Phù Dung Trì

Chương 1: Nữ ám vệ




板橋曉別 回望高成落曉河,
長亭窗戶壓微波.
水仙欲上鯉魚去,
一夜芙蓉紅淚多.
Bản Kiều hiểu biệt
(Lý Thương Ấn)
Hồi vọng cao thành lạc hiểu hà,
Trường đình song hộ áp vi ba.
Thuỷ Tiên dục thướng lý ngư khứ,
Nhất dạ phù dung hồng lệ đa.
- Dịch thơ:
Buổi sáng từ biệt trên cầu Bản Kiều
Ngoảnh lại sông Ngân trụt xuống thành,
Trường đình song sát sóng reo quanh.
Thuỷ tiên cưỡi chép chào tương biệt,
Sen thắm đêm đầy lệ rỏ nhanh.
(Người dịch: Lam Điền)
Phần XIII: Hoa sen ngày ấy và bây giờ
Tiểu Mai đã theo hầu Quận chúa được bảy năm, bề ngoài nàng giống một a hoàn nhan sắc bậc trung, nhanh nhẹn tháo vát. Thực chất cô ấy là một trong số những con át chủ bài của Mật Bảo Các. Đừng hỏi Mật Bảo Các là chỗ nào. Giang hồ không biết, triều đình chưa nghe tên, ngay cả lão Quạt Mo chuyên kể chuyện kiếm tiền ở quán rượu cũng không rõ, mặc dù ông ta biết đế giày của hoàng đế có màu gì.
Tiểu Mai ngày trước tên thật là Tiểu Mai Tử, sau khi bị các sư huynh sư tỷ chê quê mùa, cô nàng quyết định bỏ bớt một chữ.
- So với cái trước càng tầm thường hơn, giống tên a hoàn!
Đây là lời nhận xét của sư phụ đại nhân, không chỉ có tính chất hạ bệ mà còn là lời tiên tri cho số phận của Tiểu Mai. Năm 16 tuổi xuất môn hành nghề, nhiệm vụ đầu tiên và duy nhất của nàng là làm tì nữ cho tiểu Quận chúa. Sau nhiều năm đóng vai người hầu, tố chất a hoàn đã thấm vào xương tủy, cô nàng như được tẩy trắng, trở nên lanh lợi hoạt bát, nghịch ngợm vui nhộn hẳn lên. Không ai có thể tin một cô gái nhỏ trông tầm thường nhưng đủ bản lĩnh kết liễu mạng người trong tích tắc.
Hàng năm Tiểu Mai đều có ba mùa nhàn rỗi, chủ yếu đi theo Quận chúa bày trò chơi, giúp việc vặt, thỉnh thoảng trộm thức ăn trong bếp hoặc là tắm chó. Nha Nha tương đối yêu mến nàng, ít nhất là nó không lồng lộn lên mỗi khi bị nàng ném vào thùng nước...
Nhiều khi Tiểu Mai chóng cằm suy nghĩ, tại sao mình phải khổ luyện mười năm mà bây giờ một cây kiếm cũng không xài tới? Cuối cùng nàng rút ra kết luận, bởi vì thời buổi này kinh tế khó khăn, nhiều người tốt nghiệp không thể làm việc đúng chuyên môn, chỉ đành làm trái nghề kiếm miếng ăn bỏ miệng! Nghĩ thông suốt rồi, Tiểu Mai hồ hởi chạy theo Quận chúa chơi đánh đu...
Nói gì thì nói, kiến thức không bao giờ uổng phí. Nhiều tình huống phát sinh trong cuộc sống đòi hỏi nàng phải có trình độ mới giải quyết nhanh gọn được. Ví dụ như chuyện đập ruồi. Không phải con ruồi nào cũng chết vì cái vỉ tre, nhiều khi chúng nó quá thông minh, không bao giờ mất cảnh giác. Nhưng mà con ruồi dù có khôn đến đâu chỉ cần gặp phải Tiểu Mai cũng phải đi họp mặt với tổ tiên. Nàng chỉ cần vài viên sỏi nhỏ là có thể chọi chúng bẹp dí dính vào tường, công phu này phải rèn luyện năm năm mới đạt tới trình độ thượng thừa, Tiểu Mai vô cùng tự hào!
