Quỷ Thần Trong Tòa Nhà Cổ

Chương 8: Trở về




La Ngọc An đã từng hái những đóa hoa dọc ven đường bên ngoài khoảng sân, nhưng tới tận bây giờ, cô cũng chưa hề nghĩ tới việc hái hoa từ lùm sơn trà đỏ trong điện thờ, bởi vì trong tiềm thức của cô đó là thứ mà Thị Thần rất thích, bình thường nhóm thị nữ tới quét dọn, dâng hương cũng không dám chạm vào bụi sơn trà đó, đương nhiên là La Ngọc An cũng không dám, thật ra cô là hạng người rất nhát gan.
Thế nhưng, vào ngày đầu tiên dịp Tết cô lại nhận được một đóa hoa như thế, trái tim La Ngọc An bất giác đập thật nhanh. Dưới tiền đề Thị Thần là một vị thần thì đóa hoa này xuất hiện thật quá đột ngột, khiến cô phải rung động.
Cô nâng đóa hoa kia lên, đi đến trước mặt Thị Thần, “Đây là quà ngài tặng tôi ư?”
Thị Thần mỉm cười, ngài bảo cô: “Đêm qua gió tuyết rít gào, đóa hoa này đón gió tuyết mà nở, đẹp đẽ vô cùng. Đáng tiếc không có cành lá che chở, nên mới bị gió lớn bẻ gãy.”
La Ngọc An bị ngài dẫn vào khung cảnh đó. Đêm qua gió tuyết đan xen, Thị Thần đứng trong tuyết ngắm hoa, thấy một đóa bị gãy mới nhặt vào để ngay trước mặt cô.
Thị Thần là thần, ban đêm ngài cũng không nghỉ ngơi, bình thường, hầu như ngài chỉ lẳng lặng ngồi trên bàn thờ giống như một pho tượng chân chính. Có phải vô số ngày đêm khi trước, ngài cũng đều một thân một mình mà trải qua hay không? Ngài đã ngắm bao mùa hoa nở hoa tàn? Chỉ cần nghĩ thế La Ngọc An đã cảm thấy đó hẳn là một việc rất cô độc. Nhưng cũng có thể chỉ nhân loại mới tự cho rằng ngài cô độc thôi, có lẽ thần linh thì không thấy như vậy.
Dù thế nào thì, vào lúc trưa đi ăn cơm, La Ngọc An đã lén lút mượn điện thoại của một cô gái rồi ngồi ở góc sáng sủa của nhà ăn chơi game cho Thị Thần xem. Chính thế, chơi game cho Thị Thần xem. Ngài không có hứng thú với mấy tựa game chinh phục tình yêu, mạo hiểm kinh doanh,… rất được các bạn trẻ yêu thích lắm, mà ngược lại, ngài rất thích trò rắn tham ăn đơn giản nhất.
Một con rắn nhỏ, từ lúc đầu chỉ ăn được mấy quả bóng bé xíu, về sau ăn càng nhiều thì cơ thể càng to càng dài ra, La Ngọc An ngồi đó chơi bao lâu là ngài có thể yên lặng đứng một bên nhìn bấy lâu. La Ngọc An cảm giác như ngài xem rất say sưa thì phải, chẳng rõ có phải đấy là ảo giác của cô không nữa.
Suốt tháng Giêng, khi năm mới lặp lại một lần nữa, ngày nào nhóm thị nữ cũng mang ngọc khắc bùa chú tới xin Thị Thần khai quang (*).
(*) Khai quang: là thủ tục để linh vật nhận chủ nhân. Quá trình khai quang sẽ bao gồm lễ cúng, khấn và đọc thông tin chủ nhân. Sau khi khai quang, linh vật sẽ nhận và phù trợ cho chủ.
