Phế Đô

Chương 47:




Mạnh Vân Phòng bực quá bảo:
- Chị cầm đi,cầm cái con lợn nái ấy.
Bắt đầu xỉa bài, trong sân có tiếng mèo kêu, tiếng kêu thảm thiết. Hồng Giang liền hỏi:
- Trong nhà nuôi mèo ư? Trong thời kỳ mèo động đực, chớ có phối giống tạp nham. Anh có một con mèo Ba Tư thuần giống, chờ ngày mai anh sẽ mang con mèo Ba Tư đến.
Ngưu Nguyệt Thanh nói:
- Đâu có nuôi mèo. Tôi đâu thích nuôi mèo nuôi chó. Đây là con mèo của nhà b ên cạnh, ớn thế không biết, cứ vài hôm lại rủ rê một bày mèo hoang về kêu ầm lên.
Trang Chi Điệp liền kêu lên:
- Chết cha rồi, chiều nay mình mở vại dưa muối trên ban công phơi nắng, quên khuấy ban tối chưa đậy vào!
Nói xong liền chạy lên ban công, lên đến ban công rồi lại gọi Liễu Nguyệt:
- Liễu Nguyệt ơi, em lên giúp anh bê vại dưa, đừng để mèo nó mó vào!
Liễu Nguyệt liền chạy lên ban công, Trang Chi Điệp liền đóng cửa ban công, khe khẽ nói:
- Em lấy đồng tiền đó ở đâu ra vậy?
Liễu Nguyệt đáp:
- Em thấy nó ở buồng tắm, cảm thấy hay hay liền xâu vào chùm chìa khoá.
Trang Chi Điệp bảo:
- Của anh đấy, đưa trả anh mau lên.
Liễu Nguyệt hỏi:
- Của anh ư? Trên đồng tiền còn có một sợi dây, tại sao em trước kia không thấy anh đeo ở cổ?
Trang Chi Điệp nói:
- Anh đeo đã lâu rồi, ngày đêm không tháo ra, sao em biết được cơ chứ!
Liễu Nguyệt đáp:
- Một người đàn ông lớn tướng đeo đồng tiền ở cổ, em mới gặp lần đầu tiên đấy. Trông dáng vẻ sốt ruột của anh, chắc là những ngày chúng em ở bên Song Nhân Phủ, có người đàn bà nào đã tặng anh để làm tin?
Trang Chi Điệp nói:
- Em nói vớ vẩn!
Nói rồi nắm hai tay Liễu Nguyệt, móc túi cô ta lấy ra. Liễu Nguyệt cứ giằng lại, Trang Chi Điệp liền ngậm đồng tiền vào miệng ra vẻ đắc ý. Ba người ở bên này xỉa xong bài, lại chia xếp đâu vào đấy, mà mãi vẫn không thấy Trang Chi Điệp quay lại, Mạnh Vân Phòng liền gọi to:
- Bê có một vại dưa mà khó khăn thế kia à? Chi Điệp ơi, anh có đánh nữa không hả?
Trang Chi Điệp lập tức quay trở lại, đồng tiền đã cất vào túi áo, nói:
- Vân Phòng này, năm nay dưa làm ngon lắm, anh có thích ăn, thì lát nữa lấy về một túi.
