Say Mộng Giang Sơn

Chương 490: Xông vào phủ Lý Tể tướng




Phủ Lý Chiêu Đức đầy khách quý, họ đều là những học giả uyên thâm hoặc quan lại hiển đạt.
Tiếng đàn sáo hai bên nghe rất vui tai, Lý Chiêu Đức ngồi bên trên, mọi người chúc tụng nhau, rượu vào cùng những lời a dua nịnh hót, Lý Tể Tướng đã có phần ngà ngà say.
- Tướng công!
Một người đang cầm chén rượu đến trước mặt, Lý Chiêu Đức vuốt râu, thu đôi mắt say lờ đờ đang lướt trên người mấy vũ nữ đang nhảy múa như chim công kia lại, liếc nhìn lão, thấy bằng hữu tốt Nghiêm Thiện Tư liền nâng chén vừa cười vừa nói:
- Ha ha, lão Nghiêm, tửu lượng của lão vốn không khá mà hôm nay cũng uống đến mức hưng phấn như vậy, nào, tới ngồi cạnh ta, chúng ta cùng nhau uống một chén.
Nghiêm Thiện Tư là Quyền Hữu thập di, phụng sự trong nội cung, mặc dù là cận thần của Thiên Tử nhưng chức quan không cao, một gián quan dường như không có đất dụng võ trước mặt Thiên Tử uy phong như Võ Tắc Thiên. Tuy nhiên tài năng và học vấn của lão cực kỳ xuất chúng, trị kinh dụng điển, học thức uyên bác, vì thế mà giao du với Lý Chiêu Đức.
Nghiêm Thiện Tư ngồi xuống cạnh Lý Chiêu Đức, nhưng lão không vội uống rượu mà nói nhỏ vào tai:
- Tướng công, Thiện Tư nghe nói Ngự Sử Đài ở Lĩnh Nam đã tạo ra một vụ huyết án, giết hại hơn ba trăm nhân khẩu. Bọn chúng còn tâu với Hoàng Đế gì mà Lĩnh Nam có lời đồn “đại võ giả lưu”, tức là kẻ uy hiếp ngôi vị Hoàng đế chính là đám lưu nhân này, khiến cho Hoàng Đế rất sợ hãi, hiện giờ đám Ngự Sử Đài…
Lý Chiêu Đức giơ tay ra ngăn lão lại, cười nhạt một tiếng:
- Thiện Tư không cần phải nói, tại hạ đã biết rồi.
Lý Chiêu Đức hớp một ngụm rượu, nói với giọng căm giận:
- Đám người Ngự Sử Đài làm điều ngang ngược, tán tận lương tâm, những việc bọn chúng đã làm đúng là đều khiến dân chúng và quần thần cùng phẫn nộ! Khi tại hạ nghe được những việc làm độc ác của bọn chúng ở Lĩnh Nam đã không kiềm được cơn giận! Tuy nhiên lão không phải lo, bọn chúng gây ra tội ác đầy rẫy thì sẽ tự rước lấy cái chết mà thôi, tại hạ muốn xem bọn chúng còn hoành hành được bao lâu!
Nghiêm Thiện Tư lo lắng nói:
- Bọn chúng tạo thế như vậy, chỉ sợ Lai Tuấn Thần cũng sẽ tái nhậm chức ấy. Hoàng đế ở tít cung Cửu Trọng, tình hình dân chúng thế nào hoàn toàn dựa vào kẻ khác bẩm báo. Hoàng đế vẫn luôn sợ bóng sợ gió bọn mưu phản, giờ Lai Tuấn Thần làm cho khắp Lĩnh Nam đâu đâu cũng là phản tặc, rất khó bảo đảm rằng Hoàng đế sẽ tái bổ nhiệm y.
Lý Chiêu Đức cười ngạo nghễ:
- Vậy thì sao chứ? Phượng hoàng rụng lông không bằng chim, lão cho rằng Lai Tuấn Thần hiện giờ còn uy phong như trước kia sao? Hừ, án oan bọn chúng gây ra trong thiên hạ ngày càng nhiều thì những lời oán than của dân chúng càng lớn, Lai Tuấn Thần sống tạm ở Đồng Châu còn được, chứ nếu y tái nhậm chức thì vừa hay một mẻ hốt gọn!
Nghiêm Thiện Tư nhướn mày nói:
- Tướng công không được sơ suất, hành động này e rằng như đùa với lửa!
