*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Tuần này chỉ còn lại hai ngày, chiều thứ Sáu sau khi giao bài tập về nhà, Hứa Nam Hành cùng các giáo viên bộ môn và hiệu trưởng tổ chức một cuộc họp.
Do trường học không có máy chiếu, Hứa Nam Hành chỉ có thể để các giáo viên truyền tay nhau xem máy tính xách tay của anh, để mọi người xem bài kiểm tra đánh giá năng lực của học sinh do trường học ở Bắc Kinh gửi đến.
Các giáo viên sau khi xem bài kiểm tra ban đầu cảm thấy bài khá khó, nhưng sau một hồi thảo luận, họ vẫn quyết định sử dụng bộ đề này. Tiếp theo, Hứa Nam Hành chuyển đạt một số nội dung đã thảo luận với các giáo viên ở các điểm hỗ trợ giảng dạy khác.
Cuộc họp được tổ chức tại văn phòng giáo viên, hai bàn làm việc ghép lại với nhau để các giáo viên ngồi thành một vòng tròn.
Hứa Nam Hành nói: "Cuối cùng, các giáo viên ở các điểm hỗ trợ giảng dạy tình nguyện đều phản hồi một vấn đề chung, đó là nền tảng kiến thức của học sinh quá yếu, trong giai đoạn lớp 9 cần rất nhiều thời gian để bổ sung kiến thức cơ bản, cần nhiều bài tập và nhiều thời gian ôn tập. Nhưng chúng tôi đều nhất trí rằng, có thể sử dụng phương pháp bổ trợ môn văn hóa cho học sinh trung học phổ thông thi khối nghệ thuật để dạy lớp 9 ở các điểm hỗ trợ giảng dạy."
Thầy Thứ Nhân nhìn anh: "Bổ trợ môn văn hóa cho học sinh trung học phổ thông thi khối nghệ thuật? Ý của thầy là trong năm lớp 9 này, dạy luôn cả kiến thức của lớp 7 và 8?"
"Học sinh nghệ thuật học các môn văn hóa," Hứa Nam Hành nhìn anh ta với vẻ quyết tâm, "chỉ để đối phó với kỳ thi đại học. Vì vậy, không phải là dạy lại từ đầu, mà là tập trung vào các bài thi."
Những lời này thực sự có hơi quá đáng, vì giáo trình của trung học cơ sở không chỉ là kiến thức mà còn nhiều nội dung giúp hình thành quan điểm sống của học sinh, thậm chí cả bài học về sinh lý và vệ sinh cơ thể cũng rất cần thiết.
Hứa Nam Hành nói vậy vì anh có mục đích rõ ràng. Hơn ba nghìn năm trăm cây số đường đi, một mình anh và một chiếc xe đi đến đây trong vòng bốn năm, năm ngày. Hơn ba nghìn năm trăm cây số đường đi, phải học đến mức nào, để trẻ em miền núi có thể đến được Bắc Kinh?
Hiệu trưởng Tác Lãng Thố Mỗ có hơi do dự: "Làm như vậy có khiến học sinh bị áp lực quá lớn không?"
Hứa Nam Hành buột miệng: "Hiện tại áp lực học tập của các em không lớn mà."
"Học sinh sau khi tan học về nhà còn phải làm rất nhiều việc." Hiệu trưởng Tác Lãng Thố Mỗ kiên nhẫn nói, "Làm nông, làm việc nhà, như Đạt Tang Khúc Trân, sau khi ăn cơm ở trường, về nhà còn phải nấu ăn cho ông nội ốm bệnh của cô bé, còn phải làm thức ăn cho lợn, vắt sữa bò. Hiện tại đã là tháng Chín, lại sắp tới là mùa thu hoạch, các em..."
"Xin lỗi, thưa hiệu trưởng." Hứa Nam Hành ngắt lời cô, "Tôi hiểu rằng trẻ em ở đây phải san sẻ công việc nhà và làm nông, nhưng bây giờ các em đã là học sinh lớp 9 rồi, điều này liên quan đến tương lai của các em."
