạn cười nói :
- Chư vị huynh đệ có thấy cái ả kỹ nữ này lên mặt quá không? Thấy đại gia đến cũng không chịu mau mau đem ván bắc cầu.
Một đại hán khác đứng bên cạnh bực bội nói :
- Hừ! Cái con a đầu này còn lớn gan hơn Tây Thi tái thế ở Bát đại hồ đồng nơi thành Bắc Kinh nữa. Có lẽ ả cho rằng bọn ta cũng như các khách nhân tầm thường, đại ca hãy tỏ uy phong cho mấy ả xem thử.
Đại hán râu rậm lắc đầu bảo :
- Khoan đã, chúng ta hãy chào hỏi mấy câu rồi lên thuyền cũng chưa muộn.
Nói xong y cao giọng gọi lớn :
- Nè, trên thuyền có người không?
Thanh âm vang dội đột nhiên vang lên nghe như tiếng sấm nổ trên đầu, khiến cho những khách bộ hành gần đó sợ hãi dừng chân lại, ngước mặt nhìn về phía có tiếng phát ra.
Trên ba chiếc hoa thuyền ban đầu không có một ai, lát sau mới có bóng người thấp thoáng đi ra.
Đại hán râu rậm thấy một lão già hiện ra trên thuyền Kỷ La Xuân liền gọi lớn :
- Ê, lão già kia, mau mang ván qua đây, đại gia muốn kiếm Bạch Lãnh Thu vui vầy một đêm.
Lão già lắc đầu xua tay :
- Hôm nay Bạch cô nương không tiếp khách.
- Không tiếp khách sao?
Gã đại hán râu rậm vỗ ngực nói với lão già :
- Đại gia đây mang số bạc lớn tại sao...
Lão già không đợi hắn nói hết câu đã xoay người đi vào trong thuyền.
Năm gã đại hán cực kỳ phẫn nộ, hai mắt trợn trừng. Còn gã đại hán râu rậm giận dữ gầm lên một tiếng, phi thân nhảy phốc lên phía mũi thuyền lẹ như mũi tên bắn.
Lão già vừa quay vào phía trong đi được hai bước đã bị đại hán râu rậm túm lấy cổ áo nhấc bổng lên không.
Lão già không ngờ rằng hoa thuyền đậu cách bờ xa hơn hai trượng lại có người có thể đặt chân lên thuyền, thân hình gầy, yếu của lão chợt bị đại hán kia nhấc bổng lên cao, khiến cho lão kinh hãi, toàn thân run lên từng chập.
Đại hán râu rậm nộ khí quát lớn :
- Tổ bà mi, ngươi còn dám nói một tiếng không tiếp khách nữa hay không?
Giọng lão già run run đáp :
- Đại gia... hãy buông tay ra, cái cổ của tiểu lão đầu này sắp gãy tới nơi rồi.
Đại hán râu rậm lạnh lùng cười nạt nộ :
- Ngươi mau vào trong nói với Bạch cô nương rằng khách nhân là người của Kim sư tiêu cục ở Bắc Kinh đến để cho nàng yên tâm, chúng ta mang rất nhiều bạc tới đây.
Có tiếng hừ trong khoang thuyền vọng ra :
- Bao nhiêu thì có ích gì? Cô nương chúng ta nói không tiếp khách là không tiếp khách.
Hán tử râu rậm chợt thấy trước mắt hoa lên, một thiếu nữ mình vận y phục bằng hoa tím nhạt, đầu thắt hai bím tóc dài vén rèm trong khoang thuyền bước ra.
Đại hán nọ vừa thấy thiếu nữ bất giác trong lòng khen thầm, vẻ tức giận từ nãy giờ tự nhiên biến mất, miệng vội điểm nụ cười toan cất tiếng hỏi :
- Cô nương nói gì ta... ta không nghe thấy?
Trên nét mặt xinh đẹp của thiếu nữ áo hoa thoáng lộ sắc giận, nàng cao giọng hét :
- Ngươi còn chưa chịu bỏ Châu lão xuống hả?
Gã đại hán râu rậm nọ bật cười hề hề, bỏ lão già xuống rồi nói với nàng :
- Lời cô nương nói ta há lại không nghe được sao. Ta là Tiêu đầu Ngô Dũng trong Kim Sư tiêu cục, người trong giang hồ tôn xưng ta là Quyển Mao Hổ...
Thiếu nữ áo tím chợt ngắt lời hắn :
- Ta đâu cần biết ngươi là cái thứ hổ báo chết tiệt gì, ngươi tự tiện vô cớ xông lên thuyền của ta là phạm pháp. Sao còn chưa nhận lỗi, muốn ta gọi nha môn túc vệ à, đến lúc đó người trốn đi cũng không kịp.
Quyển Mao Hổ Ngô Dũng bật cười :
- Ngươi cứ đi mời Nha môn túc vệ đến đây đi. Ha... ha...
