Ở Rể (Chuế Tế)

Chương 161: Huyết mạch




Chu Bội gần đây đang lo sốt vó chuyện mình trưởng thành.
Là tiểu quận chúa trong Khang vương phủ, năm ngoái nàng mười ba tuổi, năm nay đã lên mười bốn. Mười bốn tuổi không được coi là lớn, nhưng đối với con gái mà nói, có một số thứ đã thể hiện rõ ràng, điều khiến Chu Bội lo lắng nhất là mới qua tết, phụ vương đã sốt ruột muốn kiếm cho nàng một phò mã. Có một lần đã hỏi dò nàng, gần đây ở Giang Ninh có thanh niên là nhân tài kiệt xuất nào không, điều này khiến nàng cảm thấy hơi khổ não.
Thực ra cũng không phải nàng bài xích chuyện thành thân. Với thân phận quận chúa, từ nhỏ nàng đã được giáo dục vô cùng chu đáo, nào là “nữ giới”, “nữ huấn”, tam tòng tứ đức, tất cả đã học thuộc làu. Là một cô gái, nhất là cô gái của hoàng thất, nói từ nhỏ đã được giáo dục thành một người vợ hợp cách cũng không quá.
Mà thường là ở những môi trường tốt, không phải lo lắng, người được đào tạo thường không thích và có những hành động trái ngược với giáo dục, ở phương diện này, tính tình Chu Bội tương đối thuần nhưng cũng không có mong chờ gì ở việc hôn nhân. Phò mã tương lai như thế nào, cảm giác thành thân với một nam tử khác ra sao, trở thành vợ rồi phải làm gì, chỉ cần nghĩ thôi nàng cũng đã thấy mặt đỏ chân run. Ngoài vấn đề này, nàng nhận ra, tất cả đã chuẩn bị sẵn chỉ để cho nàng làm một cô gái.
Chu Bội không hợp với khái niệm "Con gái không tài mới là đức", nàng có thiên phú hơn người, có trí tuệ mẫn tiệp. Đương nhiên, đây không phải là một lời nhận định giả dối, con gái thông minh có thể chấp chưởng một gia đình, con gái ngốc thì phải chịu nhiều thua thiệt, tiểu Chu Bội từ nhỏ đã ở trong vương phủ, gặp nhiều cô gái ngốc, cho nên nàng quyết tâm không giống như họ.
Từ nhỏ tới lớn nàng có rất nhiều thầy, nhưng người quan trọng nhất lại là phò mã - Khang gia gia, lão gia tử là một người nghiêm khắc, có ảnh hưởng lớn tới nàng. Từ nhỏ, Khang gia gia đã dạy nàng và em trai phải làm thế nào mang lại vinh dự cho hoàng tộc họ Chu, mang tới cho nàng lý tưởng thánh kế tuyệt học, thái bình muôn thuở, thậm chí còn dạy đệ đệ Chu Quân Võ làm hoàng tộc như thế nào. Căn cứ vào những gì đã được dạy, nàng tự nhiên sẽ nhận mình cũng có sứ mệnh như vậy, một ví dụ rõ như ban ngày chính là hoàng cô nãi nãi và phò mã gia gia kinh doanh rất lớn, ngầm ủng hộ hoạt động của triều đình ở phía nam, ví dụ này rất có lực thuyết phục và lực ảnh hưởng.
Khang Hiền và mấy ông bạn già làm gương tốt, “hữu giáo vô loại” (1), kết quả cô tiểu quận chúa thông minh hiếu học, hiểu chuyện tương đối sớm bị nhiễm rất nặng tư tưởng này, từ nhỏ đã lập nhiều chí hướng, nhân đó đốc thúc em trai mình. Mặc dù nói hoàng gia quản đám hoàng thân quốc thích tương đối nghiêm, nhưng trong lòng nàng vẫn mang tư tưởng báo quốc, giống như hoàng cô nãi nãi và phò mã gia gia vậy, chỉ cần có nguyện vọng là kiểu gì bản thân cũng có cách vì nước giúp sức. Chị gái thì có trái tim kiên cường như vậy, còn em trai là Tiểu Quân Võ thì ngược lại, khá an nhàn thụ hưởng.
