Lời Nguyền Lâu Lan

Chương 48:




Giáo sư Lý của Viện Nghiên cứu Cổ sinh vật đang đi dưới một dãy giá sách cao. Ánh sáng trong thư viện rất kém, những tia sáng mờ mờ từ bên ngoài ô cửa sổ bé và hẹp hắt vào, làm cho bóng ông từ từ lay động, kéo thành một vệt đen dài trên mặt đất.
Bỗng nhiên, trước mặt giáo sư xuất hiện một thanh niên, anh ta nhếch mép cười, nói:
- Giáo sư Lý, chào ông, tôi là người của Sở Công an, có một số việc cần gặp ông tìm hiểu tình hình.
Nói xong, anh lấy giấy chứng nhận ra, trên giấy chứng nhận đề tên Diệp Tiêu.
Giáo sư Lý ngạc nhiên:
- Có chuyện gì thế?
Diệp Tiêu nghiêm sắc mặt nói:
- Giáo sư Lý, tôi muốn hỏi về một người, cô ta tên là Nhiếp Tiểu Thanh.
- Hỏi cô ta làm gì, cô ta là một sinh viên của tôi.
- Xin hỏi, cô ta bây giờ ở đâu?
- Không biết!
Diệp Tiêu cảm thấy tính cách ông già này có vẻ lạ lùng, anh không hiểu, hỏi: - Vì sao?
- Thời gian trước Nhiếp Tiểu Thanh được tôi điều sang thực tập ở Viện Nghiên cứu khảo cổ, nhưng sau khi thực tập xong, về viện được hai ngày thì không thấy tăm hơi đâu, tìm đâu cũng không thấy. Viện tôi đã báo cơ quan công an về vụ mất tích này rồi.
Diệp Tiêu không chịu buông tha, hỏi:
- Xin lỗi, tôi có thể xem tư liệu và ảnh của cô ấy được không?
Giáo sư Lý gật đầu, nói:
- Anh đi theo tôi!
Họ rời khỏi thư viện.
Trong hành lang, Giáo sư Lý vừa đi vừa hỏi:
- Nhiếp Tiểu Thanh phạm pháp à?
- Không, chúng tôi chỉ nghi ngờ cô ta có liên quan đến một vụ án.
- Có phải vụ án chết người liên tiếp ở Viện Nghiên cứu Khảo cổ không?
Diệp Tiêu nhíu lông mày:
- Giáo sư Lý, hoá ra ông cũng biết sự kiện này rồi.
- Đều do người ta đồn thôi, một cơn gió làm động một ngọn cỏ, người ta đã biết rồi. Nghe nói, những người này đều bị chết vì bệnh tim phải không?
- Đúng vậy!
- E rằng, không đơn giản như vậy!
Diệp Tiêu hỏi ngược lại:
- Giáo sư Lý, thế theo ông thì sao?
Giáo sư Lý chưa kịp trả lời, cả hai đã bước đến phòng Hồ sơ. Giáo sư Lý mở tủ, lấy ra một tập tài liệu đưa cho Diệp Tiêu, nói:
- Đây là tài liệu về Nhiếp Tiểu Thanh, anh tự xem lấy nhé!
Diệp Tiêu mở cặp tài liệu ra, trong đó có một sơ yếu lý lịch do Nhiếp Tiểu Thanh tự khai, ở góc trên bên phải có dán một tấm ảnh của cô ta. Diệp Tiêu sau khi xem bức ảnh, bỗng ngẩn người ra, ánh mắt anh giống như cái đinh, lập tức bị đóng chặt vào tấm ảnh. Đúng vậy, người con gái trong tấm ảnh chính là Lam Nguyệt.
Trong mắt Diệp Tiêu lúc này lại hiện lên cuộc gặp gỡ Lam Nguyệt ở dưới chung cư của La Chu hôm đó.
Diệp Tiêu lại quay trở lại hiện thực, anh mở to mắt nhìn bức ảnh Nhiếp Tiểu Thanh trước mặt. Anh nói nhỏ với mình:
- Hoá ra Lam Nguyệt chính là Nhiếp Tiểu Thanh, họ là một người.
Giáo sư Lý hình như không nghe rõ, hỏi:
- Anh nói gì cơ?
