Sau nửa tháng, việc chất tử Tống Quốc chạy trốn mới bị phát hiện.
Từ vụ việc này mới có thể nhận ra, sự tồn tại của Tống Kinh Lan ở hoàng cung Đại Lâm gần như bằng không. Chủ yếu là vì hắn thường xuyên đóng cửa, không tiếp khách, không giao du, ru rú nhốt mình trong mảnh sân nhỏ của Thúy Trúc Cư, trong cung hắn không có bạn bè, cho nên cũng chẳng ai để ý hắn có khỏe mạnh, hay ốm yếu, tình hình dạo này ra sao.
Lãnh cung còn có người ba bữa đưa cơm, còn Thúy Trúc Cư... đó mới chính là nơi hoàn toàn bị quên lãng.
Người phát hiện ra Thúy Trúc Cư vườn không nhà trống là cung nhân của một phi tần nhỏ, do mèo nhà nàng ta chạy đến khu đó thì mất hút cho nên tiểu thái giám phụ trách tìm con thú cưng kia bất đắc dĩ phải gõ cửa Thúy Trúc Cư, hắn ta gõ rất lâu cũng chẳng có ai ra mở cửa. Hắn còn tưởng người bên trong cố ý đùa cợt mình, nóng nảy tìm cung nhân phá cửa. Sau khi đi vào mới phát hiện bên trong vắng vẻ không một bóng người.
Tiểu thái giám lập tức hồi bẩm cho vị phi tần kia, phi tần vội vàng đến thỉnh an hoàng hậu bẩm báo về việc nói trên, sau đó hoàng hậu mới báo lên Lâm Đế.
Nếu không phải vì việc này, sợ rằng sẽ chẳng có người nào phát hiện chất tử Tống quốc vụng trộm chạy trốn.
Lâm đế hay tin vô cùng tức giận, ban thánh chỉ xuống, lập tức cho người truy bắt. Ông ta vốn chẳng thèm để ý đến việc một con tin nhỏ nhoi chạy trốn, nhưng lại không thể tha thứ cho việc hoàng uy của bản thân bị đùa cợt, coi thường.
Hoàng tử Tống Quốc dám chạy trốn, hơn nữa còn đào thoát thành công! Quả thực là một nỗi nhục lớn đối với hoàng quyền, là hành động phỉ báng không coi hoàng đế Đại Lâm vào mắt.
Nhưng trong nửa tháng đó, lấy sự túc trí đa mưu, cẩn trọng cùng khinh công xuất sắc của Tống Kinh Lan, nói không chừng đã an toàn trở về Tống Quốc.
Lâm Đế truy đuổi một thời gian không có kết quả, lại gửi một phong thư hỏi tội đến Tống Quốc. Chỉ là một chất tử bị Quốc gia ghẻ lạnh, xua đuổi đến Lâm Quốc thì có địa vị gì? Ông nhất định phải ép Tống Quốc đem người trả lại, nghiêm khắc trách phạt, mới vãn hồi lại mặt mũi của bản thân.
Kết quả một Tống Quốc luôn nơm nớp lo sợ, e dè Đại Lâm, đột nhiên cứng rắn viết thư hồi âm biểu thị: Quốc quân bệnh nặng, chỉ có một tâm nguyện là có Thất hoàng tử chăm sóc bên giường. Thất Hoàng tử hiếu tâm, không quản vạn dặm đường xa, tức tốc về nước phụng dưỡng phụ hoàng. Trăm điều thiện lấy chữ Hiếu làm đầu, Hoàng đế Đại Lâm ngày thường đều một mực tôn sùng đạo hiếu, chắc chắn không làm ra hành vi tàn nhẫn như chia cách tình phụ tử.
Lâm Đế xác thực không làm được...
Hình ảnh của ông trong mắt thiên hạ chính là tiêu chuẩn của một đứa con hiếu thảo. Tống đế lâm bệnh nặng là thật, Tống Kinh Lan vì quá lo lắng, bất chấp nguy hiểm trở về cố quốc chăm sóc phụ thân là điều đáng tán dương, nếu ông còn muốn lưu tên sử sách là một minh quân hiếu nghĩa, nhân từ thì không thể ép vị hoàng tử kia trở về.
