Nàng Iđo

Chương 26:




Vẻ mặt trầm ngâm, nghiêm nghị của Tro-bo như đã bị biến đổi. Chàng vốn có nét mặt nghiêm trang, nhưng vẻ nặng nề, u ám của chàng hồi ở Muy-chen nay đã tan biến mất. Như những đám mây đen bị xua đi vĩnh viễn khỏi vầng trán chàng.
Ngược lại, trên nét mặt I-đo vẻ bình thản, nhu mì nhiều khi lại bao phủ bằng bóng tối. Đôi khi, trong mắt nàng xuất hiện một vẻ u ám, đau khổ như của một người phụ nữ góa chồng, nhưng không mặc trang trang phục của bà góa mà thôi.
Tro-bo lầm tưởng tại chàng đối xử thân mật với I-đo, cho nên nàng làm ra vẻ nghiêm nghị như vậy. Bởi vì từ hồi về nước tới giờ, chàng không bao giờ xin phép I-đo nữa mà chàng cứ nói chuyện với I-đo như là một người bạn thân. Chàng chỉ gọi nàng bằng tên riêng và bên cạnh bao giờ cũng kèm theo từ thân mến hoặc tốt bụng hoặc độ lượng.
Mỗi khi thấy I-đo buồn rầu, chàng lại thử tỏ ra lịch sự lạnh lùng như trước kia, nhưng chàng không thể thốt lên từ: Xin em cho phép, chàng chỉ hạn chế nói chuyện hơn, và đôi lúc chàng lại dùng cái từ lịch sự: Tiểu thư để gọi nàng.
- Tiểu thư vẫn chưa tìm thuê đàn ư?
- Cũng chưa vội gì, thưa ngài.
- Tôi báo cho em biết, với hai mươi cua-ron mỗi tháng thì em có thể thuê được đàn tốt, rất tốt là đằng khác.
- Còn chưa vội, thưa ngài.
- Nếu như một tuần nữa, mà tôi vẫn chưa nhìn thấy cây đàn ở trong nhà ta, thì chính tôi sẽ đi thuê cho tiểu thư đấy.
Buổi tối, Tro-bo thường xuyên đưa nàng đi nhà hát xem ô-pê-ra. Nhưng thực sự I-đo không thấy vui, như những người phụ nữ có vé nhà hát trong tay. Trong nhà hát, nàng luôn ngồi im lặng bên cạnh Tro-bo. Ngay cả các vở vui nhộn, nàng cũng chỉ mỉm cười, chứ không bao giờ cười to tiếng.
Thấy thế, Tro-bo ít dẫn nàng đi xem hơn. Có những tối chàng còn không về nhà ngủ nữa.
I-đo không bao giờ hỏi xem chàng đi đâu? Chàng ở lại ngủ đêm ở đâu? Nhưng sáng sáng, nàng sẽ biết rõ Tro-bo đã ở với đám đàn ông hay là đàn bà. Áo khoác đông của Tro-bo thường treo ở ngoài phòng chờ, và chàng không bao giờ biết được rằng I-đo sáng nào cũng chải áo khoác cho chàng. Nếu như trên áo có ám mùi khói thuốc lá nặng thì có nghĩa là Tro-bo ngồi với hội đàn ông. Còn nếu ít mùi khói thuốc, hoặc là không có mùi thuốc lá, có nghĩa Tro-bo ngồi với đàn bà. Buổi trưa cũng vậy, sau bữa ăn trưa, khi Tro-bo đang ngồi đọc báo, là I-đo lại lấy bàn chải, chải qua áo khoác cho chàng. Đôi lúc túi chàng cồm cộm vướng vào bàn chải, I-đo lại xem nó là cái gì? Thường thường đó là các đồ ngọt: Kẹo, hộp mứt hoa quả, hay là hôp bánh. Tro-bo cũng thường thân thiết mua tặng nàng những thứ đó, nhất là từ hồi về Bu-đa-pest. Nhưng nếu để tặng nàng chàng thường lặng lẽ đặt ở trên bàn bên cạnh bộ đồ ăn của I-đo. Nhưng khi chàng đã để trong túi áo, có nghĩa là chàng mua riêng để mang đi đâu đó, tối về sẽ không còn nữa.
Một lần, nàng bắt gặp trong túi áo Tro-bo có một cái hộp to nhẹ, nàng cẩn thận mở nắp hộp ra xem thì thấy một con búp bê nhỏ, món quà mà người ta hay tặng các cô bé. Bên trong hộp còn có một hộp kem Mor-git, loại kem bôi tay vào phụ nữ khi đi ra người đường, mà Tro-bo vẫn thường mua cho nàng.
I-đo tái mặt.
Nàng vẫy cô gái câm lại và nói nhỏ hầu như chỉ mấp máy môi chứ không phát ra tiếng:
- Pan-ni, ta sẽ viết thư về xin phép bố mẹ em cho em cưới chồng nhé.
Pan-ni như người đang ở bóng tối chợt được bước ra ánh sáng.
I-đo nói tiếp.
- Để bù lại, ta sẽ giao cho em một công việc mà em không được phép nói cho ai biết.
- Con xin thề!
- Em hãy cầm tờ giấy và bút chì này. Sau bữa ăn trưa, ông chủ sẽ đi ra, em hãy bí mật đi theo, em hiểu không?
- Con hiểu ạ.
- Em hãy nhìn xem ông chủ đi đâu, vào đâu? Em hãy ghi lại số nhà và tên phố, hiểu không?
- Con hiểu, con sẽ viết.
- Sau đó em hãy đợi đến khi ông chủ đi ra, và lại đi theo. Ghi xem ông chủ đến những đâu. Nếu ông chủ đi tầu điện thì em cũng ngồi lên tầu, nhưng nhớ quấn khăn qua mặt và nhìn đi phía khác để ông chủ đừng nhận ra nhé.
- Ông chủ sẽ không nhận ra con.
- Nếu ông chủ ngồi vào xe thuê, thì em hãy nhìn lấy số xe, rồi cũng ngồi vào chiếc xe khác bảo vói lái xe, lái theo chiếc xe có số đó, cách khoảng năm mươi bước chân ấy? Khi nào ông trở về nhà thì em cũng về nhà nhé. Này em hãy cầm lấy một trăm cua-ron để đi đường.
Trông nét mặt nàng xanh xao, nhưng đôi mắt ráo hoảnh. Giọng của nàng ngắn gọn như giọng một người chỉ huy ra lệnh cho binh lính.
Sau khi Tro-bo đã đi ra khỏi nhà, nàng cũng thay trang phục và nói với bà đầu bếp:
- Pan-ni đi thăm họ hàng. Sau bữa ăn tôi mới về nhà, bà đứng có sốt ruột nhé. Tôi đi một lát rồi về ngay.
Nàng đi sang Pest và mua về một cái va-li dùng để đi đường. Nàng mang vào phòng ngủ của mình.
Sau mười giờ tối, Pan-ni về nhà với ba địa chỉ ghi được. Một địa chỉ là phòng làm việc của chàng. Địa chỉ thứ hai là tiệm cà phê Ab-ba-ri-a. Còn địa chỉ thứ ba là bên Bu-đo: Phố Lô-vas, số nhà 5.