(1): Hữu giáo vô loại xuất phát từ Luận ngữ, nghĩa là ai cũng có quyền được giáo dục, không phân biệt giàu nghèo, ngu dốt, thiện ác.
Hai chị em sống trong loại tư tưởng này nên phụ vương họ mới buông tay đẩy sang cho Khang Hiền quản giáo. Chu Bội có trái tim đầy nhiệt huyết nhưng em trai lại ngược lại, luôn tuân theo nguyên tắc “Thượng thiện nhược thủy” (2), không có gì tiến bộ. Thành tích đọc sách coi như tàm tạm, đôi khi vẫn còn mơ hồ không hiểu, nếu mà thấy chị gái nói vì nước quên mình, tiểu tử kia nhất định sẽ trợn mắt, vô cùng kinh ngạc.
(2): Thượng thiện nhược thủy, một câu đa nghĩa, phần này mình nghĩ sẽ ở trong Đạo Đức kinh, chương thứ 8. Người lương thiện sẽ như nước sông, nước sông có thể tưới nhuần mọi vật, không tranh chấp, gần với “Đạo”. Người lương thiện lòng dạ sẽ dễ bảo trì trầm tĩnh, giỏi về chân thành, yêu ghét rõ ràng, vô tư vô lự, giỏi về giữ chữ tín, do đó sẽ thâm sâu khôn lường, có thể trị quốc, có thể xử sự, khi hành động là nắm chắc thời cơ. Người lương thiện vì không tranh giành dang tiếng, quyền lợi nên không có mất mát, hối tiếc, cũng không có oán cừu.
Mà chuyện cũng rất rõ, quốc gia sẽ không để họ hi sinh thân mình, phụ vương họ cả ngày chỉ biết trông chó đá gà, triều đình lại đặt ra bao nhiêu quy định hạn chế việc hoàng thân quốc thích tham chính, bọn họ từ nhỏ đã không có cách nào làm quan tòng quân. Tiểu Quân Võ cũng biết việc này, chỉ là trong lòng Chu Bội mang tâm lý có quyết tâm tất thành, từ nhỏ nàng lại là người quản lý cậu em trai, tuy không biết tình hình thế sự lúc này thế nào, thời cuộc thiên hạ ra sao, nhưng luôn cảm thấy đấy là chuyện mình phải làm, tối thiểu cũng phải đốc thúc em trai mình lập chí lớn, dù sao nó cũng là một nam tử. Mấy năm gần đây không thấy cậu em có thành tích gì, Chu Bội rất sốt ruột, nhưng dù sao em trai mình cũng chỉ mới 11 tuổi, thời gian còn dài cho nên cứ tạm thời để vậy đã. Thế nhưng thời gian này không vội không được nữa rồi.
Việc thành thân là việc mà con gái có trốn cũng không thoát được, khi phụ thân nói chuyện, nàng chẳng những tim đập chân run, trong lòng thấp thỏm bất an, mà còn phát hiện, một khi thành thân thì nàng chỉ có thể làm một người đàn bà thực sự, quản lý gia đình, giúp chồng dạy con, có hoài bão lớn cũng không được phép. Những chuyện kiểu như hoàng cô nãi nãi và phò mã gia gia rất ít, phò mã của nàng sẽ như thế nào còn khó nói, mà phò mã cũng chỉ là ở rể, một khi có người làm phò mã, kiểu gì thiên hạ cũng nói “oai qua liệt tảo” (3).
(3) Oai Qua Liệt Tảo: Thành ngữ, chỉ bề ngoài xấu xí nhưng bên trong lại ngon ngọt lạ thường. Ở đây muốn ám chỉ ở rể ăn bám.
Nói chung, trước đây nàng cứ suy nghĩ xem thành thân thế nào, giờ đây nó đã kéo đến, phải đối mặt.