Tống quốc không chỉ gửi đến bức thư trả lời còn bổ sung thêm thỉnh cầu Lâm Đế đồng ý cho thất hoàng tử trở về cố quốc cùng thư và lễ bồi tội. Chuyện này cứ vậy cho qua.
Lâm Phi Lộc sau khi nghe chuyện này có phần kinh ngạc. truyện ngôn tình
Tiểu Khả Ái sống ở Lâm Quốc nhiều năm như vậy, theo lý chắc chắn Tống Quốc đã muốn từ bỏ hắn, không thể ngờ sau khi chàng ta trốn về, Tống quốc lại đồng ý bác bỏ thư hỏi tội của Lâm Đế vì chàng ta, còn tìm được lý do đường hoàng để thoái thác, có thể thấy địa vị của Tiểu Khả Ái sau khi về nước không những giảm mà còn tăng gấp bội, cũng không hiểu chàng ta làm cách nào.
Thấy chàng ta bình an vô sự, cô cũng coi như yên tâm.
Sau đại hôn của Thái tử, liên tiếp phát sinh những chuyện không may mắn như: phi tần treo cổ tự tử, chất tử bỏ trốn. Không biết từ đâu có nơi đồn đại nói hôn sự này của Thái Tử không cát, ảnh hưởng đến vận khí của Hoàng gia, chỉ sợ sau này sẽ còn phát sinh nhiều chuyện không thuận lợi khác.
Tựa hồ như để khẳng định thêm sự chắc chắn của lời đồn thổi kia, bên trong hậu cung lại phát sinh chuyện phi tần sinh non và một tên thái giám đột nhiên nổi điên đánh người.
Vị phi tần sinh nói mới có thai ba tháng, ban ngày nàng ta đi dạo ngự hoa viên nhưng bình thường đột nhiên ban đêm đau bụng không chịu nổi, sau đó sảy thai.
Mà chuyện của vị thái giám kia còn ly kỳ hơn, trước đó hắn ta còn rất tốt, hầu hạ chủ tử vô cùng chu đáo, đột nhiên ôm đầu rống lên một tiếng, ánh mắt trống rỗng như kẻ mất hồn bổ nhào về phía cung nữ bên cạnh, há miệng cắn mạnh vào cổ nàng ta. Cung nữ bị cắn rách một mảng thịt, máu tươi chảy ra lênh láng, còn tên thái giám kia bị thị vệ kéo đi dùng côn đánh chết.
Nhất thời cả cung điện cảm thấy bất an.
Mặc dù hoàng hậu lệnh toàn bộ hậu cung không được bàn tán, nghị luận chuyện này, nhưng lời đồn đại là thế, một đồn trăm, trăm đồn nghìn, miệng mọc trên người, ai cấm cản được, chẳng mấy chốc tin đồn đã truyền ra ngoài cung, lan nhanh với tốc độ chóng mặt, rồi rơi vào tai Lâm Đế. Mặc dù ông không nói gì, nhưng lại truyền cao tăng Hộ Quốc tiến cung làm một trận pháp trừ tà, cầu bình an. Sau đó tuyên Khâm Thiên Giám gieo một quẻ cho Thái Tử xem có phải thời điểm đại hôn có sai sót hay không?
Lâm Phi Lộc vừa nghe thấy lời đồn đại này liền biết hơn phân nửa là Nguyễn Quý Phi giở trò quỷ, tuy hai câu chuyên ban đầu là ngẫu nhiên nhưng những sự tình vừa vặn trùng hợp về sau nghĩ thế nào cũng cảm thấy có bàn tay con người tác động. Nhưng cổ nhân mê tín, thờ phụng hung cát, lại bị kẻ có tâm tư lợi dụng, đổi trắng thay đen thì giả cũng thành thật.