Tới nửa đêm, thì Triệu Kinh Ngũ và Chu Mẫn trở về, bảo là đã tìm được Bạch Ngọc Châu. Bạch Ngọc Châu không nhận được vụ án này, nhưng anh ta có biết toà án đã nhận được một thư khởi tố. Cả toà án xôn xao bàn tán, đương nhiên kẻ nói thế này, người nói thế kia. Đơn khởi tố vốn giao cho bên hình sự, nhưng vì chưa đủ yếu tố một vụ án hình sự nên chuyển sang dân sự. Chánh án toà sự tiếp nhận vụ án này là thẩm phán Tư Mã Cung đều là bạn của anh ta, an hta có thể móc nối với họ không lập biên bản. Anh Bạch Ngọc Châu này có thái độ cực tốt, chủ trương không tìm chánh án trước, mà chủ yếu là tìm Tư Mã Cung. Thẩm phán Tư Mã Cung không sốt sắng cũng không thờ ơ lạnh nhạt, bọn họ liền bảo, lẽ ra thầy giáo Trang Chi Điệp tối nay đến xin ý kiến ông, song giữa đường bị đau bụng phải quay về, sai hai chúng tôi thay mặt thầy đến yết kiến, đồng thời đã biếu một quyển sách làm kỷ niệm. quyển sách này do sáng kiến của Chu Mẫn tìm mua ở quán sách chợ đêm, cũng do Chu Mẫn bắt chước nét bút của thầy Điệp ký tên. Sau khi hai người ra khỏi nhà Tư Mã Cung, lại về nhà Bạch Ngọc Châu. Bạch Ngọc Châu nói, thầy giáo Điệp có tiếng tăm lớn như thế, từ lâu đã có ý định làm quen nhưng chưa có dịp nào, vì có chuyện này mà được kết bạn, anh ta mừng lắm, liền nói đến chuyện sách của thầy Điệp hay như thế nào, con trai của anh ta càng thích đọc, con trai anh ta là quân nhân, viết tin tức ở sư đoàn bộ, còn viết cả tản văn và tuỳ bút, cũng coi là một nhà văn nhỏ, mong thầy Điệp sau này dạy bảo nhiều hơn. Nói đến đây, Ngưu Nguyệt Thanh liền bảo:
- Những yêu cầu khác mình không thể, riêng điểm này thì làm được, cậu ta viết bài gửi đến, các anh đều có thể đăng giúp cậu ta.
Triệu Kinh Ngũ liền móc túi đưa ra bốn bài nói:
- Chính vì thế mà Bạch Ngọc Châu đã lấy ra bốn bài của con trai, bảo đơn vị của con trai có quy định, nếu đăng được năm bài trên báo và tạp chí của tỉnh và thành phố, thì có thể được một lần lập công loại ba, nếu được đăng ba bài trên báo chí có tính chất cả nước, thì được một lần lập công hạng hai. Con trai anh ta viết rất nhiều, cũng gởi cho bố bốn bài, bảo bố tìm cách gửi đăng trên báo nào đó ở Tây Kinh. Anh ta đang buồn không quen biết ai, thế là chúng tôi cầm hết về đây, vỗ ngực nói đại với người ta.
Trang Chi Điệp nói:
- Thế thì được, chúng ta sẽ nghĩ cách đăng cho cậu ta.
Triệu Kinh Ngũ bảo:
- Chúng em có biện pháp đếch gì cơ chứ. Chuyện này vẫn phải do anh đứng ra giải quyết phải không nào?
Trang Chi Điệp nói:
- Cậu cứ để sáng mai tôi xem xem. Còn yêu cầu gì nữa?
Triệu Kinh Ngũ đáp:
- Bạch Ngọc Châu nói, Tư Mã Cung là người có tính nết lạ lắm, ngày thường không hay nói cười, không hút thuốc, không uống rượu, cũng không chơi mạt chược. Anh ta hoàn toàn có thể thuyết phục được người này, nhưng công việc hơi khó hơn người thường. Song Tư Mã Cung có một thị hiếu là rất thích chơi tranh chữ, trong nhà cất giữ nhiều tranh, các anh có điều kiện, liệu có thể kiếm được một bức tranh hay tặng ông ấy? Anh ấy nói vậy, tôi cũng đã nhận lời, mình có thể bố trí thời gian đi gặp con trai Cung Tịnh Nguyên, moi tranh chữ của Mao Trạch Đông cho ông ấy. Việc này mười phần thì có tám chín phần thành công.
Cứ vậy lại bàn bạc thêm một lúc, cuối cùng quyết định để Chu Mẫn mấy ngày này đi lại nhiều hơn với Bạch Ngọc Châu để trao đổi tình cảm. Trang Chi Điệp xem bản thảo, tìm cách nhanh chóng đăng bốn bài viết kia. Triệu Kinh Ngũ và Trang Chi Điệp lại kịp thời đích thân đi tìm con trai Cung Tịnh Nguyên là Cung Tiểu t để lấy cuốn thư pháp của Mao Trạch Đông, một khi đã lấy được, Trang Chi Điệp sẽ đích thân đi gặp Tư Mã Cung. Nếu mời được Bạch Ngọc Châu và Tư Mã Cung cùng đi ăn một bữa cơm thì tốt nhất.