Em trai nàng hình như cũng có hứng thú, nhưng đáng tiếc không phải những thứ có liên quan tới sự dạy dỗ và mối quan hệ trước đây, mà tất cả tới từ tên Ninh Nghị "mọi rợ" . Hiện giờ Ninh Nghị là sư phụ của nàng, gọi hắn là mọi rợ đúng là có chút bất kính, nhưng do dùng mãi thành quen, giờ chỉ còn cách cứ dùng vậy.
Sư phụ nàng được gọi là Giang Ninh đệ nhất tài tử, danh này không phải do mua mà có, tài học cũng không thể chê được, là nhân tài trong khi mới 20 tuổi. Nhưng có một điểm mà ông thầy này không đứng đắn, đó là giảng bài rất linh tinh, thái độ thì nhởn nhơ, đi dậy mà chẳng có phong thái của sư trưởng, vừa giảng bài vừa kể chuyện, khiến cho học trò bật cười, chẳng khác nào kể chuyện nơi quán trà, đường phố. Người này chẳng nghiêm túc giống phò mã gia gia chút nào, không hiểu sao hai người họ lại thành bạn bè mới lạ.
Thực ra nàng rất bội phục tài học của mọi rợ, mỗi khi nói đều khiến người khác giật mình, thậm chí có những chuyện do hắn nói ra sẽ khiến mọi người sợ hãi than không ngớt. Trước đó không lâu nàng đã nói ra suy nghĩ trong lòng, ở trên lớp học thuận miệng hỏi một câu: "Con người vì sao phải thành thân?" Con người phải thành thân, chuyện nối dõi tông đường là chuyện thiên kinh địa nghĩa, không cần phải bàn cãi, điều này có quan hệ tới đạo lý nhân luân đại đạo, ai cũng có thể nói, ai cũng phải thông, không hiểu vì sao nàng lại hỏi một câu như vậy.
Lúc đó Ninh Nghị đang giảng bài, tuổi của học trò không lớn, lại là thư viện của riêng Tô gia nên trong lớp học cũng có vài tiểu cô nương, tuổi tác của Chu Bội là lớn nhất. Nhưng một cô gái mà hỏi câu này cũng khiến người khác giật mình, lớp học lặng ngắt như tờ, đám con nít cũng đỏ mặt. Chỉ có Tiểu Quân Võ gật đầu:
"Đúng vậy, đúng vậy, tại sao lại như vậy, khiến cho con gái không thích, hay khóc..."
Tính cách của tiểu Quân Võ rất hiền lành, được anh chị em trong gia tộc rất yêu thích, hắn chỉ nói ra cảm giác của mình, nhưng nói ra khiến cho mấy cô bé của Tô gia mặt mày đen sì.
"Tôi ghét cậu!"
"Không chơi với ngươi."
Tiểu Quân Võ vội vã giải thích một phen, cảnh tượng trở nên hỗn loạn. Thực ra Chu Bội vừa buột miệng đã hối hận, nhưng không ngờ sau khi suy nghĩ một lúc, cách giải thích của Ninh Nghị lại khiến mọi người trợn mắt há mồm.
"Có một cách nói tương đối có ý nghĩa..."
Ninh Nghị cười, bắt đầu nói, trong phòng học liền yên tĩnh, mọi người dựng tai lắng nghe, Ninh Nghị chỉ chỉ Tiểu Quân Võ:
"Lấy Quân Võ làm ví dụ nhé, trò hiện là con trai độc nhất trong nhà, chỉ có một chị gái, không có anh em và chị em gì khác."
Quân Võ gật đầu.
"Như vậy tức là, phụ thân của trò muốn có con trai, ông nội, bà nội của trò cũng muốn sinh một người con trai, vậy con trai của ông nội, bà nội tức là phụ thân của trò, cụ của cậu cũng muốn có con trai, người này sẽ là ông nội của cậu, sau đó cứ thêm một đời, thêm một đời… kéo dài tới tận nghìn năm trước đây, các trò có biết chuyện này cần bao nhiêu may mắn không?"
Năng lực lý giải sự việc của bọn họ hơi kém, Ninh Nghị đợi trong một khoảng thời gian.
