Mùi Hương

Chương 30:




Trông gã mới kinh khiếp làm sao! Tóc dài tận khoeo, bộ râu lưa thưa ngang rốn, móng tay như vuốt chim, còn ở những nơi mà mớ giẻ rách không đủ phủ kín tay và chân thì da bong ra từng mảng.
Những con người đầu tiên gã gặp là những nông dân trên cánh đồng gần thành phố Pierrefort, họ la hoảng bỏ chạy khi thấy gã. Nhưng trong thành phố thì gã gây chấn động. Hàng trăm người chạy xúm lại để ngó gã. Có người cho rằng gã là một tên tù đi đầy vượt ngục. Kẻ khác lại bảo gã không thật đúng là người mà lai người và gấu, nghĩa là người rừng. Một người trước đã từng đi biển chắc chắn gã giống người của một bộ lạc da đỏ mọi rợ ở Cayenne bên kia đại dương. Họ dẫn gã ra mắt thị trưởng. Ở đấy gã đưa trình chứng chỉ thợ lành nghề làm mọi người kinh ngạc, với một ít tiếng lắp bắp nhưng hiểu được, gã mở miệng lần đầu tiên sau bảy năm kể rằng trên đường đi gã bị bọn cướp bắt giam giữ suốt bảy năm trong một cái hang. Trong thời gian này gã không hề thấy ánh mặt trời hay thấy người, thức ăn đựng trong giỏ được một bàn tay vô hình thòng xuống trong bóng tối, rồi sau rốt được giải thoát nhờ một cái thang mà gã không hiểu ở đâu ra, và gã cũng như chưa từng thấy mặt bọn bắt cóc lẫn người cứu gã. Gã đã nghĩ ra câu chuyện này vì theo gã dễ tin hơn sự thật; mà đúng thế vì những vụ cướp tương tự không hiếm trong vùng núi ở Auvergne, Languedoc và Cevenne. Dẫu sao viên thị trưởng không mảy may ngần ngại lập biên bản và trình sự vụ lên ngài Marquis de la Taillade-Espinasse, lãnh chúa của thành phố đồng thời là uỷ viên toà án tối cao ở Toulouse.
Ngay từ năm bốn mươi tuổi Marquis đã từ giã lối sống cung đình ở Versailles, rút về thái ấp sống cho khoa học. Ngài đã soạn tác phẩm nổi tiếng về nền kinh tế quốc gia năng động đề nghị bỏ hết mọi thuế thổ trạch và sản phẩm nông nghiệp nhưng ngược lại đánh thuế lợi tức theo cách lũy tiến ngược, như thế bọn nghèo bị nặng nhất và họ sẽ buộc phải phát huy hơn nữa những hoạt động kinh tế. Phấn khởi vì quyển sách thành công, ngài viết một tiểu luận về sự giáo dục trai gái ở lứa tuổi từ năm đến mười, rồi thực hiện những thí nghiệm về nông nghiệp như thử thụ tinh bò trên nhiều loại cỏ để có được một thứ lai tạo động-thực vật cho sữa, một kiểu hoa- vú-sữa. Sau những thành công sơ khởi, khiến ngài mạnh dạn làm pho mát từ sữa cỏ, được viện Hàn lâm khoa học Lyon đánh giá là “có mùi vị của dê tuy hơi đắng”; nhưng rồi ngài phải bỏ thí nghiệm vì phun hàng trăm lít t*ng trùng bò trên khắp đồng cỏ quá ư tốn kém. Dẫu sao, qua làm việc với những vấn đề nông sinh học ngài không chỉ thêm quan tâm đến những thứ gọi là tảng đất cầy mà là đất nói chung và về quan hệ của đất với môi sinh.
Mới vừa ngưng những công việc thực tiễn về hoa- vú-sữa, ngài đã lao ngay vào biên soạn một cảo luận lớn về mối quan hệ giữa vùng tiếp cận đất và sinh lực với sự hăng hái không giảm sút của một nhà nghiên cứu. Luận điểm của ngài là sự sống chỉ phát triển nổi ở một khoảng cách nhất định với mặt đất vì từ đất liên tục tuôn ra một thứ hơi độc gọi là fluidum letale[1] làm cho sinh lực bị tê liệt và không sớm thì muộn sẽ bị tắt hẳn. Do đó, mọi sinh vật đều gắng sức để rời khỏi mặt đất, tăng trưởng bên trên mặt đất chứ không ngược vào trong; cũng như chúng đều hướng những phần quý nhất lên trời: hạt và nhánh lúa, hoa và cành, người và cái đầu, cho nên khi tuổi già làm cho còng xuống thì chúng bó buộc cong thân về lại đất, bị khí độc làm hư hao không cưỡng lại được, để rồi sau khi chết chúng biến thành chính cái hơi ấy trong quá trình phân hoại.