Sáng hôm sau, Tro-bo dậy muộn hơn thường lệ. Chàng vui vẻ chào I-đo rồi báo tin:
- Tranh tôi đã vẽ xong hoàn toàn. Hôm qua sáu họa sĩ đã đến xem, đó là Ben-zur, Kêz-dim Kô-vat, Zo-lo, Kô-rôs-fôi Kris-es, Xta-nhi, và Ko-chia. Mọi người đều khen là một tác phẩm lớn, có cả một vị linh mục nữa, ông ấy là bạn học thời phổ thông của tôi, bây giừo ông nhậm chức ở khu Kri-xti-na. Ông ta cũng khen ngợi búc tranh. Còn hôm trước, Paur Gê-zo cũng đến, theo ý ông ta thì khi nào triển lãm tranh ông ấy sẽ đặt bức tranh này một mình trong căn phòng đầu tiên. Tôi rất muốn em cũng đến xem. Em không ốm đấy chứ?
- Khong, em chỉ thỉnh thoảng ngủ không ngon mà thôi.
- Thế em sẽ cùng đi với tôi chứ?
- Nếu ngài muốn em đến xem thì…
- Vì sao tôi lại không muốn. Bức tranh này chính là tâm hồn của em đấy chứ? Tôi chỉ là người thể hiện ra mà thôi. Từ ngày mai tôi sẽ lại vẽ bức khác với nhan đề: Sự chia tay của Ku-ru-xôk theo bài hát: “Cánh rừng xanh thẳm còn đọng sương đêm, tôi xỏ chân vào đôi ủng đỏ, tuyết mùa đông đã rơi…”. Sau bữa ăn sáng chúng ta sẽ đi nhé, mà em cũng nên ra ngoài trời hít thở không khí.
- Thế sao ngài vẫn chưa vẽ bức tranh lễ rửa tội?
Nàng ngồi xuống bàn để ăn sáng.
Tro-bo vẫn đứng nhìn chằm chằm vào mặt I-đo:
- I-đo, em lại nói câu gì khiến tâm hồn tôi bay lên tận bảy tầng mây thế này!
- Không, em có nói gì đâu, em vô tình đấy.
- Em có nói từ lễ rửa tội khiến tôi bừng tỉnh như có ánh chớp rạch qua bầu trời đen tối. Tôi sẽ vẽ bức tranh lễ rửa tội: lễ rửa tội của những người Hung trên mặt đất này: Đúng bức tranh đọc kinh tháng trong đêm giáng sinh kia sẽ được thay bằng lễ rửa tội! Và họ không phải đứng trong tầng hầm, mà ở trong một phòng của người nông dân Hung trên cửa sổ có những chậu hoa hồng! Ô, I-đo thân yêu tốt bụng! Vì sao em lại không cho tôi hôn em nhỉ! Em đúng là nữ thần nghệ thuật của tôi!
I-đo mỉm cười buồn rầu:
- Thôi ngài ngồi xuống ăn đi…
Tro-bo như không hiểu câu nói đó, chàng dường như không nhìn thấy, không nghe thấy gì nữa chàng cứ đi lại lẩm bẩm, ngây ngất.
- Ôi bức tranh sẽ tuyệt vời biết bao, tuyệt vời nhé! Bức tranh mang tính dân tộc Hung. Rất hay! Cái nhóm người ngồi đó tôi không cần thay đổi, nhưng sau cái bàn đó phải có năm người phu nữ đứng, à không phải năm, mà là mười lăm người phụ nữ, cùng nhiều người khác nữa, thật nhiều, đầy chật cả phòng! Những khuôn mặt dân Hung chính cống, nghiêm trang! Nhưng đôi mắt đều hướng về quyển kinh thánh với sự thành kính, ngưỡng mộ! Chao ôi, những người Hung! Giữa họ có một người già có râu quai nón bạc như là một ông già chăn cừu vậy. Có một người mù, nhưng khuôn mặt lại nghe chăm cú! Sau lưng họ cả ngoài cửa cũng có ngừoi đứng! Cánh cửa mở rộng và ta có thể thấy ngoài cửa đứng lố nhố đầy người mà do phòng chật họ không vào được. Trên bàn có thể để bánh xốp và rượu! Rất nhiều hành vặn thừng nữa! Nhưng mà bánh được phủ dưới một cái khăn. Tuy vậy, nhìn qua khăn ta cũng thấy được đó là bánh gì, những chiếc bánh to ngon!
I-đo lại lắc đầu:
- Không trên bàn không có rượu mà cũng chẳng có bánh.
- Em ngĩ thế ư?
- Bởi vì nếu có đồ ăn sẽ làm cho không khí sùng đạo bị pha tạp.
- Em cứ nói đi… vậy là bàn sẽ không có gì ư… Hay là có các bộ đồ ăn trắng… không, không có gì hết! ngoài một cây thánh giá giữa bàn… như vậy tốt hơn! Hoàn toàn thực! Ôi hôm nay là ngày may mắn của tôi! Một ngày tuyệt diệu, may mắn hiếm có của tôi.
Tro-bo cứ say sưa với niềm sung sướng đó, còn I-đo bình tĩnh ngồi uống cà phê. Sau đó nàng đi về phòng thay trang phục rồi lại đi ra.
- Ngài cho em mượn quyển sổ - Nàng nói giản dị - Em lại cần tiền để dùng.
- Hôm nay em hãy cho tôi chi tiêu bằng tiền của tôi. Em hãy cho tôi niềm vui ấy I-đo nhé.
- Không, nhưng không phải để ăn uống…
- Không phải vậy ư?
- Không.
Tro-bo đứng đậy đi vào phòng mình rồi lấy quyển sổ ra.
- Có lẽ cho quyển sổ vào túi tôi là tốt nhất!
- Không, nhỡ ngài gặp gỡ ai đó, mà em trở về nhà một mình thì sao? Em không làm mất đâu, ngài cứ yên tâm. Vả lại quyển sổ này có ghi bảo đảm kia mà!
Nói rồi nàng cho quyển số vào sắc đeo tay của mình.
Khi họ sắp đi, I-đo còn quay trở vào khoá phòng riêng mình lại và dặn bà đầu bếp hãy quay thịt và làm bánh, để khi họ quay về sẽ ăn trưa.
- Pan-ni, sáng nay không phải quét dọn phòng tôi nhé.
Lúc đó đã chín giờ sáng. Tro-bô vẫy một cỗ xe ngựa.
Bởi từ đây đi, không thể đi tầu điện được.
.
Mười lăm phút sau họ đã đứng trước bức tranh.
I-đo sững sờ ngạc nhiên vì bức tranh thay đổi nhiều quá - Ánh sáng ban ngày trong tranh đã được thay bằng ánh sáng mờ ảo của bình minh. Phía sau thiên thần là cây đào già. Một cành đã bị gẫy vì thiên thần rơi xuống đó, lá rụng đầy xung quanh. Từ cành cây bị gẫy, nhựa đang ứa ra trong veo. Các cây cỏ xung quanh cũng đều bị dập nát. Dưới cánh thiên thần có một viên đá trồi lên sắc cạnh, có thể nhìn thấy toàn bộ hòn đá nếu như thiên thần có thể nhích người sang bên cạnh. Hòn đã đó thật ra không nhỏ nó là một tảng đá chìm và đội đất trời lên ở đôi chỗ. Cánh thiên thần đã bị gẫy, máu chảy như bức vẽ trước. Lông cánh rụng tơi tả xung quanh. Ánh sáng mờ ảo đó khiến ta có thể nhìn xa xa phía cao hơn là cối xay và cánh cửa bằng nhôm sáng lóe lên hơn bình thường. Những giọt sương vẫn còn lấp lánh trên lá cây ngọn cỏ. Bầu trời xa xa hẳn còn tối, chỉ có phía đường chân trời, có một vệt sáng mầu hồng của bình minh sắp ló rạng mà thôi. Còn các người xung quanh vẫn như trước đây.
- Bức tranh rất đep! - I-đo nói đi nói lại câu đó.
- Em hãy nói nữa đi, nói thêm những điều em nghĩ.