Hiệu trưởng Tác Lãng Thố Mỗ là một người phụ nữ rất dịu dàng, cô luôn nói chuyện bằng giọng ấm áp, không vì những lời nói lý tưởng hóa của Hứa Nam Hành mà vội vàng phản bác. Cô nâng tách trà lên nhấp một ngụm, nói: "Thầy Hứa, tôi rất biết ơn lòng nhiệt huyết giảng dạy của thầy, tôi cũng rất hiểu, thầy đến từ Bắc Kinh, khi nhìn thấy điều kiện ở đây, niềm tin duy nhất của thầy là giúp trẻ em ở đây bước ra ngoài."
Đúng thật là như vậy, Hứa Nam Hành được giáo dục rất tốt. Trong những ngày qua, dù là khi dọn dẹp vệ sinh khu giảng dạy hay khi giúp đỡ trong bếp rửa bát đĩa, dù không phải lúc nào cũng gọn gàng, nhưng chưa bao giờ anh tỏ ra ghét bỏ, dù đó chỉ là phản xạ tự nhiên.
Hiệu trưởng Tác Lãng Thố Mỗ cũng thật lòng biết ơn anh, cô tiếp tục nói: "Nhưng quá trình chuyển đổi cần có thời gian. Cha mẹ của các em, những người biết nói tiếng Hán phần lớn đều ra ngoài làm việc, những người không biết nói tiếng Hán thì làm lao động chân tay ở các công trường dưới núi. Các em ở tuổi mười ba, mười bốn, mười lăm, mười sáu, trồng khoai tây, đào đông trùng hạ thảo, chăn bò chăn cừu, là lao động chính trong gia đình."
Hứa Nam Hành im lặng một hồi lâu.
Trong khoảng thời gian im lặng đó, anh cảm thấy có chút hối hận, không biết hôm qua mắng Chu Dương có quá đáng không. Có lẽ lúc đó là thời gian duy nhất Chu Dương được thả lỏng.
Và Tác Lãng Thố Mỗ cũng để dành thời gian đó cho Hứa Nam Hành im lặng, cô hiểu rõ Hứa Nam Hành cần thời gian để tiêu hóa những thông tin này. Một giáo viên trẻ đến từ thủ đô, có thể cấp trên thậm chí không đẩy những nội dung này đến cho anh.
Vì vậy, nhiều khi con người sẽ rơi vào một loại tình thế khó xử.
Loại tình thế này thường có thể coi là "ngõ cụt". Cha mẹ ra ngoài làm việc là để có tiền sinh hoạt cho gia đình, cha mẹ không ở nhà, con cái phải chăm sóc ông bà và em nhỏ. Đừng nhìn Chu Dương bề ngoài có vẻ vô tư lự, gia đình cậu ấy có hai em trai và một em gái, đều phải dựa vào cậu ấy chăm sóc.
Cuộc họp chiều thứ Sáu cuối cùng cũng không có kết quả gì, Hứa Nam Hành nằm trên giường ký túc xá, chiếc giường mềm mại và ấm áp với nhiều lớp đệm. Khi thời gian tiến đến cuối tháng Tám, Tây Tạng dần trở lạnh, đúng như Phương Thức Du đã nói.
Đêm đó, Hứa Nam Hành mãi không ngủ được, anh bắt đầu hoang mang về ý nghĩa giảng dạy của mình ở đây.
Những từ như "tương lai" dường như không thể là động lực chính để học sinh ở đây học tập, vì có một động lực mạnh mẽ hơn, cụ thể hơn, gọi là "sống sót".
Hứa Nam Hành nằm đó, thở dài thật lâu.
Cậu ấm nhà giàu rất ít khi cảm thấy bất lực và bối rối như thế, nhưng thế giới này tựa như một kim tự tháp khổng lồ, và đó là cách nó vận hành.
Điện thoại rung lên một chút.
Hứa Nam Hành giơ lên trước mặt, mở khóa.