Trước kia La Ngọc An từng thấy hàng xóm và đồng nghiệp tới chùa miếu đạo quán để thăm thú, cầu cho vận may, đào hoa, hoặc sức khỏe,… đến với mình, thỉnh thoảng còn xin cả bùa chú về nữa, nghe nói chúng đều đã được khai quang rồi. Thứ này có linh nghiệm hay không thì La Ngọc An cũng không biết nữa, trước kia cô không tin thứ này, nhưng nay cô tận mắt chứng kiến từng sợi dây đỏ từ cơ thể Thị Thần túa ra rồi “đậu” trên từng miếng ngọc thì lại thấy, những thứ được ngài “khai quang” chắc chắn sẽ rất hữu dụng!
Trong khối ngọc trắng xanh óng ánh, trong suốt chợt thấy có sắc đỏ rực rỡ tan ra, trông như vết máu đang chuyển động.
Ngày nào nhóm thị nữ cũng mang phiến ngọc tới rồi lại lấy chúng đi, khi hết tháng Giêng nghi thức khai quang này mới tới hồi kết.
Sau tháng Giêng, đền thờ lại trở về trạng thái yên tĩnh thêm một lần nữa, không còn người thị tộc Tần tới tế bái, cầu nguyện nữa, đồ cúng bày đầy điện thờ cũng bị lấy đi từng cái một, điện thờ lại quay về với sự vắng vẻ, lạnh lùng trước đó.
La Ngọc An cảm thấy dường như Thị Thần có thay đổi gì đó… Là thay đổi theo chiều hướng xấu.
Cơ thể ngài ẩn trong tấm áo bào trắng bình thường tuy không để lộ ra ngoài nhưng cũng khiến cô cảm thấy ngài không khác gì người thường cả, vì tứ chi của ngài trông vẫn rất bình thường, mà nay, La Ngọc An cảm thấy cơ thể ngài dường như trở nên “rỗng” đi chút ít. Khi ngài bay lơ lửng trên mặt đất, khi vạt áo tung bay, dường như phần bên dưới của ngài đã không còn là thân thể nữa.
La Ngọc An nhớ tới lần đầu tiên nhìn thấy Thị Thần. Mấy tháng trôi qua cô đã cố quên đi rồi, đã sắp không nhớ rõ nữa, chỉ có cảm xúc sợ hãi khi phải đối mặt với dị loại vẫn còn.
Cô yên lặng quan sát ngài, nhiều lần suýt nữa không nhịn được định kéo tay áo Thị Thần ra xem bên trong trông như thế nào, nhưng rồi cuối cùng cô lại không dám.
Thắc mắc cô chưa hỏi đã bị nhóm thị nữ nói ra. Không chỉ có La Ngọc An nhận thấy sự thay đổi của Thị Thần, những bà cụ đã làm thị nữ phụng dưỡng Thị Thần vài thập niên cũng rất mẫn cảm trước trạng thái của ngài.
“Thưa Thị Thần, lần này ngài bước vào kỳ suy yếu nhanh thế sao?”
“Hay là do vật tế lần trước có vấn đề, nên mới dẫn đến việc ngài bị suy yếu sớm thế này?”
Hai vị thị nữ nói tới việc này thì áy náy vô cùng. Mà bản thân “vật tế” đứng một bên nghe họ nói cũng thấy áy náy thay.
Sau khi thị nữ rời đi, Thị Thần nhìn về phía La Ngọc An, ngài điềm tĩnh mỉm cười, “Sao cô lại thấy áy náy chứ? Áy náy vì không bị ta ăn ư?”
Ngài nhắc nhở như thế La Ngọc An mới ngộ ra, đúng nhỉ, hình như cô không nên thấy áy náy vì người khác đã không ăn thịt mình chứ, dù sao thì cái này nghe cứ là lạ thế nào ấy.
“Nhưng mà… Nếu lúc ấy không phải tôi mà là một tử tù khác, là ngài có thể hấp thụ “ác” mà không khó chịu như bây giờ rồi.” La Ngọc An vừa nói vừa tự nghi ngờ bản thân có khi nào bắt đầu cuồng tín thần linh rồi hay không, cô cứ y như là biến thành tín đồ vậy.