Những năm gần đây đích trưởng tranh đấu, kỳ thực dù Nguyễn Thị Nhất Tộc làm cách nào cũng không thể chiếm thế thượng phong, ngược lại tạo cơ hội cho bè phái Tư Tướng thừa cơ bành trướng, hiện tại còn về chung một thuyền với phe Thái tử. Lợi dụng hôn sự này, cố ý chia rẽ lòng quân thần, xác thực là nước cờ cao tay.
Thấy hoàng hậu vì chuyện này mà tiều tụy đi không ít, Thái Tử và Thái Tử Phi tinh ý giảm bớt tần suất lộ diện, Nguyễn Quý Phi cảm thấy không thể bỏ lỡ cơ hội này lập tức truyền mẫu thân vào thăm, mục đích báo tin cho Nguyễn Tướng: "Trở về, nói với phụ thân, nhất định phải giải quyết ổn thỏa tình hình thủy lợi ở Giang Nam năm nay. Hoàn thành được chuyện này, danh tiếng của Nguyễn Tộc trong dân gian sẽ tạo tiếng vang lớn, lấy được sủng ái của bệ hạ."
Năm ngoái Lâm Đình bắt đầu vào triều thảo luận chính sự, chỉ là không có công trạng gì nổi bật. Vấn đề lũ lụt và tình hình đê điều của Giang Nam là điều Lâm Đế vẫn luôn trăn trở từ lâu, do vậy các bè phái đều muốn giành về phía mình, nhằm lập công với hoàng đế.
Mẫu thân Nguyễn Quý Phi nhíu mày cân nhắc: "Việc đê điều ở Giang Nam trước kia đều do Lưu Doãn Bình phụ trách, lần này vốn định mượn thanh thế và kinh nghiệm của hắn để giải quyết vấn đề thủy lợi, ai ngờ lại phát sinh sự tình như thế."
Nguyễn Quý Phi cười lạnh một tiếng: "Mai tần đúng là một con ả vô dụng, có chút việc cũng không làm xong. Chết cũng tốt, cho phụ thân ả đỡ lý sự."
Hai người hàn huyên một hồi, mẫu thân Nguyễn Quý Phi xin phép cáo lui, trước khi đi không quên nhắc nhở: "Đầu xuân năm sau cũng nên cân nhắc chuyện hôn sự của Tề vương điện hạ rồi. Ý của tướng gia là: Điều kiện của Vũ An Hầu có thể đáp ứng."
Nguyễn Quý Phi gật gật đầu: "Bản cung hiểu."
Vũ An Hầu Vi Hồng Lan năm đó có công hộ giá thánh thượng nên được phong hầu, chưởng quản trật tự an ninh kinh đô, nắm trong tay 16 vệ, đích tử của ông ta cũng giữ chức vụ quan trọng trong Đại Lý Tự, uy tín của ông ta trong quân có thể nói chỉ đứng sau Hề đại tướng quân. Nhưng Hề gia quanh năm trấn giữ biên cương, hiếm khi trở về kinh thành, ngược lại Vũ An Hầu cắm rễ tại kinh thành có tiếng nói hơn trong quân đội trấn giữ kinh thành.
Vi Hồng Lan có một nữ nhi duy nhất vừa qua nhược quán, tên gọi Vi Lạc Xuân, được ông ta nâng niu như hòn ngọc quý trên tay. Đây cũng chính là ứng cử viên thê tử của Lâm Đình mà bà nhìn trúng. Nhưng Vũ An Hầu chẳng phải tên đần. Ông ta biết Nguyễn Gia có mưu đồ gì, vì vậy ra hai yêu cầu bắt buộc phải thực hiện. Một là trước khi Thái tử hoàn toàn rớt đài, ông ta sẽ không huy động bất kỳ lực lượng quân đội nào trợ giúp Nguyễn Tộc Nhất Thị. Hai là sau khi thành thân, Lâm Đình phải viết sẵn một phong thư hòa ly, một khi nhà Nguyễn xảy ra chuyện, lập tức phải buông tha cho Vi Lạc Xuân, để con gái ông không bị liên lụy.