Y quay đầu lại nhìn bốn tên đại hán trong bọn rồi nói :
- Các vị huynh đệ, các ngươi có nghe con a đầu này nói cái gì không?
Bốn tên đại hán còn lại sau khi thấy Ngô Dũng bước lên thuyền cũng vội vã phóng mình lên theo, bọn hắn hầu như mê mẩn trước sắc đẹp của thiếu nữ áo tím, bây giờ bỗng nghe Ngô Dũng nói, cả bọn đều bật cười ha hả.
Hán tử gầy nhất trong bọn vội đáp :
- Đại ca cho ả a đầu này biết chúng ta là ai để xem bọn ta có sợ cái lũ chuột nhắt nha môn cho biết.
Quyển Mao Hổ Ngô Dũng liền lên tiếng :
- Con nha đầu kia, ngươi nghe đây, người vừa nói là tam đệ Xuyên Địa Hổ Trần Cẩm Dương, vị kia là nhị đệ Phi Thiên Hổ Hà Miên, hai người này là tứ đệ Khai Sơn Hổ Lưu Bá và ngũ đệ Bạch Ngạc Hổ Tần Dũng, năm người bọn ta đều là đại tiêu đầu của Kim Sư tiêu cục.
Quyển Mao Hổ Ngô Dũng nói tiếp :
- Trong thành Bắc Kinh ngay cả Cửu môn đề đốc còn phải tôn xưng chúng ta là huynh đài, còn ở cái huyện bé nhỏ như vầy thì có đáng gì.
Y thấy thiếu nữ áo tím lặng thinh không nói, nên tưởng rằng nàng đã bị lời nói của y làm cho khiếp sợ đứng ngẩn người ra, liền cất giọng cười cuồng ngạo, nói :
- Tiểu cô nương không nên sợ hãi như vậy, mau kiếm Bạch cô nương ra đây, hôm nay đại gia qua đêm ở đây chẳng những được vui vẻ mà còn có bạc để chi dùng nữa.
Thiếu nữ áo tím tức giận, mặt mày biến sắc thét lên lanh lảnh :
- Cái lũ cuồng đồ như bọn ngươi không coi vương pháp ra gì hết ư?
Xuyên Địa Hổ Trần Cẩm Dương lẹ như tên bắn xông tới ôm chặt thiếu nữ đoạn cười hí hí :
- Tiểu a đầu, ngươi không nên nói càng như thế, lát nữa đại gia sẽ làm cho ngươi vui sướng.
Thiếu nữ áo tím không ngờ bọn người này lại to gan như vậy, nàng bị Trần Cẩm Dương bất ngờ ôm chặt vào lòng bất giác hét lên một tiếng giơ tay tát mạnh vào mặt hắn.
Trần Cẩm Dương cảm thấy như ôm miếng ngọc mềm vào lòng, thân thể mềm mại của thiếu nữ làm cho hắn ngây ngất, đâu biết rằng thiếu nữ trong lúc cấp tốc lại có thể xuất thủ.
- Bốp...
Gã đại hán đã lãnh trọn một cái tát.
Tuy bàn tay của thiếu nữ nhỏ nhắn, lực đạo lại yếu không thể làm cho gã đau đớn, song gã vẫn khó chịu vô cùng.
Trong lòng gã bỗng nổi giận, chợt nghe bốn tên phá lên cười khoái trá, Quyển Mao Hổ Ngô Dũng cười lên như điên :
- Ha ha, lão tam ngươi còn chưa ngồi yên đã nếm mùi ngọt ngào rồi, hương vị tuyệt đó chứ!
Bạch Ngạc Hổ lại nói thêm :
- Ha ha, cái này gọi là tát yêu đó mà, Tam ca may được diễm phúc rồi, thật chẳng phí công.
Trần Cẩm Dương lúc đầu nổi giận bừng bừng, nay nghe các vị huynh đệ của gã mỗi người nói vào một câu, cơn giận bỗng nhiên bay lên mây mất hút.
Gã càng ôm chặt thiếu nữ hơn, điểm nụ cười mắng :
- A đầu này giỏi thật, ngươi lại dám động thủ với đại gia sao? Lại đây mau để cho đại gia hôn ngươi một cái.
Nói xong gã nắm chặt hai tay thiếu nữ áo tím, đoạn vươn cổ ép miệng tới sát mặt thiếu nữ áo tím khiến nàng kinh hãi kêu thét lên.
Quyển Mao Hổ Ngô Dũng cười lên cực kỳ khoái chí :
- Các huynh đệ chúng mình mau xông vào tìm vui một chút, trong lòng ta ngứa ngáy lắm rồi, thiệt chịu không thấu.
Ba tên mãnh hổ còn lại đồng thời tán thưởng, đang định theo sau Ngô Dũng xông vào trong khoang thuyền.