"Nếu chúng ta suy nghĩ thì sẽ thấy kỳ quái, thế nhưng, nếu như chúng ta muốn tiếp tục huyết mạch của ngàn năm trước, vậy cần phải làm gì. Quân Võ, trò phải thàn thân, hơn nữa phải sinh một cậu con trai."
Quân Võ đỏ mặt, bọn nhỏ bật cười.
"Con của trò cũng phải thành thân, chúng phải sinh một người con trai, cháu của trò cũng phải thành thân, cũng phải sinh một đứa chắt trai, chắt của trò... Nói chung là phụ thân trò thành thân, ông ấy sinh ra một người con trai, là cậu bây giờ. Chúng ta đều như vậy, huyết mạch được tồn tại từ mấy nghìn, năm mấy vạn năm trước, trải qua mấy trăm đời người, mỗi một đời họ phải có một người con trai..."
"Các trò nhìn Hoàng bá ở đầu phố, gia đình ông ấy không có con cái. Mà gần đây có một chuyện rất thương tâm, con trai độc nhất của Tề gia ra ngoài làm ăn, gặp phải bọn đạo tặc, bỏ mạng thân vong. Tiểu Thất, phụ thân trò cũng tới viếng mà, đúng không. Năm ngoái lũ lụt, rất nhiều người đã qua đời. Cuộc sống con người, phải mất mấy ngìn năm, mấy vạn năm mới truyền tới đây, ở trong khoảng thời gian này có vô số chuyện xảy ra, nếu như, bỗng nhiên có một thế hệ sinh ra toàn con gái, vậy thì sẽ không có các trò hiện giờ. Có lẽ, từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế tới nay, đa phần là loạn thế, thảm hoạ chiến tranh, thiên tai liên miên, việc không kịp có con con trai trước khi qua đời là điều có thể xảy ra..."
"Trong quá trình này, chỉ cần tổ tiên chúng ta không sinh con là dòng họ sẽ thất truyền, nhưng... tất cả đều sinh con trai, mấy nghìn cặp vợ chồng, tồn tại mấy nghìn năm, tất cả họ đều sinh con trai, hơn nữa con cái của họ cũng sinh con trai. Nếu tính huyết mạch của mẫu thân các trò, tức là ông ngoại, bà ngoại các trò sinh ra mẫu thân các trò… mỗi đời đều phải sinh ra một người con gái, con gái lại sinh ra cháu gái… nhưng làm gì có ai muốn sinh con gái đâu? Tất cả đều trọng nam khinh nữ..."
Ninh Nghị cười:
"Thực ra ai cũng biết chuyện này, nó là sự thật hiển nhiên, nhưng một khi suy nghĩ, mọi người sẽ thấy trải qua hàng nhìn năm, trải qua bao cuộc chiến tranh, bao nhiêu nguy hiểm, họ đều không muốn dòng họ của mình bị thất truyền, truyền tiếp, truyền tiếp, truyền mãi, truyền mãi... Cuối cùng mới truyền tới đời các trò, các trò có thấy trong sự việc này cần bao nhiêu may mắn không, để có các trò, tổ tiên phải trải qua ngàn vạn khổ hạnh mới duy trì nòi giống tới bây giờ, sau các trò, diễn tiếp mấy ngàn vạn năm nữa, các trò hay con cháu các trò cũng không muốn dòng họ mình bị thất truyền..."
Tất cả hài tử trên lớp đều ngây người, có người hiểu, có người không hiểu, có người cũng chỉ hiểu một chút. Chu Bội thì hiểu, từ nhỏ nàng đã nghe phò mã gia gia nói tới chuyện này, cũng đã xem khá nhiều văn thơ tuyển truyện, cũng hiểu một số thứ như khái niệm quốc gia, trưởng thành, con đường tơ lụa, thế nhưng, thứ nàng thích nhất là “Đằng vương các tự”, “Mộng Du Thiên Mỗ Ngâm Lưu Biệt” (4), nhưng tất cả đạo lý trong đó đều thua kém ngày hôm nay.