Khi Marquis de la Taillade-Espinasse nghe nói tìm thấy ở Pierrefort một gã sống chui rúc bảy năm ròng rã trong hang, nghĩa là hoàn toàn bị bao quanh bởi môi trường độc hại của đất thì ngài vô cùng thú vị và ra lệnh đưa Grenouille đến ngay phòng thí nghiệm để ngài khám gã thật kỹ. Ngài thấy lý thuyết của mình được chứng thực rành rành hết sức: fluidum letale đã huỷ hoại Grenouille đến độ cái cơ thể mới hai mươi lăm tuổi của gã phơi bày rõ rệt những biểu hiện suy nhược của người già.
Ngài Taillade-Espinasse giải thích rằng việc Grenouille được cho ăn thứ thực phẩm làm từ những loại cây cỏ xa mặt đất, có lẽ là bánh mì hay trái cây, là lý do duy nhất khiến gã thoát chết. Gã chỉ có thể hồi sức như xưa nếu dùng cái máy quạt sinh khí do chính ngài phát minh trục hết cái fluidum kia ra khỏi người gã. Ngài có một cái máy như thế để trong kho của lâu đài ở Montpellier, nếu Grenouille bằng lòng làm đối tượng cho sự thuyết minh khoa học thì không những ngài sẽ giải thoát gã khỏi sự nhiễm độc vô vọng bởi khí đất mà còn cho hắn một số tiền không nhỏ nữa…
Hai giờ sau họ đã ngồi trên xe. Mặc dù đường xá hết sức xấu họ chỉ mất chưa đầy hai ngày để đi sáu mươi bốn dặm tới Montpellier vì tuổi đã cao nhưng Marquis vẫn không tha, đích thân vung roi quật cả ngựa lẫn người đánh xe và không ngần ngại phụ một tay khi trục xe và nhíp bị gẫy nhiều lần, ngài quá phấn khởi với sự khám phá của mình, khao khát được trình diện nó thật nhanh trước một cử toạ có học thức. Còn Grenouille không được rời khỏi xe lấy một lần. Gã phải ngồi ở đấy trong mớ giẻ rách, trùm thêm cái chăn dầy những đất ẩm và bùn. Trong chuyến đi gã được cho ăn rễ cây sống. Bằng cách này ngài Marquis hy vọng sẽ giữ được sự nhiễm độc bởi fluidum của đất trong trạng thái lý tưởng thêm ít lâu nữa.
Tới Montpellier, ngài cho đưa ngay Grenouille đến hầm cung điện của ngài, gởi thư mời đến toàn thể thành viên của đại học Y khoa, của hội những nhà thực vật học, trường canh nông, hội hoá học, hội Tam điểm và những hội của các nhà học giả khác, thành phố này có cả tá hội như thế. Mấy ngày sau, đúng một tuần lễ sau khi giã từ sự cô độc trên núi, gã được đưa lên bệ đại giảng đường đại học Montpellier để giới thiệu với hàng trăm quan khách như là một sự kiện khoa học chấn động trong năm.
Trong bài thuyết trình, ngài Taillade-Espinasse mô tả gã là một bằng chứng sống về sự đúng đắn của lý thuyết Fluidum letale của đất. Ngài vừa giật từng miếng giẻ rách vừa giải thích cái hậu quả tai hại do khí độc đã gây ra trên thân thể Grenouille; ta thấy những mụn mủ và thẹo do khí ăn da, trên ngực một vệt ung thư đỏ tươi và to tướng, da bị thối nát khắp nơi, thậm chí bộ xương biến dạng rõ rệt biểu hiện rành rành qua cái chân quẹo và cái bướu mà nguyên nhân chính là do khí. Nội tạng như lá lách, gan, phổi, mật và đường tiêu hoá cũng bị khí làm thương tổn nặng, điều này được minh chứng rõ rệt qua quan sát phân đựng trong cái chậu đặt dưới chân gã để ai muốn xem thì cứ tự nhiên. Tóm lại, có thể nói được rằng sự tê liệt sinh khí do bảy năm nhiễm độc bởi fluidum letal Taillade[2] tới mức mà cái gã bề ngoài đã mang nhiều nét chú ý như thể chuột chũi kia phải được gọi là một sinh vật gần với cái chết hơn sự sống. Tuy vậy, người thuyết trình dám tin rằng qua cách điều trị bằng quạt gió kết hợp với một chế độ ăn uống kiêng cữ trong vòng tám ngày có thể làm cho cái gã sắp đi gặp tử thần kia hồi sức đến độ ai cũng sẽ nhận ra những dấu hiệu của sự hoàn toàn bình phục; ngài yêu cầu những người hiện diện sau một tuần đến kiểm chứng kết quả của sự dự đóan và điều này tất nhiên sẽ phải được coi là bằng chứng có giá trị về sự đúng đắn của lý thuyết fluidum letale.