Ngay lúc này từ phía sau lưng bọn hắn chợt vang lên những âm thanh lạnh lùng :
- Kẻ nào dám liều mạng xông vào thuyền?
Ngô Dũng cùng với Tứ hổ đều đột ngột dừng lại, quay người ra sau hướng về nơi có thanh âm vọng đến.
Không biết từ lúc nào phía đầu thuyền đã xuất hiện một thiếu niên trẻ tuổi mình vận y phục xanh đứng sừng sững uy nghi như tượng đá.
Ánh mắt của mấy gã đại hán vừa chạm phải khuôn mặt của người thiếu niên áo xanh, bất giác đã lạnh người, bởi hai luồng nhãn quang của đối phương sắc bén như lưỡi dao xuyên thẳng vào mặt mình.
Tia nhìn sắc lạnh của người áo xanh dừng nơi mặt bọn hắn một chút đoạn chuyển hướng chiếu thẳng vào người Xuyên Địa Hổ rồi trầm giọng quát :
- Súc sinh, ngươi còn chưa chịu buông tay ra hay sao?
Trần Cẩm Dương đang ôm chặt thiếu nữ áo tím, định ép nàng để cho hắn hôn một cái, nghe giọng nói lạnh như băng đá của người áo xanh, bao nhiêu dục vọng trong lòng đột nhiên tiêu tan hết.
Lúc này dưới hai luồng nhãn quang lạnh lùng của đối phương chọc vào mình, gã cảm thấy trong lòng tự nhiên ớn lạnh, lòng gã do dự một chút nên bị thiếu nữ áo tím vùng vẫy thoát ra.
Gã chợt thấy vòng tay mình nhẹ đi, thấy thiếu nữ sắp chạy vào trong thuyền, gã liền vội vàng nắm chặt nàng lại, bực tức cất tiếng chửi mắng :
- Tổ bà mi, ngươi là cái đồ chết bầm, mà sao dám lại đây phá đám đại gia...
Nói chưa dứt lời đã thấy người áo xanh bước tới trước mặt gã, giơ tay xuất thủ, vung chưởng chụp vào cánh tay phải của gã đang ôm thiếu nữ.
Không biết vì sao gã trông thấy rõ ràng, nhưng không có cách nào tránh khỏi lối xuất thủ của đối phương đành để cho đối phương chụp trúng cánh tay của mình.
- Rắc... Rắc...
- Á...
Gã rú lên một tiếng thảm thiết, cánh tay phải đã bị gãy lìa rơi xuống đất, một cơn đau khủng khiếp ập tới, máu tuôn xối xả.
Ngô Dũng và ba gã kia đứng cách Xuyên Địa Hổ Trần Cẩm Dương chưa đầy một thước, thấy người áo xanh xông tới mà vẫn không sao xuất thủ kịp thời để ngăn trở đối phương đành phải trợn mắt đứng nhìn cánh tay bị gãy của Trần Cẩm Dương rơi xuống sàn thuyền.
Bọn đại hán kia biết rằng mình đã gặp phải cao thủ võ lâm, bất giác trong lòng chấn động, thân hình rung nhẹ, nhất tề vây lại thành hình móng đứng bao quanh người áo xanh, trong tay mỗi người đều nắm chặt binh khí.
Người áo xanh tựa hồ như không thấy rõ hai thanh đơn đao, một cây Cương tiên và một thanh Ngô câu kiếm đang chĩa về phía mình, thần sắc vẫn bình thường đứng yên tại chỗ không có chút vẻ lo lắng gì cả.
Người áo xanh trầm giọng nói :
- Cô nương mau đi vào trong thuyền đi.
Thiếu nữ áo tím nãy giờ sợ hết hồn, giờ nghe tiếng gọi mới sực tỉnh, cảm kích nhìn người áo xanh rồi vội chạy vào trong khoang thuyền.
Quyển Mao Hổ Ngô Dũng thấy Trần Cẩm Dương đang nằm rên rỉ dưới sàn thuyền, máu tươi từ trong cánh tay bị gãy tuôn ra nhuộm đỏ, chảy ra trên thuyền nhưng hắn không đi tới dìu đồng bọn dậy vì sợ người áo xanh bất ngờ hạ thủ, nên nghiến răng lạnh lùng bảo :
- Bằng hữu, huynh đệ Ngô Dũng đây là thủ hạ của Cố lão tiêu đầu cai quản Kim Sư tiêu cục ở Bắc Kinh, chuyến này bảo tiêu đi qua nơi đây...
Người áo xanh liền cắt lời y, giọng càng lạnh lẽo hơn :
- Phí công, ngươi đem Cố Dương Võ ra dọa nổi ai?
Ngô Dũng cười lạnh :
- Các hạ không coi Thái Hàng ngũ hổ ra gì thì cũng còn được, ngay cả tổng tiêu đầu cũng bị hạ nhục như vậy thì các hạ tất phải là cao thủ thành danh trong giang hồ, mong các hạ báo danh thì năm huynh đệ tôi sẽ lập tức đi ngay.
