[Phần 1/4].
Lầu Thiên Hương bị xét nhà vào đúng Trung thu, tôi vừa lấy được hai cái bánh bao trong thùng đồ ăn thừa trong hẻm.
Tiểu nhị đổ đồ ăn cười tủm tỉm gọi tôi:
- Đậu Hũ tới đấy hả? Hôm nay em đến đúng lúc đấy, đây, khách bỏ lại cả mâm gà nấu hũ sành, có cả cơm trắng, cơm chan canh gà là tuyệt vời.
Tôi cười khà khà, vui vẻ gói lại nửa hũ canh gà.
Lầu Thiên Hương là nhà hàng cao cấp nhất kinh thành, nhã phòng chỉ dành cho vương tôn quý tộc, bao nhiêu con nhà giàu đến cũng phải ngồi ngoài sảnh.
Nghe nói những quý nhân kia khẩu vị tinh tế. Món này quá lửa, đổ đi. Món cá kia từ lúc ra nồi đến vào miệng nguội một chút, đổ đi. Đầu bếp lỡ cho thêm ba hạt muối, đổ ngay.
Ăn mày trong mấy con phố gần đây ai cũng biết giờ đổ thức ăn của nhà hàng.
Tôi cũng vậy.
Ăn mày già kể, lúc ông nhặt được tôi, tôi còn bé hơn con vịt. Ông ấy xin thức ăn thừa từ lầu Thiên Hương để nuôi tôi lớn. Tôi gọi ông ấy là cha.
Mỗi ngày tôi đều nắm tay cha, đứng bên ngoài nhà hàng chảy nước miếng.
Lầu Thiên Hương đèn đuốc rực rỡ, hương thức ăn thơm lừng, tựa như mẹ của tôi.
Thức ăn nhà hàng này nuôi tôi lớn khôn. Mỗi lần ăn đói mặc rách, bị nha dịch đuổi chạy trối chết, tôi đứng trước lầu Thiên Hương, cảm giác như mình được về nhà.
Trung thu năm ấy, ngày gia đình đoàn viên, lầu Thiên Hương bị khám xét.
Hơn trăm thị vệ đeo đao đằng đằng sát khí bao vây cả nhà hàng, chưởng quỹ, đầu bếp, tiểu nhị, thậm chí cả thực khách trong sảnh đều bị trói tay áp giải đi.
Tiểu nhị trong bếp vừa kêu oan liền bị chém đầu.
Tôi sợ đến hồn phi phách tán, cuộn mình dưới gầm xe thức ăn thừa run lẩy bẩy.
Chờ quan binh đi hết, tôi lảo đảo chạy về nhà, vừa thấy cha là nói không ngừng.
- Cha ơi! Chưởng quỹ bị bắt rồi, tiểu nhị vừa kêu oan liền bị chém chết. Quan sai nói muốn vào nhà hàng bắt thích khách!
Cha tôi là người từng thấy cảnh thị phi, ông bảo tôi ở nhà, để ông ra ngoài xem thế nào.
Chỉ nửa ngày, lời đồn đã truyền khắp kinh thành.
Kể rằng trong cung yến, có nương nương già tham ăn một miếng bánh dày bị mắc nghẹn. Thái y chưa kịp chạy vào điện Thái Hòa, nương nương già đã thăng thiên rồi.
Món bánh dày kia tôi từng được ăn thử, vừa to vừa tròn vừa dẻo mà không dính răng, bên ngoài phủ một lớp vừng rang thơm lừng. Cắn một miếng hương thơm đầy miệng, là điểm tâm hàng đầu được lầu Thiên Hương tiến cống vào cung.
Nương nương già bị một miếng gạo nếp nghẹn chết kia sắp đại thọ bảy mươi rồi.
Hoàng thượng nôn ra ba ngụm máu, nổi cơn thịnh nộ tại chỗ, cả thánh chỉ cũng không ban, chỉ dùng một khẩu dụ mà bỏ tù mấy chục người. Sau một đêm nghiêm hình tra khảo, cũng mấy chục người đó bị kéo ra đầu phố chém đầu.
Nhà hàng lớn như vậy, cuối cùng chỉ còn một cậu chủ nhỏ đang học ở Quốc Tử giám thoát nạn. Lúc biết tin đã muộn, cậu ấy một mình chạy đến phủ Kinh Triệu đánh trống kêu oan.
Dân kiện quan, phạt ba mươi gậy.
Dân kiện Thiên tử, đánh chết.
Một ngày kia, toàn bộ phu tử và học sinh ở Quốc Tử giám quỳ gối trước phủ Kinh Triệu, dập đầu cầu xin mới cứu được mạng của cậu chủ nhỏ.
