Phù Dung Trì

Chương 3: Hà cô cô kể chuyện




Phần XI: Lỡ nhau một kiếp
Năm ấy, ta đã làm tới chức Thượng Cung tổng quản, đứng đầu sáu viện tám phường nội vụ, ngay cả Thượng thư lục bộ nhìn thấy ta trên đường cũng phải dừng chân chào một tiếng. Ở cái tuổi bóng xế chiều tà, địa vị cao cùng bổng lộc vô vàn dường như không còn nhiều ý nghĩa, chết chẳng mang theo, sống cũng không biết dùng làm gì... Ta lớn lên trong hoàng cung này, trải qua hai triều đại, thấu hiểu nhân sinh và thói đời, chứng kiến thăng trầm cùng biến cố... Lớn tuổi, phiền muộn thường quấy rầy, những đêm khó ngủ ta lại nhớ tới nương nương.
Khi trẻ, ta là cung nữ ở phòng giặt, quá nửa thanh xuân chìm trong hồ nước tẩy đen sì và mùi mồ hôi bốc lên từ vải vóc, bàn tay thô ráp thường bị phồng da vì ngâm nước nhiều ngày. Đứng tuổi một chút ta tạo được quan hệ với gã nô tài trong cung Thái hậu, lo lót ít tiền để đến nội điện làm mama. Trong cảm nhận của ta, hoàng cung chẳng khác gì hồ nước tẩy kia, quần áo giặt rồi sẽ sạch nhưng cặn bã thì lắng lại dưới đáy hồ. Cam chịu ở lại chốn này chỉ có hai loại người, một là thân bất do kỷ, hai là mưu cầu phú quý. Ta từng nghĩ tới việc xuất cung nhưng khổ nỗi không có bà con họ hàng, tuổi chẳng còn trẻ, tương lai mịt mờ. Ta chấp nhận sinh tồn ở đây, trước tiên mong muốn bình an, sau còn hy vọng tìm cây cao mà đậu. Cho nên, ta nằm giữa hai loại người này.
Hôm nọ ta gặp lại Phùng mama, người đã sống cùng một thời với ta. Bà ấy nay tóc bạc trắng, cuộc sống ăn sung mặc sướng xa rồi, bây giờ phải làm công việc rửa rau gọt củ ở phòng bếp, nỗi khắc khổ in hằn lên từng nếp nhăn trên khuôn mặt. Phùng mama là một trong số những người già nhất, nội vụ chủ trương không dùng người quá năm mươi tuổi, để ít tốn chi phí thuốc men. Mười mấy đôi mươi có thể làm cung nữ hầu hạ các nương nương, phục vụ tiệc tùng và nghi lễ trong cung. Cho nên bao giờ nhìn vào cũng thấy toàn trai xinh gái đẹp, thật ra kẻ già nua xấu xí đều không có cơ hội lộ diện. Đến độ ba mươi là thời kì quan trọng nhất, nếu tư chất tốt và nhiều may mắn họ có thể trở thành thân tín của ai đó, dựa vào cây cao mà từ từ leo lên, tìm cơ hội tiến thân. Ngược lại, khi thời cơ không mỉm cười, họ sẽ mãi lay lất trong phận tôi tớ, ngậm ngùi làm lụng chờ một ngày qua đi, từ đấy không ai biết họ là ai, hoàn toàn chìm nghỉm như hạt cát giữa sa mạc mênh mông. Đâu ai muốn mình sống đời uổng phí và vận may thì không ban phát cho tất cả mọi người. Tranh đoạt! Đó là tất yếu!
Cuộc chiến danh lợi trong chúng cung nhân cũng gây cấn không thua gì phi tần tranh sủng. Năm đó ta và bà Phùng đều là mama ở phòng nội vụ, cố gắng nhiều năm cuối cùng được phân công hầu hạ hai vị chủ tử. Phương Mẫn và Phương Lan đều trẻ đẹp, xuất thân từ viện dệt hoàng cung, vì đồng trang lứa lại cùng một họ nên các nàng nhận nhau tỷ muội. Một ngày nọ bầu trời nắng đẹp, hai cô đem lụa mới nhuộm ra sân phơi. Hồng hồng tím tím những thước vải óng ả, bay nghiêng nghiêng trên những sào tre. Phương Lan xinh xắn tinh nghịch, Phương Mẫn điềm đạm dịu dàng, năm đó họ quý mến nhau như chị em ruột thịt để rồi về sau là tất cả bội bạc phũ phàng...