Bài thuyết trình thành công lớn. Đám cử toạ thông thái vỗ tay nhiệt liệt tán thưởng diễn giả rồi xếp hàng đi ngang cái bục Grenouille đang ngồi9. Trong cái vẻ tiều tụy được duy trì và những vết sẹo cũ cùng với khuyết tật dị dạng trông gã quả thật hết sức đáng sợ nên ai cũng nghĩ rằng gã đã thối rữa mất một nửa rồi, không thể cứu được nữa cho dù chính gã thấy mình khoẻ và có sức. Vài ông gõ gõ trên người gã không khác chuyên gia, đo, xem miệng và mắt gã. Có người nói với gã, hỏi về cuộc sống trong hang động và tình trạng sức khoẻ hiện giờ của gã. Nhưng gã tuân theo đúng những gì ngài Marquis đã dặn trước nên chỉ đáp lại những câu hỏi nọ bằng một tiếng khò khè yếu ớt, hai tay làm những động tác bất lực chỉ vào yết hầu để tỏ rằng chỗ ấy cũng đã bị fluidum letale gặm nhấm rồi.
Cuộc buổi trình diễn, ngài Taillade-Espinasse lại trùm kín gã, cho chở về nhà kho của lâu đài. Ở đấy, ngài nhốt gã vào cái máy quạt hơi sinh khí trước sự hiện diện của một vài bác sĩ chọn lọc của khoa Y, đây là một cái cũi đóng thật khít bằng những thanh gỗ thông, để tránh khí độc, không khí được hút tuốt từ trên cao qua một ống hơi nhô ra khỏi mái nhà thổi vào cũi rồi thoát ra bằng một nắp da gắn dưới đáy cũi. Lũ gia nhân lo vận hành giàn thiết bị phải giữ cho cái quạt gắn trong ống hút chạy suốt ngày đêm không nghỉ. Rồi trong khi bằng cách ấy luồng không khí dùng để tẩy uế không ngừng bao quanh Grenouille thì cứ mỗi một giờ, qua một ô nhỏ ở vách, gã lại được đưa cho ăn kiêng khem những thứ ở xa mặt đất: canh chim bồ câu, patê chim sơn ca, ra gu vịt trời, mứt trái cây, bánh mì từ loại lúa mì mọc cực cao, rượu vang Pyrénée, sữa sơn dương và kem làm bằng trứng của đan gà nuôi tận trên gác thượng lâu đài.
Sự trị liệu tổng hợp khử độc và phục hồi sinh lực kéo dài liền năm ngày. Rồi ngài Marquis cho tắt quạt, đưa Grenouille vào phòng tắm cho gã ngâm nhiều giờ trong nước mưa ấm và sau hết tắm từ đầu đến chân với xà bông làm từ dầu trái bồ đào mua tận thành phố Potosi ở dãy núi Andes. Gã được cắt móng tay, móng chân, chà răng với vôi Dolomit tán mịn, cạo râu, cắt tóc, chải đầu, uốn tóc và rắc phấn. Thợ may và thợ giầy được gọi đến cắt cho Grenouille một cái áo lụa viền ren trắng, ống tay áo viền đăng ten trắng, tất lụa, áo choàng, quần, áo gi lê bằng nhung xanh, giầy da đen cài khóa thật bảnh và chiếc bên phải khéo che cái bàn chân què. Ngài Marquis tự tay đánh phấn họat thạch trắng lên cái mặt chằng chịt thẹo của Grenouille, bôi môi và gã với sơn đỏ rồi dùng than mềm từ gỗ bồ đề kẻ lông mày của gã cho cong một cách qúy phái. Rồi ngài xịt lên gã cái nước hoa chính ngài vẫn dùng, loại nước hoa đồng thảo kh’a tầm thường, đoạn lùi lại vài bước, mãi một lúc sau mới diễn tả nổi thành lời trầm trồ.
