Nhuyễn Ngọc

Chương 2:




[Phần 2/4]
6.
Một đứa con gái mười bốn tuổi, muốn kiếm tiền nhanh thì làm gì?
Tôi biết.
Một buổi sáng sớm, tôi giấu cha tôi ra ngoài, vốc hai nắm tuyết lạnh rửa mặt đến trắng bệch, lại cắn môi cho ra màu hồng. Mang bộ dạng đó quyết tâm chạy đến tửu hạng.
Tửu hạng, là một con ngõ chuyên bán rượu ở thành Tây.
Mùa đông khắc nghiệt, rượu bán cực đắt hàng. Triều đình vì lấy thuế rượu mà khuyến khích các quán rượu thuê các cô gái xinh đẹp làm tửu kỹ (*). Tuy gọi là làm kỹ nhưng không cần bán thân, chỉ cần tươi cười đứng trước cửa đón khách là được.
(*) Nghe mô tả thì nghề này giống tiếp viên và tay vịn trong mấy quán rượu ở nước mình. Nhưng dùng từ tay vịn hay gì đấy thì hiện đại quá nên mình để nguyên nha.
Một con ngõ mười mấy tiệm rượu mà không ai chịu thuê tôi, họ nhìn tôi cười phá lên, khoát tay nói:
- Đứa ăn xin từ đâu ra thì về chỗ đó. Lông còn chưa mọc đã đòi đi tiếp khách à?
Tôi bảo mấy người đừng coi thường tôi, tôi biết làm!
Các chưởng quỹ đều biết tôi chỉ mạnh miệng.
Chỉ có vợ của chưởng quỹ Túy Hoa trai đang rảnh tay trang điểm đồng ý nói chuyện với tôi vài câu.
Cô ấy đẹp lắm, cười khanh khách nhìn tôi từ trên xuống dưới một lần, cho tôi một cơ hội.
Cô ấy nói:
- Trên đường nhiều sâu rượu, nếu mày dẫn được một người vào cửa thì tao thuê.
Tôi vội vàng gật đầu nói được thôi.
Nhưng sáng sớm, đám sâu rượu kia đã say sưa suốt một đêm, đến giờ còn loạng choạng chưa tỉnh rượu, ai còn muốn vào quán rượu nữa?
Tôi cười cứng cả mặt, nói cười ríu rít, thậm chí còn kéo lỏng cổ áo ra cũng không mời được ai.
Tôi sốt ruột suýt khóc.
Bỗng đầu óc nhảy số.
Tôi kéo một anh trai quen mặt, nói:
- Anh này, theo em vào đây, đi ngắm một vòng, chưởng quỹ cho chúng ta ba mươi văn tiền!
Anh trai đó đần độn ngơ ngác, bị tôi níu áo kéo vào trong.
Vợ chưởng quỹ ôm bụng cười, vừa cười vừa đập bàn.
- Hóa ra là cô nhóc tinh ranh, xem cái đầu láu cá này, được rồi được rồi, tao phá lệ nhận mày vậy.
Cô ấy trả ba mươi văn tiền, lại lấy khăn lau mặt cho tôi, cẩn thận nhìn lại một lần mới thấy hơi thỏa mãn.
- Tao theo họ chồng, về sau cứ gọi cô Liễu là được.
Cô Liễu lấy tờ ngân phiếu trong hộp ra, đóng thêm một dấu triện đỏ tươi.
Tôi nhớ mãi bệnh của Lương Đình, muốn nhét tờ ngân phiếu vào ngực áo.
Cô Liễu giữ chặt tờ ngân phiếu, đôi mắt đẹp hơi nhếch lên:
- Nhớ kỹ, nhận hai mươi lạng bạc này rồi, mày là đứa ở nhà tao, dám chạy tao sẽ cáo quan đấy.
7.
Tôi cầm ngân phiếu hai mươi lạng bạc chạy về nhà, không dám nhìn cha mà cõng Lương Đình chạy thẳng đến y quán.
Tay của cha đuổi không kịp chân của tôi.
