Lưu Công Kỳ Án

Chương 78: Hoàng đế càn long ban tặng bảng vàng thanh liêm




Lưu đại nhân đang định bãi đường, chợt thấy có người vào bẩm báo, nói:
- Bẩm đại nhân: Có Khâm sai từ kinh đô tới, cách đây không còn xa nữa, xin báo lên đại nhân định đoạt.
Lưu đại nhân nghe xong, xua tay, nói:
- Mau đi ra ngoài xem tình hình.
Người đấy dập đầu lạy xong lại trở ra.
Lưu đại nhân không dám chậm trễ, vội vàng thay bộ cát phục, dẫn theo quan binh rời khỏi nha môn phủ Giang Ninh tới Tiếp quan đình cách thành mười dặm đón Khâm sai vào nha môn. Khâm sai tới thềm, xuống ngựa, đứng trước công đường, giở chiếu chỉ ra. Lưu đại nhân quỳ bên dưới. Quan Khâm sai cao giọng tuyên đọc:
- Phụng thiên thừa vận, Hoàng Đế hạ chỉ: Hiếu dụ hiền khanh tên gọi Lưu Dung. Trẫm nghe đồn, khanh làm quan ở Giang Ninh một lòng thanh liêm, chính trục, trị quốc, an bang, thương dân chúng như con. Nay thăng chức cho khanh làm Đô sát viện. Ý chỉ tới phải cấp tốc về kinh. Chớ nên nấn ná lỡ việc quốc gia. Đi gấp ngày đêm về trình diện trước trẫm. Khâm thử.
Quan Khâm sai tuyên xong chiếu chỉ của Hoàng Đế. Lưu đại nhân khấu đầu tạ ân xong, đứng lên, đưa mắt nhìn quan khâm sai, nói:
- Phiền ông đi đường mỏi mệt rồi!
Khâm sai trả lời, nói:
- Đâu dám? Xin chúc mừng đại nhân được thăng chức.
Nói xong cáo từ, đi ra ngoài. Khâm sai lại cấp tốc lên đường về kinh. Lưu đại nhân tiễn đến nơi giáp danh địa phận rồi mới chắp tay bái biệt. Khâm sai lên đường về kinh, chuyện không cần kể ra đây. Giờ ta hãy kể tới chuyện của Lưu đại nhân. Về đến nha môn, lập tức gọi Trương Lộc thu xếp hành lý chuẩn bị lên đường. Lại tới nộp ấn tín nơi quan tổng đốc, bàn giao công việc thực rõ ràng. Đám thuộc hạ tiễn ông tới tận ranh giới địa phận rồi mới từ biệt, ai đi đường nấy. Hai thầy trò Lưu đại nhân vừa dợm bước lên đường, chợt thấy phía trước có một đám đông đang huyên náo. Đại nhân không hiểu ra làm sao, ngẩng đầu nhìn lên. Thì ra, đó là dân chúng phủ Giang Ninh kéo nhau tới đây tiễn đại nhân lên đường. Họ mang theo vô số rượu, thịt, trâu dê, vừa thấy ngài, vội quỳ sụp cả xuống. Người nào người nấy đầm đìa nước mắt, luôn miệng gọi "đại nhân", nói:
- Bẩm công tổ. Bọn tiểu nhân nghe nói đại nhân sắp về kinh, được thăng chức. Đại nhân tới đất Giang Ninh này làm quan, yêu dân như con, lũ dân đen chúng tôi chưa có chút gì báo đáp, nay xin dâng ly rượu nhạt gọi là lễ vật tiễn ngài lên đường. Có đôi giày mới để ngài đi, đôi giày cũ xin hãy để lại đất Giang Ninh này.
Lưu đại nhân nghe dân chúng nói vậy, trong lòng cũng cảm thấy ngậm ngùi, mở lời, nói:
- Kính thưa quý vị hương thân. Bản phủ đâu có tài đức gì khiến mọi người phải đi tiễn như vậy? Nay Lưu mỗ có mấy lời muốn nói cùng quý vị: Mong các vị hãy tuân thủ luật pháp, dạy vợ con, yêu thương mọi người.
Quân dân nghe đại nhân nói vậy đều gật đầu, nói:
- Lời dạy của đại nhân thực chẳng khác nào thánh nhân giáo huấn.