Ăn chơi nhiều tháng, để bản lĩnh không tuột dốc dĩ nhiên Tiểu Mai vẫn phải ôn tập thường xuyên. Vào mùa đông khi Quận chúa điện hạ hồi kinh, Tiểu Mai cũng theo về, trở lại Mật Bảo Các thỉnh an các sư thúc sư bá, nhân tiện để sư phụ kiểm tra lại công phu quyền cước. Thường thì mùa đông rất bận rộn, nàng đi tu nghiệp, phải vượt qua tiêu chuẩn của sư môn và hoàng thượng, không rảnh chơi với Quận chúa nữa. Tuy chức vụ a hoàn kiêm ám vệ này nhàn tản lương cao nhưng mà yêu cầu cũng khó. Thỉnh thoảng đương kim thánh thượng còn gọi nàng tới dặn dò, ngài rất xem trọng thân chủ của nàng, muốn nàng dùng tính mạng bảo hộ cô bé. Được hoàng đế coi trọng như vậy Tiểu Mai cảm động vô cùng. Lúc nhỏ nàng vẫn hâm mộ sư phụ, Trì sư bá và Lôi sư thúc. Ba người họ là ám vệ cận thân của bệ hạ, thường xuyên đi công tác và làm mấy phi vụ bất khả thi, phải có tài năng vượt bậc mới được trọng dụng như thế!
Một ngày nọ, sau khi từ sư môn trở về, Tiểu Mai rầu rĩ lê thân đến tìm chủ tử. Hôm nay nàng phải tập chạy bộ và khuân vác vật nặng, sư phụ nói thể lực của nàng đã kém đi, cần rèn luyện nhiều hơn. Nhưng mà Tiểu Mai không buồn vì chuyện này, nàng âu sầu là vì sư phụ còn nói nàng nên ăn ít đi, ăn quá nhiều nên “thịt” trước ngực cứ phồng ra, so với năm trước lớn hơn hai phân. Công nhận sư phụ có khác, bằng mắt thường đã đo được hai phân... Bái phục, bái phục! Tiểu Mai biết rằng chuyện này không tốt, bởi vì lúc chạy hay bay nhảy, đánh đấm đều gặp khó khăn. Hãy tưởng tượng nơi nào đó cứ nẩy tưng tưng, phồng to vướng víu, tốn vải may áo mới, lúc giữ thăng bằng trên dây có thể lệch trọng tâm, di chuyển qua khe hẹp thì bị kẹt lại...
- Sư phụ... Cứu, cứu con với...!
- Thở ra, thu ngực lại, từ từ lách người sang!
- Thở... Thở... Vẫn không được ạ!
-...
- Hu hu, con cố hết sức rồi...
- Các đồ nhi! Đi lấy búa qua đó phá đá, giải cứu sư tỷ các ngươi đi!
Tiểu Mai đau khổ suy nghĩ, làm nữ ám vệ thiệt thòi hơn nam ám vệ, chính vì thế trong sư môn, con gái chỉ đếm trên đầu ngón tay mà cũng không có mấy người làm nên tên tuổi. Nàng khá hâm mộ A Mị tỷ, tuy sư tỷ thân thủ không bằng nàng nhưng có tài luyện thú, rất giỏi luyện dơi đưa truyền tin tức. Trì sư bá nói rằng nàng khó lấy chồng bởi vì không có tên đàn ông nào thích ngủ chung giường với cọp và chồn hôi cả!
Nữ ám vệ số khổ, không được mặc quần áo đẹp đã đành, còn bị đối xử như con trai, sức lực thì không bằng phái mạnh, ngoài ra còn gặp phải nhiều vấn đề khó giải quyết. Ví dụ như năm Tiểu Mai mười lăm tuổi đi theo sư phụ học hỏi chuyện giết người. Đêm ấy hai thầy trò lẻn vào nhà một tên nghịch thần, kẻ này ủng hộ Tề vương làm phản, không có cách nào khác là phải ám sát hắn. Trong phủ có một đám hộ vệ bản lĩnh không nhỏ, Tiểu Mai ngồi trên nóc nhà đợi sư phụ thì bị họ phát hiện. Nàng nhanh nhẹn tẩu thoát nhưng không ngờ đám người đó giỏi khinh công như vậy, đuổi ráo riết phía sau. Cuối cùng nàng hao hết thể lực, bị bao vây trong rừng trúc. Tiểu Mai liều mạng chống trả, nàng đánh năm tên đàn ông không thành vấn đề nhưng mười ba người võ công cao cường là chuyện khác! Trong lúc tuyệt vọng nghĩ mình sắp chết thì sư phụ tìm đến, giải cứu nàng từ vòng vây. Hắn là một sư phụ tốt, tuy xưa nay chỉ phê bình không khen ngợi nhưng mà hắn thường bỏ thêm nửa con cá kho vào bát cơm của nàng, đêm đông lạnh hắn hay thức dậy giúp nàng kéo chăn, khi nàng ngã bệnh cũng tận tình săn sóc. Lần này hắn cứu nàng một mạng, tình thầy trò thật là đáng quý!