4.1. Đằng vương các tự, bài tự về gác Đằng Vương, có tên đầy đủ là “Mùa thu tới Hồng phủ Đằng vương các dự tiệc”, là văn biền ngẫu, do Vương Bột của triều Đường làm. Đằng vương các nằm bên bờ sông Cán Giang, thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây. Con vua Đường cao tổ là Nguyên Anh được phong là Đằng vương, xây cất gác này khi nhận chức thứ sử tại Hồng châu. Năm Hàm Thuần thứ hai, thứ sử Hồng châu là Diêm Bá Tự mở đại yến ở đây, sai con rể là Ngô Tử Chương chuẩn bị trước một bài tự để mang ra khoe với tân khách. Trong bữa tiệc, họ Diêm sai đem giấy bút ra mời khách làm văn, nhưng không ai dám nhận. Duy có Vương Bột không từ chối. Họ Diêm sai người ngó bài của Vương Bột. Khi được nghe đến câu "Lạc hà dữ cô vụ tề phi" thì thán phục, khen là thiên tài, bèn thỉnh cầu Vương Bột tiếp tục hoàn thành bài tự.
4.2. Mộng Du Thiên Mỗ Ngâm Lưu Biệt, có tên khác là “Biệt Đông Lỗ Gia công”, nghĩa là “Mơ đi chơi núi Thiên Mụ, làm thơ để lại lúc từ biệt”, là bài thơ thất ngôn của Lý Bạch, thuộc thể loại du tiên. Nội dung phong phú khúc chiết, cảnh tượng huy hoàng dẹp đẽ, mang màu sắc của chủ nghĩa lãng mạn.
Nàng hầu như có thể cảm nhận từ mấy ngàn năm trước, không, phải nói là từ khi thiên địa mới hình thành, nhân loại đã bắt đầu chèo chống vật lộn qua khó khăn để duy trì huyết mạch, kéo dài hàng nghìn năm không đứt đoạn.
Có thể thoải mái nói ra chuyện này, ông thầy của mình… quả nhiên là lợi hại hơn so với rất nhiều người khác.
Nhưng cái khác là, hắn kể chuyện chẳng có một chút từ ngữ bóng bẩy, trau chuốt nào cả, điều này khiến cho nàng cảm thấy hận. Sao hắn có thể như vậy?
------------------------------
Trích
:
Bài tự về gác Đằng Vương
(Đây là) quận cũ Nam Xương; phủ mới Hồng Đô.
Sao chia ngôi Dực, ngôi Chẩn; đất nối núi Hành, núi Lư.
Như cổ áo của ba sông, vòng đai của năm hồ; khuất phục đất Man Kinh, tiếp dẫn miền Âu Việt.
Vẻ rực rỡ của vật chính là đồ quý báu của trời; ánh sáng vằn rồng chiếu lên khu vực sao Đẩu sao Ngưu.
Bậc hào kiệt nơi người do khí linh tú của đất mà có; nhà cao sĩ Từ Trĩ hạ chiếc giường treo của Trần Phồn.
Chốn hùng châu như sương mù giải giăng; nguời anh tuấn như ngôi sao rong ruổi.
Đài, hào nằm gối lên giao giới vùng Di, Hạ; khách, chủ đều là những vẻ đẹp miền đông, nam.
Tiếng tăm tốt của đô đốc Diêm Bá Tự cùng với những khải kích đi đến miền xa.
Quan thái thú Vũ Văn Quân, là mô phạm của châu mới, tạm dừng xe tại chốn này.
Mười tuần nhàn rỗi, bạn tốt như mây.
Ngàn dặm đón chào, bạn hiền đầy chỗ.
Giao long vượt cao, phụng hoàng nổi dậy, đó là tài hoa của Mạnh học sĩ, ông tổ của từ chương.
Tia chớp tía, hạt sương trong, đó là tiết tháo của Vương tướng quân, nhà cai quản võ khố.
Nhân gia quân làm quan tể tại Giao Châu, tôi đi thăm miền nổi tiếng đó.
Kẻ đồng tử này đâu biết có việc chi, hân hạnh gặp buổi tiệc linh đình.
Lúc này đương là tháng chín, thuộc về ba thu.
