Quan Gia

Chương 212: Hội nghị tọa đàm xây dựng kinh tế (P4)




Ngoài việc bàn bạc với Cục khai thác mỏ. Thật ra Đặng Trọng Hòa cũng đồng ý với đề nghị này của Lưu Vĩ Hồng, thống nhất quản lý những hầm mỏ trong toàn Huyện. Cơ quan chuyên môn mới thành lập này chắc chắn sẽ thuộc sự quản lý của Huyện, như vậy vô hình lại tăng thêm quyền lực của y.

Tuy nhiên Đặng Trọng Hòa cũng không vội vàng tỏ thái độ, chỉ im lặng lắng nghe. Y biết rõ, Lưu Vĩ Hồng muốn nói không chỉ có những điểm này, những câu nói tiếp theo, chắc chắn sẽ không còn hợp ý y nữa.

Sau khi Chu Kiến Quốc lên tiếng ủng hộ Lưu Vĩ Hồng, nhiều người bắt đầu cẩn thận hơn khi quan sát sắc mặt Chu Kiến Quốc và Đặng Trọng Hòa. Chắc chắn không thể phát biểu tùy tiện được nữa, đắc tội với ai cũng không tốt. Tháy mặt Đặng Trọng Hòa không hề biểu hiện gì, những người khác cũng không dám lên tiếng.

-Thứ hai, về hình thức Cổ phần hóa, tôi cũng rất tán thành phương án của Chủ tịch Đặng.

Lưu Vĩ Hồng cũng không vội vàng trình bày ý kiến của mình, nhìn qua có vẻ như hắn rất tán đồng phương án của Chủ tịch Đặng.

-Gánh nặng của doanh nghiệp khai thác mỏ của chúng ta, đặc biệt là những mỏ than Quốc doanh thật sự rất nặng nề. Những nhân viên phục vụ hậu cần còn nhiều hơn cả những nhân viên khai thác mỏ, nhân viên về hưu cũng nhiều, công nhân viên chức tập thể cũng nhiều, bộ máy xơ cứng, không hề có sức sống, thiết bị cũng đã cũ, kỹ thuật không hề được đổi mới. Với hình thức kinh doanh như vậy, hoàn toàn không thể thích ứng được với sự cạnh tranh của thị trường. Nói thật, bây giờ chúng ta đang ở thời kỳ kinh tế bao cấp quá độ lên nền kinh tế thị trường, nền kinh tế thị trường cũng chưa được triển khai toàn diện. Nếu đã thị trường hóaa hoàn toàn thì sẽ không có trợ cấp của Nhà nước nữa, như vậy phần lớn những hầm mỏ quốc doanh sẽ không còn trụ vững nổi nữa. Cách duy nhất bây giờ là cải cách thể chế kinh doanh, giảm bớt nhân viên, thay mới thiết bị, tập trung cải cách kỹ thuật, nâng cao sản lượng, giảm hao phí. Vì vậy, tôi cho rằng, việc thực hiện Cổ phần hóa hầm mỏ là điều đương nhiên. Nhưng phải tiến hành Cổ phần hóa như thế nào, tôi cho rằng còn phải bàn bạc.

Lưu Vĩ Hồng nói xong, đưa ly trà lên uống một ngụm.

Các cán bộ khác hoặc uống trà, hoặc hút thuốc, hoặc nhìn đông nhìn tây, dường như không mấy hứng thú với những phát biểu của Bí thư Lưu. Điều này cũng khó trách, những điều Bí thư Lưu nói cũng không có gì mới mẻ, mọi người ngồi đây đều là những người "già đời chuyện họp hành" nên không có chút hứng thú gì cũng là điều đương nhiên.

-Tôi cho rằng, để những nhóm tư bản và những cá nhân tư bản vào xí nghiệp mỏ là không hợp lý, như vậy sẽ làm thất thoát nguồn tài sản quốc gia sau này.

Lưu Vĩ Hồng chậm rãi nói, giọng nói vẫn đều đều, nhưng lại khiến những cán bộ đang hút thuốc uống trà nhìn đông nhìn tây kia ngẩn ra, vô số ánh mắt đều tập trung vào hắn.