Lý Chiêu Đức đáp lại với giọng không vui vẻ lắm:
- Tại hạ tự sẽ suy xét!
Nghiêm Thiện Tư thấy thế đành im lặng không nói gì.
Phủ đệ của Lý Chiêu Đức nằm ở phường Lập Đức, bốn phía của phường bao quanh là nước, Dương Phàm đi từ Hoàng thành ra, men theo con đê dài Lạc Hà đi về phía bắc, vượt qua một chiếc cầu là tới phường Lập Đức.
Phủ đệ của Lý Chiêu Đức được sửa chữa lại sau khi lão nhậm chức Tể tướng, đó là một trạch viện môn đình rộng lớn, khí thế không hề tầm thường, chỉ cần bước vào phường Lập Đức, dò hỏi một chút thì không có ai là không biết phủ Lý Tể tướng ở đâu.
Giữa đường Dương Phàm bị Thái Bình công chúa ngăn lại, mặc dù hắn vẫn khăng khăng muốn tới Lý phủ nhưng đã bình tĩnh hơn rất nhiều, không còn điên cuồng chạy tới Lý phủ như lúc đầu, thấy trước cửa có rất nhiều xe ngựa đỗ ở đó, Dương Phàm cũng không nói gì, chỉ chăm chăm buộc ngựa vào cọc rồi sải bước lên bậc thềm, nắm lấy chiếc cốc đồng hình đầu thú ra sức gõ vào cửa.
- Thình thịch, thình thịch!
Dương Phàm gắng sức gõ, sau mấy tiếng gõ lớn bèn có người la ầm lên phía sau cửa:
- Ai đấy! Gõ mạnh như vậy đập bể cửa nhà người ta, ngươi có đền được không?
Cùng với giọng nói đó, cánh cửa hé mở, một khuôn mặt bực bội thò ra dò xét Dương Phàm từ trên xuống dưới, thấy gã còn trẻ tuổi, ăn vận cũng bình thường, không giống con nhà quyền quý gì cả liền tỏ vẻ kiêu căng, lười biếng giơ một tay ra nói:
- Lấy ra!
Dương Phàm trầm giọng nói:
- Lấy cái gì ra?
Tên đó không thèm đáp định đóng cửa, Dương Phàm giơ tay ra chống lại và quát:
- Ngươi làm gì đó?
Tên đó trợn mắt nói:
- Ngươi thẻ bài cũng không có, còn muốn vào phủ nhà ta? Đây là phủ Tể tướng, ngươi nghĩ là nhà nhỏ của kẻ nghèo hèn sao? Ngay cả thiệp bài cũng không có còn muốn gặp gia lang nhà ta, thật là nực cười! Mau cút đi, nếu không ta sẽ lôi đến nha môn cho ăn đòn.
Dương Phàm không giận mà còn cười nói:
- Tể tương môn tiền thất phẩm quan, quả thế. Dù gì bản quan cũng là quan ngũ phẩm đương triều, Hình bộ ti, ngươi dù có Thất phẩm thì cũng chẳng là gì, mau tránh ra.
(Tể tướng môn tiền thất phẩm quan: ý nói người trông cửa của nhà tể tướng có địa vị ngang với quan thất phẩm.)
Dương Phàm đưa tay đẩy, hai cánh cửa theo đó mở ra, tên môn tử bị cửa đẩy ngã lăn lông lốc, Dương Phàm sải bước đi vào, đám người hầu thị vệ và đám chăn ngựa của những quan lại đứng chờ trước cửa đều tròn mắt nhìn.
- Người đâu! Mau, có người xông vào phủ Tể tướng, coi trời bằng vung..
Tên môn tử nằm lì dưới đất không dậy, chỉ gào to khiến cho rất nhiều gia đinh nô bộc nghe thấy vội chạy ra, Dương Phàm cất giọng nói:
- Bản quan là Lang trung hình bộ Dương Phàm, có việc đại sự liên quan đến thiên tử muốn gặp Lý Tể tướng, ai dám cản ta!
Nói xong Dương Phàm giơ thẻ bài ra.
Ngư phù là vật chứng nhận thân phận của các quan lại, nhưng sau này không biết kẻ nào đã chạy đến trước mặt Võ Tắc Thiên ton hót rằng Võ thị đương triều, người luyện võ Huyền Vũ, tức là rùa trong Tứ tượng, vì thế đã bỏ Ngư phù và cho đúc Quy phù, khi đó rùa vẫn là một trong Tứ linh, là cát thú và thần thú trong truyền thuyết, không phải lời mắng chửi, vì thế thắt lưng mà các quan viên vẫn dùng đã đổi thành hình con rùa.
