Năm Tháng Tĩnh Lặng, Kiếp Này Bình Yên

Chương 22: Mây khói thảo đường




Vốn cho rằng chỉ có sinh ra vào triều Đường, phải đầy bụng thơ văn, hơn nữa phải có cơ duyên mới có thể đến được thảo đường[4] của Đỗ Phủ. Nhưng nghìn năm sau, tôi không hề gõ cửa, mà cánh cửa của thảo đường tự mở đón chào tôi. Mang theo lòng thành kính là có thể thoải mái bước qua ngưỡng cửa đó, cùng thảo đường trải qua thời gian một ngày, cùng chung một nỗi tâm sự.
[4] Nhà đọc sách, trai phòng của các thi nhân, văn nhân được gọi là thảo đường.
Thả bước giữa một vùng phong cảnh u tĩnh, thảo đường mộc mạc cổ kính này tựa như chất chứa ký ức lịch sử sâu xa, nhưng cũng cơ hồ như chẳng có điều gì, chỉ là ngày tháng mênh mang như nước. Giờ đây, tôi nhìn thấy một đám mây trắng đang mỉm cười, trong bụi cỏ còn có một chú dê đang rỉ rả kêu.
Mây trôi qua nghìn năm, câu chuyện cũ đất Thục Trung đã sạch trơn mây khói. Trúc biếc rợp bóng con đường lát đá, tôi đi ngang qua, chỉ nhìn thấy chiếc bóng của thời gian. Sự yên lặng xa thẳm của nơi đây, tuy ở bên ngoài nhân thế, nhưng thanh nhã thoát tục, nghiễm nhiên là chốn cố hương của những linh hồn đau khổ. Năm đó, Đỗ Công Bộ[5] vì tránh loạn An Sử, dời nhà đến đất Thục, dựng thảo đường ở Thành Đô. Ông tỉnh dậy sau một giấc mộng tan nát, mặc dầu hơi ấm trên giường vẫn còn đó, nhưng câu chuyện trong mộng đã nguội lạnh. Ông mang theo tráng chí ngút trời “Hội đương lăng tuyệt đỉnh, nhất lãm chúng sơn tiều” (Lên chóp đỉnh mà trông, lè tè muôn núi dưới[6]) lặn lội đến Trường An, nhưng không biết rằng thời cơ đã muộn, màn kịch lớn xuân thu đinh thịnh của triều Đường đã gần đi đến hồi kết.
[5] Đỗ Công Bộ: Một tên gọi khác của Thi thánh Đỗ Phủ.
[6] Trích bài “Vọng nhạc” kỳ nhất của Đỗ Phủ, Khương Hữu Dụng dịch.
Dù cho người đẹp như mây tụ hội bên dòng Khúc Giang, khách thơ chật chỗ trong các quán rượu Trường An, vòng hoa trước trán quý phi vẫn lóng lánh chói mắt, nhưng thiên tử Đại Đường đã không còn chói lọi vạn trượng như năm nào. Một thân ngựa gầy cõng lý tưởng và gánh nặng nặng trĩu, đến bụi trần cũng không thể phủi đi được. Cửa nhà quan đóng kín im im, khiến bạn thấm thía cái lạnh lẽo “Quan cái mãn kinh hoa, tư nhân độc tiều tụy.” (Nào lọng che nào mũ đội đầy rẫy khắp kinh đô, sao người ấy bơ phờ riêng một kiếp[7]) Trường An liễu biếc oanh kêu, Trường An vàng son rực rỡ, ngươi thỏa mãn tâm nguyện hùng vĩ của biết bao nam nhi tan nát như tro tàn.
[7] Trích bài “Mộng Lý Bạch”, kỳ nhị của Đỗ Phủ, Trần Tuấn Khải dịch.
Cho dù không cam tâm biết mấy, nhưng đối diện với sự chìm đắm của vận mệnh, sự thất thủ của Trường An, ông chỉ có thể vứt bỏ danh vọng cao chạy xa bay, say mèm quay về đất Thục, lạc phách trở về đồng hoang. Ông không thể như Trích tiên khách (Lý Bạch), tuy giấc mộng Trường An tan vỡ, vẫn có thể du hiệp giang hồ, tự do bay nhảy; có thể cưỡi mây cưỡi gió, cúi nhìn trận chiến tranh này. Cũng chẳng thể như Đào Tiềm, kinh qua chìm nổi quan trường, rốt cuộc quay về quy ẩn Nam Sơn, chỉ làm mấy mẫu ruộng vườn. Thảo đường năm đó - há chẳng phải ngươi đã như vậy hay sao?