- Nhưng em đâu phải là họa sĩ.
- Em còn hơn cả một họa sĩ, em là sự mẫn cảm của hội họa, I-đo ạ.
I-đo nhún vai cười rầu rĩ:
- Em cảm thấy trên bức tranh này có một hình ảnh mang dấu hiệu bất tử.
Đôi mắt Tro-bo nhòa lệ sung sướng:
- I-đo, em thật là tốt đẹp, em hãy cho tôi hôn tay em để cám ơn câu nói đó của em nào.
Chàng lại đắm mình vào niềm vui sướng vô bờ…
- Hôm nay tôi sẽ bắt đầu vẽ bức tranh lễ rửa tội đêm phục sinh, nhưng tôi phải suy nghĩ về đề tài này cho kĩ đã. Tôi tiễn em về nhà nhé. Nhưng đến phố Kôs-suth Loj-os chúng ta sẽ xuống mua ít đồ ăn về để ăn mừng ngày hôm nay.
Đến trước cửa hiệu Tô-kat, Tro-bo bảo xe dừng lại:
- Chúng ta sẽ vào xem tủ kính Tô-kat nhé, em hãy chọn lấy vài thứ đi, đồ gì mà em thích.
I-đo nhìn qua các hàng mỹ phẩm và nàng không chọn gì cả.
- Hôm nay ở đây không có gì đặc biệt.
- Thế thì chúng ta vào cửa hiệu giải khát nhé. Chúng ta uống một cốc chè nóng, trời lạnh thế này uống chè nóng rất tốt. Còn em sẽ ăn miếng ga-tô chứ? Đó là món ăn mà phụ nữ vẫn thích đấy.
I-đo im lặng vâng lời.
Họ bước vào cửa hiệu nhỏ, ngồi bên một chiếc bàn con. Tro-bo gọi nước chè còn I-đo gọi thêm bánh qui.
Một người phụ nữ trẻ đẩy cửa bước vào. Nom cô ta còn như một cô thiếu nữ, nhưng cô đã có chồng bởi vì cô đã mặc váy dài. Đôi mắt cô ta nhỏ, mầu nâu như mắt con trai, tóc mầu hạt dẻ. Cô khoác ngoài một chiếc áo khoác đông mầu đen đơn giản, trên đầu đội một chiếc mũ mầu đen có buộc một dải lụa xanh lá cây sẫm. Từ trong sắc tay của cô gái ló ra một cuốn sổ. Cô gái chọn mua một vài chiếc bánh ngọt và gói vào tờ giấy.
Khi cô ta đang nói một hai câu gì đó với cô bán hàng, thì I-đo bỗng nhổm dậy chăm chú nhìn cô gái.
Cô gái đó cũng tình cờ nhìn về phía nàng và lắp bắp thốt lên: “I-đo!”
Cô chạy đến bên nàng, lắp bắp, mặt ửng đỏ:
- Ôi, em hạnh phúc quá! Em đã khóc biết bao nhiêu, khi em nghe tin chị đã vì em mà bị đuổi, họ mang chị về nhà, không có gì xấu xẩy đến với chị chứ?
- Không có gì, Bô-ris-ko ạ. Nào em hãy ngồi xuống đi, em thân mến. Đây là chồng của chị… Chị cũng thấy rằng em đã lấy chồng rồi…
- Đức chúa lòng lành! Cảm ơn chị đã gọi em thân thiết như vậy! chị lúc nào cũng tốt...
Từ tốt cô gái nói dài ra ba âm ốt, đôi mắt ấm áp đầy vẻ biết ơn, thương yêu.
I-đo mỉm cười.
- Em lấy anh ấy chứ?
- Vâng ạ.
Cái người như đám mây bên hồ Ba-la-tông ấy à?
- Đúng đấy chị ạ. Anh Bi-si! Chị chắc đã thấy em may mắn thế nào khi họ đuổi em. Hôm trước họ đuổi chị, thì hôm sau em cũng bị đuổi. Em đã viết thư cho chị, nhưng em không biết địa chỉ của chị. Em cũng viết thư báo cho Bi-si biết tin. Mẹ em thì cay đắng vì chuyện đó lắm, bà mắng mỏ em hết lời, cấm em ba ngày không được ăn. Em chỉ bí mật ăn lén su hào sống. Nhưng rồi Bi-si trả lời ngay, anh ấy bảo chỉ còn bốn tháng nữa thôi là anh ấy tốt nghiệp, rồi anh ấy sẽ cưới em. Thế mà anh ấy lấy em thật. Anh ấy còn chưa có việc làm, chưa có lương, nhưng chúng em sống rất hạnh phúc. Chúng em ở tạm đấy một thời gian chờ khi cùng về quê, và cả hai đều dạy đàn Pi-a-nô.
- Thế các em đủ sống chứ?
- Đủ sống chị ạ, có nhiều gia đình giàu có trả tiền cho gia sư dạy nhạc khá lắm. Chúng em có thể sống mãi với nhau như thế này…
- Thế tiền lương… Em tha lỗi vì câu hỏi của chị không được thích hợp lắm, nhưng chị muốn biết, họ trả tiền các em theo giờ sao?
- Vận ạ, với những nhà giàu, tốt bụng thì họ trả năm cua-ron một giờ dạy nhạc. Chồng em dạy năm giờ một ngày, còn em dạy hai giờ một ngày. Giá mà chúng em có riêng một cái đàn nhỉ, thì chúng em có thể dạy được nhiều hơn. Ôi, em hạnh phúc quá vì em lại được nhìn thấy chị! Em phải cám ơn chị vì chị đã dạy cho em chơi Pi-a-nô tốt và chính vì em mà… Em muốn hôn tay, hôn chân chị để bù đắp lại sự cay nghiệt mà chị phải chịu vì em…
Đôi mắt cô gái rưng rưng nước mắt, nhưng môi cô lại mỉm cười.
- Chị không bị đâu khổ gì đâu, - I-đo mỉm cười lắc đầu, chị rất mừng vì em hạnh phúc.
- Ồ, không thể diễn tả thành lời được. Chị nhìn xem này, em vừa mới mua một quyển sổ ghi nhật ký đây này, em sẽ ghi cả những ngày đã qua.
Cô gái nhanh nhẹn lấy quyển sổ ra cho I-đo xem.
- Khi vừa về nhà, chị cũng đã mua một quyển sổ ghi nhật ký như thế này. - I-đo mỉm cười nói, nhưng đôi mắt thoáng vẻ buồn bã, - nhưng sau đó chị thấy sổ ghi toàn những điều khó chịu, vì thế ghi để làm gì? Chị đọc lại, cảm thấy đau khổ và thế là chưa được nửa quyển chị đã ném nó vào lửa. Nhưng mà với em thì sẽ chẳng có lý do gì để ném nó vào lửa đâu.
Họ hôn nhau từ biệt. Bô-ris-ko hẹn I-đo, khi nào vợ chòng cô về nông thôn sống, mời I-đo tới thăm họ. Có lẽ đến mùa xuân này họ sẽ làm xong tổ ấm ở quê.
I-đo nhún vai cười kể lại:
- Có gì đâu, một chàng trai viết thư tình cho Bô-ris-ko, cái anh chàng giờ đã là chồng cô ấy. Rồi chính em đã giấu bức thư đó cho Bô-ris-ko, không may, bức thư lại rơi vào tay các nữ tu, thế là họ đuổi cả em lẫn Bô-ris-ko. Voilà tout .
- Thế cha em nói gì về chuyện đó?
- Cha em bảo em làm thế là đúng.
- Chuyện này xẩy ra vào tháng hai năm ngoái phải không?
