Nhục Hồng Ngải

Chương 4: Tạp nhân




7 giờ sáng hôm sau, Bách đã lái xe vào địa phận của tỉnh Sơn La. Người anh rệu rã và vô cùng mệt mỏi. Từ trước tới giờ anh luôn là một con người chăm chỉ cần mẫn chịu khó, thế nhưng việc tìm kiếm lang thang nhiều ngày đã rút cạn sức lực của anh. Bách không muốn dùng nhiều thời gian để nghỉ ngơi, nghĩ đến đứa con bé nhỏ ốm yếu đang bị giam nhốt ở nơi nào đó, anh lại gắng gượng lên đường.
Đến được đích cần đến, trong lòng Bách nhẹ nhõm hơn đôi chút nhưng rất nhanh chóng, sự hoang mang lại trở về bao trùm tâm trí của anh. Bây giờ anh cần phải làm gì đây?
Bách tấp vào một quán ăn sáng bình dân ở ngoại ô tỉnh Sơn La. Anh vào ăn lấy sức và tiện thể hỏi han luôn. Ăn xong một bát phở tái chín, Bách hỏi bà chủ quán về những địa điểm của tỉnh Sơn La. Anh dự định sẽ đi từng tỉnh một, tìm từng ngóc ngách có thể mới thôi.
"Nơi đông đúc nhất á? Tỉnh này nhiều dân tộc anh em lắm! Đông nhất chắc chỉ có lên thành phố thôi...Chứ dân ngoại ô như chúng tôi quanh đây hẻo lánh lắm chú à...Mà chú đi tìm con sao..?" Bà chủ quán đáp lại lời hỏi han của Bách, ánh mắt chứa đầy sự thương cảm. Chắc bà nhìn thấy tấm biển anh dựng cạnh chiếc xe máy.
"Vâng...cháu đang đi tìm thằng bé, nó bị bắt cóc...". Bách khó nhọc thốt ra từng lời, nỗi đau như đang bị khứa sâu sau từng chữ thốt ra. Anh gật đầu cảm ơn bà chủ quán rồi tiếp tục đeo tấm bảng lên đường. Người chủ quán nhìn theo nói với: "Chúc chú chóng tìm được thằng bé!".
Bách lên xe tìm đường đi vào trong thành phố. Điện thoại anh rung lên liên tục. Mấy hôm trước, dăm ba tiếng mới có một cuộc gọi báo thông tin ở đâu đó, còn bây giờ thì tiếng chuông điện thoại vang lên rất nhiều. Hình như người nhà anh đã đăng lên mạng xã hội tìm kiếm, bất chấp lời dặn dò của công an là kiên nhẫn chờ đợi, tránh bị kẻ xấu lợi dụng. Bách cố gắng nghe nhiều cuộc gọi nhất có thể. Ngoài những cuộc gọi động viên vô thưởng vô phạt, những thông tin phỏng đoán còn có cả những cuộc điện thoại quấy rối, mạo danh khiến anh vô cùng mệt mỏi.
Thành phố Sơn La hiện lên trước tầm mắt của anh, con đường heo hút bụi bặm biến mất, thay vào đó là những con đường bê tông sạch sẽ rộng lớn, người qua kẻ lại đông đúc hơn nhiều. Lời chỉ dẫn chỉ có vỏn vẹn như vậy, anh phải tìm con ở những nơi đông đúc mới có cơ hội. Bài thơ vợ anh để lại, anh vẫn cất gọn trong ví, dù anh không hiểu được mấy.
Anh tiến vào một vòng xuyến lớn trong trung tâm thành phố. Có lẽ anh nên giăng biển đứng ở đây sao?
Thấy ở đầu đường có vài chú xe ôm đang đứng, anh đánh liều vào hỏi, xin lời khuyên.