Rừng trúc sâu thẳm, cửa gỗ khép hờ, ngòi bút gầy guộc của ông vẫn từng nét từng đường khắc lên những áng thơ trang trọng của lịch sử. Căn nhà tranh thô lậu đơn sơ này, sao có thể gánh được đại sự thiên hạ, oán hận quốc gia mênh mông đó? Ông hy vọng thảo đường này có thể trở thành lâu đài thênh thang, có thể che chở cho hàn sĩ thiên hạ, muôn vàn bách tính. Thế nhưng phong hoa thịnh thế của Đại Đường, đã như nước chảy về đông, đường xưa dấu cũ của Trường An, đã càng ngày càng lùi xa.
Ông ngâm rằng “Bạch nhật phóng ca tu túng tửu, thanh xuân tác bạn hảo hoàn hương” (Ngày đẹp hát ngao thì chuốc rượu, trời xuân theo bước thẳng về làng[8]) thì cớ sao không từ bỏ được giang sơn cô tịch, ngao du trời mây vạn dặm? Đã biết “Văn chương tăng mệnh đạt” (Văn chương ghét mệnh đạt[9]), lại cớ sao không từ bỏ được công danh bút mực, vẫn lưu luyến nhiệt huyết anh hùng? Vị thánh thi tài rạng thiên cổ, tâm xót muôn dân này ắt hẳn không quên nổi ngày hôm qua phồn hoa của Trường An, không sống nổi những năm tháng bình dị tầm thường.
[8] Trích bài “Văn quan quân thu Hà Nam, Hà Bắc” của Đỗ Phủ, Doãn Kế Thiện dịch.
[9] Trích bài “Thu nhật hoài Lý Bạch” của Đỗ Phủ, Nam Trân dịch.
Đã sống ở thảo đường nhưng hào tình chẳng dứt, không chịu cầu an trong hơi men, say ngủ trước sân. Dưới ánh đèn xanh lờ mờ, ông khoác áo ngồi trông, chống tay ngắm sóng mây, bút đưa ngang ý thu dào dạt, văn thơ thành vạn quyển. Cửa sài[10] lúc chiều bảng lảng, có thể nhìn hết những gì tuyệt diễm chốn nhân gian, vầng mặt trời sắp lặn đó, còn có thể thắp sáng cuộc đời gió táp mưa vùi của ông không?
[10] Cửa sài: Cửa làm bằng tre, nứa, ám chỉ nhà nghèo.
Hải âu bị chặt cánh, không thể tự do bay vút tầng không; tướng sĩ cởi bỏ chiến bào, không thể rong ruổi cưỡi ngựa biên cương. Chỉ đưa cho ông một chiến thuyền, là tìm đến chốn về sâu thẳm ở chân trời góc bể. Thảo đường nhà tranh, tuy đơn sơ, nhưng cũng có phong cốt riêng của nó. Đỗ Công Bộ lúc này không còn ngựa khỏe vút phi, khí ngạo tâm cuồng, ý chí xung thiên như thời niên thiếu, mà chỉ là một ông già tóc đã điểm sương, thân hình gầy yếu.
Có lẽ là thời gian mềm dịu của Thành Đô, cảnh xuân tươi sáng của thảo đường dần dần đã xoa dịu những nếp nhăn tang thương trong đáy lòng ông, nếu không, sao ông có thể đứng bên bờ suối Hoán Hoa ngâm vịnh những dòng thơ thanh tân “Lưỡng cá hoàng ly minh thúy liễu, nhất hàng bạch lộ hướng thanh thiên” (Hai cái oanh vàng kêu liễu biếc, một hàng cò trắng vút trời xanh[11]) đến vậy? Thả bước lên bờ suối xanh trong của thảo đường, dường như còn nhìn thấy bóng dáng dựa lan can buông cần mà say ngủ năm xưa của Đỗ Phủ. Cây cầu đá mưa khói đó, có ai đã bẻ cành mai bước qua, bỏ lỡ mây trắng tựa tuyết, lại phụ trăng sáng tùng thấp, chỉ vì lưu lại chút hương lạnh cách tuyệt thế gian này.