Hình ảnh mỹ nữ chơi đùa giữa biển gấm hoa vô tình lọt vào mắt hoàng đế, chuyện tiếp theo không kể cũng biết. Sau này, khi Phương Lan đã thành một trong tứ phi, người ta vẫn thường ca tụng “sự tích” năm đó, nịnh nọt bảo rằng Lan phi có số phú quý, giữa vạn người lay động lòng vua. Họ đều quên rằng, chuyện tình yêu lãng mạn truyền kì kia còn có một người tên là Phương Mẫn – Phương tiệp dư của ta.
Phi tần có xuất thân tốt đều mang theo thân tín vào cung. Cơ hội dành cho mama trong nội vụ không nhiều. Năm ấy ta bàn bạc với bà Phùng, quyết định đi theo Phương tiệp dư. Nàng đẹp hơn Phương Lan một chút, nhất là đôi mắt rất hút hồn. Ta cứ nghĩ người đẹp thì sẽ được sủng, tương lai ta cũng thơm lây. Bà Phùng chọn Phương Lan mà không bất mãn, còn chê ta chẳng có mắt nhìn người. Mười năm sau cuối cùng ta đã hiểu, ta không có tài xem tướng giỏi như bà ấy. Phùng mama ngày xưa luôn dương dương tự đắc, bà ta trở thành mama tổng quản ở cung Lan phi. Còn ta cứ mãi lẩn quẩn trong cái viện dột nát, hầu hạ Phương tiệp dư không tranh không cầu. Phương Mẫn đẹp thì có đẹp nhưng tính tình hiền lành quá. Ban đầu hoàng đế để ý tới nàng nhiều hơn, nhưng qua một năm thì nhàm chán, cảm thấy Phương Lan khéo ăn nói, biết chiều chuộng, còn hay làm nũng, nữ nhân như vậy mới hấp dẫn!
Ta khuyên nhủ nương nương rát cổ họng mà nàng nghe tai trái ra tai phải, vẫn nhu nhược như xưa. Ta quả thực chọn lầm, người như Phương tiệp dư sẽ không bao giờ thăng tiến nổi. Lợi thế duy nhất của nàng chính là Bát hoàng tử. Ta thực tâm yêu thương đứa nhỏ này, bế nó trên tay từ khi đỏ hỏn đến lúc biết chạy nhảy, biết đánh vần. Bát hoàng tử là cậu bé ngoan ngoãn đáng yêu, ta chỉ buồn phiền một nỗi – nó yếu mềm y như mẹ nó! Tiểu hoàng tử trẻ dại, ngây ngô, một miếng bánh đậu xanh cũng có thể mua chuộc được. Sống trong hoàng cung tứ bề là lang sói, thử hỏi tính nết như vậy có thể sinh tồn không?
Trời phù hộ, hoàng tử bình an lớn lên. Nhờ mẹ nó lương thiện nên tích đức cho con, hoạn nạn mấy lần đều thoát chết trong gang tấc. Số hoàng tử thật lớn! Hầu hạ Tiệp dư nương nương hơn mười năm, sự bất mãn ban đầu đã biến thành kề vai sát cánh. Con người dù thế nào cũng là loài nặng tình cảm, sống đâu quen đó, ngày ngày cận kề một người thì dễ nảy sinh quý mến thương yêu. Ta cảm thấy Phương Mẫn là một bông hoa sen tinh khiết, xòe cánh lặng lẽ trong hồ nước tẩy này, mùi hôi và cặn bã không làm mờ đi nét đẹp của nàng. Nương nương tốt lắm, chưa bao giờ trách phạt hạ nhân, hầu hạ nàng không có khả năng thăng tiến nhưng ít ra an tâm, không lo có ngày vì làm vỡ cái tách mà cụt tay cụt chân.