Hai yêu cầu này đều khiến Nguyễn Quý Phi tức đến phát điên, cho nên mới chậm chạp không đồng ý hôn sự. Nhưng hiện tại từ trên xuống dưới triều đình không có thể lực nào thích hợp hơn Vũ An Hầu. Nguyễn Tướng đã nói như vậy, Nguyễn Quý Phi cũng không thể tiếp tục giả mắt điếc tai ngơ, vì vậy dự định mấy ngày nữa sẽ đến gặp Lâm Đế bàn chuyện cưới hỏi.
Nhưng mà để cho thánh thượng bớt ngờ vực vô căn cứ, chuyện này không thể trực tiếp ấn định, mà phải vẽ ra câu chuyện tình chàng ý thiếp làm nền.
Bởi vậy Nguyễn Quý Phi sớm đã truyền tin cho Lâm Đình, lệnh cho con trai tháng sau nhất định phải đến dự tiệc Thưởng Tuyết Vịnh Thơ, đến lúc đó bên Vũ An Hầu cũng sẽ an bài Vi Lạc Xuân tham gia, để đôi trai gái "ngẫu nhiên gặp mặt".
Mặc dù Lâm Đình được ban phong hào Tề Vương, nhưng trong người trong kinh thành vẫn quen gọi chàng là "Ngọc Vương", bởi tính tình ôn nhuận như ngọc, hòa nhã, dễ gần, cùng dung mạo băng thanh ngọc khiết, tài năng hơn người của chàng, cũng vì thế không ít tiểu thư quyền quý đem lòng ngưỡng mộ. Chỉ cần chàng nguyện ý, thì việc gây ấn tượng với một Vi Xuân Lạc chẳng khó khăn gì.
Tiệc Thưởng Tuyết Vịnh Thơ là bữa tiệc tao nhã được các quý tộc trong kinh thành tổ chức 2 năm trước, sau đó thành sự kiện thường niên. Mỗi khi mùa đông đến, những bông tuyết trắng xóa phủ kín nhân gian, tất cả các quý nữ, công tử thế gia lại tụ tập cùng nhau ủ rượu, vịnh thơ. Quy tắc ngầm của giới quý tộc chính là nếu có vị tiểu thư, công tử nào không được mời dự đồng nghĩa với việc gia đình người đó đã sa sút, không còn đủ đẳng cấp có mặt tại nơi văn nhã, cao quý này.
Mỗi năm đều có những tác phẩm xuất sắc ra đời từ đây, đó cũng là cách khiến một ai đó nhanh chóng thành danh nổi tiếng khắp kinh thành hiệu quả nhất. Vì vậy hằng năm đều có vô số người tìm đủ mọi thủ đoạn trà trộn vào hội thơ.
Năm kia Lâm Phi Lộc cũng đến nhìn qua một lần, cô không biết làm thơ, vì vậy chỉ đến xem náo nhiệt, thuận tiện lấp đầy bụng điểm tâm, thưởng thức một bầu trời soái ca, mỹ nữ, nhưng rốt cuộc cũng chỉ có vậy, nên năm ngoái không đi nữa.
Hôm nay nhân dịp thời tiết đẹp, tâm trạng vui vẻ, Lâm Phi Lộc quyết định đến Tề vương phủ thăm Lâm Đình. Vừa đến cửa đã thấy cung nhân thân cận hầu hạ Nguyễn Quý Phi đi từ trong phủ ra. Cung nhân thấy cô cũng không quá ngạc nhiên, hành lễ xong liền rời đi. Cô rảo bước vào trong, liền thấy Lâm Đình khoác áo choàng lông cừu thất thần ngắm hồng mai.
Lâm Phi Lộc cao hứng, reo lên: "Đại hoàng huynh! Muội tới thăm huynh này!"
Huynh ấy chậm rãi quay đầu, nửa khuôn mặt ẩn dưới lớp áo lông, thoáng chút lạnh lùng. Ánh mắt dừng trên người cô, mới chậm rãi ngẩng lên, cánh môi mỏng không chút huyết sắc khẽ cong lên, đáy mắt dần dần tan băng, ấm áp ôn nhu, khóe mắt huynh ấy cong cong, dịu dàng nói: "Lộc Nhi đó à."