Việc này do Chu Mẫn đi giao thiệp với Bạch Ngọc Châu. Phương án đã định, Trang Chi Điệp nói:
- Chúng ta bàn đối sách này trong phòng kín, xem xem dưới gầm bàn có đặt máy nghe trộm không?
Mọi người cùng cười, Mạnh Vân Phòng nói:
- Làm đảo chính có lẽ thế này nhỉ?
Trang Chi Điệp nói:
- Liễu Nguyệt này, bây giờ em đi nấu cho mỗi người một bát mì râu rồng cùng ăn.
Liễu Nguyệt vâng lời đi xuống bếp, một lúc sau, quả nhiên bưng lên bảy bát mì râu rồng, mọi người ăn xong thì ai về nhà người ấy.
Trang Chi Điệp ngủ đến trưa hôm sau mới dậy, đọc xong bốn bài viết, nhưng chửi to, văn chương viết dở òm, riêng sai chữ đã khiến anh đọc mà đau đầu, liền vo tròn vứt vào bô đại tiện. Ngưu Nguyệt Thanh vội vào bô nhặt ra, giấy đã bị nước giải thấm bẩn, liền sai Liễu Nguyệt mau mau đem ra ban công phơi. Trang Chi Điệp cho một nhát chổi quét bản thảo phơi ở ban công rơi xuống gác. Ngưu Nguyệt Thanh nhìn cái dáng điên tiết của Trang Chi Điệp sợ tới mức phát khóc. Chị nói:
- Đó đâu phải là văn của anh, chỉ cần được đăng, anh cần gì phải quan tâm đến trình độ của cậu ta cao thấp ra sao chứ?
Trang Chi Điệp nói:
- Văn này có ma nó đăng.
Ngưu Nguyệt Thanh hỏi:
- Vậy thì anh không định thắng kiện hay sao?
Trang Chi Điệp ngồi tại chỗ thở dài thườn thượt, cuối cùng đã tìm hai bài tản văn mình viết chưa đăng nói:
- Anh đi tìm ban văn nghệ của báo tỉnh thay tên cậu ta vào đây đăng trước đã. Anh đây làm nhà văn cái đếch gì, làm nhà văn cái đếch gì cơ chứ?
Nói rồi hấp tấp đi ra cửa, cánh cửa kêu đánh sầm một tiếng.
Ba ngày sau hai bài văn đã được đăng. Chu Mẫn đã mua báo đem biếu Bạch Ngọc Châu, Bạch Ngọc Châu mừng quýnh lên, lại hỏi còn hai bài kia bao giờ đăng. Chu Mẫn về nói lại, Trang Chi Điệp nổi cơn thịnh nộ, chửi toáng lên:
- Đăng hai bài còn chưa được à? Không đăng nữa. Kiên quyết không đăng nữa, vụ kiện dù có thắng thì tôi cũng đã thua.
Chu Mẫn không dám nói gì, Ngưu Nguyệt Thanh nói thêm mấy câu, lại bị mắng một trận, đương nhiên cũng không nói lại, quay sang an ủi Chu Mẫn. Ngưu Nguyệt Thanh lại đi tìm Mạnh Vân Phòng cầu xin Mạnh Vân Phòng khuyên bảo Trang Chi Điệp. Chị vẫn ngày đêm lo lắng chuyện này đã làm tổn thương đến chồng, mấy lần tủi thân, thao thức, sợ hãi khốn khổ đến mức khóc vụng khóc trộm vài bận.
