Ngày Trôi Về Phía Cũ

Chương 37: Khi người từ bỏ một thói quen




Về lại thành phố ngay đúng lúc mặt trời đang trôi dần về phía nửa bên kia của địa cầu, tự nhiên thấy mình cũng lửng lơ trôi giữa hai mảng sáng – tối, giữa đôi bờ nhớ - quên, giữa yêu thương và buông bỏ….
Máy bay chưa kịp nghiêng mà lòng đã hẫng một nhịp!
Mỗi lần nhìn hoàng hôn, lại nhớ lời của Hoàng tử bé nói cùng Saint-Exupery: “Ông biết đấy… khi người ta buồn quá, người ta thích cảnh mặt trời lặn”… Có điều cho dù có đang bay cao hơn cả mây trời thì cũng không thể nào bắt chước Hoàng tử bé nhìn cảnh mặt trời lặn đến bốn mươi ba lần trong cùng một ngày, cho nên đành tự gói ghém nỗi buồn của bản thân rồi thở dài cho đường về ngắn lại những xốn xang.
Chợt cười, lại thở dài! Cái thói quen này bao giờ bỏ được đây? Vậy mà có những thói quen còn thường trực hơn cả hơi thở, bước hoài không qua hết kỷ niệm đã có cùng nhau, nhưng rồi người cũng từ bỏ nhẹ hẫng như là với tay khỏi cửa sổ lấy mây trời. Chẳng nắm được gì ngoài cái lạnh thấu thịt da của độ cao chín tầng không.
Khi người từ bỏ một thói quen, là khi phố chống chếnh một bên, là khi đường xưa trở thành trống trải, là khi người ở lại nhận về những nỗi nhớ chẳng thể lấp đầy. Nhớ góc quán quen mà bây giờ chẳng dám một mình trở lại, bởi cái cảm giác phải hít vào tràn lồng ngực cái không khí mà hai đứa đã từng thở chung có thể làm bản thân run rẩy đến độ thà tự bắt tim mình ngừng nhịp còn hơn. Nhớ tiếng tích tắc khi đồng hồ điểm gần 2h khuya mà vẫn có hai đứa ngồi nhìn nhau và nói những chuyện ở tương lai với những hứa hẹn chắc chẵn sẽ cùng-nhau và có-nhau. Nhớ lại, để biết đã xa rồi, để biết là chỉ có mình tự cố chấp với một điều từa tựa như yêu thương nhưng không thể thuộc về. Vị Sangria đôi lúc vẫn thảng hoặc nhắc nhở trong trí nhớ và trên đầu môi, như nụ hôn vội ngạc nhiên đến ngọt lịm. Say rượu thì ít, say nhau thì nhiều – như cái kiểu người ta hay nói hoa mỹ về tình yêu. Nhưng ít ai cảnh báo trước rằng dù say cách mấy, cũng đến lúc tỉnh dậy, hết chếnh choáng, chỉ còn đắng đót và chát cay. Sau giấc ngủ dài, có mấy ai còn nhớ đến ai?
Khi người từ bỏ một thói quen, là riêng người ở lại tập quen với một thói quen mới mang tên “lẩn thẩn”. Trí nhớ tự dưng trở nên vụng về, cứ quanh quẩn toàn những chuyện cũ xưa và đâu đâu không còn nữa. Cứ nhắc nhớ bản thân về khung cửa sổ trên tòa cao ốc nơi hai đứa từng ngồi đếm tỉ mẩn những ngọn đèn màu đủ sắc của thành phố trong đêm, dù bây giờ đêm đã sang ngày, đèn đã tắt sáng. Cứ tự mình chạy những quãng đường loanh quanh thành phố để hình dung lại gương mặt một người đã từng bên cạnh, dù bây giờ chính mình còn chẳng nhớ rõ gương mặt của bản thân mởi soi vào đâu cũng chỉ thấy bóng dáng người xưa – chuyện cũ.
Khi người từ bỏ một thói quen, là nơi chốn cũ chỉ một mình ta đối diện với những hỏi han muôn đời khách sáo của bạn bè về một-người-từng-đi-cạnh. Chỉ biết ậm ừ và cười trừ, vì thói quen chẳng phải là thứ có thể ràng buộc lấy hai làm một. Người từ bỏ nhưng chưa chắc mình buông tay. Có nhiều thứ trên đời mà biết chắc dù có cố chấp vẫn chẳng thể thay khác được kết cục, vậy mà vẫn cứ chấp mê bất ngộ thế thôi. Thói quen mà, như việc trong một phút nhịp thở phải đủ mười lăm lần lần, đều đặn, vô thức và bình yên. Hệt như ta yêu người, đều đặn, vô thức và bình yên – suốt một thời tuổi trẻ.
Khi người từ bỏ một thói quen, chúng ta còn lại gì để yêu nhau?
Còn tất cả! Chỉ còn thiếu một người mà thôi…
“Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng”
( Nguyễn Du)

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.