Lưu đại nhân nói:
- Các vị hay mau chóng về nhà. Còn bản phủ, lệnh vua tại thân, phải gấp rút về kinh.
Dân chúng nghe vậy, chẳng còn cách nào khác, lần lượt quay đầu đi về.
Chuyện dân chúng trở về chẳng có gì đáng kể. Giờ ta lại nói tới chuyện hai thầy trò đại nhân, lúc này cũng giống như khi tới nhậm chức, vẫn ăn mặc giản dị, đi không ngừng nghỉ. Đói ăn khát uống, ngày đi đêm nghỉ, không bỏ phí thời gian dù chỉ một ngày. Hôm ấy, hai thầy trò tới Chương Nghĩa Môn. Vào thành, dọc theo đường lớn đi về phía Đông, tới Thái Thị Khẩu, rẽ sang phía Bắc, lại tiến vào Tuyên Vũ Môn.
Lưu đại nhân ngẩng đầu nhìn lên: Kinh thành Bắc Kinh quả khác xa những vùng ngoại tỉnh khác. Hàng quán loại gì cũng có trà dư tửu hậu vô cùng náo nhiệt, người ra, kẻ vào không dứt chân. Tất cả đều vì hai chữ lợi, danh nên bận rộn: Lại còn có vô số khách giang hồ. Đại nhân chú ý nhìn, chỉ thấy: Rạp đầu tiên diễn Bát Giác Lỗ. Rạp thứ hai diễn vở Quán Thuyết Bình Thư Đình Lương Công. Rạp thứ ba đang diễn "Thi Công án". Người này ở kinh đô rất nổi danh, vốn họ Hoàng, tên là Hoàng lão, được dân chúng tặng cho ngoại hiệu hai chữ "Phụ Thần". Chuyện kể rằng Thi Công vi hành Đào Hoa Tự, bắt ác tăng trong miếu Tây Sơn. Đại nhân xem xong lại đi sang hướng Bắc, rạp diễn ở đây càng khác lạ: Có một người, đen sì như quỷ dạ xoa, tuổi độ bốn mươi có lẻ, trên đầu cài một bông hoa, râu đỏ rực như nhuộm bằng son! Phía dưới mặc một chiếc quần hở cả ống chân bằng lục điều. Chỉ thấy ông ta, đi đi lại lại trên sân khấu, tay cầm hai cây huyền hồ cầm kéo khúc "Thư nhi Nam viên thái đại hành". Kéo đến được một lúc lại cất giọng hát. Gã này cất giọng ồm ồm, hát vang: Phan Kim Liên cân tháp thượng Tây Môn Khánh, lai liễu cách, thế huynh sát tẩu đích danh Võ Tòng. (Phan Kim Liên tằng tịu với Tây Môn Khánh, lại có anh tên gọi Võ Tòng, thay anh trai giết chị dâu báo thù). Kính thưa quý vị độc giả, các vị có muốn biết hắn là ai không? Hắn chính là Hồ Cầm Hắc Tử, ngoại hiệu là "sắc công Trùng"! Đại nhân xem xong lại đi về phía Bắc, tới rạp bên ấy lắng nghe. Thì ra rạp ấy đang diễn vở Bình Thư. Diễn viên cất giọng vang lại rõ, đang hát "Phong Kiếm Xuân Thư" Yên Tôn Tẩn. Tấu Thạch phi sa náo Tần Doanh. Kính thưa quý vị độc giả muốn biết tên diễn viên ấy là gì không? Ngoại hiệu của người ấy là Lão Hắc, vốn họ Tất. Đại nhân xem xong lại đi theo hướng Bắc, chỉ nghe thấy tiếng chiêng trống vang lừng. Lưu Đại nhân hướng mắt trông lên, thấy một sân khấu được vây kín bằng trướng trắng, không biết bên trong đang diễn trò gì. Đại nhân thấy vậy lập tức nổi tính hiếu kỳ, quay đầu lại, nhìn Trương Lộc, hỏi:
- Sân khấu vây trướng trắng này diễn trò gì vậy.
Trương Lộc nghe hỏi, trả lời, nói:
- Trong đó biểu diễn xiếc hổ.
Đại nhân nghe xong, nói:
- Ái chà loài thú hại người cũng đem ra chơi. Đủ thấy con người tài giỏi tới mức nào!
Đại nhân nói xong, lại đi về phía Bắc, chỉ thấy bên đằng Đông trống gióng vang trời.
