Phù Dung Trì

Chương 2: Biết dụng lòng người




Phần 4: Hòa An Vương kể chuyện
“Ngựa phi đường xa, lưng chóng mỏi
Vòm trời thành đô cao ròi rọi
Nỗi lòng hồi hương ta khó nói
Chữ Quốc chữ Gia thấy bồi hồi...”
[Trích “Thượng kinh kí sự” của Chu Lạc Trinh, năm Thái Minh thứ nhất]
Hai mươi năm không phải là dài. Nó không đủ để núi thêm cao hay trời thêm rộng. Nó không đủ để Khương La thống nhất thiên hạ, cũng không đủ để bất cứ ai thôn tính Khương La. Nhưng 20 năm đó đủ lâu khiến tóc xanh bạc trắng, lòng người mỏi mòn, hoàng triều đổi chủ...
Nay ta trở lại đất này, thấy tâm thanh thản, thấy lòng nhẹ nhàng, chẳng qua từ lâu đã không còn tham, không còn cầu, không còn tranh... Đi vài ngày bỗng nhớ Sa Đà, ngủ trong khách điếm tự nhiên hoài niệm một cái ôm ấm áp, sáng nay trời mưa rả rích, chân ta bỗng lười biếng lên đường...
– Vương gia, ngài không ngủ ngon sao? Chắc là giường ở đây không tốt như vương phủ?
Tên ám vệ nhìn quầng thâm dưới mắt ta mà nói, sao nghe giọng điệu này có ý châm chọc vậy nhỉ? Đồng hành mấy ngày, ta cảm thấy cái tên này là ám vệ kiêu ngạo nhất mình từng biết, kiểu ăn nói hai ba tầng nghĩa không phải ai cũng làm được.
– Giường quả là hơi cứng nhưng cũng không tới mức khó ngủ. Chẳng qua ta bị đánh thức vài lần, khách điếm này chuột nhiều quá. Đêm hôm khuya khoắt cứ lén lút ngoài cửa phòng, chút cha chút chít...
Ta hài lòng nhìn bộ mặt ăn ớt của hắn, muốn đùa với bổn vương? Ngươi vẫn còn non lắm!
Ròng rã bốn ngày trời cũng thấy được cổng thành phía trước. Khắp nơi là cờ tang rũ xuống, cảnh vật đìu hiu. Ám vệ nói khẽ sau lưng:
– Vương gia, chúng ta dịch dung lẻn vào thành đi!
Ta hiểu ý hắn, bởi vì có một tốp thiết kỵ quân đang dàn hàng kiểm tra người ra vào thành. Áo giáp bạch kim, mũ sắt treo lông đà điểu, giày đinh ba vạch đỏ,... Đây không phải thiết kỵ ở biên ải Bình Thành sao? Ta híp mắt trông ra xa, lòng không khỏi thở dài:
– Xem ra Ôn Chính muốn ngai vàng đến điên rồi...
Thời buổi loạn lạc khó nói, cái gì cũng xảy ra chớp nhoáng không lường được. Chỉ mới 4 ngày mà tình hình kinh thành lại loạn tới mức này, Ôn Chính chen chân chẳng khác nào quấy cho vũng bùn sình ương thêm.
Phải công nhận tài dịch dung của ám vệ rất cao thâm. Ta đóng vai ông già dẫn theo đứa con trai từ trên núi xuống, đem áo lông thú vào kinh thành đổi lấy tiền. Thiết kỵ quân cò kè hết xét tới khám, hỏi đông hỏi tây mãi cho tới khi “con trai” ta nhét mấy tờ bạc mới chịu cho qua. Ta không nghĩ thiết kỵ quân của Ôn Chính nổi tiếng gần xa là kỉ luật chặt chẽ lại hành xử thế này. Bởi thế mới nói, cái gì tồn tại quá lâu thì dễ biến chất.
– Phụ thân, chúng ta nghỉ tạm ở khách điếm một ngày, chờ trong nhà báo tin thì mới quay về...
Ám vệ này diễn trò tới nghiện rồi, ta cũng mặc kệ, theo hắn đi vào quán trọ. Chờ hết nửa ngày, đến tận khuya mới thấy con dơi đen quay vào khe cửa, đậu trên sà nhà. À à, bạn nhỏ truyền tin đến rồi, nhưng mà... Mày là dơi sao?
– Phụ thân, chúng ta đi vào từ ngõ Bắc, trong hai canh giờ tới lính gác sẽ giảm một nửa. Tình hình bên trong không khả quan lắm...