Người áo xanh lạnh lùng cười đáp :
- Cái lũ xú trùng tiểu tốt như bọn ngươi mà dám đòi ta xưng danh hiệu ra được sao? Nếu không cút đi lập tức thì hãy để lại đây mỗi tên một cánh tay hay là bọn ngươi muốn lưu cái mạng trên thuyền hả, bọn hổ giấy kia.
Ngô Dũng bật cười cuồng ngạo :
- Các hạ lừa gạt người ta quá đáng, ngươi tưởng bọn ta sợ ngươi hay sao?
Người áo xanh đưa ánh mắt lạnh lẽo liếc nhìn gã :
- Bọn ngươi muốn động thủ à?
Hai mắt Ngô Dũng cơ hồ như toé lửa, gầm lên tức tối :
- Tam vị huynh đệ chúng ta phải liều chết với hắn.
Gã vung cây Cương tiên trong tay đánh về phía người áo xanh.
Chính ngay lúc này trong rèm đột nhiên lay động, một thiếu nữ vận đồ trắng từ trong khoang thuyền bước ra, giọng cực kỳ dịu dàng :
- Xin các vị anh hùng hãy ngừng tay.
Nhãn quang của người áo xanh đột nhiên liếc nhìn về phía thiếu nữ vận y phục trắng như tuyết vừa đi ra. Thấy nàng mày liễu, mắt phượng, môi đỏ hồng, mũi thanh tú đẹp không sao tả xiết, làm cho người ta không dám nhìn gần.
Tuy là nói không dám nhìn gần, song cũng ngó nàng một lát, chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi, nét mặt của người áo xanh đã biến đổi không biết bao lần.
Thiếu nữ áo trắng vừa xuất hiện, thấy thiếu niên áo xanh đưa mắt chăm chú nhìn mình tựa hồ như bước chân nàng có vẻ lúng túng nhưng thoáng chốc đã bình tĩnh như thường.
Nàng nhẹ nâng tà áo đoạn lên tiếng :
- Các vị anh hùng, tiện thiếp Bạch Lãnh Thu nhất thời thất lễ đến nỗi khiến các vị phải tức giận, mong các vị miễn chấp.
Lời này nàng có ý nói với Thái Hàng ngũ hổ.
Ngô Dũng và mấy đại hán nọ vừa thấy nàng lộ diện, ngay tức khắc đã bị vẻ kiều diễm của nàng làm mất hồn, tên nào cũng đứng ngây người chết lặng, đến khi nàng nói dứt, Ngô Dũng mới như sực tỉnh lại.
Gã “A” lên một tiếng rồi nói :
- Vị này chính là Bạch cô nương đây phải không? Huynh đệ chúng tôi quả thật muôn vàn đắc tội.
Gã nói đến đây, cảm thấy chưa được ổn thỏa cho lắm, nên ngừng lại một chút rồi nói tiếp :
- Kỳ thực chỉ là vì chúng ta nghe danh cô nương đã lâu, muốn thấy mặt ngọc một lúc cho thỏa lòng mong ước, ai biết được cái tên tiểu tử này đa sự đến đây quấy rối...
Bạch Lãnh Thu vội đáp :
- Cái này là do tiện thiếp xử sự không phải khiến cho các vị phải động tới đao kiếm, mong các vị hãy vì tiện thiếp mà buông đao, gác kiếm.
Ngô Dũng liền đáp lại :
- Bạch cô nương nói thiệt gọn gàng vô cùng, huynh đệ ta quả đắc tội với cô nương muôn phần, xin bái biệt.
Gã đưa mắt ra hiệu cho bọn kia, đoạn thu Cương tiên lại.
Ba tên còn lại thừa biết kẻ đứng trước mặt là một cao thủ có thủ đoạn tàn độc ghê gớm, chỉ cần thấy thân pháp cực kỳ nhanh lẹ, hạ thủ hết sức chuẩn xác, cũng đủ biết dù cho bốn người có hợp công cũng chưa chắc chiếm nổi tiên cơ. Lại thêm Trần Cẩm Dương nằm trên sàn thuyền hôn mê, nếu như không đưa y lên bờ gấp, e rằng khó mà bảo toàn tính mạng của y. Đến sau này Thái Hành ngũ hổ ắt phải đổi thành Tứ hổ mà thôi.
Cho nên khi vừa thấy Ngô Dũng thu Cương tiên về, bọn hắn cũng vội vã rút binh khí ngay tức khắc.
Người thiếu niên áo xanh nọ đưa mắt lạnh lẽo ngó chằm chằm vào bốn gã, đến lúc này, chàng mới mở miệng thốt ra mấy tiếng lạnh băng :
- Khoan đã, bọn ngươi xông lên thuyền gây họa cho người ta rồi định bỏ đi dễ dàng vậy sao?
