Phía Tây Kinh Thành có một nơi khiến người ta hận không thể tránh xa ba thước, không ai dám nhắc đến, không có nhật nguyệt cũng chẳng có nắng mưa, quanh năm ẩm ướt âm u, ánh đèn chỉ chiếu sáng một tấc* quanh chân, người bên trong dựa vào số lượng chuột nhiều hay ít để phán đoán giờ phút này là đêm hay ngày.
*1 tấc = 1 dm = 10 cm
Thỉnh thoảng, đám trẻ con thường ngâm nga: Ánh nến mập mờ, thế gian u tối, hồng trần rộng ba ngàn trượng, quỷ sống không thấy ánh sáng mặt trời —
Chiều Ngục, địa phương chỉ có vào mà không có ra.
“Lách cách, lách cách…”
Tiếng chìa khóa bên hông va vào nhau, tổng kỳ* bắt đầu ngày mới bằng cách thay phiên trông coi, chân Thân Khương đi ủng đen, eo đeo móc đồng, roi da trâu không ngừng quật vào lòng bàn tay, hai mắt sắc bén như chuông liên tục quét quanh.
*có thể hiểu là người quản lý 1 đội nho nhỏ.
“Lúc nào cũng chỉ biết rên ư ử, chọc ông đây đau cả đầu!”
“Mặt tường phía Đông Bắc trông lạ quá? Ỷ vào bóng tối mà nghĩ ông không thấy à? Lau khô cho ông, ngay lập tức!”
“Đứa phạm nhân kia sao lại có bánh bao* ăn? Cho nó cho nó đi, ôm cái thói xấu cẩn thận về sau không còn miệng mà ăn!”
*ám chỉ loại bánh bao không nhân làm bằng bột mì.
“Khiếp cái mùi — Ôi đệt, thằng kia chết mấy ngày rồi? Mau xử lý!”
Theo con đường hắn đi, nhóm ngục tốt buồn bực cắm đầu làm việc.
Thân Khương vẫn ngại mình đi chậm, quăng roi về phía cuối đường: “Chúng bay không rõ tình hình à? Tưởng thủ lĩnh mới đến dễ chọc? Trời ơi mấy hôm nay da đầu ông căng như dây đàn, may sao thủ lĩnh còn đang nhận án tử không có thời gian liếc mắt đến, giả sử ngài ấy nổi hứng, kể cả ông có đứng ra giúp đỡ thì đứa nào đứa nấy vẫn phải đi nhận phạt bên Hình phòng!”
Chiếu Ngục, nơi giam giữ các viên quan phạm tội theo chiếu lệnh của Thiên Tử, trừ phi được ngài đặc xá* bằng không thì không thể ra ngoài. Dưới chân Hoàng Thành xảy ra không ít án lạ, mỗi ngày đều có chuyện mới hóng hớt, hôm nay còn có người nhớ kỹ, ra sức tra xét bận tối mặt tối mũi. Mấy ngày sau khéo phạm nhân là ai họ cũng quên, chỉ cần người thân không đến hỏi thăm, một năm năm năm mười năm hai mươi năm, cả đời tàn lụi nơi Chiếu Ngục, khách ở lâu nhất lên đến tận ba mươi bảy năm.
* “đặc xá” là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà vua quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt.
Nơi nào có người nơi đó sẽ có quy tắc ngầm, độ tàn nhẫn của Cẩm Y Vệ tùy theo mức tiền người nhà đưa cho, nhận tiền rồi chăm sóc phạm nhân bên trong không thành vấn đề. Thậm chí bọn họ còn ước sao cho mỗi phạm quan đều có người thân kẻ thù, như vậy vừa có thể chăm sóc vừa có thể dạy bảo, thu được hai phần tiền.
Được tiền bọn họ cũng dễ sống hơn, ngày nào Chiếu Ngục cũng có người chết, ai đứng ra xử lý thi thể? Bọn họ chứ còn ai nữa, xem tên nào dúi bạc thì thuận mồm báo tin, nói rõ ngày giờ ném xác để chúng nhặt nhạnh, còn về phần mang đi an táng hay quật xác báo thù thì đó là chuyện của các người.