Đương nhiên Liễu Nguyệt ở bên này nấu cơm, mỗi ngày hai lần sang bên Song Nhân Phủ lo cơm nước cho bà già. Bà già lại mắc chứng bệnh cũ, cứ càu nhà càu nhàu bảo cửa mỗi ngày mỗi dầy, những cái bóng in trên cửa tối nào cũng sống động. Bà đòi Trang Chi Điệp sang giúp bà đốt hết những thứ ấy đi. Liễu Nguyệt bàn lùi, nói thầy giáo Điệp bận lắm, không có lúc nào rảnh rỗi. Bà già liền cãi nhau với Liễu Nguyệt. Bà bảo Trang Chi Điệp là con rể của bà, mà cô cứ giữ rịt là tại làm sao, cô là vợ anh ấy à? Liễu Nguyệt bực quá, cơm nước phục dịch chẳng ra sao, cứ hận bà già rồi mà không chết quách đi, mấy lần định dỗ bà già uống thuốc ngủ để ngủ yên một hay ngày, nhưng lại sợ uống vào xảy ra chuyện rắc rối. Song bà già lại tự chống gậy đi sang khu nhà hội văn học nghệ thuật, khăng khăng đòi Trang Chi Điệp phải đến. Hai mẹ con đi ra ngoài đường về phía Song Nhân Phủ. Lúc ấy người trên phố thưa vắng, song bà già lại bảo người đông nghìn nghịt, không chen nổi, bà chỉ vào một chỗ bảo, ba người kia gầy quá, nằm ở đó nhìn rõ từng dẻ xương sườn.
Trang Chi Điệp nhìn theo tay mẹ vợ chỉ, thì chỗ đó chẳng thấy cái gì liền bảo:
- Mẹ đã nhìn thấy ma.
Bà già nói:
- Mẹ cũng chẳng phân biệt rõ là người hay là ma, có thể là ma chăng?
Bà lại vừa đi vừa huơ cái gậy, cứ y hệt như đang chen lấn trong đám đông. Trang Chi Điệp liền nghĩ, lời bà nói nghe cũng có thể, người ta chết ai cũng biến thành ma, thì từ xưa đến nay, trên đời này chẳng phải ma nhiều nhất là gì? Về đến nhà ở Song Nhân Phủ, bà già liền sai con rể lấy dao khoét hết vết bóng trên cánh cửa. Trang Chi Điệp chẳng biết khoét bằng cách nào. Bà già liền bảo:
- Anh đứng ở đấy, anh là danh nhân, hoả khí lớn, kẻ nào cũng sợ anh, anh cho tôi bạo dạn để tôi khoét.
Nói rồi bà cầm dao khắc vào cánh cửa, khắc một lúc, bà bảo tháo cánh ra, khắc thêm một lúc nữa lại bảo tháo cánh ra, tổng cộng đã tháo mười hai lần, đưa tay làm điệu bộ bê vào bếp, bật diêm đốt, hỏi nghe thấy chưa, mỡ chảy da nổ kêu bem bép đấy thây. Bỗng bà hét to, có đôi chân người chạy mất rồi, đôi chân này do bà lấy dao chặt ra từ một cái chân trâu, trâu mọc thành chân người, chặt ra lại chạy mất. Bà liền chạy đuổi trong nhà, cuối cùng đã đuổi ra khỏi cửa và người bà ướt đẫm mồ hôi, lên giường thiếp đi. Đêm ấy Trang Chi Điệp không tài nào chợp mắt nổi, dường như trong lơ mơ, anh cảm thấy khắp nhà chỗ nào cũng có chân người đi, đi với đủ các kiểu, những vết chân ấy in chi chít trên nền nhà, ở chung quanh tường và trên trần nhà, tạo thành một bức tranh. Rồi dường như theo bức tranh này, anh đi từ tầng ngoài vào tầng trong, vết chân liền biến hoá khôn lường, đi vào tầng trong rồi, thì không làm sao đi ra được nữa. Bất giác tỉnh giấc, người anh toát mồ hôi. Anh bật đèn nhìn xuống nền nhà và quanh tường, thì không có một dấu chân nào. Anh nghĩ, có lẽ mình nghe lời mẹ nói mà nằm mơ chăng? Nhưng không sao ngủ tiếp được, liền bật điện ngồi hút thuốc ở cửa buồng ngủ của mẹ vợ, nhìn bà ôm gọn đôi giày chân nhỏ trong lòng đang ngủ say. Mà tiếng huyên, thì từ xa xa vọng lại, nghe âm âm u u như ma khóc sói gầm.