Ngô Dũng bỗng biến sắc :
- Các hạ còn muốn thế nào nữa?
Thiếu niên áo xanh cười lạnh :
- Ngươi chuyên môn làm ác, lừa dối, hăm dọa lương dân, tuy danh vị là tiêu sư, song chẳng khác chi bọn đạo tặc. Tại hạ nếu không cho bọn ngươi một bài học, há để cho thế nhân cười ta hay sao?
Ngô Dũng thủ chặt Cương tiên bên tay phải, rồi nói :
- Lẽ nào ngươi còn muốn động thủ hay sao?
Thiếu niên áo xanh giọng càng lạnh lùng thốt :
- Động thủ với bọn ngươi há lại chẳng làm bẩn tay ta ư? Ta chỉ cần mỗi tên để binh khí lại đây, tối nay kêu Tổng tiêu đầu của Kim Sư tiêu cục Cố Dương Võ đến miếu Phu Tử lấy về.
Ngô Dũng cất giọng cười cuồng ngạo :
- Ngươi chớ có bức người thái quá...
Thiếu niên áo xanh chợt cắt lời gã :
- Nếu không thích thì hãy để một cánh tay lại đây.
Ngô Dũng bật cười lạnh :
- Bạch cô nương thấy đó, cái này không phải do bọn tại hạ đa sự mà do y bức bách quá ư thậm tệ.
Bạch Lãnh Thu vô cùng thông mình, thừa hiểu Ngô Dũng tự biết mình yếu thế không biết cách thối lui ra sao nên mới nói với mình như vậy, hy vọng mình có thể lộ diện giúp gã.
Nàng liền mỉm cười quay sang nói với thiếu niên áo xanh :
- Mấy vị tráng sĩ này mong được...
Thiếu niên áo xanh chợt nhíu đôi mày kiếm :
- Cô nương sao phải chịu khổ sở đi thỉnh cầu tha tội cho kẻ ác đồ dâm dật.
Bạch Lãnh Thu thấy lời mình bị chặn ngang, đồng thời nàng cũng thấy thái độ lạnh nhạt của thiếu niên áo xanh. Bất giác cũng phải đỏ mặt, xấu hổ.
May mà nàng giao du với những bậc quyền quý nho nhã đã lâu, nên công phu ứng đối cũng hơn người một bậc, nên nét mặt nàng chỉ thoáng hiện vẻ bối rối :
- Tráng sĩ hiệp khách, chàng...
Thiếu niên áo xanh nét mặt hiện ra tình cảm cực kỳ phức tạp, lát sau mới đưa mắt ngó Ngô Dũng :
- Nể mặt Bạch cô nương, ta bỏ qua cho bọn ngươi lần này, hãy xéo ngay khỏi mắt ta...
Những thớ thịt trên mặt gã co giật liên hồi, nghiến răng cố gắng nhịn nhục, ôm quyền hỏi :
- Mong các hạ thông báo tôn tính đại danh?
Thiếu niên áo xanh lạnh lùng đáp :
- Nếu như bọn ngươi còn chưa chịu nghe hãy kêu Cố Dương Võ đến kiếm ta. Ta ở sau Phu Tử miếu đợi hắn.
Bốn gã đại hán vội vàng phi thân lên bờ, lủi nhanh vào đám đông rồi mất hút sau Phu Tử miếu.
Bạch Lãnh Thu thấy bốn tên đại hán đi xa rồi, mới quay lại nhìn thiếu niên áo xanh giọng cảm kích :
- May nhờ có tướng công đến cứu, tiện thiếp xin bái tạ.
Thiếu niên áo xanh đưa mắt chăm chú nhìn Bạch Lãnh Thu rồi trầm giọng bảo nàng :
- Cô nương bất tất phải đa lễ như vậy, thực ra chẳng cần tại hạ phải xuất thủ, cô nương cũng có thể ứng phó được với cái lũ giang hồ bại hoại này, tại hạ chẳng qua chỉ là đa sự mà thôi.
Bạch Lãnh Thu thoáng vẻ kinh ngạc :
- Tại sao tướng công lại nói như thế?
Thiếu niên áo xanh đáp :
- Cô nương có võ công tuyệt thế chỉ vì không muốn lộ hình tích mà thôi.
Bạch Lãnh Thu mỉm cười không trả lời, nàng khoát tay nhẹ nhàng nói :
- Mời công tử vào trong thuyền để tiện thiếp mời vài chung rượu cảm tạ.
Nói đoạn nàng vén màn, uyển chuyển bước vào trong thuyền.
Thiếu niên áo xanh không hề khách khí bước ngang nhiên vào trong khoang thuyền.