Cứ tưởng ẩn dật an phận thì ông trời sẽ thương, ai ngờ tai ương ập tới. Năm Khang nhi lên mười ba tuổi nương nương lại có thai. Nàng bị vắng vẻ nhiều năm, không ngờ một lần bệ hạ say rượu vào nhầm phòng lại khiến nàng hoài thai. Lúc thái y báo hung tin, ta đã thấy bầu trời như sập xuống. Lăn lộn trong cung hai mươi năm, dĩ nhiên ta hiểu quy tắc ngầm của hoàng hậu. Phương Lan thăng tới chức phi nhưng nàng ta cũng chẳng là gì so với Hoàng hậu nương nương – người nắm quyền sinh sát trong tay. Đối với hoàng hậu, phi tần muốn gian xảo thế nào cũng được chỉ cần không tổn hại lợi ích của bà và không có con trai bên gối là được. Hoàng tử sinh ra không ít nhưng chết non và bệnh tật rất nhiều, người khỏe mạnh cho tới bây giờ đều nhờ vào nhà mẹ thế lực lớn. Phương tiệp dư không có gia thế gì nhưng lại sinh ra và nuôi lớn Bát hoàng tử. Hoàng hậu từ lâu nghi kị điều này, xưa nay ngao cò tranh đấu, kẻ đắc lợi bao giờ chẳng là ngư ông? Với tính tình của hoàng hậu, bà ấy tuyệt đối không để Tiệp dư sinh thêm đứa nữa.
Ngoài dự đoán của ta là hoàng hậu không lập tức hành động. Bà ấy có thai chỉ muộn hơn nương nương nửa tháng mười ngày. Cái thai này vô cùng quấy, đến tháng thứ sáu mà vẫn nghén trầm trọng. Phương tiệp dư sắp đến ngày lâm bồn, lòng ta vừa mừng vừa hoài nghi. Hoàng hậu quên rồi sao? Hay nàng ốm nghén không có tâm trí đối phó Phương Mẫn nữa? Suy đoán của ta hoàn toàn sai. Phải biết rằng nữ nhân mất con khi nó vừa thành hình sẽ không khổ sở bằng người an thai tám tháng đột nhiên bị tước quyền làm mẹ. Thai lớn, mức độ nguy hiểm càng cao mà đứa bé đầy đủ tay chân sẽ đáng thương hơn một khối thịt nhỏ tròn tròn. Thì ra đây mới là điều hoàng hậu muốn! Tàn ác làm sao, cay độc làm sao!
Ngày hôm đó bầu trời âm u, tiệp dư đau đớn nhiều canh giờ sau khi uống thuốc. Nữ y nhìn nhau lắc đầu, nếu nàng không lập tức tống ra cái thai chết thì bản thân nàng cũng sẽ chết theo. Ta đứng bên giường liên tục lau mồ hôi cho nương nương, không ngừng nhắc nhở nàng, Bát hoàng tử cần có người chăm sóc, không thể bỏ thằng bé trên cõi đời này!
Nương nương của ta thường ngày nhu nhược yếu đuối nhưng có những giây phút nàng kiên cường hơn ai hết, tất cả vì Khang nhi. Hôm ấy nương nương qua khỏi, sau khi nàng đau đớn ngất lịm ta mới run rẩy mở cửa phòng, lại phát hiện tiểu hoàng tử ngồi co ro trong góc tối. Thằng bé ngẩng đầu nhìn ta, nụ cười ngây ngô nhưng đôi mắt không che nổi sự hoang mang lo lắng. Năm ấy bệ hạ mười ba tuổi.