Trước kia một thím tín Phật nhà hàng xóm cũng vậy, thím ấy thấy Phật tổ nói gì cũng đúng, đại sư trong chùa nói cũng đúng, ngày nào cũng nhớ tới việc dâng hương cho Phật tổ, thường xuyên niệm kinh, quyên tiền nhang khói… Sau này rời khỏi đây, nếu có thể thì La Ngọc An cũng định dựng tượng cho Thị Thần, ngày nào cô cũng dâng đồ cúng, dâng hương tụng kinh gì cũng được, để còn bày tỏ lòng thành tới ngày.
Nếu đã nảy sinh ra cái ý nghĩ này thì chắc mười mươi cô thành tín đồ của Thị Thần rồi, đã là tín đồ thì thấy áy náy cũng là chuyện dễ hiểu.
La Ngọc An âm thầm đồng tình với suy luận của mình, cô nghe thấy Thị Thần nói: “Ta cũng không thấy khó chịu.”
“Sinh tử của con người giống như cỏ cây khô héo vậy, Thị Thần nghe thì tưởng như đã vượt qua khỏi biên giới giữa sống và chết, nhưng lại vẫn cứ không ngừng tuần hoàn lại vòng lặp ấy. Suy yếu, say ngủ, phục hồi… vô số lần. Khi nó đã thành một quy luật thì đương nhiên chuyện có thấy khó chịu hay không, cũng không còn quan trọng nữa.”
La Ngọc An nghe thấy thế cũng không bớt nghĩ ngợi được, cô cẩn thận hỏi ngài: “Về sau tôi có thể cung phụng ngài không? Nếu ngài không chê thì tôi sẽ dâng hoa tươi, hương khói hoặc đồ cúng cho ngài.” Cô cũng sẽ xin làm một chiếc tượng để cúng Thị Thần như thím bên nhà hàng xóm đã thỉnh một tượng thần nhỏ từ chùa về.
“Cô muốn cung phụng ta ư?” Vẻ mặt của Thị Thần có hơi là lạ.
La Ngọc An: “Không được ạ? Cũng đúng, tôi không phải người của thị tộc Tần nên hẳn là không thể cung phụng ngài được.” Tuy hơi thất vọng nhưng cô cũng hiểu được phần nào, ngài ấy là vị thần của một thị tộc chứ không phải những vị thần khác, có lẽ Thị Thần là một “tồn tại” tương đối đặc biệt.
Thị Thần vẫn nhìn cô bằng ánh mắt thật kì quái, hơn nữa ngài ấy còn như đang ngẫm nghĩ điều gì, nên nhìn cô thật là lâu.
La Ngọc An: “…” Có phải mình nói sai gì rồi không?
Rốt cuộc thì sự biến hóa ở vẻ ngoài của Thị Thần cũng bắt đầu trở nên rõ ràng. Tay ngài sẽ không lộ ra từ trong áo nữa, ngày qua ngày, nụ cười trên mặt ngài cứ khô quắt lại như là bị vẽ lên, gương mặt gầy gò, ốm yếu đến đáng sợ. Ngài không hay nói nữa, chỉ ngồi yên trên bàn thờ không nhúc nhích, cái cảm giác của “con người” đang dần dần rút ra khỏi người ngài.
Nhóm thị nữ tới dâng hương tuy vẫn cung kính với Thị Thần như cũ, nhưng thái độ đã có chỗ e ngại, họ thử hỏi ngài: “Qua một tháng nữa, phải chăng chúng thần nên chuẩn bị vật tế cho ngài rồi?”
Thị Thần phản ứng hơi chậm, ngài khẽ gật đầu, nói: “Được.”
Cho nên tới tháng sau, Thị Thần lại biến thành hình dáng lần đầu cô nhìn thấy ư? Đến lúc đó cô vẫn ở đây sao? La Ngọc An vừa nghĩ thế thì tiếng nói đờ đẫn, chậm chạp của Thị Thần đã vang lên bên tai cô: “Cô nên đi rồi.”
Tuy đã nghĩ đến việc sẽ rời đi từ rất lâu, nhưng khi nó đột nhiên tới với mình, La Ngọc An lại thoáng sửng sốt. Cô hoảng hốt nhìn Thị Thần đang dần dần trở nên đáng sợ, khẽ khàng “vâng” một tiếng.