Khi cao trào vụ án phạm quan qua đi, lúc không còn nguy hiểm nếu người thân dám vào thăm thì có thể mua lượt, chỉ cần tuân thủ quy tắc che mắt vào che mắt ra, không nhìn không nghe không gây chuyện, đến nhanh đi nhanh thì hoàn toàn có thể.
Đằng nào mấy chuyện về Chiếu Ngục khiến dân đen sợ hãi, đa số người nhà phạm quan đều chỉ dùng tiền nhờ chăm sóc chứ nào dám tự đến. Còn người dám đến thì ai cản nổi họ, núi vàng núi bạc cũng chấp nhận tiêu.
Cách đây một tháng rưỡi, chỉ huy sứ mới lên nhậm chức, không khí trong Chiếu Ngục dần thay đổi, người đến người đi không còn giống như trước, một số người nhận ra, một số người lại như gà mù. Mà bắt đầu từ hôm qua bầu không khí càng không thích hợp, nghiêm túc khẩn trương, đến mấy tay đầu mục* nhỏ cũng không ngoại lệ.
*Ám chỉ mấy thủ lĩnh cấp thấp, quyền lực ít ỏi.
“Gì cơ? Thằng cháu họ Bố muốn mượn chỗ nghiệm xác?” Mặt Thân Khương đột nhiên biến đổi, miệng chửi má nó, “Đệt! Thủ lĩnh đang bận tra án tử, nó định bày trò gì nữa? Còn nói chuyện không liên quan đến vụ án, tao nhổ vào! Nói luôn là nếu nó không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị phạt, mấy loại đồ sứ như kia cũng dám động vào, biết xấu hổ không hả?!”
“Vậy chúng ta từ chối hay sao?”
“Không, không cần.” Thân Khương cười lạnh, “Bên nhà xác đã đầy chỗ, nếu không cho mượn thì khác nào bày cớ để nó đi mách lẻo? Cứ cho nó đến, bảo bên trong chưa quét dọn sạch sẽ, chỗ tao chật hẹp, nghiệm thì nghiệm không nghiệm thì cút!”
Phía nam Chiếu Ngục có nhà xác, phòng riêng dành cho ngỗ tác. Địa bàn Bắc Trấn phủ tư rộng lớn không thiếu nơi dùng, cơ mà gần đây bên trên giao rất nhiều vụ án xuống, bên kia chất đầy xác chết, người làm cũng không đủ. Nhiều khi Chiếu Ngục hù dọa phạm nhân, hoặc là phạm nhân chết trong lao ngục thì đều phái ngỗ tác đến nghiệm xác tại chỗ, đài đặt xác vô số, yêu cầu của ngỗ tác Bố Tùng Lương không xem như quá đáng, nhưng ai bảo gã có thù với Thân Khương?
Bố Tùng Lương sai người khiêng thi thể vào đặt lên đài, không thèm nhìn Thân Khương cũng chả chào hỏi ai khác, mặt mũi che kín lạnh lùng nghiệm xác.
Chiếu Ngục không được coi là yên tĩnh, toàn là tiếng phạm nhân thống khổ*, tiếng xiềng xích va chạm, thậm chí còn có thể nghe ra các loại bước chân khác nhau, ai đang giết thời gian, ai đang chán muốn chết, ai vội vàng ngang qua chuẩn bị rời đi…
*raw là hai ô vuông, từ ngữ nhạy cảm bị JJ che nên tớ chém.
Đã đến lúc rồi.
Phòng giam thứ hai từ nam qua bắc, một cậu thiếu niên liếm môi, khuôn mặt bẩn thỉu khác xa với đôi mắt sáng ngời, thầm nghĩ đã đến lúc!
“Cô dâu áo xanh năm này trước…dường như đang tới.”
Môi thiếu niên nứt toác, giọng nói khàn khàn không còn sức lực, hàng xóm nhà tù bên phải nghe không sót chữ nào, nắm cây quạt bẩn thỉu rách nát nhìn không ra màu chạy vọt tới cạnh cửa phòng giam: “Ở đâu, ở đâu?”
