Người Lạ Trong Gương

Chương 2:




Vào năm 1939, New York là miền đất hứa của nghệ thuật sân khấu. Đại suy thoái đã hết và Tổng thống Roosevelt đã tuyên bố nước Mỹ từ nay vĩnh viễn bước ra ngoài mọi âu lo để trở thành cường quốc lớn mạnh nhất thế giới. Tiền bạc rủng rỉnh, hàng hoá thừa mứa, kể cả nghệ thuật nói chung và sân khấu trình diễn nói riêng. Chưa bao giờ người ta đếm được tới ba chục vở kịch cùng lúc công diễn ở New York và cả ba chục đều ăn khách.
Đến New York ngoài chiếc valy chất đầy quần áo, Toby có một trăm đôla mẹ cho cùng niềm tin mình sẽ nổi tiếng, sẽ được đón mẹ về ở cùng để bà ngày ngày nấu nướng cho anh ăn và tối tối đến nhà hát vỗ tay khi xem anh biểu diễn. Song bây giờ thì phải lo có chỗ để ngủ, có cái để ăn, trong khi sự nổi tiếng kia còn bận la cà đâu đó trước khi đến với anh. Có sao đâu, anh đợi được mà.
Tin ở mình, anh không xin những việc làm chân tay mà gõ cửa luôn các rạp hát ở Broadway, hào hứng kể ra giải thưởng tại các cuộc thi nghiệp dư và anh có tài bắt chước thế nào, rồi sững sờ khi thấy nghe chưa hết họ đã đuổi anh ra. Anh xông vào nhà hát, lần mò tới các hộp đêm chăm chú xem các nghệ sĩ biểu diễn, tỏ ra vô cùng thích thú với các danh hài song không mấy cảm phục. Anh biết anh hơn họ/.
Một trăm đôla mẹ cho vơi dần, Toby phải đi rửa bát thuê kiếm sống. Chủ nhật, giá điện thoại đường dài rẻ, sáng ra anh gọi về thăm mẹ. Bà kể rằng cả nhà trường, cả gã trung sĩ, cả cô vợ hụt của Toby đều làm ầm ĩ lên về việc anh trốn đi. "Đặc biệt gã trung sĩ" mẹ kể, "đêm nào cũng ngồi trong xe tuần tra rình mò, lại cứ hỏi con hiện đang ở đâu. Có là điên mới cho gã biết".
"Thế mẹ trả lời sao?"
"Còn sao nữa? Con vơ quần áo rồi lẻn đi như thằng ăn trộm thế nào, mẹ cứ sự thật mà kể. Quan trọng nhất là con đi đâu thì mẹ lại không biết".
Hai mẹ con cùng cười ầm.
Loanh quanh thế nào Toby trở thành người giúp việc cho một gã ảo thuật mắt thô lố, bất tài, chuyên diễn trò tại các khách sạn làng nhàng ở ngoại vi New York. Công việc chủ yếu của Toby là bốc dỡ các thứ dụng cụ đồ nghề và chăm sóc mấy con vật như thỏ, chim yến, chuột đồng. Theo đòi hỏi của chủ, anh không những lo cho chúng ăn uống mà còn phải sống cùng chúng trong những căn phòng bé tí tẹo. Người anh lúc nào cũng hôi rình và đầu óc dường như mụ mẫm đi vì mệt mỏi, buồn chán, cô đơn và thất vọng. Anh thường đứng trước gương tập bắt chước người này, làm sao cho giống người kia và khán giả không vỗ tay mà chỉ choe choé. Vì đó là những con vật sống cùng anh mà thôi.
Rồi một chủ nhật, khi gọi về nhà như thường lệ, người trả lời lại là bố anh.
"Con đây ạ. Bố vẫn khoẻ chứ?" Anh hỏi. Chỉ có im lặng đáp lại. Anh hỏi thêm lần nữa. Giọng thều thào trả lời khiến anh lạnh người, câu nói tự nhiên thốt ra. "Mẹ làm sao hả bố?"
Đáp: "Cấp cứu. Bác sĩ bảo nhồi máu cơ tim".
Toby không tin cái chết dám đến với mẹ. "Mẹ đỡ nhiều rồi chứ? Nhất định mẹ sẽ khỏi, đúng không bố?" Anh quát tướng lên trong máy.
Đáp lại anh là tiếng khóc, và những tiếng nghẹn ngào, rời rạc. "Mẹ...con...vừa mất...vài giờ...trước".
Bố nói dối. Hay chỉ đùa? Mẹ không đợi được đến khi anh nổi tiếng ư? Rồi còn bao dự định anh dành cho mẹ? Ngôi nhà, xe hơi đắt tiền, kim cương, kẻ hầu người hạ...? Anh nghe tiếng bố gọi tên mình như từ địa ngục vẳng lại. "Toby, con có sao không?".
