Nghề Nào Cũng Có Trạng Nguyên

Chương 14.2:




Ngày rời khỏi thôn Tiểu Quy, Kha Minh lên núi bái biệt di mẫu, lúc ra khỏi viện mà di mẫu sống, cậu nghe tiếng kêu của Hạ Nguyên____
- Này! Ngươi chắc chắn là cố ý! Nếu không phải ta nhanh như chớp thì bóng đã nện vào mặt ta rồi!
- Bóng hình tròn, ta nào biết nó sẽ lăn đi đâu?
Giọng điệu vô tội.
- Hừ! Đừng có giả bộ, xem bóng!
Muốn đánh thì mọi người cùng đánh! Xem công phu chân của ta đây!
Hạ Nguyên lúc này không khỏi oán hận sự linh hoạt bẩm sinh của Tiểu Vân, tên kia cứ như hễ bóng chạm vào chân cậu là biết ngay bóng sẽ bay đi đâu vậy, đoán được chỗ bóng bay đến, trước tiên là né ra, sau đó vững vàng nhấc chân đón bóng, thật tức chết người mà!
- Các ngươi sao tự mình chơi thế. Đá qua đây với!
Hạ Minh thấy trận đấu xúc cúc đang yên đang lành lại trở thành trò đùa của hai người kia, điều này khiến người bị vứt sang một bên sao mà chịu nổi?
- Lấy thêm một quả bóng tới!
Triệu Nguyệt thấy Hạ Minh chạy tới chạy lui quanh quả bóng mà hai người kia đá qua đá lại thì cất giọng gọi người hầu đi lấy thêm bóng tới. Bóng vừa đến tay, cậu liền nhắm chuẩn ngay gáy Tiểu Vân mà đá!
Kha Minh nhíu mày, kêu lên:
- Bạch Vân! Phía sau____
Không cần Kha Minh nhắc nhở, Tiểu Vân sớm đã cảm nhận được tiếng gió phía sau, cô nghiêng đầu, quả bóng kia sượt qua tai trái cô, cuối cùng đập trúng vai Hạ Minh.
- Này! Ngươi tránh cái gì? Ai bảo ngươi tránh?!
Triệu Nguyệt giậm chân trách mắng.
Tiểu Vân không để ý tới Triệu Nguyệt, tập trung tinh thần đá quả bóng mà Hạ Nguyên đá qua trở lại; còn Hạ Minh sau khi phủi phủi vai thì nhặt bóng lên, lớn tiếng nói với Tiểu Vân:
- Bạch Vân, ngươi thử đồng thời đá hai quả bóng xem. Nếu ngươi làm được, ta cũng tặng ngươi một quyển sách!
Cô có thể nói, kỳ thực một quyển cô cũng không muốn không? Có thể đừng kéo cô đá bóng không? Cô còn muốn đi chép sách luyện chữ nữa đây này.
Hôm nay Kha Minh lên núi để cáo biệt với di mẫu, dẫn cô theo cũng là điều hiển nhiên, nhưng nào ngờ Hạ Nguyên nhảy ra nói muốn cùng đi; nếu Hạ Nguyên đã muốn đi thì Hạ Minh và Triệu Nguyệt sao chịu bị bỏ lại? Thế là cả đám người lại lên núi. Đương nhiên vì quá nhiều người mà họ lại bị ngăn ngoài cổng viện.
Hạ Nguyên kỳ thực cũng chỉ muốn túm Tiểu Vân lại đá bóng cho đỡ nhàm chán mà thôi, cậu móc từ trong ngực ra một quyển “Thần đồng thi”, nói cô đá bóng tốt sẽ tặng cô, mặc kệ cô muốn hay không muốn đều bị ép buộc đá bóng.
Sau đó thì diễn biến thành thế này, ba quý công tử tạo thành hình tam giác vây quanh Tiểu Vân, dùng cước pháp tự cho rằng rất lợi hại của bản thân đá bóng theo đủ cách xảo quyệt nhưng Tiểu Vân hầu như không hề làm rớt____trừ phi đá lệch quá mức mới đành phải bó tay.