Tin nhắn của Phương Thức Du gửi đến: [Hết bận chưa?]
[Vừa họp xong, đang nằm đây.]
[Xuống dưới được không?]
"Hả?" Hứa Nam Hành ngồi dậy, sau đó nhớ ra Phương Thức Du đã nói rằng sẽ quay lại sau hai tuần. Vậy là tuần tới Phương Thức Du sẽ trực tại bệnh viện nhỏ ở làng một tuần.
Hứa Nam Hành trả lời: [Được chứ, anh đang ở dưới trường à?]
[Bây giờ đang ở đây.]
Hứa Nam Hành vội vàng xỏ giày, tiện thể dùng camera trước xem tóc mình có bị rối không.
Phương Thức Du vừa từ bệnh viện nhỏ đi bộ tới, hắn không lên lầu, chỉ đứng ở hành lang trước cửa lớp 1, tay cầm một cái túi trông khá nặng.
Thấy anh xuống lầu, Phương Thức Du cười: "Bệnh viện huyện hôm nay phát hoa quả, mang một ít cho cậu."
Hứa Nam Hành, một khi đã coi ai đó là bạn, sẽ vô cùng điềm nhiên, điềm nhiên như ở nhà. Nghe Phương Thức Du nói mang trái cây cho mình, anh cười: "Làm gì mà khách sáo thế! Có gì trong đó để tôi xem nào."
Rồi anh dùng ngón tay để móc vào túi nhựa của Phương Thức Du, nhìn vào bên trong.
Tây Tạng có địa hình quá cao và điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nên trước đây chỉ trồng được vài loại trái cây. Sau này, nhờ có kỹ thuật trồng trọt tốt hơn cũng như được vận chuyển từ Tứ Xuyên, Tân Cương và các nơi khác, các loại trái cây ở thành phố và huyện mới trở nên phong phú hơn nhiều.
Nhưng ở làng thì điều kiện không tốt như vậy, từ khi Hứa Nam Hành đến đây, trái cây anh ăn chủ yếu là táo.
"Có thanh long, dưa ngọt, cam." Phương Thức Du cầm túi nói, "Cũng không biết cậu có thích ăn không, nhưng ở đây trái cây khá hiếm, đến khi trời lạnh thì còn hiếm hơn, mỗi loại tôi đều lấy một ít."
"Quả nào cũng thích." Hứa Nam Hành vừa nói vừa lấy một quả cam ra, vì anh phát hiện đây là loại cam có thể bóc tay, quá là tuyệt.
Phương Thức Du ban đầu còn lo lắng anh không dám nhận, giờ thì yên tâm rồi, Hứa Nam Hành dùng ngón tay móc vào vỏ cam và bắt đầu bóc.
Vừa bóc vừa nói: "Tối nay vừa họp xong."
"Ừ." Phương Thức Du quay lại, từ lớp 1 mang ra hai cái ghế. Hứa Nam Hành nhìn một cái rồi ngồi xuống mà không khách sáo gì.
Hứa Nam Hành tiếp tục nói: "Bọn trẻ ở đây về nhà còn phải làm nông nữa à?"
Phương Thức Du gật đầu: "Đúng vậy, hầu hết gia đình ở đây đều trên có già dưới có trẻ, à đúng rồi, suýt quên mất."
Phương Thức Du lấy từ túi áo khoác ra một cái hộp nhỏ, đưa cho anh: "Đạt Tang Khúc Trân là học sinh lớp cậu phải không? Cậu giúp tôi đưa cái này cho cô bé vào thứ Hai. Đây là cao dán hoạt huyết hóa ứ, cho ông của cô bé dán lưng."
"Được rồi, tôi nhớ rồi." Hứa Nam Hành bóc cam đưa cho anh một nửa, "Anh cứ để vào túi trái cây đi."
Phương Thức Du để vào túi rồi hỏi: "Sao tự nhiên cậu hỏi chuyện này?"