Hai ngày hôm nay chàng đều phải mất mỗi ngày hơn hai giờ để đứng trên bờ sông nhìn về hướng hoa thuyền, ngày nào cũng thấy bóng rèm lay động ánh sáng lấp lánh từ trong thuyền chiếu ra, chỉ thấy bóng người thoắt ẩn, thoắt hiện mà không có người bước ra.
Lúc này chàng đi theo Bạch cô nương bước vào trong khoang, chàng mới phát hiện bên trong khoang thuyền rộng rãi, lối bài trí cực kỳ hoa lệ, sang trọng, vượt xa điều mình tưởng tượng trước đây.
Trong gian phòng cực kỳ hào hoa tao nhã này chỉ có thiếu nữ áo tím lúc nãy mà thôi, ngoài ra không còn nhìn thấy một ai khác.
Thiếu nữ áo tím nọ đang bày thức ăn lên một chiếc bàn tròn, những dĩa thức ăn đầy ắp nghi ngút bốc khói trông cực kỳ ngon miệng, lại được bày biện vô cùng đẹp mắt.
Các món ăn này đều là những món ăn nổi tiếng ở vùng Giang Nam, chỉ cần ngửi thấy hương vị tỏa ra từ món ăn thơm nồng đã đủ vượt qua gấp vạn lần những món ăn thô tục trong những tiểu phạn điếm bên sông.
Huống hồ gì trong khoang thuyền bày trí hết sức hoa lệ. Những món ăn thịnh soạn được dựng trong loại đồ sứ Cảnh Đức thập phần quí giá, thêm mỹ nhân ngồi đối ẩm, nếu đem so sánh với bữa ăn tầm thường trong tiểu phạn điếm ồn ào lúc nãy, thật là khác xa nhau một trời một vực.
Bạch cô nương lên tiếng gọi :
- Tử Quyên mau xuống sạp thuyền mang vò Trúc Diệp Thanh tửu lâu năm lên đây.
Thiếu niên áo xanh vội ngăn lại :
- Cô nương không nên khách khí như vậy, tại hạ đã dùng cơm tối xong rồi. Vả lại ta không quen uống rượu, cô nương...
Tử Quyên kinh ngạc trố mắt nhìn chàng :
- Nhưng mà cô nương chúng tôi đã...
Bạch cô nương liền bảo :
- Tử Quyên, ngươi sai bọn họ dẹp hết bữa tiệc này đi, còn ngươi mau đi pha hai bình trà ngon để ta cùng...
Nàng chợt dừng lời quay sang hỏi thiếu niên áo xanh :
- Tướng công, tiện thiếp được người ra tay trợ giúp, nhưng không biết quý danh của ân nhân. Tiện thiếp nên xưng hô ra sao mới phải?
- Tại hạ là Kim Phi Hùng, cô nương bất tất phải khách sáo như vậy, tại hạ sắp phải đi ngay thôi.
Bạch cô nương khẽ chau đôi mày liễu :
- Tướng công vội vàng ra đi như vậy chẳng lẽ khinh chê tiện thiếp là hạng hạ lưu thấp kém, sống trên sông Tần Hoài nên không đáng giao tiếp hay sao?
Kim Phi Hùng vội đáp :
- Tại hạ không giấu gì cô nương. Tại hạ trong lòng có mang mối huyết hải thâm cừu, suốt hai mươi năm nay, không lúc nào quên được mối thù chưa báo. Phiêu bạt qua bao dặm đường, mong sao sớm tìm ra vết tích kẻ cừu thù để đòi nợ máu, mối đại thù chưa báo được, tại hạ tuyệt nhiên không thể mạo hiểm lo lắng ân oán cho người khác được.
Chàng bỗng trầm sắc mặt, chậm chạp lên tiếng nói :
- Nếu như tại hạ liệu định không sai, ắt cô nương phải có chuyện khổ tâm gì đây, nên mới gởi tấm thân ngọc ngà trên khúc sông Tần Hoài này, tại hạ thật không muốn tìm hiểu sâu hơn để tránh...
Bạch Lãnh Thu gắng nở nụ cười buồn bã đáp :
- Tiện thiếp quả tình không có ý nhờ tướng công trợ giúp chỉ là...
Kim Phi Hùng không đợi nàng nói dứt lời, đã vội vòng tay ôm quyền bảo :
- Giả như tại hạ dùng lời trực ngôn nói thẳng mà có điều thất lễ, mong cô nương lượng thứ, tại hạ cáo từ.
Bạch Lãnh Thu thấy chàng quay người toan bước ra, vội gọi :
- Kim tướng công, hãy dừng bước.
Kim Phi Hùng lạnh lùng hỏi :
- Cô nương còn có điều chi chỉ giáo?
Bạch Lãnh Thu liền nói :
- Tiện thiếp rất hiểu nỗi lòng của tướng công, chỉ vì vừa rồi muốn cảm tạ đại ân ra tay viện thủ, nên mới muốn tướng công lưu lại đây một khắc mà thôi.
