Mỹ Nhân Đông Cung

Chương 4:




Thời gian trong cung như nước chảy, năm Thần Phượng thứ bảy, Thái Thượng Hoàng qua đời. Trong đám con cháu đông đảo, người đau lòng nhất phải kể đến A Tuân. Thằng bé thường đi đến thôn trang Trường Thọ, có tình cảm ông cháu sâu nặng với Thái Thượng Hoàng.
Ta lo lắng cho sức khỏe thằng bé nên nấu rất nhiều canh tẩm bổ. Mà ngày đưa tang Thái Thượng Hoàng, ngay trước mặt rất nhiều triều thần và tôn thất, A Tuân đứng ở phía trước nhất bỗng nhiên phun ra một ngụm máu, cơ thể lảo đảo một cái rồi lập tức ngã xuống đất hôn mê bất tỉnh.
Thái y chẩn đoán ra đây là do trúng độc.
Đương nhiên Tiêu Lễ rất giận dữ, sau một phen điều tra và xác nhận, hung thủ hướng về phía Hiền phi Tô thị. Độc mà A Tuân trúng chính là độc hiếm ở Tây Nam, mà nhiều năm trước huynh trưởng của Hiền phi đã từng đi trấn áp quân Man ở Tây Nam. Hơn nữa dưới sự thẩm tra nghiêm ngặt, trong điện của ta đã có cung tỳ nhận tội, chịu ơn của nhà họ Tô, hòa tan độc dược vào trong nước, sau đó dùng khăn vải thấm độc lau nồi canh mà người hầu dùng để nấu canh cho Tiêu Tuân.
Trong một đêm nhà họ Tô sụp đổ, ngay cả Nhị hoàng tử do Hiền phi sinh cũng bị chán ghét. Lúc trận lôi đình này ập xuống đầu nhà họ Tô, Kỳ Ngọc đang nằm trên giường tĩnh dưỡng, dường như năm tháng rất thiên vị nàng ta, không để cho vẻ đẹp của nàng ta bị hao mòn chút nào, dù cho sau khi đẻ non khuôn mặt tái nhợt nhưng trông vẫn có dáng vẻ như Tây Thi bị bệnh.
Mấy năm nay nàng ta mang thai hai lần, lần nào cũng không giữ được, lúc đầu trong lòng cũng nghi ngờ ta hoặc Hiền phi động tay động chân, nhưng những đồ vật bên người nàng ta luôn được chú ý cẩn thận, e rằng vẫn là do trời sinh cơ thể đã yếu ớt.
Năm Thần Phượng thứ mười, ta mắc bệnh nặng một trận, mãi không thấy khỏi. Tiêu Lễ dần dần tin Đạo giáo, muốn ta dâng thư kiểm điểm, bị ta kiên quyết từ chối: "Là Thái tử phi, là Hoàng hậu, ta không thẹn với lương tâm, cũng chưa từng mắc sai lầm."
Thật sự là như vậy sao? Chỉ có chính ta biết chân tướng là như thế nào.
Trong mười bảy năm ta gả cho Tiêu Lễ, quả thật đã từng làm không ít chuyện xấu. Ví dụ như bắt đầu từ nhà mẹ đẻ, ta động tay động chân lên vải may mặc của mẫu thân và thuốc bổ mà nhà họ Sầm dâng cho Kỳ Ngọc, lặng lẽ xử lý con nối dõi của Kỳ Ngọc. Nhưng nếu như được lặp lại lần nữa, ta vẫn sẽ làm như vậy, ta và Kỳ Ngọc đều có con cái, như nước với lửa, ta không thể để nàng ta có bất kỳ cơ hội nào giẫm lên đầu mình.
Dưới sự chăm sóc của con trai và con gái, cuối cùng ta cũng gắng gượng vượt qua cơn đau ốm này.