Hai hàng lông mày Đặng Trọng Hòa dựng thẳng lên, ánh mắt trở nên linh hoạt và sắc bén.

Bắt đầu rồi!

Lại cái giọng này!

-Tại sao lại phản đối tư nhân vào quặng mỏ? Đây trước tiên là vấn đề quyền sở hữu. Tài nguyên khoáng sản thuộc quyền sở hữu của ai? Tôi nghĩ mọi người ở đây đều biết rõ, là thuộc quyền sở hữu của Nhà nước. Những quặng mỏ của chúng ta chịu sự ủy thác của Nhà nước để khai thác những tài nguyên đó, vì vậy bọn họ không những phải đóng thuế, nuôi sống công nhân viên, tạo được hiệu quả tốt, mà còn phải phân chia lợi nhuận. Những điều này đều rất bình thường. Một khi để tư nhân vào hầm mỏ, tính chất liền bị thay đổi, trở thành chỉ có một bộ phận rất nhỏ dân chúng được sở hữu tài nguyên thiên nhiên. Bây giờ phần lớn những hầm mỏ bị lỗ, đó chỉ là do thể chế kinh doanh không linh hoạt và giá khoáng sản xuống thấp tạo thành, còn về lâu dài các Doanh nghiệp khoáng sản không thể lỗ được, rất nhanh sẽ khởi sắc trở lại thôi. Lúc này, nếu cho tư nhân sở hữu hầm mỏ, chính là đem bán tài sản quốc gia, sau này khi những Doanh nghiệp khai thác đạt lợi nhuận cao rồi, nguồn lợi nhuận đó liệu có còn được phân chia hay không? Nếu nói đúng thì phải phân chia, nhưng đến lúc đó, chỉ sợ những cổ đông tư nhân không ai đồng ý, hơn nữa cũng không có sổ sách rõ ràng, rốt cuộc phải có bao nhiêu lợi nhuận được đưa ra phân chia, có bao nhiêu lợi nhuận được giữ lại để phân chia cho cổ đông. Khi những Doanh nghiệp khai thác gặp khó khăn, nếu để tư nhân nhảy vào thì sẽ tạo nên vấn đề nguồn tài nguyên khoáng sản bị xem nhẹ. Vì vậy chúng ta không thể vì khó khăn nhất thời bây giờ mà mở ra cánh cửa này để tài sản quốc doanh chảy vào hầu bao tư nhân. Nếu muốn cải cách Cổ phần hóa hầm mỏ, nhất định phải nghĩ cách khác.

Lưu Vĩ Hồng nói như đinh đóng cột.

Lúc hắn nói những lời này, trong đầu hắn không khỏi nghĩ đến hình ảnh những ông chủ mỏ than "uy phong hiển hách" của đời sau. Ở biệt thự, đi xe xịn, vung tiền như nước. Mà tiền của họ từ đâu mà có? Đơn giản họ đã lấy tài nguyên của toàn dân bỏ vào túi mình. Bọn họ chỉ cần đầu tư một ít thiết bị, thuê thêm mấy người nữa đến khai thác những tài nguyên khoáng sản rồi đem bán đi, toàn bộ tiền họ bỏ vào hầu bao của mình.

Cũng cùng là công dân XHCN, những người khác chỉ có thể đứng nhìn, còn phải gánh chịu những hậu quả do việc khai thác gây ra. Bạn đang đọc chuyện tại Truyện FULL

Mọi người ngơ ngác nhìn nhau.

Thế nào, làm cải cách Cổ phần hóa cho đàng hoàng luôn sao?

-Bí thư Lưu, không thể nói như vậy chứ? Tại sao những tư nhân vào mỏ quặng rồi sẽ gây thất thoát nguồn tài sản quốc gia được? Huyện Lâm Khánh chúng ta không phải huyện đầu tiên làm như vậy, không ít những huyện bên cạnh cũng đã làm như vậy.

Ngoài dự đoán của mọi người, người lên tiếng lần này, chính là Phó bí thư Huyện ủy Mễ Khắc Lương.