Đám hạ nhân trong phủ Tể tướng nghe nói hắn là quan viên Hình bộ, lại thấy thẻ bài nên biết thân phận hắn không phải là giả, hơn nữa còn nghe hắn nói nguy cấp như vậy cũng không dám cản, thế nhưng lại sợ tự ý để cho hắn vào sẽ khiến gia lang tức giận, vì thế đành phải như ong vỡ tổ lao theo hắn đi về phía nhà sau.
- Tướng gia, Vạn Vinh kính người một chén rượu.
Đám khách ở trong sảnh nhà sau, người thì làm thơ, kẻ giành lấy nhạc cụ trong tay các nhạc công để gảy, còn có người uống đến cao hứng, vừa múa vừa hát đi lên trên bục nhảy múa với đám ca kỹ, một đại hán khôi ngô cầm bát rượu tới trước mặt Lý Chiêu Đức đang vuốt râu vừa xem vừa cười.
Người này tên là Tôn Vạn Vinh, ăn vận và giọng điệu không khác gì người Hán, nhưng hắn ta lại là người Khiết Đan. Trước đây hắn ta từng lấy thân phận Đại Hạ Thị của Bộ tộc Thị Tử Khiết Đan tới Đại Đường làm chất tử , sinh sống trong thời gian dài ở Trường An và Lạc Dương, vì thế nói tiếng Hán rất tốt.
Hắn ta đã trở thành thủ lĩnh Đại Hạ Thị của Khiết Đan, được Đại Đường phong làm Hữu Ngọc Căng Vệ tướng quân, quy thành Châu Thứ sử, phong tước Vĩnh Lạc huyện công, là nước chư hầu của Đại Đường. Lần này hắn ta tới Lạc Dương bái cống, sau khi tiến cống sau đã cố ý đến chào Lý Chiêu Đức, muốn bái môn hạ Tể tướng, quan hệ một chút để thăng tiến trên con đường quan lộ.
Tôn Vạn Vinh ở Trung Nguyên nhiều năm như vậy cũng chẳng hề uổng công, sau khi hắn ta quay về bộ lạc và trở thành tù trưởng, hắn đã vận dụng những kiến thức đã học được ở Trung Nguyên để đưa Đại Hạ Thị ngày càng lớn mạnh, hiện đã có thực lực cạnh tranh vị trí cao nhất của Liên minh bộ lạc Khiết Đan.
Tù trưởng các bộ lạc của Khiết Đan đa số đều từng nhận qua chức quan từ Đại Đường lúc đầu hoặc Đại Chu Hoàng đế hiện giờ, phẩm cấp quan chức của các tù trưởng bộ lạc đều tương tự nhau, nếu hắn ta tiếp tục thăng quan, như vậy có thể chấn áp thủ lĩnh các bộ lạc khác, cơ hội giành được chức vị cao nhất trong Liên minh bộ lạc cũng sẽ tăng lên.
Khiết Đan là một nơi nghèo khó, không so được với Lâm Hạt của Hắc Thủy ở phía đông (Nữ Chân) có nhân sâm, lông chồn, đông châu v.v…, cũng không bì được Đột Quyết và Tây vực có các sản vật như châu báu nhiều màu sắc, vàng. Lần này nhân cơ hội tiến cống, để lấy lòng Lý Chiêu Đức, hắn ta đã chạy đông chạy tây để thu thập về mười con ngựa tốt, một trăm lĩnh da cáo, còn có một bộ áo giáp và yên ngựa bằng vàng làm từ Triều Tiên, một trăm viên đông châu vơ vét từ Lâm Hạt – Hắc Thủy và năm mươi gốc nhân sâm trên trăm tuổi.
Nhân sâm đã được nhân dân trong nước dùng từ lâu, trong chữ khắc trên đồ bằng đồng xanh của thời kỳ Ân Thương đã nhắc tới nó, khi ấy vật được đúc trên các dụng cụ thì có thể thấy được tầm quan trọng đối với mọi người thời đó. Trong “Thần Nông Bách Thảo kinh” cuối thời Chiến Quốc, nhân sâm cũng được kê là thuốc bổ thượng phẩm, Lý Chiêu Đức tuổi tác đã cao, các vật phẩm khác lão không để ý lắm, mà năm mươi gốc nhân sâm già này mới khiến lão thích thú.