Lâm Phi Lộc chạy đến bên cạnh huynh trưởng, nghiêm túc quan sát vài lần mới mở miệng: "Đại hoàng huynh, sao dạo gần đây huynh lại gầy thế? Cằm cũng nhọn ra rồi!!" Cô xoa xoa mặt mình hờn dỗi nói tiếp: "Còn nhỏ hơn cả mặt muội."
Lâm Đình cười rộ lên, nhét lò sưởi cầm tay vào tay tiểu muội muội, ôn tồn hỏi: "Lạnh không? Cầm lấy!!"
Từ khi bắt đầu luyện tập võ công, thân thể cô khỏe khoắn hơn nhiều, chẳng sợ lạnh cũng chẳng sợ rét, dù mùa đông đến vẫn cảm thấy chân tay ấm áp dễ chịu. Cô xòe đôi bàn tay nhỏ nhắn của mình ra trước mặt đại huynh, cười rộ lên: "Không lạnh chút nào. Huynh xem, còn cực kỳ ấm áp nữa nhé."
Cô quay đầu chỉ chỉ cửa phủ, như không có việc gì hỏi: "Đại hoàng huynh, vừa rồi là người trong cung ạ? Hắn tới đây làm gì vậy?"
Lâm Đình không bao giờ giấu giếm tiểu hoàng muội cái gì, nhàn nhạt đáp: "Người mẫu phi phái đến, nhắc ta tham gia hội Thưởng Tuyết Vịnh Thơ sắp tới."
Lâm Phi Lộc cảm thấy kỳ quái: "Lấy thân phận của đại hoàng huynh không cần thiết phải đến mấy hội thơ đó."
Lâm Đình bật cười không đáp, lại nhìn về phía cái rổ nhỏ treo trên khuỷu tay tiểu muội, ôn tồn hỏi: "Đây là gì thế?"
Biểu cảm trên khuôn mặt Lâm Phi Lộc lập tức sinh động, bê chiếc giỏ lên trước mặt chàng như nâng một vật quý giá, cười tủm tỉm nói: "Huynh xốc tấm khăn lên xem đi."
Bên trên chiếc giỏ che một tấm khăn đen dày, Lâm Đình liếc muội muội một cái, vươn tay chậm rãi nhấc tấm vải lên.
Trong giỏ là ba bé thỏ con trắng như tuyết, đang ghé đầu vào nhau, vừa vặn một lòng bàn tay, giống hết ba nắm bột nếp trắng tròn, mũm mĩm, vô cùng đáng yêu.
Cô đưa chếc giỏ cho Lâm Đình cao hứng nói: "Thỏ muội nuôi sinh, ba bảo bảo này chính là con của em ấy. Tặng đại hoàng huynh đó."
Lâm Đình Đình nhìn ba nhóc con mềm mại, khả ái trong giỏ hồi lâu không có động tĩnh, giống như đang ngẩn người, cả thần sắc cũng tràn ngập vẻ kinh ngạc. Lâm Phi Lộc giơ bàn tay ra trước mặt huynh ấy, quơ quơ khẽ gọi: "Đại hoàng huynh?"
Cuối cùng Lâm Đình cũng có phản ứng, mím môi dưới, lại từ từ giơ tay lên vuốt ve đầu mấy chú thỏ con. Ba nắm bột nếp kia mặc dù có chút sợ người lạ nhưng không hiểu sao lại chẳng hề sợ chàng, tranh nhau chen lấn cọ cọ đầu lên tay Lâm Đình.
Đáy mắt ảm đạm, u sầu dần dần mềm mại, sáng lấp lánh.
Chỉ tiếc rằng, chàng ta vuốt ve một hồi, chỉ nhàn nhạt nói: "Muội mang về đi! Ta không thể chăm sóc tốt bọn chúng được."