Giọng thiếu niên hơi khựng lại, giống như đang nghỉ ngơi mà lại tựa như đang hồi tưởng: “Trên eo nàng ấy treo viên ngọc đỏ to như trứng bồ câu, giá trị đắt đỏ.”
Hàng xóm nhà lao bên trái hừ một tiếng, cũng đứng dậy: “Giá trị đắt đỏ nào cơ? Sao lần trước đến không thấy? Tôi đây không thể nhìn nhầm bảo bối được!”
Rất nhanh, một phụ nhân* giàu có che mặt bước nhanh qua, được cai ngục không chút tôn kính đưa ra ngoài.
*Người phụ nữ có chồng.
Hàng xóm bên phải phe phẩy cây quạt rách, tự cho mình phong lưu phóng khoáng: “Chao ôi, cành liễu yếu ớt mải lượn lờ, cong như thắt lưng người con gái tuổi mười lăm – cậu bạn nhỏ tuổi còn trẻ mà ánh mắt không tồi.”
Thiếu niên chậm rì rì di chuyển lên trước, ánh mắt tập trung một chỗ nhưng lại không nhìn mỹ nhân, mà là cái đài đặt xác.
Hàng xóm bên trái xùy một tiếng: “Hóa ra chỉ là thằng ranh con vắt mũi chưa sạch, cái gu thẩm mỹ gì vậy? Ngọc trên eo nàng ta nào phải bảo bối gì, bảo cái vòng tay thì còn nhìn được.”
Giọng thiếu niên khản đặc, tiếng cũng chậm rì rì: “Đồ tốt hay người đẹp?”
Hàng xóm cầm quạt bên phải vội chen mồm: “Đương nhiên là người đẹp!”
Hàng xóm bên trái trào phúng hừ lạnh: “Hồng nhan giây lát hóa xương khô, bảo vật vạn năm mãi trường tồn.”
“Mùa hoa nở vì ngắn ngủi nên mới đáng quý trọng!”
“Đằng nào chả chết, chỉ có trân bảo mới theo xuống suối vàng!”
“Tục tằng!”
“Ngu xuẩn!”
Hàng xóm hai bên giao lưu bằng thứ tình cảm mãnh liệt, ban đầu còn đè giọng để người ngoài không nghe thấy, dần dần thiếu niên đổ thêm dầu vào lửa, lúc thì nói trân bảo quý giá hơn mỹ nhân, lúc thì mỹ nhân bên cạnh mềm mại hơn trân bảo. Hai bên càng cãi càng hăng, tiếng động càng lúc càng lớn, dù sao cũng bị giam hai buồng khác nhau không lao vào cắn xé nổi, chỉ có thể… lôi người đến.
Thân Khương qua cho một roi: “Ồn ào gì đấy? Muốn chết cứ nói thẳng!”
Các phạm nhân nào có bản lĩnh, nhưng ở đây lâu kỹ năng giỏi nhất chính là né roi, hàng xóm hai bên không ai dính đạn, khéo léo ngửa đầu ra sau, đồng thời im miệng.
Giữa lúc yên tĩnh, tiếng của ngỗ tác cách đó không xa truyền đến: “…Người chết nằm sấp, phần lưng không có vết thương, mùi rượu nồng nặc, có vẻ đã say bảy phần rồi nôn ọe, không hít thở kịp thời nên bỏ mạng.”
“Ngu xuẩn.” Giọng thiếu niên khàn khàn, gằn từng chữ cực kỳ rõ ràng.
Thân Khương trừng mắt: “Mẹ mày mắng ai đấy?”
Nơi Chiếu Ngục này có đứa không sợ hắn?
Hắn còn chưa tỉnh lại, Bố Tùng Lương bên kia đã tiếp tục nói: “…Xương sườn bị gãy cắm vào tim phổi, nạn nhân sặc nên giãy giụa rồi không cẩn thận té lầu, ngã chết.”