“Vâng, cảm ơn ngài.”
La Ngọc AN rất biết ơn Thị Thần, biết ơn trong quãng thời gian qua ngài đã che chở, dung túng cô. Vốn dĩ cô là tử tù sắp bị đưa ra pháp trường, nhưng giờ cô lại có thể sống sót, có lẽ còn có thể làm xong việc mình muốn làm, nên cô rất biết ơn vì đã gặp được ngài ấy.
Đêm cuối cùng ở lại điện thờ La Ngọc An lại gấp rất nhiều hoa sơn trà dâng lên cho Thị Thần, trừ điều đó ra, thì cô chỉ có một thân một mình, thật không biết có thể biểu đạt lòng biết ơn của mình bằng cách nào nữa.
Ngày hôm sau khi nhóm thị nữ tới dâng hương thì nghe thấy Thị Thần cất tiếng nói: “Các ngươi hãy dẫn cô ấy ra khỏi đây an toàn.”
Ra khỏi đây an toàn? Ai cơ? Đôi mắt ánh lên vẻ hoài nghi của hai bà cụ chợt bị bao trùm bởi sự kinh ngạc.
Chỉ thấy bên dưới bàn thờ của Thị Thần đột nhiên xuất hiện một người phụ nữ trẻ tuổi, tóc cô ta đen óng, có vẻ như cô ta không quen đứng đó cho lắm, sau khi chạm phải đôi mắt kinh hãi của hai thị nữ thì lúng túng cười cười, khẽ gật đầu với họ.
La Ngọc An làm “u linh” đã mấy tháng nay, đột nhiên lại bị người khác nhìn thì thấy hơi không quen. Vẻ kinh hãi lồ lộ trong đôi mắt họ, La Ngọc An còn sợ họ sẽ bị kích thích đến mức xỉu tại chỗ, chuyện này đúng là rất nguy hiểm với người già.
“Cô… Cô là vật tế lần trước? Cô còn sống? Sao lại vậy được, chúng tôi cũng không nhận ra nữa… Là Thị Thần…” Một bà cụ kêu lên thất thanh, lúc thị nữ kia vội kéo bà ta lại, thị nữ đó mới nhận thấy mình đã thất lễ, bà ta vừa liếc nhanh Thị Thần ngồi trên cao, vừa vội vàng ngậm miệng lại.
“Dẫn cô ấy ra khỏi đây an toàn.” Thị Thần lại lên tiếng.
Hai vị thị nữ tuyệt không dám chất vấn hay chống đối Thị Thần, họ cúi đầu thưa phải, rồi ra hiệu cho La Ngọc An theo sau mình. La Ngọc An lập tức thấy mình như con chim non rời khỏi tổ, cô sợ sệt không dám cất bước, nhưng sợ sệt cũng trong giây lát mà thôi, rồi sau đấy, cô lại nhấc chân đi theo hai vị thị nữ không chút do dự.
Khi đi ra khỏi cửa, cô quay đầu thoáng nhìn điện thờ, đúng lúc rèm vừa được hạ xuống, che khuất bàn thờ hoa lệ nhưng nồng nặc hương khói, bóng dáng Thị Thần hoàn toàn chìm nghỉm trong bóng đêm.
La Ngọc An im lặng theo sau hai vị Thị Nữ, cũng giống lần đầu cô tới đây, hành lang vắng vẻ không người, gió xuân cũng chưa hẳn là ấm áp, cô thấy hơi lạnh. Những khi theo chân Thị Thần đi qua nơi hành lang này, tuyệt nhiên cô chưa từng thấy lạnh.
Tới sân ngoài, bà cụ trông vẫn tỉnh táo ung dung dường như không thể chịu đựng được nữa, đột nhiên thở mạnh, ôm ngực kêu đau: “Sao lại xảy ra chuyện này được chứ!”
Một bà cụ khác dù không kêu đau, nhưng vẻ mặt bà ta khi nhìn La Ngọc An cũng vô cùng phức tạp.
