Nói đến cũng là thế sự trêu người, kẻ hồi nhỏ khao khát phương xa, lớn lên thường sẽ ở lại bản địa, kẻ hồi nhỏ được cưng chiều lưu luyến gia đình ngược lại sẽ ngày càng đi xa; kẻ hồi nhỏ giỏi gây chuyện nhất thường sống giản dị bình yên, kẻ hồi nhỏ học giỏi, đỡ lo… tương lai e rằng sẽ tệ hại hơn mà tìm lại những phản nghịch năm xưa chưa bộc phát ra.
Ngược lại là Lão Thành tình sâu nghĩa nặng, bám riết không buông mà liên tục nhắn tin, gọi điện thoại, phát huy tinh thần cao da chó không biết xấu hổ, thành người bạn cấp ba duy nhất sau khi tốt nghiệp còn liên lạc với Từ Tây Lâm.
Trong mấy năm ấy, Từ Tây Lâm chưa bao giờ đi chơi với bạn cấp ba, không xem họ tán dóc, cũng không tham gia bất cứ cuộc họp mặt nào.
Gã không biết phải làm sao đối mặt với bạn học cũ.
Không phải Từ Tây Lâm không tin Lão Thành và Ngô Đào, hai người đó tuy một đầu đất, một khốn nạn, song đều không phải loại sẽ đem việc riêng tư của người ta đi rêu rao cho cả thế giới biết. Thế nhưng, họ không rêu rao, cũng không có nghĩa là không nói với người khác, dù sao thì sau khi lên đại học thậm chí ra ngoài xã hội, bạn trung học biết rõ gốc gác của nhau đều thành người một nhà, nói chuyện không giấu giếm, không tránh khỏi thỉnh thoảng lộ ra vài câu.
Trên thế giới nào có bức tường gió không lùa qua?
Thay vì cả ngày hoặc tin tưởng, hoặc nghi ngờ người ta kín miệng hay không, Từ Tây Lâm dứt khoát cũng chẳng trông chờ có thể có ai giữ bí mật giúp gã.
Sau khi Thái Kính thi hành án, họ từng ngược xuôi hỏi thăm ra cậu ta bị nhốt ở đâu, mấy lần có người mang quà đến thăm, Thái Kính đều không chịu gặp. Chờ công việc của Từ Tây Lâm ổn định rồi, đột nhiên một ngày kia Lão Thành gọi điện thoại cho gã, nói có người bạn đi thăm Thái Kính, hình như cậu ta bằng lòng gặp người khác rồi.
Hai người vội vàng hẹn thời gian, đi thăm Thái Kính một lần.
Thái Kính cắt tóc húi cua, mặc áo tù nhân, Từ Tây Lâm mới nhìn cơ hồ không nhận ra – Thái Kính dừng lại trong ký ức gã vẫn là một thiếu niên thanh tú tài hoa hơn người, chẳng dính dáng tí nào với gã đàn ông âm trầm hơi còng lưng trước mặt. Bộ xương thiếu niên năm đó chưa phát triển lắm, đã bị song sắt mài giũa ra hình dáng thô ráp, hoàn toàn chẳng dính tới hai chữ “thanh tú”, người cũng béo lên, nhưng khí sắc không hề tốt, khí chất bình thản nhã nhặn năm đó đã chẳng còn sót lại chút nào, trên người lắng đọng lại sự láu cá và điềm tĩnh thành phần phức tạp.
Thấy họ, Thái Kính chỉ thoáng nở nụ cười khách sáo lại xa cách, nói: “Suýt nữa không nhận ra.”
Từ Tây Lâm liền biết, thì ra mình trong mắt người khác cũng đã hoàn toàn thay đổi rồi.
Lão Thành nhất thời không biết nên nói gì, đành phải gợi chuyện: “Mấy năm nay sống thế nào?”
Thái Kính nhàn nhạt đáp: “Cũng vào đây rồi, còn có thể thế nào? Cứ như vậy thôi.”
Cậu ta như một người kết thúc đề tài, một câu làm hai kẻ đối diện đều á khẩu.