Lâm Phi Lộc buồn bã: "Không ai chăm sóc động vật tốt hơn huynh cả. Trong cung muội vẫn còn 3 con, sợ nuôi nhiều quá không chăm sóc được chúng, coi như đại hoàng huynh giúp muội nuôi dưỡng chúng nhé?"
Lâm Đình giật giật môi, định nói gì đó, Lâm Phi Lộc nhanh trí lên tiếng trước: "Trước kia muội đều giúp hoàng huynh nuôi thỏ con, hiện tại đến lượt huynh giúp muội. Chẳng lẽ có vậy thôi mà huynh cũng không đồng ý sao? Hừ!!"
Đại hoàng tử bất đắc dĩ lắc đầu, cười cười, chàng luôn không có cách nào với tiểu công chúa này nhà mình, rốt cuộc vẫn thuận theo ý muội muội: "Được rồi. Ta nuôi. Ta nuôi."
Lúc này Lâm Phi Lộc mới hài lòng, lập tức rủ đại huynh nhà mình bắt tay làm ổ. Hai huynh muội bận rộn đến tận trưa. Trong đình viện Tề Vương Phủ một chiếc ổ ấm áp, thoải mái cực lớn đã được dựng xong.
Lâm Phi Lộc xắn tay áo hứng khởi bừng bừng: "Đại hoàng huynh, Tai Dài cũng sắp làm cha, đến lúc vợ của nhóc đó sinh con, muội sẽ đưa đến đây thêm hai bé nữa."
Lâm Đình nhìn ba nắm bột nếp trắng phau tròn vo chậm chạp di chuyển trong ổ, cười dịu dàng, gật đầu: "Được."
Tới chạng vạng tối, Lâm Phi Lộc mới hồi cung. Ở Tề Vương Phủ cô tỏ ra vô cùng vui vẻ, cười nói liên mồm, mãi cho đến khi ra khỏi cổng lớn, ngồi vào xe ngựa, khuôn mặt thanh thuần, vô ưu vô lo kia mới trầm xuống, ánh mắt đầy muộn phiền trầm tư, không hề hợp với lứa tuổi.
Trạng thái của đại hoàng huynh hình như không được tốt lắm.
Đã nhiều năm trôi qua, cô sớm đã không còn đoán được những suy nghĩ trong lòng vị ca ca ôn nhu, thiện lương của mình nữa, nhưng Lâm Phi Lộc cảm thấy rõ ràng, thứ ánh sáng ấm áp, tinh khiết trong đáy mắt dịu dàng ấy càng ngày càng lụi tàn, ảm đạm, chỉ còn lại vẻ trống rỗng, mỏi mệt.
Một mình huynh ấy ở ngoài cung, sống trong phủ đệ to lớn, sa hoa, ngoại trừ những hạ nhân, thì ngay cả một người tâm sự, truyện trò cũng không có. Lúc trước Nguyễn gia muốn nạp thiếp cho Lâm Đình, huynh ấy nhất quyết cự tuyệt, như thể chẳng muốn có quan hệ với người nào, chẳng muốn rằng buộc với ai, chẳng yêu thích, cũng chẳng vương vấn, ngay cả những động vật nhỏ mà huynh ấy trước giờ rất đỗi yêu thương cũng không chịu nuôi.
Lâm Phi Lộc vừa đau lòng, vừa lo lắng.
Sau khi hồi cung, Tùng Vũ liền lập tức hồi bẩm rằng, hôm nay thái tử phi sai người đến mời ngũ công chúa qua Đông Cung nói chuyện.
Vì lời đồn thất thiệt kia, Tư Diệu Nhiên trong cung cực kỳ thận trọng từ lời ăn, tiếng nói đến hành động. Ngoại trừ thỉnh an theo thông lệ, bình thường nàng ấy đều tự giam mình trong Đông Cung để tránh xảy ra biến cố. Nàng vừa vào cung đã xảy ra chuyện xui xẻo như vậy, đối phương lại còn dùng hôn sự của nàng để đặt điều, xuyên tạc, vì vậy bản thân nàng cũng lo lắng, buồn bã.