"Đừng nhắc nữa." Hứa Nam Hành cắn một múi cam, vừa nhai vừa ngẩng đầu nhìn sao, "Chiều họp, tôi có ý định tăng cường độ giảng dạy, kiến thức căn bản của bọn trẻ quá yếu, muốn dùng cách của học sinh khối nghệ thuật ôn thi đại học để dẫn dắt năm lớp 9 này."
"Không được đâu." Phương Thức Du không chút khách sáo như Tác Lãng Thố Mỗ, "Các em học sinh không thể làm kịp đâu."
"Nhưng không học thì làm sao đây, bác sĩ Phương." Hứa Nam Hành quay đầu lại, đôi mắt nhìn thẳng vào hắn, "Làm sao đây, không học, không thi đỗ, thì mấy chục năm sau, các em sẽ sống ở đây mãi sao? Hay ra ngoài làm công, chỉ mới tốt nghiệp trung học cơ sở, không có bằng cấp, thì có thể làm công việc gì?"
Phương Thức Du cúi đầu một chút, hắn hiểu Hứa Nam Hành là một nhà giáo dục, có thể thông cảm với anh. Thậm chí Phương Thức Du có thể đoán được, những lời này anh cũng chỉ nói với mình, khi họp tuyệt đối không nói như vậy.
"Thầy Hứa." Phương Thức Du hơi nghiêng người, hắn nói, "Tôi kể cậu nghe một chuyện về chúng tôi đi khám bệnh tình nguyện nhé."
Phương Thức Du: "Trước đây có lần, chúng tôi đi khám bệnh tình nguyện ở một ngôi làng khá xa xôi, con đường vào làng còn không đủ rộng cho xe, thuốc được kéo lên bằng xe bò. Trong làng có một thầy thuốc Tây Tạng, là kiểu không có chứng chỉ hành nghề mà cậu nói đó, họ lạc hậu đến mức nào nhỉ, vẫn dùng "thạch biếm", đó là gì nhỉ, ví dụ như cậu thấy có chỗ không khỏe, tôi lấy một viên đá nhẵn, nung nóng lên rồi ấn vào chỗ đó của cậu."
Hứa Nam Hành vô thức cau mày, có hơi không tin nổi.
Đúng thật là khó tin, dù không có nhiều kiến thức về y học cũng biết phương pháp này cổ hủ đến mức quá đáng.
"Nhưng "thạch biếm" là cách tốt nhất mà họ có thể làm. Vài năm trước, cách chữa bệnh của họ là xua đuổi tà ma." Phương Thức Du nói, "Người dân trong làng đó thường mắc các bệnh về khớp, bệnh ngoài da và các bệnh phụ khoa nghiêm trọng. Cậu còn nhớ chúng ta đã nói về trường hợp của Trác Ca không, bảo hiểm y tế ở đây rất cao, nhưng dân làng vẫn không muốn đi bệnh viện khám bệnh vì họ là lao động chính. Nếu họ đi, thì con cái, ruộng vườn, gia súc sẽ ra sao. Rất nhiều người trong số họ thậm chí không có thời gian nấu một bữa ăn nóng, chỉ ăn tsampa*, sữa chua hoặc thịt bò khô để sống."
(*) Tsampa: Là tên gọi của bột đại mạch, đồng thời cũng là một dòng bánh làm từ loại bột này. Bánh tsampa thường được dùng kết hợp với trà ngọt hoặc trà bơ.
Hứa Nam Hành đại khái đã hiểu.
Chung quy lại, đó chính là hoàn cảnh khó khăn.
Hứa Nam Hành muốn bọn trẻ chỉ tập trung vào việc học, Phương Thức Du hy vọng bệnh nhân có thể đến bệnh viện khám bệnh. Họ đều hy vọng những người mà họ chịu trách nhiệm có thể ra khỏi làng.
Nhưng sự việc thường không đơn giản như vậy, trên thế giới này hiếm có việc gì đơn giản.