[11] Trích bài “Tuyệt cú” của Đỗ Phủ, Tản Đà dịch.
Suối lượn quanh co như số phận chìm nổi lênh đênh của thi nhân. Đôi tay buông cần câu được nước biếc, câu được mây nhàn, nhưng vẫn không bỏ được cây bút lớn, tấm lòng kinh bang tế thế không hề suy giảm so với năm nào. Chính ở thảo đường thanh u này, chính trong thời gian ẩn dật này, sáng tác thơ ca của Đỗ Phủ lại ào ạt như sông lớn, cuốn rôi gió mây lịch sử, rúng động lòng dân xã hội. Bút mực dạt dào, thấu triệt như đầm sâu, soi chiếu vạn vật sơn hà, muôn cảnh sinh linh, nhưng khó có thể nghịch chuyển càn khôn trong một vùng đất đai cằn cỗi, khó có thể níu giữ sóng cả bên vách núi hiểm trở cheo leo.
Biết bao lần khi màn đêm ập xuống, mỗi lần khêu đèn thắp sáng, chỉ vì đợi chờ một bình minh không còn xa xôi. Trong những tháng ngày mờ mờ tỏ tỏ ở thảo đường, ông không quên được hào tình mở miệng ra là ngâm vịnh phượng hoàng năm xưa, không quên được chí hướng “Trí quân Nghiêu Thuấn thượng.” (Giúp vua vượt Nghiêu Thuấn[12]) Cho dù cả đời không thể quay về Trường An lần nữa, ông cũng không chịu bỏ lỡ ngày tháng, trễ tràng xuân thu. Chỉ có ở nhà tranh thảo đường này, đem sinh mệnh đơn sơ, nghiên mài thành hương thơm của mực, để cho dân chúng thiên hạ cùng nếm thưởng nhân sinh trăm vị.
[12] Trích bài “Phụng tặng Vi tả thừa thập nhị trượng vận” của Đỗ Phủ, Nhượng Tống dịch.
Dưới bóng cây cổ thụ xanh tốt, nhà tranh giậu trúc trước mắt, suối chảy bao quanh, thật mát mẻ, đơn sơ không gì sánh được. Tuy biết rằng đây không phải là mấy gian nhà tranh trong bài “Mao ốc vị thu phong sở phá ca” (Bài ca về ngôi nhà tranh bị gió thu tốc) nổi tiếng của Đỗ Phủ, nhưng lại quá đỗi thân quen. Ví như ngôi nhà tranh này xây ở nơi khác, cùng là ngọn cỏ cành cây ấy, nhưng không thể ấp ủ ra mùi vị như ở nơi đây. Bởi vì nơi này toát lên một phong vận rơi rớt lại từ thời Đường, chỉ có ở thảo đường của Đỗ Phủ, nhà tranh của Thi thánh, mới có thể lĩnh ngộ được cảnh giới cao thượng “Anh đắc quảng hạ thiên vạn gian, Đại tí thiên hạ hàn sĩ câu hoan nhan” (Ước được nhà rộng muôn ngàn gian, khắp thiên hạ, kẻ sĩ nghèo đều hân hoan[13]), thấu hiểu được nỗi lòng rộng lớn thương xót thế gian của Đỗ Phủ. Sau cơn kinh tâm động phách, là một vùng yên tĩnh trúc biếc gió trong. Cảnh tượng điền viên thư thái: sân rào, vườn rau, giếng cổ, bàn đá… tuy chưa từng thấy, nhưng tựa như đã quen biết từ ngàn năm.
[13] Trích bài “Mao ốc vị thu phong sở phá ca” của Đỗ Phủ, Khương Hữu Dụng dịch.