- Không, không có gì.
Diệp Tiêu tiếp tục xem đến lý lịch tự thuật của người có tên Nhiếp Tiểu Thanh. Bản lý lịch này do cô ta tự khai, ba chữ Nhiếp Tiểu Thanh viết ngay ngắn, nét chữ đẹp như rồng bay phượng múa.
Diệp Tiêu ghi lại địa chỉ nơi ở của gia đình Nhiếp Tiểu Thanh trong tập tài liệu, sau đó anh quay lại hỏi Giáo sư Lý:
- Xin lỗi giáo sư, ấn tượng của ông về Nhiếp Tiểu Thanh như thế nào?
Giáo sư Lý nghĩ một lúc rồi nói:
- Cô ấy rất thông minh, trong học tập và nghiên cứu cô đây thường suy luận ra được nhiều vấn đề từ một vấn đề, cô ấy hay đưa ra những quan điểm giàu sức tưởng tượng. Đặc biệt là học rất giỏi môn Vi sinh vật cổ đại.
Diệp Tiêu nghĩ ngay đến một điều, lập tức cắt ngang lời của Giáo sư Lý:
- Vi sinh vật cổ đại? Giáo sư Lý, ông có thể nói rõ thêm một chút được không?
- Đó là nghiên cứu về hình thái, quá trình biến hoá của vi sinh vật cổ đại, và ảnh hưởng của nó với xã hội loài người trong lịch sử.
- Giáo sư Lý, vi rút cũng thuộc về vi sinh vật à?
- Đúng thế, mấy tháng trước, Nhiếp Tiểu Thanh viết một luận văn có liên quan đến bệnh truyền nhiễm cổ đại. Cô ấy chủ yếu phân tích dưới góc độ vi sinh vật học, ví dụ như bệnh lý của Cái chết Đen[27] ở châu Âu thời kỳ Trung cổ, sự phát sinh và đặc tính lây truyền của vi rút dịch hạch lúc đó.
Diệp Tiêu không hiểu, hỏi:
- Vì sao giáo sư lại giới thiệu Nhiếp Tiểu Thanh đến thực tập ở Viện Nghiên cứu Khảo cổ?
- Là do Nhiếp Tiểu Thanh chủ động đề nghị được đến thực tập ở Viện Nghiên cứu Khảo cổ. Tôi cũng không hiểu vì sao cô ấy lại làm như vậy. Nhưng quan hệ cá nhân giữa tôi và Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khảo cổ Văn Hiếu Cổ rất tốt. Tôi nghe nói họ mang về một cái xác cổ khô, rất hợp cho Nhiếp Tiểu Thanh làm tư liệu sống và dẫn chứng cho luận văn của cô ấy, cho nên, tôi đã đồng ý giới thiệu cô ấy với Văn Hiếu Cổ.
- Nói như vậy có nghĩa là Nhiếp Tiểu Thanh là chuyên gia trong lĩnh vực này. Giáo sư Lý, cô ta là người như thế nào?
- Cô gái này phẩm chất tốt, chưa thấy có hành vi xấu nào, chỉ hơi ít nói, tính cách thiên về nội tâm, à, cô ấy còn là người rất yêu thơ ca.
Diệp Tiêu gật đầu, nói:
- Được rồi, cảm ơn sự giúp đỡ của giáo sư, tôi xin phép về. Lần sau nếu có yêu cầu gì, chúng tôi vẫn rất cần đến sự giúp đỡ của giáo sư, tôi muốn nói là sự giúp đỡ về kỹ thuật.
- Sao lại về kỹ thuật?
- Đúng thế, chúng tôi đang nghi ngờ những cái chết ở Viện Nghiên cứu khảo cổ và Nhiếp Tiểu Thanh cùng với đề tài nghiên cứu của cô ta có liên quan đến nhau.
Giáo sư Lý giật mình nói:
- Nếu đúng là như thế thì rất nghiêm trọng.
Câu trả lời của Diệp Tiêu rất nặng nề:
- Điều tôi lo lắng chính là vấn đề này, Giáo sư Lý, ông là chuyên gia, tôi sẽ nhờ ông giúp đỡ khi cần, cảm phiền ông, tạm biệt!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.