Nương nương thoát một nạn rồi cũng gục ngã ở kiếp nạn tiếp theo. Bát hoàng tử ngây ngơ ngờ nghệch của ta, ta không biết ngài đã trưởng thành khi nào, không biết chuyện gì đã diễn ra bên trong cái đầu non nớt ấy. Mười ba tuổi, hoàng tử ám sát Bảo Ngọc công chúa trong lễ đầy tháng, bị tống vào đại lao. Tiệp dư nương nương biết tin đã không thể nào gượng nổi. Sau khi sảy thai sinh mệnh nàng mong manh như ngọn đèn trước gió, bản thân nàng cũng hiểu mình không thể sống dài. Thời gian đó nương nương đi cầu cạnh Lan phi – người em gái ngày nào giờ đã là một con khổng tước, núp dưới bóng râm hoàng hậu. Thiết nghĩ tiệp dư xưa nay hiền lành, chẳng gây thù oán với ai nhưng thói đời luôn có niềm vui trong nỗi đau kẻ khác. Hoàng hậu một bên khóc lóc đòi hoàng đế phân xử, Lan phi nhận ủy thác của Phương Mẫn nhưng lại dẻo mồm bịa đặt, nói Bát hoàng tử vô lễ ngỗ nghịch, thói hư tật xấu gì cũng có. Các nương nương khác thì không cần bàn, họ vốn không ưa Phương tiệp dư hay tỏ ra thánh thiện, được dịp chi bằng ném đá xuống giếng. Tứ bề công kích, rốt cuộc hoàng đế thực sự bị chọc giận, không còn quan tâm Bát hoàng tử là máu mủ của y.
Ngày đó Phương tiệp dư đột nhiên dậy sớm tắm rửa sửa soạn, mặc xiêm y hồng cánh sen yêu kiều. Nàng dưỡng bệnh vài tháng, sắc mặt xanh xao bỗng trở nên hồng hào một cách quái lạ. Tiệp dư gọi ta vào tâm sự, nhiều năm tình chủ tớ chỉ có hôm ấy nàng nói rất nhiều, nói thật lòng, khiến ta không thể cầm được nước mắt. Tiệp dư của ta, cô nên được sinh ra một gia đình khá giả, nên được phụ mẫu yêu thương, gả cho người đàn ông tốt, hạnh phúc làm vợ làm mẹ. Tại sao đóa hoa vì một cơn gió mà rơi xuống dòng, bị cuốn đi trăm ngả?
Giống như ánh sáng le lói cuối cùng của ngọn đèn trước khi tắt lịm, nương nương dặn dò ta chăm sóc bát hoàng tử, sau đó nàng một mình đi tìm bệ hạ. Ta bất an đi qua đi lại trong phòng, cuối cùng điều mình sợ nhất đã xảy ra. Khi đi nàng đẹp lộng lẫy, khi về phải có người khiêng. Tiệp dư chết thay cho hoàng tử, đó là sự hy sinh cuối cùng của người mẹ bất lực dành cho con...
- Hà cô cô, bà thấy Dung phi thế nào?
Bệ hạ đột nhiên lên tiếng, làm gián đoạn dòng tưởng niệm của ta. À, ngài chính là bệ hạ, cũng là Bát hoàng tử ta nuôi nấng từ bé.
- Bẩm, lão nô không giỏi xem tướng, chỉ cảm thấy Dung phi nết na hiền hậu, tính tình có phần giống với nương nương ngày xưa...
- Vậy sao...?
Bệ hạ thì thầm như tự vấn, ta khó hiểu nhìn lên. Thiên Vĩnh đế tuổi trẻ tài cao, lên ngôi hơn mười năm đã mở rộng Khương La ra bốn cõi. Trong mắt ta, ngài vẫn giống như tiểu hoàng tử năm ấy – nhìn ta tỉ mỉ tắm xác cho nương nương mà nghiêm túc cam đoan: “Hà cô cô, chỉ cần bà không thay đổi, sau này ta sẽ cho bà phú quý vinh hoa, tuổi già hưởng phước!” Bây giờ ta đang hưởng phước, đã làm tới chức Thượng cung, nhận lấy ngưỡng vọng của bao người. Ta nên vui mừng mới phải!
Bệ hạ im lặng nhìn xuống tách trà, ta thật không rõ ngài có vướng mắc gì. Nhiều năm rồi, hiếm khi ngài gọi ta đến chuyện trò như vậy. Vẫn dõi theo bệ hạ từ nhỏ đến lớn, lòng ta hiểu rõ phía sau vẻ ngang tàng ấy, phong lưu ấy chỉ có một trái tim hiu quạnh dường nào...
- Dung phi có thai. Trẫm không tin mấy lão thái y lắm. Bà hãy sắc cho nàng bát thuốc... Đừng để nàng đau đớn như mẫu thân năm đó...
Ta kinh hãi ngước nhìn bệ hạ. Nước trà nguội lạnh không thể sưởi ấm nữa, bàn tay ngài bất an xoay xoay cái tách, giống như muốn dùng thân nhiệt hâm nóng lại.