Mắt thấy cha sốt ruột bò tới đầu phố, tôi vội dập đầu với thầy thuốc, nói:
- Nhờ ông chữa khỏi cho em cháu.
Sau đó bỏ chạy.
Cha tôi đã kết bái anh em với thủ lĩnh ăn mày của con phố này, chỉ cần đưa tiền đúng chỗ, y quán sẽ không dám bắt nạt Lương Đình.
Tôi chạy về Túy Hoa trai.
Cô Liễu cho tôi ăn no, lại gọi người đến lấy ba bồn nước nóng tắm rửa cho tôi sạch sẽ. Tôi thay quần áo cũ của cô ấy, tai đeo khuyên bạc, đứng hát trước cửa quán rượu.
Hát câu: “Tửu nhi thuần, phạn nhi hương, môn tiền hảo nhất cá mỹ kiều nương; nhãn nhi mị, thân đoạn nhi tiếu, bão tha tiến ốc thân hương thân hương.” (*)
(*) Bài hát nguyên gốc, mình không biết edit thế nào.
Tôi vừa hát vừa khóc.
Mặt cô Liễu tắt nụ cười, cầm cành liễu đánh vào lòng bàn tay của tôi.
- Khóc cái gì mà khóc, xúi quẩy! Làm hỏng chuyện làm ăn của bà, bà lột quần áo bán mày sang ngõ kỹ nữ bên cạnh bây giờ!
Tôi không dám khóc nữa.
Làm tửu kỹ rất khổ, ban ngày nghỉ bán cũng may, ban đêm phải làm việc từ lúc lên đèn đế tận canh ba mới nghỉ.
Mỗi quán rượu đều nuôi năm, sáu đứa tửu kỹ, đứa nào có tư sắc còn có thể vào nghỉ chân ngồi uống chén trà, nếu được khách mời điểm danh tiếp rượu còn kiếm được thêm mấy đồng tiền.
Tôi là người mới, đương nhiên phải làm những công việc nặng nhọc nhất, thấy trên đường có người qua lại là phải vừa hát vừa vẫy tay mời, cả ngõ toàn mùi rượu hun làm tôi buồn nôn.
Nhưng chỗ này bao ăn bao ở, ráng chịu cũng không đến nỗi nào.
Tôi chỉ rất nhớ cha, rất nhớ cậu chủ nhỏ.
Không biết tay của cậu đã lành chưa.
Tôi cứ sống ngơ ngẩn như vậy, qua mười mấy ngày đã biến thành rối gỗ chỉ biết cười.
Hôm ấy có khách sộp điểm danh tôi vào tiếp rượu, tôi đã uống rượu bao giờ đâu, vừa uống được hai ngụm là đã ôm miệng chạy đi nôn rồi.
Đúng lúc này, tôi gặp cậu chủ nhỏ.
Cậu được một chiếc xe la chở tới, trên người còn cuốn cái chăn rách của tôi, đang nhìn tôi chằm chằm.
Tôi chưa từng thấy Lương Đình tuyệt vọng như vậy.
Ánh sáng trong mắt cậu vỡ nát.
Cha tôi cũng ở ngay cạnh, người trong Tửu hạng đều đang cười bọn họ. Tôi sợ họ lạnh nên vội kéo họ vào nhà sau ngồi.
Mặt Lương Đình trắng bệch vì đau nhưng vẫn nắm chặt tay tôi không buông.
- Đậu Hũ, theo tôi về nhà, tôi không chữa tay nữa.
Tôi cười gượng:
- Tôi không về đâu, ở đây kiếm được nhiều tiền.
Cậu nghiến răng:
- Bé ăn mày ngốc, cô có biết tửu kỹ là kỹ nữ không hả?
Tôi vội lắc đầu, nói không phải. Tôi giải thích rằng tửu kỹ không cần bán thân, quá lắm đi tiếp rượu cho khách bị sờ ngực sờ đùi vài lần thôi, cuối tháng còn được ăn thịt mỡ.
- Tôi làm tửu kỹ, cả nhà không phải ăn đói mặc rách nữa, có thể góp tiền trị tay cho Lương Đình.