Lâm Phi Lộc thở dài một hơi.
Cuộc chiến đoạt đích tranh quyền này bao giờ mới kết thúc.
Lần này Nguyễn Quý Phi cho Thái tử ăn thiệt thòi lớn như thế, khiến thanh danh của Đông Cung cũng bị ảnh hưởng. Thái tử đương nhiên sẽ không ngồi yên.
Bè phái hoàng hậu_Thái tử nhanh chóng phản công.
Mới sáng sớm, Lâm Phi Lộc vừa mới tỉnh dậy đã nghe sét đánh Từ đường của Hoàng Gia bị sụp.
Từ đường của hoàng thất Đại Lâm nằm trên núi Phật Quang. Bên trong đều là tro cốt của liệt tổ liệt tông Lâm gia, và các nhà hiền triết lỗi lạc của Đại Lâm từ ngày lập quốc.
Năm ngoái các quan viên phụ trách trông coi từ đường đã trình báo, nóc từ đường có một số chỗ bị dột, các tượng thờ cũng xuất hiện các vết rạn, nứt.
Từ đường này đã được sửa lại cách đây mấy năm, hàng năm đều cho người tu sửa, hơn nữa gần đây Lâm Đế đã trực tiếp phân bổ một số ngân lượng lớn từ Ngân Khố cho Công Bộ yêu cầu xây dựng mới phần chính điện của từ đường tổ tiên trên núi Phật Quang.
Công Bộ tức tốc khởi công, năm ngoái sửa mới xong Lâm Đế còn mang theo 8 hoàng tử, công chúa đến đây bái tổ.
Ai ngờ hiện tại không được bao lâu, từ đường tốn bao vàng bạc xây mới lại đổ sập một cách dễ dàng.
Lâm Phi Lộc nghe xong cờn sợ ngây người chứ đừng nói đến Lâm Đế. Chuyện này vô cùng nghiêm trọng, không thua gì việc quân man di tấn công trực tiếp hoàng thành.
Từ đường trong một đêm đổ sập hoàn toàn, vùi chết 5 quan viên, và hơn 10 cung nhân phục vụ. Lâm Đế nhận được tin giữa đêm khuya. Cơn buồn ngủ lập tức biến mất, ban đầu ông còn tưởng rằng tổ tông nổi giận giáng tai họa. Ngay trong đêm đó hoàng đế triệu tất cả trọng thần và Khâm Thiên Giám đến Dưỡng Tâm Điện thương nghị.
Kết quả sau khi điều tra kỹ, lại tra ra Công Bộ Thượng Thư tham ô ngân sách tu sửa từ đường, dùng chất liệu gỗ và vật liệu xây dựng thứ cấp, mới khiến từ đường sụp đổ.
Lâm Đế tức giận, lập tức hạ lệnh xét nhà, hơn 30 nhân khẩu nhà Công Bộ Thượng Thư bị tống vào thiên lao trong đêm. Phàm là những quan viên dính líu đến vụ việc này đều bị cách chức, hạ ngục, chủ mưu bị chém đầu thị chúng, người trong nhà nam thích chữ trên mặt chịu hình phạt lưu đày, nữ biếm thành nô dịch.
Quan trọng hơn vị Công Bộ Thượng Thư này là cánh tay đắc lực của Nguyễn tướng. Không những thế còn là môn sinh đắc ý nhất của ông ta. Hai nhà có quan hệ thông gia thân thiết, bởi vậy vụ tra xét này nhà họ Nguyễn bị liên đới không ít.
Biến cố lần này ngoài việc từ đường tổ tông sụp đổ, còn khiến gần 20 người thiệt mạng.
Lâm Phi Lộc không biết rốt cuộc là do vật liệu xây dựng dùng làm trụ kém chất lượng không chịu được sức nặng mà khiến từ đường sụp hay do bè cánh Thái tử âm thầm động tay động chân. Nhưng dù gì đến giờ phút này chân tướng không còn quan trọng nữa.