Mễ Khắc Lương là nhân vật lớn thứ năm trong Huyện, khoảng bốn mươi lăm tuổi, được phân công quản lý Công nghiệp và Giao thông vận tải vào những năm 90. Có rất nhiều Phó bí thư trong huyện được phân công quản lý những lĩnh vực trùng với những Phó chủ tịch Huyện. Căn cứ vào những nguyên tắc do Đảng chỉ đạo, những Phó chủ tịch Huyện phải quản lý những Phó bí thư được phân công quản lý cùng những lĩnh vực với mình, sau đó mới đến Chủ tịch huyện phụ trách, đây cũng là lý do khiến Đảng rất khó chỉ đạo.

Lẽ ra Mễ Khắc Lương là Phó bí thư được phân công quản lý Công nghiệp và Giao thông vận tải, việc Cổ phần hóa mỏ quặng cũng thuộc sự quản lý của gã. Gã phát biểu ý kiến của mình ở đây cũng là điều hợp lý. Nhưng trước đó, tất cả những lãnh đạo của Huyện đều không hề phát biểu ý kiến gì, ngay cả Cao Như Bách và Chu Kiến Quốc cũng chỉ một người nói một câu mà thôi, mà cũng không phải phát biểu ý kiến gì của mình đối với buổi tọa đàm. Vì vậy khi Mễ Khắc Lương đứng lên phát biểu vẫn khiến rất nhiều người cảm thấy bất ngờ.

Mặt khác Mễ Khắc Lương xưng hô với Lưu Vĩ Hồng cũng giống như Đặng Trọng Hòa vậy, vô cùng cứng nhắc.

Lưu Vĩ Hồng cười cười, nói:

-Bí thư Mễ, lúc nãy tôi cũng đã giải thích rồi.

Tài nguyên khoáng sản thuộc quyền sở hữu của toàn dân, đối với huyện Lâm Khánh của chúng ta mà nói, ít nhất cũng thuộc quyền sở hữu của tất cả cán bộ nhân dân huyện Lâm Khánh. Nói cách khác, nếu toàn bộ mỏ khoáng sản của huyện Lâm Khánh là một công ty, thì tất cả những người dân trong huyện đều là cổ đông. Kinh gia Quốc doanh, khai thác những nguồn tài nguyên đó, thu nhập từ thuế, lợi nhuận có được đều để chi tiêu cho Nhà nước. Nếu tiến hành xây dựng nền kinh tế thì những người có được lợi ích cũng là những cán bộ trong huyện, điều này cũng hoàn toàn hợp lý. Tư nhân không thể chỉ đầu tư một chút tiền rồi sở hữu toàn bộ quyền khai thác, điều này đối với những cán bộ và nhân dân mà nói là một điều không công bằng. Hơn nữa, tư nhân xâm nhập vào mỏ than quốc doanh, phải tính toán cổ phần, nhất định phải định giá giá trị hiện có của mỏ than đó. Tôi cho rằng, bây giờ những Doanh nghiệp khai thác than chịu lỗ nhiều hơn so với những Doanh nghiệp khai thác mỏ khác trong cả nước. Với những tiền đề như vậy, những tài sản quốc hữu dễ bị định giá thấp, từ đó sẽ biến tướng gây hao mòn tài sản quốc gia. Đây cũng chính là môi trường tốt cho sự tham ô phát triển, chúng ta không thể tạo điều kiện thuận lợi cho những người đầu cơ trục lợi như vậy.

Mặc dù vẻ mặt Lưu Vĩ mỉm cười, nhưng lời nói lại không hề khách khí.

Sắc mặt của những cán bộ khác liền thay đổi, giật mình nhìn Lưu Vĩ Hồng.

Người này cũng thật to gan quá.

Mễ Khắc Lương mặc dù cũng chỉ là một Phó bí thư được giao nhiệm vụ quản lý Công nghiệp và giao thông vận tải, nhưng lại là người được sinh ra và lớn lên từ huyện Lâm Khánh, bất luận là gia đình hay vợ con gã, đều là những gia tộc rất có uy thế trong Huyện. Khi Bí thư Khang còn đương chức cũng phải nhường nhịn gã. Lưu Vĩ Hồng dù có là thân tín của Chu Kiến Quốc thì cũng chỉ là một người từ bên ngoài đến, huống hồ hắn và Chu Kiến Quốc cũng chỉ vừa mới đến không quá nửa năm, cơ bản không thể nói gì tới những thế lực trong địa phương.