- Hoàng thượng... Tại sao?
Ta biết không ít chuyện về vị Dung phi nương nương này. Hậu cung đồn đại nàng say mê bệ hạ, mặt dày đi theo phái đoàn của Ngũ công chúa Trung Lương, quyết tâm gả vào Khương La. Hoàng thượng nể tình Sở đế, phong cho hai chị em họ đều làm phi nhưng đãi ngộ thì khác nhau một trời một vực. Dung phi mang tiếng làm phi nhưng không có lấy một cái phong hào, dựa vào tên khai sanh mà gọi là “Dung”. Nàng ở trong một cái hiên nhỏ cũng chẳng có tên, vì nằm gần rừng trúc nên tạm kêu “Trúc Uyển”. Dung phi chỉ đem theo một tỳ nữ và ít đồ cưới, nội vụ cấp thêm một mama, hai a hoàn, một nô tài chạy việc. Trúc Uyển của nàng sơ sài và vắng vẻ y như lãnh cung.
Thời gian đầu, hoàng thượng không hề nhìn đến nàng, hậu cung đều thầm hả hê, khinh thường loại con gái cọc muốn tìm trâu, mặt dày mày dạn. Ta cũng nghe Lưu Hải kể lại, khi ở Trung Lương nàng bày mưu xuất hiện trong tiệc đề thân của Sở Tâm Huệ, trình diễn một điệu múa gọi là Phù Dung Lưu Hương, cướp hết sự chú ý của mọi người. Sở Phù Dung đã có hôn ước với một thiếu gia vọng tộc nào đó ở quê nhà, dự tính sau khi Ngũ tỷ thành thân liền lên kiệu hoa. Ai ngờ nàng nhất kiến chung tình với bệ hạ, bất chấp mẫu phi phản đối, bất chấp phụ hoàng không vui, đã chủ động cầu xin được gả cho hoàng thượng. Thời nay có một cô gái dạn dĩ như vậy cũng hiếm, ta không có ác cảm với nàng, một người như bệ hạ nữ nhân nào không yêu? Chỉ là họ có dám theo đuổi hay không.
Gả vào Khương La rồi, cái giá phải trả là sự lạnh lùng của đế vương. Lưu Hải đối với thái độ của hoàng thượng không thể nào hiểu nổi. Hắn là con nuôi ta dạy bảo từ nhỏ, thông minh lanh lợi, đi theo hầu hạ hoàng thượng nhiều năm rồi, ít có chuyện gì mà hắn thấy phân vân như chuyện của Dung phi. Lưu Hải từng xin ta chỉ giáo, kể lại tất cả suy đoán của hắn về tình cảm của bệ hạ. Lúc Dung phi múa điệu hoa sen, hoàng thượng đã mất hồn. Khi Dung phi quỳ gối trước đại điện thỉnh cầu Sở đế, hoàng thượng im lặng nhưng ánh mắt lấp lánh chờ mong. Ngày chuẩn bị trở về, ngài dặn dò thêm một cỗ xe trống, dường như sớm đoán ra Dung phi sẽ bất chấp tất cả đi cùng bọn họ. Rõ ràng bệ hạ ngấm ngầm mở đường, khai thông mọi lối để thuận lợi đưa nàng về Khương La. Bề ngoài giống như rất khó xử, không chủ động, không cố ý... Thực chất đã ra ám hiệu với Sở Chính Hàn, khiến ông rốt cuộc phải thả người... Cho nên, bề ngoài giống như Dung phi theo đuổi bệ hạ, tự ôm hành lý bỏ nhà theo trai. Thực chất là bệ hạ quyến rũ người ta, vờ vịt đắc ý nhìn con thỏ ngốc chui đầu vào rọ với tinh thần cam tâm tình nguyện!