Kim Phi Hùng hấp tấp đáp :
- Chỉ là chuyện nhỏ thôi, cô nương đừng nhắc đến làm gì. Mà giả sử tại hạ không xuất thủ thì cô nương cũng đủ sức đối phó với bọn giang hồ tiểu tốt hạ đẳng như vậy.
Giọng nàng bỗng cất lên u oán :
- Lẽ nào tướng công lại tuyệt tình như vậy, ngay ở thời gian lưu lại uống với ta chén trà cũng không thể à?
Kim Phi Hùng khẽ cau mày lặng im không đáp.
Tử Quyên đột nhiên quỳ xuống trước mặt chàng :
- Kim công tử, tiểu nữ còn chưa kịp đáp tạ ơn cứu mạng, xin công tử nhận cho một lạy.
Kim Phi Hùng thấy Tử Quyên quỳ xuống, bất chợt chàng cảm thấy lúng túng, chân tay bấn loạn, không biết làm sao cho phải.
Chàng hơi nhíu mày lắc nhẹ vai tránh qua một bên :
- Tửu Quyên cô nương, đừng làm như vậy.
Tử Quyên cúi đầu đáp lời chàng :
- Kim công tử xin người hãy đợi một chút để tiểu nữ pha trà kính dâng để tỏ lòng tạ ơn nếu không lòng tiểu nữ áy náy không yên, chẳng thể nào đứng dậy được.
Kim Phi Hùng buông tiếng thở dài :
- Ôi, tại hạ là một tên võ phu các người bất tất phải làm như vậy.
Khóe môi Bạch Lãnh Thu thoáng hiện nụ cười, vội bảo :
- Tử Quyên ngươi mau đứng lên đi, Kim công tử đã chịu lưu lại đây rồi.
Tử Quyên nghe vậy, trong lòng mừng rỡ bèn đứng dậy, ánh mắt cảm kích hướng về hướng Kim Phi Hùng :
- Đa tạ Kim công tử đã nhận tiểu lễ của tiện nữ.
Kim Phi Hùng cười khổ :
- Kỳ thực ta lưu lại đây chỉ thêm phiền cho cô nương mà thôi. Cô nương không biết ư?
Bạch Lãnh Thu cười bảo :
- Công tử việc chi phải nói như vậy, thiếp đây không muốn đa sự hỏi rõ thân thế của công tử là được rồi.
Kim Phi Hùng thở dài :
- Hà tất phải thế.
Bạch Lãnh Thu lên tiếng :
- Mời công tử theo thiếp vào thư phòng.
Kim Phi Hùng theo Bạch Lãnh Thu đi vào thư phòng, sau khi phân ngôi chủ khách xong, chàng đưa mắt quan sát tứ phía quanh gian phòng.
Chỉ thấy bên trong thư phòng bố trí giống hệt như thư phòng của bậc thế gia, đâu đâu cũng la liệt những sách quý, đủ biết chủ nhân của chúng là người cao thâm uyên bác.
Một bên thư phòng có một khung cửa sổ, hiển nhiên là chủ nhân của nó nhìn qua cửa sổ này mà có thể quan sát được cảnh sắc ở bên ngoài.
Kim Phi Hùng chỉ vào khung cửa nhỏ mà hỏi :
- Có phải Bạch cô nương thông qua khung cửa này mà thấy tại hạ đứng trên bến phải không?
Bạch Lãnh Thu gật đầu :
- Mỗi ngày tiện thiếp thường phải ở trong thư phòng này đọc sách độ chừng hai giờ, từ ngày hôm kia chợt thấy công tử đứng bên bờ sông nhìn về hướng này.
Nàng bỗng mỉm cười rồi nói tiếp :
- Y phục của công tử tuy tầm thường nhưng đứng trên bờ chẳng khác nào chim hạc, chim phượng lạc giữa bầy gà, thế đứng sừng sững như núi cao hiên ngang mọc lên giữa dải đất bằng, tiện thiếp sao không nhận ra được. Hơn nữa, điều khiến cho tiện thiếp hiếu kỳ là công tử cứ đứng nhìn không chớp mắt về phía này suốt hơn hai giờ rồi mới bỏ đi. Tối nay, tiện thiếp chuẩn bị sai Tử Quyên mời công tử lên thuyền, thật may...
Kim Phi Hùng điềm nhiên cười hỏi :
- Bạch cô nương muốn biết nguyên nhân tại sao tại hạ đứng trên bờ sông nhìn vào đây phải không?
Bạch Lãnh Thu đáp :
- Tiện thiếp đang muốn nghe công tử nói rõ điều ấy.
Kim Phi Hùng nghiêm mặt đáp :
- Tại hạ chỉ muốn được thấy mặt cô nương một lần mà thôi.
Bạch Lãnh Thu thoáng đỏ mặt :
- Có phải vì tiện thiếp xấu xí khó coi, không được công tử hài lòng cho nên vừa thấy mặt đã muốn bỏ đi.