Tính ra bạn học cũ gặp mặt, không ngoài nhớ lại chuyện xưa, trao đổi về cuộc sống của nhau, tiếc thay dù Từ Tây Lâm và Lão Thành đều cảm thấy mình sống như chó, cũng không tiện sủa gâu gâu trước mặt Thái Kính.
Ba người họ trước kia ngồi bàn trước bàn sau, cả ngày đi chung, đôi khi buổi tối còn gọi điện thoại cho nhau, chẳng ai chê ai nói nhiều, hiện giờ ngồi một chỗ nhìn nhau trân trân, đối mặt chẳng biết nói gì.
Lão Thành ho khan một tiếng, dùng ánh mắt ra hiệu bảo Từ Tây Lâm cứu viện.
Từ Tây Lâm vắt óc một lát, nói với Thái Kính: “Bọn tao dành dụm được ít tiền, tính mở quán xiên que tên ‘Ông Ngoại’ ngay gần nhà mày, mai kia…”
Thái Kính nghe thế, nhìn gã một cái, Từ Tây Lâm vừa chạm vào ánh mắt cậu ta, liền biết mình đã nói một câu ngu hết sức. Gã nhận ra, Thái Kính đối với tâm ý nho nhỏ này chẳng những không cảm động, có khả năng còn cảm thấy hơi dở khóc dở cười.
Từ Tây Lâm nghĩ lại, phát hiện quả thật thế, đặt mình vào hoàn cảnh người khác mà suy nghĩ, nếu gã và Thái Kính đổi chỗ cho nhau, gã cũng chẳng muốn nhắc đến hai chữ “về nhà”. Trong nhà nào có người thân, chỉ có một oan hồn khốn nạn, thì trở về để làm gì?
Họ lúc nhỏ cũng là nghĩ gì biết thế, sự chân thành năm đó, đến nay nhìn lại, kỳ thực cũng rất buồn cười.
Song Thái Kính tuy thần sắc không hề xúc động, ngoài mặt lại vẫn tiếp nhận ý tốt ngu xuẩn mà khiến người ta lúng túng của họ, khách sáo gật đầu: “Tên là ‘Ông Ngoại’ à? Được, sau này về tôi sẽ đi xem thử, mà cũng chẳng biết phải đợi đến khi nào đây.”
Ba người trố mắt nhìn nhau miễn cưỡng hàn huyên một lúc, quà đã đưa, người cũng phải đi rồi.
Trên đường đến đây kỳ thực Từ Tây Lâm và Lão Thành đã bàn bạc, gặp Thái Kính, không được hỏi cậu ta năm ấy vì sao làm như vậy. Song Lão Thành là hạng thẳng tuột ruột ngựa ngồi không yên mông, rốt cuộc không nhịn nổi, trước khi đi vẫn lắm miệng hỏi Thái Kính một câu: “Lão Thái, mày lúc ấy rốt cuộc là vì sao vậy?”
Nét cười trên mặt còn đó, Thái Kính lắc đầu, lại nói: “Chuyện đã qua, quên mất từ lâu rồi.”
Từ Tây Lâm giơ tay đè đầu Lão Thành, ấn đầu hắn bẻ mạnh lại, phất tay chào Thái Kính, ý bảo sẽ còn đến nữa.
Thời gian qua đi cảnh vật đổi thay, nếu được quay lại, mày sẽ còn rút con dao đó chứ?
Vấn đề này cũng giống với “nếu được quay lại, liệu bạn có còn thích ai đó hay không”, đều vô ý nghĩa cả.
Sau khi rời khỏi chỗ Thái Kính, Lão Thành trịnh trọng nói với Từ Tây Lâm: “Tao muốn mở quán xiên que, mày giúp tao một tay được không?”
Mở quán xiên que không hề dễ dàng, lực cản chủ yếu đến từ gia đình Lão Thành.