2.
Cậu chủ nhỏ gần như không tự đi nổi, nhưng hôm đó cậu lảo đảo qua phố Chu Tước ra khỏi thành, vừa ngã vừa bò giữa đống xác trong bãi tha ma, cuối cùng theo đàn quạ đen tìm được xác cả nhà chưởng quỹ.
Cậu gọi cha, gọi mẹ, dập đầu với từng thi thể của người trong nhà.
Cuối cùng, cởi dây cột tóc buộc lên cây.
Tôi nhào tới giật đứt sợi dây kia.
Cậu chủ nhỏ lăn xuống đất, bò lên đẩy tôi ra, lại buộc lại dây.
Nhưng sao cậu khỏe bằng tôi được? Cậu bị tôi vừa lôi vừa kéo, tức giận đánh tôi mấy lần, nước mắt cố kìm suốt quãng đường giờ ào ra như vỡ đê.
- Cô cứu tôi làm gì? Cô cứu tôi làm gì?
- Cô là ai, quen biết gì tôi? Tôi chết hay sống liên quan gì đến cô!
Tôi cõng cậu trên lưng, cắn răng đi từng bước vào thành.
Tôi là ai?
Tôi là đứa ăn mày xin cơm nhà cậu, được cơm nhà cậu nuôi mười ba năm.
Tôi nghe cậu đọc sách suốt chín năm, từ “nhân chi sơ, tính bản bản thiện” đến “tư trì thông giám” tôi nghe không hiểu.
Tôi thấy cậu lớn lên, thấy cậu học vỡ lòng, thấy cậu đọc sách, thấy cậu đến trường.
Tôi biết sinh nhật cậu, biết cậu thích kết bạn, biết cậu thích ăn ngọt ghét ăn cay, biết mồng tám tháng chạp mỗi năm cậu sẽ đứng ngoài nhà hàng phát cháo bát bảo.
Nhưng cậu chủ nhỏ chưa từng để ý đến tôi.
Tôi là ai?
Tôi giơ cánh tay bẩn thỉu lau nước mắt.
Tôi là nô tài trừ uế trong lễ thôi nôi của cậu.
Nhà họ Trình quê ở Phượng Tuyền, tục lệ địa phương nhiều. Có một tục lệ là phải làm lễ thôi nôi cho trẻ yếu ớt nhiều bệnh. Chọn một nô tài trừ uế quỳ trước mặt cậu chủ nhỏ, để cậu đá nhẹ ba cái.
Một đá, đuổi nghèo khổ.
Hai đá, xua ốm đau.
Ba đá, tai ương không đến, may mắn bình an, cả đời suôn sẻ.
Ngày đó, chưởng quỹ Trình đứng trước bậc cửa gọi to:
- Ai đến là nô tài trừ uế, cho con tôi đá ba cái, tôi thưởng mười lạng bạc.
Rất nhiều trẻ con ăn mày chưa nghe từ này bao giờ còn đang đứng trố mắt ngạc nhiên. Chỉ có cha tôi đi nhiều, kiến thức rộng rãi, vội vàng đẩy tôi lên phía trước.
- Đậu Hũ, mau, mau dập đầu với cậu chủ!
Tôi ngã vào trước thềm cửa của lầu Thiên Hương, đối đầu với đôi chân trắng nõn của cậu.
Tôi không nhớ hai đá kia đau đến thế nào, khi đó tôi còn nhỏ quá, còn chưa hiểu được chuyện gì. Chỉ nhớ, cậu chủ đá được hai cái thì khóc ré lên, chưởng quỹ Trình không biết làm sao, chỉ nói coi như được rồi, bảo vú nuôi bế cậu vào nhà.
Nếu có cơ hội, tôi rất muốn quay lại năm đó, để cậu chủ đá tôi thêm một cái cho xong lễ, đủ ba điều may. Để tai ương tránh xa cậu, để cậu không phải gánh nỗi đau cửa nát nhà tan.
Tôi gồng lên cõng cậu chủ nhỏ, nén nước mắt mà nói:
- Cậu chủ không cần nhận ra tôi, tôi nhận ra cậu là được.
3.
Cậu chủ nhỏ bị quan phủ đánh ba mươi gậy, lưng bị thương, gãy chân, rách đầu, cổ tay trái cũng buông thõng.
Tôi cõng cậu đứng ngoài Nhân Tâm đường cầu xin cũng không xin được nửa gói thuốc. Tôi giật ngọc bội, tháo túi gấm của cậu, giao hết cho hiệu cầm đồ.