Cha tôi ghét nhất là kỹ nữ, vừa vào nhà đã nhảy lên tát tôi một cái, tức đến suýt ói máu:
- Bị sờ ngực sờ đùi, không phải kỹ nữ thì là cái gì! Tao dạy mày thế à? Nói đi là đi không nhắn lại câu nào! Tao bò khắp kinh thành tìm mày, mày lại ở đây làm kỹ nữ!
- Chú! Chú đừng đánh Đậu Hũ!
Lương Đình quát lên rồi mềm giọng:
- Chú ra ngoài chờ cháu một lát, để cháu khuyên Đậu Hũ.
Nhưng cậu không khuyên tôi.
Cha tôi vừa đi, Lương Đình nhấc chiếc đũa đồng, ra sức đâm vào tay trái của mình.
May mà tiểu nhị bưng rượu nhanh tay, hét lên đánh trật cái đũa đi, nên đầu đũa chỉ nện vào lòng bàn tay.
Tôi hoảng hốt, òa khóc ôm lấy tay của cậu.
Lương Đình đau run cả người, run rẩy nói với tôi:
- Đậu Hũ, cô đừng cử động, tôi không đau. Nhưng nếu cô làm ở đây, tôi thà phế luôn cái tay này.
- Hừ!
Vợ chưởng quỹ sợ chuyện không may, lườm ta một cái:
- Lúc bán mình thì nói hay lắm, cầm tiền thì là người của tao, tiền vốn chưa kiếm về được đã muốn chạy, làm gì có chuyện đó?
Lương Đình đứng lên thi lễ với cô ấy.
- Dì Liễu, hẳn dì nhận ra tôi là ai. Tôi là cậu chủ của lầu Thiên Hương, trước đây nhà dì có cung cấp rượu cho nhà tôi.
Cô Liễu giật mình, ngớ người không biết hành lễ thế nào, lúng túng nói:
- Thì ra là cậu chủ Trình.
Lương Đình nói:
- Dì biết lạc đà gầy vẫn hơn ngựa béo, bây giờ tôi gặp khó nhưng sẽ không sa sút mãi. Tiền bán mình của Đậu Hũ là hai mươi lạng, tôi đã dùng mất năm lạng, còn mười lăm lạng này xin trả cho dì. Số còn lại chờ đến tháng ba, tôi hứa sẽ trả lại đầy đủ, còn có thể chỉ cho dì cách để cửa hàng buôn bán phát đạt hơn.
Rõ ràng cậu mặc quần áo rách rưới, nhưng lời nói lại vững vàng, cực kỳ đáng tin.
Đêm tuyết đó, tôi cởi váy đẹp, mặc lại áo rách.
Nước mắt cứ rơi mãi, nhưng khóe miệng lại không hạ xuống được.
Lương Đình nắm tay tôi, đỡ vai cha tôi, đi từng bước về nhà.
Cậu nói rằng:
- Đậu Hũ, cách sống tạm trên đời có nhiều, cùng đường bí lối lắm mới làm nô làm kỹ. Con đường đó vào được không ra được, ra được cũng không còn là mình nữa.
- Chúng ta, cùng đi kiếm đồng tiền sạch sẽ.
8.
- Những ngày qua tôi vẫn đang nghĩ, nhà nghèo sẽ chịu bỏ tiền mua món gì? Bánh màn thầu, bánh nướng ăn được no. Mỳ vằn thắn có nước canh ăn ấm bụng. Nhưng ai cũng biết hấp màn thầu, bánh nướng thì phải có lò nướng, làm mì thì cần sức, cả ba món này đều không hợp với chúng ta.
- Chúng ta có thể mở một sạp bán vằn thắn, vằn thắn gói trước, chỉ cần luộc lên là bán được rồi.
Tôi và cha đần mặt nghe, mắt to trừng mắt nhỏ.
Mở sạp vằn thắn? Sao Lương Đình nghĩ ra được nhỉ?
Loại người nào mở được sạp vằn thắn? Phải là người đàng hoàng, hoặc trong nhà có tiền hoặc nhàn rỗi, còn phải có tay nghề mới được, làm gì có chuyện ăn mày đi buôn bán?