Lưu đại nhân đưa mắt nhìn sang, chỉ nghe thấy trống da trâu gióng lên thùng thùng. Một diễn viên, tay đánh trống, tay cầm một cây cờ màu đỏ thắm. Chỉ thấy anh ta vừa đánh trống vừa hát, tay chỉ, chân bước không lúc nào yên, thân hình hết đứng lại ngồi khiến khắp mình đầm đìa mồ hôi. Anh ta hát: Trình Giảo Kim hạ được trại Ngõa Lương, thống lĩnh đám anh em kết nghĩa một lòng muốn đoạt giang sơn. Đại phá tòa thành Mãnh Châu. Quý vị độc giả có muốn biết họ tên của diễn viên này không? Anh ta vốn là tay trống cự phách tên gọi Tần Ký Sinh. Đại nhân đứng xem một hồi, chợt nhớ ra, nói:
- Trò này xuất phát từ Sơn Đông quê ta mà. Chắc hẳn do thời buổi khó khăn, thóc cao gạo kém, không chịu nỗi đói khát nên phải chạy tới kinh thành kiếm ăn.
Đại nhân nói xong đi về phía Bắc, lại nghe thấy tiếng thanh la rộn trời. Có một người mặc áo hở lưng, hở bụng đứng ở chính giữa trong tay cầm một cây cương xoa sáng lấp lánh múa tít quanh mình. Cây cương xoa chẳng khác gì dính vào mình anh ta vậy. Quý vị muốn biết họ tên của người này không? Anh ta vốn người Du Trụy, họ Hắc, tên Hùng. Đại nhân xem xong lại đi về phía Bắc, thấy một rạp đang diễn trò tới hồi náo nhiệt. Nhìn sang, thì ra là ba người mù đều đã ở độ tuổi cao niên. Bọn họ lần lượt bước ra làm trò cười cho khán giả. Một người khác cố ý làm bộ mở mắt ra. Quý vị muốn biết tên của ông ta không? Ông ta chính là "Bão Hạt Tư" rất có tiếng trong giới bát quái. Đại nhân xem xong lại đi về hướng Bắc trước mặt hiện ra tấm bảng hiệu của Tây Đơn Bài.
Hai thầy trò Lưu đại nhân vừa đi vừa ngắm phong cảnh, ngẩng mặt nhìn lên, đã thấy tới dưới lầu Tây Đơn Bài. Hai thầy trò tiền thuê một cỗ xe bò, đại nhân ngồi trong xe, tên người hầu ngồi trên đòn xe, tiếp tục tiến theo hướng Bắc. Tới bên ngoài Tây Hoa Môn, lại đi dọc theo bức tường về phía Bắc, tới ngã rẽ lại ngoảnh qua phía Đông, đi men theo tường Hoàng thành vào trong miếu Hỏa Thần.
Tại sao hai thầy trò họ không về nhà ở ngõ chợ lừa mà lại vào miếu ngủ qua đêm? Hẳn quý vị độc giả còn chưa rõ: Phụng chỉ vào kinh, cần phải vào bái kiến thánh giá trước, sau đó mới được về nhà. Ở đây ngu hạ đã nói rõ giờ xin trở lại chính truyện.
Lại nói chuyện thầy trò Lưu đại nhân ở lại bên ngoài Hậu Tể Môn, trong miếu Hỏa Thần. Chuyện đêm ấy không có gì đáng kể. Tới sáng sớm hôm sau, đại nhân trở dậy rửa mặt, thay đồ lại thuê một cỗ xe bò. Đại nhân lên xe, tiến thẳng vào Hậu Môn. Tới bên ngoài Thần Vũ Môn, xuống xe. Đại nhân chỉnh lại y quan vào cung yết kiến Thánh Thượng. Chuyện ở trong triều tại hạ cũng không dám bàn tới. Chúng ta hãy lược bớt đoạn này.