Ta im lặng cột lại ống giày, bẻ khớp tay răng rắc, bao nhiêu năm rồi không chơi trèo tường nhỉ? Sau khi lẻn khỏi khách điếm, chúng ta dựa vào bóng đêm mà âm thầm đi về ngõ Bắc, quỷ không hay thần không biết. Bức tường hoàng thành cao chừng ba trượng, dày đến mười hai tấc, xây bằng thứ gạch vữa đặc chế rất trơn. Ta âm thầm nhìn lũ thằn lằn đang nghêu ngao bò loạn, tiếng kêu của chúng có tính khiêu khích...
– Xương cốt của phụ thân có chịu nổi không? Hay để con cõng người?
Ta liếc xéo hắn một cái, tên này đúng là không bỏ qua cơ hội chọc ngứa sau lưng mà.
– Mẫu thân ngươi từng nói, mặc dù tuổi hơi lớn nhưng ta còn vạm vỡ lắm, “dám chắc trai tráng cũng không bằng”!
Nói rồi ta vận khí, thành thục đi lên vách tường, chọn đúng mấy chỗ sần sùi vì lâu năm, cũng có vài lần suýt tuột xuống nhưng ta lập tức đổi chân lấy đà. Tên ám vệ đứng bên dưới, ta nghe rõ hắn lẩm bẩm:
– Cái này... Vương phi muốn nói đến phương diện nào nhỉ?
Vượt qua năm vòng phòng thủ, ba cửa cẩn mật, cuối cùng chúng ta thành công đáp xuống ngói vàng ở Cương Dương điện. Ám vệ trườn như con rắn, nấp sau mái nhà chẳng ai phát hiện ra. Hắn tìm tòi gì đó dưới lớp ngói, cuối cùng nhe hai cái răng cửa nói với ta bằng giọng chân thành hiếm có:
– Vương gia, chia tay ngài từ đây, tại hạ không có tên, chỉ gọi bằng một chữ Trì. Vương gia quang minh lỗi lạc, phóng khoáng hào hùng, rất hân hạnh được hộ tống ngài. Chủ tử đang đợi vương gia!
Hắn gõ sáu lần có nhịp điệu xuống lá ngói, lập tức nóc nhà mở ra thành thông đạo vừa đủ cho một người. Trì lập tức tan biến, chỉ còn ta hơi do dự rồi nhảy xuống. Bên dưới nhìn giống như phòng ngủ. Một tên thái giám có khuôn mặt y chang khỉ đã đứng chờ sẵn.
– Hòa An vương cát tường, hoan nghênh ngài đường xa ghé thăm tệ xá. Điện hạ đang đợi, xin mời!
Ta gật đầu đi theo hắn, không quên tinh tế dò xét chung quanh. Không nói đâu xa, cụ thể ở tẩm phòng này ta nghe thấy có ba hơi thở, trừ ta và tên thái giám nhất định còn một người, nhưng ta không thể nào xác định kẻ đó nấp ở đâu. Trong lòng không khỏi than một tiếng, vị Tam hoàng tử này... Thật không đơn giản!
Đi qua lớp lớp phòng ốc cứ như mê cung, rõ ràng tên thái giám này cố ý dẫn ta đi lòng vòng. Cuối cùng thì cũng dừng chân trước cánh cửa gỗ hết sức bình thường.
– Điện hạ, vương gia tới rồi!
Cửa liền mở ra, một thiếu niên mày ngài mắt ngọc, da hồng môi trắng xuất hiện. Hắn nghiêng đầu, cười như hoa nở:
– Hoàng thúc đã tới, mời vào mời vào...
Ta chưa kịp hoàn hồn thì đã bị tên nhóc kéo tuột vào trong, cửa nặng nề đóng lại. Không nghi ngờ gì nữa, khuôn mặt này đúng là từ một khuôn mẫu của bệ hạ mà ra, có điều mắt sâu hơn một chút, mày rậm hơn một chút, nét cười vừa hàm hồ vừa sắc bén, không biết là cười thật hay vờ cười... Cậu nhóc này chừng mười bảy thôi, lẽ ra không nên có đôi mắt tĩnh lặng như vậy. Ta nhớ hồi mình mười bảy vẫn còn mặc y phục thái giám, theo đuôi mấy ca ca lẻn ra ngoài cung chơi. Haizzz... Sinh ra trong hoàng quyền, rốt cuộc là phúc hay họa?
Tam hoàng tử rất thân thiết kéo ta ngồi xuống, tự tay châm trà. Căn phòng hắn ở nhìn không có gì lạ, vẫn là mấy hơi thở âm u không xác định được, một cái giường nhỏ chăn gối lung tung, một lọ hoa Tử Đinh Hương đã cắm nhiều ngày, cánh hoa tím ngã xanh rơi lả tả...
– Hoàng thúc, Tử Đinh Hương này có đẹp không?
Ta thu lại tầm mắt, nhấp một ngụm trà... Ah... Trà gì khó uống thế này?
– Trà này chính tay cháu pha, thúc thấy hương vị tốt chứ?