Tiếp đó, cả khoảng sân bỗng loạn hết cả lên, thị nữ lớn tuổi – vừa sốc nặng nhưng đã được bác sĩ nhanh chân chạy tới cứu chữa – vẫn kiên trì muốn đứng dậy, tự tiễn La Ngọc An ra khỏi đây.
“Đây là mệnh lệnh của Thị Thần!”
Hai thị nữ vừa ra lệnh một tiếng đã có xe chạy vào trong tòa nhà cổ, người đàn ông mặc đồ âu mời họ vào xe. La Ngọc An ngồi đối diện với hai bà lão, họ nhìn cô chằm chằm khiến La Ngọc An thấy chẳng khác nào ngồi trên bàn chông.
Cô nghĩ họ sẽ truy hỏi cô nhiều chuyện, nhưng không, họ chỉ luôn luôn nhìn cô chằm chằm bằng ánh mắt lạnh lùng, nghiêm túc và khó chịu, giống như đang soi mói một miếng “thịt” không phù hợp vậy.
Trên con đường rừng dài bị những tòa tháp môn đỏ rực ôm vào lòng, chiếc xe gầm rú lao đến phía sau rừng sâu. Lúc bước vào giao lộ trong rừng rậm thì nơi ấy đã có một chiếc xe đang chờ, La Ngọc An sẽ lên chiếc xe này một mình, vĩnh viễn rời xa nơi đây.
Gã đàn ông trung niên xuống xe đón cô, trông thấy hai vị thị nữ hiếm khi lộ mặt bèn cười nói thật ân cần, “Thưa thị nữ, chuyện ngài dặn tôi đã làm xong hết rồi ạ, để tôi dẫn vị này rời khỏi nhà cổ.”
Nhóm thị nữ “ừ” một tiếng, thái độ vẫn lạnh lùng cao ngạo như trước đây, trừ với La Ngọc An thì ai họ cũng tỏ thái độ như thế. Với La Ngọc An sắp rời đi, một vị thị nữ cuối cùng cũng không nhịn nổi nữa, bà ta có vẻ khó chịu như thể tín ngưỡng cả cuộc đời mình bị vấy bẩn, giận dữ nói: 
“Mi khinh nhờn thần linh của chúng ta!”
La Ngọc An vô thức định giải thích là mình không khinh nhờn Thị Thần, sau đó chợt nhớ lại mình đã từng trốn trong đống dây đỏ của ngài, thường xuyên núp sau lưng ngài, mỗi ngày đều bám lấy tay áo của Thị Thần để đi ăn, nhờ ngài ấy dẫn mình đi tắm, đã ăn đồ cúng của Thị Thần còn bất cẩn ném tóc vào trong tượng thần của ngài… Mấy cái này có tính là khinh nhờn không nhỉ? Cô không đủ sức nữa, nghĩ đi nghĩ lại vẫn cứ im lặng thì hơn.
Bà cụ thì vẫn còn phẫn nộ la lên: “Mi đúng là con… ti tiện!”
Tuy bà ta không nói rõ ra, nhưng La Ngọc An cũng có thể đoán được tám chín phần mười mình bị mắng là con chuột ti tiện. Cũng không sao, cô chỉ là kẻ tầm thường còn giãy giụa để sóng sót mà thôi, bình thường cũng nào khác gì chuột, cô cũng tự nhận thức được điều này chứ.
Nhưng, La Ngọc An biết chắc chắn Thị Thần sẽ không thấy vậy. Càng là người cao thượng, vĩ đại, thì sẽ càng đối xử với tất cả mọi người một cách bình đẳng nhất.
Né mình bước vào trong xe, nhốt bà cụ còn đang phẫn nộ kia ở bên ngoài, La Ngọc An siết chặt một cái túi màu đỏ rất nhỏ. Đó là thứ duy nhất cô mang ra khỏi đây, bên trong đựng một đóa sơn trà đã khô héo.
Lời tác giả: “Mi khinh nhờn thần linh của chúng ta!” —— đâu chỉ là khinh nhờn, sau này người ta còn định “vấy bẩn” ngài ấy nữa cơ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.