Lưu đại nhân vào diện kiến Thánh giá, Hoàng thượng lệnh cho ông ta chọn ngày lành nhận chức. Lưu đại nhân không dám chậm trễ, lúc này mới rời triều, lên cỗ xe đã thuê từ sớm vẫn đợi ở bên ngoài, tới lầu Đông Tứ Bài. Tới ngõ chợ lừa bên Đông đường. Vừa xuống xe, người giữ cửa đã nhìn thấy, vội đón đại nhân vào trong, cả nhà vui vẻ quây quần trò chuyện. Lưu đại nhân dùng trà rượu, cơm nước xong lập tức tới Đô sát viện nhận chức. Mọi thứ lễ nghi, thủ tục làm xong cũng mất hết ba ngày trời. Do vị lão nhân gia này dâng bản tấu, không biết trong bản tấu ấy nói gì, Hoàng thượng không những không phê chuẩn, còn cách chức, phế ông ta làm dân thường. Lưu đại nhân đành phải trao trả ấn quan, trở về nhà tại ngõ chợ lừa, chọn ngày trở về quê cũ ở Sơn Đông. Chuyện không cần kể ra ở đây.
Dân gian truyền tụng rằng: Tuy Hoàng thượng cách chức của Lưu đại nhân nhưng không phải thực lòng không dùng ông ta nữa. Hoàng thượng chỉ muốn thử xem danh tiếng thanh liêm ngày thường người ta ca ngợi Lưu đại nhân là đúng hay sai mà thôi. Đây chính là mưu kế do Thái Thượng Hoàng bày ra. Sau đó lại sai ba viên đại thần, mang theo ba ngàn lạng bạc tới phủ của Lưu đại nhân tại ngõ chợ lừa vờ nói đó là quà tiễn chân, xem ông ta có nhận hay không.
Chắc sẽ có người muốn hỏi, ba vị đại thần ấy là ai? Tôi vốn biết ba vị ấy! Nhưng không tiện nói ra trong cuốn sách này.
Lại nói chuyện ba vị lão gia kia phụng mệnh quân vương, không dám chậm trễ, vội lên đường, tới nhà Lưu đại nhân tại ngõ chợ lừa. Gặp Lưu đại nhân, thi lễ xong xuôi, phân ngôi chủ khách yên vị. Gia nhân dâng trà lên. Trà nước xong xuôi, lúc này, ba vị lão gia mới lên tiếng.
- Chúa công nhất thời nổi cơn thịnh nộ, cách chức đại nhân thật oan uổng. Bọn tôi nghe nói, vài hôm nữa đại nhân lên đường về Sơn Đông. Bọn tôi không biết lấy gì để tỏ lòng kính trọng, nay xin có ba ngàn lạng bạc dâng lên ngài gọi là tỏ chút lòng thành. Mong ngài nhận lấy chút tiền trà nước dọc đường. Cũng coi như đó là chút tình cảm chúng ta cùng làm việc chung với nhau bấy lâu nay.
Ba vị lão gia còn chưa kịp nói hết câu, Lưu đại nhân đã cười nhạt nói:
- Tôi xin nhận tấm lòng của các vị. Hơn nữa, sao dám từ chối thịnh tình này.
Ba vị đại nhân kia nghe Lưu đại nhân nói vậy, trong lòng thầm nghĩ:
- Tên Lưu gừ trúng kế rồi!
Quay đầu lại gọi gia nhân, nói:
- Mau đem bạc vào đây!
Đám thủ hạ nghe vậy, không dám chậm trễ, lập tức bưng vào sáu mươi phong bạc. Lưu đại nhân lúc này mới nói:
- Ba vị xin hãy nghe tôi nói: Ba ngàn lạng bạc này của các vị xin hãy tạm để lại trong nhà tôi. Đợi tôi đi bẩm rõ với thánh quân, người minh bạch không làm điều ám muội.
Rồi dặn dò gia đình:
- Mau chuẩn bị ngựa. Nghĩ lại, ta với các ngài ngày thường vốn không có giao tình sâu đậm gì. Phải hỏi chúa công cho rõ duyên cớ, giờ ta sẽ lập tức vào cung.
Ba vị đại thần kia nghe vậy, nghĩ thầm:
- Đúng là tên Lưu gù không mê tiền bạc!
Tạm gác chuyện ba vị lão gia kia về phủ của mình lại. Giờ ta lại nói tới chuyện gia đinh của đại nhân. Nghe đại nhân sai bảo, chúng vội dắt ngựa ra đợi sẵn, rồi vào trong bẩm với Lưu Đại nhân. Lưu đại nhân không chút chậm trễ, sải bước xoay mình đi ra ngoài. Tới ngoài cổng, đại nhân nhảy lên lưng ngựa, nhằm hướng Tây Trục Môn thẳng tiến. Chỉ trong chớp mắt, Viên Minh Viên đã hiện ra trước mắt. 

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.