Vì để cho những quý công tử nhàn rỗi sắp chết này có thể yên tĩnh một chút, đường bóng mà Tiểu Vân đáp trả vô cùng xảo quyệt, không đón được là lẽ đương nhiên. Có mấy lần Triệu Nguyệt nhịn không được mà dùng tay đón bóng, đón rồi còn chửi ầm lên, còn Tiểu Vân thì lợi dụng thời gian mấy quý công tử này mắng người và thở dốc đi nhặt bóng để nghỉ ngơi.
Sau khi Kha Minh phát hiện Tiểu Vân không hề chịu thiệt chút nào, cậu nhìn nhìn sắc trời, quyết định để bọn trẻ này chơi thêm một lát. Co rụt ở một nơi hoang vu hẻo lánh thế này cũng thực thiệt thòi cho những quý công tử này. Mà, cước pháp của Tiểu Vân quả thực đẹp mắt, đúng như lời Hạ Nguyên nói, là một hạt giống xúc cúc tốt, không chịu lên kinh học xúc cúc có hơi đáng tiếc.
Kha Minh cho rằng, so với việc thi trạng nguyên không có niềm tin kia, Bạch Vân nếu phát triển theo hướng xúc cúc thì có lẽ có thể thật sự leo đến đỉnh cao.
Nhưng, cậu nghĩ đến tình hình của di mẫu……..đứa trẻ Bạch Vân này vẫn nên ở lại quê tiếp tục nuôi giấc mộng trạng nguyên thì hơn.
Những quý công tử gọn gàng rực rỡ kia sau khi ở lại thôn Tiểu Quy gần nửa tháng, cuối cùng khí thế rầm rộ rời đi.
Họ để lại cho nhà thôn trưởng chút tiền bạc tá túc, khiến thôn trưởng được phát tài nho nhỏ.
Họ nhắc nhở Vương Thi Thư không ít điều cần chú ý trong khoa cử, khiến Vương Thi Thư thu hoạch được rất nhiều.
Họ để lại cho Tiểu Vân bốn bộ sách, chút lương thực tinh tế, mà sách và lương thực về sau sẽ tiếp tục đưa tới.
Sau đó, họ mang Tiểu Phương đi, cũng tìm được nơi cho Tiểu Phương gửi gắm_____bán thân làm người hầu cho Kha lão gia đệ nhất đại địa chủ huyện Vĩnh Định. Nghe nói học hỏi khoảng ba bốn năm thì có thể có cơ hội được điều đến kinh thành hầu hạ các chủ tử kinh thành.
Mãi đến khi dõi mắt nhìn theo đoàn xe thật dài biến mất nơi khúc quanh sơn đạo, không còn nghe tiếng xe ngựa nữa, thôn trưởng mới nói với tất cả mọi người đi đưa tiễn:
- Được rồi, về thôi. Những quý nhân ấy có để lại một xe lương thực và vải vóc, nói là mấy ngày nay quấy rầy sự thanh tịnh của thôn dân, đồng thời cảm tạ mọi người chiếu cố nên chia cho mọi người một ít, chúng ta xem như được ăn một cái Tết no đủ rồi.
Thôn trưởng hét to như vậy xong, các thôn dân đều hoan hô, nhanh bước theo thôn trưởng chạy vào trong thôn.
Người lớn chạy phía trước, bọn trẻ khoa tay múa chân chạy theo sau, người ở lại sau cùng từ từ đi chỉ còn lại Vương Thi Thư và Tiểu Vân.
Kỳ thực Vương Thi Thư không hề biết Tiểu Vân, chủ yếu vì họ hơn kém nhau gần mười tuổi, không chơi cùng nhau; lúc Tiểu Vân sinh ra, cậu đã sớm đến huyện thành đi học, mãi đến khi Kha Minh vì một lý do không rõ mà xem trọng Tiểu Vân, Vương Thi Thư mới từ chỗ phụ thân biết được tình hình nhà Tiểu Vân.
- Họ……sao lại tặng sách cho muội?
Vương Thi Thư thật rất hâm mộ bốn quyển sách trên tay Tiểu Vân đang cầm.