Lưu Hải cảm giác bệ hạ vô cùng hứng thú với Dung phi nhưng vừa đặt chân trở về hoàng thành thì thái độ xoay chuyển một trời một vực. Ngài không ngó ngàng gì nàng ấy nữa, ăn ở đều đối đãi đạm bạc, chẳng bao giờ hỏi han, có vô tình gặp gỡ cũng thờ ơ ghẻ lạnh. Tình trạng này kéo dài nhiều tháng, tưởng như Dung phi nương nương thực sự hết thời, vậy mà đùng một cái nàng được thị tẩm. Chuyện lần đó cũng rất phức tạp. Bệ hạ uống hơi nhiều nhưng Lưu Hải biết rằng ngài không say. Tình cờ gặp được Dung phi buổi tối đi dạo quanh bờ hồ bèn ôm nàng về Dụ Kiến cung. Chính chuyện này đã chọc giận đến Hoàng hậu, phải biết rằng đến hoàng hậu còn chưa từng được nằm lên long sàn!
Lưu Hải thở dài chả hiểu ra sao, đặc biệt là khi bệ hạ u ám ra lệnh không cho Kín Sự phòng ghi chép chuyện đêm đó. Thị tẩm mà không ghi lại, nếu Dung phi đột nhiên mang thai chẳng khác nào tội chết! Hoàng thượng muốn giết nương nương sao???
Khi hắn hỏi ta vấn đề này, ta lại không nghĩ như vậy. Với tính cách của hoàng thượng, muốn diệt một người đơn giản là lôi ra chém, không cần làm chuyện lòng vòng như vậy. Ngài không muốn Kín Sự phòng ghi chép, phải chăng chỉ tự đánh lừa bản thân? Rõ ràng say mê Dung phi nhưng chính mình không muốn thừa nhận. Từ đó Kín Sự phòng hiểu ý không còn đề cập tới chuyện này. Bây giờ nương nương mang thai, sự việc nói lớn không lớn, nói nhỏ không nhỏ. Xét về quy tắc thì sai nhưng chỉ cần bệ hạ lên tiếng lẽ nào không đúng? Hậu cung không biết chuyện của Kín Sự phòng nhưng họ đều rõ Dung phi đã được thị tẩm. Đứa nhỏ này hoàn toàn không bị nghi ngờ...
- Hoàng thượng, lão nô nghĩ vấn đề này rất đơn giản. Sửa lại sổ sách một chút, như vậy tiểu long tự có thể quang minh chính đại chào đời... Chỉ là chuyện giấy mực chẳng đáng mấy đồng, có phải bệ hạ đã nghĩ quá phức tạp không?
Hoàng thượng cười nhạt, bàn tay bóp trán có chút mệt mỏi đáp:
- Hà cô cô hiểu sai rồi... Trẫm không muốn đứa bé này, trời cao cũng không muốn, nó sinh ra là một thứ tội lỗi. Bà biết vì sao trẫm không cho phép Hồ công công nhắc tới chuyện này không? Bởi vì mỗi khi thức dậy trẫm đều cảm thấy mình làm sai, sai lại sai, trầm luân trong lầm lỗi... Ai lại muốn ghi chép chuyện xấu của mình chứ?
Ta im lặng quan sát bệ hạ, vừa hiểu vừa không hiểu. Giữa hoàng thượng và nương nương còn có uẩn khúc gì?
- Tóm lại, chuyện này trẫm tin tưởng giao cho bà, bà suy nghĩ kĩ phương thuốc, cố gắng hạn chế tất cả rủi ro cho Dung phi. Làm sớm một chút, đứa nhỏ chưa lớn sẽ tốt hơn...
Điều này ta rất hiểu, cái thai nhỏ, không đáng thương như lúc đệ đệ của ngài bị tước đoạt sự sống. Ta cúi đầu nhận lệnh, chầm chậm bước ra khỏi phòng. Trước khi cánh cửa khép lại ta đã kịp nghe dặn dò cuối cùng:
- Nếu... Nếu nàng kịch liệt chống đối, vậy thì... Cứ để nàng sinh đi!
Ta cứ niệm đi niệm lại câu nói này. Đã quyết định bỏ nhưng lại chừa một đường lui. Bệ hạ của ta, ngài rõ ràng yêu đứa nhỏ, muốn nó được sống sót trên đời. Đã như thế, tại sao còn dối lòng nhẫn tâm?