"Con sẽ về dự tang lễ mẹ. Bao giờ hả bố?"
"Hai ngày nữa. Nhưng con đừng về. Người ta đang rình bắt con đấy. Cô gái kia sắp sinh con rồi. Và họ sẽ bỏ tù con ngay lập tức".
Mấy ngày anh không ra khỏi nhà, bỏ mặc cả đám súc vật. Tại sao anh không được vĩnh biệt người mẹ mà anh yêu thương và kính trọng nhất trên đời này? Anh nhớ những lúc mẹ cười nghiêng ngả khi anh bắt chước điệu bộ người khác, nhớ lúc mẹ nhét quần áo vào valy anh trốn đi. Hôm nay, 14 tháng Tám năm 1939, sẽ là ngày quan trọng nhất của con. Sẽ không bao giờ con quên ngày này, thề với mẹ.
Ngày quan trọng nhất của Toby? Đúng vậy. Song không phải vì cái chết của mẹ anh, mà là vì sự ra đời của một bé gái, cách cái căn buồng hôi rình của anh cả ngàn rưỡi cây số: thị trấn Odessa, bang Texas.
Đó là một toà nhà bốn tầng, gọi là bệnh viện nhưng nom có vẻ như một nhà thương làm phúc bởi những thứ xoàng xĩnh nó chứa trong đó, từ con người đến đồ đạc. Nhưng nó vẫn làm được cái việc trị bệnh cứu người, tất nhiên, với bệnh nào còn trị được và người nào còn cứu được.
Trời đang về sáng. Tại khoa sản, một nhóm đỡ đẻ đang gặp khó khăn. Sản phụ Czinski, dân lao động, to lớn, mạnh khỏe, hông rộng và vững chãi, trong ngoài không có gì đáng lo ngại cả, và mọi việc đang diễn ra bình thường đúng như dự tính thì bỗng Wilson, bác sĩ phụ sản kêu lên:"Đẻ ngược!". Thoạt đầu, tiếng kêu của ông không khiến ai lo lắng. Mặc dù đây là tình huống hiếm khi xẩy ra nhưng nói chung họ đều dễ dàng xử lý, dù ở dạng khó nhất là phải mổ sản phụ để lấy đứa con ra. Trường hợp này quá dễ, chỉ cần một trợ giúp nhỏ là xong. Bác sĩ Wilson thở phào khi thấy đôi bàn chân rồi đôi cẳng chân đứa trẻ nhô dần ra. Bà Czinski móm môi rặn, và đây, đã thấy đôi đùi...Bác sĩ động viên người mẹ. "Sắp được bế con rồi. Hãy rặn thêm lần nữa. Và mạnh lên".
Không thấy gì hơn.
Bác sĩ Wilson rón rén kéo đôi chân đứa trẻ. Thấy nó không nhúc nhích, ông luồn tay qua mình nó, thăm dò tử cung sản phụ. Cô y tá đứng bên lấyk hăn lau mồ hôi bỗng lấm tấm xuất hiện trên vầng trán rộng rãi của ông. "Chắc chắn có chuyện rồi". Ông lẩm bẩm, nhưng không lọt qua đôi tai sản phụ. "Chuyện gì với cháu, thưa ông?". Bà hỏi, chợt giật nhẹ người. "Không đâu. Tôi tưởng vậy". Ông nói dối, rồi đưa tay vào sâu hơn, ép nhẹ cái thai xuống. Vẫn không động tĩnh gì hết. Tay ông lần theo cuống nhau, thấy nó kẹt giữa cái thai với khung xương chậu, chẹn vào ống dẫn khí khiến đứa trẻ không thở được.
"Máy nghe tim thai". Ông lệnh. Chiếc máy được áp sát vào bụng người mẹ. "Ba mươi". Cô y tá hô, rồi nói thêm, "và có triệu chứng loạn nhịp".
Mồ hôi túa ra khắp mặt, khắp cả người bác sĩ Wilson. Ông đưa tay vào sâu hơn, những ngón tay tìm kiếm kỹ càng hơn. Giọng cô y tá trở nên hãi sợ. "Tim thai đập rất yếu...tim thai ngừng đập rồi..."
Nghĩa là cái thai đã chết trong bụng mẹ. Chỉ còn cơ may duy nhất là đưa được nó ra ngoài, trong bốn phút, để thông phổi và làm tim đập trở lại. Quá một phút, não bộ đứa trẻ sẽ bị huỷ diệt hoàn toàn.
"Bấm giờ!" Bác sĩ Wilson hô to. Ai nấy trong phòng bỗng cùng nhìn lên chiếc đồng hồ to tướng treo trên tường, ba chiếc kim đều được đưa về con số 12 và kim giây bắt đầu tích tắc.