- Cuối tháng hai, bây giờ vừa đúng một năm đấy.
- Thế mà tháng tư em đã bị bắt buộc phải lấy chồng ư?
Gương mặt I-đo tối lại:
- Em lấy làm tiếc vì đã đốt mất cuốn nhật ký của em. Nếu như bây giờ còn, em sẽ đưa cho ngài xem. Lúc đó, ngài sẽ hiểu tất cả vì sao cha em lại giới thiệu ngài với em bằng một câu: đây là chồng con.
- Tôi như vừa tỉnh cơn ác mộng vậy. Em hãy kể cho tôi nghe qua đi.
- Rồi em phải lên đường với ngài.
- Thế cha em thì sao?
- Ông cũng đi khỏi nhà đó.
- Nhưng vì sao vậy?
- Ngài không biết ư? Cha em cũng lấy vợ.
- Nhưng lấy vợ thì sao chứ?
- Vì rằng em không thể gọi cô gái đó là mẹ kế đươc, cô gái đó trẻ hơn em vài tuổi lại là gái nhảy trên bàn ấy…
Gương mặt nàng đầy vẻ khinh miệt, nàng im lặng khuẩy thìa trong cốc.
- Ngài hãy trả tiền, và chúng ta đi.
Tro-bo ngẩn ra nhìn, hai giọt lệ lăn ra từ khóe mắt I-đo.
Đến cuối phố, I-đo bỗng chạm tay vào người Tro-bo.
- Có một ông đang dùng cả mũ lẫn gậy vẫy ngài kia.
Tro-bo bảo người đánh xe dừng ngựa lại. Rồi chàng nhìn thấy xa xa một người đàn ông có bộ râu rậm như chổi, mầu vàng rơm, ông ta đang vẫy chàng lia lịa, và chạy về phía chiếc xe ngựa của chàng, khuôn mặt đỏ ửng vui sướng.
- Ôi, ông Ti-nho-kốp đây mà. Làm thế nào ông đến tận đây? I-đo, em cứ ngồi trên xe này mà về nhà. Trưa nay tôi không về ăn trưa đâu, nhưng chắc chắn bữa tối sẽ về.
Chàng đặt tay lên tay I-đo và xiết nhè nhẹ. Lúc này vì bắt buộc chàng mới phải rời I-đo.
- Ông đến đây từ bao giờ vậy, ông Ti-nho-kốp?
- Thế ngài vì sao lại ở đây?
- Ông không đọc thư của tôi sao?
- Tôi chưa nhận được thư.
- Tôi trở về nhà, về Tổ quốc của tôi đây.
- Thế còn bức tranh?
- Cả bức tranh cũng ở đây, cuối tháng ba, chúng tôi sẽ mở triển lãm.
- Nhưng mà tôi không thể chờ đến lúc đó được!
- Ông hãy đi cùng với tôi, ta đến xem bức tranh hoàn chỉnh nhé.
Họ vẫy xe ngựa, và quay trở lại phòng vẽ. Suốt dọc đường, Ti-nho-kốp vui vẻ báo tin cho Tro-bo biết:
- Bức tranh Con dơi của ngài đã thành công thật vĩ đạị, cả bức tranh chàng trai Di-gan đứng kéo đàn bên nấm mộ nữa. Rồi bức người ăn mày, lẫn bức tranh có thần chết đứng bên cạnh các thiên thần chơi cờ ấy mà. Tất cả đều được trưng bày trong phòng tranh của tôi…
Tro-bo sung sướng nghe, chàng thầm nghĩ:
- Đúng thật, ngày hôm nay là ngày may mắn của ta, nhưng còn chưa kết thúc đâu.
Họ đã đến phòng vẽ.
Ông Ti-nho-kốp ngơ ngẩn đứng ngắm bức tranh, ông những muốn mang ngay nó về nhà, nhưng làm sao ông có thể đợi được một tháng nữa.. Cuối cùng, ông đề nghị Tro-bo hãy mời ban giám khảo tới để xét giá trị bức tranh rồi ông sẽ trả tiền bồi dưỡng cho các vị trong ban giám khảo ngay.
- Tôi đâu có thể tự động làm được việc đó, ban giám khảo toàn là các vị có danh tiếng cả mà.
- Thế thì ngài thử nói xem bức tranh này giá bao nhiêu?
- Tôi chỉ có thể nói được giá ít nhất thôi, bởi vì ở nước tôi, người ta đánh giá rẻ hơn ở nước ngoài.
- Vậy thì ngài hãy nói giá tại Muy- chen đi.
- Ở đó, ít ra tôi có thể bán tranh với giá ba mươi nghìn mác.
- Như vậy thì nhiều đấy, quá nhiều.
- Nhưng đối với tôi, ngần ấy tiền đâu có thấm tháp gì so với tên tuổi của tôi nếu được tiếng trong giới họa sĩ. Một khi tranh được triển lãm thì…
- Nhưng tranh mang về nhà tôi cũng là một phòng triển lãm, mà lại là triển lãm lâu dài mãi mãi. Phòng trưng bày tranh của tôi còn lớn hơn của ngài Tre-cho-kốp đấy. Ngài có thể tự hào điều đó, nếu ngài đến thăm nước Nga của tôi. Ở đó, ngài cũng đã có tên tuổi trong giới hội họa. Người ta biết tên ngài cũng như tên các danh họa Ve-res-cho-gin hoặc Rê-pin. Ngài đến nước Nga chứ? Hãy đi với tôi, tôi sẽ bao ngài một năm. Một năm ngài có thể vẽ được mấy bức tranh?
- Bao nhiêu ư? Có khi một năm chỉ có thể vẽ được một bức.
Họ bàn bạc và thỏa thuận với nhau. Tro-bo nghĩ thầm nếu như bức tranh để lại cho đến ngày triển lãm thì người ta cũng sẽ mặc cả giá giảm đi năm ngàn mác, vì vậy chàng quyết định bán tranh cho ông Ti-nho-kốp với giá hai nhăm ngàn mác. Nhưng còn chuyện có đến chơi nước Nga thì để chàng còn bàn với vợ đã. Rồi chàng sẽ viết thư báo sau. Chàng đưa chìa khóa phòng cho ông Ti-nho-kốp và dặn:
- Đây là chìa khóa phòng làm việc nếu như lúc nào ông lấy bức tranh này đi, thì ông hãy khóa phòng lại và đưa chìa khóa cho người trong nhà nhé.
Bẩy giờ tối, Tro-bo về nhà. Chang mang theo một cỗ xe đầy thức ăn: Sò hến tươi, chanh, lợn quay, chà là, giò tây, một thùng cam, và cả hai chai rươu nữa. Trước đó chàng đã đi chọn mua một chiếc đàn Pi-a-nô lớn gỗ tốt cho I-đo để kết thúc một ngày tốt đẹp.
- Các ông hãy nhanh chóng mang chiếc đàn này lại phố At-ti-o cho tôi nhé. Tôi chỉ mua cái này chứ không mua cái nào khác, - chàng nói với ông chủ hiệu nhạc cụ.
Cây đàn pi-a-nô lập tức được chở đến, cây đàn tiếng thật hay, trong và vang như tiếng chuông pha lê vậy. Đó là một loại đồ gỗ sang trọng trong nhà.
Tro-bo vào đến phòng chờ gọi Pan-ni:
- Pan-ni, ra xe lấy các thứ vào đây!
Chàng treo áo lông lên mắc và vui vẻ bước vào phòng trong.
Chàng bỗng giật nảy mình. Ở giữa phòng khách, Zô-lan đang đứng dưới ngọn đèn chiếu sáng. Còn cô bé Zô-lan-ko thì nằm ngủ trên đi văng với con búp bê nhỏ. Trong phòng đã có chiếc Pi-a-no đen nhánh lộng lẫy.