Nước rãnh cạn, đầm lạch trong; ánh khói đọng, núi chiều tia.
Trông ngựa xe trên đường cái; hỏi phong cảnh nơi gò cao.
Đến miền Trường Châu của đế tử; tìm được quán cũ của người tiên.
Núi non cao biếc, nhô khỏi lớp mây; bóng gác bay, màu son chày, dưới không sát đất.
Bến hạc, bãi phù quanh co đến tận đảo cồn; điện quế, cung lan bày ra cái thể thế của núi non.
Mở rộng cửa tô; cúi xem cột chạm.
Đồng núi trông rộng khắp; sông đầm nhìn hãi kinh.
Cửa ngõ giăng mặt đất, đó là những nhà rung chuông, bày vạc.
Thuyền bè chật bến sông, trục vẽ chim sẻ xanh, rồng vàng.
Cầu vồng tan, cơn mưa tạnh; vẻ rực sáng, suốt đường mây.
Ráng chiều rơi xuống, cùng cái cò đơn chiếc đều bay; làn nước sông thu với bầu trời kéo dài một sắc.
Thuyền câu hát ban chiều, tiếng vang đến bến Bành Lễ.
Bầy nhạn kinh giá rét, tiếng kêu dứt bờ Hành Dương.
Khúc ngâm xa xôi sảng khoái; hứng thú phiêu dật bay nhanh.
Tiếng vui phát sinh, gió mát nổi dậy; ca nhẹ lắng chìm, mây trắng lưu lại.
Tre lục vườn Kỳ, khí lan chén rượu Bành Trạch.
Sắc đỏ sông Nghiệp, ánh soi ngọn bút Lâm Xuyên.
Sẵn bốn điều hay; đủ hai bậc tốt.
Ngắm trông khắp cả khoảng trời; vui chơi hết ngày nhàn rỗi.
Trời cao, đất xa, biết vũ trụ rộng vô cùng.
Hứng hết, buồn về, hiểu đầy vơi là có số.
Trông Trường An dưới mặt trời; trỏ Ngô Hội trong khoảng mây.
Thế đất tận cùng, biển Nam sâu thẳm; cột trời cao ngất, sao Bắc xa xôi.
Quan san khó vượt, nào ai sót thương người lạc lối ?
Bèo nước gặp nhau, hết thảy đều là khách tha hương.
Tưởng nhớ chốn cửa vua, không trông thấy được; phụng chiếu nơi Tuyên Thất, chẳng biết năm nào.
Than ôi!
Thời vận chẳng bình thường; đường đời nhiều ngang trái.
Phùng Đường dễ thành già cả; Lý Quảng khó được phong hầu.
Giả Nghị bị khuất nơi Trường Sa, chẳng phải không vua hiền thánh.
Lương Hồng phái náu miền Hải Khúc, đâu có thiếu thời quang minh.
Nhờ được: người quân tử vui cảnh nghèo; bậc đạt nhân biết rõ mệnh.
Tuổi già càng phải mạnh hơn, nên hiểu lòng ông đầu bạc.
Lúc cùng hãy nên thêm vững, không rớt chí đường mây xanh.
Uống nước suối Tham, lòng vẫn sáng; ở nơi cùng khổ, bụng còn vui.
Biển bắc tuy xa xôi, nhưng cưỡi gió có thể đi tới.
Đã để trôi qua lúc mặt trời mọc ở phương đông, nhưng khi bóng lặn khóm tang du, phải đâu đã muộn.
Mạnh Thường thanh cao, vẫn mang tấm lòng báo quốc.
Nguyễn Tịch rồ dại, há bắt chước tiếng khóc đường cùng.
Bột này là đứa nhỏ cao ba thước, một gã học trò.
Không có đường xin dải dây dài, như tuổi niên thiếu của Chung Quân.
Nhưng có hoài bão vứt cây bút, yêu mến cơn gió dài của Tông Xác.
Bỏ rơi trâm hốt ở trăm năm; theo việc thần hôn ngoài vạn dặm.
Tuy không phải là cây báu nhà họ Tạ; nhưng được ở gần hàng xóm tốt của họ Mạnh.