Trang Chi Điệp ở vài hôm bên Song Nhân Phụ Ngưu Nguyệt Thanh không dám về tìm chồng, liền bàn với Mạnh Vân Phòng, ý của Mạnh Vân Phòng là để Trang Chi Điệp ở bên cạnh mẹ vợ, còn hai bài văn kia Mạnh Vân Phòng sẽ viết và chịu trách nhiệm tìm báo để đăng. Chờ Trang Chi Điệp nguôi giận, sẽ bảo đi tìm Cung Tiểu Ất để mua tranh chữ. Ngày nào Ngưu Nguyệt Thanh cũng chờ Chu Mẫn ở nhà, nắm tình hình xảy ra trong ngày, lại còn bảo Triệu Kinh Ngũ và Hồng Giang mỗi ngày đến một lần. Điều đau đầu nhức óc hơn là Chu Mẫn đã mời Bạch Ngọc Châu đến nhà một lần. Từ đó trở đi, Bạch Ngọc Châu thường đến nhà chơi nói chuyện phiếm vào lúc ăn cơm, hoặc mười một giờ đêm, thậm chí còn dẫn một lô một lốc các cô các cậu ham đọc sách, hoặc sùng bái nhà văn. Ngưu Nguyệt Thanh cứ phải lần lượt tươi cười ngồi tiếp, rót trà mời thuốc hẳn hoi. Chờ khách ra về mới há mồm ngáp ngủ, mệt bã cả người. Liễu Nguyệt ở bên quét dọn nhà, ca cẩm nào là bọn người này không bỏ đầu mẩu thuốc vào gạt tàn, cứ quẳng vào góc nhà, nào là khạc nhổ cả ra nền nhà, lại còn lấy đế giày di di, nào là ai đến cũng pha trà mới, chỉ uống một hai ngụm, người khác đến lại đổ đi pha ấm khác, lãng phí trà quá thể, nào là đi tiểu bắn ra cả mép bô nhà vệ sinh…
Chu Mẫn gầy rạc hẳn đi, râu cũng mọc tua tủa mấy ngày không cạo, khuôn mặt trắng trẻo trông như con nhím, luôn mồm tố khổ, anh bảo Bạch Ngọc Châu đã hỏi mấy lần về chuyện bức tranh chữ. Ngưu Nguyệt Thanh lại phải thúc Mạnh Vân Phòng và Triệu Kinh Ngũ khuyên Trang Chi Điệp mau mau đi tìm Cung Tiểu Ất. Trang Chi Điệp không sao được, đã cùng với Triệu Kinh Ngũ một buổi tối đi đến số nhà hai mươi chín phố Mạch Hiện, may sao Cung Tiểu Ất ở nhà. Cung Tịnh Nguyên chỉ có một cậu con trai này, song quan hệ hai bố con chẳng ra sao. Cung Tịnh Nguyên bỏ tiền mua một nhà gác riêng để Cung Tiểu Ất sống một mình ở phố Mạch Hiện, cốt sao mắt khỏi phải nhìn thấy, lòng khỏi phải buồn phiền. Trang Chi Điệp và Triệu Kinh Ngũ bước vào cửa, đương nhiên Tiểu Ất không dám chậm trễ, lấy thuốc pha trà, rồi hỏi, chú có việc gì mà đến tìm cháu, nhà cháu bừa bộn và bẩn quá, chú tìm chỗ sành sạch mà ngồi vậy, nói rồi cầm một tờ báo đậy lên cái bô tiểu tiện dưới gầm giường. Trong nhà quả tình lộn xộn như ổ chó, thoang thoảng mùi tanh hôi. Trang Chi Điệp bước đến mở cửa sổ ra và ngồi xuống mép giường. Ban đầu Tiểu Ất ngồi trên ghế mây nói chuyện với hai người, đầu ngả chân duỗi, mấy lần định ngồi ngay ngắn, bất giác trong phút chốc đã co dúm người tại chỗ, lại há mồm chảy nước mắt nói:
- Mời chú ngồi uống trà, cháu vào nhà vệ sinh một lát.
Tiểu Ất vào nhà vệ sinh rồi, mãi không thấy ra, Trang Chi Điệp và Triệu Kinh Ngũ liền ngửi thấy mùi thơm, nhìn trên giàn hoa, chậu cây hoa đã héo lá cũng tươi tỉnh trở lại, hai người nhìn nhau không nói gì. Tiểu Ất ra khỏi nhà vệ sinh, dáng dấp khác hẳn, trong ánh mắt lờ đờ đã có tia sáng. Trang Chi Điệp hỏi:
- Tiểu Ất này, cháu lại hút thuốc phiện đấy à? Cháu đưa ra một ít cho chú xem nào, chú chưa bao giờ nhìn thấy thuốc phiện.