- Chết tiệt! Bị thương lúc nào mà không nói? Ngươi có biết vết máu dọc đường đã để lộ hành tung của chúng ta không???
- Ơ? Đệ tử không để lại vết máu, chỉ mới trúng hai đao trong rừng trúc, đệ tử đã bó vết thương lại...
- Ta không nói lúc đó! Trước khi ngươi bị đuổi giết đã để lại máu trên tường rồi!
Hả? Nàng để lại máu trên tường khi nào chứ? Sư phụ tức giận đùng đùng, nhìn mặt ngu của nàng càng giận hơn, hắn quát ầm lên:
- Rốt cuộc bị thương chỗ nào? Có phải hồi chiều tập luyện với Tiểu Hào bị thương không?
Tiểu Mai lắc đầu ngoay ngoáy. Đùa à, Hào sư huynh chưa bao giờ đánh thắng nàng đâu! Sư phụ kéo Tiểu Mai xoay xoay mấy vòng, muốn tìm vị trí vết thương, cuối cùng hắn dừng mắt trên mặt đất. Nàng theo phản xạ cũng cúi đầu nhìn theo...
Có mấy giọt máu dính trên đá... Nhỏ từ quần xuống... Chân bị thương rồi!? Lúc nào cơ chứ, vì sao không thấy đau? Sắc mặt sư phụ biến hóa khôn lường, cuối cùng hắn không nói không rằng, vác nàng lên vai chạy về sư môn. Kỷ niệm lần đầu có kinh nguyệt thật đau khổ, suýt chết chỉ vì thiếu kiến thức!
Sau khi lột xác thành thiếu nữ, Tiểu Mai thay đổi rất nhanh, so với A Mị tỷ cũng không thua kém gì. Da nàng ngày bé hơi đen đúa vì phơi nắng nhiều, về sau đột nhiên lột da cứ như rắn, trở nên trắng bóc giống cái bánh bao. Ám vệ thường xuyên mặc đồ đen, màu da nàng tương phản kịch liệt với quần áo, nhìn càng trắng nõn. Cộng thêm khuôn mặt mũm mĩm búng ra sữa làm cho không ít sư huynh sư đệ trong phái bị sái cổ. Lẽ ra màu đen vừa thần bí lại dũng mãnh, nàng mặc vào bị A Mị tỷ nhận xét là “lẳng lơ”, “dụ dỗ”... Oan quá đi mất!
Ngay cả sư phụ cũng ghét bỏ nước da trắng quái dị của nàng. Hắn thấy nàng mặc đồng phục của sư môn thì nói: “Giống hệt khúc cơm nắm cuộn rong biển, nhìn chướng mắt quá!”
Hào sư huynh sờ cằm thắc mắc:
- Không phải sư bá thích ăn cơm nắm sao? Đổi khẩu vị rồi chăng?
Để không bị chê cười, Tiểu Mai quyết định từ nay về sau dịch dung thành da nâu, nàng pha chế thuốc nhuộm da, cứ sáu tháng bôi một lần. Thế là a hoàn của Quận chúa có nước da bánh mật, tự nhiên trông bình thường hơn, ít thu hút ánh mắt người khác.