Năm đó Lão Thành tuy trượt nguyện vọng một, nhưng dù gì cũng vào được đại học trọng điểm, sau khi tốt nghiệp theo yêu cầu của che mẹ, huyền lương thích cổ mấy tháng, thi lên công chức, mới đi làm non nửa năm, mà nghe nói đã lắc mình biến thành “áp trục hóa” trong tay ba cô sáu bà(1), gặp con gái bình thường đều không nỡ giới thiệu, nhất định phải có điều kiện đặc biệt mới có thể gặp một lần vị “bảo vật trấn tiệm” này. (Huyền lương thích cổ có chú thích trong chương đầu của Sát Phá Lang rồi, lười cop qua lắm)
Trước mắt, “bảo vật trấn tiệm” lại muốn bỏ cơm nhà nước, đi làm Mô-ha-mét, chẳng khác nào từ “áp trục hóa” tự hạ mình thành “xử lý hóa”, cô dì chú bác và cả đám họ hàng gần xa tập thể ầm lên, từ đó triển khai bức hại không mệt mỏi với Lão Thành và quán xiên que tương lai.
Công tác giai đoạn trước của quán xiên que, Lão Thành chuyên tâm đối phó tàn dư phong kiến trong nhà, mà địa điểm mở quán, tiền thuê, lấy giấy phép, trang trí vân vân cả đống việc vặt, đều do Từ Tây Lâm dùng thời gian rảnh giúp hắn.
Sau khi đi làm, tuy thỉnh thoảng tăng ca, nhưng cuộc sống của Từ Tây Lâm vẫn khá an nhàn.
So với sự mệt mỏi thời đại học, đi làm cơ hồ như dưỡng lão, gã từ sáng đến tối cảm thấy mình chẳng có việc gì làm, sở thích lúc rỗi chính là về nhà nấu cơm cho bà ngoại, nấu ngày càng lên tay, món Hoài Dương, món Tề Lỗ, cơm quan phủ đều biết một chút, cơ bản đủ khả năng chuẩn bị một mâm.
Bận rộn vì quán xiên que, mới đầu gã còn chưa quen lắm.
Song có thể trong xương cốt Từ Tây Lâm hơi có mầm “bận linh tinh”, thành thử gã mau chóng tìm được trạng thái.
Những việc vụn vặt trong lập nghiệp, gã là trước lạ sau quen, thủ tục chạy đâu vào đấy, ba tháng sau, hai người chung tay đối phó loạn trong giặc ngoài, kiên quyết mở quán xiên que.
Ngày đầu khai trương, Tống Liên Nguyên dẫn một đám đàn em đến ủng hộ, chen chật ních quán nhỏ, một đám đàn ông con trai vừa ăn xiên que vừa xem đội tuyển quốc gia đá, ầm ĩ đến nửa đêm. Từ Tây Lâm cảm thấy bầu không khí hôm đó quá tốt, có được một chút linh cảm, dứt khoát lấy quán xiên que của người hâm mộ bóng đá làm mánh lới, treo đầy cờ đội bóng lên cửa sổ, vừa có trận đấu quan trọng, liền khởi xướng hoạt động “cùng xem bóng”, biến quán xiên que Ông Ngoại thành một câu lạc bộ hâm mộ bóng đá.
Câu lạc bộ quả nhiên là cây rụng tiền, quán xiên que cuối năm chia lợi nhuận, “chín chín tám mươi mốt nạn” trong nhà Lão Thành dưới hào quang nhân dân tệ chiếu rọi đã tắt lửa quá nửa.
Sau khi quán đi vào quỹ đạo, Từ Tây Lâm liền ném cho Lão Thành, phủi tay không quản, thành một cổ đông im lặng lấy lợi nhuận, có điều qua đợt này, gã phần nào không thể an tâm chậm rãi lún chân trong công việc bình thường.
Công việc “ổn định” này của gã, thu nhập vụn vặt cả năm cộng lại, cũng miễn cưỡng đủ cho nhà họ đóng tiền điện nước.
Song lần này, Từ Tây Lâm không vội vã nghỉ việc làm riêng, gã đã chịu đủ nỗi khổ của “chuẩn bị không chu toàn” và “quyết định bốc đồng”. Gã vừa tiếp tục đi làm, dằn kỹ ý nghĩ nghỉ việc mỗi ngày ngoi lên, vừa dùng thời gian rỗi chậm rãi giúp người ta lập kế hoạch buôn bán, bắt đầu có ý thức tích lũy kinh nghiệm và các mối quan hệ.