Zô-lan cũng đưa mắt đầy ngạc nhiên nhìn chàng như là nhìn thấy một hồn ma dưới ánh trăng đêm.
Họ đứng lặng nhìn nhau.
- Sao em đến được đây Zô-lan?
- Vì sao ư? - Zô-lan lại càng ngạc nhiên - thế không phải anh gọi em sao?
- Anh gọi em ư?
- Có một người phụ nữ trẻ đến nhà em và bảo em gói ghém hành lý đến đây.
- Ai vậy?
- Em cũng không biết, cô ta không nói tên, nhưng là một phụ nữ đẹp, lịch sự. Có nét mặt rực rỡ như sao băng vậy.
Tro-bo ngồi xuống chiếc ghế dựa, miệng há ra khi nghe em gái nói:
- Như thế nào? Cô ấy nói gì?
Zô-lan nhún vai, tay hoa lên để diễn tả cho hết ý:
- Ba giờ chiều hôm này, cô ấy gõ cửa nhà em. Cô ấy bước vào chẳng chào, chẳng cầu chúa gì. Cô ấy đứng trước em: nhìn thẳng vào mắt em như em chính là kẻ giết cha không bằng ấy.
“Cô kiếm ai?” - em hỏi
“Tôi tìm chị” - Cô ta lạnh lùng kiêu hãnh trả lời cứ như trong tay trái cô ấy không phải đang cầm cái sắc tay mà cầm cái kiếm để đấu ấy.
“Thế cô muốn gì ở tôi?” em lại hỏi.
Cố ấy nhìn em vẻ thẳng thắn, sau vài phút cô hỏi em: “Thế chị có yêu Tro-bo không”?
Em ngạc nhiên trố mắt nhìn cô và nói
- Vì sao tôi lại không yêu anh ấy cơ chứ?”
“Yêu lắn ư? Yêu bằng cả tam hồn ư? Yêu chân thật không?”.
Em hơi chóng mặt và cảm thấy điều dữ đến với anh, thế là nước mắt em ứa ra. Em rền rĩ:
Lạy chúa tôi, vì sao tôi lại không thể yêu anh ấy”.
“Thế anh ấy cũng yêu chị phải không?”
“Đúng thế còn gì, - Em trả lời và bắt đầu nức nở, - có chuyện gì xảy ra với anh ấy rồi? cô hãy nói mau. Anh ấy chết rồi à?”.
Nói đến đây em rú lên và hình như em bị ngất đi.
Nhưng cô ấy vẫn bình thản như một cái cây vậy.
“Chị còn chồng không?”
“Không! Tro-bo chết rồi ư? Hay là còn sống?”
“Anh ấy không chết, chị góa chồng hay là bỏ chồng?”
“Tôi góa chồng! Nhưng chuyện bất hạnh xảy ra với anh Tro-bo phải không?”
“Không có chuyện gì cả, nếu chị yêu anh ấy thì đi với tôi”.
Em lúc đó như là bị phát rồ lên.
“Nhưng cô hãy nói cho tôi biết, chuyện gì xảy ra với anh ấy. Cô có thấy trái tim tôi đang tan vỡ ra đây không?”
Đôi tay em như bị gẫy ra. Em chạy nháo trong nhà và thu dọn quần áo gói vào.
“Chuyện gì xảy ra với anh ấy? Ôi nếu như cô kính yêu chúa, cô hãy nói ngay đi, có chuyện gì vậy?”.
Cô ấy cứ đứng như một bức tượng băng giá vậy.
“Chị đừng sợ, cứ đi rồi sẽ biết” - cô nói nghiêm trang.
Trước cổng nhà em có một cỗ xe ngựa. Em leo lên đó ngồi mà không thể nhớ được việc gì nữa. Từ khi em phải chôn hai người trong gia đình đến giờ, em cảm thấy không thể chịu nổi một sự rủi ro nào nữa. Em nghẹt thở như một cái rễ chèn nơi cổ họng em. Nó chọc xuống tận ngực em và khiến em khó thở. Em khóc nức nở.
- “Tôi van chị - Cô ấy nói giọng thương cảm, - không có chuyện gì xấu đâu. Tro-bo vẫn khỏe mạnh như hôm qua chị thấy ấy. Vì sao chị không mang con gái chị theo?”
“Nó đi dạo chơi với u già, nhưng vì sao Tro-bo lại gọi tôi đến chứ? Chuyện gì xẩy ra với anh ấy, lạy chúa tôi? Tro-bo sống ở đâu?”
“Rồi chị sẽ biết”
Cô ấy không nói thêm nữa.
Khi đến đây, cô ấy bước lên nhà, mở cửa phòng và nhìn vào phòng này, rồi cô ấy quay lại bảo em:
“Anh ấy không có nhà, nhưng không sao. Từ giờ phút này trở đi, nhà này là của chị, chị hiểu không? Nhà này của chị. Chúc chị sống hạnh phúc”.
Và cô ấy gật đầu chào lạnh lùng lui ra.
Em đứng đây một lúc, như một người ngố đần. Sau đó em nhìn xung quanh và thấy tẩu thuốc của anh. Em mở cửa nhòm vào phòng anh thấy mũ, gậy, áo choàng của anh… Như vậy đúng đây là nhà anh thật rồi. Em mở cửa nhìn vào phòng khác, em thấy trong phòng không có người ở, cái giường chỉ có đệm rơm mà thôi.
Em tìm xe có ai sống ở trong nhà này không? Em thấy trong bếp có một cô gái ngớ ngẩn, cô ta nói với em giọng như lưỡi rụt ấy.
- “Bà chủ đi vắng rồi, bà đầu bếp đi đến tối mới về… Tối về, sẽ ăn tối ở nhà”.
Em sợ hãi về phòng này và chờ nửa giờ, em chờ mà như chờ án tử hình của em vậy, chẳng có ai về, không có ai ở nhà? Em thấy có một bức thư đề tên anh để trên bàn. Thư không phải theo đường bưu điện. Em nghĩ thầm, hay là anh định sắp xếp về ở chung với em cho đến mùa xuân (lúc này em không còn nghĩ đến chuyện tang tóc nữa). Vì thế anh mới thuê nhà rộng rãi thế này. Em bình tĩnh lại được. Nhưng em vẫn lạ, vì sao hôm qua anh lại chẳng nói gì với em cả. Em cứ chờ, nặng nề trong việc chờ đợi, vì sao anh về muộn thế? Anh muốn gì? Vì sao anh lại cử cô ấy đến? Vì sao cô ấy cư xử lạnh nhạt với em như vậy? Sau đó người ta chở đàn pi-a-nô đến đây, em nhìn thấy trong tờ hóa đơn có chữ của anh, thế là em yên lòng. Em đợi ở đây một lát nữa rồi trở về nhà đón Zô-lan-ko. Sau đó hai mẹ con em ở đây đến giờ. Anh muốn gì vây? Vì sao anh cho gọi em bằng một cách kinh khủng như vậy? Người phụ nữ ấy là ai? Cả cái cô ngớ ngẩn kia nữa, ai đấy? Họ là gì của anh?
Tro-bo cứ ngồi ngơ ngác như một người bị bệnh mộng du.
- Vợ anh đáy, - Cuối cùng chàng nói.
- Vợ anh ư? Anh có vợ rồi ư? vì sao anh lại phải giấu em chuyện đó? Anh cưới vợ từ bao giờ? Vì sao anh phải bí mật?
Tro-bo đưa tay cầm lấy bức thư, nhưng chàng lại ngồi mặt xanh mét đi.