“Thần đồng thi” và “Xúc cúc du nghệ” cũng thôi, “Luận ngữ” và “Kinh thi” không phải cậu không có, nhưng không có bản quý như vậy, quan trọng chính là bên trong còn có chú giải của đại nho.
- Họ muốn muội thi trạng nguyên.
Tiểu Vân bĩu môi, nhớ đến biểu cảm của Hạ Nguyên khi nói cô phải đọc nhiều sách hơn, thật khiến người ta muốn nện bóng vào mặt cậu ta.
Thi, thi trạng nguyên?! Vương Thi Thư nghe vậy, lảo đảo.
- Nhưng, muội là nữ nhi mà?
Tuy bề ngoài nhìn không ra.
- Ừ, họ mắt kém, không nhìn ra được muội là nữ nhi.
- …….
Vương Thi Thư ngập ngừng, cuối cùng vẫn không phát biểu quan điểm về điều này, chỉ nói:
- Dù muội có là nam đi nữa thì sao họ lại cho rằng loại địa phương như chúng ta sẽ cho ra được trạng nguyên? Còn nữa, sao muội biết chữ?
- Loại địa phương như chúng ta sao không cho ra được trạng nguyên?
Tiểu Vân không cho là đúng. Cô nghĩ nghĩ rồi nói:
- Sư phụ của Thận Nghiêm Am dạy muội biết chữ.
Tiểu Vân biết mẫu thân không hi vọng người ngoài biết cô biết chữ.
Chỉ học chữ mấy ngày với các ni cô Thận Nghiêm Am mà có ý nghĩ viển vông muốn thi trạng nguyên sao? Vương Thi Thư thở dài, nói lời thấm thía:
- Bạch Vân, muội chưa từng ra khỏi thôn nên không biết thế giới này lớn cỡ nào, người tài giỏi nhiều đến mức muội khó mà tưởng tượng. Huynh cũng từng tràn đầy chí khí, cho rằng chỉ cần hạ quyết tâm liều mình đi học, dùng thời gian cả đời thì thi được cử nhân sẽ là chuyện trong tầm tay, dù không chắc thi được tiến sĩ nhưng không phải không có hi vọng; nhưng……..
Cậu lắc đầu. Học càng nhiều càng thấy mình nhỏ bé, càng thấy mình bất lực. Tâm, cũng trở nên nhút nhát.
- Sau Tết huynh sẽ đi huyện thành thi tú tài, huynh đang sợ à?
Vương Thi Thư nhìn Tiểu Vân, cười có chút nhợt nhạt. Phải, cậu đang sợ…….mấy ngày nay mặt dày mày dạn quấn lấy Kha Minh công tử tính tình tốt nhất để thỉnh giáo học vấn, chỉ là chỉ điểm sơ sơ nhưng cậu lại thu hoạch được rất nhiều. Song, Vương Thi Thư cũng không phải ngu ngốc, cậu nhìn ra được, với những công tử tôn quý không cần đi học đọc sách để làm con đường tiến thân kia mà nói, những điều trước mắt cậu học được còn không đáng để nhắc tới; vậy với những sĩ tử chú tâm vào học hành, cậu lại kém bao xa?
Đúng là nghĩ cũng không dám nghĩ……
- Thi tú tài thì huynh có chút nắm chắc. Nhưng nếu muốn thi lên nữa, e là khó.
Không biết tại sao, Vương Thi Thư lại đem những lời tận đáy lòng nói với một đứa trẻ kém cậu gần mười tuổi này.
- Nếu huynh thi đậu tú tài thì chính là tú tài đầu tiên của thôn Tiểu Quy chúng ta suốt mấy trăm năm qua đấy.
Tiểu Vân cảm thấy danh tiếng của tú tài cũng lóng lánh như trạng nguyên. Nhìn thôn Đại Thụ đi, chỉ vì mấy chục năm trước cho ra một tú tài mà khiến cả thôn bày ra dáng vẻ canh độc thế gia (đời đời vừa làm ruộng vừa đọc sách), cho nên, Tiểu Vân cảm thấy bất kể công danh lớn hay công danh nhỏ đều rất lợi hại.