Thiếu niên hạ giọng phun ra hai chữ đủ để mọi người nghe được: “Không đúng.”
Bố Tùng Lương: “…Được rồi, án này không có hung thủ, người chết tự làm tự chịu.”
Thiếu niên thở than: “Sai, quá sai.”
Thân Khương híp mắt.
Thiếu niên ngẩng đầu, đôi mắt đen trắng rõ ràng nhìn thẳng hắn: “Muốn lập công không?”
Thân Khương: “Mày biết nghiệm xác?”
“Gã làm anh khó chịu à?” Thiếu nhiên nhìn đài đựng xác đằng xa, giọng nói lộ ra hai phần phấn chấn: “Nghiệm xác gấp như vậy, chắc là quan trên chờ mong kết quả lắm… anh muốn khiến gã khó chịu không?”
“Cho tôi nhìn thi thể, tôi giúp anh thăng quan phát tài.”
Thăng quan phát tài? Thân Khương quay đầu nhìn Bố Tùng Lương rồi lại ngó thiếu niên, mẹ cái thằng oắt con từ đâu đến mà cái mồm toang toác như vậy?
Thiếu niên liếm môi, ánh mắt sáng lấp lánh: “Sao hả? Sợ tôi chạy à? Đây là địa bàn của anh, dựa vào cái thân thể gầy yếu này thì có chạy đằng trời… Thân tổng kỳ, lá gan anh bé thế?”
Thân Khương nhìn trái nhìn phải, hôm nay đến phiên hắn nhận việc, năm mươi tay thuộc hạ đều đang ở đây, làm trời làm đất gì chả ai biết, lại nói…
Họ Bố vừa viết xong kết quả nghiệm xác, gã có thế lực chống lưng lại làm việc ngon nghẻ chắc chắn có thể bò được lên cao. Bên ngoài tuy cái nghề ngỗ tác không mấy vẻ vang gì nhưng tại Bắc Trấn phủ tư người làm không thiếu, cuộc sống dễ dàng hay không không dựa vào gốc gác mà dựa vào công trạng, được cấp trên để mắt đến…
Hắn đã làm tổng kỳ nhiều năm, mắt sắp thấy tuổi ba mươi lại bị người ta dẫm xuống không vượt lên nổi, chả nhẽ cả đời cứ mãi như thế…
Ánh mắt Thân Khương dần sắc bén: “Mày muốn gì?”
Thiếu niên rủ mắt: “Muốn một bát cháo.”
Ánh mắt Thân Khương sâu thẳm, không nói năng, đi ra rồi lại trở về đúng như thiếu niên dự kiến: “Diệp Bạch Đinh? Chờ đó cho tao!”
“Muốn cháo nóng.” Thiếu niên, tức Diệp Bạch Đinh không nói nữa, chậm rì rì lủi vào góc tường khép hờ đôi mắt, không biết còn thức hay đã ngủ.
Rất lâu sau, hàng xóm bên trái híp mắt: “Oắt con…nó vừa lợi dụng chúng ta?”
Hàng xóm bên phải phe phẩy quạt rách, thong thả ung dung: “Giờ ngài mới nhìn ra?”
Tầm mắt hắn xoay tròn trên người thiếu niên, cười nhẹ một tiếng. Đúng là ngồi trong ngục lâu mắt đã mờ dần, vậy mà không nhìn ra thằng ranh kia là đứa thông minh.
Hàng xóm bên trái nói đầy thâm ý: “Nó tưởng chỉ dùng mấy kế hoạch khôn lỏi là người ta sẽ đồng ý? Nó nghiệm xác?”
Hàng xóm bên phải phẩy quạt, sâu xa đáp lại: “Cho nên mới nói, đây đâu phải khôn lỏi gì.”
Hàng xóm bên trái lười nghĩ, thứ hắn quan tâm nhất vẫn chỉ có một: “Đã có cơ hội tại sao không xin hẳn bát cháo thịt, xin chén cháo không làm chó gì? Ranh con bị ngu hả?”
Hết chương 1