Mễ Khắc Lương lòng dạ hẹp hòi, có tính cách muốn người khác phải phục tùng, đi đến đâu cũng đã nổi danh rồi.

Lưu Vĩ Hồng lại chống đối Mễ Khắc Lương như vậy, chắc chắn Mễ Khắc Lương sẽ không từ bỏ ý định.

Quả nhiên, thần sắc Mễ Khắc Lương liền thay đổi, nụ cười âm thầm, lạnh lùng nói:

-Bí thư Lưu, những lời này không hay lắm, cậu như vậy là không tin tưởng các đồng chí ở đây. Tại sao cậu lại dám khẳng định khi định giá, tài sản quốc gia sẽ bị xem nhẹ? Tại sao lại dám khẳng định những cán bộ chủ trì việc này sẽ tham ô hối lộ? Đó chẳng qua chỉ là suy luận của cậu, không có căn cứ gì phải không? Nếu như vậy, tốt nhất không nên tùy tiện nói điều gì, gây ra hiểu lầm lại không tốt.

Lời này vừa nói ra, phòng họp bỗng trở nên yên tĩnh lạ thường, nhiều người chỉ cúi đầu nhìn mặt bàn, hoặc bưng trà lên uống, không ai còn dám nhìn đông nhìn tây nữa.

Trên mặt Lưu Vĩ Hồng không hề có chút sợ hãi, thản nhiên cười nói:

-Bí thư Mễ, đây là buổi tọa đàm, Chủ tịch Đặng cho chúng ta phát biểu ý kiến, tôi nghĩ như thế nào, thì sẽ nói như thế ấy. Những điểm nào không đúng, xin các vị lãnh đạo cứ phê bình.

Nói xong, Lưu Vĩ Hồng liền liếc mắt nhìn Đặng Trọng Hòa, chờ y cho ý kiến.

Đặng Trọng Hòa trong lòng cảm thấy rất oan ức!

Thằng nhãi này cũng quá "gian trá", rõ ràng là giữa hắn và Mễ Khắc Lương nảy sinh tranh luận, một câu nói nhẹ nhàng của hắn, liền đẩy tất cả đẩy sang cho mình. Lúc này, nếu không để hắn nói tiếp, đó không còn là vấn đề dân chủ hay không dân chủ, mà sẽ bị người khác hiểu lầm Đặng Trọng Hòa y cũng sợ Mễ Khắc Lương.

Nhìn qua, Mễ Khắc Lương vừa lên tiếng, Đặng Trọng Hòa đã không dám nói gì nữa!

Mễ Khắc Lương cũng hơi ngẩn ra, có chút xấu hổ, liền rót trà uống, gã cũng không nhìn Lưu Vĩ Hồng nữa, mà liếc nhìn Chu Kiến Quốc.

Chu Kiến Quốc trước tiên là ngẩn mặt, dường như có chút không hài lòng, nghe xong Lưu Vĩ Hồng nói, khóe miệng lại hơi nhếch lên, lộ ra một nụ cười nhạt.

Đương nhiên, bộ dạng chật vật của Trần Sùng Tuệ lại hiện lên trong đầu Chu Kiến Quốc.

Nếu các vị xem Lưu Vĩ Hồng như một thanh niên trẻ tuổi bình thường để đối phó thì các vị đã nhầm to rồi. Cứ đợi đó đi, sẽ có lúc các vị thấy khó chịu.

Người thanh niên này, ngay cả Chu Kiến Quốc tôi cũng không thể hiểu hết nổi.

-Ha ha, chỉ là hội nghị tọa đàm thôi, cứ nói thoải mái đi. Bí thư Lưu, cậu có ý kiến gì, mời cứ nói tiếp. Cũng giống như cậu nói, những gì không đúng, những vị lãnh đạo sẽ phê bình chỉ điểm giúp.

Một lúc sau, Đặng Trọng Hòa cười ha hả, nói thoải mái.

Nhìn qua, Chủ tịch Đặng có vẻ không tức giận, nhưng nếu quan sát kỹ, có thể nhận ra được sự tức giận trong mắt Chủ tịch Đặng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.