Vương Thi Thư cười cười, chỉ vào sách trên tay Tiểu Vân nói:
- Có thể cho huynh mượn sao chép lại sách của muội không?
Tiểu Vân gật đầu, lập tức đưa sách cho cậu, nói:
- Huynh cầm đi.
Nghĩ đến việc sau này Kha Minh còn gửi sách nữa, có lẽ đều là sách hữu ích cho khoa cử. Cô bèn nói:
- Sau này sẽ còn nhiều sách nữa, huynh đều có thể sao chép lại. Nếu những quyển sách này có thể khiến thôn chúng ta cho ra một trạng nguyên thì tốt quá.
Vương Thi Thư trân trọng nhận sách, cười có chút gượng gạo, trầm giọng nói:
- Đây cũng là nguyện vọng của huynh.
Song, tháng ba hai năm sau, thôn Tiểu Quy vẫn chưa cho ra một tú tài. Bởi vì người gánh vác hi vọng của cả thôn - Vương Thi Thư vào hai ngày trước khi thi bị nhiễm phong hàn, toàn thân sốt cao, tay chân bủn rủn không nhấc nổi người dậy. Ngày đến trường thi, cậu gắng gượng được hai bạn học đỡ vào, cuối cùng ngất xỉu trong trường thi.
Thôn Tiểu Quy muốn cho ra một tú tài, chỉ có thể đợi thêm ba năm nữa; trong khi thôn Đại Thụ trong năm này lại cho ra vị tú tài thứ hai. Vì thôn Đại Thụ vui mừng quá độ, hầu như ăn mừng suốt nửa năm, tháng nào cũng kêu gánh hát đến hát bài “Kim bảng đề danh”, ầm ĩ đến gà mái thôn Tiểu Quy cũng không đẻ trứng được. Cho nên người thôn Tiểu Quy giận điên lên, cùng chung mối thù, thề rằng lần thi tú tài sau, thôn Tiểu Quy phải thi đậu hai tú tài.
Lời nói hùng hồn này thoáng chốc truyền khắp ba thôn kia, khiến vô số người cười rớt răng.
Nhưng, hai năm rưỡi sau, những người từng cười rớt răng nọ lại kinh sợ trợn to mắt. Bởi vì, cái thôn thổ phỉ Tiểu Quy ấy, cái thôn nghèo hầu như toàn bộ thôn dân một chữ to cũng không biết ấy lại thật sự cho ra được hai tú tài.
Tú tài thứ nhất: Vương Thi Thư.
Người này không có gì bất ngờ, dù sao tất cả mọi người đều biết, nếu không phải ba năm trước lúc gần thi bị bệnh nặng thì vị tú tài đầu tiên của thôn Tiểu Quy suốt mấy trăm năm qua đã xuất hiện từ lâu. Cái mà Vương Thi Thư thiếu không phải là học vấn, mà là vận may. Lần này, không có vận rủi quấn thân, cậu đương nhiên thi đậu tú tài.
Tú tài thứ hai: Bạch Vân.
Bạch Vân là ai? Người của những thôn khác đều chưa từng nghe nói, chỉ biết đó là một đứa trẻ mười tuổi. Một tú tài mười tuổi, quả thực là thần đồng! Thôn Tiểu Quy từ khi nào lại có một nhân vật kỳ tài như thế? Tại sao trước đây chưa từng nghe nói?
Tất cả mọi người nghe ngóng về thôn Tiểu Quy đều không nghe ra nguyên cớ. Thôn Tiểu Quy chỉ đưa ra tin tức, thần đồng này chưa từng đến học đường ngày nào, mọi kiến thức đều do các ni cô Thận Nghiêm Am trên núi truyền dạy; mà đứa trẻ ấy lại chỉ là một tiểu tử làm thuê cho Thận Nghiêm Am, bình thường bận bịu chẻ củi làm việc, không có thời gian rảnh đọc sách, lần này chỉ tùy tiện đi thi lại thi đậu, hết thảy đều là ngoài ý muốn…

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.