Qua sự việc nhuộm da, Tiểu Mai rút ra kết luận ngoại hình có thể cải tạo, không gì là không có cách! Nàng lại bắt đầu suy nghĩ phương pháp làm giảm thịt trước ngực. Bó lại thì không thoải mái, lâu ngày sẽ sinh bệnh, liệu có phương thuốc nào uống vào ngực phẳng không? Tiểu Mai buồn rầu một tháng trời, mãi cho đến một hôm nàng đánh bại sư phụ mới thoát cơn buồn phiền. Chuyện là hôm ấy hai thầy trò tỉ thí với nhau, nói là tỉ thí chứ Tiểu Mai biết rõ mình sẽ thua, nàng chưa từng thắng được một chiêu nào cả! Đánh với sư phụ tuy không khác gì hành xác nhưng mà sẽ tiến bộ rất nhanh, Tiểu Mai phải tận dụng cơ hội! Lúc nàng xuất thủ vốn không tin sư phụ sẽ bị thương, bởi vì chiêu thức này khá phổ thông. Ai dè ám vệ cận thân của hoàng đế lại bị chém một nhát khá sâu, chính thức lăn ra đất. Tiểu Mai thất kinh, nàng không cố ý đả thương sư phụ, nàng nghĩ rằng một động tác bình thường như thế hắn nhất định đỡ được!
Sau khi đưa sư phụ đi băng bó vết thương cẩn thận, Tiểu Mai hổ thẹn quỳ bên giường sám hối. Từng đám người chạy tới thăm hỏi tặng quà, các sư bá sư thúc cười ha ha vui mừng, bởi vì họ luôn tức tối một điều xưa nay không đánh thắng được sư phụ. Các sư huynh sư tỷ sư muội sư đệ thì nhìn Tiểu Mai với ánh mắt thán phục. Tiểu Mai lại nhìn sư phụ với ánh mắt tự trách...
Một hồi rộn ràng qua đi, khi mọi người đã ra về sư phụ mới chầm chậm bảo nàng:
- Thật ra cái này có hại nhưng cũng có lợi. Ít nhất là làm kẻ địch mất tập trung, lợi dụng tình huống giành thế thượng phong! Con không cần nghĩ cách làm nó nhỏ lại, cứ thế này đi!
Tiểu Mai chớp mắt, rồi chớp mắt, nửa ngày sau mới tỉnh ngộ. Hóa ra sư phụ muốn nói chuyện “nhiều thịt” kia sao!? Thì ra nhiều thịt cũng có lợi nha! Ơn trời vì nhiều thịt mà đời con mới có một lần đánh thắng sư phụ đại nhân! Đa tạ, đa tạ!
Tiểu Mai đem theo tâm trạng hồ hởi trở về Tương Đông Hiên. Ba ngày nữa là tới lễ chải tóc của Quận chúa, nàng sẽ được nghỉ phép ít hôm. Quận chúa đã mười bốn tuổi, so với ngày bé càng xinh đẹp hơn. Hoàng thượng vẫn yêu mến nàng như cũ, ân sủng mênh mông. Từ khi mười tuổi Quận chúa đã bắt đầu học nhạc và nữ công, Tiểu Mai cũng theo đó biết cách thêu thùa cơ bản. Quận chúa không có năng khiếu gì, chỉ trừ đàn tranh là khá giỏi. Nhạc sư vẫn thường khen nàng có thiên phú.
Khi Tiểu Mai bước vào thì thấy Tư Tư ngồi gần cửa sổ, tóc đen dài, đầu hơi cúi, ngón tay dạo trên dây đàn. Giai điệu này lạ quá, Tiểu Mai chưa từng nghe nhạc sư dạy. Quận chúa chỉ đàn được một đoạn ngắn thì do dự ngừng lại.
- Điệu này rất êm tai, tại sao điện hạ không tiếp tục?
Tư Tư ngẩng đầu lên, cười với nàng tươi rói:
- Mai tỷ trở về rồi? Tư Tư chỉ tùy hứng mà thôi, đây không phải bài hát.
- Thật sao? Nhưng nô tì nghe rất hay mà, Quận chúa tự sáng tác hả?
Tư Tư rũ mắt lắc đầu, nàng thì thầm tự bảo:
- Muội không rõ lắm, chỉ đột nhiên nhớ tới... Hình như đã nghe ở đâu đó. Tỷ cũng biết muội hay bị nhức đầu mà, mỗi lúc như vậy muội lại mơ hồ nhìn thấy chuyện quái lạ nhưng sau đó nhớ mãi không ra...