“Hoa kinh bất tằng duyên khách tảo, bồng mông kim thủy vị quân khai.” (Chưa vì khách quét lối hoa, cửa bồng nay mới mở ra vì người[14]) Nhìn xuyên qua cánh cửa sổ bằng gỗ giản dị, bên trong hết sức thô mộc, tĩnh mịch. Ở thảo đường cách xa phiền lo sầu muộn này, nghìn năm trước chắc chắn đã từng có một bức tranh an nhàn tĩnh lặng như thế. Đỗ Phủ và người bạn cũ Nghiêm Vũ ngồi uống rượu trước bàn, người vợ già của ông đang hâm rượu bên lò, đứa con gái nhỏ đang dựa lan can buông cần câu cá.
[14] Trích bài “Khách chi” của Đỗ Phủ, Trần Trọng San dịch.
Lá chuối cuộn tròn, bóng trúc đung đưa, còn có một chú ve thu quên cả ca hát, chỉ mải ngắm họ đối ẩm vui cười. Mà tôi lúc bấy giờ, chỉ nguyện làm ông cụ hàng xóm của thảo đường, lụ khụ chống gậy tre, đeo một bình rượu cũ, khẽ gõ cửa sài, nói rằng: Lão hủ mang theo bình rượu lâu năm, cùng uống mấy chén, có được không? Thảo đường lúc này ngừng hết lại mọi lời than thở. Còn giấc mộng xưa Trường An của Thi thánh, cũng ngả nghiêng trong ly rượu, say mãi không tỉnh.
Rốt cuộc thảo đường vẫn không thể là mái ấm của cuộc đời Đỗ Công Bộ, ông trước sau vẫn thuộc về nhân gian khói lửa chiến tranh liên miên, đã định sẵn kết cục như cỏ bồng phiêu bạt. Ông đi rồi, mang theo trái tim lo lắng cho bách tính lê dân, rời xa khói thảo đường thô lậu này. Không biết, chuyến đi đó có phải là con đường nhỏ tường đỏ ngõ hẹp, trúc rợp lối đi này không? Không biết, dòng nước bèo trôi lãng đãng năm đó, đã già đi biết mấy tháng năm?
Chỉ là chuyến đi này sẽ không thể nào quay lại, còn thảo đường sẽ trở thành cố hương vĩnh viễn cho linh hồn ông. Cho dù là nghìn năm sau, hoặc trải qua nghìn năm nữa, những người đến đây, hoặc là những người chưa từng đến, đều biết rằng, ở thảo đương của Thành Đô đã từng có một vị Thi thánh ở đây, tên người ấy là Đỗ Phủ.
Tạm biệt một ngày vội vã trong thảo đường. Hãy nhớ rằng, cửa sài cùng uống rượu hoa mai, chân trời góc bể hỏi anh đường về.
Thảo đường Hoán Hoa
Là máy cành lau chim én ngậm mang về thời Đường.
Là một đoạn ký ức thời gian từ nghìn năm lướt qua
Thảo đường bên suối Hoán Hoa
Đã sớm được Thi thánh Đỗ Phủ
Viết thành một tập thơ giản dị
Đường hoa, cửa gỗ, đập nước, cầu đá
Phong cảnh mộc mạc biết bao
Đủ để an ủi trái tim sinh chẳng gặp thời
Giậu trúc nhà tranh
Mở toang nỗi lòng mênh mông
Chở che cho muôn ngàn hàn sĩ
Non nước nhàn tản của Thành Đô khi ấy
Đẹp hơn mộng tưởng huy hoàng của Trường An
Có thế dạy mây trắng buông cần câu cá
Có Thế Âmời hoa mai nâng chén đối ẩm
Trên chiếc bàn sạch sẽ
Bày một ly rượu nồng người vợ già đã hâm
Bên lan can cũ kỹ
Thả chiếc cần câu của người và con nhỏ
Trên bàn cờ
Còn một ván cờ dang dở
Của người và bạn hữu năm nào
Nghìn năm trước
Thảo đường Thành Đô là thế
Nghìn năm sau
Thảo đường Thành Đô vẫn thế
Cho dù thi nhân đến đây
Hay là đã đi
Thảo đường vẫn mãi là cố hương của linh hồn người
Cho dù là người tha phương quay về
Hay là lữ khách
Cánh cửa ấy
Trước sau vẫn mở rộng đón người

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.