“Monsieur,”ngài nói, “tôi phục tôi hết sức. Thiên tài của tôi làm chính tôi rung động. Chưa bao giờ tôi nghi ngờ sự đúng đắn của cái lý thuyết về khí mà tôi nêu ra, chưa bao giờ, nhưng tôi thật sự rung động khi thấy nó được chứng minh một cách tuyệt vời qua cách trị liệu thực tiễn. Trước kia ông là một con thú, giờ tôi đã biến ông thành người. Khác gì thần thánh đâu. Xin hãy bỏ qua cho sự xúc động của tôi! Mời ông tới soi tấm gương đàng kia! Ông sẽ nhận ra lần đầu tiên trong đời rằng ông là người, tuy không khác thường hay đặc biệt gì nhưng dẫu sao cũng vẫn là một người coi được. Monsieur, hãy soi gương đi! Ông sẽ kinh ngạc về phép lạ tôi vừa hoàn thành nơi ông!”
Đó là lần đầu tiên có người gọi Grenouille bằng “Monsieur”.
Gã đi tới cái gương, soi mình trong đó. Gã chưa từng thấy một cái gương bao giờ. Gã thấy trước mắt một ông trong trang phục xanh loại sang, áo trắng, tất lụa, gã vội cúi đầu như vẫn thường làm trước những ngài sang trọng như thế. Người đàn ông sang trọng nọ cũng cúi đầu và khi Grenouille thẳng người lại thì ông ta cũng làm y hệt, rồi cả hai nhìn nhau chăm chú.
Grenouille kinh ngạc nhất về cái dáng hết sức bình thường của mình. Ngài Marquis nói đúng, trông gã không có gì đặc biệt, không đẹp trai nhưng cũng không đến nỗi quá xấu. Người gã hơi nhỏ, cử chỉ hơi vụng về, gương mặt hơi đờ đẫn, tóm lại, trông gã giống như hàng nghìn người khác. Nếu bây giờ gã đi ra đường hẳn sẽ chẳng ai ngoái cổ nhìn. Giả tỉ mà gã gặp một người như gã bây giờ thì chính gã cũng chẳng thèm chú ý, trừ khi gã chỉ ngửi thấy ở người ấy một chút hoa đồng thảo ngoài ra không còn mùi nào hết như ông nọ trong gương và như chính gã.
Thế là mười ngày trước đám nông phu la hoảng bỏ chạy khi thấy gã. Lúc ấy gã chẳng cảm thấy gì khác bây giờ, còn bây giờ khi nhắm mắt lại gã cũng chẳng thấy khác trước tí nào. Gã hít cái hoi toả ra từ cơ thể, ngửi thấy mùi nước hoa tầm thường, mùi nhung, mùi da giầy mới dán, gã ngửi thấy mùi lụa, phấn bôi mặt, son, thoang thoảng mùi xà bông từ Potosi. Và gã chợt hiểu ra rằng không phải canh chim bồ câu và cái trò quỷ thuật với cái quạt gió đã làm gã trở thành một người bình thường mà hoàn toàn chỉ do ba cái áo quần, bộ tóc và đôi chút trang điểm che đậy.
Gã mở mắt, nhấp nháy và thấy ông nọ trong gương nháy mắt với gã, một nụ cười thoáng trên môi đỏ màu son như để ra hiệu rằng ông ta thấy gã không phải không dễ mến. Còn Grenouille cũng nhận thấy ông nọ trong gương, thấy cái hình dáng không mùi, mặc quần áo, trang điểm kia không đến nỗi tệ, theo gã thì cái hình dáng ấy có thể tác động được vào thế giới bên ngoài nếu bộ mặt kia được giả trang hoàn hảo trong khi gã, Grenouille này, không dám tin rằng sẽ làm nổi. Gã gật đầu với cái hình dáng trong gương và nhận thấy cái hình dáng ấy kín đáo hỉnh mũi trong lúc gật đầu đáp lễ…
Chú thích:.
[1] Fluidum: lưu chất như khí hoặc chất lỏng,; letale: độc (tiếng La Tinh).
[2] Các nhà khoa học dùng tên của họ đặt cho phát minh của mình.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.