Zô-lan tra hỏi:
- Cô ấy không trong sạch ư? Cô ấy không phải là người đáng trọng ư? Chẳng lẽ anh lại lấy cô vợ như vậy được!...
Tro-bo ngẩng đầu lên nói:
- Em không được phép nói như vậy!
- Thế vì sao anh không giới thiệu em?
Tro-bo mặt nhăn nhó như là con hổ đang cào cấu trong dạ dày vậy. Chàng đứng lên, mở cửa phòng I-đo. Trên giường không có chăn gối gì nữa. I-đo đã từng nói khi nàng mua đồ trải giường:
- Xin ngài thứ lỗi trước, em mua đồ phòng ngủ, trải giường này là bằng tiền riêng của em.
Trên cách cửa tủ vẫn cắm chiếc chìa khóa Tro-bo mở một cánh ra, tủ trống rỗng.
Chàng bấm chuông hai lần gọi nhà bếp, bà đầu bếp đã về nhà, bà bảo Pan-ni lên. Pan-ni gương mặt ngớ ngẩn, bồn chồn khi nghe Tro-bo hỏi:
- Bà chủ đâu Pan-ni?
- Con không biết, bà đi xe ngựa từ chiều.
- Bà không dặn gì ư?
- Không, bà bảo con đặt hành lý va-li của bà lên xe rồi bà đi.
- Gọi bà bếp lên đây ngay lập tức.
Bà bếp hoảng hốt chạy lên. Bà ta cũng chỉ biết như Pan-ni mà thôi.
- Vợ của anh, - Zô-lan bực tức trách móc, - vậy mà anh giấu cả em gái anh!
Tro-bo mở thư ra, chàng cảm thấy có cái gì cưng cứng trong thư. Bức thư mở ra, từ trong phong bì cái nhẫn cưới rơi ra.
Nét chữ của I-đo đều đặn nhỏ nhắn. Những chữ p thường dài hơn cả chữ b, như là chữ trong điện tín vậy:
“Ngài Bo-lôgh Tro-bo kính mến!
Trong điều giao ước của chúng ta, điểm thứ hai là: Em sẽ chia tay với ngài khi nào em muốn.
Ở tại nơi này không có bạn bè, cũng chẳng có người quen biết nào hiểu mối hôn nhân của chúng ta, vì vậy ngài đừng lo sợ cuộc li dị giữa chúng ta sẽ làm ảnh hưởng đến thanh danh ngài. Chỉ còn hai tháng nữa là thời hạn hôn nhân của chúng ta cũng kết thúc.
Em không bao giờ quên rằng ngài đã đối xử với em trân trọng lịch sự, em cũng không cảm thấy xấu hổ khi ở bên ngài, thậm chí em còn lấy làm hãnh diện là khác, mặc dù, ngài là chồng em chỉ bề ngoài. Em sẽ nhớ tất cả những kỷ niệm đó với lòng biết ơn.
Em mang theo làm kỷ niệm chiếc vòng mà ngài không muốn nhận lời cám ơn của em ấy và chiếc dây chuyển vàng mà ngài tặng em lễ giáng sinh. Để kỷ niệm lại ngài, xin ngài nhận cho em chiếc hộp bạc đựng thuốc lá mà ngài sẽ thấy ở trong tủ ấy. Chìa khóa em để trên nóc thủ trái phía trong tường.
Để làm giấy tờ li di, em sẽ báo cho ngài biết địa chỉ nhà em ở sau. Em nghĩ chúng ta thực hiện điều đó chẳng khó khăn gì đâu.
Chúc ngài sống hạnh phúc! Cầu chúa ban phước cho ngài!
“Ô.Iđo”
Tro-bo như người phát rồ, chàng chạy ra cửa, rồi lại chạy vào phòng, hai tay đấm vào bàn.
- Ôi, ngôi sao băng của tôi! Sao băng hiền hậu, tốt đẹp của tôi! Em có thể đi đâu được chứ!
Chàng ôm lấy trán.
- Nàng có thể đi đâu được ? Em nghĩ thế nào Zô-lan? Nàng đi đâu? Em cũng là phụ nữ em thử nghĩ xem nào nàng có thể đi đâu?
- Cô ấy không tự tử dưới sông Đa-nuyp chứ? Zô-lan hỏi.
Tro-bo tức giận:
- Tự tử ư? Em nghĩ gì thế!
- Vì anh hỏi người phụ nữ có thể làm gì trong trường hợp ấy mà.
- Nàng không phải là phụ nữ, nàng không thể tự tử được! Nàng thông minh hơn mọi người, thông minh hơn tất cả đàn bà trên thế gian này, thông minh hơn cả em nữa đấy! Vì sao em có thể nói một điều ngu ngốc đến vậy được nhỉ!... Nàng xuống sông Đa-nuyp làm gì? Em nói như người điên rồ, người ngu ngốc ấy! Em đừng có nói những điều như vậy với anh nhé!
- Em cũng không hiểu vì sao anh lại tức giận với em? Anh gầm rít lên cứ như em nuốt mất cô vợ của anh ấy! Anh hỏi, thì em trả lời vậy chứ sao nào.
- Nhưng không thể bảo nàng tự tử được.
- Thì em cũng có bảo cô áy đi tự tử đâu, chỉ…
- Nhưng em vừa nói thế! Em hãy nghĩ lại đi, nàng xuống sông Đa-nuyp để làm gì?
Chàng dừng lại nhìn chằm chằm xuống sàn nhà, như trên sàn nhà có ghi câu trả lời.
- Chắc chắn nàng đến nhà vợ chồng Bi-si. - Nhưng rồi chàng lại lắc đầu.
- Nàng đến vợ chồng nhà Bi-si, những người dạy đàn để sinh sống ấy. Không, nàng không đến đó, vì nàng không quen sống nhờ vả trên cổ người khác.
Chàng lại đưa mắt nhìn lên tường như muốn khoan thủng bức tường. Sau đó chàng vỗ hai tay vào nhau:
- Sao mình ngu thế nhỉ! Mình đã từng làm nghề nhà báo mà ? Thế mà sao không biết gọi điện thoại, đánh điện tín đến trung tâm quản lý nhà cho thuê, hoặc đến hỏi cảnh sát nhỉ? Đúng là mình như người chui vào rừng rậm ấy?
Chàng cầm lấy áo khoác, mũ, rồi quay lại kêu to:
- Em hãy xuống chuẩn bị ăn tối đi Zô-lan! Hãy quay con lợn sữa lên. Dù đợi đến nửa đêm cũng được, chúng ta sẽ cùng ăn tối.
Và chàng chạy vụt đi.
Chàng chạy đến bên xe ngựa. Gõ cửa một chiếc.
- Nào hãy chạy ngay đến các khách sạn quanh đây đã! Tôi sẽ trả tiền gấp đôi nếu anh cố gắng.
Đến trước một khách sạn, xe chưa kịp dừng, chàng đã nảy phốc xuống, chạy vào khách sạn:
- Có điện thoại không, anh thường trực?
- Có đấy ạ, mời ngài.
- Không phải có đây, mà ngay lập tức nào! Tôi sẽ thưởng cho anh năm mươi cua-ron nếu anh hãy gọi điện đi các khách sạn tìm được phu nhân Bo-lôgh Tro-bo thuê ở đâu nhé.
Anh thương trực goi điện đi khắp các khách sạn.
- Khách sạn “săn bắn” đấy ư… A lô!
- Không anh hãy gọi đến khách sạn Mê-trô-pôl trước tiên đi!
- Mê-trô-pôl đấy à… A lô…!