Sự "hiểu" của hiệu trưởng Tác Lãng Thố Mỗ là có thể hiểu động lực của Hứa Nam Hành, sự "hiểu" của Phương Thức Du thì là sự cảm nhận thực sự, họ có cùng tần số.
"Tôi quá lý tưởng hóa rồi." Hứa Nam Hành thở dài, thở xong lại ăn một miếng cam, "Ngọt thật."
Phương Thức Du thấy tâm trạng anh vẫn khá tốt, cũng thả lỏng một chút, nói: "Tóm lại, những việc này không phải là chuyện một sớm một chiều, cũng không phải một hai người có thể thay đổi. Người dân ở đây cần phải "sống", sau đó mới là "sống tốt". Tôi không thể khuyên cậu điều gì, chúng ta chỉ có thể cố gắng hết sức, thầy Hứa ạ."
"Ừ." Hứa Nam Hành gật đầu.
Hai người chia nhau quả cam, sau đó im lặng ngồi nơi hành lang dưới bầu trời đầy sao một lúc, rồi đặt ghế trở lại lớp học, chúc nhau ngủ ngon.
Phương Thức Du nghĩ rằng sau cuộc trò chuyện này, Hứa Nam Hành sẽ nhìn thấu mọi chuyện.
Kết quả là, sáng thứ Bảy lúc chín giờ, Hứa Nam Hành đã đến bệnh viện tìm hắn.
Hắn giật mình, tưởng rằng Hứa Nam Hành gặp chuyện gì, dù gì đây cũng là người hay ngủ đến chiều vào ngày nghỉ. "Có chuyện gì vậy?" Phương Thức Du gặp anh trong hành lang bệnh viện.
"Cho tôi mượn máy in với, tôi muốn in đề thi." Hứa Nam Hành nói, "Hiệu trưởng nói in đề thi đều phải in ở bệnh viện."
"À." Phương Thức Du nói, "Cậu đến quầy y tá, ở đó có máy in."
"Ok."
Phương Thức Du lại hỏi, "Sao còn sớm như vậy đã đến để in đề thi?"
Hứa Nam Hành cũng không che giấu, đi theo Phương Thức Du vào phòng khám, đóng cửa lại, ngồi xuống ghế cạnh bàn làm việc của hắn, lấy điện thoại ra cho hắn xem. Trên màn hình điện thoại hiện lên cuộc trò chuyện của anh với thầy Đàm Hề. Phương Thức Du liếc qua một cái.
Hứa Nam Hành đấm tay tiếc nuối: "Ở Đại Lương Sơn đã bắt đầu dạy học thêm rồi, làm sao ở Tây Tạng lại có thể ngủ yên được! Tôi phải cạnh tranh với thầy Đàm chứ."
"Dạy học thêm?" Phương Thức Du hỏi, "Không phải Bộ Giáo dục cấm dạy học thêm à?"
... với cả tại sao các thầy cô giáo tình nguyện đều phải cạnh tranh với nhau như vậy, đây là đặc sản của thành phố lớn sao.
Hứa Nam Hành nheo mắt, nghiêng người, cười ranh mãnh: "Tôi đã hỏi thầy Đàm rồi, thầy ấy cũng đã tìm hiểu, cấm dạy học thêm là cấm dạy có trả phí, trong văn bản của Bộ Giáo dục viết là "Quy định nghiêm cấm các trường trung học và giáo viên trung học dạy thêm có trả phí", chúng tôi dạy miễn phí, không vấn đề gì."
"Còn về công việc gia đình của học sinh, tôi sẽ nghĩ cách."
Hứa Nam Hành nghiêng người tới gần hơn, nói thêm: "Hơn nữa, nơi này xa xôi hẻo lánh, ai sẽ báo cáo tôi? Tôi sẽ dán biển "Phòng Giáo dục" lên cửa phòng ký túc xá của mình ở tầng hai, tôi muốn xem ai sẽ báo cáo tôi."
Phương Thức Du: "..."
Giáo viên tình nguyện thời nay đều ngạo mạn như vậy hả.