Khi bưng chén thuốc đắng tới Trúc Uyển, ta cầu mong Dung phi sẽ kháng chỉ, chỉ cần nàng nói một tiếng, ta lập tức đổ bát thuốc này đi. Ai ngờ Dung phi chỉ cúi đầu tuân mệnh... Nàng nên giống những phi tần khác, sao có thể yếu mềm chịu đựng như Phương Mẫn ngày xưa? Thiệt thòi lắm, biết không? Dại dột lắm, biết không? Chỉ cần một chút thôi, một chút sự vùng vẫy thì đã không sao rồi!
Bệ hạ và Dung phi... Haizzz... Cả hai đều cứng đầu, cố chấp... Ta đứng ở giữa mà giận thay cho họ!
Có lẽ giống như ca khúc mà nương nương từng hát. Nàng cùng hoàng thượng là loại nghiệt duyên, thà chưa bao giờ gặp để chưa bao giờ yêu, rồi không bao giờ đau khổ! Đứa con thứ nhất là bệ hạ vứt bỏ, đứa con thứ hai chính nương nương không cần. Nếu lần đầu hoàng thượng do dự và bất lực thì lần sau ngài thật sự chờ mong. Mong một kì tích cứu rỗi mối quan hệ đã đi tới bờ vực. Năm ấy Trung Lương chìm trong khói lửa chiến tranh – một trong nhiều nguyên nhân khiến Dung phi không thể lưu lại đứa trẻ. Ta vốn là kẻ ngoài cuộc, những uẩn khúc bên trong không thể hiểu hết nhưng ít ra ta đồng cảm với nàng. Là nữ nhân của hoàng đế, cũng là công chúa Trung Lương, đối mặt với cảnh nước mất tan mà bản thân mình ngồi trong hang cọp như kẻ phản quốc! Cũng do bệ hạ quá tuyệt tình, Dung phi đi tới con đường này, một phần vì sự nhẫn tâm ấy.
Ngày đó ta đã thành bà lão nhăn nheo, không biết lúc nào đi gặp Phương tiệp dư. Ta gượng tấm thân khô héo đến an ủi bệ hạ. Thiên Vĩnh đế lẫy lừng bốn phương, Thiên Vĩnh đế vô địch thiên hạ, ngài vậy mà ngồi khóc như đứa trẻ. Nước mắt nóng rực tựa giọt mặt trời chảy ra từ khẽ tay... Đau lòng sao? Biết vậy thì đừng làm!
- Bệ hạ, đứa nhỏ cùng ngài vô duyên, vẫn có các nương nương khác sinh hoàng tự cho ngài. Bệ hạ đừng quá đau lòng!
Trong cung có bốn hoàng tử ba công chúa, đối với một đế vương thì quá ít ỏi nhưng không phải không có. Chuyện nối dõi tông đường cũng không bức thiết. Xét cho cùng, đứa bé của Dung phi không quan trọng đến vậy!
- Hà cô cô, trẫm không chỉ thương tiếc thằng bé, trẫm đau lòng là vì A Dung! Tại sao chứ? Năm xưa mẫu thân khổ sở vì hoàng đệ, lấy cái chết cứu mạng ta. Nàng cũng là người mẹ nhưng có thể tự tay giết con mình. Bà có hiểu cảm giác của trẫm khi lần nữa nhìn thấy thai nhi đầy đủ nhân hình nằm trên cái khay lạnh không? Giống hệt đệ đệ lúc ấy! Nó là cốt nhục của trẫm, cũng là máu mủ của nàng... Nàng hận trẫm, nhưng thằng bé vô tội mà!
Ta biết đệ đệ chưa ra đời là tâm bệnh vĩnh hằng của ngài. Sau khi lên ngôi, hoàng thượng không từ bỏ mong muốn điều tra lại sự tình năm đó. Ta rất ân hận vì đã dẫn ngài vào phòng, để ngài vô tình nhìn thấy bào thai kia. Trong cung tuy ít hoàng tử công chúa nhưng chưa từng có trẻ con chết non, bệ hạ cực kì quan tâm đến chúng, nếu cung tần không có năng lực ngài sẽ không để họ mang thai, một khi được sinh ra thì không cho phép kẻ nào hãm hại. Lần đầu tiên và duy nhất nhắm mắt từ bỏ chính là hài tử của Dung phi.