Lại nói bọn tôi nghèo rớt mồng tơi, lấy đâu ra tiền mở sạp?
Tôi và cha mồm năm miệng mười quấn lấy Lương Đình hỏi liên tục.
Kế hoạch của cậu rất rõ ràng, kiên nhẫn giải thích cho cha con tôi cả buổi trưa. Tôi và cha càng nghe, mắt càng sáng lên, làm ấm người xong liền chạy đi chuẩn bị.
Mở một sạp vằn thắn cần bao nhiêu tiền vốn?
Ba mươi văn.
Tôi mua một xấp giấy đỏ, một thỏi mực, tìm cái đĩa mẻ để mài mực.
Tất cả chỗ này tốn ba mươi văn tiền.
Chúng tôi nhân lúc đêm tối trèo vào lầu Thiên Hương, trộm một cái nồi sắt, dầu muối tương dấm, bát đĩa đũa thìa, tạp dề và khăn đội đầu.
Cha tôi sang nhà hàng xóm mượn chiếc xe đẩy, còn dỡ cánh cửa gỗ trong căn nhà hoang ở cuối hẻm đục mài đẽo gọt thành mặt quầy chế biến và thớt.
Thế là một sạp vằn thắn chi phí thấp, có thể khai trương bất cứ lúc nào đã hoàn thành rồi.
Lúc lấy tên cho sạp hàng, ba người mỗi người một ý.
Cha tôi muốn đặt là sạp Cát Tường, ngụ ý may mắn.
Tôi muốn đặt là sạp Phát Tài, mong chúng tôi sớm ngày giàu to.
Lương Đình khẽ mỉm cười, không dùng bút lông mà dùng ngón tay trỏ, viết xuống ba chữ sạp Người Buồn.
- Sạp Người Buồn, sạp Người Buồn, năm văn tiền một bát to, chỉ nuôi người khốn khổ.
9.
Lương Đình không do dự chọn điểm bày sạp đầu tiên là trước cổng thành Tây.
Canh ba chúng tôi làm hàng, đẩy xe đi một canh giờ, đến nơi kịp giờ mở cửa thành.
Bên ngoài có nhiều thương khách, còn có rất nhiều nông dân gánh rau vào thành.
Cha tôi nhóm lửa canh bếp, tôi cán bột gói vằn thắn, Lương Đình đỏ mặt luyện rao hàng. Đến lúc mẻ vằn thắn đầu tiên nấu xong, quan sai cũng cho phép đợt người đầu tiên vào thành.
Lúc đó, trên đường mì vằn thắn bán tám văn một bát, bánh nướng ba văn một cái, canh vằn thắn của chúng tôi chỉ năm văn tiền.
Thật ra nhân vằn thắn cũng chẳng có mấy thịt đâu. Thịt heo đắt lắm, vào mùa đông giá còn tăng cao cơ, thịt ba chỉ thượng hạng tốn đến tám mươi văn một cân.
Nhưng xương sụn và nội tạng thì rẻ, thịt gà cũng rẻ, phối hợp với hạt dẻ nước xắt nhỏ làm nhân, gói lại cũng thành vằn thắn ngon. Nước dùng được nấu từ xương gà và hai thìa mỡ lợn, thơm thôi rồi luôn.
Tôi và cha tiếc của lắm. Ai lại dùng xương sườn, mỡ heo và xương gà nấu canh bao giờ? Trên xương sườn dính rất nhiều thịt, khi không lãng phí thêm tiền.
Lương Đình lại nói:
- Món canh ấy à, ngon ở ba cái, bảy phần canh. Mỡ heo thêm ngậy, canh gà thêm mùi, xương sườn giá rẻ, mỗi bát bỏ một miếng, khách ăn mới thích.
Tôi và cha không cãi được, hai mắt nhìn chằm chằm vào nồi canh ninh sườn đã chuyển màu trắng sữa, ngửi hương canh thơm mà nuốt nước bọt ừng ực.
Lương Đình chưa đi bán hàng bao giờ, cậu xấu hổ, lời rao cũng hơi văn hoa.
Mấy người ra vào thành giờ này đa số học vấn thấp, làm gì có ai hiểu lời văn hoa.