Cậu túm vai tôi vừa đập vừa tát, khóc gào vỡ cả giọng.
- Không được bán! Tôi bảo không được bán! Không được! Ngọc bội là di vật duy nhất của cha tôi! Túi gấm kia là mẹ thêu cho tôi!
Cậu không có sức, đánh như gãi ngứa, tôi quyết tâm cầm cố hết đồ của cậu, cõng cậu chỉ quay lại y quán.
Thầy thuốc bóp mũi kiểm tra vết thương cho cậu chủ nhỏ.
- Chậc, lưng với đùi là vết thương ngoài da, đầu chỉ bị trầy, chỉ có cái tay này, không dùng thuốc mạnh sợ không cứu được.
Tôi sốt ruột nói:
- Vậy ông kê đơn đi.
Thầy thuốc nhàn nhã thu dọn hòm thuốc, cười ha ha:
- Tiền nào chữa bệnh nấy, chữa tay thì thêm tiền.
Tôi rất muốn đấm gãy răng ông ta.
Tôi cõng cậu chủ về nhà, đặt lên giường, mặt cậu trắng bệch như thể đã chết rồi.
Cũng may còn phát sốt, còn thở.
Tôi vò đi vò lại cái khăn tay duy nhất của mình đến bạc cả màu mới dám dùng lau người cho cậu.
Cậu chủ nhỏ yếu lắm, nước giếng lạnh làm cậu run lẩy bẩy. Tôi sợ cậu cảm lạnh, bèn bưng cái chậu cũ đi đun nước, làm ấm khăn rồi lau người cho cậu.
Tôi lấy gạo hôm nay đi xin được nấu cho cậu bát cháo.
- Cậu chủ, ăn cháo đi.
Cậu ngơ ngác nhìn tôi, âu sầu nói:
- Bé ăn mày không biết nhìn người, cô cứu tôi, không lấy được gì đâu. Tôi nhà tan cửa nát, không xu dính túi, thành con của tội nô, không thể đi học, không thể đi thi, không thể làm quan.
- Người hại gia đình tôi là Hoàng thượng, là chân long Thiên tử. Ngài được vạn dân kính ngưỡng, kiếp này của tôi không báo được thù. Tôi còn sống có ích gì, không bằng chết quách đi cho rồi.
Lời nói của cậu ủ rũ bất lực, đột nhiên cậu nghẹn lời, kinh hãi nhìn ra phía sau tôi.
Tôi ngoái đầu lại nhìn, hóa ra là cha tôi.
Cha tôi không có chân, ông là người tàn phế không có nửa thân dưới, đứng thẳng còn không cao bằng đứa con gái như tôi.
Dù không có chân, ông vẫn là người khỏe mạnh. Ông tươi cười chào cậu chủ, nói với ta:
- Thêm người thêm miệng ăn, Đậu Hũ, để cha ra ngoài xin ăn.
Cậu chủ như bị tát cho ngu người, ngẩn ngơ ăn bát cháo kia, hỏi tôi:
- Cha cô… sao cha cô lại thành như vậy?
- Cha tôi ấy à, lúc nhỏ bị bắt cóc. Đám bắt cóc kia khốn kiếp lắm, chặt chân, móc mắt trẻ con bắt được, kéo ra đầu đường làm xiếc.
Tôi bật cười.
- Cậu đừng coi thường cha tôi, ông ấy giỏi lắm. Ông ấy bán mạng cho đám bắt cóc kia hai năm, vừa lớn một cái là phóng hỏa đốt nhà bọn chúng. Phóng hỏa chết người, ông ấy sợ bị quan phủ bắt, lại nghe nói kinh thành giàu có nên chạy đến kinh thành. Hai mươi năm sau đó, ông dùng một đôi tay bò từ Tương Dương đến kinh thành. Cậu thấy có giỏi không?
Chuyện này cha gặp ai cũng kể, con phố này ai cũng biết.
Ai nghe xong cũng giơ ngón cái lên khen ông hết lời:
- Trâu bò, quá trâu bò!
Cậu chủ lại không khen.
Mắt cậu nhắm chặt, nước mắt rơi ào ào, tôi sợ cậu bị sốt đến ngốc rồi vội dìu cậu ngồi thẳng lên.
Cậu chủ chỉ lẩm bẩm hát khúc ca.
[Vi thiện đích thụ bần cùng canh mệnh đoản, tạo ác đích hưởng phú quý hữu thọ diên.