Bè cánh Nguyễn tướng bị tổn thương nguyên khí trầm trọng, thậm chí trong buổi chiều sớm ông ta còn bị Lâm Đế chỉ thẳng mặt giận dữ mắng mỏ dã tâm bừng bừng, tắc loạn triều chính.
Nguyễn Quý Phi mấy lần cầu kiến, đều bị ông lạnh lùng từ chối.
Thế cục trong chiều nháy mắt đổi hướng.
Phe Thái Tử lấy lại vị thế.
Hoàng hậu cuối cùng cũng có thể mở mày mở mặt, thời điểm Lâm Phi Lộc theo Tiêu Lam đến thỉnh an, thấy sắc mặt bà hồng nhuận, đáy mắt tỏa sáng, có thể nhận thấy rõ tâm tình nương nương đang rất vui vẻ.
Lâm Phi Lộc không thể nói mình vui vẻ, cũng chẳng thể nói mình buồn bã, chẳng qua chỉ là cảm thấy những người vô tội đã chết có chút đáng thương, đang yên lành trở thành vật hi sinh vô nghĩa cho cuộc chiến tranh giành ngai vang.
Khi đến thỉnh an Hoàng Hậu Lâm Phi Lộc gặp Tư Diệu Nhiên. Hiện tại Ngũ công chúa là người Thái Tử phi yêu quý nhất, sau khi rời Trường Xuân Cung, lập tức kéo tiểu cô khả ái này đến Đông Cung, nói là đã mời đến một vị đầu bếp trù nghệ siêu phàm đặc biệt làm bánh xốp giòn nhân thịt mà cô thích ăn nhất, vì vậy hôm nay nhất định phải đưa tiểu công chúa qua nếm thử.
Lúc Lâm Phi Lộc rời khỏi Đông Cung đã là chạng vạng tối, cô sờ sờ cái bụng căng tròn, vừa nấc vừa ì ạch vác xác về Minh Nguyệt cung. Vừa vào đã thấy một bầy thỏ con chạy toán loạn quanh viện.
Có 6 con tất thảy.
Lâm Phi Lộc thoáng sửng sốt, quay sang hỏi Thanh Yên: "Sao lại nhiều thêm 3 con?"
Thanh Yên cười đáp: "Lúc xế chiều, Tề Vương Điện hạ đem ba nhóc kia đến trả lại cho công chúa."
Trong đầu như vừa có một quả bom bị kích nổ.
Một thứ linh cảm bất an mạnh mẽ chưa từng thấy bủa vây lấy cô.
Cô sốt ruột hỏi: "Buổi chiều khi hoàng huynh đến có điểm gì khác thường không? Huynh ấy có để lại lời nhắn nào cho ta?"
Thanh Yên nghĩ một lúc, thành thật đáp: "Tề Vương điện hạ vẫn như bình thường cực kỳ ôn hòa, dịu dàng, ngài cũng không nói gì thêm, chỉ ôm Tai Dài đến vườn hoa ngồi thật lâu mới rời đi."
Lâm Phi Lộc hoảng hốt quay đầu chạy ra khỏi cửa.
Thanh Yên đuổi theo mấy bước, nhưng không kịp, thở dốc nói: "Công chúa người sao thế? Đã xảy ra việc gì vậy?"
Lâm Phi Lộc không trả lời chỉ cắm đầu chạy về phía cửa cung.
Cô cảm thấy toàn bộ kỹ năng khinh công mình học được mấy năm nay, ngay lúc này đã đạt đến cực hạn. Một đường bay thẳng đến Thái y viện. Lúc này sắp đến giờ tan ca, vừa chạy đến cổng đã gặp Mạnh Phù Tật cùng đồng liêu đang sóng vai cười nói, bàn về đơn thuốc, và các loại dược liệu.
Lâm Phi Lộc lao thẳng đến, không đợi người kia kịp định thần, đã bắt lấy tay y, gấp gáp nói: "Đưa ngươi theo. Nhanh lên. Đi với ta."
Mạnh Phù Tật sửng sốt, không nhiều lời vội vội vàng vàng theo nàng chạy thẳng hướng cửa cung.