Tro-bo dậm chân đứng chờ Mê-trô-pôl trả lời, ròi đến khác sạn “săn bắn” rồi đến Pan-nô-ni… Chợt chàng nghĩ ra, không phải tên chàng mà phải hỏi tên riêng của I-đo kia. Tất nhiên cô ấy chỉ tự nhận mình là Ô. I-đo mà thôi!
- Anh hãy gọi lại từ đầu di!
- Mê-trô-pôl đấy ư… A lô… ở chõ các ngài có bà khách nào tên là Ô. I-đo nghỉ đêm không?
Tro-bo sốt ruột cầm ống nghe khác để gọi:
- Alô! Khách sạn Fiu-me đấy à… có bà khách nào tên Ô. I-đo nghỉ không? Không à?
Tro-bo treo ống nghe lên đinh và chàng bồn chồn tới mức đôi chân run rẩy.
- Anh cứ gọi đi các khách sạn cho tôi, - chàng nói – còn tôi sẽ đến yêu cầu cảnh sát tìm giúp; Đây là năm mươi cua-ron, tôi sẽ cho anh thêm năm mươi cua-ron nữa, nếu như anh tìm thấy bà Tro-bo hoặc cô I-đo trọ ở đâu.
Chàng lại chạy ra xe ngựa.
- Tro-bo, chào cậu! - Cạnh cỗ xe bỗng có tiếng chào vui vẻ reo lên.
Đó là Nodj A-kôs đứng với vợ. Họ thân thiết hỏi Tro-bo:
- Cậu trở lại thủ đô đấy à? Thế cô vợ xinh đẹp của cậu đâu? Hãy dẫn cô ấy đến tiệm “cô dâu” nhé, chúng ta sẽ cùng ăn tối.
- Nào đánh xe đi! - Tro-bo bảo người đánh xe sau đó chàng quay lại nói với bạn:
“Lúc khác nhé, mình đang vội”.
Đến đường Gres-hem sáng trưng có một con đường đi bộ, Tro-bo nhìn tận mắt tất cả những người phụ nữ qua lại như là chàng cận mất kính vậy, nhất là ở nơi đây, đèn sáng trưng.
- Đây không phải là I-đo, kia cũng chẳng phải…
Thực ra chàng đâu có hy vọng tìm thấy nàng ở ngoài phố.
Thốt nhiên ở chỗ ánh sáng, chàng nhìn thấy một khuôn mặt đàn ông quen biết, ông ta đội mũ lông, khuôn mặt tròn béo, ria rậm, nhọn. Ông ta đang đi bộ dọc phố Pô-rôt-cho.
Tro-bo giật mình: ông Ô. Pê-ter.
Chàng nhảy ra khỏi xe, và chạy ngược lại. Đúng, chả lẽ I-đo lại đi đâu ngoài nhà của cha nàng?
Đúng là ông Ô. Pê-ter thật, nhưng nom ông có vẻ già đi nhiều, già xọm hẳn, đôi mắt ông nhiều nếp nhăn hơn ở đuôi mắt, mí mắt dầy cồm cộm.
Thấy có người đứng sững trước mặt mình, ông ngửng lên nhìn vẻ giận dữ.
Tro-bo cảm thấy lạnh người, và câu hỏi khó có thể thốt ra lời được, chàng chỉ hỏi bằng mắt.
Ông Ô. Pê-ter ngạc nhiên nhìn Tro-bo chăm chú rồi ông thốt lên:
- Ồ, chàng rể của ta đấy ư? … con về từ lúc nào đấy?
Thấy Tro-bo chưa trả lời, ông lại hỏi tiếp:
- Thế I-đo? Con gái ta đâu rồi?
Tro-bo đưa đôi mắt đang bực mình nhìn đi chỗ khác:
- Cha mà lại hỏi con là con gái cha ở đâu ư? - chàng kêu to lên.
Rồi không đợi ông bố vợ trả lời, chàng nhảy lên xe đi tiếp.
I-đo đã nằm vào giường. Nàng thuê một buồng nhỏ ở tầng hai tại khách sạn Hung-ga-ri-a. Nàng đi nằm lúc đồng hồ đã hơn tám giờ tối. Nàng cảm thấy nản lòng, nặng nề mặc dù nàng muốn đi ngủ… Khăn tay đã ở bên mắt và tấm ảnh đức mẹ Ma-ri-a để trên gối trước mắt nàng.
- Vì sao trên thế gian này không có ai yêu con?
Từ ngoài đường phố có tiếng xe ngựa, tiếng tầu điện chạy rầm rập. Hàng triệu con nguồi sống ở thủ đô, và hàng tỉ con người sống trên trái đất, ai cũng có đôi lứa, vậy mà chỉ có nàng vừa côi cút vừa đơn độc…
Dòng nước mắt tủi thân cứ trào ra từ đôi mắt nàng thấm xuống khăn.
- Ôi mẹ yêu quí của con, vì sao mẹ lại không mang con đi theo, mẹ là trái tim duy nhất yêu con mà thôi!...
Nàng nghe thấy có tiếng gõ cửa.
I-đo nhổm dậy hỏi:
- Ai đó?
- Người chồng bị em ruồng bỏ đây.
Giọng Tro-bo thốt lên đầy kịch tính. Nhưng chàng không giấu vẻ sốt ruột, run rẩy.
I-đo càng lo sợ hơn, nàng ra khỏi giường khoác chiếc áo nhẹ vào và đi đến đằng sau cánh cửa, đôi mắt nàng đẫm lệ, nhưng nàng hỏi giọng vẫn cứng cỏi.
- Ngài còn muốn hỏi gì em nữa?
- Không hỏi gì cả, tôi đến đón em về.
I-đo ngạc nhiên.
- Đón em?
- Đúng vậy, em hãy mở cửa cho tôi, xin em đấy.
I-đo cứ nhìn chằm chặp vào cái chốt cửa như chưa bao giờ nàng nhìn thấy nó vậy.
- Nhưng giữa chúng ta còn có việc gì nữa nào? – Nàng lắp bắp hỏi.
- Rồi tôi sẽ nói rõ. Em mở cửa ra nào, I-đo.
Quản đấm cửa mỗi lúc một bị lắc dữ dội hơn.
- Không thể được, - I-đo chờ một lúc rồi nói tiếp, - em đã đi ngủ rồi. Ngài cứ nói ngăn ngắn thôi: ngài cần gì!
- Em đã đi ngủ thật ư?
- Em chưa mặc áo được, em vừa ở giường ra.
- Thế thì tôi sẽ đợi cho đến khi em mặc áo xong. Tôi khẩn thiết yêu cầu em cho tôi gặp mặt, một cuộc gặp gỡ đầy tôn trọng em thôi.
I-đo suy nghĩ một chút, chắc là phải có việc quan trọng lắm Tro-bo mới không muốn nói ở ngoài cửa đây.
Quả đấm cửa lại rung lên, lắc lắc…
- Tôi yêu cầu em tha thiết đấy…
- Ngài hãy đợi một chút, tốt nhất ngài xuống dưới phòng khách đợi em.
Nàng mặc áo váy vào. Chải đầu như mọi khi, rồi nhìn vào gương, nhìn đôi tay bình tĩnh và đôi mắt buồn bã của mình. Nàng đội lên đầu chiếc mũ lông nhỏ mà phụ nữ rất thích dùng. Sau đó khoác cả áo choàng đông lên người, nhưng rồi nàng lại cởi áo khoác ra để Tro-bo khỏi tưởng rằng có thể đặt nàng ngồi cùng bàn với cô người yêu của chàng ngay được.
Tro-bo lại sốt ruột, đi lại ngoài hành lang như là con gấu bị nhốt trong chuồng vậy:
- Em làm gì mà lâu thế!