Ta buộc lòng phải nhìn lại khuôn mặt cười cười nịnh nót kia. Lúc này khoảng cách chỉ có một cái bàn, gương mặt phóng đại của hắn có chút khiến ta choáng váng. Bộ dạng này không biết lớn lên sẽ hại chết bao nhiêu đời con gái đây?
– Ngươi bỏ cái gì vào trà?
Ca Dương nghiêng đầu nghĩ:
– Cháu cảm thấy trà Long Đĩnh có mùi nhạt quá, vì vậy thêm ít hoa hồi ép nước... Còn có... Màu của trà lại ngã vàng ố không đẹp, cho nên đánh ít lòng đỏ trứng cho nó tươi hơn!
Ta hít sâu một hơi, trà uống vào bụng đang reo hò đánh trận, có thể phun ra bất cứ lúc nào. Cái tên này, sao không bỏ cả xì dầu vào cho đủ bộ? Ca Dương làm như không thấy bộ dạng tái xanh tái mét của ta, hắn hồn nhiên bảo:
– Mẫu hậu từng nói, ngày xưa bà dở nhất là trà đạo, Dương nhi cũng không giỏi, có lẽ là di truyền!
Ta lại nhìn sang nhánh Tử Đinh Hương. Hồi Phượng Loan vừa đến Khương La, nàng thường đi dạo trong khu vườn trồng nhiều Tử Đinh Hương. Ta nghĩ rằng đây là loài hoa nàng yêu thích, vì vậy cố ý đặt một cành trên khung cửa sổ... Sau này nghe bằng hữu nói, Tử Đinh Hương có màu tím buồn, là ý nghĩa của tình đầu chớp nhoáng, khi chàng trai tặng cô gái một cành hoa, họ mãi mãi không thể tới với nhau... Ta từng đổ lỗi vì Tử Đinh Hương mà đoạn tình tan vỡ, về sau mới biết cho dù năm đó ta tặng nàng hồng hoa, nàng cũng sẽ không chọn theo ta.
Phượng Loan có tài nghệ không kém ai, cầm kì thi họa đều rất giỏi. Riêng một nhược điểm là nàng không pha nổi một ấm trà ngon. Vì muốn cải thiện thành tích, cứ hai ngày một lần ta sẽ làm vật thí nghiệm để nàng thử trà, uống tới nỗi vị giác rối loạn, không phân biệt được cái nào chua, cái nào ngọt...
Kí ức xưa cũ như dòng lũ tràn về, khi ta hồi tỉnh thì bắt được một nét giảo hoạt trong đôi mắt Ca Dương. Tên này... Nói hắn không cố ý thì có trời mới tin!
– Tam hoàng tử tài trí hơn người, biết dụng mưu, biết lúc tiến lúc lùi, biết khơi gợi chuyện cũ để nắm tâm của người khác trong tay. Ngươi đây là đang lợi dụng bổn vương hay đang tìm sự đồng tình?
Ca Dương nhún vai, vẫn ngả ngớn cười:
– Hoàng thúc thẳng tính quá! Bổn điện hạ bây giờ đang ở thế yếu, dĩ nhiên phải cầu cạnh thúc. Bây giờ thiết kỵ binh bao vây hoàng thành, ta bị giam lỏng ở Cương Dương cung này, hoàn toàn vô lực phản kháng... Hy vọng thúc nể tình cũ với mẫu hậu, trao cho cháu một vật!
Ta lập tức đập tay xuống bàn, đứng dậy giận dữ nhìn hắn:
– Ngươi biết cái gì? Dựa vào đâu ngươi cho rằng ta sẽ vì cái “tình cũ” mà nhúng tay vào chuyện này? Đừng quên Hòa An vương hai mươi năm trước đã an cư ở Sa Đà, thề không tham chính. Ngươi muốn ngai vàng, họ cũng muốn! Ta không có lý do gì để vướng vào chính trị phe phái...
Ca Dương ngửa đầu nhìn ta, hắn ở phía dưới mà không chút hèn mọn. Có lẽ cả đời này, ta sẽ không bao giờ quên được ánh mắt hắn ngày hôm đó.
– Hoàng thúc sai rồi, chỉ có bổn điện hạ mới xứng đáng đứng trên trăm họ, cũng chỉ có ta mới có thể đánh lui 50 vạn quân còn cách Bình Thành hai mươi dặm, chỉ có ta mới gỡ được cục diện xâu xé của hoàng triều lúc này... Thúc chọn đi, hoặc là để Khương La mất nước, hoặc là để nó hòa bình thịnh trị dưới tay trẫm!
Chữ “trẫm” của hắn sao mà tự nhiên và ung dung. Ta dường như thấy được một con rồng ẩn hiện trên tấm thân kia. Hóa ra có một số người sinh ra là để tự xưng như vậy...

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.