Ta hiểu vì sao bệ hạ làm như vậy. Nhớ năm ấy cuộc điều tra đưa tới một kết quả kinh hoàng. Vẫn biết cung đình xưa nay nhơ nhuốc nhưng không ngờ nó phi nhân tính tới mức này. Thời ấy dân chúng mê tín dị đoan, tin rằng đem bào thai ngâm trong hũ rượu sẽ tạo thành phương thuốc trường sinh. Mà chỗ có nhiều thai nhi chết non nhất – không cần nghi ngờ chính là hậu cung. Dưới sự thao túng của hoàng hậu, một đường dây mua bán phi pháp đã hình thành. Triệt phá bí mật ghê tởm này, cuối cùng hoàng thượng tìm được đứa em trai chưa chôn cất tử tế. Ta vẫn nhớ như in ánh mắt khiếp sợ và căm thù đó. Tấm vải đỏ được kéo xuống, để lộ cái chum thủy tinh chứa dung dịch màu vàng. Có một đứa trẻ co người như con tôm bị giam giữ bên trong. Đầu nó to khác thường, thân thể bị rã đi không ít... Hoàng thượng nhìn thật lâu rồi nhắm mắt lại, xua tay gọi người bưng xuống. Người vừa đi khuất ngài liền ôm ngực nôn thốc nôn tháo. Ta chưa từng thấy bệ hạ chật vật như vậy. Đó là nỗi ám ảnh lớn nhất trong đời ngài!
Dung phi nương nương khiến cơn ác mộng kia lặp lại, chính là chạm vào giới hạn chịu đựng của bệ hạ. Chuyện tiếp theo đó là một chuỗi bi kịch liên hoàn mà bản thân ta không cách nào ngăn nỗi... Chỉ trách vận mệnh an bài!
Khi ta quá già rồi chết, ta có gặp lại Dung phi trong cái hồ sen kia. Ta không quá bất ngờ vì nàng vẫn ở đây mà chỉ muốn hỏi nàng duy nhất một điều:
“Vì hận bệ hạ mà nương nương nhẫn tâm từ bỏ đứa trẻ sao? Nương nương có biết đây là đả kích rất lớn đối với ngài không?”
Sở Phù Dung ôm cổ cầm, trôi lơ lửng giữa biển hoa. Nàng tang thương đáp lại:
“Không phải vì hận, ngay cả khi đầu của phụ hoàng bị đem về Khương La, ta cũng không có suy nghĩ muốn bỏ con. Ta quyết định như vậy là vì biết đứa nhỏ mang tội lỗi trên mình, sự chào đời của nó sẽ không được trời đất dung tha. Thà rằng sớm chết đi, còn hơn sống đời bị nguyền rủa...”
“Hà mama, bà có biết không... Ta cũng khổ tâm lắm... Nhưng ta không thể làm khác được! Bởi vì... Ta và chàng... Ta và chàng... Là huynh muội! Đã loạn luân đến thế rồi, không lẽ còn muốn để lại nghiệt chủng???”
Ta không biết phải nói gì hơn, chỉ đành buông tiếng thở dài. Kiếp này xem như xong rồi, chỉ mong nếu có kiếp sau thì hai người họ không phải đày đọa nhau thêm nữa. Ta xuống âm ti không vội luân hồi mà xin ở lại làm chút việc văn thư. Sau này có nghe Hắc Bạch Vô Thường bàn tán về một linh hồn ngang ngược lại lớn mật, dám đôi co với Diêm Vương, hắn đòi đầu thai cùng dòng họ với một người nhưng tuyệt đối không muốn làm anh em ruột. Đó là cách duy nhất để ở gần nàng, sớm gặp được nàng mà không bị rào cản đạo lý ngăn cách. Diêm Vương đại nhân thực sự bị chọc điên nhưng vì ngại linh hồn này mang long mệnh chín kiếp nên không thể phạt nặng. Cuối cùng Diêm Vương phải thỏa hiệp.
Khi kẻ đó bước vào vòng luân hồi, ta tò mò tới rình xem. Tận mắt thấy hắn đổ bỏ nửa bát Mạnh Bà, bóng lưng quen thuộc đi vào cổng Tam thế, lúc ấy ta mới an tâm quay trở về.
Long mệnh chín kiếp, ngài chỉ vừa đến kiếp thứ hai thôi!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.