Những người xe ôm chỉ cho anh về hướng bến xe khách Sơn La. Một bác phủi tay:
"Cháu xin đứng với chúng tôi làm gì. Ở đây người ta đi qua vùn vụt, chẳng có thời gian nhìn cháu đâu. Chúng tôi còn chẳng có mấy khách nữa."
"Đúng rồi đấy. Muốn tìm người mất tích trên này, cháu cứ ra bến xe mà đứng. Chúng tôi chẳng tranh được chỗ với đám xe ôm ngoài đó mới đành ra tới đây đứng. Người dân rồi khách du lịch qua đó rất nhiều. Các bác tài xế phụ xe nếu đi đường mà thấy cái gì, may mắn họ nói cho thì sao?"
Bách nghe thấy có lí bèn cảm ơn những bác xe ôm tốt bụng, lái xe tìm đến bến xe khách Sơn La nằm cách đó không quá xa, vừa đi vừa hỏi đường. Anh đi đến đâu cũng thu hút ánh nhìn tới đấy.
Sau cùng, anh cũng tới được bến xe sau già nửa buổi sáng. Anh gửi xe trong bãi, tiếp tục đeo tấm biển trước ngực và chờ đợi từng dòng khách đang đổ xuống từ những chiếc xe ngược xuôi ra vào bến.
Anh cố gắng chặn đường từng dòng khách, phát cho họ đống tờ rơi anh đã chuẩn bị sẵn. Có người cầm lấy, có người lắc đầu từ chối, có người còn tiện tay ném luôn tờ rơi anh vừa đưa xuống đất khi vừa đi xa vài bước. Trong lòng anh dấy lên sự đau khổ. Dường như con người quá thờ ơ trước nỗi đau của đồng loại. Giữa xã hội vô cảm này, liệu còn có ai giúp đỡ được anh?
Quả thực ngày hôm ấy, bến xe Sơn La đông đúc một cách lạ thường. Ngoài những người khách có nhu cầu di chuyển trên các tuyến xe thì còn rất đông những người dân khách dựng xe chờ đợi ở ngoài bến. Những hàng quán đối diện bến xe khách, hàng trà đá cũng rất đông người ngồi. Hôm nay có sự kiện gì vậy?
Càng về trưa, bến xe càng đông đúc. Bách vẫn đứng cần mẫn làm công việc của mình. Bỗng nhiên từ xa có hai người đàn ông đi tới, mặc bộ quần áo màu xanh bảo vệ. Người đàn ông to lớn hơn hất hàm:
"Này cậu! Đứng ở đây làm gì thế hả?"
"Tôi...tôi...Xin lỗi các anh, tôi bị lạc mất đứa con đã gần 10 ngày nay rồi. Tôi có thông tin là thằng bé đang ở quanh đây...Tôi muốn..."
"Chúng tôi hiểu nỗi khổ của anh..." Người đàn ông lạnh lùng cất lời. "Nhưng chúng tôi phải đảm bảo trật tự cho bến xe. Anh đứng đây làm tắc đường ra lối vào của xe cộ, ùn ứ hết cả đường đi của khách, lại còn xả rác bừa bãi ra đây nữa...". Ông ta khua tay chỉ khoảng sân đầy giấy tờ dưới chân của Bách.
"Vâng...vâng...tôi thực tình xin lỗi...Tôi sẽ dọn dẹp..." Bách lắp bắp.
"Thôi thôi...Anh ra ngoài khu vực bến xe hộ chúng tôi nhé...Để chúng tôi còn làm việc...". Chẳng nói thêm câu nào, hai người bảo vệ kéo khuỷu tay Bách hướng ra ngoài cổng bến xe. Ngậm ngùi, cay đắng, Bách bước lếch thếch ra ngoài cổng bến xe đứng. Từ một doanh nhân, một trưởng phòng kinh doanh nay anh lại trở thành một người bị xua đuổi, phải van xin sự chú ý của người khác. Nhưng vì con, anh sẵn sàng bán rẻ sĩ diện của mình, anh không cần gì cả.