Không lâu sau khi khỏi bệnh, tấu chương xin bệ hạ lập con trưởng Tiêu Tuân làm thái tử đã nhanh chóng bay đến trên bàn của bệ hạ. Nói từ mặt lễ pháp, Tiêu Tuân có đủ tư cách được lập làm thái tử, nhưng Tiêu Lễ lại gác lại không chịu quyết định.
Chàng không muốn sắc lập thái tử thì đã sao, chàng không kéo dài được mấy ngày nữa.
Bởi vì...
Vào ngày mừng sinh thần bệ hạ, trong bữa tiệc cung đình, Nhị hoàng tử bình thường rất ít khi xuất hiện lại đến tham dự. Đến lượt hắn ta chúc thọ, Nhị hoàng tử lại kêu oan thay mẫu phi của hắn ta.
Khi tên người phủ bụi đã lâu bị lật ra, sau khi bệ hạ sững sờ một lát thì trong trí nhớ mới xuất hiện gương mặt của Hiền phi. Nhị hoàng tử quỳ trên mặt đất có thân hình gầy gò, hai mắt mở to nhìn về phía ta. Vì chuyện con trai trưởng Tiêu Tuân trúng độc mà Hiền phi bị đày vào lãnh cung, nếu như Hiền phi bị oan, vậy thì...
Trong mắt đế vương ngồi tít trên cao lóe lên một tia điên cuồng không tên: "Con đứng lên trước đi, con nói Hiền phi bị oan, có chứng cứ gì không?"
Ta rũ mi mắt xuống, nhẹ nhàng thổi trà nóng trong chén. Chứng cứ, đương nhiên là có.
Dưới ý chỉ của bệ hạ, vụ án Hiền phi được phúc thẩm. Nhưng cái gọi là chân tướng lại không hề giống như trong dự đoán của chàng. Hóa ra cung tỳ bị xử tử năm đó còn có người nhà, cô bé mười mấy tuổi quỳ trên mặt đất khóc thút thít, nói rằng nàng ta biết chân tướng: "Mẫu thân nói với ta, ban đầu sau khi tỷ tỷ vào cung thì phụ trách chăm sóc hoa cỏ trong Ngự hoa viên, có một năm mẫu thân bị bệnh, tỷ tỷ khóc ở trong Ngự hoa viên, gặp được Đức phi nương nương. Đức phi đưa tiền cho tỷ tỷ của ta, bảo tỷ ấy mang tiền ra ngoài chữa bệnh cho mẫu thân. Về sau tỷ tỷ có cơ hội vào làm việc trong cung của Hoàng hậu, Đức phi bèn muốn tỷ tỷ làm tai mắt..."
"Sau đó phụ thân uống say, đánh chết người, phải đền mạng. Tỷ tỷ lại đi cầu xin Đức phi. Đức phi nói có thể giúp chuyện này, nhưng lại muốn sau này tỷ tỷ phải làm một chuyện cho nàng. Chuyện này chính là hạ độc Thái tử, đồng thời vu cáo cho Hiền phi..."
Đủ rồi, hí kịch hát đến đây là đủ rồi.
Ta lạnh lùng nói: "Hay cho một Đức phi! Hay cho kế độc một mũi tên trúng hai đích, nếu không phải năm đó A Tuân uống ít thì hôm nay bên cạnh bệ hạ chẳng phải chỉ còn lại mỗi A Ngao do nàng ta sinh hay sao!"
Khi chứng cứ được đẩy lên mặt nước, cũng giống như Hiền phi năm đó, Kỳ Ngọc cũng không ngừng kêu oan. Nhưng nếu kêu oan có tác dụng thì Hiền phi đã không cần bị giày vò ba năm ở trong lãnh cung rồi. Hiền phi được thả ra, kiếp sống ba năm ở lãnh cung đã đày đọa nàng ta thành dáng vẻ như bà lão. Cho dù được ra ngoài, nàng ta cũng không có duyên với sự sủng ái của đế vương nữa. Còn Kỳ Ngọc thì bị đưa đến miếu ở ngoại ô, sống nơi cửa Phật cho đến hết đời này.
Trước khi nàng ta ra khỏi cung, tỷ muội chúng ta gặp nhau một lần.