Không rùm beng cũng không khoe khoang, toàn bộ là im lặng suy tính và chuẩn bị, tích đủ kinh nghiệm lại đâu vào đấy tiến hành giai đoạn tiếp theo.
Ngờ đâu thế sự vô thường, không đợi gã làm ổn thỏa, quán xiên que “Ông Ngoại” đã qua thời kỳ huy hoàng ngắn ngủi của nó.
Từ sau khi quán xiên que “Ông Ngoại” nổi lên, trong phạm vi một kilomet liên tiếp mở mấy “câu lạc bộ” tên gọi khác nhau, không thể tránh khỏi chia bớt lượng khách, đồng thời tiền thuê mỗi tháng tăng lên cũng thành vấn đề.
Khi đó vừa vặn nhà đất đang nóng, giá nhà nội thành tăng chóng mặt, quán nhỏ mặt đường “ngon” hơn bao giờ hết, chủ nhà bị giá tăng làm mụ mị đầu óc, suốt ngày chạy tới tăng tiền thuê, làm chi phí kinh doanh tăng vọt.
Mà Lão Thành với sự cố chấp của một thanh niên ham ăn, không mảy may chịu thỏa hiệp trên chất lượng, kiên trì muốn dùng thịt ngon nhất và gia vị tốt nhất, hàng xóm láng giềng xung quanh ăn lại chẳng phân biệt được chất lượng hay không, tối đa khen một câu “quán nhà anh ăn ngon”, sau đó trở mặt vô tình nhảy vào vòng tay rẻ hơn.
Mấy tháng sau, quán xiên que thành công lỗ sặc máu.
Cứ thế kiên trì tới cuối năm, rốt cuộc vẫn khó lòng tiếp tục, quán xiên que kinh doanh ế ẩm đóng cửa.
Lão Thành từ thuở lọt lòng lần đầu tiên cảm nhận được nỗi đau đớn của thất bại, đến Trăng Khuyết uống say mèm, khóc nức nở, túm tay áo Từ Tây Lâm than vãn: “Tao học đại học bốn năm, trừ chơi game ra thì chẳng có thành tựu gì, ngay cả yêu đương cũng chưa từng, đã bị đuổi thẳng vào thị trường xem mắt… Bây giờ cũng bắt đầu bị giới thiệu người từng kết hôn… Tao, tao không làm thất vọng mấy năm thanh xuân này sao? Thanh xuân của tao đều bị chó ăn hết rồi…”
Từ Tây Lâm xoa cái đầu chó của hắn: “Không sao, tao bắt nó ói ra, ngoan nào, đừng khóc.”
Từ Tây Lâm vừa thuận miệng an ủi, vừa dùng di động lên mạng chơi, chốc chốc “ừ” một tiếng, cho Lão Thành biết bên cạnh còn có một sinh vật sống.
Đối với những được mất thế này, gã đã cực hờ hững.
Tống Liên Nguyên nghe nói phòng họ gọi một đống rượu, không yên tâm lắm chạy tới xem, bị Từ Tây Lâm buồn chán muốn chết và Lão Thành đau xé ruột xé gan chọc cười.
Rốt cuộc, Lão Thành xỉn quắc cần câu, im lặng nằm duỗi xác.
Tống Liên Nguyên lúc này mới đổ nước suối trong ly của Từ Tây Lâm, mỗi người rót nửa ly bia chậm rãi uống.
“Công việc rất thuận lợi?” Tống Liên Nguyên hỏi.
Từ Tây Lâm: “Cũng tạm, mỗi tội tiền không nhiều, chẳng có gì thú vị hết.”
“Đều giống nhau cả, thôi thì từ từ tích lũy kinh nghiệm đi. Kỳ thực Trăng Khuyết cũng chẳng có gì thú vị.” Tống Liên Nguyên giơ tay chỉ trang hoàng hơi cũ của căn phòng, “Rất nhiều năm trước đã thế này, bây giờ vẫn thế, năm đó là mốt, bây giờ… Ôi, anh cũng định đi rồi.”
Từ Tây Lâm giật mình.