Tới đầu giờ chiều, lượng người tập trung phía ngoài bến xe ngày càng đông. Rõ ràng hôm nay có chuyện gì rồi chăng? Bách đang mệt lả dần đi. Nắng mùa hè vẫn còn chói chang khiến lưng áo phông của anh ướt đẫm. Anh vẫn cố gắng phát tờ rơi cho từng người ra khỏi bến xe một. Thế nhưng không có vẻ gì là có người biết tung tích của con trai anh. Những cuộc điện thoại vẫn tới không ngớt.
Tới khoảng 2 giờ chiều, 2 chiếc xe tải lớn sơn màu đen từ đâu tiến lại gần bến xe rồi đi vào phía trong. Dọc chiếc xe tải có ghi dòng chữ màu vàng rất lớn: Thiên Hồng Inc- Hương vị đến từ cõi thiên đường. Cái tên dội vào đầu anh những ý niệm quen thuộc nào đó. Dường như cái tên này anh đã bắt gặp nhiều lần ở đâu đó.
Hai chiếc xe tải dừng lại, 4 người đàn ông mặc áo sơ mi đen nhanh nhẹn trèo xuống, mở cánh sau của ô tô tải ra, lôi xuống những thanh hàng rào sắt, mấy chiếc ghế nhựa và một chiếc loa cầm tay. Họ nhanh chóng quây những hàng rào sắt quanh xe tải, bắc ghế lên và gọi loa:
"Đây rồi nhé bà con! Hồng tươi mới thu hoạch. Có hàng loại 2, loại 3! Nhanh chân không hết! Đang cháy hàng rồi nhé!".
Vừa dứt lời, toàn bộ đám đông đang chờ đợi ở ngoài bến xe, ở cách hàng quán đối diện bu vào 2 chiếc xe tải đông như kiến. Bến xe bỗng chốc đông đúc không tả nổi. Ấy vậy mà nãy người ta còn đuổi anh ra ngoài, hóa ra là để tiện đường cho họ kinh doanh.
Đến lúc này anh mới chợt nhớ ra Tập đoàn này. Tập đoàn Thiên Hồng mới nổi lên được mấy năm nay, đi đâu cũng thấy quảng bá tên tuổi. Sản phẩm nổi bật nhất, cũng đưa tập đoàn này phất lên là trái hồng cao cấp- Hồng Ruby gì đó anh không nhớ rõ. Hồng này được quảng cáo rằng vô cùng tươi ngon, mọng nước, mỗi trái to như quả táo, bóng và sáng mịn như một hòn ngọc. Quả hồng chín mới mang ra bán, để được rất lâu mà không bị mất đi độ ngon. Đặc biệt hơn hết là sau khi sản phẩm này nổi lên, rất nhiều công ty tìm cách nhái lại món hàng béo bở đó nhưng không sao làm nổi nên Tập đoàn này trở thành thương hiệu độc quyền. Dân tình dường như phát cuồng với độ ngon của quả hồng Ruby, ai thử qua đều nghiện vị ngọt thơm của nó, đến mức săn lùng để mua. Giá một quả lên tới vài triệu, vô cùng đắt đỏ, dòng cao cấp nhất cũng lên tới vài chục triệu một quả, là dòng Hồng Sapphire, quả lớn, có mùi thơm đứng xa vài mét cũng ngửi rõ. Giá cả đội trời như vậy nhưng vài năm trôi qua, cứ đến hè là dòng Hồng này lại được bày bán. Tập đoàn này cũng từ một công ty nhỏ mà phất dần lên thành một ông lớn trong giới kinh doanh đầu tư, đã đầu tư nhiều lĩnh vực như ngân hàng, khu vui chơi, bất động sản,...Bách làm với công ty nước ngoài nên thị trường trong nước anh chỉ biết loáng thoáng như vậy. Hình như tập đoàn này có nhà máy ở chính thành phố Sơn La này.