Bệnh đau đầu của Quận chúa bị đã nhiều năm, hoàng thượng mời rất nhiều danh y mà không chữa được. Sư phụ của Tiểu Mai từng tiết lộ, Trì sư bá đang truy tìm tung tích của Thủy Tức Chân Nhân. Hy vọng ông ta xuất hiện lần nữa giúp Quận chúa trị bệnh.
- Điện hạ không cần quá lo lắng. Hoàng thượng nhất định tìm được đại phu giỏi. Người chỉ cần ăn uống điều độ, ngủ đủ giấc thì sẽ ít đau đầu. Vài ngày nữa là lễ chải tóc rồi, Quận chúa phải tranh thủ làm cho xong Tứ bảo, nếu không sẽ không kịp mất!
Tứ bảo gồm có túi tiền, khăn tay, đế giày và đai lưng. Đây là bốn vật cơ bản mà mỗi người con gái Khương La phải biết làm. Vào ngày chải tóc, họ sẽ đem những thứ này tặng cho bốn người quan trọng mình yêu quý. Theo truyền thống, con gái thường tặng túi tiền cho cha, khăn tay cho mẹ, đế giày cho anh trai và thắt lưng cho nam nhân họ thích. Những thứ này cần phải đẹp và tỉ mỉ bởi vì người ta sẽ nhìn vào đó đánh giá phẩm chất của một cô gái, đôi khi ảnh hưởng tới chung thân đại sự.
Từ mấy tháng trước Tư Tư đã bắt tay vào làm nhưng mà nàng không khéo léo, lại không hứng thú. Túi tiền may một nửa thì bỏ, khăn tay vẫn chưa thêu xong một cánh hoa, đế giày thì miễn bàn, chỉ có thắt lưng tương đối ra hình ra dạng. Không biết anh chàng xui xẻo nào bị nàng tặng thì sẽ vào tầm ngắm của hoàng thượng, tháng ngày sau này không yên ổn! Tiểu Mai rất hiểu sự quan tâm của bệ hạ đến Quận chúa là như thế nào.
Ngày chải đầu không còn xa nữa, Tư Tư buộc phải ngồi vào bàn nghiêm túc làm Tứ bảo. Có hai vị mama phòng lễ tới giúp đỡ nàng. Một người sẽ dạy nàng lễ giáo cơ bản, cách đi đứng cư xử theo phép tắc hoàng gia. Một người khác thì dạy chuyện tế nhị của nữ nhân, cách vệ sinh thân thể và bí quyết làm đẹp trong cung đình từ xưa đến nay. Có lẽ anh họ đã mua chuộc người trước, thế nên hai mama này tương đối dễ chịu, không nghiêm khắc với nàng, nếu nàng không thích học thì sẽ không cố ép.
Dự lễ chải tóc sẽ không giới hạn người dự. Ở Khương La, văn hóa này khá đặc sắc. Lễ tổ chức vào mùa thu cho nên năm nay Tư Tư phải hồi kinh sớm hơn hai tháng. Bình thường các quận chúa sẽ làm lễ chải tóc tại nhà nhưng mà Tư Tư có phong hào Minh Châu ngang trưởng công chúa, việc liên quan tới nàng phải do hoàng tộc đảm nhiệm, ngay cả nghi thức chải tóc cũng có Lễ bộ ra tay. Ở miền quê, mỗi làng tổ chức chải tóc chung cho tất cả thiếu nữ, họ thường chọn ngày tốt, mượn sân rộng ở nhà một vị trưởng lão có danh tiếng tốt. Trai tráng trong làng kéo nhau đi xem, hy vọng được cô gái mình thích tặng đai lưng cho.
Hoàng tộc làm lễ chải tóc quy củ và nghiêm trang hơn. Họ thường không tổ chức chung, nhất là công chúa. Người ta quan niệm điềm lành không vô tận, một ngày lành mà có nhiều người cùng chải tóc thì không lấy được phúc khí. Thái Minh đế lên ngôi mười bốn năm, không có con cái nên nhiều năm rồi hoàng cung không làm lễ chải tóc. Năm nay Minh Châu quận chúa đến tuổi, các Cáo mệnh phu nhân đều điểm danh tham dự, triều thần không thích hợp đến nhưng cũng có các công tử tiểu thư thế gia xin đi, họ muốn chiêm ngưỡng quận chúa cao quý nhất Khương La. Sự yêu quý của bệ hạ dành cho Quận chúa là không gì nghi ngờ. Có người cho rằng lấy được quận chúa vào cửa là may mắn, cũng có người ngại chỗ cao là nơi nhiều gió, tốt nhất tránh đi. Chờ đến hai năm nữa, khi quận chúa 16, nói không chừng sẽ xảy ra chuyện lớn gì. Chỉ cần ân vua không thay đổi, cái chức Quận công này sẽ có lắm kẻ muốn trèo lên!