Thiên địa dã, tố đắc cá phạ ngạnh khi nhuyễn, khước nguyên lai dã giá bàn thuận thủy thôi thuyền!] (*)
(*) Khúc Cổn tú cầu của Quan Hán Khanh thời Nguyên. Mình không tìm được bản dịch.
- Bé ăn mày, cô biết bộ Hình nghiêm hình tra khảo, hỏi cha tôi chuyện gì không?
- Hỏi cha tôi tại sao lại nặn bánh dày tròn như vậy? Ha ha ha, tại sao nặn bánh dày tròn như vậy?
Cậu vừa khóc vừa cười, đớn đau đến tự kéo tóc đấm ngực mình.
Tôi nhìn cậu đau khổ muốn chết, ấn cậu nằm xuống kéo cái chăn rách nát của tôi đắp kín cho cậu.
4.
Cậu chủ không nói gì suốt ba ngày trời. Lúc nhìn bức tường vàng đối diện giường khóc gào không thôi, khóc mệt thì lại lặng lẽ rơi nước mắt.
Suốt ba ngày, cậu chỉ húp hai bát nước cơm loãng.
Cha tôi chép miệng lắc đầu:
- Đứa bé này quyết tâm muốn chết, sợ không nuôi nổi.
Tôi nghe nói người ta chết dễ lắm. Một đoạn dây thừng, một cái kéo sắc, hoặc cắn lưỡi một cái là đi rồi. Mấy hôm đó tôi không dám chợp mắt, mỗi ngày đều lắc người cậu chủ, xem cậu còn thở không.
- Bé ăn mày, cô làm gì vậy?
Cậu đói bụng, hơi thở mỏng manh nhưng vẫn thông minh đoán được tôi nghĩ gì, cười thảm nói:
- Hài cốt cha mẹ, anh chị tôi còn ở bãi tha ma chờ tôi đi nhặt, sao tôi dám chết?
Cậu chủ nhỏ chống mình ngồi dậy, đau run cả người, còn chắp tay vái lạy tôi.
Cậu hỏi tôi:
- Xin hỏi ân nhân tên gì?
Cậu chủ nhỏ hỏi tên của tôi?
Tim tôi đập bình bịch, vội phủi bụi trên người, đứng thẳng lên.
- Tôi… tôi là Đậu Hũ.
- Đậu Hũ…
Tôi cười hì hì:
- Cha tôi nói ông là người nghèo kiết xác không mua nổi gà, không ăn nổi cá, thích nhất là đậu hũ, ba văn một miếng to, trẻ con đang bú sữa cũng ăn được.
Đậu hũ là món ngon trong khu ổ chuột.
Cha tôi bảo tôi là báu vật ông tìm được trong khu ổ chuột.
Ngày chúng tôi chôn cất cho người nhà họ Trình, rốt cục cậu chủ nhỏ cũng có thêm hai phần sức sống.
Cậu bảo:
- Đậu Hũ đừng gọi tôi là cậu chủ nữa, tôi là con trai của tội dân, sợ mang phiền phức đến cho hai người, hãy gọi tên tôi thôi.
- Tên tôi là Lương Đình.
Tôi và cha nghệt mặt, bảo được thôi.
Về nhà, Lương Đình nhấc tay, viết một chữ lên tường.
Tôi cũng nhận ra chữ kia.
Đó là ngày đầu Lương Đình sống lại, cũng là ngày đầu cậu học làm ăn mày.
5.
Ở kinh thành có bao nhiêu ăn mày?
Hơn ba ngàn bảy trăm người.
Đây là bố cáo của quan phủ.
Nhưng cha tôi bảo không phải đâu. Ông kể trên đường vào kinh, ông gặp lưu dân từ Lưỡng Hồ, Lưỡng Quảng, Thiểm Tây, Hà Nam, ăn mày từ khắp nơi đổ đến kinh thành.
Hoàng gia chiếm ruộng quan, quan gia chiếm ruộng địa chủ, địa chủ không đóng nổi thuế đất, không đóng được tiền lao dịch của quan phủ, bách tính không muốn bị bắt đi sung quân nên đành bỏ trốn.
Lưu dân khắp thiên hạ đều muốn đến đô thành phồn hoa, đến dưới chân Thiên tử xin miếng cơm ăn.
Mặt trăng treo trên ngọn cây cao, Lương Đình ngơ ngác nhìn ăn mày ngủ đầy đất.
Những người kia mặc áo hở ngực, đi chân trần, còn có em bé chưa dứt sữa. Ai cũng da bọc xương, thương tích đầy mình, có mấy người trông khỏe mạnh cũng có vẻ ngây dại.
Tôi sợ cậu giật mình, vội kéo Lương Đình ngồi xuống.