"Xếp hàng nhé! Xếp hàng vào! Không chen lấn xô đẩy! Hồng Ruby Nhị cấp dùng để đi sếp, biếu bạn, biếu ông bà bố mẹ rất tốt nhé anh chị em. Hồng phúc mang ý nghĩa trường thọ, nảy nở sinh sôi, dồi dào sức khỏe!...Một thùng 4 quả giá 10 triệu, không đâu rẻ hơn được! Đảm bảo mua xong làm ăn phát đạt, vạn thọ vô cương! Hồng Tam cấp rẻ hơn 1 nửa nhé, độ ngon thì không phải bàn đâu...". Những người đàn ông vẫn đang quảng cáo món hàng nhiệt liệt.
Bách đứng lặng lẽ một góc ngoài cổng bến xe, nhìn vào khung cảnh hỗn loạn bên trong mà cảm giác mình đang đứng cách xa thế gian vài dặm trường. Những người đàn ông đàn bà đang chen lên, kéo vai áo nhau xộc xệch, chìa chiếc thẻ tín dụng ra quẹt để mang về cho mình một thùng hồng, trông không khác gì những người chết đói được phát lương thực. Anh nhìn trân trân vào gương mặt lanh lợi của đứa con trai in trên tờ rơi trong tay, nước mắt muốn ứa ra. Không một ai quan tâm đến anh, đến nỗi thống khổ trong lòng anh. Anh ước gì những con người kia cũng giúp đỡ anh nhiệt tình như cách họ mua món hàng đó. Giờ đây, tính mạng con anh còn rẻ rúng hơn cả những quả hồng đẹp đẽ được bày trong thùng các tông kia.
Bóng chiều tà đổ xuống, in đậm bóng hình nghiêng nghiêng khắc khổ của người đàn ông đứng lặng lẽ, trầm mặc trước cổng bến xe, cách xa đám đông phía sau mình. Anh vẫn đứng đó chờ, chờ đám đông hoan hỉ kia trở ra để hỏi họ về đứa con trai mất tích.
Đêm hôm đó Bách nghỉ tạm ở một nhà nghỉ xập xệ trong trung tâm thành phố, người mỏi nhừ. Anh chỉ tắm qua rồi lăn ra giường ngủ, để mặc chiếc điện thoại trên bàn rung liên hồi. Những gì xảy ra chiều hôm nay dường như dội thẳng vào mặt anh một gáo nước lạnh. Ở nơi đất khách quê người này, anh chẳng nhận được sự trợ giúp nào. Anh phải tìm con ở đâu đây? Anh lại rút tờ giấy Dương viết ở trong ví ra, đọc đi đọc lại rồi ngắm nghía. Trong ví anh ở ngăn bên cạnh cũng có ảnh anh và vợ con được chụp trong một chuyến đi dã ngoại. Anh khẽ miết nhẹ ngón tay lên khuôn mặt của hai con người anh vô cùng yêu thương ấy. Quả thực những ngày tháng đó trôi đi quá xa rồi. Dương...Em muốn nói gì với anh hả Dương...?
Anh dần ngủ đi trong cơn mê man.
5 giờ sáng, anh giật mình choàng tỉnh, người toát hết mồ hôi. Anh không tài nào ngủ sâu được kể từ khi mất đi đứa con trai. Bất chợt chiếc điện thoại trên bàn lại rung lên liên hồi. Thật quái lạ. Thông thường những cuộc điện thoại sẽ chấm dứt từ lúc nửa đêm tới sáng bởi giờ đó không có nhiều người còn thức mà đi gọi điện cho anh. Thế nhưng gọi vào tảng sáng thế này...Liệu có gì gấp?
Linh tính thế nào, Bách quyết định với lấy chiếc điện thoại bấm nút nghe.
"Alo...alo! Đây có phải số điện thoại của anh Bách không? Xuân Bách?"
"Vâng là tôi, Trần Xuân Bách đây..."
Tiếng người đàn ông vang lên trong điện thoại. Bách chăm chú lắng nghe và bất chợt mặt anh biến sắc.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.