Ngoài hành lang phòng sản, Karl Czinski bồn chồn đi lại, chiếc mũ như bị vò nát trong đôi bàn tay to bè. Anh là thợ mộc, sống với những quan niệm đơn giản nhất: phải làm việc, phải lấy vợ, phải có con, thậm chí nhiều con. Đây là đứa con đầu lòng hỏi làm sao anh không hồi hộp, sung sướng?
Trong phòng sản, một cô sinh viên lần đầu thực tập đỡ đẻ, bống oẹ lên một tiếng rồi ôm miệng chạy ra ngoài, xô cả vào Karl. "Xong chưa? Trai hay gái hả cô?" Karl hỏi. Cô sinh viên đầu óc vẫn đang hỗn loạn về chuyện tim thai nhi ngừng đập, về đôi cẳng chân thò ra ngoài cửa mình người mẹ, tái tím và bất động, la toáng lên. "Chết rồi! Chết mất rồi!".
Mặt Karl nhợt ra, hơi thở đứt quãng, hai tay ốm lấy ngực, chỗ trái tim, rồi từ từ đổ gục xuống. Người ta đưa anh vào phòng cấp cứu, nhưng đã quá muộn.
Trong phòng sản, bà Czinski đang lâm vào trạng thái hôn mê, không phản ứng gì trước những lời động viên giục giã của bác sĩ. "Rặn nữa đi, mạnh lên nào".
Bác sĩ Wilson nhìn đồng hồ. Một nửa thời gian quý báu đã trôi qua - hai phút. Song sẽ ra sao, cho dù ông cứu được đứa bé, sau bốn phút? Nó sẽ sống với một cái đầu ngớ ngẩn ư? Hay nhân đạo hơn, cứ để nó chết? Không, lương tâm nghề nghiệp bắt ông phải tát đến giọt nước cuối cùng. Ông liều lĩnh sử dụng các phương pháp chỉ được áp dụng trong những trường hợp một mất một còn, bao gồm hàng loạt các động tác phức tạp để đưa bằng được đứa trẻ ra. Và cuối cùng nó đã chịu nghe ông, một đứa bé gái, mặt mũi tím tái, câm lạng hoàn toàn. Nhưng dù sao nó cũng đã lọt lòng.
Chỉ còn hơn một phút nữa. Đờm rãi trong họng đứa bé đã được móc ra, ống thông khí quản đã được đặt vào. Tiếng máy thông khí ro ro chạy...
Chỉ còn hai mươi giấy. Chưa thấy tiếng tim đứa bé đập.
Dường như không còn gì có thể ngăn được sự tổn thương của bộ não. Bác sĩ Wilson đã làm việc, hoặc tham quan, ở nhiều bệnh viện vùng đã thấy không ít những người - sinh vật, những đàn ông đàn bà với bộ não trẻ em, thậm chí còn tồi tệ hơn thế nữa.
Nhưng vẫn còn một hai giọt nước cuối cùng, và ông còn phải tát.
Mười giây nữa trôi qua. Nghĩa là ông chỉ còn mười giây cuối cùng. Tim đứa trẻ vẫn không chịu đập. Vẫn không có gì để ông có thể hy vọng.
Năm giây! Ông sờ tay vào phích cắm điện của máy thở. Chúa sẽ tha thứ cho ông. Vì Chúa thấu hiểu tất cả. Rồi ông bỗng rụt tay về, đặt lên da thịt đứa bé. Nó lạnh ngắt, và nhớp nháp.
Một giây! Ông cúi sát đứa trẻ, và chỉ muốn khóc. Không ai có thể tiên đoán cuộc đời sau này của nó sẽ ra sao, nếu lúc này đây, nhờ phép màu, nó sống lại được. thời gian!
Đúng lúc ông cả quyết đặt tay lên phích điện thì tim đứa trẻ bắt đầu đập, từng tiếng một, rồi đều đặn, và liên tục. Cả phòng nhẩy lên, ôm nhau, reo hò và tất cả xúm lại chúc mừng ông.
Ông thì cứ dán mắt vào chiếc đồng hồ trên tường.
Đứa trẻ mang tên Josephine, theo tên bà ngoại hiện sống ở Krakow, và không có tên đệm gì hết, bởi mẹ nó chỉ là bà thợ may người gốc Ba Lan sống ở Odessa, Texas.
Không nói lý do nhưng bác sĩ Wilson bắt buộc bà Czinski cứ cách hơn tháng lại phải mang Josephine đến bệnh viện cho ông kiểm tra, để rồi lần nào cũng vậy, bà lại mang nó về mà không có thuốc men hay lời dặn dò kèm theo nào của bác sĩ. Nó là đứa trẻ bình thường mà, bà thắc mắc nhưng không dám hỏi.
Chỉ có Chúa mới biết con gái bà có bình thường hay không.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.