- Ông chủ nhà này, mỗi mồng năm và mười sáu sẽ phát cháo. Cháo nhà ông ấy có bỏ gạo nên đặc lắm.
- Nhưng chỉ có hai ngồi lớn thôi, đến muộn sẽ không có.
Thời gian chờ hừng đông rất tẻ nhạt.
Đêm đó Lương Đình vẫn im lặng không nói gì, dựa vào thềm đá trước cửa phủ ngắm sao.
Tôi biết cậu nhớ cha mẹ.
- Đậu Hũ này, cô biết chữ không? - Cậu hỏi, - Cô thông minh lanh lợi, tìm một gia đình có tiểu thư làm hầu gái cũng được, sao lại đi làm ăn mày?
Cậu khen làm tôi đỏ mặt, gãi lỗ tai.
- Cậu chủ nói đùa, tôi không biết chữ, lại là tiện tịch, làm gì được cơ chứ? Hầu gái của gia đình giàu có ai cũng sạch sẽ xinh xắn, còn phải biết chải đầu làm điểm tâm. Đứa chạy việc còn phải biết ăn nói, mở miệng có thể nói lời hay.
- Cha tôi bảo người không ruộng, không tiền còn mang tiện tịch chỉ làm ăn mày được thôi. Đi quen một đám ăn mày khác mới không bị ai bắt nạt. Con gái lại không dám ra khỏi nhà, ở đâu cũng có người xấu, phải cẩn thận kẻo bị bán vào kỹ viện.
- Tôi vẫn chờ đến khi mình mười bốn tuổi, xin vào lầu Thiên Hương làm việc. Tiểu nhị lầu Thiên Hương phải mười bốn tuổi trở lên, chỉ còn hai tháng nữa.
Lương Đình nhắm mắt, để hờ tay lên cổ tay tôi.
- Được mà, cô tính tình lương thiện, là đứa trẻ ngoan, sẽ không khó vậy đâu.
Nhắc đến cũng lạ, rõ ràng cậu nhỏ hơn tôi một tuổi, mở miệng ra lại có phong phạm người đọc sách.
Sáng sớm, lều cháo vừa mở, mười mấy ăn mày tranh nhau xông vào, làm cả nhà người phát cháo giật bắn mình, bảo sao hai năm nay nạn dân ngày một đông thế này.
Bát cháo kia quá nóng, Lương Đình cầm cũng không cầm nổi, học người khác ghé miệng húp xì xụp, nhịn nóng cố nuốt xuống.
Mùa đông năm đó rất lạnh, cái tay gãy của Lương Đình đau đến chết đi sống lại, tuyết vừa rơi một cái cả người cậu phát sốt, nóng bừng bừng như hòn than.
Tôi lục gầm giường kiếm được nửa lượng bạc, cõng cậu chạy đi tìm thầy thuốc ở Nhân Tâm đường. Thầy thuốc chỉ bảo tôi chuẩn bị quan tài đi, vết thương đã thành mủ độc, muốn trị khỏi phải có hai vị thuốc quý, giá đến hai mươi lạng bạc.
Tôi ngồi co quắp trên tuyết, kêu trời không thấu, kêu đất không hay.
Lương Đình nằm trên lưng tôi còn cười được.
- Đậu Hũ, cô cứu tôi đúng là lỗ vốn. Chờ tôi chết rồi, cô cũng chôn tôi trên núi nhé, để tôi và người nhà được chôn cùng chỗ. Tôi xuống dưới đất, xin công đức cho cô và chú, phù hộ cô sớm phát tài.
Tôi giận run cả người, trở tay tát cho cậu một cái, lần đầu to tiếng mắng:
- Chết gì mà chết! Lúc nào cũng chỉ muốn chết, sao không nghĩ phải sống thế nào hả!
- Cậu xem người trên đường này, có ai không khổ hơn cậu? Người số khổ trên đời đông như kiến, làm gì có ai mỗi ngày đều muốn chết! Ăn xin, làm xiếc, dọn phân, có ai không cắn răng nhịn nhục sống tiếp chứ?
- Người ta bảo ăn một miếng cơm, báo đáp cả đời. Tôi ăn hơn ngàn miếng cơm nhà cậu, còn lớn hơn cậu một tuổi, cậu không chê thì cứ gọi tôi một tiếng chị.
- Có khó có khổ hơn nữa, chị cũng chữa được tay cho em mà.
Nước mắt nóng bỏng của cậu chảy lên cổ tôi, nhưng Lương Đình không gọi tôi.
Tôi ngoái lại nhìn, cậu đã sốt đến ngất đi rồi.