Ngày sau, tôi sẽ rảo bước trước sân, lạm phụ thêm lời đối đáp của ông Lý.
Sớm nay, nâng tay áo, vui mừng được gửi gắm họ tên tại cổng rồng.
Không còn được gặp Dương Ý, nên đọc thiên lăng vân mà tự tiếc.
Nhưng đã gặp Chung Kỳ, thì tấu khúc lưu thuỷ có hổ thẹn gì.
Than ôi!
Chốn danh thắng chẳng thường tồn tại; bữa tiệc lớn khó gặp hai lần.
Lan Đình còn đâu nữa, Tử Trạch thành gò hoang.
Hân hạnh được thừa ân Diêm công trong bữa tiệc vĩ đại này, tôi viết lời tặng khi lâm biệt.
Còn như lên cao làm phú, đó là việc mong mỏi nơi các ông.
Xin dốc lòng thành quê kệch; cung kính làm bài tự ngắn.
Trước ngỏ một lời, sau bày tình ý; đồng thời bốn vận đều xong.
Mời rảy nước sông Phan, cùng làm cho nghiêng mây trong đất liền lẫn mây ngoài biển vậy.
Bên sông, đây gác Đằng Vương.
Múa ca đã tắt, ngọc vàng nào ai ?
Cột rồng Nam Phố mây bay.
Rèm châu mưa cuốn ngàn Tây, sớm chiều.
In đầm, mây vẩn vơ trôi.
Tang thương vật đổi, sao dời mấy thâu.
Đằng vương trong gác giờ đâu ?
Trường Giang nước vẫn chảy mau mé ngoài.
Người dịch: Trần Trọng San
Mơ đi chơi núi Thiên Mụ, làm thơ để lại lúc từ biệt
Lời khách biển Doanh Châu nức tiếng
Giữa bao la sóng quyện chập trùng
Việt rằng Thiên Mụ lẫy lừng
Mây chiều mờ ảo cũng thường thấy nhau
Trông Thiên Mụ ngang trời vượt thác
Bỏ Xích Thành, Ngũ Nhạc lung lay
Thiên Thai vạn trượng vút mây
Cũng đành thấp thoảng hướng ngoài đông nam
Ta vì thế mơ về Ngô Việt
Một đêm bay nương nguyệt Kính Hồ
Đêm khuya soi bóng trăng mơ
Diễm Khê say cõi trời thơ hữu tình
Nhà họ Tạ còn lưu dấu cũ
Nước biếc rờn vượn hú thảm thương
Chân mang giày cỏ Tạ công
Mình ta bạt gió mấy tầng mây xanh
Lưng chừng núi sáng ngời mây nước
Tiếng gà trời gáy vượt không trung
Muôn khe vạn nẻo khó lường
Say sưa tựa vách thưởng ngàn hoa xinh
Rồi chẳng biết trời chiều sập tối
Dã thú gầm vang dội suối khe
Mây đen giăng phủ bốn bề
Hình như mưa sắp lê thê trần phù
Nước mù mịt tựa rồng phun khói
Sấm liên hồi nghe nhói tâm cang
Núi tan đất lở kinh hoàng
Đầu non cửa động mở toang giữa trời
Xanh xanh thẳm mờ không thấy đáy
Nhật nguyệt cung lấp láy bạc vàng
Cầu treo áo gió ngựa đường
Thần mây hạ giới, ngọc hoàng xuống chơi
Xe loan phụng, cọp đàn réo rắt
Bầy tiên ma, vũ nhạc, thiên binh
Chợt hồn phách động thất kinh
Giựt mình thức giấc tự tình thở than
Giờ chỉ thấy chăn đơn gối chiếc
Ráng mây chiều sớm biếc rồi phai
Cuộc vui như gió mây trôi
Việc đời theo nước chảy hoài về đông
Từ giả bạn bao giờ trở lại?
Hãy thả hươu trắng tại núi xanh
Vui thì cưỡi ngựa thăm non
Há chi cúi lạy đám quan cường quyền
-Khiến lòng ta không sao vui đặng!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.