Tiểu Ất đáp:
- Chú cũng đã biết ư? Chú cũng chẳng phải người ngoài, cháu sẽ lấy ra để chú xem.
Tiểu Ất đem ra một vật như một cục đất đen nho nhỏ, cậu ta bảo cạo thuốc này nhét một viên vào điếu thuốc để hút, chỗ cậu ta không có thứ bột trắng, loại bột trắng tốt hơn, liền mời Trang Chi Điệp và Triệu Kinh Ngũ hút thử. Hai người bảo không hút, cháu giữ lại mà dùng.
Tiểu Ất liền bảo:
- Chú Điệp ơi, chú là người viết văn, chú có thể phản ánh cho ngành nào đó được không ạ?
Trang Chi Điệp hỏi:
- Chuyện gì hả cháu? Có lẽ chú nói được.
Tiểu Ất đáp:
- Hiện giờ trên thị trường hàng giả nhiều quá, gây thiệt hại lợi ích người tiêu dùng. Loại bột trắng này làm giả khiếp lắm, nhiều người hút vào mọc mụn đầy người, tóc rụng trơ trọi.
Trang Chi Điệp nói:
- Cháu cứ viết ra, chú sẽ đưa sang cục công an để họ tra hỏi.
Tiểu Ất liền cười đáp:
- Chú còn nói đùa với cháu ư!
Trang Chi Điệp bảo:
- Tiểu Ất này, chú nói với cháu một câu, câu này có lẽ cháu đã nghe nhiều rồi, cháu ăn uống gì chẳng được mà lại đi hút cái trò này? Bố cháu đã từng nói với chú về cháu, bố cháu đau đầu vì cháu đấy, người chung quanh cũng nhìn cháu bằng con mắt khác, thứ này vừa mất tiền vừa ảnh hưởng đến sức khoẻ, chủ yếu là tác hại cơ thể. Cháu còn trẻ thế này, còn phải lấy vợ chứ?
Tiểu Ất đáp:
- Chú nói cháu không giận đâu. Cháu biết chú tốt với cháu. Nhưng chú đâu có biết, sự tuyệt diệu của hút thuốc là như thế nào? Hút vào rồi, chú muốn gì có nấy, nghĩ cái gì có cái nấy. Nói thật lòng, cháu hận bố cháu, bố cháu có nhiều tiền như thế, một đêm bố cháu đánh mạt chược có thể thua hai ba ngàn đồng, nhưng bố cháu lại không cho đứa con trai thừa ra này. Cháu hận Tiểu Vũ, cô ấy và cháu đã yêu nhau năm năm, hai đứa đã từng ăn nằm với nhau, thế mà nói đi là bỏ đi luôn ư? Cháu hận vị lãnh đạo đơn vị cháu, ông ta nói xấu cháu khắp nơi, để có được công việc ấy, ông ta đã lấy của bố cháu hết mười tranh chữ, thế mà ông ta lại khai trừ cháu ư? Cháu biết càng hút càng không cai nổi cơn nghiện, nhưng những hoài bão lý tưởng của cháu cũng chỉ có thể hút xong thuốc mới thực hiện được. Chú ơi, chú đừng khuyên cháu nữa, chú có cách sống của chú, cháu có cách sống của cháu. Có lẽ chú giống bố cháu, nói ra thì có danh tiếng, trời rung đất chuyển, nhưng cả chú và bố cháu lại sống không tự do bằng cháu. Có một điểm chú ạ, chú tin rằng, cháu không trở thành sâu bọ của xã hội đâu, cháu không đi ăn cắp trên đường phố, cháu không đi cướp giật thật mà, cháu không gây cản trở bất cứ ai. Cháu là con trai của bố cháu, bố cháu có buồn phiền cháu đến đâu đi chăng nữa thì cháu rút cuộc là con trai của bố cháu. Tranh chữ của bố cháu đủ để cháu hút cả đời này.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.