- Chưa được năm phút…
- Năm phút ấy ư? có mà hàng trăm năm rồi ấy… Thế áo khoác của em đâu, sắc tay của em đâu?
- Để làm gì thưa ngài: Em sống ở đây kia mà, ở ngoài hành lang người ta sẽ bàn tán đấy.
- Thế nhỡ có ai quen thì sao. Tôi yêu cầu em hãy mặc áo khoác vào như là chúng ta đang đi chơi ngoài phố và rẽ vào đây ăn tối vậy.
I-đo lo lắng, nhưng rồi nàng cũng quay trở vào phòng mặc áo khoác lên người. Nàng cũng đeo túi sắc vào tay. Nàng không đeo găng tay mà nhét nó vào sắc để cho Tro-bo biết một điều là: dù cho nàng có phải ăn vận chỉnh tề như vậy, nhưng nàng cũng quyết không đi đâu khác, ngoài xuống phòng khách tiếp chuyện Tro-bo mà thôi.
- Thế ngài còn muốn gì nữa, - Nàng hỏi khi đang khóa cửa phòng, - ngài muốn gì? Ngài chưa đọc thư của em ư?
- Vì đã đọc thư nên tôi mới đến đây.
- Em hy vọng rằng thế là đã quá đủ với em rồi.
- Tôi mà đã cảm thấy quá đủ với em sao! Em hiểu nhầm tôi rồi! ... Vì một chuyện không đâu ấy… Em hãy xuống đây đã. Dưới nhà đã có xe ngựa đợi ta. Đi nào.
I-đo tự ái nhìn chàng:
- Đi đâu thưa ngài?
- Đi về nhà!
- Về nhà? Nhà nào của em?
Một thoáng đau đớn vụt hiện lên nét mặt nàng, đôi mắt nàng lại ươn ướt.
Tro-bo rầu rĩ nhìn nàng:
- Nhà của chúng ta vẫn ở ấy mà, I-đo!
- Thế ngài không nghĩ rằng em đã bước ra khỏi cửa rồi sao?
Nàng giơ bàn tay trái lên cho Tro-bo nhìn thấy ngón tay nàng không có nhẫn cưới.
Tro-bo lục tìm trong túi.
- Đây nhẫn đây. Em hãy đeo vào đi I-đo yêu quí…
Chang van vỉ nhẹ nhàng.
I-đo lắc đầu.
- Em không thể hiểu được ngài đấy.
- Rồi em sẽ hiểu. Em cứ đeo vào đi đã…
- Mối hôn nhân của chúng ta đã tan rồi. Em không hiểu vì sao ngài còn tìm đến đây nữa.
Tro-bo nom thật thảm hại, như là con gà trống bị dội nước sôi.
- I-đo ơi, I-đo thân yêu: em hiểu nhầm tôi rồi… Em hãy về đã, chúng ta đừng có hành hạ nhau vô ích nhữa đi. Xe đang đợi ở dưới nhà, còn em gái tôi đang đợi chúng ta về ăn tối…
Chàng định khoác tay I-đo để đi.
Nhưng I-đo đã kiêu hãnh tránh chàng, nàng lui ra sau một bước.
- Không thể tin được! Em gái ngài ư? Ngài nhắc đến cô em gái nào?
Tro-bo lúc đó dậm chân như là đứa trẻ đang vòi vĩnh.
- Em gái tôi là Zô-lan ấy, em biết cô ấy rồi còn gì.
- Em ư? Em gái ngài ấy à?
- Thì đúng là em đã đến nhà cô ấy mà!
- Em gái ngài?
- Em gái tôi, Zô-lan, tôi về nhà và thấy cô ấy đứng như một người điên chờ tôi ở đó.
I-đo lại càng thêm lạnh lùng nhìn chàng:
- Em gái ngài ư?
- Em gái tôi, vì sao tôi lại không nhắc đến cô ấy với em thì tôi sẽ giải thích, nhưng em phải đi về với tôi kia.
- Em gái ngài ư?
- Em gái tôi, em ruột tôi.
- Nhưng mà…
- Chúng ta đi nào, đừng hành hạ tôi nữa, I-đo.
- Không, không thể thế được. Ngài hãy hiểu cho tôi. Ngài cũng biết chúng ta không phải là vợ chồng của nhau. Nhất là trong trường hợp ngài cũng không hề giới thiệu vợ ngài với em gái của ngài kia mà.
- Đúng, tôi nhận lỗi rồi và tôi sẽ không rời cầu thang ở đây, và chưa cho xe đi chỗ khác chừng nào mà em không về nhà ăn tối, nơi mà em giá tôi cần phải đợi em. Cô ấy sẽ lại dày vò tôi thêm về chuyện đó đấy.
I-đo vẫn đứng như trong mộng, nàng lặp lại:
- Em ngài ư?
- Đúng. Zô-lan là em gái tôi. Tôi còn cần phải nhắc lại với em bao nhiêu lần nữa? Rồi chúng ta sẽ giải thích cho nhau tất cả, em sẽ hiểu, I-đo, em tha lỗi cho tôi chứ. Dù em muốn gọi tôi là con bò, con trâu, hay con lừa, hoặc là cả một vườn thú cũng được, chỉ cần em hãy đi với tôi và rồi tôi sẽ kể cho em nghe sự ngu dại của tôi. Em gái tôi cũng đã trách móc tôi nhiều rồi, nhưng cô ấy sẽ lột da tôi nếu như tôi không trở về nhà cùng em. Ở nhà cô ấy cũng dằn vặt tôi y như em bây giờ đấy.
I-đo bình tĩnh nhìn sự dày vò của Tro-bo. Nàng chưa hiểu hết đầu đuôi câu chuyện, vì sao Tro-bo lại phải bí mật giữa nàng và cô em gái, nhưng nhìn Tro-bo, nàng biết chàng đã nói thật, và vì nàng mà chàng đang tự dày vò mình.
- Được rồi, nhưng với một điều kiện, - cuối cùng nàng nói.
- Tôi xin chấp nhận tất cả. Tôi sẽ ghi lời hứa của tôi vào tờ giấy có chứ ký ở dưới, còn phía trên giấy trắng em muốn ra điều kiện gì cũng được.
- Chỉ một điều kiện, là sau bữa ăn tôi, ngài lại tiễn tôi về đây.
Tro-bo buồn bã nhìn I-đo gật đầu:
- Tôi sẽ đưa em về đây, nếu em ra lệnh thế.
- Bởi vì…
Nàng lại giơ bàn tay không có nhẫn cưới ra.
Tro-bo đang cầm chiếc nhẫn đó trong tay.
- Đây, nhẫn của em đây, em đeo vào đi.
I-đo vẫn không kéo găng tay ra khỏi bàn tay, nàng chỉ sửa các ngón tay rồi nói:
- Không, trước đây chúng ta không phải là những người xa lạ của nhau, chúng ta mới chỉ là người dưng của nhau một ngày hôm nay thôi, nhưng chúng ta không phải là vợ chồng…
- Nhưng có thể lắm chứ, I-đo. Tôi hy vọng là chúng ta có thể là vợ chồng thật. Tôi sẽ chết mất nếu em nói rằng chúng ta không thể là vợ chồng của nhau. Tôi chết ngay bây giờ đây này!
Môi chàng run rẩy, đôi mắt chàng ươn ướt, chàng nhìn I-đo như người chịu tội.
I-đo khoác tay Tro-bo với một vẻ thương yêu, tin cậy, nàng xiết tay chàng như họ đã là vợ chồng của nhau. Nàng nói nhỏ:
- Lần sau, anh không được làm việc điên rồ như vậy nữa nhé…

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.