Kỳ Ngọc đã không còn là thiếu nữ ngu dốt không hiểu chuyện đời của năm đó, nàng ta chỉ vào ta, mí mắt như sắp rách: "Là ngươi, là ngươi từ ba năm trước đã bắt đầu bày kế để hại ta!”
Ta nhẹ nhàng lắc đầu: "Kỳ Ngọc, ngươi mắc sai lầm lớn chồng chất mà còn không biết hối cải, mong rằng đèn xanh mõ gỗ có thể giúp ngươi sám hối tội lỗi của mình." Đây cũng là câu nói cuối cùng mà đời này ta nói với nàng ta.
Nhiều năm trước nàng ta từng dạy ta một bài học, con người càng đắc ý thì càng phải tỉnh táo.
Sau đó Yểu Nhứ nói với ta tin tức mẫu thân cầu kiến. Ta bóc nhãn cho con gái, nói: "Nói với mẫu thân, bệ hạ đưa Kỳ Ngọc đến miếu đã là mở một con đường rồi, Hiền phi còn ở trong lãnh cung ba năm kìa. Trong miếu tuy kham khổ cũng vẫn tốt hơn trong lãnh cung."
Một tháng sau, bệ hạ lập con trai trưởng Tiêu Tuân làm Thái tử. A Tuân có thân phận cao quý, huống hồ, ngoài A Tuân ra, chàng đã không còn lựa chọn nào khác.
Chuyện đến đây chỉ còn lại chờ đợi qua ngày nữa thôi. Giống như những chuyện năm xưa bệ hạ làm ở Đông cung, chờ đến khi Hoàng đế chịu thoái vị, hoặc là chờ đến khi Hoàng đế băng hà, coi như là hết khổ.
Điều duy nhất khiến ta lo lắng chính là độc dược đến từ Tây Nam kia vẫn còn sót lại trong cơ thể A Tuân...
Ba năm trước, khi con trai cầm độc dược đến tìm ta, quả thật ta rất khiếp sợ.
Tuy rằng nước cờ này tốn thời gian dài nhưng đúng là có hiệu quả.
Kỳ Ngọc kêu oan cũng không sai, nhưng Hiền phi ở trong lãnh cung và Nhị hoàng tử đều nhận định hung thủ là nàng ta, người nhà của cung tỳ đã chết cũng nhận định là nàng ta, cho dù có một trăm cái miệng cũng không thể nói rõ được. Dù sao cũng không ai ngờ rằng, loại độc nguy hiểm như vậy lại là do A Tuân mười ba tuổi tính toán liều lượng rồi tự uống vào. So với phụ hoàng của thằng bé ngày trước, Tiêu Tuân càng hợp làm một thái tử hơn. Thằng bé bị đế vương nghi ngờ càng nhiều thì ứng phó cũng càng thêm chu toàn.
Giữa từng tiếng đồng hồ nước, ta nặng nề nhắm hai mắt lại. Trước khi ngủ còn suy nghĩ, phải tìm một cơ hội để nêu ý kiến với bệ hạ, hậu cung trống vắng, nên tổ chức tuyển mỹ nhân. Bây giờ dân giàu nước mạnh, một vị vua có chút phóng túng hưởng thụ là chuyện không thể trách được.
Nếu như Hoàng đế không hồ đồ thì làm sao có thể làm nổi bật sự chín chắn của Thái tử chứ.
Trong lúc nửa mê nửa tỉnh, dường như ta về tới những năm tháng thuở thiếu thời, khi đó ta không hề nghĩ rằng có một ngày ta sẽ ở trong thâm cung, đấu đá với tỷ muội, đấu đá với đế vương, mưu kế tường tận, quỷ kế chồng chất.
Có lẽ, đây chính là vận mệnh của tất cả mọi nữ nhân trong thâm cung.
Trong đêm tối, không biết nơi nào vang lên tiếng đàn réo rắt, như khóc như tố, mỏng manh yếu ớt.
[hoàn]

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.