Tôi vừa gói vằn thắn, vừa dạy cậu rao:
- Canh vằn thắn đây! Canh vằn thắn năm văn một bát! Vằn thắn vừa to vừa thơm ăn một bát là no đây!
Ven đường có mấy tay khuân vác để ý đến.
Sạp hàng của chúng tôi đã khai trương như vậy.
Lương Đình là người gãy tay, cha tôi thì không có chân, chỉ có tôi khỏe mạnh lành lặn, mồm miệng lanh lợi.
Khách hàng thương hại hỏi:
- Cô bé này cũng khó khăn, hai người này là ai vậy?
Tôi chỉ về phía cha:
- Đây là cha tôi.
Lại chỉ về phía Lương Đình:
- Đây là em trai tôi.
Lương Đình chỉ nhìn tôi một cái, im lặng thả vằn thắn vào nồi, cầm muôi khuấy nước canh gợn sóng lăn tay.
10.
Tháng đó, chúng tôi lãi được ba lạng bạc.
Tôi và cha tôi sướng phát điên.
Hai người chúng tôi không biết tính, phải đếm từng đồng một, đến hơn nửa canh giờ mới đếm xong.
Có một số tiền lớn thế làm bọn tôi ngủ không yên, tôi và cha lục tung cả căn phòng xập xệ lên để tìm chỗ giấu.
Lương Đình ngả người trên chiếc gối rách, mỉm cười nhìn chúng tôi.
- Chú, Đậu Hũ này, tiền kiếm được không nên giấu, phải nghĩ cách để kiếm được nhiều hơn, để cuộc sống tốt hơn chứ.
Tôi và cha gật đầu lia lịa, nghiễm nhiên đã coi cậu là trụ cột.
Sáng hôm sau, cả nhà chúng tôi bỏ ra ba mươi văn tiền, mang theo đồ đạc vào nhà tắm để tắm rửa sạch sẽ.
Lương Đình và cha tôi vào phòng tắm nam, một mình tôi ở bên phòng tắm nữ. Tôi phải thay đến hai người hỗ trợ mới kỳ sạch được ghét bẩn trên người.
Tắm xong thực sự rất thoải mái, toàn thân như trút đi được hai cân thịt, sau lưng không thấy ngứa, tóc cũng được chải gọn gàng, dễ chịu đến mức tôi tưởng mình đã bay lên rồi.
Lương Đình cầm tiền mua cho cha tôi một cặp bảo vệ đùi, một bộ lót vai, cha tôi mừng húm như nhặt được vàng.
Cậu còn mua tôi một hũ kem bôi trị nẻ, lớp cao trắng mềm, thơm thơm được nén chặt trong hũ.
Tay tôi đầy vết nứt nẻ chai sạn, cực kỳ xấu xí, tôi ngại không dám để Lương Đình thấy. Tôi dùng ngón tay lấy một ít thuốc, cẩn thận bôi lên mu bàn tay cậu.
- Đồ đắt thế này, tôi sao xứng dùng? Cậu chủ bôi đi.
Vẻ mặt của Lương Đình trầm xuống, có vẻ rất buồn.
Cậu nắm chặt tay tôi, lấy ra đến một phần ba hũ thuốc, nắm tay hòa tan thuốc rồi nhẹ nhàng bôi lên tay tôi.
- Cái này không đắt, dù có thì cô cũng xứng mà.
Trước giờ tôi không biết, hóa ra ngôn từ có thể đẹp như vậy.
Cậu nói:
- Đậu Hũ, cô xứng với những điều tốt đẹp nhất.
Xưa nay tôi cũng không biết, có em trai lại hạnh phúc đến vậy. Trước đây tôi chỉ có cha, bây giờ có thêm Lương Đình, chỉ muốn móc tim móc phổi đối xử chân thành với cậu, trăng sao trên trời cũng muốn hái xuống cho cậu chơi.
Tôi tách khỏi Lương Đình, cùng cha đưa số tiền còn lại cho y quán.
Tay của Lương Đình vẫn phải trị chứ, cậu tài ba như vậy, tuyệt đối không thể thành người tàn phế.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.