Vừa thấy Tôn Vạn Vinh nâng chén rượu tới gần, nhìn lão bằng ánh mắt mong đợi, Lý Chiêu Đức đã hiểu ý của hắn ta liền cười nói:
- Đại Hạ Thị từ sau khi ngươi làm thủ lĩnh hàng tháng đều đến bái triều, năm nào cũng tiến cống, hữu hảo với Đại Chu ta, là tấm gương cho các bộ lạc khác, triều đình rất ngợi khen.
Những việc ngươi đã xin cứ yên tâm đi, bổn tướng sẽ tấu lên thánh nhân.
Tôn Vạn Vinh vui mừng khôn xiết, luôn miệng cảm tạ, nâng chén rượu nói:
- Vạn Vinh kính Tướng gia, chúc Tướng gia khỏe mạnh an khang, thọ tỉ Nam Sơn!
Lý Chiêu Đức cười ha hả, nâng chén rượu lên vừa định nhấp một ngụm thì nghe thấy những tiếng ồn ào hỗn loạn, đám ca kỹ đang múa hát trong sảnh và khách mời đều ngạc nhiên dừng lại, quay đầu ra nhìn. Lý Chiêu Đức nhướn mày, đặt chén rượu xuống với vẻ khó chịu, giận dữ quát:
- Chuyện gì mà hoảng sợ thế?
Đám đông trong sảnh rẽ sang hai bên, nhường chỗ cho một người đang đứng trước sảnh, đám đầy tớ trong phủ Tể tướng chần chừ không dám lại gần, chỉ có một tên lấy can đảm bẩm báo:
- A lang, người này tự xưng là Lang trung Hình bộ, có việc quan trọng bẩm báo A lang, không để cho tiểu nhân thông báo đã tự tiện xông vào.
Lúc này Dương Phàm mới chắp tay về phía lão, cương nghị nói:
- Lý Tể tướng, hạ quan có chuyện quan trọng bẩm báo, tới hơi gấp gáp, xin thứ tội cho hạ quan đã mạo phạm.
Lý Chiêu Đức mặc dù ngà ngà say nhưng tâm trí lại cực kỳ tỉnh táo, thấy Dương Phàm đứng sừng sững trong sảnh, hai đầu lông mày nhíu lại giận dữ, lão đã đoán được vì sao hắn tới, Lý Chiêu Đức xua tay nói với người hầu:
- Các người lui ra đi.
Sau đó lão từ từ đứng dậy, vừa cười vừa nói với đám đông khách khứa:
- Chư vị bằng hữu cứ ăn uống thỏa thê, chớ để mất hứng. Dương lang trung này đến có việc bàn bạc với tại hạ, tại hạ phải tới thư phòng, lát nữa sẽ lại tới nâng ly cùng chư vị bằng hữu.
Các vị khách của phủ Tể tướng lúc này mới chợt hiểu ra, mọi người đã vui vẻ thoải mái như trước, rối rít chắp tay, hùa nhau nói:
- Tướng công hôm nay nghỉ ngơi mà vẫn nhớ tới quốc sự, đúng thật là tấm gương mẫu mực. Tướng công cứ đi đi, không cần để ý tới bọn tại hạ.
Lý Chiêu Đức cười mỉm chắp tay với các vị khách rồi cất bước đi ra khỏi phòng, Dương Phàm cũng không nhiều lời, chỉ đi sát phía sau lão. Lý Chiêu Đức dẫn hắn rời khỏi hoa uyển, đi vào thư phòng, vừa bước vào lão đã đổi sắc mặt, vỗ bàn quát to:
- Dương Phàm! Ngươi thật to gan, hết lần này đến lần khác coi thường bổn tướng, mạo phạm cấp trên, ngươi nói xem lão phu không trị được ngươi sao?
Lý Chiêu Đức giận dữ nhưng không dọa được Dương Phàm, hắn đứng sừng sững ở đó, trầm giọng nói:
- Lý Tể tướng say rồi!
Lý Chiêu Đức giật mình, tức giận nói:
- Lão phu say hay không, liên quan gì tới ngươi?
Khóe mắt Dương Phàm ánh lên vệt máu căm hận, hắn gằn từng câu từng chữ:
- Uống máu người cũng say sao?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.