Tống Liên Nguyên bỏ học từ hồi cấp hai, bắt đầu từ nhân viên phục vụ, đến bây giờ, nghe nói trong Trăng Khuyết ngoại trừ ông chủ chính là hắn, đại lưu manh Tống Liên Nguyên năm đó nay đã thành quản lý Tống rồi.
Từ Tây Lâm: “Anh định đi đâu?”
“Trước tiên đi phương Nam xem thử,” Tống Liên Nguyên nói, “Anh muốn tự mình xông pha một chút, còn chưa chịu xông pha thì sẽ già mất, cả đời dừng tại đây, chờ sập tiệm thì về nhà canh cửa. Sau này không có anh, em phải tự chăm sóc mình, gặp…”
Tống Liên Nguyên vốn định nói “gặp cô gái nào thích thì ổn định đi”, nhìn Từ Tây Lâm một cái, lại nuốt xuống: “Thôi, trong lòng em tự biết.”
Tống Liên Nguyên vốn định ăn tết âm lịch xong là đi, kết quả là bị một việc níu chân không đi được – phu nhân Tô Văn Uyển, cụ bà thần tượng nổi danh trong cộng đồng người cao tuổi, bà ngoại Từ Tây Lâm, qua đời.
Hôm ấy vừa vặn là mùng năm, Từ Tây Lâm rỗi việc, sáng sớm dậy nảy sinh ý tưởng, tự mình chiên bánh, bánh này trông xấu xí, nhưng lúc mới ra lò vị cũng tạm, Từ Tây Lâm muốn dâng báu vật cho bà ngoại, bấy giờ mới phát hiện đã hơn chín giờ mà bà vẫn chưa dậy.
Gã gọi mấy lần cửa không mở, liền trực tiếp đẩy cửa đi vào, phát hiện bà lão đã im lặng nhắm mắt xuôi tay.
Sắc mặt bà là màu xám xịt của người chết, đầu lệch qua một bên, da thịt lỏng lẻo.
Song nhìn kỹ thì dường như bà đang mỉm cười.
Từ Tây Lâm ngơ ngác đứng một lúc lâu bên giường bà, ngẩng đầu lên nhìn ảnh ông ngoại lúc trẻ trên cái tủ ở đầu giường, ông tươi cười dịu dàng, ngũ quan tuấn tú, là một mỹ nam tử kiểu cũ.
Nhìn bà ngoại cười vui vẻ như vậy, chắc hẳn đêm qua là ông tự mình tới đón bà.
Lữ khách tha hương, ly biệt hơn ba mươi năm, kết quả là, cuối cùng cũng được gặp lại nhau.
Phu nhân Tô Văn Uyển hưởng dương bảy mươi tám tuổi, không bệnh mà mất.
Bạn bè người thân đều đến đủ, ông cụ nhà bên mỗi ngày trồng nho và cà chua trong vườn khóc như mất vợ, được cháu gái nghe thấy tin mà đến dỗ dành đưa đi.
Tống Liên Nguyên sợ bản thân Từ Tây Lâm ứng phó không được, bèn lùi lại thời gian về phương Nam, ở nhà gã vài ngày để hỗ trợ.
Trịnh Thạc cũng đến, vài năm không gặp, Trịnh Thạc già rồi. Vừa gặp mặt trước tiên trịnh trọng xin lỗi Từ Tây Lâm, nói muốn sắp xếp về nước làm việc mà liên tục không thuận lợi, Từ Tây Lâm vừa nghe liền biết hai chữ “công việc” chỉ là cái cớ, sợ là gia đình mới có chút vấn đề.
Song gã đã qua cái tuổi “thù cha vô trách nhiệm”, Từ Tây Lâm khách sáo tiếp đãi Trịnh Thạc, cảm thấy tán gẫu với ông ta còn khá hợp ý, có lẽ tương lai còn có chỗ cần đến Trịnh Thạc.
Thời điểm đêm khuya vắng lặng, Từ Tây Lâm không nhịn được gửi mail cho Đậu Tầm, vẫn không có hồi âm.
Ngày lễ tang, Chúc Tiểu Trình đặc biệt về nước, quỳ tụng một đoạn kinh cho bà ngoại, song Đậu Tầm không đi cùng.