Khi quần chúng ngoài kia còn đang náo nức chờ đợi thì Ca Dương trong này vừa đọc tấu vừa làm như tình cờ hỏi:
- Tiểu Ninh Tử, người nghĩ xem Tư Tư sẽ tặng thắt lưng cho ai?
Ninh công công bị hỏi khó, lau mồ hôi trả lời:
- Nô tài không đoán ra ạ!
Hoàng đế hừ một tiếng, hắn quay sang hỏi ám vệ:
- Phong! Ngươi nói xem Tư Tư sẽ tặng thắt lưng cho ai.
Phong không hiện thân, ở chỗ bí mật nào đó nói vọng ra:
- Thuộc hạ không biết rõ nhưng nghe đồ đệ nói quận chúa điện hạ có để ý tới Sử nhị công tử ở phủ Đô đốc quân.
Động tác lật sách của Ca Dương ngừng lại, hắn đảo mắt một vòng.
- Đô đốc quân Sử Đình Thành?
- Vâng ạ, Sử Hựu Trát là con trai thứ hai của Sử Đình Thành, năm ngoái khi quận chúa xuất cung vô tình đụng phải cậu ta. Hai người tuổi tác tương đương, nói chuyện rất hợp. Sử công tử từng gửi đến Sa Đà rất nhiều tập tranh ảnh cậu tự vẽ. Hai người kết giao bằng hữu gần một năm!
Ca Dương nhíu mày, ngón tay gõ gõ lên bàn:
- Tại sao không sớm báo cáo? Đã quen biết một năm rồi? Thằng nhóc đó là người thế nào?
- Tâu, Sử công tử anh tuấn nho nhã, thông minh sáng dạ, từng giành giải quán quân thi Hội Võ do Thánh Kim vương tổ chức. Năm mười hai tuổi đi học ở Trí Văn Đường, được hiệu trưởng nhận làm đệ tử, đích thân chỉ dạy. Kỳ thi vừa qua đạt hạng nhì vòng sơ khảo, có khả năng đứng đầu bảng năm nay.
Ca Dương nghe thành tích của Sử Hựu Trát, có vẻ không vui liếc nhìn Ninh công công:
- Xuất hiện nhân tài như vậy từ khi nào? Sao ngươi không nói với trẫm hả?
Ninh công công đau khổ cười méo:
- Nô tài từng đưa sơ yếu lý lịch và bức họa cho bệ hạ. Ngài chê Sử công tử quá gầy yếu, mẹ không phải chính thất, nhà họ Sử không phải vọng tộc, rồi sau đó ném qua một bên.
Ca Dương nhớ lại, vài năm trước hình như có chuyện này thật. Lúc đó Sử Đình Thành chưa làm tới chức Đô Đốc quân, Sử phu nhân là thiếp chưa được phù chính làm thê. Chớp mắt vài năm không ngờ mọi chuyện đã đổi thay. Sử Hựu Trát lớn lên khỏe mạnh anh tuấn, Sử lão gia làm quan to, mẹ hắn thành chính thê... Điều kiện như vậy không có gì để bắt bẻ nữa...
Ca Dương cảm giác bị côn trùng bò ở trong lòng, sinh ra cảm giác vừa nhột vừa khó chịu. Nếu lễ chải tóc Tư Tư thực sự tặng đai lưng cho tiểu tử này thì hắn phải cẩn thận dạy dỗ một chút. Nếu thằng nhóc đó không thể vượt qua khảo nghiệm thì không xứng với nàng! Đầu óc hoàng đế xoay chuyển, bắt đầu nghĩ ra một trăm lẻ một chiêu tiêu diệt và hành hạ người khác.
Hắn quên mất Sử Hựu Trát năm nay là một chàng trai hai mươi tuổi, không phải thằng nhóc đơn giản dễ bắt nạt nữa!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.