Kim Phi Hùng thấy nét mặt nàng thoáng lộ vẻ giận nên vội lắc đầu bảo :
- Cô nương lại hiểu lầm rồi, bởi vì tại hạ lầm tưởng cô nương là bào muội của tại hạ.
Bạch Lãnh Thu lộ vẻ kinh ngạc :
- Kim công tử, xin chớ trách tiện thiếp đa sự, không rõ lệnh muội...
Kim Phi Hùng trầm giọng kể :
- Sáu năm trước ta và muội muội thất tán mỗi người một nơi, suốt sáu năm dài, không lúc nào tại hạ không nhớ đến nàng, không lúc nào ngưng tìm nơi hạ lạc của muội muội, nhưng đến giờ vẫn chưa tìm thấy.
Bạch Lãnh Thu không rõ vì sao chàng và muội muội bị thất lạc nhau, song nàng có thể cảm nhận được ánh mắt của chàng, nên có thể tưởng tượng được rằng khi thấy mình không phải là muội muội của chàng, chàng đã thất vọng đến bực nào.
Nghĩ đến đây, nàng có cảm giác đã hiểu chút về chàng, bao nhiêu bực bội nãy giờ đều tan biến cả.
Nàng lặng im một chút, đoạn cất giọng dịu dàng hỏi :
- Kim công tử, việc lệnh muội thất tán...
Kim Phi Hùng đột ngột ngắt lời :
- Cô nương đừng nên nhắc đến việc đó có được không?
Bạch cô nương kinh ngạc liếc nhìn chàng, cúi đầu xuống, giọng nàng trở nên ai oán :
- Mỗi người đều có nỗi khổ của riêng mình, thân thế của công tử buồn thảm như vậy, chả lẽ ta lại không đáng thương hay sao?
Kim Phi Hùng bỗng đưa mắt đờ đẫn nhìn nàng, khóe môi chàng khẽ mấp máy :
- Bạch cô nương đừng trách tại hạ thất lễ, quả tình tại hạ không có ý...
Bạch Lãnh Thu vội nói :
- Tiện thiếp rất hiểu tâm tình của công tử.
Kim Phi Hùng bật cười lên một tràng dài :
- Hiểu ta ư? Thiên hạ có ai hiểu được ta? Kẻ nào mà có phụ thân bị sát hại, mẫu thân bị làm nhục, muội muội bị bắt đi, kẻ nào đã từng đi hành khất khắp bốn phương thì mới có thể hiểu nổi.
Bạch Lãnh Thu vội nói :
- Công tử! Mong chàng hãy bình tĩnh lại một chút.
Ánh mắt Kim Phi Hùng như ngây như dại, từng thớ thịt trên mặt không ngừng co giật liên hồi, lúc lâu sau mới thở hắt ra một tiếng, khuôn mặt lại trở nên lạnh lùng như cũ.
Chàng quay về phía Bạch Lãnh Thu ôm quyền đứng lên :
- Bạch cô nương mong nàng chớ trách tại hạ thất lễ, tại hạ phải đi đây.
Bạch Lãnh Thu liền gọi :
- Khoan đã, công tử còn chưa uống trà!
Kim Phi Hùng vội nói :
- Đa tạ cô nương.
Bạch Lãnh Thu thấy chàng kiên quyết, nàng chợt cau mày giọng không được vui :
- Kim công tử, chàng còn chưa trả lời câu hỏi của tiện thiếp.
Kim Phi Hùng hỏi lại :
- Nàng nói sao?
Bạch Lãnh Thu đáp :
- Công tử hãy ngồi xuống đây một lát nữa.
Kim Phi Hùng cương quyết lắc đầu :
- Bạch cô nương, tại hạ đã lưu lại đây đã lâu, thật không tiện làm phiền cô nương thêm một phút nào nữa.
Bạch Lãnh Thu đột nhiên cười hỏi :
- Chàng sợ ta sao?
Sắc mặt Kim Phi Hùng trở nên kinh dị :
- Sợ nàng à? Tại hạ thật sự chẳng biết sợ là gì?
Bạch Lãnh Thu nói tiếp :
- Công tử đã không sợ ta tại sao phải gấp gáp bỏ đi như vậy? Chàng cho là ta nhất định mời chàng trợ thủ à? Ta nghĩ...
Kim Phi Hùng thấy nàng càng nói càng kích động, đã mấy lần chàng định thốt ra, song chàng không làm như vậy mà chỉ lắc đầu, lẳng lặng đi ra bên ngoài.
Bạch Lãnh Thu bỗng bật khóc nức nở :
- Ngươi đi đi, đi ngay đi, suốt đời ta không muốn gặp mặt ngươi nữa...
Lời nói chưa dứt, suối lệ đã tuôn xuống như mưa trên khuôn mặt xinh đẹp của nàng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.