Từ Tây Lâm âm thầm vò nát sự chờ đợi và hi vọng may mắn trong lòng, tiến lên hàn huyên với mẹ nuôi. Sau đó gã đã hiểu, trần thế ly biệt, khoảng cách thì ra không hề gần hơn sống và chết là bao.
Cho dù hiện giờ là thời đại một tấm vé máy bay là có thể bay đến tận chân trời góc biển, người không gặp được, cũng vẫn y nguyên không gặp được.
Có khả năng là tận đến lúc này, Từ Tây Lâm mới chính thức tiếp nhận sự thật là Đậu Tầm đã rời khỏi gã, gã hệt như cái bánh răng phản ứng chậm chạp, ba năm mới xoay một vòng, một mình đối mặt với dấu vết rõ ràng mà kéo dài của mình.
Đến lúc này, gã rốt cuộc một thân một mình.
Kỳ thực Đậu Tầm hoàn toàn không nhận được mail, Từ Tây Lâm không biết hắn đi châu Âu, căn bản không ở Mỹ, hòm thư cũ dùng trong nước sớm đã bỏ xó, và cũng tám trăm năm rồi không liên lạc với mẹ ruột – có điều đó đều là chuyện rất lâu về sau, Đậu Tầm một lần nọ vì tra tư liệu tìm tài khoản trên một diễn đàn mới lục hòm thư cũ, tìm được mail từ hơn nửa năm trước, tức thì như bị sét đánh, ngay lập tức gác lại tất cả mọi việc, về nước luôn đêm ấy… Đáng tiếc, trở về đã không tìm được Từ Tây Lâm.
Quyết định thứ nhất của Từ Tây Lâm sau khi đưa tiễn bà ngoại chính là bán căn nhà năm đó gã khóc lóc nhất định đòi giữ lại.
Khi ấy trong thành phố rất ít có nơi ở mật độ thấp như nhà họ, từ chất lượng và khu vực tổng hợp lại mà xem, cơ hồ là độc nhất vô nhị.
Lúc ấy giá nhà đang cao, nhà gã nhanh chóng bán được, người mua giống như sợ gã đổi ý, thậm chí còn không trả giá.
Từ Tây Lâm lại mua ba căn nhà – hai căn giao thông thuận tiện, kiểu nhà nhỏ tám mươi mét vuông để cho thuê, tiền thuê hàng tháng cao hơn tiền lương và tiền thưởng của công việc cùi bắp kia cộng lại tới hai ngàn.
Lão Thành nghe chuyện suýt nữa bật khóc: “Tao mới bị chủ nhà lừa tụt quần, mà mày đã phản cách mạng gia nhập tổ chức đó! Mày đúng thật là bạn tốt mà!”
Chủ nhà Từ Tây Lâm ngoại trừ hai căn hộ cho thuê, còn mua một căn nhà nhỏ ba phòng ở khu vực hơi hẻo lánh hơn.
Gã dọn nguyên vẹn phòng ngủ của mình và Đậu Tầm qua đó – hộp chocolate đựng đầy giấy gói kẹo, áo sơ mi và quần jeans đặc sắc của học sinh kín ngăn tủ, thư tình đầu đuôi không ăn nhập non nớt buồn cười… một thứ cũng không vứt đi.
Còn lại một gian làm thư phòng, gã dọn hết thư phòng của Từ Tiến lẫn đĩa nhạc cũ bà ngoại cất sang đó.
Từ Tây Lâm bố trí “nhà mới” thành một vật kỷ niệm khổng lồ, sau đó mất hơn nửa tháng vỗ về con vẹt trầm cảm đến độ tự nhổ lông mình, để nó quen với cuộc sống hai người nương tựa lẫn nhau – tiếp đó, gã xin nghỉ việc, đi khỏi quê hương hơn hai mươi năm mình chưa từng rời xa, không hề lưu luyến mà theo Tống Liên Nguyên về phương Nam.
—
- Ba cô gồm ni cô, đạo cô, quái cô (người xem bói). Sáu bà gồm nha bà (buôn người), mai bà (bà mai), sư bà (hoặc vu bà, chuyên giả thần giả quỷ), tú bà, dược bà, bà đỡ.